Wednesday, September 16, 2009

PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM, THỬ THÁCH và TRIỂN VỌNG


Phong trào dân chủ Việt Nam, thử thách và triển vọng
Trần Trung Đạo
16/09/2009 12:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=10287
(Trình bày tại Ủy ban Yểm trợ Phong trào Dân chủ Quốc nội tại Toronto, Canada ngày 12 tháng Chín 2009)
Trước hàng loạt các vụ bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ trẻ vừa xảy ra trong nước, tôi xin phép được tập trung nhiều hơn vào các sinh hoạt và vai trò của thế hệ trẻ. Điều đó không có nghĩa tôi đánh giá thấp vai trò, sự đóng góp và những hy sinh của quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý vị thuộc thế hệ cao niên, các nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ đang nỗ lực đấu tranh trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Đối với phần lớn nhân loại ngày nay, dân chủ không còn là một khát vọng và một nỗ lực để đạt đến mà đã là một thực tế. Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều biến cố với hơn một nửa nhân loại chìm đắm trong máu xương thảm họa độc tài, từ Thực dân đến Quốc xã, Phát xít rồi Cộng sản, nhưng đồng thời cũng là thế kỷ đánh dấu khả năng của con người có thể vượt qua thảm họa bằng con đường dân chủ. Bài hùng ca dân chủ đã được hát lên từ thảo nguyên Mông Cổ và vang vọng đến tận các hầm sâu của các thợ mỏ Châu Phi.
Năm 1989, sự tan rã của khối Liên Xô đã tạo ra một không gian chính trị hoàn toàn mới tại Châu Âu và đã ảnh hưởng trực tiếp đối với trên 400 triệu dân thuộc 27 quốc gia thuộc vùng này, trong đó có 15 nước vốn thuộc khối Liên Xô. Sau một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn vì nạn thất nghiệp, suy thoái kinh tế, tình trạng xã hội mới còn nhiều bất an, các quốc gia Đông Âu đã phát triển vượt xa thời kỳ cộng sản qua các chính sách tư hữu hóa nền kinh tế và thực hiện hàng loạt các tiến bộ xã hội. Nhiều trong số họ như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Romania, Bulgaria v.v… đã trở thành các hội viên quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 1 Tháng Chín vừa qua, thế giới đánh dấu 70 năm Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ nhưng cũng là ngày khẳng định khả năng của con người có thể vượt qua được những mất mát, chịu đựng hy sinh vô bờ bến để vươn lên trong hòa bình, dân chủ và tiến bộ. Tương tự, Tháng Mười Một năm nay, nhân dân Đức cũng lần nữa khẳng định lòng yêu nước, yêu dân chủ tự do đã cao hơn và rắn chắc hơn cả Bức Tường Bá Linh khi họ tổ chức mừng 20 năm bức tường ô nhục này sụp đổ.
Sau 2005, làn sóng dân chủ đã mở rộng sang các quốc gia Trung Đông như Lebanon và Hồi Giáo như Pakistan, Iraq và ngay cả Iran. Cách đây chỉ hai tuần lễ, nhân dân Afghanistan lần thứ hai thực thi quyền chọn lựa người lãnh đạo của mình trong một cuộc đầu phiếu phổ thông với sự quan sát của hàng chục tổ chức quốc tế. Ánh mắt đầy hãnh diện của một người phụ nữ Afghanistan khi khoe tấm thẻ cử tri vừa đóng dấu của chị trước ống kính truyền hình đã làm chúng ta cảm động. Cuộc đấu tranh của phụ nữ Afghanistan từ thời hoàng hậu Soraya Tarzi đầu thế kỷ 20 đến khi có một nữ ứng cử viên tổng thống Masooda Jalal 2005 trải qua những giai đoạn vô cùng gian khổ. Trong nhiều thế kỷ và nhất là trong thời kỳ Taliban từ 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan đã bị tước bỏ gần như mọi thứ quyền làm người. Họ bị ngăn cấm làm việc, không được rời nhà một mình, không được khám bệnh bởi một bác sĩ nam giới, bị buộc phải che người từ đầu đến chân kể cả mắt, và 87 phần trăm phụ nữ Afghanistan không biết đọc biết viết. Dù sao ngày 20 tháng Tám 2009 vừa qua những người phụ nữ Afghanistan đã một lần nữa thực thi quyền dân chủ để chọn người lãnh đạo của mình được quy định trong hiến pháp 2004.
Và hôm nay, Tháng Chín 2009, phần lớn trong 192 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, tuy mức độ phát triển khác nhau và đang đi trên những chặng đường dân chủ hóa đất nước khác nhau, các quyền căn bản như quyền tự do ngôn luận, đi lại, các quyền chính trị như bầu cử, ứng cử, lập hội của người dân đã được tôn trọng. Tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng không còn bị giam hãm trong bốn bức tường của nhà tù tăm tối hay chìm vào quên lãng mà đã được lắng nghe.

Và Việt Nam?
Lẽ ra hôm nay, Việt Nam, một quốc gia bán đảo giàu có tài nguyên thiên nhiên và một khối dân 86 triệu trong đó 71% dân số dưới 40 tuổi và 60% dưới 30 tuổi, Việt Nam có tất cả các yếu tố cần thiết để phát triển thành một quốc gia thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội, nếu không hơn thì cũng bằng các nước khác trong khu vực. Nhưng không, Việt Nam sau 34 năm, trong mọi lãnh vực của đời sống con người vẫn còn thua kém rất xa các nước láng giềng.
Lẽ ra hôm nay, những người con ưu tú của đất nước như Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Đỗ Nam Hải, Trần Khải Thanh Thủy và các bạn trung niên hay trẻ hơn khác đang lao động quên mình trong lãnh vực chuyên môn của họ để cùng 60 triệu tuổi trẻ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Quá khứ dù có khó khăn vất vả nhưng tương lai tươi đẹp rồi sẽ đến. Dòng sông dù còn vẩn đục nhưng vì nước đang trôi nên sẽ có một ngày trong. Nhưng không, khi chúng ta đang ngồi đây, một số họ đang bị tù như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, vừa bị tù như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, được trả tự do nhưng luôn bị công an theo dõi, dòm ngó theo từng bước chân đi như trường hợp Huỳnh Việt Lang, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Lê Quốc Quân, Trần Khải Thanh Thủy v.v…
Lẽ ra hôm nay, 300 ngàn chuyên viên kỹ thuật Việt Nam thuộc các ngành nghề, lớn lên và học hỏi trên xứ người đã có cơ hội cùng bạn bè cùng thế hệ trong nước xây dựng và phát triển Việt Nam. Dù các em mang quốc tịch Mỹ, Đức, Ý, Anh, Pháp, hai tiếng “quê cha đất tổ” vẫn được nhắc nhở trong mỗi bữa cơm chiều, trong những ngày giỗ kỵ, trong bản nhạc, trong bài văn, bài thơ. Dòng máu đang chảy trong con người các em vẫn là dòng máu Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, từ chính trị đến xã hội, từ khoa học kỹ thuật đến khoa học nhân văn và là nguồn tài nguyên vô cùng cần thiết để đưa đất nước tiến kịp cùng đà tiến mỗi ngày một nhanh của nhân loại. Nhưng không, hôm nay, ngoài một số rất nhỏ, 300 ngàn chuyên viên kỹ thuật kia vẫn là một con số thống kê, một con số ước lượng trên báo chí chứ không phải là một thực tế đang tác động trực tiếp vào việc làm thay đổi đất nước.

Tại sao? Lý do đơn giản chỉ vì Việt Nam chưa có dân chủ, chiếc chìa khóa mở ra một xã hội Việt Nam thăng tiến. Ngày nay, Việt Nam vẫn còn là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới, đang bị cai trị bởi một thiểu số độc tài, cực đoan, ngoan cố nắm tất cả mọi quyền lực trong tay.
Và do đó, theo thiển nghĩ của tôi, trước khi chúng ta bàn đến sự giàu mạnh về kinh tế, tiến bộ về kỹ thuật, khả năng giành lại Hoàng Sa, Trường Sa, giành lại các phân đất biên giới phía bắc từ tay Trung Quốc, nhân dân Việt Nam phải giành lại quyền làm chủ đất nước, phải giành được quyết định vận mệnh của chính mình, quyền sống của một con người như nhiều tỉ người khác trên trái đất này.

Cuộc vận động dân chủ Việt Nam, thật ra, không phải chỉ bắt đầu vài năm nay, không phải chỉ bắt đầu trong 34 năm qua mà mầm mống đã được gieo trồng trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập. Giành độc lập dân tộc là một mục tiêu quan trọng nhưng chưa đủ. Ngày nào con người vẫn còn bị ràng buộc bằng những sợi xích bất công, bị tước đoạt các quyền công dân căn bản thì dù đất nước có độc lập đi nữa thì người dân vẫn còn sống trong nô lệ dưới hình thức khác và buộc phải làm tôi tớ cho chủ nhân khác. Độc lập dân tộc, do đó, phải gắn liền với tự do, dân chủ đất nước. Khi nào người dân ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, họ sẽ biết quý, biết giữ gìn và phát huy các giá trị của độc lập tự do. Người chủ xướng cuộc vận động vĩ đại đó không ai khác hơn là nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Tư tưởng Duy Tân Phan Châu Trinh chính là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ Việt Nam ngày đó cũng như hôm nay mặc dù Hồ Chí Minh dưới tên Trần Dân Tiên trong cuốn sách viết về mình Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã chê bai cụ Phan: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”.
Trong suốt 21 năm, nhân dân Miền Nam vừa phải từng bước xây dựng các nền móng cần thiết của một xã hội dân chủ sau nhiều thế kỷ bị xâm lược, rẽ chia và phân hóa, vừa phải chiến đấu để bảo vệ cuộc sống tự do mà họ đã chọn lựa. Cuộc chiến bảo vệ Miền Nam tự do từ 1954 đến 1975 là một cuộc chiến đầy chính nghĩa nhưng đã chịu đựng quá nhiều máu xương tang tóc.

Sau ngày cộng sản chiếm trọn Miền Nam, 30 Tháng Tư 1975, lực lượng người Việt yêu chuộng tự do tại Miền Nam tuy đã bị tước đoạt vũ khí nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự chịu đựng, bằng khí tiết. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị nhưng ở Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu, An Điềm… và hàng trăm nhà tù dã man khác đã được chế độ dựng lên khắp nơi trên đất nước. Ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số, dù bị đày ải, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm tin vào chân lý tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những người chiến thắng.
Căn nhà dân chủ mong manh trên mảnh đất Miền Nam đã bị làn sóng đỏ xô ngã nhưng những nền móng được dựng xây dựng bằng bao xương máu của hàng triệu người Việt vẫn còn đó, niềm tin dân tộc vẫn còn sống trong ý thức mỗi người dân và vươn lên trong nước cũng như hải ngoại qua nhiều hình thức khác nhau. Nhìn từ góc độ tích cực của cuộc vận động dân chủ lịch sử, Ngày 30 Tháng Tư, ngoài là ngày đau thương, tang chế, cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa khác. Trong con đường hầm đen tối của lịch sử dân tộc những ngọn đèn hy vọng đã sáng lên.
Ngày 30 Tháng Tư là đánh dấu sự cáo chung của ý thức hệ cộng sản. Cuộc chiến bằng súng đạn vừa chấm dứt nhưng cuộc chiến khác vốn diễn ra trong âm thầm giữa Dân Tộc và ý thức hệ Cộng Sản ngay từ ngày Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập. Những mâu thuẫn đó cháy âm ỉ trong suốt thời kỳ chiến tranh đã bộc phát thành lửa đỏ sau chiến tranh. Những cường hào ác bá đã chiếm các biệt thự nguy nga ở Hà Nội trước đây và Sài Gòn sau Tháng Tư 1975, không phải là những người làm nên lịch sử mà chỉ là những kẻ làm công việc giải thích, ăn cắp, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng xích hóa Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế, và hôm nay tiếp tục sống huy hoàng trên những thống khổ triền miên của dân tộc Việt Nam.
Ngày 30 Tháng Tư là ngày dân tộc Việt Nam có cơ hội đưa cuộc vận động dân chủ lên phạm vi cả nước. Những người Việt yêu chuộng tự do dù đang sống trong âm thầm, câm nín, chịu đau nhưng đã biết mình đứng đâu trong cuộc đấu tranh đầy cam go sắp tới. Mười chín triệu năm trăm ngàn đồng bào Miền Bắc đã phải sống trong xích xiềng cộng sản có cơ hội cùng đứng chung một giới tuyến với đồng bào Miền Nam trong mẫu số chung dân tộc. Mẫu số chung thiêng liêng đó không chỉ giá trị đối với những người đã từng hy sinh, từng đổ máu để bảo vệ Miền Nam mà còn cho cả nhiều triệu đồng bào đã bị khủng bố từng ngày, từng đêm suốt hơn 20 năm ở Miền Bắc. Mẫu số chung thiêng liêng đó vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo, thế hệ, trong hay ngoài nước.
Sau 34 năm, cuộc vận động dân chủ đã đạt những thành quả khích lệ. Không giống như trong thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90, các hoạt động phản kháng trong nước và chống Cộng từ ngoài nước đã diễn ra gần như hoàn toàn độc lập với nhau, các phong trào dân chủ ngày nay đã có nhiều điểm tương quan, gần gũi và yểm trợ nhau. Đồng thời, cũng khác với các phong trào chống Đảng phản ảnh đặc tính địa phương hay đoàn thể như Câu Lạc Bộ Kháng Chiến hay “Sĩ phu Bắc Hà” trong nước và các đảng phái quốc gia ngoài nước tiếp nối truyền thống vốn có tại Miền Nam trước đây, các phong trào chống độc tài cộng sản hiện nay mang có tầm vóc rộng hơn trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, dù với nhiều hình thức đấu tranh, bạo động hay bất bạo động, công khai hay kín đáo, cuộc vận động dân chủ đất nước đã tiến rất chậm so với sự mong đợi của chúng ta. Mục tiêu tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thăng tiến vẫn còn là một mục tiêu với tất cả khó khăn, thử thách đang chờ đợi. Và câu hỏi làm cách gì để đưa đất nước ra khỏi bế tắc độc tài hiện nay để trở nên một xã hội dân chủ văn minh là một câu hỏi lớn mà bất cứ ai quan tâm đến tương lai dân tộc đều phải đặt ra cho chính mình.

Có nhiều lý do khách quan và chủ quan đã làm cho cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam tiến chậm.
Lý do khách quan trước hết
vì chế độ đang thống trị Việt Nam ngày nay vẫn là chế độ độc tài tuyệt đối với tất cả phương tiện khủng bố con người về cả vật chất lẫn tinh thần không khác mấy với thời Stalin còn sống. Một trong những lý do giới lãnh đạo Đảng đã không thay đổi tên Đảng Cộng Sản thành một tên khác dễ nghe hơn, mặc dù họ biết phần lớn nhân loại đều khinh rẻ và xem đó như là một dấu tích của một giai đoạn suy thoái đầy tai họa trong quá trình phát triển của con người, bởi vì họ biết rằng chỉ bản thân hai chữ cộng sản thôi cũng đủ làm nhân dân Việt Nam mất ăn mất ngủ, một mối lo sợ ám ảnh thường trực trong tâm trí người dân Việt Nam.
Việc duy trì tên Đảng Cộng Sản Việt Nam là một biện pháp đối nội, là cách để cảnh cáo nhân dân Việt Nam rằng nhà tù vẫn còn đó, súng đạn cũng còn đó, các biện pháp trừng phạt không thương xót, những cách trả thù ghê rợn vẫn còn đó, sẵn sàng áp dụng như họ đã và đang áp dụng. Trong nội bộ Trung Ương Đảng, họ có thể tranh chấp nhau về quyền lợi cá nhân, về các chính sách ngắn hạn có tính chiến thuật của Đảng trong mỗi thời kỳ nhưng về lâu dài các cấp lãnh đạo trung ương luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu toàn trị của Đảng, các đặc tính kế thừa trong giới lãnh đạo vẫn được diễn ra theo một tiến trình chọn lọc kỹ càng và thận trọng như đã được thực hiện trong suốt gần 80 năm qua.
Một lý do khách quan khác, về mặt quốc tế, cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam thiếu ủng hộ tích cực và đúng mức từ các cường quốc thuộc khối tự do. Chính sách của Mỹ đối với Á Câu nói chung và Việt Nam nói riêng, gây tác hại cho Đảng Cộng Sản Việt Nam thì ít mà cho các phong trào vận động dân chủ thì nhiều.
Việt Nam ngày nay không còn là điểm nóng như trong thời Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản. Việt Nam ngày nay cũng không phải là Việt Nam thời chiến tranh biên giới lần thứ nhất, 1979, ới Trung Quốc, thời kỳ mà các hậu quả chính trị quân sự còn có thể tạo ra các ảnh hưởng chính trị quốc tế. Việt Nam ngày nay là một quốc gia nghèo nàn, cô đơn và cô thế.
Những buổi tiếp tân dành cho các nhà đối kháng Việt Nam tại tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn năm 2005, các buổi tiếp xúc với các lãnh đạo đảng phái quốc gia và cộng đồng Việt Nam trước khi Tổng Thống Bush lên đường thăm Việt Nam 2006 hay trước khi tiếp đón các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam 2007 chỉ là hình thức để chứng tỏ Mỹ là nước lãnh đạo thế giới dân chủ tự do và cũng để vuốt ve tình cảm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhiều hơn là một hình thức thu thập ý kiến, thăm dò quan điểm chuẩn bị cho một chính sách đối ngoại. Dưới chính quyền Barack Obama, ngoài chiến tranh tại Iraq va Afghanistan chưa dứt, nước Mỹ còn phải đương đầu với nạn đại khủng hoảng kinh tế, vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam gần như không được nhắc tới, ngoài hai chữ Khe Sanh trong diễn văn nhậm chức của ông.
Lý do thứ ba, các tổ chức cộng đồng Việt Nam hải ngoại hoạt động rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại hải ngoại nhưng chưa hữu hiệu trong việc phát động và phối hợp các chiến dịch chống Đảng ngay trong nước. Đồng thời, mức độ yểm trợ của cộng đồng Việt Nam hải ngoại dành cho các phong trào dân chủ trong nước chưa đủ mạnh để tạo nên một thế đối lực với chế độ và củng cố niềm tin trong lòng những kẻ đang đứng đầu sóng ngọn gió vào một hậu phương vững mạnh ở bên ngoài.
Có nhiều lý do đã tạo ra sự ngăn cách này. Không giống như cộng đồng các sắc dân khác tại Mỹ, cộng đồng Việt Nam được hình thành sau một cuộc chiến tranh dài với quá nhiều đau thương và chịu đựng. Người Việt Nam ra đi mang trên vai cả quá khứ đầy u uất và một tương lai còn nhiều bất định. Nhiều trong số họ đến được bến bờ tự do khi chiếc áo chưa phai hết mùi súng đạn và những vết thương trên da thịt vẫn còn đang mưng mủ từ năm tháng lao tù. Đa số người Việt đến hải ngoại sau 1975, nhất là các anh chị chú bác trong chương trình HO lòng còn sôi sục hờn căm sau một thời gian dài bị Đảng Cộng Sản Việt Nam lừa gạt, đày ải trong các trại tù khắp ba miền đất nước. Tiếng súng đã im nhưng sức chấn động vẫn còn nghe trong giấc ngủ xứ người. Những cựu tù nhân của chế độ không tin tưởng một chút nào nơi Đảng Cộng Sản là chuyện đương nhiên mà còn nghi ngờ bất cứ thành phần, cá nhân nào có ít nhiều liên hệ đến chế độ cộng sản. Sự đón nhận các phong trào dân chủ trong nước trong nhiều trường hợp vẫn còn giới hạn và thận trọng. Thái độ đó, trong lúc không tránh khỏi, đã làm yếu đi sức mạnh đoàn kết dân tộc vô cùng cần thiết trong cuộc đấu tranh chống lại một đảng độc tài có đầy kinh nghiệm làm phân hóa đối phương.
Đối với các phong trào dân chủ trong nước, tác giả Lâm Yến, sinh viên chương trình tiến sĩ kinh tế tại một đại học ở Mỹ, trong một loạt
tiểu luận về dân chủ đăng trên diễn đàn talawas.org tháng Bảy 2005, đã khai triển nhận xét của giáo sư Zachary Abuza, giáo sư Khoa Chính trị học tại Đại học Simmons College ở Boston và cũng là chuyên viên về Đông Nam Á, và đưa ra bảy điểm gọi là “hạn chế”, đúng ra là bảy thử thách mà những người đóng vai lãnh đạo các phong trào dân chủ trong nước phải vượt qua:
- Đa dạng và do đó họ hầu như không tìm được tiếng nói chung;
- Phần đông thuộc lớp người lớn tuổi;
- Chưa bao giờ được dân chúng coi là biểu tượng cho đạo đức và lương tri dân tộc;
- Không có hoặc có rất ít sáng kiến vận động xã hội, và do đó thường chỉ khẳng định lập trường bất đồng bằng một số bài viết và dừng lại ở đó;
- Không được tiếp cận hoặc không chủ động tìm cách tiếp cận với các lý thuyết về chuyển đổi dân chủ, với thực tiễn sinh động và các kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào dân chủ nhân quyền khắp nơi trên thế giới;
- Thiếu sáng kiến vận động xã hội và vì thế, không hướng vào đấu tranh nhằm hình thành hoặc mở rộng các biểu hiện sinh động ấy;
- Chỉ tập trung vào phê phán chính trị trực diện với hệ thống thượng tầng mà bỏ quên các biểu hiện sinh động của sinh hoạt dân chủ trong đời sống.
Điểm đầu tiên giáo sư Zachary Abuza phê bình thật ra là một hạn chế có tính khách quan chứ không phải chủ quan mà các nhà lãnh đạo các phong trào dân chủ mắc phải. Các nhà phản kháng, đại biểu cho các quyền lợi riêng của tập thể họ, đương nhiên phải đa dạng và phải phát xuất từ các môi trường khác nhau. Họ cần có thời gian để thay đổi cách nhìn. Cách mạng xã hội là một tiến trình luôn bắt đầu từ những cái riêng, rời rạc trước khi dẫn đến cái chung, từ cá thể dẫn đến tổng thể. Và các nhà phản kháng trong nước chứng tỏ họ đã vượt qua được thử thách đó.
Điểm thứ hai chỉ đúng với giai đoạn cuối thập niên 1980 hay đầu thập niên 1990 khi các nhà bất đồng chính kiến phát xuất từ chế độ hay đã từng phục vụ nhiều năm trong chế độ, nhưng không còn đúng với giai đoạn hiện nay khi các hoạt động gây tiếng vang lớn đều phát xuất từ lớp trung niên hay trẻ hơn. Thành phần đối kháng trẻ trung là điểm nổi bật của các phong trào dân chủ trong nước trong thời gian qua.
Những điểm hạn chế còn lại do Lâm Yến đưa ra đúng một phần nhưng đều là những điểm có thể sửa đổi được. Thời đại của những anh hùng biểu tượng cho lương tri dân tộc xuất hiện để lãnh đạo nhân dân đã qua rồi. Lãnh tụ sẽ được sản sinh từ các phong trào quần chúng. Một nhà phản kháng không nhất thiết phải trang bị cho mình tất cả các tiêu chuẩn về kiến thức, lý thuyết, sáng kiến vận động xã hội trước khi dấn thân vào đại cuộc. Không một trường đại học nào dạy làm cách mạng. Sáng kiến bao giờ cũng là kết quả của những tiếp cận, những va chạm thực tế, học hỏi từ những kiến thức mới, gạn lọc và áp dụng vào điều kiện Việt Nam.
Một số người quan tâm đến phong trào dân chủ trong nước cũng tỏ ra lo ngại cho sự đoàn kết trong nội bộ phong trào. Đó là mối lo chính đáng nhưng nghĩ cho cùng điều đó cũng không thể nào tránh khỏi. Điều quan trọng là các vị đó phải biết tự chế, nếu không họ sẽ bị đẩy lùi ra phía sau hay có thể rơi hẳn ra ngoài. Lý thuyết về dân chủ cũng thế. Lý thuyết có thể rất phức tạp nhưng luôn bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Khi ký giả báo New York Times phỏng vấn một cử tri Iran tại sao anh ta phải đi bỏ phiếu, anh trả lời “Đất nước tôi cần thay đổi”. Đúng như Karl Popper đã viết “Dân chủ là phương cách để thay đổi một chính quyền tệ hại mà không phải đổ máu”. Chỉ có thế. Việt Nam cũng có một chính phủ tệ hại cần phải thay đổi nhưng nhân dân Việt Nam lại không được quyền bỏ phiếu.
Ngoài tiểu luận số 1 bàn về “Bảy hạn chế lớn của bất đồng chính kiến ở Việt Nam”, tác giả Lâm Yến và nhóm Duy Tân Trẻ mà tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi cũng đã viết hàng loạt tiểu luận rất giá trị liên quan đến các phong trào dân chủ Việt Nam không chỉ hiện nay mà cả trước 1975, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia có hoàn cảnh tương tự. Họ là những người rất trẻ và đầy tâm huyết với đất nước. Ở một nơi xa xôi và cũng không bao nhiêu người biết đến họ nhưng qua khả năng dịch thuật, phân tích, tổng hợp, các bạn vẫn cống hiến một cách hữu hiệu vào dòng vận động dân chủ của đất nước.

Với tất cả các hạn chế, khó khăn, thử thách chủ quan và khách quan vừa nêu trên, phải chăng cuộc vận động dân chủ Việt Nam đã hoàn toàn bế tắc?
Với hàng loạt vụ bắt bớ các lãnh đạo trẻ như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung mới đây, phải chăng các phong trào dân chủ tại Việt Nam sẽ bị dập tắt, ít nhất trong một thời gian khá dài?


Không. Dân chủ cho dân tộc Việt Nam có nhiều triển vọng tốt đẹp và chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Sự tin tưởng đó không phải là một giấc mơ ngày mà phát xuất từ nhiều lý do cụ thể.

Thứ nhất, tôi tin rằng những bước thoái bộ mà các bạn trẻ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung đang gặp phải sẽ là những bài học, những vốn sống cho những nỗ lực khác của họ và các bạn trẻ khác trong tương lai chứ không phải là những thất bại của cuộc vận động dân chủ. Và dù cho Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung có bị loại ra khỏi cuộc tranh đấu này, hàng trăm, hàng ngàn Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung khác sẽ tiếp tục hành trình. Tôi không hô khẩu hiệu tuyền truyền đâu, đó là thực tế cách mạng sẽ diễn ra như đã từng diễn ra trong suốt dòng lịch sử. Tuổi trẻ là sức sống của dân tộc, tuổi của tìm tòi và khai phá. Những ưu tư về đất nước, những hổ thẹn xót xa khi nhìn sang thế giới hiện đại bên ngoài so sánh với một Việt Nam còn quá nhiều thua kém, đã buộc họ chọn cho mình một thái độ, một hướng đi cụ thể để gánh vác trách nhiệm lịch sử. Trong lúc hàng triệu người im lặng, họ đã cất lên tiếng nói. Trong lúc hàng triệu người ngồi yên, họ đã đứng dậy. Những việc họ làm có thể chưa hoàn toàn thích hợp với thời điểm này nhưng qua những chia sẻ dù ngắn ngủi với Trung, đọc bài Định viết, tôi tìm thấy trong các bạn trẻ đó một tình yêu nước vô cùng trong sáng. Ngọn lửa yêu nước thiêng liêng đó là máu, là tim, là hơi thở gắn liền với số phận của một đời người, và khi tắt đi thì đời người cũng tắt.
Ngồi xem các bạn “trả bài” trên các hệ thống truyền hình tôi thấy tội nghiệp, không phải cho Trung, cho Định, cho Thức mà cho Đảng, mấy mươi năm cũng không có một kỹ thuật khai thác nào mới, vẫn một bổn cũ từ thời Stalin đem ra dùng lại. Cho dù họ “thú tội” thật thì đã sao. Những anh hùng trong mặt trận đấu tranh vì tự do dân chủ ngày nay không nhất thiết là những người lúc nào cũng sẵn sàng vào tù ra khám, chịu đưa đầu cho giặc chém để bảo vệ danh dự, bảo vệ tên tuổi như các thời đại trước đây. Cuộc chiến còn dài. Tuổi đời còn trẻ. Họ xem việc thắng thua với nhà nước như một trò chơi mà giải thưởng dành cho các họ không phải là những huân chương, những bằng khen, những lời ca tụng mà là những niềm vui được đóng phần mình cho dòng thác cách mạng mà thế hệ họ đang theo đuổi và sẽ hoàn thành.

Thứ hai, tôi tin các bạn trẻ trong nước cũng như tại hải ngoại sẽ tiếp tục tận dụng sở trường và ưu thế đấu tranh của họ thay vì nối tiếp con đường thất bại mà các nhà phản kháng thuộc thế hệ trước đã đi. Mô thức đấu tranh ngày nay không nhất thiết phải là một đảng mà là bất cứ một mô thức nào thích hợp với từng cá nhân, từng nhóm, từng tập thể. Thay vì thành lập một tổ chức chính trị có cương lĩnh quá chặt chẽ để rồi tự giới hạn các chương trình hành động và thu hẹp không gian sinh hoạt, tại sao không tạo ra một vận hội lớn nơi mọi người đều có thể tham gia?
Cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người dân Iran, trong đó đa số là tuổi trẻ với khẩu hiệu “lá phiếu của tôi đâu?” là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sức mạnh như thác đổ của tuổi trẻ khi họ biết vận dụng kỹ thuật vào cuộc đấu tranh chung. Các cuộc biểu tình tại Iran đã được phát động và gần như được điều hành hoàn toàn bằng các phương tiện Internet. Các hãng tin lớn như CNN, BBC cũng đều nhận tin tức trực tiếp từ Internet. Cuộc biểu tình tại các tỉnh Tân Cương xa xôi của Trung Quốc cũng được phát động đầu tiên từ Internet.
Cách đây khá lâu, tôi có dịp tham dự một bữa cơm thân mật ở nhà một người quen để tiễn đưa một em du sinh vừa hoàn tất chương trình cao học và sắp trở lại Việt Nam. Sau bữa cơm chiều, hai anh em chúng tôi ra ngoài sân ngồi nói chuyện riêng. Người bạn trẻ, nhân vật chính trong bữa tiệc chia tay, buột miệng hỏi: “Theo anh, em nên làm gì khi trở về Việt Nam”. Tôi biết ý em muốn hỏi không phải làm nghề nghiệp gì để sống nhưng làm gì một cách cụ thể để đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước. Tôi đáp “Làm việc gì em thấy thích hợp nhất với khả năng của mình, làm kỹ sư, làm bác sĩ, làm nhà giáo, làm luật, miễn là gieo trồng cho được hạt giống dân chủ vào môi trường mà em hoạt động và biết mình đứng đâu trong cuộc đấu tranh phức tạp và khó khăn này.”
Tôi nói thế bởi vì thực tế đất nước không dễ dàng như ở Mỹ, ở Pháp. Suốt năm năm ở Mỹ, người bạn nhỏ mà tôi tiễn đưa sống trong một xã hội tự do, không ai dòm ngó, đe dọa, đừng nói chi là trấn áp, bắt bớ, giam cầm. Suốt năm năm em sinh hoạt trong một môi trường tự trị đại học, là thành viên của một khối quần chúng chiếm đại đa số, những khẩu hiệu nhân quyền, tự do, dân chủ em hô lên được mọi người vỗ tay tán thưởng. Suốt năm năm em sống trong xã hội nơi mọi giá trị đều có thước đo, đều có sự so sánh và cách duy nhất để em được trọng dụng là phải làm hay hơn, giỏi hơn, tốt hơn những người khác trong cùng một ngành nghề. Về lại Việt Nam là trở về từ chỗ em ra đi, nơi guồng máy cũ vẫn chạy trên những nếp mòn như ngày em còn ở đó, nơi nấc thang xã hội được tính bằng đường dây quen biết, bằng tiền hối lộ, nơi tiếng nói của em sẽ là tiếng nói của một thiểu số rất nhỏ, cô đơn, xa cách ngay cả với bạn bè và bà con thân thích, nơi những thao thức, khát khao một thời cháy bỏng trong tâm hồn em sẽ dễ dàng tan loãng trong những nhu cầu cụ thể của đời sống.
Do đó, cuộc vận động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý tưởng tự do dân tộc như cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi ngành nghề và mọi người đều có thể tham gia. Như một lần tôi đã viết đây, mặc dù khi các nhân tố cách mạng chín muồi và cần thiết, những người yêu nước có thể phải kết hợp thành một đảng chính trị tranh đấu trực diện và công khai thách thức quyền lãnh đạo đất nước, nhưng nếu chưa chín muồi họ sẽ hoạt động một cách thích hợp với hoàn cảnh cá nhân của họ. Cuộc tranh đấu ngày nay không bắt đầu từ những trận đánh lớn ngoài mặt trận như trong thời chiến mà bắt đầu từ công việc mỗi chúng ta đang làm; không bắt đầu từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến địa phương mà bắt đầu từ những việc làm nhỏ, trong phạm vi nhỏ của mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi toàn xã hội. Mỗi người Việt Nam yêu nước, trong hay ngoài nước, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi của mình, chủ động tạo nên một mặt trận riêng nhưng nhằm theo đuổi mục tiêu chung là cô lập, bào mòn, tẩy chay và cuối cùng loại bỏ cơ chế chính trị độc tài, độc đảng, mở đường cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam, giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc.

Nhắc đến Đảng Cộng Sản Trung Quốc, không thể không nghĩ đến tội ác của chúng đối với nhân Việt Nam như Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”: “Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho. Ai bảo thần nhân nhịn được.” Lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng đất vùng biên giới là một mục tiêu đầy khó khăn thử thách. Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc của thời mấy anh chàng bộ đội mới vào tiếp quản Bắc Kinh cứ đè mấy cái đèn nê-ông mà mồi thuốc lá. Trung Quốc ngày nay cũng không còn Trung Quốc thời bắt dân chúng cong lưng thổi chảy nồi niêu xong chảo cho đạt chỉ tiêu sắt thép. Trung Quốc ngày nay cũng không phải là Trung Quốc dùng ngựa, lừa để thồ vũ khí như trong thời chiến tranh biên giới lần thứ nhất 1979. Ngoại trừ năm nay, 2009, trong hai chục năm qua, mức phát triển kinh tế của Trung Quốc luôn đạt mức trên 10 phần trăm. Tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc cao gấp 9 lần hơn của thời Trung Quốc xua quân sang đánh Việt Nam.
Hoa Kỳ hẳn nhiên rất lo ngại ảnh hưởng bá quyền của Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương nhưng trong khi phải chiến đấu trên hai mặt trận lớn ở Trung Á, không thể đề ra một biện pháp cứng rắn cụ thể nào ngoài việc kêu gọi Trung Quốc hợp tác với các quốc gia Á Châu trên cơ sở các bên cùng có lợi. Đó là chưa kể 2500 tỉ dollar Mỹ đang nợ Trung Quốc dưới hình thức trái phiếu công khố (Treasury Bills & Treasury Bonds), kết quả của thặng dư xuất cảng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sang Mỹ.

Nhưng lịch sử nhân loại là một dòng sông không ngừng chảy. Dòng sông lịch sử mang đến những phù sa bồi đắp thành những nền văn minh rực rỡ nhưng đồng thời cũng tàn phá, xói mòn bao đồi núi. Không một đế quốc nào tồn tại mãi. Bản đồ thế giới hiện nay không phải là bản đồ thế giới trước Thế Chiến Thứ Hai và lại càng không phải là bản đồ của thời thực dân, phong kiến. Câu nói của nhà báo John Wilson “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh” ngày nay đã là một quá khứ xa xôi. Trung Quốc cũng không thoát khỏi cuộc vận hành của lịch sử. Sự lớn mạnh của đế quốc đỏ này đã mang trong bào thai nhiều mâu thuẫn về văn hóa, xã hội, chủng tộc và kinh tế, có tính đối kháng triệt tiêu. Nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ, hiện đại về kinh tế, tiên tiến về khoa học kỹ thuật, đoàn kết, biết nắm bắt cơ hội, mục đích giành lại Hoàng Sa và tái lập toàn bộ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là một khả năng.

Thứ ba, tôi có một niềm tin sâu xa vào sức mạnh tự chủ của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, thời đại nào người yêu nước cũng đông hơn những kẻ phản dân hại nước. Không ai sống thay và chết thế cho mình. Số phận Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam quyết định. Gần bốn trăm năm từ thời anh em bôi mặt đá nhau lần đầu bên bờ sông Nhật Lệ, Tháng Tám 1626, mở đầu cho nội chiến được gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh đến nay dân tộc Việt Nam chưa có một thời kỳ nào ổn định đủ dài để chấn hưng các giá trị truyền thống, cập nhật lại khả năng và phục hồi sức mạnh dân tộc. Căn bệnh hoài nghi, phân hóa qua các thời kỳ phong kiến, thực dân, cộng sản là những vi trùng độc hại, nhiễm sâu vào trong ý thức con người. Phục hưng Việt Nam, do đó, là một cuộc vận động cách mạng dân tộc chứ không đơn giản là một cuộc đấu tranh chính trị đoản kỳ. Điểm hẹn có thể còn xa, đường đi sẽ còn khó khăn, nhưng sẽ đến. Trên chuyến tàu xa, hẳn nhiên cũng có người mệt mỏi, không chịu đựng nổi gian lao, cạn nguồn nhiệt huyết, bỏ cuộc, bước xuống, nhưng sẽ có những người khác mang theo những vốn liếng, hành trang và hy vọng mới bước lên.

Và cuối cùng, tôi tin cuộc vận động dân chủ sẽ thành công bởi vì có sự góp sức của hơn hai triệu người Việt đang sống nhiều nơi trên thế giới. Ngày xưa chúng ta thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy chuyến tàu dân chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Một vận hội mới đang mở ra, và chúng ta, dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được hết phần mình mà không phải chen lấn nhau hay giẫm lên bước chân người khác. Con tàu phục hưng dân tộc Việt Nam còn rất rộng và đủ chỗ cho mọi người có tâm huyết.

No comments: