Wednesday, September 16, 2009

DIỄN TIẾN VIỆC XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI TỊ NAN HAMBURG


Diễn tiến việc xây dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg
http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1487:1487&catid=51:thuyennhan&Itemid=64
"Cuốn sách bằng đồng, một biểu tượng của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại CHLB Đức, sẽ là cuốn sách ghi lại lịch sử thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, sẽ hiện hữu muôn đời tại bến cảng Hamburg, để hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến Hamburg mỗi năm sẽ hiểu rõ hơn về chính nghĩa và lý do tại sao có sự hiện diện của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản."

Hình cở lớn:
http://www.lyhuong.info/net//tailieu/ThuyenNhan/TuongDai_Humburg,1.JPG
http://www.lyhuong.info/net//tailieu/ThuyenNhan/TuongDai_Humburg,2.JPG

Gần 4 năm trời nỗ lực vận động với những trở ngại khó khăn từ nhiều phía, với sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều chính trị gia Đức và các vị lãnh đạo tôn giáo Việt Nam, cũng như được sự khuyến khích, cổ động và đóng góp tích cực của tập thể người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức và nhiều quốc gia khác trên thế giới, một biểu tượng lịch sử của thuyền nhân Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản sẽ được khánh thành vào ngày 12.9.2009 tại cảng Hamburg, là một trong những địa điểm quốc tế quan trọng nhất tại Đức nói riêng và tại Âu Châu nói chung.

Sau đây chúng tôi xin sơ lược những diễn tiến quan trọng trong gần 4 năm vận động vừa qua:

Tháng 8 năm 2005: Họp nhóm thân hữu để bàn thảo sơ bộ về ý tưởng thực hiện một tượng đài tỵ nạn tại hải cảng Hamburg đồng thời hoạch định những bước cần thiết.
Ngày 15.02.2006: Gởi thư cho tiến sĩ Rupert Neudeck nhờ can thiệp với chính quyền tiểu bang Hamburg xin phép xây dựng một tượng đài thuyền nhân tỵ nạn tại cảng Hamburg (Landungsbrücken), nơi các con tàu Cap Anamur đã xuất phát và trở về sau các chuyến hải hành cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam ngoài biển Đông trong thập niên 80.

Ngày 08.03.2006: Tiến sĩ Rupert Neudeck đã gởi thư trực tiếp đến thống đốc tiểu bang Hamburg, ông Ole von Beust, bày tỏ ước nguyện của cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản xây dựng một biểu tượng tại hải cảng Hamburg để tri ân Cap Anamur và nhân dân Đức.

Ngày 26.09.2006: Sau 6 tháng chờ đợi, văn phòng thống đốc tiểu bang Hamburg gửi thư từ chối với lý do họ lo sợ rằng, việc xây một biểu tượng của thuyền nhân VN tỵ nạn CS ngay bên cạnh hai tấm bảng đồng của người Do Thái tại cảng Hamburg có thể gây ra sự hiểu lầm là muốn tìm cách làm giảm đi những tội ác liên quan đến việc săn đuổi và tiêu diệt người Do Thái trong thời Đức quốc xã (nguyên văn: "…Das Anbringen weiterer Tafeln, die sich auf Flüchtlinge in anderen Weltgegenden beziehen, könnte als Versuch einer Relativierung der Judenverfolgung in Deutschland und des Holocausts empfunden werden…").

Ngày 25.11.2006: Ts. Rupert Neudeck và các vị cố vấn đã phản kháng quyết định vô lý này và báo chí tại Hamburg cũng lên tiếng trước dư luận quần chúng.

Ngày 30.11.2006: Văn phòng thống đốc Hamburg nhượng bộ, gởi thư cho biết sẽ tái cứu xét và đồng thời chuyển giao hồ sơ qua Bộ Văn Hóa (Kulturbehörde) tiểu bang Hamburg để nghiên cứu địa điểm và hình thức tượng đài.

Ngày 05.01.2007: Dr. Ernst Albrecht, cựu Thống Đốc tiểu bang Niedersachsen, lên tiếng ủng hộ dự án xây dựng tượng đài của thuyền nhân Việt Nam và sẵn sàng trực tiếp can thiệp với Thống Đốc tiểu bang Hamburg.

Ngày 09.05.2007: Nhận được thư của Bộ Văn Hóa Hamburg đề nghị sẽ cùng với đại diện một số cơ quan liên hệ gặp đại diện nhóm chủ trương để bàn về địa điểm, hình thức và nội dung của tượng đài.

Ngày 03.08.2007: Họp chính thức để biểu quyết việc thành lập Hội Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg (Hamburger Gedenkstein Initiative e.V.) và thông qua nội quy của Hội, đồng thời bầu Ban Đại Diện Hội.

Các thành viên sáng lập Hội gồm có: Ông Nguyễn Hữu Huấn (chủ tịch), ông Lê Văn Hồng (phó chủ tịch), ông Dương Anh Dũng (thủ quỹ), ông Huỳnh Thoảng, ông Nguyễn Hòa, ông Cao Đức Tài và ông Phạm Văn Hóa.
Các thành viên của hội đồng tư vấn và kiểm soát gồm có: hoà thượng Thích Như Điển, sư bà Thích Nữ Diệu Tâm, sư huynh Hà Đậu Đồng, linh mục Antôn Đỗ Ngọc Hà, tiến sĩ Ernst Albrecht, ông Freimut Duve và tiến sĩ Rupert Neudeck.

Hội cũng thành lập Hội Đồng Điều Hành gồm có các thành viên tại các nơi trên nước Đức, Hoà Kỳ và Úc:
Các đại diện tại München: Ông Lê Phi Bằng, bà Hoàng Thị Doãn, Bà Phạm Thị Xuân Hương ông Trần Tú Trinh, ông Đàm Văn Tiếu.
Các đại diện tại Berlin: Ông Hà Minh Châu, Dr. Ngô Ngọc Hiếu,
Các đại diện tại Hamburg: ông Đinh Anh Dũng, ông Phạm Văn Hóa, ông Nguyễn Hòa, ông Cao Đức Tài, ông Huỳnh Thoảng và ông Trần Ngọc Tiến.
Các đại diện khác tại Đức: bà Nguyễn Hữu Mừng Chi (Wuppertal), ông Trịnh Mộng Chính (Regensburg), ông Nguyễn Hữu Hậu (Bad Duerrheim), ông Nguyễn Huy Hùng (Kornwestheim), bà Kiều Khanh (Krefeld), ông Phạm Hồng Lam (Augsburg), ông Nguyễn Xuân Nghiêm (Goettingen), Nguyễn Văn Rị (Moenchengladbach), bà Lê Thị Ngọc Thủy (Frankfurt), ông Nguyễn Văn Tộ (Reutlingen), ông Lê Thanh Tùng (Bochum) và bà Võ Thị Tường Vi (Saarland).
Các đại diện tại Úc Châu: Ông Trần Đông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân VN (Melbourne), ông Nguyễn Quang Huy (Melbourne), ông Vũ Khai Cơ (Melbourne).
Các đại diện tại Hoa Kỳ: Ông Đào Vũ Anh Hùng (Texas), ông Đặng Quỳnh (Los Angeles), ông Hoàng Ngọc Anh (San Jose).
Biên bản buổi họp và nội quy sau đó đã được gửi tới tòa sơ thẩm Hamburg để xin đăng ký.

Ngày 30.08.2007: Chính quyền Hamburg công nhận Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg là hội công ích (gemeinnütziger Verein), có đăng ký tại tòa án và có quyền cấp giấy chứng nhận để xin khấu trừ thuế cho người đóng góp.

Ngày 14.09.2007: Họp lần đầu tiên với các viên chức trong Bộ Văn Hóa và đại diện văn phòng Thống Đốc Hamburg (Senatskanzlei). Tại đây Hội đề nghị dự án một tượng đài thuyền nhân tỵ nạn VN được nữ nghệ nhân nổi tiếng Anke de Vries phác họa (tượng bẳng đồng, cao khoảng 4m), mọi chi phí sẽ do sự đóng góp của cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại Đức và nhiều quốc gia khác đảm nhận, đồng thời đề nghị sẽ khánh thành trong vòng tháng 09 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ủy Ban Cap Anamur. Trong buổi họp này đại diện của văn phòng thống đốc Hamburg cũng ngỏ lời rằng, sẽ trợ lực tài chánh nếu hội không quyên đủ tiền cho dự án vừa trình bày (!).

Ngày 04.10.2007: Bộ Văn Hóa Hamburg gửi văn thư không cho phép xây một tượng đài như nội dung đã trình bày trong buổi nói chuyện ngày 14.09.2007, chiếu theo điều 8 của quy định công cộng cho hệ thống bảo vệ lũ lụt ban hành ngày 27.05.2003. Bộ Văn Hóa gợi ý đề nghị làm một tấm bảng đồng như của cộng đồng Do Thái Hamburg, vừa ít tốn kém, vừa dễ giải thích với dân Hamburg.

Ngày 01.11.2007: Bộ Văn Hóa gửi Email xác định rõ hơn về ý định cho phép thực hiện một tấm bảng đồng với kích thước 55x67cm, đúng với kích thước 2 tấm bảng đồng của người Do Thái, và đề nghị năm 2012 khánh thành, thay vì năm 2009 như Hội đề nghị, với lý do: tiểu bang Hamburg đang có một dự án tái thiết toàn bộ cảng Hamburg và sẽ bắt đầu từ năm 2009 đến năm 2012.

Ngày 03.11.2007: Lễ ra mắt Hội Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg lúc 15 giờ tại "Haus der Jugend" Hamburg, với sự tham dự của đại diện các tổ chức tôn giáo, chính trị và cộng đồng, cũng như khoảng 200 đồng hương. Trong dịp này Ban Đại Diện Hội đã trình bày mục tiêu và những diễn tiến của dự án; đặc biệt là những khó khăn đang gặp phải từ phía chính quyền Hamburg. Đa số quan khách tham dự bày tỏ sự ủng hộ dự án. Tuy nhiên, cũng có một số người lên tiếng chống đối việc làm của Hội. Những chống đối này trên thực tế không đáng quan ngại, nhưng cũng tạo ra một sự hoang mang không cần thiết trong giai đoạn đầu đang gặp khó khăn.

Tháng 02.2008: Một lần nữa Dr. Ernst Albrecht, cựu Thống Đốc tiểu bang Niedersachsen và là thành viên Hội Đồng Tư Vấn Hội, can thiệp trực tiếp với Thống Đốc tiểu bang Hamburg.

Ngày 13.02.2008: Văn phòng cựu Thống Đốc tiểu bang Hamburg, ông Hans-Ulrich Klose, liên lạc với Hội, hứa sẽ giúp đỡ và can thiệp với chính quyền Hamburg để thỏa đáng yêu cầu chính đáng của cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Ngày 05.03.2008: Bà Prof. Dr. Karin von Welck, bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Truyền Thông và Thể Thao của tiểu bang Hamburg gởi quyết định cho phép khánh thành tượng đài trong tháng 9 năm 2009. Trong thời gian tái thiết cảng, tượng đài sẽ tạm thời được dời đi nơi khác và sau khi dự án tái thiết cảng hoàn tất vào năm 2012, tượng đài sẽ được dựng lại vĩnh viễn tại một địa điểm xứng đáng ngay trong khuôn viên cảng Hamburg.

Ngày 22.05.2008: Bộ Văn Hóa gửi thư thông báo hoàn tất nhiệm vụ cứu xét và chuyển giao toàn bộ hồ sơ qua Bộ Phát Triển/Môi Sinh và Bộ Cầu Đường/Thủy Lợi (LSBG), cơ quan đảm trách việc tái thiết hải cảng Hamburg và cũng là cơ quan cấp giấy phép xây tượng đài tỵ nạn sau này.

Ngày 11.07.2008: Gặp gỡ các nhân viên Bộ Cầu Đường/Thủy Lợi Hamburg để quan sát và xác định địa điểm xây dựng tượng đài. Chính quyền Hamburg chấp nhận dành cho Hội một khu đất kích thước 7mx5m, trên khu vực cảng Hamburg gần Überseebrücke, nằm trên cột mốc số 41,1 của bờ đê Johannisbollwerk.

Ngày 20.10.2008: Mãi đến lúc này chính quyền Hamburg vẫn không chấp nhận một tượng đài như Hội đề nghị ngày 14.09.2007. Họ vẫn giữ ý định chấp thuận một tấm bảng đồng giống như của cộng đồng Do Thái, có thể do sợ áp lực chính trị từ phía cộng đồng này, điều mà các thành viên của Hội không thể đồng ý. Sau nhiều phiên họp và thảo luận gắt gao với các nhân viên Bộ Cầu Đường, hai bên đồng ý đi đến một giải pháp trung hòa: thay vì chỉ một tấm bảng đồng đơn sơ như ý muốn của chính quyền, sẽ là một tượng đài nhỏ hơn hình một quyển sách mở ra, với kích thước bề ngang 80cmx60cm, dày 13cm, đúc bằng đồng, đặt trên trụ đá. Tổng cộng chiều cao không được quá 1,50m.
Tuy nhiên Bộ Cầu Đường cũng chỉ ghi nhận và hứa sẽ trình lên các giới chức cao cấp có thẩm quyền quyết định tối hậu.

Với kết quả đó Hội đã quyết định nội dung tượng đài như sau: Trên cuốn sách đồng đúc chạm nổi hình con tàu nhân đạo Cap Anamur với chiếc ghe tỵ nạn và ghi lại lịch sử cứu vớt các thuyền nhân tỵ nạn CS vượt biển của các con tàu Cap Anamur ngoài Biển Đông trong thập niên 80, lời tri ân nhân dân, chính quyền Đức và tưởng nhớ những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã bỏ mình ngoài biển khơi trên đường tìm Tự Do, được viết bằng 3 ngôn ngữ Đức, Anh và Việt. Quyển sách được đặt trên một trụ đá hoa cương đen với kích thước: 140x25x40cm. Trọng lượng toàn thể bao gồm quyển sách đồng và trụ đá hoa cương nặng khoảng 800 kg.

Ngày 20.11.2008: Ông Freimut Duve, cựu dân biểu quốc hội Đức, chủ tịch ủy ban đặc trách khối Tự Do Truyền Thông thuộc tổ chức an ninh và hợp tác các quốc gia Âu Châu, thành viên Hội Đồng Tư Vấn của Hội, liên lạc trực tiếp với thống đốc tiểu bang Hamburg, yêu cầu mau chóng chấp thuận ý nguyện của Hội.

Ngày 24.11.2008: Bộ Cầu Đường gửi giấy phép chấp thuận tạm thời, trong đó chấp thuận cho phép dựng tượng đài thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam theo hình thức và kích thước đúng như thỏa thuận của buổi họp ngày 20.10.2008 đồng thời chấp thuận ngày khánh thành 12.9.2009.

Ngày 27.05.2009: Làm sạch khu đất được chấp thuận và chuẩn bị cho việc đặt móng cho tượng đài.

Ngày 18.06.2009: Nhận giấy phép chính thức do Bộ Cầu Đường.

Ngày 13.07.2009: Dựng trụ đá hoa cương với sự chứng kiến của của nhân viên Bộ Cầu Đường. Khu đất được chính quyền đặt hàng rào chung quanh để bảo toàn an ninh cho đến ngày ghép nối các phần kế tiếp.

Ước vọng của gần 4 năm trước: xây dựng một biểu tượng Tỵ Nạn Cộng Sản tại một địa điểm quốc tế như hải cảng Hamburg với số chi phí phỏng định lên đến 40.000 EUR, nay đã thành hiện thực.

Dù không đạt được dự tính ban đầu, tượng đài tỵ nạn chính thức khánh thành ngày 12.09.2009 cũng sẽ là một biểu tượng lịch sử và quan trọng. Bởi lẽ dọc theo hải cảng Hamburg chỉ có hai tượng đài:
"Hafentorfigur" (tượng trên cổng hải cảng) và một chiếc mỏ neo tượng trưng cho cảng Hamburg của hội "Hamburger Patrioten" (hội người Hamburg yêu nước). Cả hai biểu tượng này đã xây dựng từ nhiều năm trước đây và đến nay, ngoài hai tấm bảng đồng của người Do Thái, chưa có một biểu tượng nào khác mang tính cách chính trị. Một tượng đài của tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản được dựng tại đây chính là một đặc ân ngoại lệ mà chính quyền Hamburg đã ưu ái dành cho người Việt chúng ta. Đặc biệt hơn nữa là Bộ Cầu Đường Hamburg đã dành cho tượng đài một khu đất riêng biệt khoảng 35 mét vuông. Nơi đây sẽ trở thành một vườn hoa xinh đẹp với những màu sắc hài hòa thêm nét sinh động, quyến rũ khách thập phương ghé thăm bến cảng Hamburg.

Những dữ kiện đã xảy ra cần được lịch sử ghi lại trung thực. Cuốn sách bằng đồng, một biểu tượng của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại CHLB Đức, sẽ là cuốn sách ghi lại lịch sử thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, sẽ hiện hữu muôn đời tại bến cảng Hamburg, để hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến Hamburg mỗi năm sẽ hiểu rõ hơn về chính nghĩa và lý do tại sao có sự hiện diện của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản.

Ngày 12.09.2009, lúc 13giờ, tượng đài lịch sử thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại cảng Hamburg này sẽ được khánh thành. Nhiều đại diện của chính quyền liên bang và các tiểu bang Đức sẽ có mặt và nói chuyện với quan khách như: Ông Wolfgang Schäuble, bộ trưởng bộ nội vụ CHLB Đức (CDU), ông Franz Müntefering, chủ tịch đảng SPD toàn quốc, ông Arnold Vaatz, phó chủ tịch liên đảng CDU/CSU tại Quốc Hội, ông Dr. Ernst Albrecht, cựu thống đốc tiểu bang Niedersachsen (CDU), ông Dr. Heinz Georg Bamberger, bộ trưỏng bộ tư pháp tiểu bang Rheinland-Pfalz, bà Prof. Dr. Karin von Welck, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Truyền Thông tiểu bang Hamburg, ông Dr. Philipp Rösler, (gốc Việt Nam), bộ trưởng Kinh Tế, Lao Đông và Giao Thông tiểu bang Niedersachsen (FDP), ông Uwe Schünemann, bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Nieder-sachsen (CDU), ông Freimut Duve, cựu thượng nghị sĩ, đặc trách khối Tự Do Ngôn Luận các quốc gia Âu Châu (SPD), ông Dr. Rupert Neudeck, sáng lập Ủy Ban Cap Anamur và Grünhelme e.V., ông Franz Alt, phóng viên báo chí và truyền hình Baden-Baden, ông Harry Voss, chủ tàu Cap Anamur (em trai của cố chủ tàu Harry Voss) và ông Aiman A. Mazyek, tổng thư ký hội đồng trung ương Hồi Giáo tại CHLB Đức (FDP), cũng như nhiều giới chức và thân hữu quan trọng Việt và Đức, các giới truyền thông Việt Đức trong và ngoài nước sẽ có mặt.

Chúng tôi xin chân thành tri ân các vị cố vấn, các chính trị gia Đức, các vị lãnh đạo tôn giáo người Việt, đã luôn khích lệ và hỗ trợ chúng tôi để hoàn thành công việc trọng đại này.

Chúng tôi xin chân thành tri ân sự đóng đóp tài chánh nhiệt tình của Quý Đồng Hương Tỵ Nạn Việt Nam cũng như của các tổ chức, đoàn thể khắp nơi, tại Đức cũng như tại Hoa Kỳ, Úc v.v. Chính nhờ sự đóng góp quý báu này mà tượng đài đã có thể thành hình.

Trân trọng
Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg

---------------------------------------------------

KHÁNH THÀNH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN TỊ NẠN tại HAMBURG (nhanquyen)
HÌNH ẢNH LỄ KHÁNH THÀNH TƯỢNG ĐÀI TỊ NẠN CỘNG SẢN tại HAMBURG (nhanquyen)


No comments: