Saturday, September 12, 2009

NÔNG ĐỨC MẠNH ĐẠI DIỆN CHO AI ?


Nông Đức Mạnh Đại Diện Ai?
Gửi vào ngày Thứ Bảy, 12 Tháng 9, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8089
Năm 1995, khi Đỗ Mười thăm Úc, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã đặt thẳng “tư cách đại diện Đỗ Mười” với cựu Ngọai Trưởng Lao Động Gareth Evans. Lần ấy đảng Tự Do và các đảng khác “tẩy chay” tiếp phái đòan Đỗ Mười cũng vì lý do nêu trên.

Lần này mặc dù các tin tức về chuyến thăm Úc của phái đòan Nông Đức Mạnh chỉ được tiết lộ trước đó ít ngày. Trước Quốc Hội Úc, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu cũng đã tổ chức cuộc
biểu tình phản đối Nông Đức Mạnh và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Trong cuộc biểu tình, Thượng Nghị Sỹ Tự Do Gary Humphries, nói rằng ông sẽ đặt vấn đề nhân quyền với Nông Đức Mạnh. Ông tin rằng sớm muộn gì nhất định Việt Nam sẽ phải có dân chủ, vấn đề chỉ là thời gian thôi. Được biết ông đã có cơ hội đến "tiếp đón" Nông Đức Mạnh tại sân bay của căn cứ RAAF Fairbairn. Ông kể lại cuộc "tiếp đón" thú vị này như sau: "Tôi đã gặp ông tổng bí thư này khi ông ta vừa bước xuống máy bay. Phải nói rằng ông rất chú ý đến chiếc cà vạt tôi đeo lúc ấy, y như chiếc cà vạt tôi đang đeo bây giờ đây này (cờ vàng ba sọc đỏ). Ông ta nhìn chiếc cà vạt, rồi nhìn tôi. Tôi nghĩ ông ta có vẻ ngờ vực về chiếc cà vạt này".
Cũng trong cuộc biểu tình, Dân biểu Tự Do Luke Simpkin cho biết hồi đầu năm nay đã có dịp đến Việt Nam trong một chuyến công tác và nhờ đó đã chứng kiến cảnh công an trù dập các nhà dân chủ, bất đồng chính kiến. Qua đó ông hiểu được nỗi đau của người Việt vì hiện nay khi Việt Nam chưa có tự do dân chủ, rồi việc đảng Cộng Sản dâng Hoàng - Trường Sa cho Trung Cộng, cũng như việc đất nước Việt Nam chìm đắm trong sự thao túng của Trung Cộng.
Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Lindsay Tanner (đảng Lao Động) đã chính thức thông báo cho Ban Chấp Hành Cộng đồng biết ông sẽ ''tẩy chay'' bữa tiệc khoản đãi phái đoàn Nông Đức Mạnh.

Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW cũng tổ chức một cuộc biểu tình khác để phản đối Nông Đức Mạnh và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Qua chuyến viếng thăm này câu hỏi “Nông Đức Mạnh Đại Diện Ai?” lại được đặt ra.

Năm 2001, Nông Ðức Mạnh một nhân vật chưa mấy người biết đến lên chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Không mấy người biết đựơc tại sao Nông đức Mạnh đã được chọn. Có thể lúc ấy Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Võ văn Kiệt … còn lo nguyền rủa nhau “nó đã hạ tao cho nên tao phải hạ nó”. Nhóm này, người này thẳng tay gạt bỏ đàn em của phiá bên kia. Ruốt cuộc phải thu xếp một nhân vật ít biết nhất, để dễ bề sai bảo, Nông đức Mạnh chính là nhân vật này.
Có dư luận cho rằng Nông Đức Mạnh được chọn vì là con rơi cuả Hồ chí Minh. Cựu Đại Sứ Úc bà Sue Boyd, hỏi thẳng ông có phải là con của Hồ chí Minh không? ông sách mé trả lời "Ở Việt Nam ai cũng đều là con của Bác". Sau đó, với ký giả Kay Johnson -
Tạp chí Time, ấn bản vùng Á Châu phát hành ngày 23-1-2002 tại Hồng Kông - Nông bác bỏ tin đồn là con rơi của Hồ và cho biết cha mình là Nông Văn Lai và mẹ là Hoàng Thị Nhị. Nhưng trước đó trên tạp chí Thế Giới Mới, cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số 434 ra ngày 30 tháng 4 năm 2001 có đăng bài “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy”. Bài viết nói về cảm tưởng của thầy giáo La Văn Ngâm về học trò cũ Nông Đức Mạnh. Bài có đoạn tả ông Ngâm tìm đến nhà bà Trưng, thân mẫu Nông Đức Mạnh, chú thích của bài ghi rõ: “bà Nông Thị Trưng là thân mẫu đồng chí Nông Đức Mạnh”.

Trên tờ Xuân Phụ Nữ năm Đinh Sửu 1997 có bài viết "Cô Học Trò Nhỏ Của Bác Hồ" được tác giả Thiên Lý viết theo lời kể của chính Nông Thị Trưng. Bà cho biết đã làm giao liên cho "chú Thu" (bí danh của Hồ) trong khoảng 8 tháng từ tháng 7 năm 1941. Tên Trưng của bà do "chú Thu" đặt, có ý muốn bà noi gương bà Trưng. Bà còn được Hồ “hết lòng dạy dỗ”. Bà cho biết Hồ còn làm thơ tỏ “lòng yêu cháu” và “cháu yêu ta” để tặng bà. Gần đây nhất, trong bài “Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên điện báo Talawas, Ông Hồ Sĩ Sênh đã viết rõ cha Hồ chí Minh là con rơi của cụ Hồ Sĩ Tạo. Đọan kết bài viết ông Hồ sĩ Sênh kể lại “Cũng với khoảng thời gian chưa xa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi trò chuyện thân mật với một số con cháu họ Hồ. Chắc rằng mọi chuyện vẫn chưa phải đã hết. Còn có những điều sâu kín, dài dài, chưa thể nói ra, nhưng cũng rất con người, đang ở sân sau…”

Góp ý cho Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ X, Võ văn Kiệt đã viết: “…Trong quá trình quy hoạch và bố trí cán bộ thì việc sắp xếp nhân sự cho bộ máy của Đảng ở các cấp phải có cơ cấu hợp lý cũng là chuyện tất yếu. Song “cơ cấu” không đồng nghĩa với việc tuỳ tiện vi phạm Điều lệ Đảng khiến cho trên thực tế gần như đại hội chỉ còn là thủ tục, khiến cho sức mạnh của Đảng bị giảm sút vì sự chọn lọc, tuyển lựa cán bộ để đưa vào các cấp uỷ không công khai, minh bạch, trong quá trình dân chủ thảo luận của đại hội các cấp. Vì thiếu dân chủ cho nên sự tập trung đã trở thành tập trung quan liêu, dẫn tới sự chuyên quyền, độc đoán của một số tập thể nhỏ.” Như thế ông Kiệt đã gián tiếp cho rằng “Nông Đức Mạnh không đại diện cho đa số đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam”. Thế nhưng qua Đại Hội X Nông Đức Mạnh lại tiếp tục giữ chức Tổng bí thư.

Yếu tố con rơi Hồ chí Minh dường như cũng được Nông Đức Mạnh ngầm ngấm khai thác. Chả thế ngay khi được tuyển chọn lần thứ hai, Nông đức Mạnh đã ban hành chỉ thị số 06-CT/TW "yêu cầu tòan dân học tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của lý tưởng và tấm gương đạo đức Hồ chí Minh." Những điều mà dân chúng ngày nay không còn muốn quan tâm nói chi đến việc học tập. Ngược lại còn muốn tìm hiểu sự thật chưa bao giờ được đảng Cộng sản công bố về nhân vật lịch sử này.

Ngày 2 tháng 9 năm nay, Nông Đức Mạnh cho phát động phong trào thực hiện di chúc Hồ chí Minh. Di chúc này tóm gọn là đoàn kết trong đảng, các đảng anh em, chống Mỹ "cứu nước", thức hiện cách mạng thế giới. Ngày nay khối cộng sản chỉ còn vài quốc gia trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Đề cao di chúc chống Mỹ của Hồ, đồng nghiã với việc đề cao đồng chí Bắc phương Trung Quốc.

Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng chính Trung Quốc đã chọn Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi nắm quyền ngày 3-12-2001 trong điều số sáu của một Tuyên Bố Chung Việt Nam – Trung Quốc Nông đức Mạnh đã “… nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông”. Trước Đại Hội lần thứ X, tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam.Theo những nguồn tin không chính thức, thì trong chuyến đi này, Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu gặp toàn thể Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Tại cuộc gặp này, chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói đại ý, Trung Quốc không can dự vào việc sắp xếp nhân sự sắp tới của Đại hội X, nhưng chỉ yêu cầu “một điều”, là “không thay đổi tổng bí thư”. Tháng 4-2006, Nông Đức Mạnh lại được chọn làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến tháng 11-2006, Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam lần nữa. Lần này thông báo viết : “Từng bước cải thiện cơ cấu mậu dịch, cố gắng thực hiện phát triển cân bằng và tăng trưởng bền vững thương mại hai chiều. Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bauxite Đắc Nông…” Ngày 4-2-2009, trong một cuộc họp báo, Nguyễn Tấn Dũng đã xác nhận dự án này “đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đảng và Bộ chính trị đã ba lần nghe và quyết định về phát triển bauxite Tây Nguyên”. Năm 2007, Bộ Chính trị đã không báo cho Quốc hội, âm thầm thông qua dự án này.

Việc đảng Cộng sản quyết định cho khai thác bauxite Tây Nguyên không những chỉ ảnh hưởng đến đời sống các cư dân và nhất là các sắc tộc thiểu số. Việc khai thác còn ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái, vốn đã bị tàn phá và tận dụng dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Tây Nguyên lại là một điạ bàn chiến lược quân sự quốc gia. Ngay cả Võ Nguyên Giáp đề nghị dừng dự án hay hàng ngàn trí thức trong nước ký Kiến nghị phản đối dự án. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục tiến hành việc khai thác.

Năm 1958, Phạm văn Đồng đặt bút ký công hàm gửi cho Chu Ân Lai thừa nhận lãnh hải Trung Quốc, bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các lãnh đạo cộng sản sau này dâng Bản Giốc, Ải Nam Quan, vịnh Bắc Việt và nhiều phần đất nước cho Tàu. Nay Nông Đức Mạnh chính thức trao cho Tàu.

Đích thân Hồ Cẩm Đào, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết cùng nhấn nút kích hoạt trang thông tin điện tử vietnamchina.gov.vn. Trang thông tin chính thức của nhà nước Việt Nam này đã đăng tải nhiều thông tin rất bất lợi cho phía Việt Nam, nhất là về việc tranh chấp vùng biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Thí dụ khi Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch huyện Hoàng Sa, trang này đưa tin phía Trung Quốc phản đối bổ nhiệm này và khẳng định "Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Ngay báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (4-9-2009) trịnh trọng đăng bản tin về cuộc tập trận của đội tàu hộ tống Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bản tin thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo - Trường Sa và Hoàng Sa. Bản tin nói rõ các binh sĩ Trung Quốc “
tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam Tổ quốc”.

Vùng biển quê hương nay “tàu lạ”, ngang nhiên ra vào như chỗ không người. (“tàu lạ” cách nói hèn mạt chỉ tàu của Trung Quốc) Vùng biển quê hương nay tàu ta vào là bị nổ súng, bị đâm chìm hay bắt rồi phải chuộc. Vùng biển quê hương nay dân ta mất quyền đánh bắt cá tôm kiếm sống qua ngày. Ngày 26/05/09 vừa qua Nông Đức Mạnh đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Thay vì phản đối hành động dã man của phiá Trung Quốc, Nông Đức Mạnh đã trịnh trọng nhắc lại khẩu hiệu “bốn tốt”: quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.

Việc Trung Quốc cho xây dựng các đập thuỷ điện ở thượng lưu sông Mekong, đập Tiểu Loan cao nhất thế giới, bảy con đập nữa đang được xây, sẽ là một mối đe dọa đến cuộc sống và môi trường sống của các quốc gia Hạ Lưu như Lào, Cam Bốt, Việt Nam. Cuộc sống của nông dân Miền Nam đã khổ sẽ khổ hơn. Các nhà khoa học và nhà báo Việt Nam nếu công bố điều gì có ý phê phán Trung Quốc đều bị đảng Cộng sản thẳng tay đàn áp, bắt bớ, tù đày.

Đại hội Đảng lần thứ X còn cho tăng cường an ninh (thêm 3 ủy viên) và quân đội (thêm 5 ủy viên). Sau hơn 8 năm Nông Đức Mạnh cầm quyền, Việt Nam vẫn là một quốc gia công an trị. Công an đàn áp linh mục, mục sư, sư ni, chức sắc tôn giáo, giáo dân kêu gào tự do tín ngưỡng. Công an đàn áp sắc tộc thiểu số đòi quyền sống. Công an đàn áp dân oan kêu gào công lý... Công an bỏ tù hay cướp đi miếng cơm manh áo nhà báo có lương tâm. Các nhà dân chủ bị bỏ tù hay cô lập, có vị đã bị thủ tiêu. Việt Nam chẳng khác một nhà tù.

Nông Đức Mạnh còn cho công an mang các nhà dân chủ lên truyền hình làm “nhục”. Thật khôi hài, Lê công Định một luật sư có khả năng tranh tụng quốc tế. Trần Anh Kim một nhà dân chủ cương trường. Quân đội Cộng sản không ép được Nguyễn tiến Trung đọc “lời thề” trung với đảng Cộng sản. Thế mà chỉ vài ngày trong vòng kềm tỏa của công an, họ đã ra trước ống kính truyền hình "nhận tội" và xin "khoan hồng” vì yêu nước, vì “âm mưu” lật đổ đảng Cộng sản. Ngày 20-8 vừa qua Tuổi trẻ Online tiết lộ qua một điện thư, ông Định đã nhận định “
bôxit Tây nguyên là tử huyệt của chính quyền”. Hồ chí Minh thì “lôi bay ra giữa đình làng”, Nông Đức Mạnh thì “truyền hình hạ nhục chúng bay”.

Trò hề "nhận tội" và xin "khoan hồng” vang khắp thế giới trình độ “văn minh” của Nông Đức Mạnh, của đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó cái gọi là “nhà nước pháp quyền Việt Nam” bị đổ nhào. Thế giới thấy quá rõ, nhà nước Việt Nam đại diện cho một thể chế công an trị, đảng trị luôn sử dụng luật rừng. Trò hề báo hiệu cuối trào Nông Đức Mạnh nói riêng, của đảng Cộng sản Việt Nam nói chung.
Quyền lợi và tư tưởng cuả Nông Đức Mạnh đồng chiều với ngoại bang Trung Cộng và ngược với quần chúng bị trị Việt Nam. Như vậy có thể dễ dàng dẫn đến kết luận Nông Đức Mạnh đại diện cho Tàu.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

(Báo Việt Luận, số thứ Sáu ngày 11/9/2009)


No comments: