Saturday, September 12, 2009

GIỮ THÂY MA ĐƯỢC ĐƯA LÊN HÀNG QUỐC SÁCH


Giữ thây ma được đưa lên hàng quốc sách
Trần Nhu
http://www.doi-thoai.com/baimoi0909_122.html
Cái thây ma họ Hồ trở thành linh hồn của Ðảng cộng sản và là lá bùa hộ mệnh, vô cùng quan trọng. Ðể bảo vệ nó người ta thiết kế như một chiến lược, chiến thuật. Ðể áp dụng vào từng thời kỳ... và coi việc giữ xác chết được coi như những trận đánh quyết định sinh tử.
Xem bài “Những chuyến hành quân đặc biệt” của Thanh Hằng, đăng trên báo CA online tháng 8, 2009. Chúng ta thấy phần nào tầm quan trọng của nó, tác giả viết: “Tháng 12/1969, trong cuộc hành quân đưa Hồ Chủ tịch sơ tán lên Đá Chông, ông Hoàng Đình Thinh chính là người cầm lái chiếc xe chở thi hài Người. Để có một chuyến đi đưa Người đến nơi nghỉ mới tuyệt đối an toàn, ông Thinh đã phải mất nhiều tháng trời tập luyện vô cùng vất vả trên con đường chưa đầy 100km ấy. Ông Thinh nhớ lại: Không ai biết việc tôi làm, kể cả chỉ huy đơn vị lẫn vợ con…
Ông cũng đã vào sinh ra tử ở Khe Sanh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tuổi trẻ của ông gửi cả ở chiến trường, trong những chuyến đi mải miết, lặng thầm và dằng dặc. Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng nhiều năm dành cho ông là những phần thưởng chứng tỏ bản lĩnh, phẩm chất và lý tưởng cách mạng của người chiến sĩ.
Ngày 28/8/1969, ông Hoàng Đình Thinh được điều sang Cục Bảo vệ an ninh Quân đội nhận nhiệm vụ. Ông kể lại: "Khi tôi đến, Đại tá Kinh Chi, Cục trưởng, đã hỏi: Nghe nói đồng chí lái xe nổi tiếng và cũng giỏi tự sửa chữa, nếu xe hỏng thì trong 5 phút đồng chí có chữa được ngay không? Tôi trả lời, cũng tùy xe hỏng nặng hay nhẹ.
Đồng chí Kim Chi tiếp: Bây giờ tôi giao cho đồng chí một nhiệm vụ và không được phép thất bại! Nghe vậy, tôi tuân lệnh: Nhiệm vụ của tổ chức giao, khó khăn mấy tôi cũng xin hoàn thành".

Đến 10h sáng 2/9/1969, ông được phân công lái chiếc com-măng-ca chở 4 người lính cảnh vệ hộ tống chiếc xe hồng thập tự do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái từ công trình 75A lên Phủ Chủ tịch và trở về 75B. Về sau, ông mới biết, đó là xe chở thi hài Bác. Nhưng đây chỉ là khởi đầu cho sự gắn bó của ông với Vị lãnh tụ kính yêu.
Tháng 12/1969, trong cuộc hành quân đưa Hồ Chủ tịch sơ tán lên Đá Chông, ông Thinh chính là người cầm lái chiếc xe chở thi hài Người. Để có một chuyến đi đưa Người đến nơi nghỉ mới tuyệt đối an toàn, ông Thinh đã phải mất nhiều tháng trời tập luyện vô cùng vất vả trên con đường chưa đầy 100km ấy.

Đề phòng Mỹ mở rộng phạm vi chiến tranh, Bộ Chính trị và Quân ủy TW quyết định bí mật sơ tán thi hài Bác lên Đá Chông bằng phương án hành quân bằng đường bộ. Từ Hà Nội lên Đá Chông chỉ 75km, nhưng đường rất xấu, trong khi các chuyên gia Liên Xô đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt: Tuyệt đối không được rung xóc, đảm bảo vô trùng, độ ẩm như ở buồng đặc biệt. Quá trình di chuyển không được quá 4 tiếng. Vì thế, việc tập luyện đã được tiến hành từ cuối tháng 9/1969.
Ông Thinh nhớ lại: Không ai biết việc tôi làm, kể cả chỉ huy đơn vị lẫn vợ con. Vì ban ngày, tôi vẫn làm việc bình thường, 23h đêm mới đi tập đến 5h sáng. Về đơn vị cũng là lúc kẻng báo thức cho 1 ngày làm việc mới. Tôi phải lái thử nhiều loại xe, để xem loại nào đáp ứng được yêu cầu. Cứ như vậy, việc luyện tập kéo dài ròng rã cho đến lúc lên đường.

Ðọc một bài báo khác, cũng trên tờ CAND, ta biết thêm về công trình 75A và 75B đã được làm từ nhiều năm trước. Khi Hồ Chí Minh còn sống mạnh khỏe.
Công trình 75A và 75B là hai hầm bí mật lớn kiên cố, có phòng thí nghiệm đặc biệt được xây dựng ở hai địa điểm khác nhau nhưng cùng phục vụ một mục tiêu là giữ xác và ướp xác Hồ Chí Minh.
Các Trung đoàn, Tiểu đoàn Công binh theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương làm việc ở đây không được tìm hiểu công trình này phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: “đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt.” Công trình 75A ở Ðá Chông, Sơn Tây, công trình 75B thì ở Ba đình Hà Nội là nơi đặt thi hài Hồ chí Minh sau này. Tác giả mô tả “Vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác... công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.”

Còn lăng xây trên công trình 75B, được khởi công vào năm 1973, đọc bài: “Những người lính giữ an toàn cho quá trình xây Lăng Bác”. Tướng công an Thanh Hằng khoe thành tích nhân dịp kỷ niệm “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” viết “Những ngày cả nước dồn sức xây dựng công trình Lăng Bác, không ít lần bão lũ, gió mưa, nóng nắng cháy da hay rét buốt, nhưng ngày cũng như đêm...”
Với niềm kính trọng vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, các địa phương đều cử một đội công nhân, kỹ sư về tham gia xây dựng Lăng, nên số lượng người làm việc tại công trường rất đông.
Việc bảo vệ an toàn cho công trường trên diện tích rộng lớn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn với Đại đội 17, một đơn vị mới thành lập, nhất là trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, vô vàn thiếu thốn.”


Dù anh đứng ở phía nào ... ở đây tôi chỉ nói là con người: Khi toàn dân đói rách, chiến tranh triền miên mà “cả nước dồn sức xây lăng Bác.” Anh nghĩ sao?
Anh có biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, công sức của dân xây lăng không?
Gỗ, gạch, đá quý, mọi thứ vật liệu ở khắp miền đất nước, không phải vụt bay tới Ba Ðình trong lúc chiến tranh đang khốc liệt. Với nông dân mỗi hạt thóc là một giọt mồ hôi, mỗi hạt cát là một giọt máu tươi. Mỗi viên gạch là một sọ người, mỗi phiến đá được đẽo gọt đánh bóng bằng xương dân!


Thành tích quản lý con người của các lực lượng công an thật lớn, ta xem đoạn văn dưới đây sẽ thấy công lao của họ: Do đặc điểm của một công trình quan trọng, nên việc vào, ra công trường xây dựng Lăng phải có giấy phép được qui định mẫu thống nhất và được kiểm tra chặt chẽ. Thế nhưng, số người thường xuyên làm việc tại đây rất đông, lại từ nhiều đơn vị, địa phương, thuộc nhiều thành phần, dân tộc về làm việc, nên nền nếp sinh hoạt cũng khác nhau, khiến việc kiểm tra, kiểm soát của Đại đội 17 gặp nhiều khó khăn.” (Có nhiều đơn vị công an bảo vệ công trình chứ không phải chỉ có đại đội 17.)

Làm sao biết được nỗi ô nhục và gian khổ khó khăn của hàng triệu con người ở khắp miền đất nước về đây xây lăng! Cũng không thể nào biết được sự hà khắc và nghiệt ngã của chế độ hộ khẩu, tem phiếu thực phẩm... mà người dân xứ Bắc phải chịu đựng dưới thời Hồ Chí Minh, khi ông chết họ lại phải dồn sức xây lăng!
Công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến. Còn những công việc gì dự phòng cần tiến hành nữa xem trong cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” do NXB QÐND phát hành 2009 có đoạn viết “Tháng 5/1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:
1. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.
2. Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.”
“Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.”

Ở một đoạn khác tác giả viết:
“Năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bungari tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Cu-tu-dốp, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bungari, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử sang Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.”

Những công trình vĩ đại và những chuyện liên hệ đến vận mệnh lịch sử này, liệu Hồ chí Minh có biết không, trong khi ông vẫn còn mạnh khỏe? Nếu không biết gì thì Hồ chí Minh chỉ là cục thịt thừa! Còn biết mà cứ ngậm miệng, thì chuyện viết di chúc: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức đám đình, lãng fí ngày zờ và tiền bạc của dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”.” (1) là chuyện lừa đảo lịch sử.
Bởi nó xuất phát từ một nhân vật chuyên bịp bợm, đóng kịch như đi dép Bình Trị Thiên, mặc bộ quần áo nâu rẻ tiền. Thật khéo biểu lộ sự giản dị, kiểu tự hạ mình để kẻ khác phải nâng lên. Điển hình là chuyện, y đã tự viết sách ca tụng mình và tự khen là khiêm tốn giản dị. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” lấy tên Trần Dân Tiên, một tên giả, trong số nhiều tên giả của Hồ Chí Minh, xử dụng để che dấu những ý đồ xấu cho từng thời gian hoạt động, cốt chỉ để lừa bịp người.
Mở đầu sách ông viết: “Nhiều nhà văn nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ở một đoạn khác cũng cái ông ấy viết: “Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiều công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được. (2)

Giá trị của con người được xác định bằng cách xem xét hành vi của y: Gia đình, thân quyến, bằng hữu, cố hương.
Tất cả những nơi mà con người luôn nghĩ đến và tình thương yêu, lưu luyến liên tục với những mối ràng buộc ấy, nhưng đối với ông Hồ, tổ ấm thâm nghiêm ông đã đóng chặt, với những chiến hữu đầy lòng ích kỷ, vô tổ quốc, vô gia đình. Ông trở thành kẻ lạc loài, khi trút hơi thở cuối cùng vẫn còn mơ gặp Mác Lê.
Qua những cử chỉ hành vi trên, chúng ta thấy rõ Hồ Chí Minh viết di chúc “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức đám đình, lãng fí ngày zờ và tiền bạc của dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”.
Chỉ là đạo đức giả và tránh né dư luận sau này, đây là một mưu mô quỷ quyệt, nhưng dù muốn hay không. Y không thể lừa được người làm sử trước những sự việc hiển nhiên như vậy.

Trở lại những chuyện liên quan đến xác chết, Thiếu tướng Trần kim Chi, nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Hồ chí Minh. Trong bài: “Những ký ức ngày đầu giữ gìn thi hài Bác”(2), mô tả:
Tôi còn nhớ như in, ngày 28/8/1969, sức khoẻ của Bác đã bắt đầu yếu hẳn, tim có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần tuyến nhĩ thất. Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng có dấu hiệu xấu, trung tuần tháng 8/1969, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác, gồm các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban; Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Cục trưởng Cục Quân y; và tôi, Trần Kinh Chi, lúc bấy giờ là Đại tá, Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội. Ban chỉ đạo phân công đồng chí Phùng Thế Tài làm Phó ban và tôi là Ủy viên Thường trực, điều hành mọi công việc cụ thể của Ban chỉ đạo.
Song thời điểm khắc nghiệt nhất đã đến. Sáng ngày 2/9/1969, cả nước đang hân hoan trong ngày Quốc khánh, thì trong căn nhà nhỏ, giản dị cách ngôi nhà sàn của Bác không xa, trên một chiếc giường gỗ trải chiếu đơn sơ, Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đang trút những hơi thở cuối cùng.
Vây quanh Bác là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

Hôm nay xung quanh thi hài ông, các chiến hữu của ông kết lại thành mối giây liên hệ quyền lực chặt chẽ, mà người ngoài cuộc không thể xâm nhập được qua xác chết, những cử chỉ hành vi của họ với cung cách của nó, ta cảm nhận được một lòng tận tụy bí ẩn của những chiếc mặt lạ quyền lực sau những khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” của ông trùm là ăn chơi, chè chén, truy hoan từ dạ tiệc này đến dạ tiệc khác... dân chúng không thể biết tới, và thế là lịch sử tội ác quyền lực mafia luôn lớn mạnh, lại mở thêm một chương tội ác nữa qua việc dùng mồ hôi xương máu của dân để ướp xác xây lăng!
Ông là chủ tịch nước, đứng đầu đảng và cũng là thủ lĩnh thế giới ngầm, vai trò của ông không dễ. Tất nhiên, chân dung Hồ chí Minh đã được vẽ lên có pha mầu quỉ thần, do đó hoàn toàn không chân thật. Một nhân vật thuộc chế độ toàn trị, đứng trên hẳn cuộc sống, nằm ngoài đời thường. Cũng giống như các lãnh tụ cộng sản khác... chuyện đã được nhiều người viết. Kể nữa cũng nhàm tai xin trở lại bài viết của tướng Kim Chi:
“Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời gian, Ban chỉ đạo đã huy động thêm lực lượng nhằm đáp ứng với tình hình ngày một khẩn trương. Theo dõi từng giờ, từng ngày sức khoẻ của Bác, chúng tôi biết thời điểm nghiệt ngã nhất đang đến gần. Ban chỉ đạo khẩn trương tiến hành kiểm tra mọi khâu trong công tác chuẩn bị; khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại; đình chỉ mọi việc đi phép, đi học của cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến nhiệm vụ.
Cục Bảo vệ và Tiểu đoàn 144, Trung đoàn 375 phối hợp với Bộ công an bảo đảm an ninh kiểm tra kiểm soát tổ chức ngay một đoàn xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, gồm 5 chiếc: Hai xe cứu thương, ba xe Gat, chọn các đồng chí Hoàng Đình Thinh - lái xe của Tổng cục Hậu cần; Nguyễn Văn Nhích - lái xe cứu thương của Viện Quân y 108 làm nhiệm vụ lái xe cứu thương. Các xe khác do lái xe của Cục Bảo vệ đảm nhiệm. Hằng đêm, các chiến sĩ lái xe đã không quản ngại vất vả, gian khổ, miệt mài luyện tập, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ lái xe trong các tình huống, trên các đoạn đường, đến các địa điểm khác nhau.
Một số cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn 144 và Cục Bảo vệ được chọn làm nhiệm vụ luyện tập, mặc trang phục Cảnh sát hoặc hoá trang là người dân bình thường ém và tuần tra ở các con đường mà đoàn xe đi qua; mọi tình huống xấu có thể xảy ra (xe hỏng, kẹt tắc đường, gặp tai nạn, bị phá hoại) đều được lường tính trước và vạch sẵn giải pháp xử lý.”

Thật không ai ngờ, bảo vệ một xác chết mà cả bộ máy công an những toán đặc biệt, trung đoàn quyết tử vòng trong vòng ngoài hộ tống. Các nhân viên mật vụ chiến đấu trên các mặt trận đều được điều về đây, hàng ngàn nhân viên công an được hóa trang, các nhân viên an ninh kiểm soát chặt chẽ từ xó xỉnh, các nhà dân bên đường trong lộ trình đưa xác chết đến chỗ tuyệt đối an toàn. Giống như đường giây bí mật buôn lậu ma túy, chỗ nào cũng có những tay súng lăm lăm, trong mê lộ đêm ngày.

Từ góc độ an toàn tuyệt đối, thì phương án này bảo vệ được xác chết 100%. Như thế là xác chết được đem đến chỗ an toàn tuyệt đối, còn người dân thì để họ hấng bom đạn Mỹ, vì tiền của ngân quỹ đã được dồn vào việc xây hầm bí mật có đủ mọi phương tiện, sách còn mô tả: “Bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 106C, chỉ được phép giao động dưới số 0,20C”, như thế bom tấn bỏ trên mặt hầm cũng không rung động. Vì nếu rung động sẽ rụng râu tóc của xác chết, sau này không diễn trò cho thiên hạ xem được.


Ghi chú:

1) Trích trong di chúc Chủ tịch Hồ chí Minh NXB Chính trị quốc gia 2004.
2) Trần Dân Tiên “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” NXB Sự Thật Hà Nội 1976

No comments: