Friday, September 18, 2009

HOA KỲ ĐANG MẤT DẦN QUYỀN LỰC


Viện nghiên cứu tại Anh cho rằng Mỹ đang mất dần quyền lực
Raphael G. Satter
Trần Ngọc Cư dịch
18/09/2009 12:01 sáng
http://www.talawas.org/?p=10311
Luân Đôn – Một nước Mỹ suy yếu biết đâu lại phải nghĩ đến chuyện rút khỏi sân khấu chính trị thế giới nếu không có được sự hỗ trợ của các đồng minh bên ngoài, một tổ chức nghiên cứu những vấn đề chiến lược quốc tế đã tuyên bố như thế vào hôm thứ Ba.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute of Strategic Studies, IISS) đầy uy tín, có trụ sở ở Luân Đôn, nói rằng Tổng thống Barack Obama sẽ càng ngày càng phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều nước khác để đối phó với các vấn đề trên thế giới – một phần cũng vì ông không còn cách nào khác hơn.
“Mặc dù ở trong nước Obama đã từng tranh cử với khẩu hiệu ‘vâng chúng ta có thể’, nhưng trên trường quốc tế càng ngày Obama càng phải phân bua ‘không, chúng tôi không thể’”, viện nghiên cứu nói trên đã nhận định như thế trong một bài duyệt xét tình hình thế giới hàng năm.

Bản tường trình của viện này nói rằng hai cuộc chiến chống quân nổi dậy tại Iraq và Afghanistan đã phơi bày những giới hạn của sức mạnh quân sự Mỹ, trong khi tình trạng gần như suy sụp của các thị trường tài chánh đã làm suy yếu cơ sở kinh tế vốn là chỗ dựa của sức mạnh này.

Bản tường trình cũng cho rằng Hoa Kỳ đã thất thế trong nỗ lực ngăn chặn chương trình nguyên tử của Iran và trong nỗ lực mang lại hoà bình cho Trung Đông.
“Rõ ràng là ‘sức mạnh toàn cầu’ của Hoa Kỳ, dù được đo lường bằng bất cứ cách nào, cũng đang trên đà đi xuống”, theo nhận xét của bản tường trình này.

Người đứng đầu một viện nghiên cứu có uy tín khác tại Luân Đôn, ông Robin Niblett thuộc Viện Chatham House, lý luận rằng sự vươn dậy trong tương quan lực lượng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu đã khiến cho Hoa Kỳ khó vung vít ảnh hưởng của mình như từng làm trước đây.
“Hoa Kỳ cần phải thay đổi cốt cách lãnh đạo của mình, nhưng tôi không muốn nhấn mạnh quá đáng sự xuống dốc của nước này bởi vì sự xuống dốc ấy cũng có tính cách tương đối. Rõ ràng là Hoa Kỳ vẫn là nước hùng mạnh nhất thế giới, chỉ có điều là Hoa Kỳ khó vận dụng sức mạnh đó để ảnh hưởng lên các nước khác”, Niblett – một người không tham gia soạn thảo bản tường trình hôm thứ Ba của IISS – đã phát biểu như vậy.

Niblett còn cho rằng trong khi có sự vươn lên của các cường quốc trên nhiều vùng khác nhau, thì qua một thời gian khá dài Hoa Kỳ lại bị coi là có một phần trách nhiệm đã gây ra hơn là giải quyết các vấn đề – bao gồm việc thay đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng tài chính, và sự thất bại của tiến trình hoà bình tại Trung Đông.
Khi nhắc đến chính quyền Bush, Niblett cho rằng: “Nước Mỹ còn mang theo một hành trang gồm những chính sách thất bác và một đường lối tài chính lụn bại. Vì vậy quốc gia này cần thực hiện gấp rút nhiều nỗ lực để lấy lại thế đứng”.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ca ngợi Obama, cho rằng vị Tổng thống này đã nhận ra những chừng mực mà Hoa Kỳ có thể “áp đặt quan điểm của mình lên nước khác”.

Sau nhiều năm với những quan hệ thường là gay cấn giữa Hoa Kỳ và đồng minh trong thời kỳ Bush nắm chính quyền, bây giờ Obama đã bắt đầu nói đến yêu cầu của Hoa Kỳ là phải cộng tác với các nước khác về các vấn đề như cuộc suy sụp tài chính toàn cầu, nạn thay đổi khí hậu và sự lan tràn vũ khí nguyên tử.

Vào tháng Tư, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Luân Đôn [gồm 20 nước công nghiệp hàng đầu], Obama phát biểu: “Đây là những thử thách mà không một quốc gia riêng lẻ nào, dù có hùng mạnh đến đâu, có thể đương đầu một mình”.
Obama nói tiếp: “Hoa Kỳ phải dẫn đường. Nhưng cơ may tốt đẹp nhất để giải quyết những vấn đề chưa từng thấy này chỉ có thể phát sinh từ hành động hiệp đồng với các nước khác”.

Bản tường trình của viện IISS cho rằng Obama có thể giúp phục hồi thế đứng của Hoa Kỳ bằng cách cộng tác với các quốc gia khác nhằm chặn đứng các mối đe doạ đang xuất hiện nhắm vào địa vị của Hoa Kỳ như một cường quốc ưu việt (pre-eminent power) trên thế giới.
Bản tường trình cho rằng việc kiểm soát tham vọng hạch nhân của Iran và Bắc Hàn cần đến sự hỗ trợ của các cường quốc trong vùng. Điều này cũng đúng cho trường hợp Afghanistan, nơi Hoa Kỳ gặp phải nhiều khó khăn khi cố thuyết phục các đối tác thuộc khối NATO theo gương Hoa Kỳ trong việc gia tăng quân số nhằm chống lại quân nổi dậy Taliban.
Niblett cho rằng Obama đang đi đúng hướng.
Ông nói: “Chính quyền này thành thật hơn chính quyền tiền nhiệm rất nhiều về thế tương lập (interdependence) của Mỹ với phần còn lại của thế giới, và đây là một điều tốt”.

Nguồn: Associated Press, 15-9-2009,
http://www.mercurynews.com/news/ci_13341429?source=rss



No comments: