Wednesday, September 16, 2009

HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI VÁC THÁNH GIÁ


HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI VÁC THÁNH GIÁ
Nguyễn Thượng Long
http://www.doi-thoai.com/baimoi0909_180.html
Không biết có phải khi bước vào tuổi già người ta thường nghĩ nhiều về quá khứ hay không mà hiện nay tôi rất thích thú khi ngồi lần giở những trang hồi kí.
Giai đoạn này, có thể nói văn đàn Việt Nam đang được mùa Hồi ký. Hội chứng Hồi ký nghe chừng vẫn còn đang lan rộng, không có dấu hiệu hạ nhiệt. Người ta chưa hết bàng hoàng trước những trang viết của nhà lãnh đạo đảng và nhà nước cao cấp này, chính khách nổi tiếng nọ thì đã lại rơi vào những bất ngờ trước những trang hồi ký của vị tướng A, học giả B…Một vài năm gần đây không thể không nhắc đến Hồi ký của nhà văn Nguyễn Khải, nhà giáo – nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh, và hôm nay phải kể tới cuốn Hồi ký đang gây bao sóng gió trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước, đó là “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sỹ Tô Hải. Qua bạn bè, qua người thân và qua cả mạng thông tin toàn cầu …tôi đã được cận mục sở thị những trang viết của những con người Việt Nam xuất sắc đó, được chia xẻ với họ những buồn vui thế sự, được nhớ thương, tiếc nuối những mất còn cùng năm tháng. Trong số họ, có người đã nhẹ bước vào thiên thu, có người vẫn còn đang hiện hữu và đứa con tinh thần của họ đã cất tiếng chào đời. Lại có cả những gương mặt lớn của lịch sử đã tan hoà vào hư vô nhưng trước đó họ đã kịp trao cho con cháu , người thân đứa con tinh thần cuối cùng của mình cùng với lời nhắn nhủ : Ngày ấy… năm ấy mới được công khai, mới được bạch hoá.
Tôi không rõ khi người ta viết hồi ký người ta đã rơi vào tâm thế thế nào và nhân danh những khát vọng gì để viết Hồi Ký! Tôi nghĩ mỗi người sẽ là một trạng thái nhưng cái mẫu số chung của tất cả họ là khát vọng được nói thật những gì mà họ chưa được nói thật. Phần tôi, tôi đọc hồi ký là để tôi sửa mình, tôi kiểm nghiệm tôi, tôi “chữa bệnh” cho tôi và tôi hoàn thiện tôi.
Nếu không có Hồi ký “Làm người là khó” của ông Đoàn Duy Thành ( Cựu phó thủ tướng, Cựu Bí thư thành uỷ Hải Phòng, Trung ương uỷ viên nhiều khoá, Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại thương…) làm sao mà tôi có thể tin khi người nào đó nói : làm vợ, làm con cháu Tổng bí thư cũng chẳng sung sướng gì! Trong Hồi ký của mình, ông Thành đã viết :
“Ra đến Hà Nội được 2 – 3 ngày thì anh Ba (Lê Duẩn) mất. Tôi vội đến ngay gia đình anh. Chị và các cháu xúm lại hỏi tôi đi đâu mấy tháng : “ Lúc anh Ba yếu nặng sao chú không lại? Tôi nói do phải đi công tác miền Nam nên đành thất lễ với anh Ba trong những ngày cuối cùng. Cả nhà anh Ba lo lắng, nhất là mấy cháu gái : Cừ, Muôị, Hồng, các con rể : Lê Bá Tôn, Hồ Ngọc Đại. Nói là cháu , nhưng các cháu chỉ kém tôi 5 đến 7 tuổi. Tất cả xúm lại hỏi tôi : “ Ba cháu mất rồi liệu họ có giết gia đình nhà cháu không?”(Làm Người là khó – Trang 313 Hồi ký của Đoàn Duy Thành). Đoạn hồi ký trên sẽ gợi cho người đọc những cảm súc rất không bình thường. Không biết là các chiến sĩ trong đội đặc nhiệm của tướng Hữu Uớc như những TĐ, TT, HN, ĐN, HP, HT, TN,…họ sẽ được kích hoạt để xung trận theo kịch bản nào trong trường hợp này đây?
Cũng nhờ có hồi ký của ông Thành mà tôi cũng biết được, không phải là tình đồng chí cộng sản luôn luôn là thiêng liêng, luôn luôn là cao thượng như những điều mà người ta thường tuyên truyền. Trang 314 ông Thành đã viết :
“Khoảng tháng 5/ 1986, tôi đến thăm anh Ba ở Hồ Tây, gần đến khu biệt thự, tôi gặp xe anh Thọ đi ra.(Sáu Thọ - Lê Đức Thọ). Tôi vào thăm anh Ba, có anh Bùi San ở đó. Thấy tôi đến, anh Bùi San chào anh Ba ra về. Tôi bắt tay anh Bùi San và vào thăm anh Ba. Anh Ba tỏ vẻ bực tức nói : “Đấy nó đấy, tôi vừa đuổi nó ra rồi…”. Tôi suy nghĩ mãi mới biết là xe anh Thọ vừa ra…”(Tr 314)
Hoá ra lần đó ông Lê Đức Thọ thấy ông Lê Duẩn ốm nặng vội đến ép ông Duẩn viết di chúc bàn giao ghế (!?). Chẳng biết qua cuộc đối thoại này, nhân dân Việt Nam đã học tập được điều gì trong cách hành xử với nhau của các “Đầy tớ ở bậc thượng thặng” của chế độ! Có chiến sĩ nào trong đội đặc nhiệm của tướng Hữu Ước dám vặn ông Thành về chứng cớ ghi âm, ghi hình đây!
Khi đọc xong Hồi ký “Mao Trạch Đông nghìn năm công tội” của Đại tá Tân Tử Lăng cán bộ giảng dậy Đại học quân chính, Đại học quốc phòng, Học viện quân sự cao cấp Trung Quốc, bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam 2008, tôi thực sự ngỡ ngàng trước cuộc bàn giao giữa họ Mao và Hoa Quốc Phong. Trên giường bệnh năm đó Mao nắm tay Hoa cùng với lời trao gửi : “Đồng chí làm việc tôi yên tâm”. Thực ra ở Việt Nam ngay từ ngày đó đã lan truyền câu bàn giao rất nổi tiếng nguyên văn : “Chú làm việc tôi yên tâm” chứ không phải như bản dịch vừa qua của TTX Việt Nam. Sau này trong phiên toà xử lũ 4 tên, Hồng Đô Nữ chúa Giang Thanh đã nhẩy ngược lên với lời tố cáo : “Người ta đã cắt bớt đi phần quan trọng nhất trong Chúc ngôn của chồng bà”. Theo Giang Thanh đầy đủ phải là : “Đồng chí làm việc tôi yên tâm, có điều gì hỏi Giang Thanh” (Tr 9 Sách đã dẫn).
Nay cũng nhờ ông Đoàn Duy Thành mà tôi biết, ở Việt Nam cũng có những cuộc bàn giao không kém chất “ Lương Sơn Bạc”. Đó là cuộc bàn giao ghế Tổng bí thư giữa ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu, theo tôi cuộc bàn giao Mao – Hoa vẫn phải gọi cuộc bàn giao ở Việt Nam giữa ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu bằng cụ về chất Hảo thủ trong giang hồ. Trang 381 – 382, ông Đoàn Duy Thành đã viết :
“Đến giữa nhiệm kì khoá 7, tôi lại thăm anh Mười. Dù anh đối xử với tôi thế nào đi nữa, tôi vẫn giữ tình cảm anh em, đồng chí với anh. Lúc nào tôi cũng coi anh là thủ trưởng. Anh kể cho tôi nghe cuộc họp Trung ương giữa nhiệm kỳ này anh xin nghỉ. Tôi hỏi ai sẽ thay? Anh bảo tôi : “Lê Khả Phiêu”. Rồi anh giới thiệu quá trình cống hiến của anh Lê Khả Phiêu. Có đoạn đáng lưu ý và buồn cười với sự giới thiệu và giải thích này: “ Cậu Phiêu nó chiến đấu ở Bình Trị Thiên, được rèn luyện 14 năm. Nó có thể giữ được 2 khoá. Còn bảo nó hủ hoá thì mấy người còn hủ hoá quá nó!...”. Tôi nói phải giữ được hàng trăm năm chứ sao lại là 2 khoá? Còn đoạn sau tôi không bình luận. Tôi nghĩ một Tổng bí thư giới thiệu một Tổng bí thư mới thay mình mà nói như vậy nghe không được. Không rõ anh Mười đã nói với bao nhiêu cán bộ về câu chuyện này? Tôi thấy cách giải thích đó không đúng tầm của một nhà lãnh đạo quốc gia.
Đến Đại hội 9. Trong thời gian chuẩn bị nhân sự đại hội, tôi biết có nhiều phức tạp. Hôm Bộ chính trị mời một số cán bộ cao cấp đến để tham khảo ý kiến về nhân sự, trước khi đến họp, tôi lại đến thăm anh Mười. Anh nói nhiều chuyện về nhân sự. Khi nói đến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, anh Mười nói : “Cậu Phiêu bây giờ gái nó nắm …hết rồi, có đứa là CIA. Kỳ này phải thay người khác…”. Tôi đã định nói một câu , nhưng suy đi nghĩ lại lại sợ anh Mười phật lòng, nên tôi không nói nữa. Câu tôi định nói là : “Nay chắc là anh Lê Khả Phiêu hủ hoá hơn mấy người trước?”.
Tôi thấy rất buồn, cán bộ chủ chốt không đào tạo, không quy hoạch, thay đổi vội vàng thì lòng đảng không yên, lòng dân yên sao được?
Trong việc thay anh Lê Khả Phiêu, tôi đến dự hội nghị được một đồng chí cho biết : Có một cán bộ thân với anh Mười, hỏi anh Mười : Sao lại làm như vây ? Anh Mười trả lời : “Nó lật tôi, tôi lật lại”. Tôi nghĩ trong nội bộ xử xự như vậy lộn xộn lắm.”
(Hết trích).
Thật đúng là một thứ Võ Lâm Truyền Kỳ có đai có đẳng. Tôi nghĩ rằng không chỉ một mình tôi mà rất nhiều người thuộc thế hệ tôi phải cám ơn tác giả Đoàn Duy Thành, nhờ ông dám vác “Cây Thánh Giá Hồi ký” mà chúng tôi chữa được những lệch lạc, những ngộ nhận đến thảm thương về những con người mà chúng tôi cũng đã từng hồn nhiên tin tưởng là “Đỉnh cao trí tuệ”, những con người mà băng Role ngợp đường tự tôn mình là “MÙA XUÂN” của đất trời.


Cũng nhờ có Hồi ký của ông Lê Quang Đạo, một yếu nhân khác của đảng , của quân đội, của quốc hội Việt Nam mà tôi chữa được căn bệnh sính ngoại, vọng ngoại của tôi. Tôi đã giầu trí tưởng bở rằng : “Mùa Xuân” của tây sẽ khá hơn mùa xuân của ta lắm lắm. Trong Hồi ký “Đảng ở trong dân”, Chương 7 ông Đạo viết về Đảng cộng sản Liên Xô thành trì của cách mạng vô sản thế giới :
“Vì sao nhân dân Liên Xô đã có một quá trình gắn bó với Đảng cộng sản làm nên Cách mạng tháng 10 vĩ đại, đánh bại kẻ thù của loài người là chủ nghĩa phát xít Đức, xây dựng nên Liên bang Xô viết hùng cường…bỗng chốc quay lưng lại với Đảng của mình, để chính quyền Xô viết sụp đổ dễ dàng như qua một cuộc binh biến?”( hết trích).
Qua những trang hồi ký của ông Đạo, tôi mới biết không phải những người cộng sản Việt Nam ai ai cũng là “lưỡi gỗ” hết, còn đó rất nhiều những tiếng nói trung thực và công bằng.
Ông Đạo cho rằng, Đảng của Lê nin xây dựng đã biến chất sau nhiều thập niên hoà bình, dẫn tới chỗ không chỉ người dân mà cả lực lượng vũ trang mạnh bậc nhất thế giới , cũng như không ít trong số 20 triệu đảng viên đã chối bỏ đảng. Sự suy thoái của đảng không phải chỉ mới xuất hiện mà là một quá trình diễn ra từ lâu mà đảng đã không nhận biết, hoặc có biết cũng không kiên quyết và không có biện pháp sửa chữa kịp thời.
Cũng trong hồi ký của mình, ông Đạo kể về 2 lần ông đi thăm Ru Ma Ni mới ghê sợ làm sao! Ông Đạo đi Ru lần đầu vào những năm đầu của thập kỷ 1980, lúc đó ông là bí thư trung ương đảng CSVN, thay mặt đảng đi dự Đại hội Đảng cộng sản Ru Ma Ni. Tại Đại hội, ông thấy mọi người chào đón Ceausescu Tổng bí thư ĐCS Ru Ma Ni như các Fan bóng đá, các Fan của các ca sĩ nhạc Pop ngày nay đón chào các thần tượng của họ. Lúc Ceausescu xuất hiện cả hội trường đứng lên hô đồng thanh: “ Cheo! Cheo! Cheo!”…(Tên gọi tắt của Ceausescu). Trong thời gian diễn ra Đại hội, có một vài đại biểu vì bất bình mà đứng lên phát biểu những ý kiến khác biệt…lập tức bị cảnh sát, mật vụ xông vào bắt dẫn đi. Năm 1991, ông Đạo lúc đó đã là Chủ tịch Quốc Hội, ông thăm Ru Ma Ni lần thứ 2. Lúc này vợ chồng Ceausescu đã bị nhân dân Ru tử hình. Đảng cộng sản Ru Ma Ni mất quyền lãnh đạo đất nước và trước mắt ông Đạo là quang cảnh một đất nước đói nghèo và hỗn loạn. (Xin đọc chương 7 Hồi ký “Đảng ở trong dân” của Lê Quang Đạo).
Những hiện thực này, không có những người dám nói lên sự thật, dám nói hết những gì mà họ đã nhìn thấy, nghe thấy bằng chính các giác quan của họ…những con người đó là những con người đã từng 1 lòng, 1 dạ, vì đảng vì dân, không ai có thể nói họ là những kẻ ăn phải bả của các thế lực phản động này nọ. Không có họ, không biết quần chúng nhân dân sẽ còn u mê, ngộ nhận đến bao giờ?
Có lẽ tôi phải “ Thắp một nén nhang cho người nằm dưới mộ” rồi nói với nhà văn Nguyễn Khải rằng, tôi đã từng tâm niệm : Mỗi khi thấy bế tắc, thấy khủng hoảng, thấy đau khổ về cuộc đời …hãy tìm đến các nhà văn nổi tiếng để nhờ họ tư vấn, để nhờ họ đưa ra những trợ giúp tâm lý cần thiết...
Than ôi! Chưa kịp tìm đến đấng cứu rỗi, Nguyễn Khải đã phải viết những dòng như thế này thì có thể nói: ông đã đau khổ, đã bế tắc và khủng hoảng còn hơn tôi rất nhiều lần. Trong sáng tác cuối cùng của mình có nhan đề “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Khải đã viết:
- Về những giáo điều tiên tri: “ Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp cả một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.”(tr 3 )
- Về tổ chức xã hội : “Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa đến tận đâu cũng vẫn tạo được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng đồng. Lại lấy thêm một ví dụ về nước Nga trong non một thế kỷ qua. Dưới chế độ Xô Viết, người dân Nga được nhà nước chăm lo hoàn toàn từ khi sinh đến khi chết, nhưng họ vẫn không thích.”(tr 7)
- Về văn nghiệp: “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chẳng còn ai nhắc tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ.”
(tr 8)
- Về những nỗi sợ hãi: “Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn, được gặp gỡ các nhà văn, nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì tới Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê.” (tr 13)
- Về cách mạng: “ Một nửa nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết chân của nhóm “Nhân văn giai phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong chiến tranh giải phóng, nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến như vậy.” (tr18)
- Về ngôn luận: “Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của đảng, của chính phủ, của quốc hội…tất cả chỉ dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và cũng ít trách nhiệm nhất”… “Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy”… “Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ”. (tr 20)
Có thể nói “Đi tìm cái tôi đã mất” Hồi ký của Nhà văn Nguyễn Khải là sự dằn vặt khôn cùng của ông, cũng là của cả một thế hệ trí thức Việt Nam đã hồn nhiên tự đánh mất mình cho một sự nghiệp vô vọng . Sự nghiệp đó đã bị cả thế giới văn minh chối bỏ. Sự nghiệp đó đang trên đường “Tự vỡ”, nói theo lời cảnh báo của nhà hoạt động chính trị xã hội lão thành Lê Hồng Hà.
Người trí thức mà không có những nỗi dằn vặt đau sót như thế mới là truyện lạ. Cuộc dấn thân để đi tìm chính mình của Nguyễn Khải vào lúc chập choạng hoàng hôn cuộc đời, thật đáng trân trọng biết bao.
Gần đây tôi đã đọc “Hồi Ký của một thằng hèn” của Nhạc sĩ tài danh Tô Hải. Đọc xong cuốn sách của Tô Hải, tôi đã rơi vào trạng thái bị ám thị nhiều ngày. Đi đâu, làm gì, kể cả trong giấc ngủ vẫn cứ thấy gai gai vướng vất trong đầu là những con chữ, những hoà thanh thấm đẫm tinh thần phản tỉnh của tác giả. Ngoài tinh thần phản tỉnh ra, tôi nghĩ giá trị xuyên suốt qua 521 trang Hồi ký của Tô Hải là khát vọng muốn được xám hối . Trạng thái đó , hội chứng đó khá đặc trưng cho những gương mặt nghệ sĩ lớn của xã hội Việt Nam đương đại.
Những năm đầu thập kỷ 1960, ở tuổi học trò tôi đã từng mê mẩn trước những câu thơ mà Chế Lan Viên đã viết về thế hệ chúng tôi :
“Thần chiến thắng là những chàng áo vải
Những binh nhất binh nhì 18 tuổi”
(Chế Lan Viên)
Vì một lý do khá đặc biệt, tôi đã không được làm THẦN, để cuối đời được chứng kiến Chế xám hối một cách đau đớn trước những gì mà ông đã từng viết ra:
“Mậu thân, 2000 người xuống đồng bằng,
Chỉ một đêm còn sống có 30!
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 con người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong…”

(Chế Lan Viên)
Tôi kính trọng nhà thơ của Điêu Tàn ngày nào. Với Nguyễn Đình Thi cũng như vậy. Ông quan văn nghệ nổi tiếng đa tài và cũng đa tình này lúc hoàng hôn cuộc đời cũng sụt sùi đau khổ:
Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn…”

(Nguyễn Đình Thi)
Hôm nay, tôi lại được nghe nhạc sĩ Tô Hải nói về nỗi lòng mình. Ngay ở Lời tự vấn “Vì sao tôi viết Hồi ký?” Tô Hải đã viết:
“Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “Con Đại bàng …cánh cụt” chậy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gẫy mỏ trụi lông…”. (tr 54)
Ông không chối bỏ phần trách nhiệm thuộc về mình: “…Nhưng, vừa là tội đồ, vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Muset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử 1 mẩu trái tim, 1 mẩu trí óc, 1 chút hơi tàn của thân xác” (trang 54)
Vì sao mà đến nỗi Tô Hải phải day dứt, phải thú nhận mình vừa là tội đồ, vừa là tòng phạm? Hãy nghe ông lý giải cái bi kịch của chính ông và cũng của cả thế hệ ông :
“Chúng ta mới dại dột làm sao! Chúng ta đánh đổi lương tâm trong sáng ấy lấy một thứ lương tâm đen tối không phải của mình. Lương tâm của thời buổi đánh nhau của tao, của chúng mày, ơi các bạn của tôi, đều là lương tâm của người khác! Lương tâm của ông Diệm, ông Thiệu chống cộng sản, lương tâm của ông Mác, ông Lê, ông Mao, ông Hồ không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp.” (tr 91) Và Tô Hải nói với bạn bè cùng thế hệ ông :
“Các bạn của tao ơi? Thằng giầu có bên xứ người cũng như thằng trắng tay trong lòng tổ quốc đều có nỗi đau tự đánh mất hết tuổi trẻ của mình. Chúng mày cảm thấy lạc lõng giữa trời Âu Mỹ. Còn tao, đau hơn, thấy mình lạc lõng trên chính đất nước mình, ngay giữa lòng con cháu mình. một cuộc tha hương trên đất mẹ.” (tr 91).
Tôi nghĩ rằng chẳng còn lời nào hay hơn, thật hơn những dòng chữ này của Nhạc sĩ Tô Hải.


Thưa những ai vì vô tình mà đã đọc bài viết này, có bao giờ bạn thử truy tìm để biết người ta đã định nghĩa Hồi ký là thể loại gì trong các thể loại của nền văn học dùng ký tự để thể hiện ? Tôi vốn dĩ là một kẻ ngoại đạo về văn chương nên tôi càng tò mò hơn về chuyện này. Nhờ một anh bạn thân cũng là một giáo viên văn học, tôi đã được anh bạn cho đọc trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân, in lần thứ 2 – Nhà xuất bản KHXH 1977 đoạn định nghĩa về Hồi ký:
“Hồi ký là thể văn thuật lại theo thứ tự thời gian những sự việc mà mình đã làm đã gặp”. Tất cả có vậy thôi, rất đơn giản, rất ngắn gọn và đầy đủ. Có gì đâu là ghê ghớm đến nỗi Thượng Nguyên một ngòi bút “ máu lạnh” của tướng Hữu Ước phải xối xả mắng nhiếc Nhà giáo, Nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh rồi bất ngờ Thượng Nguyên cao giọng dậy bảo ông Mạnh là không hiểu gì về Hồi ký mà cũng viết Hồi ký, lại còn gợi ý khéo để nhà nước này tống khứ vị giáo sư danh tiếng này ra khỏi đất nước, ra khỏi cộng đồng mà ông cũng đã cả đời góp công sức gây dựng. Chẳng có một xã hội nào, văn đàn nào trên cõi đời này mà người viết hồi ký lại phải có cả phẩm chất của một đấng chịu nạn trước những gì mà họ đã viết ra do đã chót nghe thấy, đã chót nhìn thấy. Oái oăm thay những gì mà ông Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo sư văn chương, Nhà giáo nhân dân, Giải thuởng nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đã viết trong chương 7, chương viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số quan hệ đời thường, đặc biệt là câu chuyện tình cảm giữa Chủ tịch với một người phụ nữ rất trẻ và xinh đẹp người Cao Bằng. Đến nay mặc dù gặp phải bao sóng gió, thị phi thậm chí cả những mạ lỵ hết sức vô lý, tầm thường và dung tục, chương này vẫn là một hiện hữu nổi trôi trên dòng dư luận, vẫn là những tồn căn nhức nhối của lịch sử. Những nhức nhối đó đang không ngừng đòi được mổ xẻ, đòi được băng bó để những con người đã nằm xuống trong một câu truyện tình bi thảm sớm được siêu thoát trong sự minh định công bằng và nhân bản.
Xin cám ơn các tác giả Hồi Ký mà tôi đã nhắc đến trong ghi chép này, nhờ các tác phẩm của các quý vị mà người đọc chúng tôi đã thoát ra khỏi bến u bến mê để tự lần tìm đến bến bờ của sự giác ngộ và giải thoát tâm thế khỏi những ám ảnh triền miên mang đậm sắc mầu Liêu Trai đã ngự trị trong tâm tưởng con người Việt Nam chúng tôi suốt nhièu thập kỷ.
Để trí tuệ Việt Nam sớm thăng hoa và người Việt Nam chúng ta không phải mang tiếng là một dân tộc đã thích nghi một cách một cách đáng thương với những giối trá, một hiện tượng dị thường trong dòng chẩy về phía văn minh của nhân loại…tôi nghĩ, những người viết Hồi ký vừa qua, họ phải được vinh danh là những người vác “Cây Thánh Giá” của lòng trung thực. Tổ quốc, dân tộc sẽ ghi danh họ là những chứng nhân dũng cảm của thời đại. Họ là những người anh hùng. Tôi vững tin như vậy./.

Tháng8/2009
Nguyễn Thượng Long

Nguyên Giáo viên Địa Lý của GD-ĐT Hoà Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh tra Giáo dục Hà Tây.
Chỗ ở: Thôn Văn La-Phường Phú La-Quận Hà Đông-Hà nội
Điện thoại :0433521066 & 0953298198
Email :
nguyenthuonglong571@gmail.com
Đón đọc: Về bài báo “Chất độc hại trong một cuốn Hồi ký”(Thượng Nguyên-ANTG Số 815 -10/12/2008)

---------------------------------------

Đi tìm cái tôi đã mất - Nguyễn Khải

Hồi Ký của Một Thằng Hèn - Tô Hải

Làm người là khó - Hồi ký Đoàn Duy Thành


No comments: