Wednesday, September 16, 2009

MỘT VẤN ĐỀ CỦA ĐẠI HỌC THỜI HỘI NHẬP


Các môn chung – một vấn đề của ĐH thời hội nhập
GS TS Nguyễn Minh Thuyết
16:31 ngày Thứ Tư, 16/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/9009.html
Theo Hiệp định WTO và Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), chúng ta không hạn chế việc các trường đại học nước ngoài vào đầu tư mở trường ở Việt Nam. Nhưng có một vấn đề chúng ta cần phải đặt ra để suy nghĩ và tìm giải pháp thích hợp, đó là chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài với các trường đại học trong nước khác biệt nhau khá xa.
Tạm chưa nói đến các môn khoa học chuyên ngành, trong bài viết này, tôi chỉ bàn về các môn học chính trị (bao gồm Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) và Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng. Đây là mảng có những sự khác biệt rất lớn giữa các trường đại học của ta và của nước ngoài (bao gồm các trường ở nước ngoài và trường nước ngoài đặt ở Việt Nam).

Trong chương trình đại học Việt Nam, thời lượng học các môn này là từ 20 đến 24 đơn vị học trình, tùy ngành, tức là từ 300 đến 360 tiết. Từ trước đến nay, không ít người cho rằng những môn này rất căn bản, rất cần thiết, nhưng trên thực tế, chúng không có trong chương trình của phần lớn các trường đại học nước ngoài. Sự chênh lệch khoảng 300-400 tiết so với chương trình đại học nước ngoài là một trong những lý do khiến bằng cấp của ta khó được các nước công nhận. Ngược lại, về phía ta, liệu chúng ta có công nhận bằng cấp của các sinh viên tốt nghiệp đại học nước ngoài công tác tại Việt Nam không, nếu anh chị em này thiếu hụt mấy trăm tiết học các môn chung như đã nói? Chúng ta phải đặt ra vấn đề này vì một sinh viên tốt nghiệp trường đại học trong nước học đến gần 400 tiết các môn này cũng được sử dụng ở các cơ quan, doanh nghiệp hệt như người tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài không học chúng. Đây là một sự không công bằng đối với Cử nhân được đào tạo từ các nguồn khác nhau. Cho nên, theo tôi, đã đến lúc Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan liên quan cần xem xét lại sao cho thấu đáo.

Nếu quan niệm đây là những môn mà nhất thiết công chức của Việt Nam phải học thì chúng ta có thể đào tạo họ trong các chương trình ở Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các trung tâm giáo dục quốc phòng. Trước khi thi vào ngạch công chức, các ứng viên cần phải học qua các môn học đó. Ứng viên xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, các đơn vị khác thì không nhất thiết phải học những môn này. Còn nếu quan niệm các môn học này là bắt buộc đối với tất cả những người có trình độ đại học thì cũng phải nghĩ đến chuyện bổ túc kiến thức cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học nước ngoài trước khi tuyển dụng họ vào làm việc ở tất cả các cơ sở của Việt Nam, từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp quốc doanh, tư doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, ta chỉ có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội v.v… của Việt Nam, thậm chí các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam thực hiện điều kiện nói trên, chứ không thể yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí các doanh nghiệp tư nhân làm như vậy. Đây là một bài toán đặt ra mà Bộ Giáo dục & Đào tạo phải giải quyết.

Riêng về phần mình, tôi nghĩ rằng để những người có trình độ đại học có một nhận thức luận đúng đắn thì họ cần được nghiên cứu các môn đã nêu, nhưng nên đưa các môn riêng rẽ đó vào khuôn khổ những môn có phạm vi rộng lớn hơn, như là một bộ phận của môn học chung đó. Chẳng hạn Triết học Mác – Lênin có thể được giảng dạy trong các chương trình triết học nói chung hoặc là Lịch sử triết học; Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể đưa vào dạy trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đưa vào Lịch sử Việt Nam giai đoạn hiện đại; Kinh tế chính trị có thể nhập vào môn Lịch sử các học thuyết kinh tế v.v. Về môn Giáo dục thể chất thì nội dung của nó cần được cải tiến cho thiết thực hơn, và tốt nhất là chuyển thành giáo dục ngoài giờ thông qua hình thức câu lạc bộ – câu lạc bộ bóng bàn, câu lạc bộ điền kinh, câu lạc bộ bơi lội v.v. Môn học này cần được sinh viên hào hứng đón nhận với niềm say mê chứ không nên thành nỗi khiếp sợ của nhiều người. Còn về môn Giáo dục quốc phòng thì nó có thể dạy ở các trung tâm Giáo dục quốc phòng có đầy đủ điều kiện, không chỉ cho sinh viên mà cho toàn bộ thanh niên. Số giờ dạy các môn nói trên cũng cần được tính toán một cách hợp lý. Theo tôi, đó là một cách giải quyết để ít nhất chương trình của chúng ta có những phần tương thích với chương trình của nước ngoài. Đây là một vấn đề đặt ra khi ngành đại học của chúng ta hội nhập với thế giới.
N.M.T.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 10/03/2008

No comments: