Wednesday, September 9, 2009

GIANG - HỒ : MỘT LIÊN MINH QUYỀN LỰC NỘI BỘ ĐÁNG QUAN NGẠI


Giang-Hồ, một liên minh quyền lực nội bộ đáng quan ngại
Nguyễn Minh
Đăng ngày 09/09/2009 lúc 00:05:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4108
Chuyến viếng thăm Đài Loan của vị Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) thứ 14, trong suốt một tuần, từ 30-8 đến 5-9-2009, đã làm Bắc Kinh nổi giận... trong bất lực.

Không riêng gì Bắc Kinh, chuyến viếng thăm này cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận và nôi bộ chính quyền Đài Loan. Những người Đài Loan thân Hoa Lục và nhiều tổ chức tôn giáo khác chỉ trích chuyến viếng thăm này hoàn toàn vì mục đích chính trị. Trong khi trước đó chính quyền quốc dân đảng của tổng thống Mã Anh Cửu, muốn duy trì tốt quan hệ giữa hai nước nước Trung Hoa, đã gởi một đặc sứ sang Bắc Kinh loan báo tin này. Bắc Kinh tố cáo Đạt Lai Lạt Ma là người cổ võ khuynh hướng ly khai Tây Tạng khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Trong thực tế, tổng thống Mã Anh Cửu, bị áp lực phe đối lập và nhiều đảng viên quốc dân đảng, đã chính thức mời vị lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng sang Đài Loan cầu siêu cho nạn nhân trận bão Morakot làm 461 người thiệt mạng và 192 người mất tích tại thị trấn Cao Hùng (Kaohsiung), như để chuộc lỗi với dân chúng vì đã tổ chức chậm trễ công tác cứu trợ.

Mặc dù đây chỉ là một quyết định bình thường của một quốc gia có chủ quyền, nhưng dư luận quốc tế rất quan tâm đến sự kiện này. Mọi người đều biết, từ gần 60 năm qua Bắc Kinh đã làm đủ mọi áp lực để sát nhập hòn đảo nhỏ bé Đài Loan (với 35 000 km2 và 24 triệu dân) vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng các chính quyền Đài Bắc không hề nao núng. Không những thế, Đài Loan còn trở thành một cường quốc kinh tế khu vực buộc Trung Quốc phải ve vãn để được giúp đỡ. Chính nhờ sự giúp đỡ tài chánh và kỹ thuật dồi dào của thương nhân Đài Loan trong các thập niên 1980 và 1990 mà Trung Quốc ngày nay trở thành một cường quốc kinh tế. Nói tóm lại, nhờ những quan hệ thương mại và tài chánh này mà hai quốc gia Trung Hoa đã phát triển một cách vượt bực. Đài Loan cần Trung Quốc và Trung Quốc cần Đài Loan, nhưng chênh lệch về lượng thiên về Trung Quốc vì đó là một thị trường lớn với gần một tỉ rưỡi dân, v.v. Mặc dù vậy, sau những lý luận duy ý chí này, cả thế giới ngạc nhiên về quyết định chính thức mời vị lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng sang Đài Loan của chính quyền Đài Bắc. Trước đó, Bắc Kinh đã thành công trong việc ngăn cấm một số quốc gia phương Tây, có nhiều quan hệ buôn bán với Trung Quốc như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Nam Phi, v.v., đón tiếp chính thức vị lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng này.

Dư luận quốc tế rất ngạc nhiên trước quyết tâm làm áp lực lên các quốc gia có nhiều quan hệ buôn bán với Trung Quốc không tiếp đón vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 này (tên thật là Tenzin Gyatso, 74 tuổi). Ông chỉ là một nhà tu hành được dân chúng Tây Tạng tôn vinh như một lãnh tụ tinh thần, thế thôi. Ông không hề chủ trương ly khai hay đòi độc lập, ông chỉ yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng tôn giáo, văn hoá, môi trường và đời sống của người Tây Tạng.

Muốn tìm hiểu sự lo ngại của Bắc Kinh đối với những nhóm sắc tộc sinh sống ở vùng biên cương, phải trở về giai đoạn nguyên thuỷ thành lập các chính quyền người Hán. Đối với người Hán, thế giới là một hình vuông: hình vuông ở giữa là trung tâm quyền lực của người Hán (cấm thành), hình vuông thứ hai là vòng đai bảo vệ quyền lực của người Hán (công thần), hình vuông thứ ba là nơi cư trú của người Hán (văn hoá Khổng giáo), hình vuông thứ tư là nơi sinh trú của những sắc dân (chư hầu) thần phục khu vực trung tâm (Trung Quốc hay Trung Hoa) và hình vuông thứ năm và cuối cùng là những sắc dân còn dã man (man di) cần khai hoá. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, quan niệm này vẫn còn hiệu lực. Từ sau khi chiếm được chính quyền năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách này với những qui chế đặc biệt (tự trị) dành cho những sắc tộc lớn sinh sống trong các tỉnh biên cương : Nội Mông, Tân Cương, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Quảng Tây, Hồi Ninh Hạ. Một số tỉnh khác tuy trực thuộc trung ương (Bắc Kinh) nhưng vẫn được hưởng một qui chế tự trị tương đối, đó là những tỉnh nằm trên đường tơ lụa : Cam Túc, Thanh Hải và Tứ Xuyên.

Nhưng trước trào lưu tiến hoá của nhân loại, đặc biệt là quan hệ với thế giới phương Tây, quan niệm về không gian sinh tồn này không còn được chấp nhận nữa : đã là người thì ai cũng phải được đối xử ngang nhau, không có công dân hạng một hay hạng hai. Chính vì thế, trong nội bộ ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc từ 1949 đến nay luôn luôn có hai khuynh hướng quyền lực - bảo thủ và cấp tiến - luân phiên cầm quyền. Bảo thủ là những người chủ trương sử dụng sức mạnh để áp đặt quyền lực trung ương ; cấp tiến là những người chủ trương đường lối ôn hoà nhưng cứng rắn để duy trì vai trò lãnh đạo trung ương. Một cách cụ thể, Mao Trạch Đông và hậu duệ tượng trưng phe bảo thủ, Đặng Tiểu Bình và các đệ tử đại diện phe cấp tiến. Hiện nay, theo dư luận trong nước, Giang Trạch Dân là người đại diện phe bảo thủ; Hồ Cẩm Đào đại diện phe cấp tiến. Tuy có sự phân chia này nhưng các cấp lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn hành động thuận lợi cho cộng đồng người Hán và chống đối quyết liệt mọi đe doạ đến quyền lực trung tâm của người Hán.

Năm 1978, nhận thấy sự thua kém của Trung Quốc trước trào lưu tiến hoá của thế giới, Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình bốn hiện đại hoá nhằm cải tổ toàn diện đất nước với những biện pháp rất thực tiễn và cấp tiến: đón nhận đầu tư quốc tế bất kể xuất xứ. Nhờ đó Trung Quốc đã tiếp thu được nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới và trở thành công xưởng sản xuất hàng hoá lớn nhất thế giới với giá rẻ. Qua số ngoại tệ khổng lồ mang lại, Bắc Kinh có điều kiện để canh tân trung tâm quyền lực và thay đổi hẳn cách thức tổ chức quân đội. Từ thập niên 1990 đến nay, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, với những trang thiết bị hiện đại phe bảo thủ muốn dùng sức mạnh này khống chế những quốc gia lân bang yếu kém để chiếm hữu những khu vực có nhiều tiềm năng chiến lược hay giàu khoáng sản mà nền công nghiệp Trung Quốc đang cần. Từ đó người ta thấy hàng loạt hiệp ước về biên giới trên đất liền đã được ký kết với các quốc gia lân bang, bản đồ lãnh hải và khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Trung Quốc cũng được vẽ lại theo hình lưỡi bò, bao trùm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và kéo dài tới Đông Nam Á. Trong thực tế, dưới thời Giang Trạch Dân, Bắc Kinh cũng đã không ngần ngại làm áp lực quân sự hay sử dụng vũ lực để chiếm hữu những hải đảo và quần đảo của những quốc gia khác trên biển Đông.

Khuynh hướng bá quyền này đã làm nảy sinh một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á khiến Bắc Kinh phải khựng lại. Trung Quốc không thể đương đầu cùng một lúc với các cường quốc hàng hải khu vực như Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan, sau đó là với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Tuy nhiên đối thủ mà Trung Quốc e dè nhất vẫn là Hoa Kỳ với Hạm đội 7 Thái Bình Dương. Những cuộc đọ sức trên biển Đông và ngoài khơi Nam Hải gần đây cho thấy lực lượng hải quân của Trung Quốc còn quá yếu. Trung Quốc chưa đủ khả năng để mở ra một cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ vì quá tốn kém. Chính quyền do Giang Trạch Dân lãnh đạo mất dần uy thế, năm 2003, Hồ Cẩm Đào được đưa lên cầm quyền và chủ trương giải quyết các tranh chấp trong ôn hoà và tăng cường quan hệ thương mại với mọi quốc gia trên thế giới.

Phe bảo thủ do Giang Trạch Dân đứng đầu tuy mất quyền lãnh đạo chính trị nhưng không vì thế mà yếu đi. Thượng Hải vẫn là thủ phủ của phe bảo thủ với một đội ngũ tướng lãnh và sĩ quan diều hâu chiếm đa số trong quân uỷ trung ương. Các tỉnh duyên hải Nam Hoa giàu có (Giang Tô, Triết Giang, An Huy, Giang Tây và Quảng Đông) đang có khuynh hướng kết hợp lại với nhau thành một khối kinh tế lớn để làm đối trọng trên nguyên tắc với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây, nhưng trong thực tế là với Bắc Kinh của phe Hồ Cẩm Đào. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, thật ra của các tỉnh duyên hải Nam Hoa, tăng lên đều đặn, đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ.

Khuynh hướng bảo thủ trở lại mạnh khi Hồ Cẩm Đào lúng túng trước cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh thế giới năm 2008. Những cuộc nổi loạn của dân chúng bất mãn đã xảy ra khắp nơi. Để giữ vững quân đội lực của mình, Hồ Cẩm Đào phải làm nhiều nhượng bộ, một mặt để nâng cao mức sống người dân qua những đầu tư nội địa, mặt khác để liên kết phe bảo thủ vào quỹ đạo quyền lực của mình. Giải pháp đầu rất cần thiết vì trong suốt hai thập niên dân chúng Trung Quốc đã bị vắt sức đến cận kiệt để xuất khẩu hàng hoá thu về ngoại tệ. Nhưng giải pháp thứ hai rất đáng quan ngại vì hiện nay Trung Quốc không bị một đe doạ quân sự nào, hợp tác với phe bảo thủ để tăng cường sức mạnh quân sự trong lúc này không khác gì chuẩn bị chiến tranh và khuyến khích một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Chính vì lo ngại giải pháp thứ hai được thi hành, Hoa Kỳ và đồng minh đang xây dựng một kế hoạch phòng ngừa và ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Người thủ lợi nhiều nhất trong cuộc chạy đua vũ trang này là Hoa Kỳ và Nga, vì là hai quốc gia có thể cung cấp những những vũ khí hiện đại nhất đủ khả năng đối đầu với những vũ khí chiến lược hiện đại nhất của Trung Quốc. Tiếp theo là những quốc gia cung cấp trang thiết bị và phụ tùng bổ sung cho những loại vũ khí hiện đại, như Ấn Độ, các quốc gia phương Tây.

Phe diều hâu có nhiều lý do để áp đặt ưu thế của mình trong ban lãnh đạo trung ương: hàng hoá dân sự xuất khẩu không mang lại nhiều lợi tức bằng xuất khẩu vũ khí. Hiện nay tổng số lượng ngoại tệ do xuất khẩu vũ khí không bằng những quốc gia phương Tây có truyền thống xuất khẩu vũ khí, nhưng nếu tính về số lượng thì các loại vũ khí hạng nhẹ của Trung Quốc có mặt khắp nơi và trên mọi chiến trường, nhất là tại những quốc gia nghèo khó. Điểm yếu của phe bảo thủ diều hâu là cần rất tiền để nhập khẩu những loại vũ khí chiến lược hiện đại nhất của Nga, sau đó thuê hoặc mua lại bằng sáng chế để tự sản xuất. Tổng số tiến xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ không đủ để bù đắp sự thiếu hụt trong ngân sách, do đó rất cần sự hỗ trợ của phe ôn hoà cấp tiến.

Để biến khuynh hướng hợp tác này thành hiện thực, năm 2008 Bắc Kinh đã hỗ trợ những cuộc dọ thám hải dương bằng tàu ngầm, mục đích là đo lường khả năng phòng thủ của các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ trong khu vực quần đảo Sensaku và Guam. Nhiều tàu quân sự đã được ngụy trang thành tàu dân sự để dọ thám khu vực Biển Đông như tàu Ngư Chánh 311 (trọng tải 4450 tấn) cải tạo từ quân hạm thành tàu tuần dương khổng lồ quanh quần đảo Hoàng Sa, năm 2010 một tàu tuần dương khác 2500 tấn chở trực thăng sẽ được đưa vào khu vực quần đảo Trường Sa.

Trước khi xâm nhập vào vùng quần đảo Sensaku, một hội nghị của quân uỷ trung ương đã được mở ra để quyết định kế hoạch chính trị sức mạnh quân sự trong trung hạn. Kế hoạch này mang tên Công trình 881, nghĩa là cuộc họp vào năm 2008 để kỷ niệm 81 năm ngày thành lập quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc 1/8. Trong đó có giai đoạn 5 năm đầu từ 2008 đến 2014, giai đoạn 2 từ 2014 đến 2020 và giai đoạn 3 từ 2020 đến 2025 sẽ đầu tư tổng số tiền khoảng 440 triệu USD (300 tỉ CNY) để hiện đại hoá quân đội. Mục tiêu của kế hoạch 881 này là biến quân đội Trung Quốc ngang tầm với khối NATO và Nga. Số lượng binh lính sẽ giảm từ 2,8 triệu xuống còn 1,2 triệu người, nhưng là quân tinh nhuệ. Tỉ lệ quân nhân có trình độ đại học sẽ tăng từ 12% lên 60%, nghĩa là một quân đội có trình độ văn hoá và kỹ thuật cao.

Cũng nên biết hiện nay so với khối NATO, trang bị hoả lực của lục quân của Trung Quốc còn chậm hơn 15 năm, không quân 10 năm, hải quân 20 năm, kỹ thuật thông tin điện tử 7 năm. Về trang bị vũ khí hạch nhân chiến thuật, Trung Quốc còn chậm khoảng 10 năm. Kế hoạch 881 cho biết phải chờ đến 2030 hải quân Trung Quốc mới xây dựng xong ba hạm đội có hàng không mẫu hạm (báo chí Hongkong cho biết năm 2014 sẽ cho hạ thuỷ thử nghiệm một chiếc). Tất cả với tinh thần chủ nghĩa dân chủ có chủ quyền xem trọng quyền lợi quốc gia trên hết.

Trong khi chờ đợi kết quả của kế hoạch 881 trên, Bắc Kinh tiếp tục xúc tiến các chương trình xuất khẩu các loại vũ khí có trị giá kinh tế cao : xe tăng, tàu chiến và các loại chiến đấu cơ chiến thuật. Mũi nhọn của chương trình này là hợp đồng bán cho Pakistan lượt đầu 50 chiến đấu cơ FC-1 Xiaolong (Khiêu Long hay JF-17 Thunder, tương đương với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ). Đây là loại chiến đấu cơ kiểu Mig 21 tân trang, với động cơ phản lực Klimov RD 93, mà Trung Quốc mua lại bằng sáng chế của Nga. Theo dự trù, công ty Chendu Aircraft Industry Co sẽ cung cấp 250 chiếc cho Pakistan với giá trung bình khoảng từ 10 đến 15 triệu USD/chiếc (tổng trị giá khoảng từ 3 đến 5 tỉ USD), rẻ hơn 1/3 trị giá một F-16 của Mỹ. Lợi tức thu về không cao vì trị giá động cơ phản lực RD 93 đã từ 7 đến 8 triệu USD, nhưng bù lại chuyên gia Trung Quốc ngày càng nắm vững thêm kỹ thuật thiết kế và lắp ráp. Với lợi tức dự thu, hãng Chendu đủ trang trải những chi phí khác và dự trù sẽ sản xuất khoảng 1500 chiếc khác để xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Bắc Triều Tiên sẽ là khách hàng đứng thứ 2 với 200 chiếc dự định đặt mua.

Cũng nên biết từ thập niên 1990 Trung Quốc đã mua bằng sáng chế để xuất khẩu các loại chiến đấu cơ kiểu Mig của Nga. Cho đến nay Trung Quốc đã xuất khẩu trên 600 chiến đấu cơ J-7 (kiểu Mig21 Fishbed có từ 1955, Trung Quốc mua lại bằng sáng chế năm 1961 và đưa vào sản xuất năm 1967) qua Pakistan, Egypt, Bangladesh, Nigeria, Zambia. Các nước trên đây bây giờ cần thay loại chiến đấu cơ đời mới. Riêng Pakistan cũng dự định mua máy bay cảnh giới trên không loại mới từ Trung Quốc vào năm 2010. Với dự định chế tạo và sản xuất ào ạt chiến đấu cơ rẻ tiền như thế của Trung Quốc đòi hỏi lượng lớn nhôm và quặng bauxite từ khắp nơi trên thế giới. Chương trình khai thác bauxite tại Việt Nam, Lào và Campuchia nằm trong kế hoạch 881 này.

Phong trào đòi chính danh, công khai phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong quân uỷ đang chiếm đa số. Chủ trương này đi ngược với lời khuyên của Đặng Tiểu Bình: "phải che giấu móng vuốt chim ưng, đừng chứng tỏ hành động nước lớn gây xung đột với quốc tế, hãy chuyên tâm vào xây dựng kinh tế". Những cuộc xung đột gần đây với hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông thể hệ hiện khuynh hướng diều hâu này. Đây là một lo ngại lớn không những cho các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á mà cho cả thế giới, vì con đường vận chuyển hàng hoá trên vùng tại đây ảnh hưởng đến sự ổn định bấp bênh vừa gây dựng lại được sau cuộc khủng hoảng tài chánh và tiền tệ trên qui mô toàn cầu vừa qua. Điều đáng quan ngại là ban lãnh đạo Hồ Cẩm Đào ngày càng ngả theo đường lối phô trương sức mạnh này để chiếm hữu lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên thiên nhiên, và nhất là muốn tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ trên biển cả. Đây là những hành động chuẩn bị chiến tranh.

Nguyễn Minh(Tokyo)
© Thông Luận 2009


No comments: