Wednesday, September 9, 2009

BIỂN ĐÔNG : SỰ QUAN TÂM CỦA MỸ và SỰ LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM


Biển Đông, sự quan tâm của Mỹ và lựa chọn của VN
09/09/2009 06:23 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/7932/index.aspx
(TuanVietNam) - Giải pháp cho các tuyên bố về lãnh thổ, lãnh hải và vùng thềm lục địa mở rộng chỉ có thể đạt được bởi một quyết định chính trị ở cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội - Gs. Carl Thayer viết cho Tuần Việt Nam.
Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của một nhà Việt Nam học quen thuộc, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia như một góc nhìn riêng cần tham chiếu.

Người giám hộ ghen tuông
Ngay từ khi Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được thông qua năm 1982 và trở thành luật quốc tế thì nó đã trở thành chủ đề của hợp tác và tranh cãi. Quan niệm về vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý đã trở thành nguyên nhân tạo ra những vùng chồng lấn trong các tuyên bố của các nước tại biển Đông.
Khi UNCLOS đi vào thực hiện, các quốc gia ven biển bắt đầu tăng cường khả năng thực hiện quyền kiểm soát với các vùng đặc quyền kinh tế bằng việc phát triển các tàu tuần tra trên biển và các máy bay do thám. Một số quốc gia ven biển cũng chiếm đóng các đảo đá và một số khu vực khác ở biển Đông.
Chưa từng xảy ra trường hợp nào hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế để tìm giải pháp bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải chấp nhận một giải pháp có tất cả hoặc không có gì. Do đó, mỗi quốc gia trở thành một người giám hộ đầy ghen tuông với chủ quyền của quốc gia mình.
Nó cũng dẫn tới các vụ va chạm và tình trạng căng thẳng về ngoại giao liên tục diễn ra khi một quốc gia phản ứng với cái được cho là sự xâm phạm chủ quyền quốc gia của một quốc gia khác.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc UNCLCS đã quyết định ngày 13/5/2009 là thời hạn cho các quốc gia ven biển gửi đăng kí tuyên bố về thềm lục địa mở rộng dựa trên các tiêu chuẩn kĩ thuật cụ thể. Việc đệ trình lên UNCLCS không tác động tới tuyên bố về chủ quyền.

Hành động phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia cũng như báo cáo riêng rẽ của Việt Nam của Trung Quốc chỉ có thể ngăn giải pháp của UNCLCS cho vấn đề này. Nói cách khác, tình hình biển Đông vẫn tiếp tục giữ nguyên trạng.
Sẽ là không thực tế nếu Việt Nam trông đợi vào một bên thứ ba, ngay cả khi đó là một bên thứ ba độc lập như UNCLCS có thể xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông một cách rõ ràng. Giải pháp cho các tuyên bố về lãnh thổ, lãnh hải và vùng thềm lục địa mở rộng chỉ có thể đạt được bởi một quyết định chính trị ở cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội (và các bên liên quan khác) để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Hành động đơn phương của Trung Quốc
Căng thẳng ở biển Đông có vẻ tăng lên kể từ năm 2007. Tình trạng căng thẳng này chủ yếu thuộc trách nhiệm của Trung Quốc với các hành động đơn phương của nước này.
Cuối năm 2007, Trung Quốc đã điều động lực lượng hải quân mang tính khiêu khích ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: xây dựng cơ quan hành chính Tam Sa. Tiếp đó, Trung Quốc sử dụng áp lực chính trị đối với hãng dầu khí BP của Anh và Exxon Mobile của Mỹ nhằm buộc các công ty này chấm dứt hoạt động thăm dò khai thác với Việt Nam.
Năm 2009, các tàu hải quân Trung Quốc đã đối đầu với tàu hải quân Mỹ, UNSS Impeccable trong vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam. Chỉ thời gian ngắn sau đó, một tàu ngầm Trung Quốc đang quan sát hoạt động diễn tập hải quân đa phương ở vùng biển ngoài khơi Philippines đã va chạm với hệ thống thiết bị thăm dò hoạt động của tàu ngầm được gắn với tàu khu trục của Mỹ, tàu John S.McCain.
Trung Quốc tuyên bố USNS Impeccable của Mỹ đã hoạt động bất hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trong khi đó, Mỹ xem vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển quốc tế.

Mối quan tâm của nước Mỹ
Hành động của Trung Quốc đã dẫn tới việc chính quyền Obama đưa ra những lời lẽ cảnh báo cẩn trọng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không để bị đe dọa.
Tháng 5/2009, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Scot Marciel đã tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ “có lợi ích to lớn trong việc duy trì ổn định, quyền tự do hàng hải và quyền hoạt động thương mại theo luật quốc tế ở các tuyến hàng hải ở Đông Á”.
Mỹ đã ngay lập tức phủ nhận các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vùng lãnh hải và vùng biển nào không dựa trên cơ sở vùng đất có chủ quyền trên đất liền. “Những tuyên bố liên quan đến vùng biển như vậy không phù hợp với luật quốc tế”, ông Marciel nói.
Và quan trọng hơn, ông Marciel tuyên bố “chúng tôi - Mỹ chống lại bất cứ hành động nào đe dọa các công ty của Mỹ".
Một thông điệp mạnh hơn được Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Scher gửi tới Trung Quốc.
Trong tháng 5, ông này đưa ra chiến lược 4 điểm.
Một là, Mỹ sẽ thể hiện “bằng ngôn ngữ và hành động” rằng Mỹ có ý định duy trì “lực lượng quân sự vượt trội ở khu vực”.
Hai là, hải quân Mỹ sẽ lưu ý khẳng định quyền tự do hàng hải bằng các hành động “cố ý và được cân nhắc kĩ” bằng việc tiếp tục hoạt động của Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Ba là, Mỹ sẽ xây dựng “mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đối tác ở khu vực, đặc biệt ở lĩnh vực an ninh hàng hải”.
Bốn là, Mỹ sẽ tăng cường cơ chế ngoại giao quân sự mà nước này đã tạo dựng với Trung Quốc để tăng cường liên lạc và giảm nhẹ những rủi ro của việc tính toán sai.

Chính quyền Obama đã nâng quan hệ Mỹ - Trung lên một mức độ mới bằng việc làm chủ nhà của cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược ở Washington vào tháng 7/2009 ở cấp bộ trưởng đa phương. Tổng thống Obama cũng sẽ thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Cuối cùng, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và Tổng tư lệnh lực lượng quốc phòng Australia đã đồng ý mời Trung Quốc tham gia vào diễn tập quân sự ba bên. Các cuộc diễn tập này có thể có sự tham gia của một lực lượng nhỏ đơn vị trên bộ và trên biển.
Những cuộc gặp cấp cao này sẽ tạo nền tảng cho chủ nghĩa lạc quan cẩn trọng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể xử lý được một cách hoà bình sự khác biệt trong vấn đề biển ở biển Đông.
Việc Mỹ phản đối cơ sở luật pháp của các tuyên bố về biển của Trung Quốc là một tin vui cho Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với tham vọng của Trugn Quốc trong việc đe doạ các công ty Mỹ hợp tác với Việt Nam sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Washington.

Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Việt Nam phải tiếp tục hành xử ở cả ba cấp độ: song phương, khu vực và trong nước. Việt Nam và Trung Quốc đã có một cơ chế ngoại giao được xây dựng từ lâu, như Uỷ ban hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng, và các cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao. Các quan chức Việt Nam phải thống nhất được một tầm nhìn dài hạn và kiên nhẫn hành động để giữ cho tình trạng căng thẳng và va chạm hiện nay không xấu hơn.
Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu dài hạn của mình là gì.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cần tiếp tục gia cường hợp tác và cộng tác với các quốc gia ven biển khác như Malaysia, Philippines, Brunei và Indonesia. Và Việt Nam cần phải đảm bảo sự đoàn kết trong ASEAN. Ngoại giao khu vực cần phải nhằm vào tạo áp lực bổ sung với Trung Quốc để thực hiện kiềm chế nước này. Hơn nữa, ngoại giao khu vực cũng cần nhằm đưa ra tuyên bố của các bên ở biển Đông về quy tắc ứng xử. Đó là mục tiêu dài hạn.
Chính sách mới của chính quyền Obama mang lại cơ hội cho Việt Nam để từng bước mở rộng quan hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ. Hướng gió đã được hình thành. Các quan chức quân sự Việt Nam vừa qua đã thăm tàu khu trục của Mỹ và không quân hai nước đã có vòng đối thoại đầu tiên. Việt Nam cần xem xét đứng ra tổ chức các hoạt động diễn tập quân sự ở cấp thấp với Mỹ và các cường quốc khác.
Ở trong nước, Việt Nam cần đảm bảo sự đoàn kết trong nước bằng việc tiếp tục thông tin cho công chúng chính sách của Chính phủ trong vấn đề biển Đông và quan hệ với Trung Quốc.
Đó không phải là việc thúc đẩy thái độ chống Trung Quốc mà là xây dựng cơ sở luật pháp và lịch sử cho hành động của Việt Nam.
Năm ngoái, đã có dấu hiệu cho thấy truyền thông trong nước tích cực hơn trong việc nêu vấn đề. Nhìn chung, công chúng vẫn có xu hướng nhìn các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại một cách đơn giản và đòi hỏi chính quyền phải hành động. Chính phủ cần giải thích tại sao những hành động như vậy có thể phản tác dụng và đạt được sự ủng hộ của dư luận thông qua sự cởi mở và minh bạch hơn.

Gs. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia)

----------------------------------------

Xung quanh yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông
Kỳ I: Những lập luận mâu thuẫn của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa - Đinh Kim Phúc (ĐĐK 6-9-09)
Kỳ II: Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức rõ ràng - Nguyễn Nhã (ĐĐK 7-9-09)
GS. Hoàng Xuân Hãn với Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa (HNVVN)
Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa — Hồ Bạch Thảo (dien dan)
"Bản đồ “đường lưỡi bò” trên biển Đông: Đường yêu sách phi lý của Trung Quốc" :
Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TPHCM
Những cứ liệu chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam - 11/07/09 (baunival. Info)
Tư liệu: Cuốn sách CHỦ QUYỀNTRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA của bà Monique Chemillier – Gendreau do Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Hà Nội ấn hành 1998
Tư liệu: Cuốn sách CUỘC TRANH CHẤP VIỆT – TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA của ông Lưu Văn Lợi do nhà xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội ấn hành năm 1995


No comments: