Thursday, September 17, 2009

CHUYỆN DÀI BÁO ĐIỆN TỬ của ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


Tâm và tầm
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-09-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-spirit-and-the-stature-09162009114403.html
Việt Nam hiện có khoảng 700 cơ quan truyền thông nhưng vì các cơ quan truyền thông này chỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và chính quyền nên không phải lúc nào thông tin cũng đủ và khách quan.
Trong vài năm nay, sự phát triển của Internet đã trở thành tiền đề giúp hình thành một hệ thống thông tin khác, độc lập hơn so với hệ thống thông tin phụ thuộc chính quyền. Đó là các diễn đàn điện tử và blog.
Ở những diễn đàn điện tử và các blog này, người ta có thể tìm thấy nhiều thông tin cũng như chia sẻ với nhau nhiều suy nghĩ khác hẳn với hệ thống truyền thông phụ thuộc chính quyền.
Để quý thính giả có thêm thông tin về hiện tình Việt Nam, hàng tuần, Ban Việt ngữ chọn giới thiệu một số thông tin, vấn đề đáng chú ý trên các diễn đàn điện tử, các blog. Chuyên mục này do Trân Văn thực hiện...

Chỉ lẳng lặng sửa sai
Tuy báo điện tử Đảng CSVN đã lột tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” ra khỏi website của họ, song sự phẫn nộ của công chúng không giảm. Suốt tuần qua, sự kiện báo điện tử của Đảng CSVN tự biến mình thành một cơ quan tuyên truyền cho Trung Quốc, thông qua việc giới thiệu nguyên văn tin Hải quân Trung Quốc, ngang nhiên sử dụng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, kèm theo tuyên bố binh sĩ Trung Quốc sẽ tập luyện và bảo vệ tốt vùng biển mà Trung Quốc đã cưỡng đoạt của Việt Nam, vẫn tiếp tục là chủ đề chính của nhiều diễn đàn điện tử và blog.

Nếu nội dung tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông” được báo điện tử Đảng CSVN đưa lên Internet ngày 4 tháng 9 làm công chúng phẫn nộ thì việc cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, chỉ lẳng lặng lột tin đó ra khỏi website của họ, không hề xin lỗi, không hề giải thích đã khiến công chúng vô cùng thất vọng.

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, viết trên blog của ông một ý kiến tuy rất ngắn nhưng hết sức chua chát: Trung Quốc tập trận trên biển nước mình mà không dám phản đối, lại còn dửng dưng đưa tin kiểu như thế này. Tàu lạ, tập trận lạ, tin lạ... không một lời cáo lỗi, không ai chịu trách nhiệm. Tổng biên tập im bặt. Thật đáng lưu danh!

Blogger Nguyễn Vĩnh, cựu Tổng biên tập một tờ báo ở Việt Nam thì khẳng định: Rõ ràng đó là một sai lầm, một sai lầm nghiêm trọng trong nghề nghiệp. Sai lầm thì phải có người mắc sai lầm, người có lỗi. Mà có lỗi thì tối thiểu là phải có lời xin lỗi công khai. Với báo chí, truyền thông, càng phải minh bạch, công khai hơn hết vấn đề này. Tức là trước khi có các hình thức xử lý vấn đề sai lầm trên, Tổng Biên tập của tờ báo điện tử này phải có lời chính thức xin lỗi bạn đọc. Như thế, chúng tôi có quyền yêu cầu đích danh đồng chí Đào Duy Quát đang giữ chức danh này phải có lời xin lỗi trên mặt báo Điện tử Đảng CSVN.

Không phải sai sót mà là vi phạm pháp luật
Đã có khá nhiều blogger đối chiếu các qui định pháp luật hiện hành của Việt Nam, khẳng định, sự kiện báo điện tử Đảng CSVN đưa tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông” không đơn thuần là sai lầm, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Blogger Phạm Viết Đào, một nhà văn, đã trích dẫn các quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí để chứng minh báo điện tử Đảng CSVN đã vi phạm điều 6 Luật Báo chí, cần phải xử lý hành chính như Bộ Thông tin Truyền Thông đã từng xử lý nhiều tờ báo và nhà báo. Ông đề nghị, ngoài việc phạt tiền, Bộ Thông tin Truyền Thông nên “tước quyền sử dụng thẻ nhà báo không thời hạn đối với những nhà báo có liên quan tới việc dịch, biên tập, duyệt đưa tin này lên mạng của báo điện tử Đảng CSVN”.

Riêng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì cho rằng sự kiện báo điện tử Đảng CSVN đưa tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông”, có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Trả lời phỏng vấn của Diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, ông Vũ dẫn luật hình sự để chứng minh, tại báo điện tử Đảng CSVN đã có những người phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thậm chí có thể phạm tội “phản bội Tổ quốc”, nếu có chứng cứ xác định họ đã câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập.
Trong cuộc phỏng vấn vừa kể, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ khuyến cáo: Đảng CSVN hãy chính thức xin lỗi nhân dân về việc báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng bài chối bỏ chủ quyền của Việt Nam… đồng thời ngay lập tức cách chức Tổng biên tập Đào Duy Quát, kỷ luật Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa, người chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác báo chí, tuyên truyền của Đảng và khẩn trương chuyển vụ việc sang Cơ quan an ninh điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ có thế thì lòng dân mới yên, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia mới được bảo đảm”.

Ban Tuyên giáo Trung ương: “Tuyên” nhiều hơn “giáo”
Điểm qua hàng loạt ý kiến liên quan đến sự kiện báo điện tử Đảng CSVN đưa tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông”, có thể thấy, đa số ý kiến chỉ trích không dừng lại ở sự kiện, mà còn xoáy rất sâu vào cá nhân ông Đào Duy Quát – Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN. Vì sao?
Có thể do công việc lâu nay của ông Đào Duy Quát – một chuyên viên cao cấp, từng lãnh đạo Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy là cơ quan theo dõi, chỉ đạo toàn bộ những vấn đề liên quan đến văn hóa, tư tưởng trên toàn Việt Nam, trong đó có cả hệ thống truyền thông Việt Nam nhưng theo nhận định của ông Lý Tiến Dũng – cựu Tổng Biên tập báo Đại Đòan Kết – viết trong một lá thư phổ biến rộng rãi vào năm 2007 thì Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ là chỗ tập trung “quá nhiều người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác”.
Ít tháng sau lá thư vừa kể, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã quyết định để ông Hồng Vinh và ông Ðào Duy Quát thôi giữ chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên ông Đào Duy Quát vẫn nắm giữ nhiều trọng trách, chẳng hạn như: Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN.
Hồi tháng 4 năm nay, ông Quát còn xuất hiện trước công chúng, với vai trò Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Biển và Đảo Việt Nam”. Blogger Trang Ridiculous – một trong những người tham gia buổi họp báo về cuộc thi này - tường thuật rằng, trong buổi họp báo ấy, ông Quát nhận định, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào thành phố Tam Sa đều là do sự kích động của các thế lực thù địch. Ông Quát khoe, ông đã từng chất vấn những sinh viên tham gia các cuộc biểu tình này, yêu cầu họ suy nghĩ xem làm như thế là lợi hay hại (?).

Trở lại với sự kiện báo điện tử Đảng CSVN đưa tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông”, blogger Phạm Viết Đào đề nghị: Được biết Tổng Biên tập Đào Duy Quát là một báo cáo viên có thâm niên và nổi tiếng trong việc giới thiệu cho các lớp học chính trị về các văn kiện lớn của Đảng cho nhiều cơ quan trung ương, đây là cơ hội để ông Đào Duy Quát nên trổ tài ngay trên ‘sân nhà’ của mình!

Bên cạnh rất nhiều ý kiến phê phán đích danh ông Đào Duy Quát, cũng có một vài ý kiến bênh vực ông. Nhà văn Hà Đình Cẩn kêu gọi “thể tất” cho ông Đào Duy Quát, bởi có thể đó chỉ là hành động “đốt đền” nhằm thu hút thêm lượng khách truy cập vào những tờ báo Đảng chữ đỏ.
Trong “bài bào chữa” cho ông Đào Duy Quát, nhà văn Hà Đình Cẩn còn đưa thêm một vài lý do khác. Ông phán đoán, sai phạm của ông Quát còn có thể, “do lâu nay mải làm công tác tư tưởng văn hóa cho toàn quốc mà sao nhãng việc học hành tử tế về địa lý Việt Nam trong sách phổ thông trung học”. Ông Cẩn biện giải: “Nhìn trước nhìn sau thì biết đấy, cán bộ ta nào có sung sướng gì, là công bộc của dân, người nào cũng bận việc nước, tối tăm mặt mũi, mất ăn mất ngủ về việc trăm họ, ít thời gian cho việc học hành, nên nói chung, văn hóa mấy ông cũng chỉ tầm tầm, việc lỡ ra sai một tí là do trình độ có hạn, xin đại xá, đại xá”.

Lại chuyện Quốc sỉ và Quốc thể
Cũng từ sự kiện này, nhiều diễn đàn điện tử và blogger đã bày tỏ cả sự thất vọng, trước việc lãnh đạo Đảng CSVN – cơ quan chủ quản của báo điện tử Đảng CSVN và lãnh đạo chính quyền Việt Nam không hề làm gì trước các sai phạm được xem là nghiêm trọng này.

Ông Quốc Uy – tác giả bài “Không coi thường chuyện nhỏ”, đăng trên Diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam – nêu thắc mắc: Tại sao với những người bộc lộ thái độ cứu nước thì mạng lưới gác cổng lại phòng xa chặt chẽ theo kiểu “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, mà trước những hành động mang tính bán nước thì lại “khoan dung” theo kiểu “bỏ sót còn hơn bắt nhầm”?. Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, ông Quốc Uy nhận định: Điều vô lý nữa là hai chữ “AN NINH”, trong khi luôn được treo lơ lửng trên đầu để trị tội tất cả những người bất đồng chính kiến một cách ôn hòa (tưởng như hai chữ AN NINH là quan trọng lắm), mà sao trong việc xét duyệt vụ bauxite, dù mấy vị tướng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề AN NINH quốc gia, Chính phủ vẫn cứ làm lơ, nói sang chuyện khác?
Ông Quốc Uy phán đoán: Dễ hiểu thôi, một bên nói AN NINH cho Tổ Quốc, một bên nói AN NINH cho nhà cầm quyền, không nói rõ ra thì có khi lại “ngôn ngữ bất đồng”, ông nói gà bà nói vịt… Tôi lại nhớ ông Bùi Minh Quốc, nhà thơ của tình yêu, đã chia ra hai loại “yêu nước” và “yêu ghế”. Yêu cái gì thì giữ AN NINH cho cái ấy, lẽ thường này có chi mà lạ, nhưng khốn nỗi hai thứ AN NINH này đang chống lại nhau! Được cái này thì cái kia phải mất. Khó chiều lòng cả hai!

Một số người khác như ông Hà Văn Thịnh, giảng viên Đại học Khoa học Huế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn ở Úc thì liệt kê hàng loạt những sự kiện bất thường, xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua như: Vụ giao website “Hợp tác Thương mại - Kinh tế Việt Trung”, mang danh nghĩa chính phủ Việt Nam cho Trung Quốc sử dụng để Trung Quốc tuyên truyền những quan điểm chỉ có lợi cho Trung Quốc. Vụ báo Hà Nội Mới – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội - đăng bài ca ngợi Hứa Thế Hữu, viên tướng Trung Quốc chỉ huy cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979… nhằm cảnh báo về các “sự cố có tính hệ thống”.

Trước các “sự cố có tính hệ thống”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Đã mang tính hệ thống, thì câu hỏi đặt ra là “tại sao”. Tại sao có những kiểu loan tin và cung cấp thông tin có lợi cho Trung Quốc trên báo chí Việt Nam?
Ông Hà Văn Thịnh nhấn mạnh: Dư luận đòi hỏi sự công khai hóa tất cả những sai phạm trên là do ai, vì cái gì, từ động cơ nào? Tại sao những người khác chỉ nói sai, viết sai một chút là bị quy chụp ngay tức thì. Còn những sai phạm trầm trọng thì lại không có ai phải chịu trách nhiệm? Những sai phạm nghiêm trọng tạo ra những tội ác nghiêm trọng và nhất thiết phải có tội phạm nghiêm trọng.

Tin mới nhất, sau sự kiện báo điện tử Đảng CSVN loan tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”, website của chính phủ Việt Nam vừa đăng ảnh ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Việt Nam nghiêng mình, dùng hai tay nắm chặt một bàn tay của ông Ôn Gia Bảo – Thủ tướng Trung Quốc. Xem ảnh này, nhiều blogger bình luận rằng, có lẽ ông Hoàng Trung Hải không nhớ mình là Phó thủ tướng của nước nào và trang web chính phủ cũng không nhớ đây là trang web của chính phủ nào.
Xem xong ảnh, blogger – nhà văn Nguyễn Trọng Tạo than: Cứ như con bắt tay cha, em bắt tay anh, đầy tớ bắt tay ông chủ. Người Việt Nam luôn tự hào là người Việt Nam dù nhiều thứ cần học tập thế giới nhưng không được tự ti. Cái bắt tay cũng thể hiện tinh thần dân tộc. Nếu quan trí thấm thía nỗi nhục mất nước, chắc không bao giờ quì gối trước ngoại bang.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: