Thursday, September 17, 2009

CUBA : CHỦ NGHĨA XÃ HỘI hay là CHẾT


Chủ nghĩa xã hội hay là chết!
Tomasz Wolny
Lê Diễn Đức dịch

17/09/2009 3:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=9847
Havana, 31 Tháng 7 năm 2006, chỉ vài ngày trước khi tròn tuổi 80, Tổng Bí thư Fidel Castro tuyên bố rằng, ông đã phải trải qua một ca phẫu thuật nghiêm trọng.”Tạm thời” ông chuyển quyền cho em trai.
Nhanh như chớp, cả thế giới bỗng vụt nghĩ – sẽ có thay đổi!
Hôm nay, hơn hai năm sau sự kiện, chỉ còn lại câu hỏi: liệu bao giờ thì thay đổi?

Cuba ngày nay tựa hồ một hòn đảo chìm và đóng băng trong các chuyển biến của thời cuộc. Mặc dù từ tháng hai năm 2008, El Comendant Castro đã nghỉ hưu và nhà lãnh đạo Raul chính thức lên ngôi với nhiều cam kết hứa hẹn – đất nước vẫn đang vật lộn với hệ thống chính quyền bất lực và những sai lầm phi lý.
Từ nửa thế kỷ qua Cuba đã trở thành pháo đài của chủ nghĩa cộng sản, hỗn hợp của những kỳ quan thiên nhiên vùng biển Caribê với nỗi đau khổ của con người.

Những thay đổi ảo
Đúng là cuối cùng thì Raul Castro cũng cho phép người Cuba được dùng các sản phẩm công nghệ mới như điện thoại di động, lò vi sóng, hoặc iPod. Người Cuba có thể ở trong các khách sạn như khách du lịch nước ngoài. Thế nhưng điều đó nào có ý nghĩa gì, khi trên hòn đảo dài và rộng này, người dân chỉ kiếm được tương đương 20 đôla một tháng. Mức thu nhập này áp dụng cho tất cả mọi người – từ bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, công nhân, đến cả những ngôi sao bóng chày.
Với số tiền như thế, thắt được điểm cuối này tới điểm cuối khác quả là một nỗ lực thật sự trên đất nước Cuba. Mong muốn một cái gì nhiều hơn ngoài dịch vụ đời sống tối thiểu và miếng ăn – là điều ảo tưởng ở nơi đây. Không ngạc nhiên chút nào khi hỏi người Cuba nghĩ gì về người lãnh đạo mới và các cải cách của ông ta, ai cũng nói rằng, những thay đổi này hoàn toàn chỉ là thứ trang điểm.

An ninh cảnh sát khắp nơi
Cuba là đất nước bị cai trị không thay đổi theo chế độ quân sự. Điều này có thể nhìn thấy trên mỗi bước đi. Cảnh sát mặc đồng phục và công an chìm ở khắp mọi nơi. Nói chuyện với người Cuba, dĩ nhiên bạn có thể, nhưng khi bạn lấy camera ra – từ góc phố, ngay lập tức sẽ xuất hiện tuần tra quân cảnh và họ sẽ theo dõi mọi cử chỉ muốn quay phim, chụp hình.
Cách duy nhất để có thể nghe được thực sự về Cuba là phải trở thành thành viên của cuộc sống hè phố. Người Cuba sẵn sàng nói chuyện về đời sống và chính trị. Thậm chí trong cửa hàng, tiệm cắt tóc, hoặc trạm xăng, người ta nói với nhau những chuyện đời thường, nhưng với âm lượng nhỏ.

Cái mới của Cuba cũ
Tại Cuba, chế độ tem phiếu thực phẩm tạo ra bức ảnh hàng ngày với cảnh xếp hàng khắp nơi, các kệ để hàng trống rỗng và những bức tranh tuyên truyền với ảnh các anh hùng cách mạng. Hàng hóa phong phú chỉ có duy nhất trong các cửa hàng bán thu ngoại tệ. Tuy nhiên, ở đây, mọi thứ nằm ngoài túi tiền của một người Cuba bình thường.
Làm thế nào để người Cuba có thể tồn tại? Một sự thật là hơn nửa dân số sống ngày hôm nay nhờ vào đôla và bưu kiện của di dân Cuba gửi về từ Hoa Kỳ. Phần còn lại để sống được thì phải làm việc trong ngành du lịch hay buộc phải vi phạm luật lệ, chấp nhận mạo hiểm cao.
Nhà nước hầu như là sở hữu chủ mọi bất động sản và xe cộ. Cũng có taxi tư nhân, nhà hàng và chỗ ở cho du khách thuê, nhưng các ông bà chủ phải trả một số tiền cắt cổ hàng tháng cho dịch vụ của họ. Kết quả là phần còn lại chẳng còn bao nhiêu. Tự do ngôn luận, hay bất kỳ một khái niệm về quyền tự do nói chung đều là điều trừu tượng. Tình hình hiện nay ở Cuba sau năm mươi năm kể từ khi cách mạng chiến thắng, không hề để lại ảo tưởng gì về việc đánh giá những tổ phụ của chiến thắng này.

Đồng ý, hay thậm chí phản đối
Tuy nhiên, ở Cuba sẽ vô ích nếu muốn tìm ra những dấu hiệu thay đổi từ dưới lên của phong trào xã hội. Cuba cộng sản không phải là một phiên bản nhiệt đới của hệ thống đã từng ngự trị tại Ba Lan trước năm 1989. Chính những người Cuba, họ chỉ biết phàn nàn các nhà lãnh đạo và chịu đau khổ, thay vì đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh cho tự do – bằng một động tác để thay đổi chế độ. Mỗi người đều có việc làm, giáo dục miễn phí, dịch vụ y tế hay phúc lợi xã hội và lương hưu trí, được đa số người dân Cuba nhìn nhận quan trọng hơn dân chủ.

Kẻ thù thường trực
Ngoài ra, trong những khoảnh khắc của sự nghèo đói lớn nhất, chế độ của Fidel Castro – để tồn tại – ông ta có thể tin vào một điều nữa: sự thống nhất của xã hội trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Qua năm mươi năm, nhà độc tài Cuba luôn có một cái gì đó để nói với người dân chiến đấu hay là chết vì nó: lúc vì tư tưởng, lúc vì cuộc cách mạng, và lúc thì vì chủ nghĩa xã hội. Nhưng thường xuyên nhất là cuộc chiến chống đế quốc Mỹ.
Và ở đây xuất hiện, nếu không phải duy nhất, có lẽ là sự khác biệt ngoạn mục giữa anh em nhà Castro. Sau khi có sự thay đổi ekíp vệ sĩ của Nhà Trắng, vào tháng Sáu năm nay, lần đầu tiên sau năm mươi năm, máy bay của hãng hàng không Hoa Kỳ hạ cánh xuống Havana. Cuba tái thực hiện các chuyến bay hành khách trực tiếp với Hoa Kỳ. Và chừng ấy, nếu nói về sự kết trái hâm nóng quan hệ giữa những người láng giếng.

“Maluch” của Fidel
Mô hình đoàn kết chiến thắng chủ nghĩa cộng sản kiểu Ba Lan không có cơ hội trên hòn đảo này. Hơn nữa, Cuba là một trong vài nơi trên thế giới mà Công đoàn Đoàn kết, Lech Wałęsa và Giáo hoàng John Paul II không mang lại ấn tượng nào. Ở đây, khi được hỏi – Where are you from? – Chúng ta trả lời – de Polonia, thì người Cuba chỉ vào chiếc xe đang đi hiệu Fiat 126p và với một nụ cười xác nhận – El Pais de Polaquito! (Quốc gia của xe Maluch! Fiat 126p là xe hơi của Ba Lan sản xuất thời cộng sản nay đã cho vào bảo tàng viện, được gọi là “Maluch”/”Thằng Nhỏ” hay là “Chuồng gà di động” – ND) .
Kể từ những năm 70, bên cạnh những chiếc “tuần dương hạm” Mỹ bạc thếch, xe hơi “Maluch” của Ba Lan là một phần của đường phố tại Havana.

Xe "Maluch" do Ba Lan sản xuất trên đường phố Havana - Nguồn: Google
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/09/CubaMaluch-300x225.jpg

Vậy khi nào thay đổi?
Không sớm sủa. Ngay cả cái chết của El Comendant vĩ đại cũng sẽ không làm thay đổi bao nhiêu. Bởi vì, mặc dù thời kỳ trị vì nửa thế kỷ của Fidel gần như chấm dứt, nhưng sự kế vị quyền lực do ông ta tự đạo diễn. Người cha của cuộc cách mạng chuyển giao quyền cho em trai và hơn chục đệ tử khác mà từ mấy thập niên nay họ cai quản đất nước trôi chảy và không bị thương tổn. Kế nhiệm ông ta là những con người tiếp tục cùng một tầm nhìn và lý tưởng. El Comendant với họ không chỉ là lãnh tụ, người cha, thần tượng và anh hùng, mà trước hết là người thầy. Một người thầy tốt. Vì vậy, hôm nay đứng sau Raúl Castro là đội ngũ những người có đủ quyền hạn và uy tín, để tương lai, trong bối cảnh thụ động của xã hội, đảm nhận quyền lãnh đạo và cả sau khi ông ra đi.

Nhắm hướng Florida
Trên đường phố Havana, trong thanh thiếu niên lưu hành một chuyện đùa nói về cơ hội tốt và ước mơ của thế hệ trẻ: Con muốn trở thành ai khi lớn lên? – Người cha hỏi con trai – Con muốn trở thành một người ngoại quốc! – Con trai trả lời.
Thật không may, đối với hầu hết người Cuba, cơ hội để thay đổi cuộc đời trong suốt năm mươi năm là như nhau: trốn thoát khỏi hòn đảo. Trong những chuyến vượt biển tới Florida bằng bè hoặc trên những chiếc tàu đánh cá quá tải, hàng ngàn người Cuba đã bị chết chìm. Sự tiếp nhận quyền lực của Raul có lẽ không dừng lại ở con số này. Và cũng chính con số thống kê nghiệt ngã này là bằng chứng tốt nhất rằng, khẩu hiệu vĩnh cửu của Cách mạng “Chủ nghĩa xã hội hay là chết”, thậm chí chẳng cần Fidel trợ giúp, vẫn sống và sống tốt.

Thuyền nhân Cuba: "Chủ nghĩa xã hội hay là chết!" - Foto: Webshots.com
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/09/Cubaboatpeople-400x300.jpg


Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan bài của Tomasz Wolny, phóng viên truyền hình Ba Lan TVN24, 29/08/2009:
http://www.tvn24.pl/12691,1616949,0,1,socjalizm-albo-smierc,wiadomosc.html.
Hình ảnh minh họa bởi LDĐ.

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức
Bản tiếng Việt © talawas blog



No comments: