Monday, September 14, 2009
CHIẾC NHẪN QUYỀN LỰC CỦA TRUNG QUỐC
Chiếc nhẫn quyền lực của Trung Quốc
John Lee
Đăng ngày 14/09/2009 lúc 01:39:50 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4124
Cái gì màu xanh, nhiều người khao khát và có thể đem lại quyền lực phi thường cho người sở hữu nó? Với những người hâm mộ truyện tranh, câu trả lời là chiếc nhẫn quyền lực trên tay nhân vật Lồng Đèn Xanh bí ẩn, một trong những “siêu nhân” phổ thông nhất mà hãng phim DC Comics đã tạo ta. Trong thế giới thực, câu trả lời cũng không khác lắm: đó là chất lanthanide xanh – cái tên chung cho hàng chục loại “kim loại đất hiếm” (rare earth metals) được dùng trong hàng loạt ứng dụng ngày càng quan trọng trong công nghệ và quốc phòng.
Chỉ có một điều: Trung Quốc đã nắm bắt giá trị chiến lược của chất lanthanide “xanh” rất sớm và từ đó đã độc chiếm thị trường. Giờ đây, nước này kiểm soát hơn 95% nguồn cung cấp của thế giới. Từ sự tương đồng trong truyện tranh, ai cũng luận ra được, điều này có nghĩa là gì.
Những kim loại này, ngày nay được dùng trong các sản phẩm thương mại như máy điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod, sẽ gia tăng giá trị trong những năm sắp tới vì chúng rất thiết yếu trong hàng loạt ứng dụng sử dụng năng lượng hiệu quả, từ xe hơi hybrid (vừa dùng xăng vừa dùng điện), cho tới các tuốc-bin gió. Lanthanide là chất thiết yếu trong các hệ thống radar và laser rất cần cho các loại vũ khí như “bom thông minh” của Mỹ và các loại chất nổ được điều khiển một cách chính xác khác.
Dù đất hiếm có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia, rất ít chính phủ hoặc tập đoàn công ty có tầm nhìn đủ xa để đầu tư và phát triển các mỏ lanthanide. Nước Mỹ chẳng hạn, có một vài mỏ, nhưng chính phủ Mỹ và các tập đoàn tư nhân đều dựa chủ yếu vào nguồn dự trữ hiện có và vào nhập khẩu. Khai thác mỏ kim loại đất hiếm ở Mỹ là chuyện… hiếm. Khôi phục các mỏ đã ngừng hoạt động hoặc phát triển các mỏ mới là việc làm tốn nhiều thời gian – có thể đến hàng thập niên – và nhiều tiền bạc. Hiện thời, Mỹ nhập khẩu khoảng 87% nhu cầu lanthanide từ Trung Quốc; phần còn lại chủ yếu đến từ Pháp, Nhật Bản và Nga.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với lanthanide không thể nào khác hơn được. Mười lăm năm trước, họ bắt đầu triển khai một kế hoạch thâu tóm thị trường đất hiếm. Bắc Kinh cho các công ty quốc doanh của chính phủ Trung Quốc vay vốn ưu đãi để phát triển các vùng đất giàu lanthanide và khai thác các kim loại này. Nhờ giá lao động rẻ, quy định về môi trường lỏng lẻo và các tiêu chuẩn hoàn nguyên kém cỏi, các mỏ của Trung Quốc có thể sản xuất ra kim loại đất hiếm với giá thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh – kết quả là họ loại nhiều đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Nhưng ngay cả khi đã làm cho tỷ suất lợi nhuận của các đối thủ teo lại như vậy, Bắc Kinh còn dần dần cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu chất lanthanide sang “các đối thủ chiến lược” ở khu vực (Nhật Bản chẳng hạn) ở mức 6% mỗi năm trong suốt thập niên qua. Năm 2009, Trung Quốc chỉ bán cho Nhật 38.000 tấn đất hiếm – bằng khối lượng mà hai công ty Toyota và Honda sử dụng trong năm 2008.
Gần đây áp lực còn tăng cao hơn. Để tăng cường hơn nữa sự thống trị toàn cầu trên thị trường này và củng cố tầm ảnh hưởng chiến lược, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã phát hành sách trắng, đề xuất giảm mạnh hơn nữa việc xuất khẩu kim loại đất hiếm – thậm chí ngừng hẳn việc xuất khẩu.
Sách trắng này không chỉ là một tin dữ, mà còn được đưa ra vào một thời điểm rất xấu. Thông tin được công bố vào lúc Ban Xem xét Đầu tư nước ngoài của Úc đang bàn thảo có nên cho phép một công ty khai khoáng quốc doanh Trung Quốc, China Non-Ferrous Metal Mining (Công ty khai mỏ kim loại phi sắt Trung Quốc), mua 51% cổ phần của công ty Lynas, một trong vài công ty Úc hoạt động trong lĩnh vực khai thác kim loại đất hiếm, hay không. Thương vụ này gợi nhớ vụ thất bại gần đây của tập đoàn Nhôm Trung Quốc Chinalco trong mưu toan tăng số cổ phần trong tập đoàn khai khoáng khổng lồ Rio Tinto, liên doanh giữa Anh và Úc; Rio Tinto đã từ chối sau khi Trung Quốc đòi phải có một vài ghế trong hội đồng quản trị tập đoàn. Nhưng một lần nữa, hành động nhắm tới kiểm soát thị trường của Trung Quốc lại bộc lộ rõ ràng.
Không có gì ngạc nhiên, sách trắng của Trung Quốc – cùng với nhiều bằng cớ cho thấy Trung Quốc không ngại đầu cơ tích trữ lanthanide – đã làm dấy lên một cuộc đua tranh hoảng hốt giành mua những mỏ kim loại đất hiếm chưa phát triển hoặc phát triển kém ở Nga, Kazakhstan, Nam Phi, Botswana, Việt Nam và Malaysia. Nhật Bản đã thừa nhận rằng, một phần năm lượng lanthanide nhập khẩu vào đất nước họ là từ thị trường chợ đen rất tinh vi nhằm đưa hàng ra khỏi Trung Quốc – một cung cách làm ăn mà chính phủ ở Tokyo dung dưỡng, thậm chí khuyến khích.
Những động thái này còn nuôi dưỡng nỗi sợ rằng Bắc Kinh coi kinh tế như là việc xây dựng quyền lực của nhà nước Trung Quốc và xây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu hơn là chỉ tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần. Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục các thị trường và các chính phủ toàn cầu rằng họ không có gì phải sợ các công ty quốc doanh Trung Quốc, rằng đây chỉ là những công ty bình thường, hành xử theo những động lực thương mại bình thường. Bắc Kinh nói, các công ty ấy sẽ không bao giờ được dùng để thâu tóm ảnh hưởng chiến lược cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng mỗi ngày qua đi, những tuyên bố này càng ít độ khả tín. Bằng việc từ chối các công ty nước ngoài tiếp cận kim loại đất hiếm, các công ty quốc doanh Trung Quốc được hưởng một lợi thế không công bằng, thống trị một thị trường các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu đó. Các công ty nước ngoài muốn dùng loại kim loại này sẽ bị buộc phải chuyển cơ sở sản xuất tới Trung Quốc, nơi mối lo về nạn ăn cắp bí quyết công nghệ và thương mại, cũng như việc thâu tóm bất hợp pháp các bí mật kinh doanh, là chuyện có thật.
Ginya Adachi thuộc Hiệp hội Đất hiếm Nhật Bản lập luận, một số thị trường không thực sự vì tiền mà vì chính trị. Trong nhiều năm, Nhật Bản đã khốn đốn vì những động cơ nham hiểm đằng sau kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống trị thị trường đất hiếm. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) cuối cùng cũng phải vào cuộc; họ không còn coi Trung Quốc là một nhà cung cấp đất hiếm có thể tin cậy được; nói rộng ra, không phải là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Nhiều công ty thương mại và quốc phòng lớn đã gia tăng lượng đất hiếm dự trữ và tìm mua kim loại đất hiếm từ những vùng khác của thế giới. Nhật và EU đang xem xét một cách nghiêm chỉnh việc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu Tokyo và Brussels đi vào con đường đó, chắc chắn Washington sẽ ủng hộ, thậm chí sẽ nhập cuộc.
Cả hai biện pháp ứng phó – kiện lên WTO và pha loãng sự độc quyền kim loại đất hiếm của Trung Quốc bằng biện pháp kinh tế – đều mất nhiều thời gian. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu, cho dù họ không cấm hẳn việc bán chất lanthanide.
Cuối cùng, sẽ có một áp lực lặng lẽ từ Washington, Tokyo và Brussels – hỗ trợ bởi một sự đe doạ đáng tin rằng sẽ có những vụ trả đũa thương mại có chọn lọc – buộc Trung Quốc phải tính toán lại lợi hại của việc tự biến mình thành một “OPEC về kim loại đất hiếm”. Nhưng ngay cả áp lực này cũng phải được thực thi một cách cẩn trọng. Những căng thẳng với Trung Quốc không nên để lộ ra cho công chúng biết bởi vì Bắc Kinh có tiếng là không tiên đoán được khi họ phải đương đầu với khả năng “bị mất mặt”. Biến Trung Quốc thành kẻ côn-đồ-truyện-tranh trong vấn đề này chỉ có thể gây ra tác dụng ngược mà thôi.
John Lee
(Tạp chí Foreign Policy, ngày 9-9-2009)
H.H. dịch
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment