Monday, September 14, 2009
NAN ĐỀ GIÁO DỤC
Nan đề giáo dục
Trần Khải
Đăng ngày 14/09/2009 lúc 03:53:06 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4126
Khủng hoảng giáo dục... có thực là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của VN hiện nay? Hẳn nhiên không phải thế, bởi vì trong hàng ngũ trí thức quê nhà vẫn còn có rất nhiều vị chân tài thực học, đầy ưu tư, và sẵn sàng dấn thân để thúc đẩy cả nước tìm một hướng tiến đồng bộ với thế giới – thí dụ, như nhóm trí thức Bauxite Việt Nam.
Nếu khủng hoảng giáo dục không phải là chuyện rất độc đáo của Việt Nam, vậy thì hẳn nhiên các nước có cùng cơ chế kiểu “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” cũng phải gặp nạn khủng hoảng giáo dục tương tự – thí dụ, như bằng cấp dỏm, bài viết trộm hay sao chép, nhờ ngưòi thi hộ hay làm giùm, dữ kiện bị sửa đổi, phong bì tiền hối lộ giám khảo chấm thi, và vân vân... Đúng là như thế, Trung Quốc cũng đang có tệ nạn tương tự như thế. Thực tế, đó là do cơ chế độc đảng toàn trị, khi sự phê phán bị cấm đoán và khi sự giám sát và cạnh tranh bị hạn chế, khi xã hội bị thúc ép vì quyền lực, và khi tuổi trẻ chỉ có một hướng đi tắt của danh vọng là gia nhập giai cấp cán bộ... Lúc đó, tinh thần khoa học phải đội nón ra đi.
Và lúc đó, nhà nước sẽ thấy cần phải bịt miệng những người trí thức thực sự, không muốn họ nói lên sự thực về khủng hoảng giáo dục. Đó là lý do công an quy tội luật sư Lê Công Định đã cố gắng nối kết luật sư này với các hoạt động “lề trái” của nhóm Bauxite Việt Nam.
Tương tự, nhà nước Bắc Kinh đã lộ vẻ thù nghịch công khai một nhóm trí thức đang quy tụ về trang web tiếng Hoa có tên là New Threads (Xin Yusi). Tiến sĩ Cong Cao (Cao Tùng) trong một bài viết trên trang UPI nói rằng trang này đã bị Trung Quốc đưa vào danh sách tường lửa. Theo tiến sĩ Cao, trang web này không chống chính phủ, không có gì liên hệ tới hình ảnh dâm đãng, không liên hệ tới giáo phái Pháp Luân Công, không dính tới các vấn đề đang tranh chấp ở vùng Tân Cương và Tây Tạng. Bị tường lửa, chỉ đơn giản vì đã tiết lộ các bê bối trong giới hàn lâm tại Trung Quốc.
Trang New Threads do Fang Shiming (Phương Thì Minh) điều hành, thường được biết là Fang Zhouzi (Phương Chu Tử), một công dân TQ tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học ở TQ, rồi tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành sinh hóa từ đại học Mỹ Michigan State University và thực hiện nghiên cứu hậu tiến sĩ ở Mỹ. Cong Cao viết rằng: Fang thay vì theo đuổi sự nghiệp kinh doanh hay hàn lâm đã trở thành một người cầm bút về khoa học, và rồi trở thành một thánh chiến quân để chống tình hình gian lận giáo dục ở TQ. Từ đó, trang web xys.org xuất hiện, và thu hút đóng góp từ nhiều người muốn làm sạch nền giáo dục TQ.
Cong Cao viết rằng: theo Fang kể từ 1997 đã có ít nhất hàng trăm trường hợp gian lận - chủ yếu là đạo văn, thêu dệt và ngụy tạo dữ kiện, phóng đại kết quả nghiên cứu, xài tiền nghiên cứu sai trái, và quảng bá các sản phẩm thương mại có phẩm chất khả vấn – đã bị khui ra trên trang này.
Tuy là bản thân Fang được truyền thông TQ chú ý tường thuật và phỏng vấn, mới đây còn được thông tấn nhà nước Xinhua phỏng vấn, về nhu cầu quảng bá khoa học, nhưng bây giờ trang New Threads “đã bị tường lửa, xem y hệt như các trang về sex hay chống đối Đảng CSTQ”, theo lời ông Cong Cao.
Trang báo The New Atlantis tuần này cũng có bài quan điểm, nhan đề “China’s Phone Science: Exposing Corruption, Plagiarism, and Fraud” (“Khoa Học Dỏm của TQ: Làm Lộ Diện Tham Nhũng, Đạo Văn, và Gian Lận”) trong đó kể về một số trường hợp nổi bật bị đổ bể trong giới hoạt động khoa học TQ.
Như trường hợp khoa học gia Chen Jin (Trần Tấn) được ca ngợi là anh hùng quốc gia năm 2003 vì đã chế tạo được một microchip mới tốc độ cao, nhưng bị đuổi khỏi Jiaotong University vì đã ngụy tạo các dữ kiện nghiên cứu và cầm nhầm một microchip đã có sẵn từ Motorola.
Hay như năm nay, năm 2009, là trường hợp Wei Yuquan (Hoài Ngọc Quân), Phó Viện Trưởng Sichuan University và là thành viên Hội Hàn Lâm Khoa Học TQ, đã ngụy tạo dữ kiện trong hai baì viết về khả năng miễn nhiễm đối với ung thư. Nhà khoa học Si Lusheng (Tư Lư Thắng) kể với báo Christian Science Monitor là khi ông thấy nghi ngờ và hỏi chứng cớ để xác minh các cuộc nghiên cứu của Wei thì bị từ chối và bắt đầu nhận được nhiều cú phone hăm dọa.
Báo The Atlantis còn ghi về trường hợp Qiu Xiaoqing (Kiều Thiệu Thanh), một giáo sư đại học Sichuan University bị tố cáo hồi năm ngoái là đã giả nghiên cứu trong một bài viết năm 2003 trên tạp chí nổi tiếng Nature Biotechnology; sáu nhà khoa học đồng tác giả của Qiu đã yêu cầu báo này xóa tên của họ ra khỏi bàì viết, nói là họ bị “sốc vì kiểu bịa đặt khoa học này” và rằng họ bị lạm dụng bởi Qiu vì khả năng hiểu tiếng Anh hạn chế của họ.
Hay như trường hợp của Liu Dengyi (Lưu Đăng Di), Phó Viện Trưởng Anhui Normal University, bị tố cáo năm 2005 là tự khoe sai trái là tác giả của bốn bài viết trên các tạp chí khoa học. Ba trong các bài viết này không có trên đời này. Sau khi cáo buộc này xuất hiện trên Internet, trang tiểu sử của Liu đã xóa đi các liên hệ về các bài viết ma đó. Ông Phó Viện Trưởng Đại Học này không bị kỷ luật nào hết.
Báo này cũng nhắc tới một bản tin trên China Daily, nói bản thăm dò mới đây của Bộ Khoa Học Kỹ Thuật TQ về 180 vị tiến sĩ người Hoa, thì tới 60% vị thú nhận đã trả tiền phong bì để bài viết của họ được đăng trên các tạp chí khoa học TQ, và 60% vị khác nhìn nhận đã đạo văn, trộm công trình từ các nhà nghiên cứu khác.
Vậy đó, khoa học “dỏm” đâu có phải độc quyền của CSVN! Hóa ra cũng là theo chân đàn anh vĩ đại phương Bắc. Và tất cả những người suy nghĩ và nói khác đi, đều bị quy chụp đủ thứ tội hình sự.
Trần Khải
© Thông Luận 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment