Saturday, September 19, 2009

BỘ TƯ PHÁP CSVN CHÍNH THỨC LÊN TIÊNG về vụ VIỆN IDS


Bộ Tư pháp trả lời Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển về Quyết định 97/2009/QĐ-TTg
(19/09/2009-05:02:00 PM)
http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=130895&item_id=37615643&p_details=1
(Chinhphu.vn) - Được sự ủy quyền của Thủ tướng, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển trả lời về các vấn đề pháp lý liên quan đến Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.

Ngày 24/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 97). Sau khi Quyết định số 97 được ban hành, ngày 6/8/2009, Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, việc ban hành Quyết định số 97 đã vi phạm trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có một số nội dung trái với Hiến pháp và Luật Khoa học và Công nghệ, gây cản trở đến việc thực hiện quyền tự do nghiên cứu khoa học của tổ chức và cá nhân.

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của Hội đồng Viện Nghiên cứu và Phát triển và của cá nhân Giáo sư Hoàng Tụy, và xin trả lời các vấn đề pháp lý đã được nêu trong văn bản của Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển như sau:

1. Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 97
Như ý kiến của Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển đã nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng từ đầu năm 2008. Toàn bộ các bước soạn thảo; lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. Những việc được thực hiện trong năm 2009 chỉ là nghiên cứu ý kiến tham gia, cân nhắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quyết định để ký ban hành. Ở giai đoạn này, ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng không quy định cơ quan soạn thảo phải đăng tải dự thảo Quyết định trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan soạn thảo. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Quyết định số 97 là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, không vi phạm Điều 67 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

2. Về nội dung của Quyết định số 97

2.1 Về cách thức xác định lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.
Theo ý kiến của Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển thì việc Quyết đình số 97 ban hành Danh mục lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ mà không ban hành Danh mục lĩnh vực cấm là cách làm không đúng, gây khó khăn cho các tổ chức khoa học và các nhà khoa học, trái với Điều 60 của Hiến pháp và Luật Khoa học và Công nghệ.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Danh mục lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ là phù hợp với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này. Cụ thể, khoản 1 Điều 17 Luật Khoa học và Công nghệ quy định cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có quyền "thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Chính phủ" và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 81) giao "Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định những lĩnh vực cụ thể mà các cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định".
Thực tiễn xây dựng pháp luật của nhiều nước cũng như của Việt Nam cho thấy, có nhiều cách thức để xác định lĩnh vực hoạt động mà tổ chức, cá nhân được làm, trong đó cách thức phổ biến là ban hành danh mục cấm hoặc ban hành danh mục được phép. Mỗi một cách thức đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào đặc điểm của từng lĩnh vực hoạt động cần điều chỉnh bằng pháp luật, vào trình độ và khả năng quản lý của mỗi nước trong từng thời kỳ nhất định. Ở nước ta, cách thức quy định các lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ đã được Quốc hội xác định trong Luật Khoa học và Công nghệ, như đã nêu ở trên. Danh mục các lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được ban hành kèm theo Quyết định số 97 đã được cân nhắc kỹ, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, cũng như Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển đã nêu, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ là rất đa dạng, phong phú và ngày càng phát triển, do đó, khi xem xét ban hành Quyết định số 97, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định theo hướng mở, theo đó: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan định kỳ nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ" (Điều 5).
Như đã trình bày ở trên, cách thức quy định Danh mục các lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ là phù hợp với Nghị định của Chính phủ, Luật của Quốc hội và do đó, cũng phù hợp với quy định của Điều 60 Hiến pháp.


2.2 Về quy định cách thức để cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công bố ý kiến phản biện của mình về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển cho rằng, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 97 quy định trách nhiệm cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ, là trái với Điều 69 của Hiến pháp.
Điều 69 Hiến pháp quy định như sau: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin... theo quy định của pháp luật". Bộ Tư pháp cho rằng, Quyết định số 97 không trái với Hiến pháp bởi vì Quyết định này chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, không ràng buộc trách nhiệm của cá nhân- công dân nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc công bố ý kiến của mình về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nhà khoa học có quyền công bố công khai kết quả nghiên cứu của mình với tư cách cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

2.3 Quyết định số 97 có nội dung "hồi tố" hay không
Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển cho rằng, Điều 4 của Quyết định số 97 có nội dung hồi tố, gây khó khăn, trở ngại cho tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được thành lập trước đây. Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Tiếp sau việc ban hành Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 81 thì Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ phải được ban hành. Căn cứ vào Danh mục này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về điều kiện và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực đã được quy định. Tuy nhiên, do việc xây dựng Danh mục là công việc khó khăn, phức tạp, nên Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ không được ban hành kịp thời. Trong hoàn cảnh đó, để bảo đảm quyền của các cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 10/2005/TT-BKHCN ngày 24/8/2005 hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, nhờ đó, trong thời gian qua đã có hơn 100 tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập, hoạt động bước đầu có hiệu quả.

Đến nay, Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ đã được ban hành. Việc rà soát các tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập trước đó cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn là việc làm cần thiết, đúng với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, nhằm bảo đảm cho phạm vi hoạt động của các tổ chức này phù hợp với Danh mục đã được ban hành. Vì vậy, Điều 4 của Quyết định số 97 không phải là quy định có hiệu lực trở về trước (hồi tố).

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về các vấn đề pháp lý mà Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển đã nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xin trả lời Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển./.




No comments: