Thursday, March 12, 2009

Ý ĐỒ TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Chiến lược hải quân và ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngô Vĩnh Long
Đăng ngày 12-3-2009
http://danchimviet.com/articles/941/1/Chin-lc-hi-quan-va-y--ca-Trung-Quc-tren-Bin-ong/Page1.html
“…Trung Quốc cho rằng đã đến lúc cho thế giới biết Trung Quốc không còn là một đại cường khu vực mà là một siêu cường…”

Hải quân Trung Quốc, còn gọi là "Giải phóng quân Hải quân", là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Trung Quốc, gồm có 5 nhánh: binh đội tàu ngầm, binh đội tàu mặt nước, binh đội không quân, binh đội hải quân đánh bộ và binh đội "ngạn phòng". Ngoài ra, lực lượng hải quân Trung Quốc còn có 10 học viện và đại học trực thuộc, nhiều viện nghiên cứu, các binh đoàn bộ đội chuyên môn, và các cục chính trị, cục hậu cần, cục kỹ thuật, và các đơn vị bảo đảm phục vụ và sửa chữa. Lực lượng hải quân được phân chia thành ba vùng : Bắc Hải Hạm Đội, Đông Hải Hạm Đội và Nam Hải Hạm Đội.

Chiến lược chung của hải quân Trung Quốc


Chiến lược chung của quân đội Trung Quốc, còn gọi là "Cương lĩnh quân sự quốc gia cho thời đại mới", gồm có hai phần. Phần thứ nhất là về đổi mới và hiện đại hóa quân đội toàn bộ từ trang bị vũ khí đến cơ cấu và tổ chức. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là "chuẩn bị đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong hoàn cảnh công nghệ cao hiện đại" và "chuyển đổi từ một quân đội dựa trên số lượng đến một quân đội dựa trên chất lượng", tức xây dựng một quân đội cơ khí hóa và tin học hóa. Phần thứ hai là các chiến lược hành động, còn được gọi là chiến lược "tích cực phòng ngự" và được coi là cương lĩnh chiến lược tối cao của quân đội Trung Quốc trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Chiến lược "tích cực phòng ngự" gồm những điểm sau: chỉ tấn công sau khi bị tấn công nhưng chủ yếu là tấn công; sự phản công không bị hạn chế bởi yếu tố không gian và thời gian; khi tấn công thì bất chấp biên giới; chờ thời cơ và điều kiện thuận lợi để tấn công; khi tấn công thì tập trung hỏa lực vào những điểm trọng yếu của đối phương; chỉ tin dùng lực lượng của chính mình để tấn công đối phương; chiến dịch tấn công và phòng thủ phải tiến hành cùng một lúc.
Trên biển chiến lược "tích cực phòng ngự" mang tên "cận hải phòng ngự" với ba nhiệm vụ chính: kềm chế đối phương từ ngoài khơi và ngăn chặn không cho đổ bộ; bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ; bảo vệ sự thống nhất quốc gia và quyền lợi trên biển cả.
Xin lưu ý, "cận hải" ở đây là "đến tận những nơi xa xôi trên biển cả mà hải quân Trung Quốc có khả năng đưa các lực lượng đặc nhiệm đến với sự chi viện và an ninh cần thiết". Khu vực cận hải hiện nay gồm hai chuỗi quần đảo : một là khu vực từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Philippines, Indonesia (từ Borneo đến Natuna Besar) ; hai là khu vực bắc-nam từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Bonins, Marianas, Carolines và Indonesia. Hai khu vực này bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung Quốc và vùng biển Đông Á.
Mục tiêu của chiến lược "tích cực cận hải phòng ngự" là "để khẳng định Trung Quốc là một cường quốc khu vực trên biển để bảo vệ các khu vực kinh tế duyên hải và các quyền lợi trên biển, và để tối ưu hóa các chiến dịch tác chiến của hải quân cho quốc phòng". Nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển khi cần.
Chiến lược này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là "chiến lược phòng ngự tích cực vùng nước màu xanh lục", bao gồm một hình cung từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến "chuỗi quần đảo thứ nhất" (Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippines, và quần đảo Greater Sunda) ở phía đông. Giai đoạn hai là mở rộng vùng hoạt động sang "chuỗi quần đảo thứ hai" (Bonins, Guam, Marianas và quần đảo Palau) vào giữa thế kỷ 21. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng hoạt động đến các căn cứ ở Myanmar để có thể đi từ eo biển Malacca đến Vịnh Bengal.
Cho đến cuối thập niên 1990, hải quân Trung Quốc có khoảng 268 000 sĩ quan và binh lính, trong đó 25 000 người thuộc quân chủng không quân trực thuộc hải quân và khoảng 7 000 thủy quân lục chiến (thuộc Hạm đội Nam Hải) với 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến số một và số 164. Mỗi lữ đoàn có 3 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo, một trung đoàn thiết giáp lội nước, và các đơn vị công binh, trinh sát, phòng chống hóa chất và giao thông.
Thủy quân lục chiến của Trung Quốc được huấn luyện và trang bị đầy đủ các loại vũ khí cần thiết (xe tăng lội nước, các tàu thuyền đổ bộ bay bằng nệm hơi hay bằng quạt gió, xe thiết giáp chở lính, súng đại liên và nhiều loại vũ khí phóng tên lửa khác nhau. Sứ mạng chính của lực lượng này là bảo vệ các hải đảo mà Trung Quốc đã chiếm trên biển Nam Hải. Trong thực tế các loại tàu thuyền đổ bộ của thủy quân lục chiến Trung Quốc còn rất lạc hậu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc và Nam Hàn.

Chiến lược phủ định (tiêu diệt đối phương)

Về thực lực, hải quân Trung Quốc còn quá yếu so với các cường quốc hàng hải khác trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc và Hoa Kỳ. Hiện nay Trung Quốc đang dồn mọi nổ lực để sản xuất các loại hàng không mẫu hạm và tàu chiến các cấp.
Hải quân Trung Quốc hiện nay có hơn 400 chiến hạm loại tấn công, trong đó 50 chiếc được trang bị với các hỏa tiển và đầu đạn tầm gần và tầm xa tương đương với các loại tàu chiến của châu Âu nhưng chưa đủ khả năng đối đầu với các tàu chiến lớn của Mỹ. Ngoài ra còn có hơn 300 chiếc "hộ vệ đĩnh" đủ loại, chuyên gài những mìn tinh vi trên các biển Hoàng Hải, biển Nhật Bản, eo biển Đài Loan và Nam Hải.
Vì chưa thể đương đầu với các hạm đội trên mặt nước của Mỹ, chiến lược của Trung Quốc là dùng tàu ngầm để tấn công và phủ định sức mạnh của các hạm đội trên mặt nước của Mỹ vì các tàu trên mặt nước, đặc biệt là hàng không mẫu hạm, rất khó phòng thủ trước các cuộc tấn công của tàu lặn bắn hàng loạt các tên lửa có đầu đạn các loại gần xa cùng một lúc. Hiện nay Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm đủ loại, chạy bằng diesel và năng lượng nguyên tử.
Phương pháp thứ hai trong chiến lược phủ định sức mạnh của hải quân Mỹ là làm tê liệt các phương tiện trinh sát và truyền tin của quân đội Mỹ, như diệt các vệ tinh để cho quân đội của Mỹ bị mù trong khi Trung Quốc tấn công các mục tiêu quân sự. Ngoài ra Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa xuyên lục địa lưu động để phá vỡ "hệ thống tình báo" của quân đội Mỹ.

Những thí dụ phòng hờ Trung Quốc và thái độ của Mỹ

Malaysia là quốc gia có quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Về kinh tế, mậu dịch hai chiều đã tăng từ 14,2 tỉ USD năm 2003 lên 22,5 tỉ USD năm 2005. Theo tài liệu của Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF), năm 2005 Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ tư của Malaysia, sau Mỹ, Singapore và Nhật. Nhập siêu của Malaysia đối với Trung Quốc tăng đều, năm 2005 là 3,9 tỉ USD. Tuy nhiên, chính phủ Malaysia rất lạc quan về quan hệ kinh tế với Trung Quốc và cả hai chính phủ đều đặt mục tiêu mậu dịch hai chiều sẽ tăng lên đến 50 tỉ USD năm 2010. Xuất khẩu nhiên liệu của Malaysia sang Trung Quốc sẽ giúp Malaysia giảm tỉ lệ nhập siêu vì Malaysia là một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (liquified natural gas, LNG) nhiều nhất trên thế giới. Tháng 11 năm 2006 hãng dầu quốc doanh (Petronas) của Malaysia thắng thầu cung cấp cho Thượng Hải mỗi năm 3 triệu tấn LNG trong 25 năm với giá 25 tỉ USD, đây là hợp đồng lớn nhất giữa hai nước.
Malaysia đối đãi rất tế nhị với Trung Quốc. Từ năm 2000 Malaysia đã nới rộng các hạn chế về thị thực và để cho công nhân Trung Quốc vào ra Malaysia một cách dễ dàng, nhờ đó số du khách từ Trung Quốc đến càng ngày càng tăng. Năm 2003 có 350 ngàn du khách Trung Quốc đến thăm Malaysia và năm 2006 con số này đã tăng đến 439 ngàn. Năm 2003 có 11 ngàn sinh viên Trung Quốc ghi tên học tại các đại học Malaysia, tương đương với 25% tổng số các sinh viên nước ngoài tại Malaysia. Số du khách và sinh viên to lớn đến từ Trung Quốc đã mang cho Malaysia một thu nhập đáng kể.
Về các vấn đề nhậy cảm khác như Đài Loan, eo biển Malacca và an ninh khu vực, Malaysia đã sử sự rất khôn khéo để không làm phật lòng Trung Quốc. Một trong những vấn đề an ninh tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Năm 1980 Malaysia tuyên bố chủ quyền trên 12 đảo trong quần đảo Trường Sa và từ đó đến nay đã chiếm thêm 5 đảo. Trong thập niên 1980, Malaysia đã mua nhiều chiến hạm và máy bay hiện đại để phòng giữ các hải đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Malaysia. Trung Quốc đã không có phản ứng mạnh vì sợ làm tổn thương quan hệ chính trị và kinh tế với Malaysia. Hơn nữa những khu vực mà Malaysia tuyên bố chủ quyền cách Trung Quốc quá xa trong khi không quân Trung Quốc chưa có đủ khả năng trợ lực các cuộc đổ bộ dành lấy các đảo này.
Hiện nay, Trung Quốc và Malaysia đang cải thiện dần quan hệ quân sự giữa hai nước. Tháng 9-2005 hai nước đã ký bản "Ghi nhớ về sự hợp tác quân sự" nhưng khi Trung Quốc đề nghị bán các hệ thống vũ khí, kể cả các chiến thuyền thì Malaysia đã lịch sự từ chối. Malaysia tiếp tục mua vũ khí của Mỹ, Anh và Nga vì tốt hơn và tối tân hơn những vũ khí chế tạo tại Trung Quốc. Hơn thế nữa, Malaysia đang yêu cầu Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy bề ngoài làm ra vẻ chống Mỹ, giới lãnh đạo Malaysia đã bí mật ký hiệp định cho phép Mỹ đem tàu chiến và máy bay quân sự vào Malaysia để sửa chữa hay tiếp tế.
Một cách khách quan, quan hệ quân sự của Malaysia với Mỹ quan trọng hơn quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc. Các chiến thuyền của Mỹ thường xuyên viếng thăm các cảng của Malaysia ; mỗi năm hải quân Malaysia và hải quân Mỹ tập trận đều đặn với nhau ; các đội người nhái của hải quân và bộ binh Mỹ thường tập luyện với các đội Malaysia ; các vùng rừng núi của Malaysia là địa bàn lý tưởng để huấn luyện tác chiến trong rừng rậm.
Malaysia còn thiết lập những quan hệ hợp tác quân sự với Anh, Úc, New Zealand, qua cái hiệp định gọi là "Five Power Defense Arrangement, FPDA", để cho Trung Quốc thấy rằng Malaysia là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và có thể là một lực lượng đối trọng trước một Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng ra Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa.
Nói chung, các quốc gia Đông Nam Á đều có chính sách quốc phòng riêng của mình và phần lớn đang gia nhập vào chạy đua vũ trang khu vực, đặc biệt là mua hay đóng tàu ngầm. Năm 2007, Indonesia tuyên bố đang xây dựng xưởng đóng tàu ngầm tối tân với chỉ tiêu hạ thủy 12 chiếc năm 2024. Hiện nay Indonesia là quốc gia mua nhiều tầm ngầm nhất thế giới : 4 chiếc loại Kilo chạy bằng diesel của Nga với giá 200 triệu USD/chiếc và hai tàu ngầm của Hàn Quốc với giá 750 triệu USD. Singapore sẽ trang bị 6 chiếc tàu ngầm tối tân vào năm 2016. Malaysia đã đặt mua hai chiếc tàu ngầm Scorpene của Pháp. Việt Nam cũng muốn có 2 hay 3 chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga. Tàu ngầm tuy có mang lại hiệu quả lớn trong việc chống các tàu thuyền trên mặt nước, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ gây ra những hậu quả không có thể lường trước.
Vế phía Mỹ, mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ là hợp tác với các lực lượng hải quân trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bảo vệ các dường thông thương trên biển, đặc biệt là tại eo biển Malacca và Biển Đông. Trung Quốc cũng bày tỏ ý muốn hợp tác quân sự với Hoa Kỳ trên Biển Đông để bảo vệ an ninh đường thông trên biển. Nói tóm lại, yêu cầu chiến lược của Mỹ là duy trì an ninh trên biển Thái Bình Dương, nhất là trên các đường giao thương qua khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Mỹ có thể can thiệp đơn phương hay hợp tác và phối hợp với các lực lượng quân sự khác để bảo vệ an ninh chung trên biển trong khu vực trên. Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ hay các lực lượng hải quân khác sẽ can thiệp khi có đụng độ giữa các nước tranh chấp các đảo trong khu vực Biển Đông. Giải pháp quân sự không phải là giải pháp an ninh và an toàn.

Hệ thống tổ chức lực lượng hải quân Trung Quốc

Lực lượng hải quân Trung Quốc gồm những chi đội, đại đội và trung đội. Mỗi chi đội có quân số tương đương với một sư đoàn của Mỹ nên thường được dịch là "division" hay "flotilla" (hạm đội). Hiện nay lực lượng hải quân Trung Quốc gồm có 7 chi đội : tàu ngầm (tiềm đĩnh), tàu khu trục (destroyers), tàu hộ tống (hộ vệ đĩnh), tàu cao tốc, tàu phóng ngư lôi, tàu chi viện tác chiến, tàu săn tàu ngầm.
Nhiều chi đội họp thành chi đội tổng hợp với các loại tàu khác nhau. Chẳng hạn như những chi đội tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường, chi đội tàu khu trục, chi đội tàu hộ tống và chi đội tàu cao tốc có những tàu phóng hỏa tiễn (đạo đạn đĩnh), tàu rà mìn, tàu phóng ngư lôi và tàu săn tàu ngầm. Các chi đội tàu chiến thường có một số tàu tiếp tế (tác chiến chi viện thuyền) đi theo.
Hải quân Trung Quốc có tất cả 15 cấp hàm và 5 tầng lớp. Các cấp hàm từ trên xuống dưới là : Quân ủy chủ tịch, tức là chủ tịch quân ủy trung ương, và quân ủy phó chủ tịch. Chức phó chủ tịch quân ủy tương đương với chức đô đốc (admiral) của Mỹ. Đô đốc của Mỹ là sĩ quan cấp 10, tức là cấp cao nhất. Quân ủy ủy viên, chức này cũng tương đương với chức đô đốc của Mỹ. Tư lệnh vùng gọi là "đại khu chính chức" tương đương với chức đô đốc của Mỹ. Phó tư lệnh vùng gọi là "đại khu phó chức", tương đương với phó đô đốc (vice admiral) hay chuẩn đô đốc (rear admiral) của My (vice admiral của Mỹ là sĩ quan cấp 9 và rear admiral là sĩ quan cấp 8). Tư lệnh quân đoàn gọi là "chính quân", tương đương với phó đô đốc hay chuẩn đô đốc của Mỹ. Phó tư lệnh quân đoàn gọi là "phó quân", tương đương với chuẩn đô đốc hay thuyền trưởng cấp 7 của Mỹ. Sư đoàn trưởng gọi là "chính soái", tương đương với thuyền trưởng cấp cao hay chuẩn đô đốc của Mỹ. Sư đoàn phó hay lữ đoàn trưởng gọi là "phó soái", tương đương với thuyền trưởng (captain, cấp 6) hay thuyền trưởng cấp cao của Mỹ. Trung đoàn trưởng gọi là "chính đoàn", tương đương với trung tá (cấp 5) hay thuyền trưởng của Mỹ. Trung đoàn phó gọi là "phó đoàn", tương đương với trung tá hay thuyền trưởng của Mỹ. Tiểu đoàn trưởng gọi là "chính doanh", tương đương với thiếu tá (cấp 4) hay trung tá của Mỹ. Tiểu đoàn phó gọi là "phó doanh", tương đương với đại úy (cấp 3) hay thiếu tá của Mỹ. Đại đội trưởng gọi là "chính liên", tương đương với trung úy (cấp 2) hay đại úy của Mỹ. Đại đội phó gọi là "phó liên", tương đương với cấp trung úy hay thiếu úy (cấp 1) của Mỹ. Trung đội trưởng gọi là "chính bài", tương đương với cấp thiếu úy hay trung úy của Mỹ.

Về tổ chức, hải quân Trung Quốc có 5 cấp chỉ huy như sau:

- Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo cơ cấu tổ chức thì Bộ Tư lệnh có cấp hàm hạng 3, tức "đại khu chính chức". Mãi đến năm 2004 tư lệnh trưởng và chính ủy đều là sĩ quan có hàm cấp 3. Nhưng đến giữa năm 2004 tư lệnh trưởng được thăng thành một ủy viên Quân Ủy và vì thế có hàm cấp 2. Nhưng chính ủy, ngang hàng với tham mưu trưởng, giữ hàm cấp 3.
- Bộ tư lệnh của ba vùng chiến lược : Bắc hải, Đông hải, và Nam Hải. Mỗi bộ tư lệnh có quân hàm cấp 4. Vì thế, từ những năm cuối thập kỹ 80, tư lệnh của các hạm đội trên đều có hàm "đại khu phó chức".
- Mỗi hạm đội có các căn cứ trực thuộc và những căn cứ này có hàm cấp 6, tức phó tư lệnh quân đoàn. Có ba loại căn cứ : căn cứ phục vụ, căn cứ trắc nghiệm và căn cứ đào tạo. Căn cứ "hải quân hàng không binh" cũng có hàm cấp 6. Trong tất cả các căn cứ, 8 căn cứ phục vụ sau đây là quan trong nhất : Qingdao và Lushun (khu vực Bắc hải Hạm đội) ; Zhoushan, Fujian, Shanghai (khu vực Đông hải Hạm đội) ; Guangzhou, Yulin, Zhanjiang (Nam Hải Hạm đội).
- Mỗi căn cứ phục vụ có các đơn vị trực thuộc gọi là "thủy cảnh khu", tức là những căn cứ có phận sự cảnh bị và phòng vệ các khu vực duyên hải. Có tất cả 8 căn cứ gọi là "thủy cảnh khu" : Dalian và Weihai (Bắc hải Hạm đội) ; Xiamen (Đông hải Hạm đội) ; Shantou, Beihai, Xisha/Hoàng Sa (Nam Hải Hạm đội).
- Các chi đội tàu chiến thông thường trực thuộc một căn cứ phục vụ và các đại đội tàu chiến có thể trực thuộc một căn cứ phục vụ hay một chi đội.

Trung Quốc hiện nay đang tân trang chiếc hàng không mẫu hạm loại Kuznetsov, tên Varyag, mua của Nga với giá nửa tỉ USD. Chiếc Varyag được đóng khi sự hiểu biết của Liên Xô về các hoạt động của máy bay trên một chiếc hàng không mẫu hạm chưa được tinh vi lắm. Nhưng Trung Quốc đã nhất định đưa chiếc này vào hoạt động, có thể như là một hàng không mẫu hạm dùng vào việc đào tạo vào năm 2010. Trong khi đó thì vào tháng 3-2007, một đô đốc Trung Quốc đã tiết lộ trong một tờ báo Hồng Kông rằng Trung Quốc đã tiến triển rất nhanh trong việc nghiên cứu và phát triển hàng không mẫu hạm và sẽ có thể hạ thủy một hàng không mẫu hạm vào năm 2010.
Vấn đề là tại sao Trung Quốc lại quyết tâm phát triển hàng không mẫu hạm trong khi phát triển các chiến thuyền đổ bộ, tàu ngầm, các hỏa tiển siêu âm lướt trên mặt nước và tự điều khiển đến mục tiêu để chống thuyền trên mặt nước có hiệu quả hơn. Có nhiều lý do giải thích :

Một là Trung Quốc cho rằng đã đến lúc cho thế giới biết Trung Quốc không còn là một đại cường khu vực mà là một siêu cường. Nếu Trung Quốc có những hạm đội hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc có thể gởi đi vòng quanh thế giới như Mỹ đã và đang làm thì Trung Quốc cũng có thể thị oai và chứng minh "sức mạnh mềm" của mình như Mỹ đã và đang làm.

Hai là, Trung Quốc càng ngày càng phải vận chuyển nhiên liệu từ các nước Trung Đông và Châu Phi qua biển Ấn Độ, eo biển Mallaca và Biển Đông. Sự vận chuyển nhiên liệu này hiện nay được an toàn là nhờ hải quân Mỹ bảo vệ sự di chuyển trên biển trong các khu vực này. Điều này làm cho Trung Quốc khó chịu vì vấn đề an ninh nhiên liệu đang phải dựa vào lòng hảo tâm của Mỹ. Không có nhiên liệu nhập thì Trung Quốc không có thể tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ cao như hiện nay, không có thể bành trướng ảnh hưởng, và không có thể tham chiến khi cần. Vì thế, việc phát triển hạm đội hàng không mẫu hạm là cần thiết để bảo vệ các đường nhập dầu và các nguồn dầu nhập. Trung Quốc đã tài trợ việc xây cất một cảng tại Gwadar ở Pakistan, gần vịnh Persian Gulf mà Trung Quốc có thể điều động một hạm đội hàng không mẫu hạm đến đó khi cần trong tương lai.

Theo nhiều nghiên cứu thì Hạm Đội Nam Hải là hạm đội hùng hậu nhất của Trung Quốc. Hạm Đội Nam Hải có ít nhất là 32 đội tàu ngầm, trong đó có những chiếc tàu ngầm tối tân nhất ; hai đội chiến thuyền đổ bộ; các đội khu trục hạm ; các đội tàu đặt mìn và hơn một chục đội tàu tấn công cao tốc lướt trên mặt nước.

--------------------------------
nguồn:
www.thongluan.org


No comments: