Friday, March 13, 2009

Ý NGHĨA CUỘC ĐỤNG ĐỘ MỸ - TRUNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Đụng độ Mỹ - Trung và ý nghĩa với tranh chấp biển ĐNA
Ts. Vũ Quang Việt

13/03/2009 14:02 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6375/index.aspx
(TuanVietNam) - Góc nhìn riêng của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc về đụng độ Mỹ - Trung trên biển ngày 10/3 và ý nghĩa của nó với tranh chấp ở khu vực.

Biển Đông Nam Á, tại sao?

Hiện nay, ngôn ngữ quốc tế gọi khu vực biển có tranh chấp ở Đông Nam Á là “biển Nam Trung Hoa” (South China Sea hay La Mer de Chine du Sud), có lẽ vì Trung Quốc được lấy làm vị trí chuẩn, chứ không mang ý nghĩa là biển này thuộc Trung Quốc.
Việt Nam đã gọi biển này là biển Đông cũng có ý nghĩa lấy Việt Nam làm vị trí chuẩn. Philippines cũng có thể tự lấy mình làm chuẩn và đặt tên biển này là biển Tây. Cũng thế, Malaysia có thể gọi là Biển Bắc.
Cách tốt nhất, theo quan điểm của người viết, là lấy tên của khu vực Đông Nam Á để đặt tên cho khu biển này, bởi vì nó nói lên tính quốc tế của vấn đề tranh chấp, đụng chạm đến trung tâm lợi ích về an ninh và kinh tế của các nước trong vùng Đông Nam Á, và đến chiến lược bành trướng của thế lực quân sự lớn nằm ngoài vùng muốn chiếm đoạt thật sự hoặc tạo ra đe dọa quân sự nhằm o ép các nước trong vùng chia phần lợi ích kinh tế cho họ và chấp nhận vòng ảnh hưởng của họ.

Yêu sách của Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố nhiều lần là chủ quyền của họ là trên toàn biển Đông Nam Á được xác định như một lưỡi bò, kéo dài từ Hải Nam đến tận Mã Lai (xem thêm bản đồ Trung Quốc tự vẽ ở dưới). Với việc xác định như thế, toàn biển Đông Nam Á là lãnh hải Trung Quốc, không còn phân biệt đâu là lãnh hải kể từ đường cơ sở xác định từ đất liền, đâu là vùng đặc quyền kinh tế và tất nhiên là không còn hải phận quốc tế nằm ngoài hai khu vực trên trên biển Đông Nam Á.
Nếu như thế, Việt Nam, Philippines và các nước khác mỗi lần đi qua biển Đông Nam Á trên nguyên tắc đều phải đặt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Việc xác định chủ quyền trên toàn biển Đông Nam Á của Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn Luật biển Liên Hợp Quốc và những hành động của họ đã và đang trở thành mối đe dọa thường xuyên cho an ninh của các nước trong vùng và của tất cả các nước phải đi lại qua vùng Đông Nam Á.
Tại sao việc xác định chủ quyền như thế là sai? Bởi vì Luật biển chỉ cho phép lãnh hải mà quốc gia có hoàn toàn chủ quyền nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ đường cơ sở, và vùng được phép khai thác kinh tế (gọi là vùng đặc quyền kinh tế) rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trên thực tế ở biển Đông Nam Á, nếu giả dụ có một địa điểm nào đó được công nhận là đảo thuộc Trung Quốc và như thế nó có lãnh hải, có vùng đặc quyền kinh tế ở chung quanh, nhưng điều này cũng chỉ cho phép Trung Quốc có chủ quyền vài chỗ trên biển Đông Nam Á, chứ không thể trên toàn biển Đông Nam Á.
Hơn thế, coi những đá ở Hoàng Sa và Trường Sa là đảo là điều còn phải bàn cãi trên cơ sở Luật biển của Liên Hợp Quốc. Đảo theo định nghĩa của Điều 121 của Luật Biển “…là vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thuỷ triểu lên.” Tức là nó không phải là “đá” vì theo Điều 122 “Đá (rocks), nơi không có khả năng kéo dài được việc cư trú (sinh sống) của con người và đời sống kinh tế riêng của nó, không được phép có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa….”
Như thế có thể nói là trên Hoàng Sa và Trường Sa, khó có thể chứng minh một nơi nào đó là đảo, vì cho đến khi có tranh chấp mới đây, không nơi nào có khả năng kéo dài được việc cư trú tự nhiên của con người, nếu không dựa vào tiếp tế và các công trình xây dựng nhân tạo được dựng lên. Luật biển Điều 60 nói rõ: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị công trình không được hưởng qui chế của đảo.”
Trung Quốc đã đi quá điều ước quốc tế mà họ ký. Thật ra, họ đã dùng sức mạnh quân sự để chiếm đóng vùng biển, mà trong lịch sử rất dài không có dân Trung Quốc sinh sống thường xuyên và cũng không có mặt của nhà nước Trung Quốc thủ đắc địa điểm trên biển Đông Nam Á.
Những địa điểm trên Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang nắm là kết quả của việc đem quân chiếm đóng từ tay chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước đây (chiếm Hoàng Sa năm 1974) và chính phủ CHXHCN Việt Nam (chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988), và gần đây nhất là từ tay Philippines (chiếm Mischief Reef vào tháng 2 năm 1995).

Bản đồ Trung Quốc vẽ. Nguồn: Bản đồ du khách và giao thông của Hải Nam năm 1999, phỏng theo Stein Tonnesson, “China and the South China Sea: A Peace Proposal.” Security Dialogue, Vol. 31, No. 3 September 2000.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2009/03/030904/Biendong-TQve.jpg

Đường đỏ là vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Đường xanh là các khu vực kinh tế EEZ theo Công ước LHQ về luật biển; Các đảo xám là nơi có tranh chấp. Bản đồ từ BBC.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2009/03/030904/Biendong-BBC.jpg

Yêu sách của Mỹ

Là một thế lực toàn cầu, Mỹ đã luôn luôn chủ trương là quyền thông thương tự do trên biển Đông Nam Á là thuộc lợi ích của Mỹ. Chính vì thế, Quốc hội Mỹ ra nghị quyết vào tháng 3 năm 1995 nhấn mạnh: “Quyền đi lại tự do trên biển Nam Trung Hoa nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ.” Ngày 10 tháng 5 năm 1995, Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu mạnh hơn: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở biển Nam Trung Hoa, không phù hợp với Luật Biển. ”
Vào 16 tháng 6 năm 1995, Joseph Nye, Phụ tá Bộ Trưởng Quốc phòng về An ninh quốc tế nói với báo giới ở Tokyo là “nếu hành động quân sự xảy ra ở quần đảo Trường Sa và ngăn cản tự do đi lại trên biển cả thì chúng tôi sẵn sàng hộ tống và bảo đảm rằng thông thương tiếp tục.”
Những tuyên bố này nhằm cảnh cáo Trung Quốc khi họ mang quân chiếm MisChief Reef từ Philippines vào tháng 2 năm 1995. Nhưng chúng cũng phản ánh thái độ dứt khoát của Mỹ về quyền tự do đi lại trên hải phận quốc tế.
Trước đó, vào 1 tháng 4 năm 2001, Mỹ cho máy bay thuộc Cục An ninh Quốc gia (National Security Agency) bay qua vùng biển thuộc biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc cho máy bay bay theo và đụng vào máy bay Mỹ. Máy bay Trung Quốc rớt, còn máy bay Mỹ bị hư hại phải hạ cánh xuống Đảo Hải Nam, gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước.
Mỹ đã xin lỗi về sự kiện đụng máy bay Trung Quốc rơi, nhưng từ chối xin lỗi về cái mà Trung Quốc kết án là Mỹ xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc. Mỹ cho rằng bay ngoài vùng cách lãnh hải Trung Quốc 60 km (32 hải lý) là thuộc quyền tự do thông thương trên bầu trời nằm trên vùng đặc quyền kinh tế; việc này hoàn toàn hợp pháp theo Công ước về Luật biển.
Lần này, ngày 10 tháng 3, nhân Obama mới nhận chức, và nhân việc Mỹ cho tầu có tên USNS Impeccable thám thính hoạt động tầu ngầm của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á cách đảo Hải Nam 75 dặm, ngoài vùng lãnh hải và thuộc khu đặc quyền kinh tế, Trung Quốc cho 5 tầu chiến gây hấn. Mỹ cũng đã cực lực phản đối Trung Quốc, và coi đây là quyền tự do lưu thông theo Luật biển.

Luật biển Liên Hợp Quốc

Hành động và tuyên bố của Mỹ về biển Đông Nam Á hoàn toàn phù hợp với việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trong hải phận quốc tế, phù hợp với Luật biển Liên Hợp Quốc.
Vùng đặc quyền kinh tế không thuộc hải phận mà quốc gia có quyền khai thác kinh tế có chủ quyền quốc gia.
Chủ quyền (sovereignty) chỉ được xác định trong vùng lãnh hải (territorial sea) – theo Điều 2. Tuy nhiên, ngay cả trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyển của nước sở hữu, Điều 17, 18 và 19 cũng vẫn cho phép tầu bè và máy bay nước ngoài có quyền “đi lại không gây hại” (innocent passage), là đi hoặc bay ngang qua, liên tục, nhanh chóng, không được đậu lại trừ trường hợp lâm nạn trong vùng lãnh hải (12 hải lý) của nước khác mà không cần xin phép, miễn là không ảnh hưởng đến an ninh và môi trường nước sở hữu lãnh hải.
Quyền tự do đi lại trong vùng đặc quyền kinh tất nhiên (tức là vùng mà nước có quyền có chủ quyền đối với việc khai thác lợi ích kinh tế từ vùng) không được bàn tới. Khi không có điều khoản nào trao quyền hạn chế đi lại cho nước có quyền khai thác kinh tế, như điều khoản cấm "việc đi lại không gây hại" áp dụng đối với lãnh hải, thì điều này có nghĩa là quyền tự do đi lại ở đây giống như trên biển khơi.

Tính chất tranh chấp ở biển Đông Nam Á

Những tranh chấp hiện nay ở biển Đông Nam Á đã nói lên được những điểm sau:
- Tranh chấp mang tính quốc tế, đa phương hoàn toàn không mang tính song phương giữa Trung Quốc với từng nước Đông Nam Á, hay với Mỹ và do đó chỉ có thể giải quyết trên cơ sở đa phương phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Việc giải quyết hòn đá nào là đảo, và nếu là đảo thì thuộc chủ quyền nước nào trong nhiều nước tranh chấp phải vừa dựa trên việc diễn giải Luật Biển, vừa dựa trên chứng cớ lịch sử, thủ đắc mang tính lịch sử, vượt khỏi sự thủ đắc bằng bạo lực. Đây cũng không thể là vấn đề song phương.
- Quốc hội Philippines đã tuyên bố vùng chủ quyền trên biển Đông Nam Á sau khi tố cáo chính quyền bị Trung Quốc o ép và mua chuộc. Họ cũng tuyên bố sẵn sàng thương thảo đa phương.
- Cho đến nay việc chiếm đóng bằng bạo lực chỉ có một quốc gia đã bằng mọi cách thực hiệc, đó là Trung Quốc, chứ không phải từ một nước nào khác. Và hành động chiếm đóng xảy ra trong vùng biển Đông Nam Á do đó có ảnh hưởng thiết than đối với các nước Đông Nam Á. Điều này đòi hỏi các nước Đông Nam Á đoàn kết lại, tiến tới cùng quan điểm, trong việc thương thảo với Trung Quốc. Còn Trung Quốc cho đến nay vẫn tuyên bố sẽ chỉ thương thảo song phương với từng nước Đông Nam Á.
- Quyền tự do đi lại và bay trên hải phận quốc tế theo Luật biển Liên Hợp Quốc cần được bảo vệ. Quan điểm bảo vệ này là khước từ chấp nhận việc Trung Quốc có chủ quyền trên toàn bộ biển Đông Nam Á. Bảo vệ quyền thông thương cũng là bảo vệ an ninh cho toàn khu vực.

Mỹ và Việt: tìm cái “đồng” vì sự ổn định của Đông Nam Á

Nếu không lầm, hiện nay lợi ích của Mỹ và Việt Nam ngày càng gần nhau trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông Nam Á: ít nhất ở ba điểm: (1) tự do lưu thông trên hải phận quốc tế, (2) chống lại các hành động bạo lực nhằm xác định chủ quyền ở biển Đông Nam Á và (3) cổ vũ cho việc dùng thương thảo hòa bình, đa phương để giải quyết tranh chấp.
Đồng quan điểm này trước đây không có. Ít nhất cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1989, Mỹ và Trung Quốc đã cấu kết với nhau trong Thỏa thuận Thượng Hải vào năm 1972 vừa để giải quyết chiến tranh Việt Nam vừa để chống Liên Xô, hoàn toàn bất lợi cho chủ quyền của Việt Nam. Chính vì thế Mỹ đã im tiếng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa năm 1974 và chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988.
Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ và chỉ khi Trung Quốc tiến chiếm Mischief Reef trong tay Philippines vào năm 1995 thì Mỹ mới ngã ngửa về chủ nghĩa bành trướng ở biển Đông Nam Á của Trung Quốc và từ đó mới xác định ba quan điểm nêu ở trên, dù rằng Mỹ tuyên bố không có quan điểm về đúng sai trong tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ở biển Đông Nam Á.
Chính quyền Việt Nam vẫn có thể nghi ngờ Mỹ có ý đồ diễn biến hòa bình; ngược lại Mỹ cho rằng họ chỉ lên tiếng bảo vệ nhân quyền vì đây là trách nhiệm của họ, phù hợp với Tuyên bố về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Đây là điểm bất đồng ta có thể hiểu được, và lúc nào đó có thể tiến tới thỏa thuận về phương cách xử lý mà hai bên có thể đồng ý.
Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài mãi mãi của đất nước, Việt Nam nên cùng với các nước Đông Nam Á và Mỹ, phát huy ba quan điểm liên quan đến tự do lưu thông ở biển Đông Nam Á, chống lại việc dùng bạo lực xác định chủ quyền, và cổ vũ dùng thương thảo hòa bình đa phương để giải quyết tranh chấp. Không những thế, cần thành lập cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Mỹ để phát huy, cổ vũ cho chiến lược trên.

Ts. Vũ Quang Việt (nguyên chuyên gia cao cấp thống kê Liên Hợp Quốc)
------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Bạn đọc có thể đọc những ghi chú về nguồn thông tin trong bài viết của cùng tác giả trên Đi tìm một giải pháp hoà bình hợp công lý cho Biển Đông Nam Á, Thời Đại Mới số 11 năm 2007.


No comments: