Friday, March 6, 2009

VỞ TUỒNG ĐÀI - TRUNG

Vở Tuồng Đài-Trung?
Trần Khải
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=291042#post291042
Một điều có thể suy nghĩ tới: nếu Trung Quốc và Đài Loan ngày một kết thân hơn, tình hình Biển Đông có thể sẽ phức tạp hơn, và Việt Nam có thể sẽ bất lợi hơn vì hai nước này sẽ cấu kết trong các tranh chấp về biên giới hoặc thương mại. Thực tế, Trung Quốc và Đài Loan đang kết thân hơn, và có vẻ đúng như là đang cấu kết để cùng đóng một vở tuồng và có sự phân công như dường đã rõ rệt hơn.

Thí dụ, trước kia chúng ta nhìn thấy Trung Quốc luôn luôn ồn ào trong các tranh chấp về lãnh hải với Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí nhiều lần mang cả tàu chiến tới lảng vảng quanh vùng Quảng Đà để giả vờ khều đụng tàu cá ngư dân Việt. Nhưng bây giờ thì Trung Quốc im lặng, chỉ còn nghe Đài Loan lớn tiếng ồn ào về Trường Sa; và gần nhất, Đài Loan đã lớn tiếng gây sự với lưỡng viện Quốc Hội Phi Luật Tân về bản đồ Biển Đông (mà lưỡng viện Phi vẫn chưa thống nhất 2 bản văn dị biệt). Có vẻ như, tranh chấp Trường Sa được tái phân công cho Đài Loan bao thầu.

Bù lại, chúng ta vẫn còn nhớ rằng Đài Loan thường gây sự với Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền vùng đảo Diaoyu (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku, cũng có nhiều dầu hỏa và khí đốt, hiện do lính Nhật chiếm giữ), vậy mà bây giờ Đài Loan im lặng, và nhường lời cho Trung Quốc nhảy ra gây sự. Có vẻ như, khi gặp nước mạnh như Nhật Bản (ở đảo Diaoyu), Đài Loan nhường cho Trung Quốc ra làm hùng hổ. Còn khi gặp các nước yếu xìu như Phi Luật Tân và Việt Nam (như ở Trường Sa), thì TQ giao cho Đài Loan ra gây sự.

Nếu 2 nước TQ, Đài Loan cấu kết như thế, chuyện sẽ cực kỳ phức tạp cho Việt Nam. Bởi vì những vùng đông người gốc Hoa như Chợ Lớn (ở Sài Gòn), Quảng Ninh và các tỉnh biên giới phía bắc, và thậm chí các ông chủ Đài Loan đang mở công ty ở VN có thể bị kích động, và nếu người có máu cực đoan một lòng quy phục về Bắc Kinh thì lâu dài sẽ là chuyện mai phục trăm năm ở VN.

Bản tin thông tấn Đức DPA loan ngày 30-6-2008, rằng Đài Loan phản đối Nhật Bản vì một nhóm dân biểu Nhật lên phi cơ tuần duyên Nhật để bay lượn trên đảo Diaoyu để nhấn mạnh chủ quyền Nhật trên đảo này, nơi ba nước đang tranh chấp là Nhật, TQ và Đài Loan.
Trước đó, vào ngày 10-6-2008 đã xảy ra chuyện một tàu tuần duyên Nhật "vô ý" đụng chìm một tàu đánh cá Đài Loan, khi tìm cách xua đuổi tàu cá này ra xa khỏi đảo Diaoyu. Thủ Tướng Đài Loan lúc đó là Liu Chao-shiuan nói là ông sẽ không loại bỏ phương án tuyên chiến với Nhật Bản nếu không có cách nào giải quyết tranh chấp ở đảo này. Quốc Hội Đài Loan lúc đó cũng yêu cầu Bộ Quốc Phòng Đài Loan gửi tàu chiến tới vùng biển này để nêu chính nghĩa rằng đảo này là của Đài Loan, dù là lính Nhật đang chiếm đóng. Nhật Bản lúc đó phải xin lỗi, và xin bồi thường chủ tàu cá và các thủy thủ Đài Loan.

Chuyện chỉ mới xảy ra hồi 7 tháng trước. Vậy mà lần tranh chấp mới tuần này, trong tháng 2-2009, Đài Loan lại im lặng, và lại để cho Trung Quốc gây sự với Nhật Bản. Rõ ràng, hai nước Trung Quốc và Đài Loan đang phân công đóng phim bộ. Cứ luân phiên, phân công thay nhau đóng phim giành đảo.

Bản tin Reuters ngày 11-2-2009 viết rằng Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ vì truyền thông Nhật loan tin rằng chính phủ Nhật Bản đã cho đồn trú một tàu tuần duyên thường trực ở vùng biển quanh đảo Diaoyu, nơi lính Nhật kiểm soát. Nói là tàu tuần duyên là dịch sơ sài theo tiếng Mỹ, coastguard ship, là tàu gác bờ biển, nhưng báo Nhật nói rằng đây là loại tàu có thể chở trực thăng để vĩnh viễn trú đóng ven biển Diaoyu, để củng cố "hệ thống đồn trú" (garrison sstem, tức là đơn vị "bám trụ") trên đảo. Nghĩa là vũ trang nặng.
Bản tin Reuters nói rằng phía CSTQ liền hù dọa, rằng, "Nếu phía Nhật Bản có hành vi leo thang vấn đề đảo Diaoyu, thì phía TQ phải có phản ứng mạnh, và Nhật nên biết rõ là như thế." Chúng ta không nghe Đài Loan nói gì nữa.

Tình hình này cho thấy, hiển nhiên Bắc Kinh và Đài Bắc đã cấu kết với nhau vì vấn đề lãnh hải. Tâm thức này hoàn toàn khác với tâm thức của các nhà lãnh đạo CSVN, khi Hà Nội để mặc cho Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

Trong khi đó, cuộc tranh chấp bùng nổ trở lại tuần qua ở Trường Sa, người ta lại thấy Trung Quốc im lặng, và chỉ thấy Bộ Ngoại Giao Đài Loan ồn ào lên án Phi Luật Tân. Bản tin thông tấn Đài Loan đăng trên tờ The Taipei Times hôm Thứ Sáu 06/02/2009 đã viết:
"Bộ Ngoại Giao [Đài Loan] lập lại chủ quyền lịch sử của Đài Loan đối với các đảo và bờ san hô ở Biển Nam Trung Hoa, kể cả Trường Sa. Tuyên Bố của Bộ đưa ra đêm Thứ Tư sau khi lưỡng viện quốc hội Phi Luật Tân thông qua các dự luật để sáp nhập vài đảo và bờ san hô của Trường Sa (Spratlys) và đảo Macclesfield Bank Islands như là phần của lãnh thổ Phi Luật Tân. Bộ nói rằng khẳng định chủ quyền của Đài Loan vượt qua mọi ngờ vực và thách thức, nhấn mạnh rằng tất cả bốn nhóm đảo ở Biển Nam Trung Hoa - Nansha (tức Spratlys, Trường Sa), Jhongsha (tức Macclesfield Bank Islands), Dongsha (Pratas) và Sisha (tức Paracel, Hoàng Sa) - và vùng biển vây quanh đó là thuộc lãnh hải Đài Loan từ quan điểm lịch sử, địa lý, thực tiễn và luật quốc tế… (hết trích dịch)

Và Trung Quốc trước giờ ồn ào ở Trường Sa, bây giờ bỗng nhiên im lặng dị thường. Và rồi, hôm 11-2-2009, Trung Quốc ồn ào nhảy sang vùng biển Diaoyu để ồn ào lên án Nhật Bản, trong khi Đài Loan lại im lặn dị thường về chuyện ở Diaoyu. Khéo sao mà phân công hay thế.

Tình hình êm dịu giữa TQ và Đài Loan thấy rõ rồi. Và chuyện có vẻ như sẽ nhịp nhàng làm khó dễ các nước láng giềng. Bắc Kinh hoàn toàn không hề nghĩ tới chuyện "xẻ dọc Biển Đông" để "đánh Mỹ cứu Đài Loan" làm gì cho tốn xương máu.

Bài viết của Cheng-yi Lin, trên báo Asia Times ngày 13-2-2009, nhan đề "China's defense: The view from Taiwan" (Quốc Phòng của TQ: Hướng Nhìn Từ Đài Loan), có một chi tiết cho biết, rằng bản văn Bạch Thư Quốc Phòng TQ, ấn bản 2008, vừa phổ biến cuối tháng 1-2009 cho thấy rằng:
"… Một cách quan trọng nhất, Bạch Thư tiết lộ rằng cách nhìn của Bắc Kinh về đe dọa nơi Eo Biển Đài Loan đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, Bạch Thứ nói rõ ra rằng, khả năng quân sự TQ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường cho dù vấn đề Đài Loan thân thiện hơn, cho thấy rằng một chiến lược an ninh quốc gia của TQ vượt xa ra ngoài Đài Loan đang dần dần hình thành." (hết trích dịch)

Còn có một thực tế khác: trong thời khủng hoảng kinh tế, Đài Loan bắt buộc phải nương tựa nhiều vào Trung Quốc để hồi phục. Bản tin trên tờ The China Post ngày 10-2-2009 nói rằng công ty Morgan Stanley Taiwan tiên đoán rằng Đài Loan sẽ vẫn thê thảm kinh tế năm 2009, và "kinh tế sẽ co cụm 6%, và xuất cảng sẽ giảm 23%."

Và cơ hội này, các công ty đầu tư Trung Quốc sẽ mang tiền vào đầu tư ào ạt ở Đài Loan vào cuối năm 2009, sau khi hai chính phủ Đài Bắc và Bắc Kinh ký xong một thỏa ước tài chánh, gọi là bản ghi nhớ (MOU) về quy định về các công ty tài chánh hai miền, dự kiến sẽ k1y vào tháng 5 hay tháng 6-2009, theo lời bà Lai Shin-yuan, Bộ Trưởng Hội Đồng Vấn Đề Lục Địa, theo bản tin CNA.

Thấy rõ Đài Loan và Trung Quốc đang kết thân hơn. Thấy rõ, hai chính phủ này đang phân công đóng tuồng trên Biển Đông. Và cực đoan như TQ cũng đã không chịu lên gân anh hùng để "đánh Mỹ cứu Đài Loan" làm chi. Câu hỏi cần suy nghĩ, rằng họ sẽ phân công đóng tuồng gì trên các vùng biển và đất của Việt Nam? Năm nay, và các năm sau?



No comments: