Thursday, March 12, 2009

VỀ CUỘC TRANH LUẬN MỸ-TRUNG CHUNG QUANH TÀU IMPECCABLE

Vài nhận xét về tranh luận giữa HK và TQ chung quanh chiếc tàu Impeccable
Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày 12/03/2009 lúc 03:58:38 EDT
http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3599
Hai nước HK và TQ đã có những tranh cãi với nhau vào ngày 8, và những ngày sau đó, tháng 3 năm 2009, về việc chiếc thuyền thăm dò đại dương mang tên Impeccable của Hoa Kỳ, đang làm công tác thiết lập địa đồ dưới đáy biển ở vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam. Chiếc thuyền này đã bị tàu chiến của Trung Quốc ngăn cản và hăm dọa khiến nó phải ngừng hoạt động và rời khỏi vùng biển. Theo tin BBC, Hoa Kỳ cáo buộc là «tàu Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò đại dương»; tòa đại sứ HK tại Bắc Kinh gửi công hàm phản đối vì cho rằng tàu thăm dò Impeccable chỉ làm công việc thường lệ «theo đúng luật lệ quốc tế». Nhưng phía TQ tố ngược lại rằng thuyền của HK «vi phạm luật lệ quốc tế và Trung Quốc khi vào Nam Hải mà không được phép của Trung Quốc».

Sự thật như thế nào, ai vi phạm luật trong việc này? Vùng biển xảy ra sự việc là vùng biển ở giữa quần đảo HS và đảo Hải Nam, khoảng cách cách đều hai nơi khoảng 75 hải lý.

Một số trường hợp có thể giải thích tùy theo như sau:

1. Nếu quần đảo HS thuộc về TQ và được HK công nhận:

1.1 Vùng biển ở giữa HS và Hải Nam có thể xếp vào loại «eo biển». Qui chế của vùng biển này định nghĩa ở phần III, từ điều 34 đến điều 45 của luật biển 1982. Điều 40 của bộ luật này qui định : các tàu bè nghiên cứu thuỷ văn khi đi ngang qua eo biển thì không được làm công tác nghiên cứu nếu không được quốc gia cho phép trước.
Nếu như thế thì lẽ phải thuộc về phía TQ. Nhưng không có hy vọng nào trường hợp này sẽ xảy ra vì HK đã phản đối TQ sai quấy, vi phạm luật quốc tế.
Nhưng một vấn đề đặt ra: luật biển 1982 không có qui định bề rộng tối đa của một vùng biển để được gọi là eo biển. Bề rộng vùng biển này là 150 hải lý, có thể quá rộng để gọi là «eo biển». Đây là một việc thiếu chính xác của luật biển 1982.

1.2 Nếu không được xếp vào loại «eo biển» thì vùng biển này thuộc về vùng ZEE của TQ. Trường hợp này TQ không thể phản đối HK nếu dựa lên luật quốc tế 1982. Luật này không có điều khoản nào «cấm» việc nghiên cứu thuỷ văn của thuyền bè các nước. Luật không cấm tức cho phép.
Nhưng theo bộ luật của TQ về biển tháng 6 năm 1998 thì nước này đặt ra một số luật lệ liên quan đến hải quan, an ninh, y tế, di dân, việc đặt dây cáp ngầm, ống ngầm dưới biển… đặc biệt TQ không công nhận vùng không gian thuộc ZEE là «không phận quốc tế».
Chiếu theo luật này mà HK và TQ có đụng chạm với nhau năm 2001 về việc chiếc phi cơ do thám EP-3 E của HK «vi phạm không phận» của TQ.
Tháng 6 năm 2002, luật mới về biển của TQ qui định các hành vi «nghiên cứu» của bất kỳ thuyền bè nước trên vùng biển của TQ là «phạm pháp».
Vì thế trong vấn đề chiếc thuyền Impeccable TQ tố cáo HK vi phạm luật của TQ.

Vị trí xảy ra “sự kiện Impeccable”
http://i122.photobucket.com/albums/o256/thongluan/impec.jpg

Nhưng HK (cũng như VN và nhiều nước khác) đã có hành vi phản đối tại LHQ, không chấp nhận các luật lệ về biển của TQ ban hành tháng 6 năm 1998 và tháng 6 năm 2002. Các bộ luật của TQ không có giá trị vì nó đi ngược lại tinh thần luật biển 1982 và xâm phạm tự do lưu thông và nghiên cứu của các quốc gia khác mặc dầu nước này đã có bảo lưu khi thông qua luật biển 1982.
Như thế vấn đề chiếc thuyền Impeccable lẻ phải sẽ nghiêng về HK vì thuyền nghiên cứu của HK hoạt động đúng theo luật quốc tế. TQ phản đối trên lý lẻ của luật quốc gia mà luật này đi ngược lại với tinh thần của luật quốc tế. Theo qui ước thì luật quốc tế có hiệu lực cao hơn luật quốc gia.

Sự việc chiếc phi cơ do thám EP-3 E của HK xảy ra năm 2001 cũng tương tự như chiếc thuyền Impeccable là tranh chấp về không phận và hải phận. Tuy nhiên vì có tai nạn nên chiến máy bay này phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Tai nạn gây ra do chiếc J-8 II của Trung Quốc nhưng chiếc này lại bị rơi xuống biển, phi công mất tích. Sự việc do đó có phần quan trọng hơn. Rốt cục phía HK cũng được phần thắng vì chiếc máy bay này phải trả lại cho HK (mặc dầu đã bị TQ tháo gỡ ra từng mảnh).

2. Nếu HK không công nhận chủ quyền HS thuộc về TQ:

2.1 Trường hợp này có nhiều xác suất HK công nhận chủ quyền HS thuộc về VN. Nếu HK công nhận HS có vùng ZEE: Vùng biển xảy ra vụ việc có thể thuộc VN nhưng cũng có thể thuộc TQ.

2.2 Nếu HK không công nhận HS có ZEE, như thế bất kỳ HS thuộc về ai, vùng biển xảy ra vụ việc thuộc vùng ZEE của TQ.
Giải quyết hai trường hợp trên vẫn phải dựa theo luật biển 1982. Lẽ phải vì thế thuộc về phía HK.

3. Sự việc khó khăn là do luật biển 1982 có nhiều kẽ hở do không rõ ràng; nó có thể giải quyết một số vấn đề nhưng song song đó nó cũng đặt ra nhiều vấn đề khác, rắc rối không kém, đến từ việc thiếu chính xác của nó.

Sự việc đã xảy ra của tàu Impeccable đặt lại một số vấn đề của luật biển 1982. Có thể qua việc này sẽ có những điều khoản bổ túc trong tương lai để bộ luật 1982 được hoàn thiện hơn. Nhưng về phía VN, thái độ của HK đã gây nhiều chú ý: HK có thể không công nhận chủ quyền HS của TQ. Đây là một điều đáng mừng cho VN. VN đã có một đồng minh «có trọng lượng» nếu việc giải quyết HS được đưa ra toà án quốc tế. Không công nhận chủ quyền HS thuộc TQ là hàm ý công nhận nó thuộc VN. Việc sắp tới là ngoại giao VN phải làm thế nào để HK xác nhận việc này: chủ quyền của HS thuộc về VN.

Trương Nhân Tuấn
© Thông Luận 2009



No comments: