Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Nhầm lẫn quyền hạn và không cần thiết
Nguyễn Đình Nguyên
Vietsciences-10/03/2009
http://vietsciences.free.fr/
Ngày 4/2/2009 Bộ GD&ĐT ra dự thảo ban hành “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” bao gồm 29 chuẩn với 125 chỉ số nhằm đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi và là khung chuẩn cho giáo viên để soạn thảo khung chương trình dạy học cho trẻ lứa tuổi này. Có một số điểm bất hợp lý căn bản cần bàn thảo ở đây.
Nhầm lẫn quyền hạn
Về chức năng và quyền hạn ban hành “bộ chuẩn”, không biết hay chăng là có sự nhầm lẫn nào hay không về quy định và quyền hạn trong việc ra “bộ chuẩn sự phát triển trẻ 5 tuổi” hay là đề xuất khung chương trình giảng dạy cho trẻ 5 tuổi của Bộ GD&ĐT.
Theo chúng tôi, Bộ GD&ĐT có quyền hạn đề xuất khung chương trình giảng dạy cho trẻ em 5 tuổi cho giáo viên hơn là quyền hạn đề xuất tạm gọi là “Bộ chuẩn trẻ phát triển 5 tuổi” nhằm để đánh giá sự phát triển của trẻ, thuộc về giới y tế, cụ thể là liên ngành Nhi khoa chứ không thuộc lĩnh vực giáo dục.
Có “bộ chuẩn phát triển của trẻ” hay không?
Về chuyên môn y khoa, chúng tôi không có cái gọi là “bộ chuẩn phát triển”, bởi vì phát triển của trẻ em, bao gồm lớn lên (growth) và phát triển (development), sẽ gọi tắt là phát triển trẻ, là một quá trình động, phụ thuộc chính vào hai yếu tố di truyền và môi trường. Tuỳ thuộc mức độ và thời điểm cũng như hoàn cảnh tác động của các yếu tố này mà làm cho quá trình phát triển trở thành duy nhất cho mỗi cá thể. Mỗi một cháu có một kiểu cách phát triển riêng không giống một cháu nào. Và ngay ở cùng trong một gia đình, hai trẻ sinh đôi cũng không hoàn toàn giống nhau về đặc điểm phát triển. Một số trẻ có thể phát triển tốt về một khía cạnh hoặc một kỹ năng nào đó so với các trẻ khác cùng tuổi, nhưng cháu lại có thể kém hơn các bạn ở một số điểm khác. Và vì thế không có một “chuẩn” nào cả, mà trong giới chuyên môn chúng tôi có thuật ngữ ‘mốc phát triển’ (milestone). Nếu nhìn vào những con số “chuẩn” đến chính xác từng cm, từng giây, từng hành vi nhỏ của cả 125 chỉ tiêu của “bô chuẩn” quy định cho một trẻ 5 tuổi là một điều bất hợp lý và thiếu tính khoa học. Thí dụ, một trẻ 5 tuổi ở nông thôn có thể có kỹ năng về vận động thô (leo trèo, chạy nhảy) tốt hơn so với trẻ tương ứng ở thành phố; ngược lại trẻ ở thành phố có thể phát triển sớm hơn về mặt cảm xúc xã hội hơn so với chúng bạn ở nông thôn. Và những sự khác biệt đó không đủ để phản ảnh được yếu tố chậm hay bất thường nào cho cả hai nhóm, vì phát triển của trẻ là một quá trình động cần có thời gian hoàn thiện.
Tuy nhiên, để có thể nhận dạng sớm được yếu tố không bình thường hoặc chậm phát triển của trẻ mà giới chuyên môn phải tìm ra một số các chỉ số tham khảo để giúp cho phụ huynh và giáo viên của trẻ có thể dựa vào đó mà đánh giá sơ bộ xem trẻ có nằm trong giới hạn chung, tính trên số đông trẻ cùng lứa tuổi hay không; và có những dấu hiệu nào nghi ngờ là trẻ có thể bị chậm phát triển so với lứa tuổi đó; từ đó có thể phát hiện sớm và đưa đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa đánh giá cụ thể hơn. Ngoài ra cũng dựa vào các đặc điểm phát triển chung này mà phụ huynh và giáo viên có thể giúp cho trẻ hoàn thiện kỹ năng thích ứng với tuổi.
Vì phát triển là yếu tố cá nhân, nên mốc phát triển tính chung cho trẻ từng lứa tuổi hoàn toàn không phản ánh được đặc điểm của từng cá thể, độ dao động rất lớn, và cũng không phản ánh được trẻ có bị chậm hay không bắt kịp sự phát triển của trẻ so với trẻ cùng tuổi hay không. Điều này chỉ có thể xác định được thông qua đánh giá kết hợp đa chuyên khoa y tế, bằng nhiều biện pháp chuyên môn cho từng trường hợp cụ thể.
Có nhất thiết phải có một “bộ chuẩn” riêng hay không?
Phát triển ở trẻ em cho đến nay vẫn được coi là một lĩnh vực khó đối với giới chuyên khoa. Cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều thuyết về lĩnh vực phát triển của trẻ và vẫn chua có một sự thống nhất nào. Quá trình phát triển của trẻ là một quá trình động, liên tục từ sơ khai cho đến hoàn thiện theo thời gian, và không thể xác định được một mốc tuổi chuẩn xác nào để xác nhận kết thúc phát triển của một chức năng về thể lực hay tinh thần cụ thể. Nhưng tựu trung lại, giới chuyên môn đồng thuận là có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ là di truyền và môi trường. Tuỳ thời điểm mà mỗi yếu tố đóng góp và tương tác ở mức độ khác nhau vào quá trình lớn lên và phát triển cho một cá thể trẻ. Trong những năm đầu đời, yếu tố di truyền đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển của trẻ. Và cho đến nay, chưa có một bằng chứng nào cho thấy yếu tố chủng tộc và di truyền có tác động khác nhau đối với phát triển trí tuệ giữa các vùng địa dư và chủng tộc.
Yếu tố môi trường như gia đình, xã hội, văn hoá có tác động ảnh hướng đến quá trình phát triển về xã hội, tư duy nhiều hơn là thể lực. Thế nhưng mục đích chính của việc đánh giá các chức năng tư duy, cảm xúc và xã hội của trẻ em không phải để đánh giá biểu hiện hành vi đạo đức của trẻ mà để nhận dạng phát hiện sớm về những lệch lạc về chức năng hành vi theo chiều hướng bệnh lý để can thiệp kịp thời. Lệch lạc về hành vi ở trẻ có thể là bệnh lý thực thể và cũng có thể là bệnh lý tâm thể. Thí dụ như chậm phát triển ngôn ngữ ở một mức độ nào đó của một trẻ có thể là biểu hiện của một rối loạn di truyền bệnh Down (bệnh thực thể), nhưng cũng có thể là biểu hiện của chứng tự kỷ (bệnh lý tâm thể).
Dựa trên hai đặc điểm đó, có thể nói rằng sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới ở cùng một lứa tuổi nếu tính trên số đông là tương đồng nhau. Sự khác biệt chẳng qua là do yếu tố văn hoá và xã hội, nhưng đó là tính số đông. Còn ngay cả trong cùng một đơn vị địa dư, các yếu tố chung đó cũng không thể áp dụng được cho một cá thể nào cả, mà chỉ là trị số tham khảo.
Cho đến nay, giới chuyên khoa trên thế giới cũng có nhiều bộ chỉ số đánh giá mốc phát triển của trẻ, có thể khác nhau về những chi tiết nhỏ, nhưng nhất quán về các chỉ số phát triển thể chất cũng như tinh thần được chia làm 4 mục: phát triển thể lực (hoạt động thô và hoạt động tinh tế), phát triển về nhận thức/trí tuệ, phát triển về cảm xúc xã hội và phát triển về ngôn ngữ. Để giúp cho giới bác sĩ gia đình, người nuôi dưỡng trẻ, và làm việc trực tiếp với trẻ, thì có một số các chỉ tiêu đánh giá nhanh về sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn tuổi, và điều này đã trở thành giáo khoa.
Với trẻ 5 tuổi, chỉ cần trên dưới 30 chỉ số cho 4 lĩnh vực trên đây là có thể sơ bộ đánh giá xem một trẻ có mức độ phát triển nằm trong số đông các cháu cùng lứa tuổi hay không. Và đi kèm theo là cũng khoảng 30 chỉ số khác là những dấu hiệu coi là khả nghi cháu có thể bị chậm phát triển hơn so với các trẻ khác cùng lứa tuổi. Việc đánh giá mức độ phát triển của trẻ cũng không phải diễn ra một lần, mà là một sự quan sát thường xuyên, ghi nhận ở các thời điểm khác nhau. Nếu trẻ có các dấu hiệu khả nghi theo hướng dẫn, thì cha mẹ hoặc giáo viên sẽ gửi cháu đến bác sĩ chuyên khoa để khám và xác định.
Vì thế, ở Việt nam chúng ta không nhất thiết phải có một bộ chỉ số riêng để đánh giá các giai đoạn phát triển của trẻ, mà nó đã là kinh điển trong giáo khoa y khoa.
Tóm lại, việc Bộ GD-ĐT đưa ra “bộ chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi” là không hợp lý cả về mặc chức năng lẫn chuyên môn. Các chỉ số đánh giá phát triển của trẻ là phạm vi của y tế, còn nội dung của “bộ chuẩn” này đưa ra hoàn toàn bất hợp lý về mặt khoa học, không những không được coi là chuẩn để đánh giá mà cũng không phản ánh được yêu cầu của một bộ chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ. Bộ chỉ số đánh giá mốc phát triển của trẻ không phải là tiêu chuẩn nhằm để xác định trẻ có đạt chuẩn hay không đạt được chuẩn của lứa tuổi mà chỉ là một số chỉ số sàng lọc giúp cho những người chăm sóc trẻ hàng ngày có thể phát hiện sớm những biểu hiện của các khiếm khuyết về mặt tâm lý, bệnh tâm thể và thực thể của trẻ để có thể can thiệp hoặc ngăn ngừa kịp thời cho trẻ ở mức tốt nhất. Ngoài ra cũng có thể dựa vào đó mà có chương trình huấn luyện phù hợp cho các hoạt động thể lực và trí tuệ của trẻ.
No comments:
Post a Comment