Wednesday, March 18, 2009

TƯỜNG THUẬT CUỘC HỘI THẢO VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

Tường thuật hội thảo Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
Nguyen Xuan Dien’s Blog
Tuesday March 17, 2009 - 03:43pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-xb1sK8gpbqfp3LIciS_n10k64uZy?p=4806
Ngày 17 tháng 3 năm 2009, tại Hà nội, Học viện Ngoại giao - Chương trình nghiên cứu Biển đông tổ chức Hội thảo lần thứ Nhất: Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế.
Có khoảng gần 100 người tham dự, là các học giả, nhà ngoại giao, chính khách, nhà báo đến từ mọi miền đất nước. Đặc biệt, tham gia hội thảo còn có 2 học giả đến từ Mỹ. .

Hội thảo chia thành 3 phiên:
- Phiên 1: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông (5 diễn giả).
- Phiên 2: Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông (5 diễn giả)
- Phiên 3: Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (4 diễn giả)

Theo tôi, có một số ý kiến đáng chú ý sau:

Ý kiến thứ 1:
Phải coi Biển Đông là một nửa cơ ngơi của nước Việt Nam, đúng như cha ông ta từng quan niệm.

Ý kiến thứ 2
Có vấn đề rất quan trọng thế này: Hiệp định Giơ-ne-vơ rất quan trọng (lãnh hải phía Nam do Chính quyền phía Nam quản lý, và hai chính quyền đó – VN Cộng hòa và Mặt trận – chưa bao giờ từ bỏ vấn đề HS-TS, và như vậy Công hàm Phạm Văn Đồng không có dính dáng gì trong vấn đề HS-TS. Đó là một cơ sở pháp lý rất quan trọng đối với HS-TS
Tôi đề nghị:
- Sự thực lịch sử như thế, cần được phổ biến rất rộng rãi
- Đối với các nước ASEAN, cần phải tương nhượng để các bên đều có lợi
- Đối với TQ, cần kiên quyết.
- Nhanh chóng xây dựng lực lượng dân binh tại HS-TS, giống như đội Bắc Hải, đội Hoàng Sa.
- Quốc Hội nên nhanh chóng thông qua Luật chủ quyền của HS-TS
- Triển khai các đối sách kịp thời, hiệu quả phù hợp với công ước quốc tế về luật biển trong đó có đăng ký vùng lãnh hải mở rộng...
- Vận động sự đồng thuận của xã hội (kể cả người VN ở nước ngoài) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ...
- Đem vào trường học chương trình giảng dạy và nghiên cứu về chủ quyền tại HS-TS
- Không ký bất cứ hiệp ước nào từ bỏ quyền của Vn tại HS-TS
- Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực HS, TS năm 1938, 1939 hoặc thực dân Pháp suốt thập niên 20 đến thập niên 50 thế kỷ XX dựa vào ưu thế quân sự của mình cũng như Trung Quốc dùng vũ lực năm 1974, 1988 chỉ mang tính nhất thời...

Ý kiến thứ 3:
- TQ rất chú trọng đến thời và thế (chuẩn bị dư luận) trong vấn đề Biển Đông.
- TQ không từ bỏ một thủ đoạn nào, diễn đàn nào để khẳng định chủ quyền của mình (Lúc xung đột vũ trang thì họ cũng ko từ một thủ đoạn dã man nào).
- TQ xuyên tạc, nói xấu trong dư luận quốc tế và trong nước ..
- Chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới phía bắc, phân định Vịnh Bắc Bộ. – Vấn đề làm nghề cá cũng phải gắn với vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Ý kiến thứ 4:
- Những phát biểu đưa ra những bằng chứng pháp lý và những phân tích là rất quý báu.
- Cần đưa ra những chứng cứ và phân tích pháp lý: rất lưu ý về vấn đề bản đồ 1608.
- Phải biết tận dụng các điều kiện lịch sử, các thời cơ: Tại sao tại thời điểm hiện nay, các nước xung quanh đẩy vấn đề này rất quyết liệt
- Hội thảo quốc tế nên có, rất cần minh bạch, càng minh bạch càng tốt, càng tù mù càng bế tắc.
- Đấu tranh bằng cảm tính chưa được. Phải đấu tranh có cơ sở pháp lý, có bằng chứng. Phải sử dụng cơ chế đa phương để làm rõ vấn đề này. Cần đối thoại trực tiếp, rõ ràng.
- Phải dựa vào các nước ASEAN

Ý kiến thứ 5:
- Từ 1909 đến nay, đúng một thế kỷ tranh chấp chủ quyền về Biển Đông. Nhưng tình hình hiện nay là ta chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng. Người nghiên cứu cứ thấy mình đang làm một việc mà như giấu diếm, như bất hợp pháp vậy. Trong khi đó TQ đào tạo và công bố tài liệu và rao giảng khắp thế giới.
- Hội thảo này phải lấy lại tinh thần. Cần sự quan tâm thực sự của các cấp, trong đó có cao cấp nhất. Cần mở rộng dư luận để mọi người đều biết, đều có trách nhiệm về vấn đề chủ quyền biển.
Thư tịch và bản đồ cổ chưa từng có tài liệu nào khẳng định chủ quyền của TQ đối với HS – TS (mà TQ gọi là Tây Sa). Đến năm 1928, trong “Điều tra Tây Sa quân đảo báo cáo” thì mới là tác phẩm mở đầu về Tây Sa. Trong lịch sử TQ thì vùng lãnh thổ TQ chưa bao giờ vượt qua Hải Nam.

Ý kiến thứ 6:
- Cuộc tranh chấp ở Biển Đông không cân sức. Tính chất của tranh chấp là mang tính thực dân, ăn cướp của 1 nước lớn đối với nước nhỏ.
- Từ nay về sau, toàn bộ các tranh chấp về Biển Đông thì người TQ và Đài Loan luôn đứng về 1 phía. Phía bên kia là phân tán.
- Điểm nút, nóng là Trường Sa (Hoàng Sa mất rồi, ko thể lấy lại được)
- TQ quyết tâm chiếm HS là tại sao (dầu khí ư?), là vị: gắn với chiến lược của Trung Quốc – khống chế Biển Đông, khống chế đường biển. Sau khi được, thì sẽ khống chế Nhật Bản rồi khống chế Mỹ, đẩy Mỹ ra khỏi vùng này, rồi ảnh hưởng đến Ấn Độ Dương, Ấn Độ.
- TQ ko đánh HS. Khi nào đánh? Khi:1. Nội bộ TQ có vấn đề, 2. Khi nắm chắc Lào, 3. Khi Đài Loan yên ổn. Khi ấy TQ sẽ vu cáo, dựng chuyện.
- 17.2.2009 TQ có 700 bài báo về cuộc chiến, gần như chung một tiêu đề: Cuộc phản công chống VN xâm lược. 92 % người TQ ko hiểu về cuộc chiến 2/79
- Dân tộc này sống còn hay suy thịnh là do quan hệ với TQ. Vì vậy, vấn đề HS – TS và Biển Đông phải được quảng bá, phải được nghiên cứu. Phải in sách phát không cho nhân dân, phát thanh truyền hình.
- Khi cần thiết, phải cho hàng triệu người dân xuống đường biểu tình (ví dụ như khi nghe Tàu thành lập Tam Sa chẳng hạn).

Ý kiến thứ 7:
- Tôi chỉ nói 1 điều: Lịch sử TQ là lịch sử bành trướng về đất đai (trên bộ, trên biển). Bài Binh xa hành của Đỗ Phủ: máu chảy biên giới thành sông, mà ý của vua lấn đất vẫn chưa thôi.
- Lấn đất xong hết rồi. Nay, dứt khoát là Biển. Ý chí mãnh liệt: Biển Đông là ao nhà ta.
- TQ là bậc thầy của lợi dụng mâu thuẫn và chia rẽ.
- TQ đương cho chúng ta uống thuốc an thần. TQ đủ gan đủ kiên nhẫn để truyền kiếp muốn thực hiện ý chí.
- Phải công khai hóa vấn đề.
- Không có đồng chí đồng chuột gì với TQ đâu!
- Nhìn Biển Đông là nhìn tổng thể. TQ muốn khuất phục VN, biến VN thành tay sai.

Ý kiến thứ 8:
- Nghiên cứu: Đặt Vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế, tính đến khả năng Mỹ - Trung mặc cả với nhau, thỏa thuận.
- Nghiên cứu chứng cứ lịch sử, pháp lý.
- Nghiên cứu các động thái ở các bên tại Biển Đông: Mỹ - Trung
- Nhanh chóng xây dựng chiến lược biển (đồng bộ, hiện nay mới chỉ có chiến lược kinh tế biển)
- Cần có sự đoàn kết nội bộ, cả ở cấp cao, nhất là cấp cao
- Ngoại giao phải đi trước 1 bước
- Đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ chuyên nghiên cứu về Biển Đông.

Hội thảo đã diễn ra trong một ngày (kết thúc lúc 17h30) với một tinh thần khẩn trương. Các trao đổi bên lề và các thảo luận tại hội trường thực sự sôi nổi, chất lượng và khoa học. Đây là cuộc hội ngộ của những tấm lòng yêu nước nhiệt thành và quyết tâm dấn thân vào mọi nỗ lực giữ bằng được Biển Đông - "một nửa cơ ngơi" nước Việt Nam.
Các phát biểu của các học giả mong muốn có một chương trình hành động quốc gia về các vấn đề của Biển Đông, trong đó trọng tâm là Hoàng Sa và Trường Sa.

Lưu ý:
* Những ghi chép trên không phải là tất cả toàn bộ những gì diễn ra trong một ngày hội thảo.
* Những ý kiến được ghi chép và đưa lên đây là theo góc nhìn hết sức chủ quan và phiến diện của tôi.
* Một số ý kiến quan trọng khác đang trong quá trình thảo luận, chúng tôi không đưa lên đây.



No comments: