Saturday, March 14, 2009

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN (Phần IV)

Từ Thực-dân Ðến Cộng-sản
Hoàng-văn-Chí

From Colonialism To Communism
Một Kinh-nghiệm Lịch-sử Của Việt-nam

Bản dịch của Mạc-Định
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20080602_02.htm

PHẦN 4

CẢI TẠO TƯ TƯỞNG

"Thiên hạ thường tin những câu chuyện bịa đặt nhưng giản-dị, hơn là những câu chuyện có thực, nhưng rắc rối, khó hiểu".

DE TOCQUEVILLE

Chương 9

CÔNG-TÁC TƯ-TƯỞNG

Giới trí-thức hợp tác với Việt-minh và tham gia kháng chiến không thể nào công nhận Pháp có gián điệp hoạt động trong khắp xóm làng, và chỉ có những kẻ ngớ ngẩn vào bậc nhất mới tin câu chuyện Pháp nhờ mấy ông sư vẽ bản đồ hướng dẫn phi công Pháp trong các vụ oanh-tạc. Trong cuộc "Ðấu chính trị" không ai là không thấy bàn tay Ðảng giật giây và mọi người đều xác định là Ðảng dùng cả phương tiện hợp pháp lẫn bất hợp pháp để loại trừ những người không Cộng-sản ra khỏi hàng ngũ kháng chiến. Vì tin có Trung-Cộng viện trợ để thắng Pháp nay mai, nên Việt Cộng cho rằng cơ hội Cộng-sản-hóa toàn cõi Việt Nam đã đến nơi, và muốn Cộng-sản-hóa thì việc đầu tiên là tiêu diệt những phần tử sau này sẽ chống đối. Có người cho rằng ông Hồ đã trở tay diệt trừ những kháng-chiến có xu-hướng quốc-gia vì ông không quên kinh nghiệm bản thân hồi hai mươi bốn năm về trước Tưởng-giới-Thạch trở tay diệt Cộng.
Hồi ấy Quốc-Dân-Ðảng và Cộng-sản Trung-hoa liên-kết trong cuộc Bắc Phạt đánh Trương-tác-Lâm. Liên quân Quốc-Cộng chiếm được Thượng-Hải tháng 5, 1927, nhờ có Chu-Ân-Lai và bè đảng từ trong nổI loạn và mở cửa thành. Sau khi vào Thượng-Hải, Tưởng-giới-Thạch bắt nhân dân phải nộp khí giới và đột nhiên bắn hết Cộng-sản. Hồi đó, ông Hồ đang ở Quảng-châu, và nhờ sự che chở của phái bộ Nga nên ông về được Moscou cùng với phái đoàn, còn Mao-Trạch-Ðông và đồng đảng phải mở một con đường máu vừa đánh vừa chạy trong hơn hai năm, cuối cùng là cuộc "Vạn-lý trường-chinh" (1934-1936) đưa Trung-Cộng lên Diên-An, định cư ở đấy cho đến 1949.
Vì Tưởng trở tay bất ngờ nên cả ông Hồ lẫn ông Mao đều bị lao đao. Từ ngày ấy cả hai đều luôn luôn cảnh giác các đảng viên mới là nếu hợp tác với quốc-gia thì chớ nên quên "cầm dao đằng cán" hoặc ít nhất cũng phải luôn luôn phòng bị.
Nguyễn-Sơn kể chuyện ông Mao rất ưa giảng Tam Quốc Chí, và ông thường đề cao Tào Tháo. Theo Tam Quốc Chí thì phương châm xử thế của Tào-Tháo là : "Thà phụ người, chớ để người phụ ta". Giới trí thức hợp tác với Việt-Minh không bao giờ ngờ rằng Ðảng có thể trở mặt vì không hề nghe nói vụ Tưởng trở tay ở Thượng-Hải và cũng không nghiên-cứu triết lý phụ người và người phụ. Họ chỉ biết tích cực tham gia kháng chiến và nhẫn nhục chịu đựng sự lãnh-đạo của Cộng-sản để tranh-đấu cho độc lập của xứ sở. Họ tin rằng sự hy-sinh của họ sẽ mang lại tự-do và công-bằng cho tổ quốc thân yêu. Nhưng họ bừng tỉnh giấc mơ khi họ thấy trong cuộc "Ðấu Chính trị" Ðảng đã tàn sát không biết bao nhiêu người lâu nay vẫn ngoan ngoãn theo Ðảng, rồi vờ vịt nói là tại "quần-chúng tự động". Câu hỏi được đặt ra là một đảng "bá đạo" như vậy thì làm sao có thể thực hiện được Thế Giới Ðại Ðồng. Họ thắc mắc và bỗng nhiên nhớ lại thuyết hoài nghi của Montaigne. "Cái gì bên này coi là chân lý thì bên kia coi là tà thuyết", Ðộc-tài được gọi là Dân-chủ, Ðộc-lập nghĩa là phụ thuộc Nga Tầu, và Tự-do đã trở thành "bệnh".
Chính-sách cứ thay đổi xoành xoạch, nên giới trí thức chẳng biết đâu là cách-rnạng đâu là phản động. Mớ kiến thức hấp thụ của Tây Phương trở thành vô dụng. Triết học Ðông, Tây, và ngay cả lý thuyết Mác-xít cũng chẳng ăn nhằm vì Cụ Mác nói một đường mà bây giờ ông Mao và các lý thuyết gia Trung-cộng lại giảng một nẻo. Bị hoang mang, họ chẳng còn biết ai là kẻ thù chính : thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, địa chủ Việt-nam, Phật giáo, tư sản mại bản, hay là chính bản thân họ, là trí thức tiểu-tư-sản.
Nhiều đảng viên cũng cảm thấy ai oán trong lòng. Họ nghiên cứu chủ nghĩa Mác và chấp nhận nguyên tắc vô-sản chuyên-chính vì họ quan-niệm nông-dân và công-nhân cũng có thể "trị quốc" một cách công bình nhân đạo, vì dù ít học họ cũng là những người "phải chăng". Nhưng giờ đã họ nhận thấy nông dân và công dân ngay thẳng chẳng có mảy may quyền hành dưới cái chế độ mệnh danh là Công Nông chuyên-chính. Trong các cuộc đấu tố chỉ có bọn lưu manh là có toàn quyền đánh đập. Sau này Ðảng giải thích là thành phần không quan trọng, chỉ có lập trường mới đáng kể.
Năm 1952 ông Trần-đức-Thảo đỗ thạc-sĩ triết học ở Paris về nước phục vụ kháng chiến, nhưng bốn năm sau, trong phong trào Trăm Hoa Ðua Nở (sẽ trình bày ở Chương 17), ông viết : "Tổ chức ở huyện và tỉnh phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hóa". Xem những văn thơ đăng trong Giai Phẩm và Nhân Văn, xuất-bản trong phong trào Trăm Hoa Ðua Nở, chúng ta thấy rõ trí-thức trong hàng-ngũ kháng-chiến hết sức chán nản đối với đường lối chính sách của Ðảng. Mặc dầu thiểu số, trí thức đã đóng góp rất nhiều cho kháng-chiến và cho Ðảng. Ðảng vẫn còn cần đến họ, nhưng càng ngày họ càng bị khinh rẻ. Ðảng đã cử hàng nghìn thanh niên sang Nga, sang Tầu và sang Ðông-Âu để học tập, nhưng hồi ấy bọn này họ chưa thành tài nên Ðảng vẫn còn cần những cán bộ và chuyên viên thuộc thành phần "phong kiến" và đã hấp thụ giáo dục "thực dân". Ông Mao đã từng tuyên bố là trí thức không giác ngộ chủ nghĩa Mát-xít thì không ích lợi bằng một cục phân, vì phân còn có thể dùng để bón ruộng. Chỉ vì chưa đào tạo được lớp người mới nên bất đắc dĩ Ðảng vẫn phải dùng người cũ trong ít lâu. Do đó Ðảng thấy cần phải cải tạo lại tư tưởng cho họ. Công cuộc giáo dục trí thức được Cộng-sản mệnh danh là "Công-tác tư-tưởng", một thứ công-tác mà Cộng-sản coi là quan trọng vào bực nhất. Nó là một thứ tâm-lý-chiến, không phải nhằm vào địch, mà nhằm đả phá ảnh-hưởng tư-tưởng địch ăn sâu trong đầu óc trí-thức.
Theo sát công tác quân-sự, kinh-tế chính-trị và xã-hội và ngay cả trong thời kỳ xây dựng kinh-tế xã-hội chủ-nghĩa công tác tư-tưởng được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt chỉ nhằm tiêu diệt "một kẻ thù". In hệt ba anh em Horac trong tuồng của Corneille, giết ba địch thủ mỗi người một lúc, công tác tư tưởng cũng nhằm tiêu diệt mỗi lần một tư tưởng phi-vô-sản.
Trong giai đoạn đầu, 1946-54 (tức là trong thời gian kháng chiến) công-tác tư-tưởng nhằm đả phá "ảnh-hưởng văn-hóa Pháp" . duy tâm, hoài nghi, lãng mạn, cá nhân chủ nghĩa, nghệ thuật vị nghệ thuật, vân vân...
Trong giai đoạn thứ hai (trong Cải Cách Ruộng Ðất) công tác tư tưởng nhằm đả phá quan-niệm phong-kiến về tư hữu và trật-tự xã-hội, đạo-lý nhà nho, thái-độ khinh rẻ "dân ngu khu đen", vân vân...
Trong giai-đoạn thứ ba (sau vụ Trăm Hoa Ðua Nở) : chống tư-tưởng tư-sản . tự-do kinh-doanh, hâm mộ kỹ-thuật tây-phương và chính-thể đại-nghị của tây-phương, luyến tiếc những "tự-do tản mạn" (tự-do cá-nhân, tự-do ngôn-luận, tự-do đi lại) v.v...
Trong giai-đoạn cuối, từ 1959 trở đi (sau khi xung công hết xí nghiệp tư nhân) : chống tư-tưởng "tiểu-tư sản" mà trong bản báo cáo đọc trước Ðại Hội Ðảng Lao Ðộng lần thứ Ba, ông Trường-Chinh đã định nghĩa đại khái như sau :
... "Lập trường bấp bênh, chủ quan, hay lạc quan và bi quan, tếu, hẹp hòi, thiển cận, do dự, bảo thủ... thiếu tinh-thần kỷ-luật, không tôn trọng kỷ-luật lao động, không tích-cực đi vào con đường tập-thể, không chịu sống cuộc đời mới, luyến tiếc lối sản-xuất cá-thể, không mạnh dạn cải-tiến kỹ-thuật và tổ-chức, không dám tìm cái mới, sợ nghĩ và sợ hành-động, không quyết-tâm thu mua lương-thực của nhân-dân, thu-thuế và thu-nợ, không quyết-tâm đàn-áp phản động hiện-hành".
Trong khi đả phá những tư-tưởng phản-động thì đồng thời Ðảng cũng tích-cực giáo-dục tư-tưởng Mác-xít. Công tác giáo-dục này cũng chia thành nhiều đợt để đảng viên cán bộ và quần-chúng có thể leo dần lên lâu-đài Mác xít cao chót vót mà không bị chóng mặt. Việc chia công tác tư tưởng thành nhiều đợt có những nguyên do như sau :
1. - Giảng lý thuyết Mác-xít cho một người trong trắng là chuyện rất khó, và một bài học, một khóa học, có khi một năm cũng không đủ. Không khác hình-học Euclide, lý-thuyết Mác-xít cũng bắt nguồn từ một định-đề . rồi từ định-đề ấy rút ra một số định-lý và hệ-luận, để dẫn tới một kết-quả cụ-thể. Ðối với lý-thuyết Mác-xít thì định-đề là : Mâu thuẫn nội bộ . và kết luận cụ-thể là : đời sống cộng-sản là đời sống hợp lý nhất. Học sinh nghiên-cứu lý-thuyết Mác phải chia thành nhiều lớp, trên, dưới và tiến tuần tự từ dưới lên trên.
2. - Chủ-nghĩa Mác-xít giống Hóa-học ở một điểm là cả hai đều là khoa-học thực-nghiệm, phát xuất từ những nhận xét thực tế rồi giải-thích bằng lối suy-trắc-thuyết. Nếu không ai có thể chỉ đọc sách hóa học mà trở thành một hóa-học-gia thì cũng không ai có thể chỉ đọc sách mác-xít hoặc nghe giảng mác-xít mà trở thành một đảng-viên cộng sản tốt, hoặc thấm nhuần lý thuyết mác-xít. Thực tế hành động là tối cần vì chỉ có hoạt động thực-tế thì chất mác-xít mới thấm vào cơ thể của mỗi người. Vì vậy nên sau mỗi khóa "công-tác tư-tưởng", học sinh nghiên cứu chủ-nghĩa Mác cần phải trải qua một thời kỳ thực-tập.
3. - Cộng-sản hình dung những tư-tưởng phản-động như những vi trùng độc đột nhập vào cơ thể, và cả hai đều gồm nhiều loại, mỗi loại gây thành một thứ "bệnh" đặc biệt. Những tư-tưởng phongkiến, tư-sản, tiểu-tư-sản, và hàng chục tư-tưởng "phi vô-sản" khác . thường gọi là "bệnh" . đều có tác hạI và cần phải chữa chạy. Muốn chữa cho thật khỏi bệnh, bác-si phải kê nhều "toa" liên tiếp. Liều thuốc "yêu nước" chẳng hạn có thể dùng để chữa bệnh "văn-hóa suy đồi của Pháp", mà triệu chứng là hoài nghi, lãng mạn, cá nhân chủ-nghĩa, vân vân... ; còn liều thuốc "giác ngộ xã hội chủ nghĩa" thì hiện nay đương dung chữa bệnh "tiểu-tư-sản".
4. - Chủ-nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít là một thứ thuốc dùng để chữa bệnh, nên in hệt các thứ thuốc khác nó cũng cần phải "tiêm" rất từ từ. Nếu phát tiêm đầu tiên mạnh quá, hoặc cách ít ngày quá, bệnh nhân có thể "phản ứng" một cách mãnh-liệt. Muốn "nhồi" chủ-nghĩa Mác-xít thì đại-khái cũng phải như vậy ; mỗi ngày một ít, và sau mỗi lần "nhồi" lại phải nghỉ một thời gian.
5. - Nhưng lý do quân trọng nhất khiến công tác tư tưởng bắt buộc phải chia ra thành nhiều đợt, đã được ông Trường-Chinh chính thức giải-thích trong bản báo-cáo ông đọc trước Hội Nghị lần thứ Ba của Ðảng Lao-Ðộng như sau :
"Công-tác chính-trị quyết-định công-tác tư-tưởng, và công-tác tư-tưởng phải phụ thuộc công-tác chính-trị. Hai công-tác kể trên không thể tách rời nhau và nhất là đối lập với nhau." (Văn Học, số 113, tháng 9, 1960).
Ý ông Trường-Chinh muốn nói là mỗi lần Ðảng thay đổi chính-sách là một lần Ðảng phải mở một chiến dịch cải-tạo tư tưởng. Tổ chức cải-tạo tư-tưởng cho toàn dân có thể ví với một trường học khổng lồ mà cả nước là học trò. Chương trình huấn-luyện gồm có nhiều đợt mà học sinh cũng chia thành hai hạng. Ðảng viên tương đối có nhiều kiến thức chính-trị hơn thì học lớp trên, còn cán-bộ không đảng thì học lớp dưới. Nhưng trên hay dưới cũng học một môn là chủ nghĩa Mác-xít. Vì Ðảng viên sở trường về chính-trị nhiều hơn nên mực huấn luyện có cao hơn. Trong mấy năm gần đây Ðảng có soạn hai chương trình huấn-luyện riêng biệt, một cho đảng-viên và một cho cán-bộ không đảng.
Ông Trường-Chinh trình bầy mục đích của hai chương-trình ấy như sau :
Chương-trình cho cán bộ. Mục tiêu của cuộc tranh-đấu giáo-dục và tư-tưởng là sự hiểu biết mỗI ngày một rộng về ý chí muốn thống-nhất quốc-gia và tinh-thần nhân dân làm chủ cả nước. PhảI huấn-luyện học sinh chống lại mỗi hiện tượng của tư-tưởng tư-sản và phê bình tư-tưởng tiểu-tư-sản. Cần phải kiên trì gột bỏ mọi tàn tích tư-tưởng phong-kiến và tất cả những tư-tưởng phi vô-sản khác.
Chương-trình cho đảng viên. Ðối với đảng-viên thì chương trình huấn-luyện nhằm mục-đích tăng-cường tư-tưởng vô-sản bằng cách huấn-luyện kỹ càng chủ-nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít. PhảI khuyến khích các đảng viên đấu tranh chống ảnh-hưởng tư-tưởng tư-sản và tư-tưởng tiểu-tư sản, và phải tiếp tục tẩy trừ mọi vết tích tư-tưởng phong-kiến và những tư-tưởng phi-vô-sản khác (ibid).
Ðọc kỹ hai chương-trình, một dành riêng cho đảng viên, và một cho cán-bộ không đảng, chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm đặc biệt. Tinh thần quốc gia (nguyện vọn thống nhất quốc-gia) nằm trong chương trình công tác tư-tưởng cán bộ không đảng, nhưng loại trừ ra khỏi chương trình dành cho đảng viên, vì đã là đảng viên cộng-sản thì phải đặt sự lãnh-đạo của Moscou hoặc của Bắc-Kinh lên trên tinh-thần quốc-gia. Thái-độ của mỗi loại đối với những tư-tưởng "sai lầm" cũng phải khác nhau. Theo quan niệm cộng-sản tư tưởng tiểu-tư-sản dù sai, nhưng không tác hại nhiều như tư-tưởng tư-sản, và "phê bình" là một hình thức nhẹ hơn "đấu tranh". Những danh từ này đều có nghĩa tương đối.
Ý ông Trường-Chinh muốn nói, thứ nhất, đảng viên cũng như cán bộ ngoài đảng phải đấu tranh diệt trừ tư tưởng tư-sản và hai là, trong khi cán-bộ ngoài đảng chỉ bị "phê bình" nếu có tư-tưởng tiểu-tư-sản, các đảng-viên phải "đấu tranh" chống tư tưởng tiểu-tư-sản. Một cán-bộ ngoại đảng mà để lộ tư tưởng tiểu-tư-sản thì chỉ bị phê bình qua loa, mà nếu đảng viên cũng có tư-tưởng ấy thì sẽ bị trừng phạt.
Tóm lại, Ðảng còn dung thứ cho tư-tưởng tiểu-tư sản hoành hành một phần nào trong đám cán-bộ không đảng, nhưng tuyệt-đối quét sạch tư-tưởng ấy trong hàng ngũ đảng-viên.

Chương trình cải tạo tư-tưởng chia làm ba đợt. Ðợt thứ nhất (cho tới 1960) Ðảng làm ngơ tư tưởng tiểu-tư-sản trong hàng ngũ cán bộ ngoại đảng, và Ðảng chỉ phê bình những đảng viên có tư tưởng ấy. Trong đợt thứ hai (mà ông Trường-Chinh trình bày) cán bộ ngoại đảng có tư-tưởng tiểu-tư-sản thì bị phê-bình, đảng viên thì bị tranh đấu. Ðối với tư tưởng tư-sản thì cả hai loại đều bị đấu tranh. Ðến đợt thứ ba (để tiến tới trình-độ hoàn hảo) cả cán-bộ ngoại đảng và đảng-viên đều phải đấu-tranh chống cả hai thứ tư tưởng tiểu-tư-sản và tư-sản.
Nói chung thì đối với loại tư tưởng nào Ðảng cũng có ba thái độ. Ðầu tiên làm ngơ, sau là phê bình, và sau nữa là đấu tranh. Toàn dân, đảng-viên, cán-bộ và quần-chúng lần lượt phải bước qua ba giai-đoạn kể trên, nhưng kẻ bước trước, người theo sau. Liều thuốc chích cho đảng-viên dĩ nhiên nặng hơn liều chích cho cán-bộ ngoại đảng, nhưng sang giai đoạn sau thì liều thuốc chích cho cán-bộ ngoài đảng nặng thêm, và cho đảng viên lại nặng thêm nữa. Như vậy là đảng-viên, trí-thức ngoài đảng, nông-dân, công nhân, mọi người cứ như leo thang, bước dần lên tới tình trạng chí thiện, mà ông Trường-Chinh mô tả như sau :
"Mục đích của cuộc cách mạng hiện nay là toàn thể nhân-dân và đặc biệt là nhân-dân lao-động, phải quán triệt tư-tưởng xã-hội, phải gột rửa những nhân-sinh-quan và thế-giới-quan cũ bằng quan-điểm Mác-xít. Chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít sẽ hướng dẫn nếp sống đạo-đức cho cả nước và là cái khung chứa đựng tư-tưởng của toàn thể dân-tộc. Nó sẽ là nền tảng xây dựng đạo-đức cho nhân-dân ta” (Ibid).
Ðoạn văn kể trên chứng tỏ rằng chủ-nghĩa Mác-xít là một tôn giáo theo đúng nghĩa của danh-từ "tôn giáo" . một tôn giáo đang đấu tranh để thay thế hết thảy các tôn giáo khác và không chịu mảy may dung túng chủ nghĩa "vô thần" hoặc "đa thần" trong đám qưần-chúng dưới sự kiểm soát của họ. Ðể đạt tới tình trạng chí thiện này (na ná như Ðạo của Lão-giáo, hoặc Niết-bàn của Phật giáo) giáo hội Ðông phương của Mác-xít-giáo đã dùng hai biện-pháp thẩm-sát là "Kiểm thảo" và "Chỉnh huấn" mà chúng tôi sẽ trình bầy trong các chương sau.

Chương 10

KIỂM-THẢO

Từ năm 1946 đến năm 1950, Việt Cộng thường tổ chức những buổi "phê bình và tự phê bình" rất bí-mật và chỉ dành riêng cho đảng-viên. Hồi ấy Ðảng đã tự ý giải tán và rút lui vào bí-mật, bề ngoài vẫn có vẻ dân chủ. Vì chỉ giới hạn trong một số ít đảng-viên, và trước khi "phê và tự phê" bao giờ cũng điều-tra cặn kẽ, nên kết quả rất khả-quan. Nhiều khi đảng-viên bị "phê" thành thật nhận lỗi, không cần đến sự "bồi dưỡng" của tập thể. Nhưng từ 1950 trở đi, sau khi liên lạc trực tiếp với Trung Cộng, Việt Cộng thường tổ-chức những buổi kiểm-thảo cho cả đảng-viên lẫn cán-bộ ngoài đảng. Phương pháp này từ Hoa Nam, không phải từ Bắc-Kinh . tràn sang Việt-nam và "kịch-liệt" hơn phương-pháp "Phê và tự phê" nhiều lần. Người bị "phê" khoanh tay đứng trước hội-nghị trong khi mỗi người lần lượt đứng lên nêu khuyết-điểm của anh ta. Mọi người đã biên sẵn những khuyết-điểm nhận thấy nơi anh và dở sổ ra đọc. Sau đó hội-nghị phân tách và suy-luận để đạt tới kết luận là anh chàng bị "phê" quả có những tư-tưởng phản-động rồi dùng "áp-lực tập-thể" bắt anh ta phải thú-nhận khuyết điểm đã nêu ra.
Kiểm-thảo thường áp-dụng một số chiến-thuật rất đặc biệt mà nhân-dân đặt tên như sau :
1. - Chụp mũ nghĩa là dùng áp-lực hoặc đe dọa bắt buộc người bị "phê" phải nhận những tội lỗI mà anh ta không hề phạm, và anh ta không được phép tự bào chữa. Không khác gì một người không muốn đội mũ mà người khác cứ cầm mũ chụp đại lên đầu.
2. - Truy-kích nghĩa là chất vấn người bị phê theo kiểu công-an lấy cung một người bị can, càng chối càng hỏi vặn, không để cho thoát. Danh từ truy kích gợi ý nghĩa đuổi bắt một tư-tưởng phản-động như săn một thú dữ, hoặc đuổi bắt một tên sát nhân. Ðôi khi cuộc kiểm-thảo kéo dài đến mấy ngày liền vì đương sự "ngoan cố" không chịu nhận lỗi.
3. - Suy-luận xốt-xí nghĩa là căn cứ vào một hiện tượng rất nhỏ mọn rồi cứ suy-luận dần dần để kết thúc là người bị phê quả là một tên phản-động lợi hại. Sau đây là một tỷ dụ của lối suy-luận xốt-xít do một hiệu-trưởng trường trung-học kể lại:
Trong một buổi kiểm-thảo do học-sinh tổ-chức, một giáo-sư bị nêu "hiện-tượng" là đã cho một học-sinh một điểm quá cao. Bản kết án vị giáo-sư phạm tội đại khái như sau :
Hiện tượng : Anh chấm bài anh X và cho anh ấy một điểm quá cao.
Suy-luận : (1) Anh tâng bốc anh X để cốt ý gây chia rẽ giữa anh X và các học sinh khác trong lớp ; (2) học sinh đã chia rẽ thì chỉ lo cãi lộn, không chịu học hành ; (3) vì không lo học nên trình-độ kém ; (4) trình-độ học sinh kém thì phụ-huynh học sinh không bằng lòng ; (5) họ sẽ bảo giáo-dục dưới chế độ Cụ Hồ không bằng giáo-dục thời Pháp-thuộc ; (6) và họ sẽ cho rằng chế-độ thực-dân tốt hơn chế-độ dân-chủ cộng-hòa , (7) khi anh cho anh X một điểm quá cao, anh có dụng ý làm tay sai cho thực-dân Pháp.
Kết luận : Anh là tay sai đắc lực của thực-dân Pháp và của đế-quốc Mỹ.
Những cuộc sỉ-vả thầy giáo như vậy có thể nói là thường xuyên và không mấy thầy thoát khỏi.
Vì vậy nên hồi năm 1950-51 vô số giáo-sư bỏ hậu-phương chạy vào thành.
4. - Dao to búa lớn nghĩa là dùng những chữ rất thậm tệ và đôi khi rất tục tĩu để sỉ vả người bị phê, lấy cớ là để tiêu trừ những tư tưởng phản động nằm sâu trong đầu óc anh ta. Câu chuyện sau đây là một điển hình.
Một cơ-quan chính quyền mở cuộc kiểm thảo trong nhà một nông dân và hò hét om xòm. Bà chủ nhà thấy nhiều người to tiếng vội vã chạy vào, thấy một người lặng yên khoanh tay trong khi nhiều người khác đỏ mặt tía tai sỉ vả thậm tệ. Bà sợ họ có thể đánh nhau và không khéo xẩy ra án mạng nên bà ta ôn tồn can : "Xin các ông bớt giận làm lành, ai mà chả có điều không hay không phải. Cùng là đồng bào với nhau và cùng làm một sở cả, xin các ông chín bỏ làm mười cho nó vui vẻ cả !" Bà chủ nhà có ngờ đâu đấy chỉ là một cuộc kiểm thảo hàng tuần mà luân phiên mỗi người phải phê-bình và để người khác phê bình mình.
Cuộc đời thân ái, đề huề với anh em cùng sở trong suốt một tuần rồi lại một lần mắng mỏ nhau thậm tệ mang lại cho nhiều người cảm tưởng sống một lúc hai cuộc đời đại khái giống nhân vật trong phim quái-đản "Bác sĩ Jerkins và ông Hyde".
5. - Khóc đám ma. Ngay từ hồi đầu đã có lệ người bị kiểm-thảo rơm rớm nước mắt để tỏ cho hộI-nghị biết là nhờ sự phê-bình của tập-thể mình đã giác-ngộ tội lỗi và vô cùng ân-hận. Nhưng đôi khi, thường xảy ra trong đám học-sinh, có người đã bộc lộ rồi nhưng cũng có mặt để "viện-trợ" anh em, bằng cách khóc nức nở phần đông họ là những thanh-niên mới "ngộ đạo" muốn truyền "đạo" cho kẻ khác để "cứu nhân độ thế". Họ có cảm tưởng là sứ mạng trên thế-gian sẽ không thành, nếu họ không cải hoán được một người theo chân lý Mác-xít. Vì vậy nên họ ráng sức làm cho những người phạm khuyết-điểm phải đấm ngực xưng tội và phải chấp nhận lời dạy của Bác Mao và Bác Hồ. Có lúc họ vừa khóc nức nở, vừa than thân trách phận là nhiệm vụ Ðảng đã giao phó mà làm không thành. Họ tiếc là Ðảng đã tận tình giáo-huấn mà nhiều người cứ như "nước đổ đầu vịt". Họ khóc một cách thiết tha vì hơi một chút là òa ra khóc vì tinh thần họ lúc nào cũng quá căn thẳng. Có lẽ thiếu thốn về sinh-lý và học-tập chính-trị suốt ngày đêm đã khiến những thanh-niên mới lớn lên dễ dàng xúc động và cuồng tín đến tột bực. Sự thực đã có nhiều người điên thực. Ở trường Chính-trị Quân-sự Việt Bắc, chỉ riêng một khóa 1952 đã có đến tám sinh viên hóa điên. Ngay bà Phạm-văn-Ðồng, mới hơn 20 tuổi và bị kẹt ở Khu Năm trong mấy năm, hồI ông Ðồng được triệu lên Việt Bắc làm thủ-tướng, cũng đã bị điên thực-sự.
Lúc đầu thì họa hoằn mới có người khóc, nhưng về sau khóc trở thành thông lệ của mọi cuộc kiểm-thảo. Có người nói là Ðảng có phép mầu nhiệm làm người lớn trở thành con nít trở lại. Sau cùng "khóc tập-đoàn" trở thành một phương-tiện, một áp lực tập-thể, để thúc đẩy người bị kiểm-thảo mau mau bộc-lộ. Có một lần nguyên cả một lớp học trường Nguyễn-thượng-Hiền kéo đến đông đủ để "viện trợ" một học sinh viết bản kiểm thảo, và vừa qua khỏi ngõ họ bắt đầu khóc "hu hu" từ ngoài vào khiến chủ nhà hoảng-hốt tưởng có chú học sinh nào tản cư chết trong nhà mình. Khóc theo lối "viếng đám tang" như vậy thực ra chẳng có hiệu quả chút nào và trông thấy không thể nhịn cười được ; nhưng không ai dám cười trước mặt những người khóc vì trông thấy dáng điệu uy-nghiêm của họ, mọi người đều biết là họ đương "hành lễ" theo một tập-tục mới của họ. Cười trước mặt họ, có thể coi là "báng đạo" của họ. Mà cũng vì không ai dám cười, nên thông-lệ "khóc" kéo dài trong luôn mấy năm từ 1951 đến 1953.

Có hai giả-thuyết về vấn-đề phát sinh ra phương-pháp kiểm-thảo. Có người cho kiểm-thảo là một hình-thức sai lạc của chỉnh-huấn, hồi ấy đã áp-dụng ở Bắc-Kinh nhưng chưa phổ-biến xuống Hoa Nam. Theo hương-pháp của ông Mao thì mọi chính-sách mới đều phải phổ-biến từ từ, theo kiểu vết dầu loang. Như vậy có hơi chậm chạp nhưng lúc nào Ðảng cũng nắm vững tình hình và phương-pháp áp dụng có thể đồng đều cho cả nước. Vì vậy nên có người cho rằng trong khi phương-pháp kỳ-diệu của ông Mao chưa xuống đến Hoa-Nam đã có cán-bộ ở Hoa-Nam chỉ nghe nói đại khái đã hăng hái muốn áp-dụng ngay nên phát sinh ra phong-trào kiểm-thảo. Lại có thuyết nói rằng kiểm-thảo đích thực phát xuất ở Hoa Nam và đã được thịnh hành ở Hồ Nam hồi ông Mao mới dấy nghiệp ở đấy. Rồi từ Hoa Nam, phương-pháp kiểm thảo tràn qua Bắc-Việt, với hình-thức còn đang thô sơ và ấu-trĩ, trong khi ở Bắc-Kinh, Trung-cộng đã phát-triển một hình-thức mới, tinh-vi gấp bội vì đã được tu-sửa trong gần hai mươi năm ở Diên-An.
Kể ra thì chẳng biết giả-thuyết nào đúng, nhưng cũng có thể là trong khi nóng lòng chờ đợI phương-pháp tinh vi ở Bắc-Kinh, một số cựu cán-bộ ở Hoa-Nam đã tạm thời áp-dụng phương-pháp cổ-điển mà họ đã kinh-nghiệm từ ba mươi năm về trước. Kiểm-thảo và chỉnh-huấn thực ra chỉ khác nhau về phương diện kỹ-thuật và sự khác biệt giữ hai phương-pháp mới và cũ chứng tỏ Trung-cộng đã tiến bộ rất nhiều về tâm-lý nhân-dân trong vòng ba mươi năm. Họ tiến-bộ nhanh một phần cũng tại họ được thừa hưởng một nền văn-hóa sáng láng của tổ-tông đã để lại. Nhưng mặc dầu không biết giả-thuyết nào đúng và mặc dầu có nhiều khuyết-điểm, mọi ngườI đều phải công nhận phong-trào kiểm-thảo đã thay đổi rất nhiều tính-chất của người Việt, trước kia niềm nở, cởi mở bao nhiêu thì bây giờ kín-đáo, dè dặt bấy nhiêu. Gặp nhau ở quán cơm hay ở nhà ăn công-cộng, mọi người cứ cúi mặt xuống, và nếu gặp nhau ngoài đường, chỉ liếc mắt mỉm cười. Có dư-luận cho rằng người Việt bây giờ "phớt hơn cả người Anh" và "kín đáo hơn người Nhật". Sự thực thì không khác người Anh và người Nhật, người Việt đã trở thành dân "đảo quốc", nhưng với ý-nghĩa là mỗi người tự coi mình như một hòn đảo, sống riêng trong "hòn đảo" của mình, không liên hệ với những "hòn đảo" chung quanh, tức là bạn-bè, hàng xóm láng giềng. Người nào cũng chỉ sống với nội-tâm và chỉ giao-thiệp với người khác trong trường-hợp bất-đắc-dĩ. Mọi người, ngay cả cán-bộ cao-cấp, đều phải kín-đáo xắp-xếp thân-thuộc, bạn-hữu, đồng-nghiệp thành hai loại : loại có thể tâm sự được vì dò dẫm trong một thờI-gian thấy họ không mang những ý-kiến không chính-thống của mình hót với người khác, và một loại cần phải coi chừng. Trong trường-hợp bắt buộc phải phát-biểu ý-kiến trước công-chúng thì phương-pháp an-toàn nhất là cứ nói in hệt như Ðảng mới nói trong những số báo mới nhất. Chính vì vậy mà mặc dầu ai nấy đều túng thiếu, báo chí của Ðảng vẫn bán chạy như tôm tươi và cũng vì vậy mà ai nấy bận bịu suốt ngày, tối đến vẫn phải chịu khó đi họp, không dám sót một buổi. Hồi ấy mọi người cho rằng "bỏ một buổi họp là đủ lạc-hậu" nghĩa là có thể ăn nói sai với chính-sách mới nhất của Ðảng.
Phải thành-thực công nhận là ăn cơm nắm, muối vừng, không khổ, mà chỉ khổ nhất là phải phân chia bà con, bạn bè thành hai loại riêng biệt, phải nghiên cứu báo chí của Ðảng viết theo lối "chách chách vào rừng" (lời ông Hồ phê bình văn chương cộng-sản) và phải năng đi họp nghe thảo-luận chính-trị rức đầu rức óc, mà vẫn không hiểu cán-bộ nói lảm nhảm những gì.

Chương 11

CHỈNH-HUẤN

Người đầu tiên muốn mang phương-pháp Chỉnh-huấn của Trung-cộng áp-dụng tại Việt-nam là Thiếu-tướng Nguyễn-sơn, hồi 1948 , làm Khu-trưởng Khu 5 (từ Thanh-hóa đến Thừa-thiên). Trong khoảng hai mươi năm về trước, Nguyễn-Sơn là cán-bộ quân-sự cao cấp của Hồng Quân Trung-Hoa. Ông là người tính-khí rất đặc-biệt và đã sống một cuộc đời vô cùng gian lao. Nhờ vậy mà ông đã được Trung-cộng suy-tôn là " Anh-hùng Dân-tộc của Trung quốc và xuýt nữa ông đã trở thành Tito của Việt-nam.
Nhắc đến nhân vật kỳ lạ này, chúng tôi tưởng nên nói qua về đời sống rất "Từ Hải" của ông ta. Nguyễn-Sơn, tên thật là Vũ-văn-Bác, sinh tại làng Kiêu-kỵ, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh, nhưng ở bên Tầu ông lấy tên là Hồng-Thủy. Con một nhà nho có tham-gia phong trào Ðông-Kinh Nghĩa-thục, ông được vào học trường sư-phạm Hà-Nội, và đang học giở, năm 1925, ông tham-gia phong-trào Bãi-khóa, năm 1925. Bị mật-thám tầm nã, ông trốn sang Tầu và được thu nhận vào Trường Chính-trị Quân-sự Trung-ương tại Hoàng-phô. Vừa tốt-nghiệp xong thì xảy ra vụ Quảng-châu Công-xã. Ông là người Việtnam duy-nhất tham-gia phong-trào này và từ ngày ấy trở thành đảng-viên Ðảng Cộng-sản Trung-hoa.
Ông được nổi tiếng về tài lãnh-đạo quân-sự trong cuộc Vạn-lý Trường-chinh (1934-36) và sau đó, ông được bổ-nhiệm làm tùy-tướng cho Bành-đức-Hoài, chỉ-huy trưởng Ðệ-Bát Lộ-Quân của Trung Cộng. Nguyễn-sơn là một trong bảy tướng còn sống sót của Quảng-châu Công-xã và một trong mười tám tướng còn lại của Vạn-lý Trường-chinh. Vì vậy nên năm 1949, sau khi Trung-cộng toàn thắng, ông được tuyên-dương là "Anh hùng Dân-tộc" của Trung-quốc.
Cuối năm 1945, Nguyễn.Sơn còn đang ở Diên-An thì một hôm, ông gặp một ký-giả người Ca-nađa tới đấy, sau khi ghé qua Hà-Nội. Người này báo tin là Việt-nam đã tuyên-bố độc-lập, nhưng vì Pháp đang tấn-công; mưu chiếm lại, nên toàn quốc đương có phong trào kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Ca-na-đa cũng thuật chuyện có gặp vị chủ-tịch của chính-phủ lâm thời, một ông già biết nói tiếng Anh tên là Hồ-chí-Minh. Ðoán chắc Hồ-chí-Minh là ông Nguyễn-Ái-Quốc, Nguyễn-sơn bèn xin các lãnh-tụ Trung-Cộng cho phép hồi hương giúp nước chống Pháp. Ông Mao-Trạch-Ðông khuyên Nguyễn-sơn nên ở lại giúp Trung Cộng cho đến ngày hoàn toàn thắng lợi vì theo lời ông Mao thì "tiền đồ của Việt-nam gắn liền với sự thành bại của Cách mệnh Trung-Hoa". Nhưng vì Sơn cứ nằng nặc đòi về nên cuối cùng các lãnh-tụ Trung Cộng cũng chấp thuận cho về. Họ làm giấy tờ chứng nhận Nguyễn-sơn . và cả Nguyễn-khánh-Toàn . là nhân-viên phái đoàn Trung Cộng từ Diên-an xuống Trùng Khánh để điều-đình với Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc, rồi nhân dịp trốn xuống Hoa Nam, về Việt-nam.
Vì quyết tâm rời bỏ hàng ngũ Trung Cộng để về nước kháng-chiến dành độc-lập, nên ngay từ khi ra về Nguyễn-Sơn đã bị Trung Cộng phê-bình là nặng về tinh thần quốc-gia, nhẹ về tinh-thần quốc-tế. Có lẽ ông Hồ chí-Minh cũng phê-bình Nguyễn-Sơn như vậy nên đầu năm 1946, khi Nguyễn-sơn về tới Hà-Nội, ông Hồ không thể tiếp và các lãnh-tụ Việt Cộng khác cũng tỏ vẻ lạnh nhạt. Nhưng vì Pháp tấn công mỗi ngày một mạnh ở miền Nam và một mặt khác, vì cộng-sản Quảng Ngãi bất chấp lệnh trên cứ giết chóc bừa bãi, nên ông Hồ phái Sơn vào Khu Năm (miền Nam Trung Việt) với nhiệm-vụ đình-chỉ cuộc chém giết lung tung và điều khiển công cuộc kháng-chiến chống Pháp. Sau đó ít lâu, Sơn được đổi ra Khu Bốn (miền Bắc Trung Việt) làm "Khu Phó" phụ-trách huấn luyện quân-đội. Chẳng bao lâu, khu-trưởng là Thiết-Hùng bị mất chức vì liên can vào một vụ buôn thuốc phiện lậu nên Nguyễn-Sơn được cử thay thế. Vì có hai mươi năm kinh-nghiệm hành quân, nên Nguyễn-Sơn được quân đội Khu Bốn hết sức mến phục. Ðồng thời vì có tâm hồn nghệ-sĩ và tận tâm giúp đỡ văn-nghệ-sĩ, nên Nguyễn-Sơn cũng được giới văn-nghệ hết sức hâm mộ. Nói chung vì có thành tâm yêu nước và có thục tài, rộng rãi và thân mến mọi người, nên Nguyễn-Sơn được mọi người quý trọng. Năm 1948, ông Hồ phong Võ-nguyên-Giáp làm đại-tướng và Nguyễn-Sơn làm thiếu-tướng, khiến Sơn khó chịu, vì Sơn vẫn chê Giáp "i-tờ" về quân sự. Sự thực thì Giáp chỉ là một sinh viên trường luật, được huấn-luyện qua loa về du-kích chiến trong một khóa do quân-đội Mỹ mở ở Tỉnh-Tây, hồi Thế-chiến Thứ Hai. Giáp được địa-vị cao chỉ vì Giáp được ông Hồ tin yêu, không phải vì Giáp có thực tài về quân-sự.
Tuy nhiên mối bất hòa lớn giữa Nguyễn-Sơn và các lãnh-tụ Việt-cộng không phải là vấn-đề kèn cựa địa-vị, mà là vấn-đề bất-đồng ý-kiến đối với chính-sách yêu cầu Trung Cộng viện-trợ. Nguyễn-Sơn hết sức phản đối việc yêu cầu Trung-cộng viện-trợ vì Sơn cho rằng hễ nhận viện-trợ của Trung-cộng thì sẽ mất hết chủ-quyền. Sơn viện lẽ rằng hồi chiến tranh chống Nhật, ông Mao không thèm yêu cầu Nga viện-trợ và để mặc Nga tiếp tế cho Tưởng-giới-Thạch. Theo Sơn thì nên tự-lực kháng chiến chống Pháp, đánh Pháp bằng võ-khí thu được của Pháp, tuy gian lao hơn nhưng không bị phụ-thuộc vào bất cứ một ngoại bang nào. Sau một cuộc thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình nhắm phía bắc, đi thẳng sang Trung-quốc. Vì được tôn là "Anh Hùng Dân Tộc" của Trung-quốc nên từ Lạng-sơn đến Bắc-Kinh, đi qua tỉnh nào, Sơn cũng được đón-tiếp trọng-thể. Nhưng ông Hồ đã đánh điện sang Bắc-Kinh, báo cáo với ông Mao là Sơn vô kỷ-luật, và đồng thời Võ Nguyên-Giáp cũng bắt toàn thể quân-đội Việt-minh phải học-tập một tài-liệu đặc-biệt, trong đó tả Sơn là một cán-bộ "điển hình xấu". Vì bị ông Hồ báo cáo nên lên tới Bắc-Kinh, Sơn phải đi chỉnh-huấn ngay tức khắc. Sau khi chỉnh-huấn, Sơn tình-nguyện đi học đại-học Quân-sự ở Nam-kinh, do chuyên-viên Nga dạy về chiến-thuật quân-sư hiện-đại. Năm 1956, Sơn bị ung-thư dạ-dày và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt-nam. Hai ngày sau khi về tới Hà-Nội, Sơn chết và Võ-nguyên-Giáp phải đi đưa đám. Những người đã từng quen biết Nguyễn Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc-gia mặc dầu suốt đời tranh-đấu trong hàng ngũ Cộng-sản. Nếu không chết sớm, Nguyễn-Sơn có thể là một Tito Việt-nam.
Hồi còn làm Khu-trưởng Khu Bốn, Sơn có viết và xuất bản mấy cuốn sách nhỏ, nói về Chỉnh-Quân, Chỉnh-Phong và Chỉnh-Ðảng. Chỉnh nghĩa là chỉnh đốn tư-tưởng và tác-phong. Chỉnh-Quân dành riêng cho quân-đội ; Chỉnh-Ðảng dành riên cho đảng-viên, và Chỉnh-Phong dành cho cán-bộ ngoài đảng. Nhưng vì hồi ấy Trường-Chinh và Võ-nguyên-Giáp ghét Nguyễn-Sơn nên không chịu nghe theo. Họ chỉ bắt chước những nét đại-cương để lập nên phong-trào Rèn Cán Chỉnh Cơ (Rèn luyện Cán bộ và Chỉnh đốn Cơ quan). Mãi sau này, sau khi Nguyễn-sơn đã sang Tầu, và cố vấn Tầu sang Bắc Việt bày vẽ, Việt Cộng mới chịu áp dụng phương pháp "Cải tạo tự-tưởng" theo kiểu Trung Cộng, nhưng ba gồm cả Chỉnh Phong và Chỉnh Ðảng dưới hình thức mới, gọi là Chỉnh Huấn, nghĩa là cán bộ và đảng viên đều học chung một khóa, mặc dầu có những bài chỉ giảng riêng cho đảng viên.
Người ngoại cuộc thường hay nói đến danh từ "Tẩy não" và thường không biết có nhiều loại "tẩy não" khác nhau, nặng nhẹ tùy theo thành phần của đương sự. Hình thức nặng nhất là "Quản-huấn" dành riêng cho "địa chủ ngoan cố" ; hình thức vừa vừa, gọi là "cải-tạo" dành cho tù binh ngoại quốc. Các hình thức này đều nặng về khủng bố tinh thần, và nhẹ về thuyết phục. Chỉnh huấn thì trái lại, nặng về thuyết phục và tương đối nhẹ về khủng bố, vì mục đích chính của Chỉnh huấn là "thêm bạn bớt thù". VớI phương pháp Chỉnh huấn, Cộng sản mưu cải tạo tư tưởng và tác phong của cán bộ với dụng tâm lôi kéo những phần tử còn hi vọng lôi kéo được.
Chỉnh huấn bắt đầu trở thành "quốc sách" năm 1949, sau khi Trung Cộng thành lập chế độ Dân Chủ Nhân Dân. Theo thường lệ, từ ngày ấy trở đi, mỗi lần Cộng sản thay đổi đường lối là một lần tất cả cán bộ chính quyền và đảng viên, từ bộ trưởng xuống để thư ký hạng bét, phải đi chỉnh huấn để học tập chính sách mới của Ðảng.
Như Trường-Chinh đã nói rõ : "Mỗi công tác tư tưởng đều nhằm một mục tiêu chính trị". Như vậy nghĩa là chỉnh huấn nhằm sửa soạn tinh thần cán bộ trước khi thực hiện một chính sách mới, để đến khi thực hiện, cán bộ không phản-ứng và mọi việc được êm đềm. Nói chung thì chiến lược chỉnh huấn không khác một cuộc hòa nhạc, nhạc trưởng là Ðảng còn các nhạc công là đảng viên và cán-bộ. In hệt các nhạc công phải theo sát điệu bộ của nhạc trưởng, các cán bộ công tác cũng phải theo sát đường lối của Ðảng để hoạt động cho đúng nhịp. Những cán bộ khác không có trách nhiệm trực tiếp, cũng phải có thái độ lịch sự của thính giả, nghĩa là yên lặng ngồi nghe, không được la ó, chỉ trích.
Thực hiện một đường lối mới là một việc phức tạp, khó khăn, nhất là ở các nước chậm tiến, vì trình độ văn hóa và giác ngộ chính trị không đồng đều, nên thường có những phản ứng khác nhau, tùy theo trường hợp, hoàn cảnh và địa phương. Vì vậy nên Cộng sản bao giờ cũng nhắc nhở cán-bộ nên hết sức linh động. Linh động nghĩa là không được áp dụng chính sách một cách máy móc cứng rắn, mà trải lại phải biết dò trước đón sau, tùy cơ ứng biến. Vì cần phải linh động, nên Ðảng không thể gò ép, áp-dụng một thứ kỷ-luật quân-sự đối với cán bộ phụ-trách. Trái lại, Ðảng áp-dụng một chính sách tự-nguyện tự-giác, coi nhiệm vụ Ðảng giao phó như một nhiệm vụ thiêng liêng. Muốn gây cho cán-bộ một tinh thần như vậy, Ðảng phải giảng giải cho cán-bộ thấy rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác họ phụ-trách. Cán bộ phải tuyệt đối tin tưởng ở sự đúng đắn của chính sách và ở tài năng của giới lãnh đạo. Ðảng tổ chức chỉnh huấn cốt để thuyết-phục cán-bộ, đảng viên làm cho họ đinh ninh rằng chính sách của Ðảng hoàn toàn đúng và bao giờ cũng đúng. Ðôi khi Ðảng cũng phải thú nhận một vài sai lầm, nhưng mặc dù sai lầm Ðảng cũng cố gắng chứng minh rằng chủ nghĩa Mác Lê vẫn đúng và bao giờ cũng đúng. Chỉnh huấn còn nhằm mục đích giải thích cho cán bộ thấy rõ thay đổi đường lối là sự rất cần thiết. Ðảng lý luận rằng nếu không thay đổi, Cách Mạng sẽ thất bại, và thực dân đế quốc sẽ trở lại. Nhưng có nhiều cán-bộ, tuy vẫn thiết tha muốn học, nhưng không thể chấp nhận lối giải thích của Ðảng, vì trước đây không bao lâu, cũng một sự việc ấy, mà Ðảng đã giải thích một cách hoàn toàn khác, và đề ra một chính sách khác hẳn. Tỷ dụ, hồi Cách Mạng mới bùng nổ, Ðảng hứa rằng chính quyền sẽ do bốn giai cấp lãnh đạo : công nhân, nông dân, tư sản và tiểu tư sản. Về sau Ðảng lại nói chỉ có ba giai cấp được tham dự chính quyền : là công, nông và tiểu tư sản ; và sau cùng Ðảng lại nói chỉ có công, nông mới đủ tư cách nắm chính quyền, còn các thành phần khác đều là phản động hoặc không đủ khả năng.
Vì Ðảng cứ đưa ra rồi lại dìm đi những lời tuyên bố về đường lối chính sách, và thỉnh thoảng lạI thay đổi nội dung những danh từ thường dùng, nên nhiều cán bộ đâm ra thắc mắc, nghi ngờ sự thành thực của đảng. Vì vậy nên mỗi lần Ðảng giải-thích một chính sách mới, cán bộ vẫn ngờ rằng đấy chưa phải là lời giải thích cuối cùng. Khi có một cán-bộ đi dự chỉnh huấn mà tỏ vẻ thắc mắc về chính sách của Ðảng, thì Ðảng thấy cần phải "đả thông tư tưởng" cho họ. Ðấy là nhiệm vụ thứ hai của Chỉnh huấn. In hệt một người thợ hàn thông ống nước, việc đầu tiên của Ðảng là phải tìm xem cán bộ "tắc" ở chỗ nào. Muốn biết chỗ "tắc" Ðảng khuyến khích cán-bộ thành thật nói lên những thắc mắc, thành thật phê bình chính sách của Ðảng. Học viên các lớp chỉnh-huấn được phép nói "toạc" tất cả những khổ tâm từ lâu nay vẫn ủ ấp trong lòng. Ðảng trịnh trọng tuyên bố sẽ hoàn toàn tha thứ và nhất thiết không mượn cớ để trừng trị. Sau khi mọi người phô bày hết thảy mọi thắc mắc, ban giáo ủy mới lần lượt trả lời từng điểm mà học viên đã nêu ra, không khác thủ tướng một nước tự do ra trước nghị viện trả lời những câu chỉ trích của phe đối lập. Không khí trong lớp chỉnh huấn khác hẳn không khí hàng ngày ở ngoài đời, vì chỉ có trong lớp chỉnh huấn mỗi người mới được tự do phê bình chính sách và hành động của Ðảng và chính phủ. Ðảng cho phép cán-bộ, đảng viên nói lên những thắc mắc của họ để Ðảng biết chỗ mà "đả thông", hòng cứu vớt những linh hồn còn có thể cứu vớt được. Sự thực thì có nhiều "linh hồn" mà Ðảng đã coi là hoàn toàn không thể cứu vớt được, nên Ðảng không gọi đi chỉnh-huấn. Ðấy là những người mà Ðảng đã quy là "Kẻ thù" mặc dầu trước đó mấy năm, Ðảng còn coi là "Bạn". Vì vậy, nên người nào nhận được giấy gọi đi chỉnh huấn cũng đều vui mừng, vì họ cảm thấy họ còn được coi là "bạn". Họ hiểu rằng, nếu họ "Chỉnh huấn thành công" thì họ sẽ được tiếp tục coi là bạn trong một thời gian nữa, ít nhất cũng tới kỳ chỉnh huấn sau.

Ðể độc giả có ý niệm rõ ràng hơn về chính sách chỉnh huấn, chúng tôi xin lược thuật cuộc chỉnh huấn năm 1953. Mục đích cuộc chỉnh huấn này là sửa soạn tinh thần cán bộ để đón tiếp chiến dịch Cải-Cách Ruộng đất năm 1954-56.

I. - Phân chia học viên.
Những người được tham gia chỉnh huấn đều là "bạn" : đảng-viên, cán bộ và một số "nhân sĩ tiến bộ". Tất cả đều học một chương trình, nhưng tùy theo cấp bực công vụ và tùy theo trình độ hiểu biết chính trị, họ được chia thành nhiều loại.
1. - Ðảng viên cao cấp và cán-bộ trung ương, và một số nhân sĩ quan trọng, lên Việt Bắc học. Ðịa điểm dạy gần nơi Chính Phủ Trung ương để ông Hồ và ông Trường-chinh có thể thân hành đến dạy.
2. - Ðảng viên và cán bộ cấp giữa, và một số nhân sĩ địa phương, học tại khu, do khu ủy phụ trách giảng dạy.
3. - Ðảng viên và cán bộ cấp dưới học ở tỉnh, do tỉnh ủy giảng dạy.
4. - Công nhân và nhân viên cấp dưới học ngay tại chỗ. Ðảng cử một phái đoàn tới dạy ngoài giờ làm việc, buổi chiều hoặc buổi tối.
Vì tất cả mỗi cấp bực đều phải đi học, nên chỉnh huấn phải chia thành nhiều đợt liên tiếp để mọI người có thể lần lượt nghỉ việc đi học. Mỗi đợt một phần ba nhân viên đi học, trong khi hai phần ba ở lạI đảm bảo phần việc của họ. Sau khi nhóm thứ nhất chỉnh huấn xong, thì đến lượt nhóm thứ nhì lên đường và cuối cùng là nhóm thứ ba. Mỗi khóa chỉnh huấn kéo dài trong ba tháng, và công việc bố trí trường ốc và thu xếp chỗ ăn ở hết chừng một tháng nữa. Như vậy là ít nhất cũng phải trọn một năm mớI thực hiện xong một chiến dịch chỉnh huấn, nhưng sự thực thì phải mất 18 tháng, vì trước hết còn phảI chờ một số cán bộ cao cấp đi chỉnh huấn trước rồi về mới dạy học viên khóa đầu.

II. - Tổ Chức về phương diện vật chất.
Ðịa điểm chỉnh huấn bao giờ cũng đặt sâu trong chiến khu ở những nơi rất hẻo lánh. Học viên tạm trú trong nhà nhân dân địa phương, còn giảng đường thì do học viên xây cất lấy, sán gỗ và tre nứa đốn trong rừng. Chủ nhật, học viên phải vào rừng đốn củi cho nhà bếp nấu cơm. Công tác lao động nằm trong chương trình huấn luyện vì Ðảng muốn trí thức phải lao động để hiểu rõ hơn về đời sống của nhân dân lao động. Mỗi người đi dự chỉnh huấn phải mang theo quần áo, chăn mùng, một cái bát, một đôi đũa, và một số tiền tương đương với giá một trăm cân gạo.1 Số tiền này để chi mọi khoản trong thời gian ba tháng học tập, tính như sau : Tiền ăn 75 cân (mỗi tháng 25 cân), tính mỗi người ăn hết 15 cân gạo, còn mắm muối hết 10 cân. Số tiền tương đương với 25 cân còn lại tính vào phí tổn giấy bút, dầu đèn, và tài liệu quay bằng rô-nê-ô.
---------------------------------------
1 Hồi ấy chính quyền Việt-Minh dùng "ki lô" gạo, là đơn vị tính lương công chức, vì đồng bạc Việt-Minh mỗi ngày một xuống giá do chính sách lạm phát. Ði chỉnh huấn ở địa phương nào thì phải trả cho Ðảng một số tiền tương-đương với giá 100 kilô gạo, tại địa phuơng ấy.
--------------------------------------------


Học viên chia thành từng tổ, mỗi tổ ba người : tổ trưởng là một đảng-viên có trách-nhiệm điều-tra và kiểm soát hai tổ-viên khác không đảng. Mỗi tổ ở nhờ một gia-đình nông-dân và mỗi ngày hai lần cử một tổ-viên đến ban "cấp dưỡng" (nhà bếp) lĩnh thức ăn do các "anh nuôi" (bếp) cấp phát. Mỗi lần đi mang theo một cái rổ và một cái nồi đất mượn của chủ nhà, rổ để đựng cơm và nồi để đựng canh. Cơm nấu bằng gạo "mậu dịch" để lâu trong kho nên thường mốc và thức ăn là rau nấu với muối. Mỗi tuần lễ được ăn thịt một lần nhưng thịt cắt thành từng miếng nhỏ nấu lẫn với rau. Thịt hiếm đến nỗi người phụ trách lĩnh cơm lĩnh cơm thường phải vớt ra chia từng miếng cho đều để khỏi hơn thiệt. Những người có tiền mang theo cũng bắt buộc phải ăn uống như vậy vì trước khi tới trại, Ðảng-ủy đã ra lệnh cấm dân địa-phương không được mua bán thức ăn cho các học viên. Chỉ trong trường hợp thiếu sức khoẻ mới được phép mua thêm một vài quả trứng hoặc vài miếng thịt để tẩm bổ. Ðơn phải gửi qua tổ-trưởng đưa lên Ðảng-ủy.
Học-viên không được phép ra khỏi một khu vực nhất định, không được liên lạc với xã-hội bên ngoài ; được phép viết thư về nhà (qua kiểm-duyệt), nhưng không được nhận thư ở ngoài gửi đến. Tất cả thư từ gửi đến đều bị giữ lại, chờ khi nào mãn khóa mới được nhận, vì Ðảng muốn mọi người yên tâm học-tập, không bận tâm đến công việc gia-đình. Có trường hợp một bác-sĩ (Trịnh-đình-Cung) chỉnh-huấn xong, mới nhận được thư báo vợ chết, từ hai tháng trước.
Kỷ luật trong trại chỉnh-huấn cũng đại-khái như trong trại lính. Sáng dậy từ 6 giờ, tập thể thao nửa giờ. Học từ 7 đến 11 giờ. Về nhà ăn cơm và nghỉ từ 11 giờ đến 1 giờ, rồi lại học từ 1 giờ đến 5 giờ, ăn cơm tối và làm bài vở từ 7 giờ đến 10 giờ tối. Mười lăm phút trước khi đi ngủ dành cho "hội thảo" tức là trong tổ kiểm thảo lẫn nhau qua loa về hành-vi trong ngày. Chủ nhật ra suối tắm và cộng-tác lao-động như vào rừng kiếm củi cho nhà bếp, hoặc đào hầm trú ẩn để tránh máy bay. Tối thứ bảy có biểu diễn văn-nghệ do học viên trình bày. Trong một khóa được xem chiếu bóng một lần, phim Nga hoặc phim Tầu.

III. - Phương pháp giảng dạy.
Mỗi khóa chỉnh-huấn gồm một số bài xắp xếp thế nào để tuần tự đưa học viên đến mục đích nhất định. Mỗi bài phải học chừng nửa tháng, mất tất cả chừng 150 giờ. Cách thức giảng dạy đã được nghiên-cứu rất tỉ mỉ và gồm có những hoạt-động như sau :1. - Tất cả học viên (vào khoảng 500) họp tại giảng đường. Mỗi người được phát một tài liệu quay rô-nê-ô. Một đại diện Ðảng giảng bài và các học-viên ghi chép lời giảng.
2. - Học viên về tổ thảo luận về nội-dung các danh từ dùng trong bài học, người biết nhiều giảng cho người biết ít. Sau đó thảo-luận về ý nghĩa từng đoạn văn một nếu có đoạn nào tối nghĩa quá, cả tổ không ai hiểu thì tổ trưởng báo cáo với ban giáo ủy.
3. - Sau khi nhận được báo cáo các tổ gửi đến, ban học-ủy giải thích lại cho toàn thể lớp học. Ðôi khi ban học-ủy chấp nhận ý-kiến học viên đề-nghị sửa-chữa một vài danh-từ cho rõ nghĩa hơn.
4. - Học-viên lại trở về tổ để thảo luận từng đoạn một, tất cả ý nghĩa trong bài. Mỗi học-viên lần lượt phát biểu ý-kiến của mình. Ðảng khuyến khích mọi người thẳng thắn nói lên ý-kiến của mình, dù không đồng-ý với tác giả bài học. Nếu không đồng-ý, cứ việc nêu "thắc mắc" và theo thường lệ mỗi ngườI đều nêu lên một vài thắc mắc, vì nếu không nêu thắc mắc tức là dấu kín ý-nghĩ của mình. Càng thắc mắc bao nhiêu càng có vẻ thành khẩn bấy nhiêu. Sau khi một tổ-viên nêu thắc mắc, thì hai tổ-viên khác tìm cách đả thông. Nhưng nếu trong tổ không đả thông nổi thì tổ trưởng lập tức báo cáo lên học-ủy.
5. - Sau khi tập trung tất cả thắc mắc của cả lớp, học-ủy triệu tập tất cả học-viên tới giảng-đường để đả thông. Ðại diện Ðảng đọc lên từng thắc mắc một và lần lượt đả thông cho cả lớp nghe. Có được nghe tất cả các thắc mắc (nhiều người công kích Ðảng một cách thậm tệ) mới rõ là phần đông cán-bộ và đảng-viên vẫn uất-ức với chính-sách của Ðảng.
6. - Học-viên lại trở về tổ để thảo luận về những câu giải-thích của đại-diện Ðảng. Nếu mọi người đồng ý chấp nhận thì thông qua, nhưng đôi khi có người vẫn nhất định không chấp nhận. Trong trường hợp ấy, đảng-ủy cử một giáo-viên đến tận nhà để đả thông tư tưởng cho học viên kể trên. Nếu giáo-viên đả thông không nổi thì ông Trường-chinh, Tổng bí thư Ðảng đến. Nếu ông Trường-chinh cũng không thuyết-phục nổi thì ông Hồ thân hành đến để thuyết phục cho kỳ được. Theo sự hiểu biết của tác giả thì chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi.
7 - Trong thời gian ấy ban giáo-ủy tổ chức một vài-buổi thực-nghiệm. Thí dụ, trong khi học bài về chế-độ thực dân thì Ðảng mời một cán-bộ trước kia đã bị giam ở Sơn-la hoặc Lao-bảo đến kể chuyện cho cả lớp nghe ngày trước họ bị hành hạ dã man như thế nào. Trong khi học bài nói về Cải-cách Ruộng-đất, thì cả lớp được đi dự một cuộc đấu tố gần đấy.
8. - Sau khi học xong một bài, nghĩa là tất cả học viên đã hoàn toàn công nhận quan điểm của Ðảng đối với vấn-đề trình bày trong bài, thì mỗi người bắt đầu viết một bài "kiểm thảo sơ bộ". Mỗi học-viên phải căn cứ vào những điểm mới học được để tự xét mình và nói ra những hành-động và tư-tưởng mà bây giờ, nhờ sụ giáo-dục của Ðảng, mình nhận thấy là sai. Thí dụ, sau khi học xong bài về chế-độ thực-dân thì học-viên phải bộc lộ thái-độ của mình đối với Pháp trước kia, những ý nghĩ hoặc cử-chỉ xét thấy có thể có lợi cho chính-quyền thực-dân. Nếu học-viên không hề làm công-chức cho Pháp thì ít ra cũng phải "bộc lộ" những tư-tưởng hoặc ý nghĩ "không yêu nước". Tỉ dụ, một người ngắm một máy bay Pháp đang lồng lộn bắn phá mà trong lòng hâm mộ tài nghệ của viên phi-công khéo lái chiếc máy bay. Nếu thành thật yêu nước thì đúng lý, chỉ căm thù đối với viên phi-công ấy, không được phép cảm phục. Ðể giúp các học-viên nhớ lại các "tội lỗi" cũ, ban giáo ủy đọc cho cả lớp nghe một bản lược-kê những "tội lỗi" và học-viên mấy khóa trước đã bộc lộ. Ban giáo-ủy cũng đọc cho nghe những bản bộc lộ điển hình của mấy nhân vật có tiếng tăm, nghệ-sĩ, văn-sĩ, như Nguyễn-Tuân chẳng hạn.
9. - Sau khi mọi người đã viết xong bản "kiểm-thảo sơ bộ" thì tổ-trưởng mang nộp cho ban giáo-ủy. Ban giáo ủy đọc qua và chọn những bản xuất-sắc nhất, nghĩa là những bản kê khai những tội ghê gớm nhất, rồi mời tác-giả mấy bản kiểm-thảo này ra trước lớp học bộc lộ công khai cho cho mọi ngườI thưởng-thức. Cả lớp chăm chú nghe thỉnh-thoảng hô "Ðả đảo (tội lỗi nào đó)", nhưng cấm không được ghi chép. Có người công khai thú-nhận đã làm Việt gian cho Pháp ; có người vừa khóc nức nở vừa bộc lộ là đã gian-dâm với em gái. Không ai hiểu họ nói thực hay họ bịa để tâng bốc Ðảng, ra vẻ nhờ Ðảng đã giáo-dục mà nay quyết tâm lột bỏ cái "xác" dơ bẩn thuở trước. Nhưng nói chung thì người nghe có cảm tưởng thanh-niên có vẻ thành thực hơn mấy người đứng tuổi.
10. - Sau khi học hết chương-trình, mỗi học-viên phải viết một bản lý-lịch và một "tổng kiểmthảo". Nhà trường dành riêng cho hai tuần để viết hai bản này, mỗi bản viết vào một quyển vở 60 trang, và viết hai lần, tức là bốn quyển vở tất cả.
Bản lý-lịch ghi đủ tên, họ, nơi và ngày sinh, lịch trình học vấn, nghề-nghiệp, chức-vụ, khả năng về ngoại ngữ, bằng cấp, thành-tích công tác, khen thưởng, vân vân... Ðiểm đặc-biệt là phải khai mọI khoản rất tinh tường. Tỉ dụ về thành-phần phải khai rõ ba họ : họ nội, ho ngoại, họ nhà vợ (hoặc nhà chồng) cho đến tam đại. Phải nêu rõ ảnh-hưởng tốt hoặc xấu của những người trong gia đình và trong ba họ. Học-viên cũng phải khai ảnh hưởng của thầy hoặc cô giáo, của ban học, của đồng nghiệp, ảnh-hưởng của các sách vở đã đọc, của các tác giả, các nhà văn, những triết-lý nào đã ảnh-hưởng để tính tình và tư-tưởng của mình. Sau đấy phải ghi rõ những tư-tưởng và hành-động chính-trị, giải-thích cặn kẽ lý do tạI sao đã thay đổi tư-tưởng. Cuối cùng học-viên phải trả lời những câu hỏi như : công-tác hiện-thời ? Lương bổng ? Tài sản ? Gia cảnh ? Ðời sống gia-đình ? Tình-hình tài chính ? vân vân... Bản lý-lịch đầy đủ tới mức bất cứ ai đọc cũng biết ngay hoàn cảnh và thành phần của đương sự, có thể nhận định đương sự là hạng người như thế nào.
Viết bản "Tổng kiểm-thảo" là công việc khó khăn và cực nhọc nhất, mặc dầu mọi người đã từng hơi quen với công việc bằng cách viết các bản "kiểm-thảo sơ bộ", sau mỗi bài học. Thú nhận các tội lỗI không phải là việc khó, mà chỉ khó ở chỗ không "moi" đâu ra cho đủ tội lỗi sai lầm, thiếu sót, để viết cho đầy 60 trang giấy và kết quả là những người càng trong trắng bao nhiêu càng thấy khó bấy nhiêu. Tuy nhiên khó dễ cũng tùy thành phần xã-hội và hoàn cảnh sinh hoạt của mỗi người. Ðối với văn-sĩ chẳng hạn thì bộc lộ sai lầm tương đối rất dễ. Họ chỉ việc điểm lại tất cả các-phẩm họ đã từng viết, nêu lên những đoạn sai lầm, công-nhận là đã bị ảnh hưởng của phong-kiến thực-dân, "tán" rộng ra một chút là đủ 60 trang. Các nhà văn phần nhiều là người thành thị tản cư vào vùng kháng chiến nên không có liên hệ với địa-chủ. Do đó họ không lo ngại về vấn-đề Cải-cách Ruộng-đất và không cần phải bộc lộ những trọng tội đối với nông-dân. Văn-nghệ-sĩ chỉ cần phải "tự phê" một cách nghiêm khắc, "đấm ngực xưng tội và từ bỏ" tất cả các sáng tác cũ, dù là tác-phẩm hay nhất của mình. Nhưng về phần kết-luận các văn-nghệ- sĩ vẫn phải tỏ ý tán thành chính sách Cải-cách Ruộng-đất mặc dầu không có liên-hệ trực-tiếp.
Trái lại, viết bản "Tổng kiểm-thảo" quả là gay go đối với những học-viên thuộc thành-phần địa-chủ, vì họ bị lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan : hoặc phải tự gán cho mình đủ thứ tội lỗi đối với nông-dân, hoặc để mặc nông-dân quy định mình là địa-chủ gian-ác khi nào chiến-dịch Cải-cách Ruộng đất lan đến làng mình. Họ bị kẹp ở giữa hai gọng kìm : một bên là tam-đoạn-luận "Ðịa-chủ là gian-ác, anh là địa-chủ, vậy thế tất anh phải gian ác" và một bên là lời cảnh cáo rất nhẹ nhàng "Nếu anh không chịu bộc lộ hết tội lỗi thì nông-dân bộc lộ hộ anh". Trước khi khai giảng lớp chỉnh huấn thì ở một vài nơi, gọi là thí-điểm, chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất bắt đầu, và các học-viên đều biết nông-dân không được tự do muốn tố gì thì tố (nếu họ tự ý tố, Ðảng không chấp nhận), mà trái lại bao giờ họ cũng tố theo lời chỉ dẫn của Ðảng. Người kém thong-minh nhất cũng hiểu rằng chỉnh-huấn là cơ-hội cuối cùng để thoát thân, bằng cách thú cho thật nhiều tộI và tỏ cho Ðảng thấy là mình đã hoàn toàn "lột xác". Nếu chỉnh-huấn "thành công" thì Ðảng sẽ không coi là ngoan cố, và sẽ chỉ thị cho địa phương xếp đặt vào thành-phần khác, không phải là địa-chủ.
Mọi người đều phải tự đặt một câu hỏi : "Moi đầu moi óc mà tìm mãi không ra tội, vậy có nên ’sáng tác’ ra một vài tội không ?" Một số người quả thực đã "sáng tác" rất nhiều tội, nhưng không chắc là đã thành-công vì muốn vừa lòng Ðảng, phải bộc lộ cho đúng những tội lỗi mà Ðảng đương chờ nơi mình. Ngay hôm lớp học mới khai giảng, mỗi học-viên đã phải khai rõ những nơi trú ngụ từ trước tớI nay, và những cơ quan đã từng hoạt động, và tức-khắc đảng-ủy đã đánh điện hỏi về tính-nết và hành vi của đương sự. Vì vậy nên Ðảng chỉ thực sự tin tưởng là đương sự đã hoán cải, khi nào đương sự thú nhận đúng những tội trạng có ghi trong hồ sơ bí-mật của Ðảng. Một việc khác cũng khó lường là rất có thể một học-viên nào đó, trong khi thú-nhận một tội lỗi nào đó đã khai mình là chính phạm mà hắn chỉ tòng phạm. Tóm lại, vấn-đề nan giải là phải tìm ra những tội nào mà Ðảng đương trông chờ nơi mình.
Bộc lộ một tội A sẽ không ăn nhằm, nếu trong hồ sơ của Ðảng tội mình lại là B, chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu bộc lộ những tội có tính cách "phổ thông" như chiếm đoạt của nông dân một vài thứ gì đó hoặc hiếp dâm một vài cô gái quê cũng chẳng tội vạ gì, mà may ra lại trúng ý Ðảng vì lẽ thứ nhất là toàn thể giai cấp địa-chủ không ai không bị "tố" những tội kể trên và lẽ thứ hai là Ðảng đã trịnh trọng tuyên bố rằng "bất cứ tội gì, hễ thành thật bộc-lộ sẽ được tha thứ".
Tuy nhiên cũng có một số học-viên, vì khí khái "tiểu-tư-sản" không chịu "sáng tác" tội lỗi để viết cho đầy trang, mà trái lại chỉ ngồi ngậm bút hoặc kê khai những "thiếu sót" vớ vẩn không đáng kể là "tội", không vừa ý Ðảng. Như vậy là hễ chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất lan tới làng họ, những học-viên kể trên thế tất sẽ bị quy là "địa-chủ cường-hào gian-ác" và sẽ bị "tố" vô số tội lỗi tầy trời.
Chỉnh-huấn quả thực là một nơi luyện tội để những linh hồn không được trong sạch lắm, nhưng còn có thể cứu vớt được, trút rửa tất cả những tư-tưởng phản-động để thoát khỏi địa-ngục "kẻ thù của nhân dân". Số phận những người bị rơi vào địa-ngục này sẽ trình-bày ở Chương 14 và 15.

Chương 12

NĂM BÀI HỌC

Khóa Chỉnh-huấn 1953-54 gồm có năm bài học :
Bài thứ nhất : Thái-độ học-tập.
Bài thứ hai : Lịch-sử Cách-mạng Việt-nam.
Bài thứ ba : Tình-hình mới, nhiệm-vụ mới.
Bài thứ tư : Tác-phong cán-bộ và đảng-viên.
Bài thứ năm : Cải-cách Ruộng-đất.

1. THÁI-ÐỘ HỌC-TẬP
Bài này giảng về thái-độ đúng đắn của học-viên trong lớp chỉnh-huấn. Mỗi người phải có thái-độ "thực-sự cầu-thị" nghĩa là thành-tâm học hỏi để mong "tiến-bộ" cho bản thân, không được "vờ vịt" làm bộ hối cải để mong đánh lừa Ðảng. Mỗi lần phê-bình bạn, phải có tinh thần "chữa bệnh cứu người", nghĩa là yêu bạn mà chữa cho bạn thoát khỏi những tư-tưởng phản-động để bạn chóng lành mạnh, in hệt tinh-thần của một bác-sĩ chữa bệnh cho bệnh-nhân. Ðảng cấm dùng "dao to búa lớn", cấm "chụp-mũ", "truy-kích", những phương-pháp trước kia thường dùng trong phong-trào kiểm thảo. Chính trong khi giảng dạy bài này Ðảng-ủy đã đưa ra lời hứa và lời đe-dọa có liên-can đến Cải-cách Ruộng-đất. Ðảng nói : "Bất cứ tội nặng bằng mấy, nhưng hễ thành thực bộc lộ cũng sẽ được hoàn toàn tha thứ" và "Nếu đồng-chí không chịu bộc lộ ngay bây giờ thì sau này anh em nông-dân sẽ bộc lộ hộ cho đồng-chí". Nhờ có lời đe-dọa này mà mọi người đều phải ráng sức học tập, mặc dù Ðảng không xử-dụng những phương-pháp khủng-bố tinh-thần khác, vì mỗi người đều cảm thấy có một chiếc gươm của ông Damoclès treo lủng lẳng trên đầu mình. Trong tình-trạng ấy, tất nhiên mọi người đều ráng sức học tập và tuân theo lời Ðảng.
Những người khôn ngoan không ngần ngại, lúc đầu làm ra bộ hết sức phản-động, nêu nhiều thắc mắc rất lớn, rồi về sau bộc lộ rất nhiều tội lỗi, cũng rất lớn, để chứng minh rằng nhờ có chỉnh-huấn mà mình đã hoàn toàn "lột xác", quyết-tâm đi hẳn vào con đường mới do Ðảng đã chỉ dẫn cho mình theo.

2. LỊCH-SỬ CÁCH-MẠNG VIỆT-NAM
Ðây là một bài giảng về lịch-sử Cách-mạng Việt-nam dưới quan-điểm đấu-tranh giai-cấp. Ðại-khái có những điểm như sau :
1. - Thực-dân là một chế-độ hết sức tàn ác và những công-cuộc khai-hóa của người Pháp ở Việt.Nam chỉ nhầm mục-đích phục-vụ quyền-lợi ích-kỷ của họ. Họ mở đại học và các trường chuyên-nghiệp để đào-tạo thêm tay sai, làm đường xe-lửa để chuyên-chở hàng-hóa, vật-liệu của họ đắp đập và đào sông nông-giang dẫn nước để tăng thêm thuế ruộng. Vì vậy nên mọi người Việt-nam đều có nhiệm-vụ đấu-tranh chống Pháp, đuổi Pháp ra khỏi lãnh-thổ Việt-nam.
2. - Suốt trong thời-kỳ Pháp-thuộc ngọn lửa Cách-mạng lúc nào cũng bùng cháy, nhưng tất cả các cuộc khởi loạn đều đã thất-bại vì lẽ giới lãnh-đạo thuộc thành-phần phong-kiến hoặc trí-thức tiểu-tư-sản, không được quảng-đại quần-chúng ủng-hộ.
3. - Nhưng từ ngày Ðông-Dương Cộng-sản Ðảng ra đời năm 1930, thì Cách-mạng Việt-nam tiến-bộ rất nhanh và rất vững-vàng. Ðấy là nhờ ở chủ-nghĩa Mác-lê, ở sự lãnh-đạo sáng-suốt của Trung-ương Ðảng-bộ và nhờ ở kinh-nghiệm quý báu của Cách-mạng Thế-giới. Vì vậy nên mọi người nhiệt thành yêu nước phải tham-gia kháng chiến chống Pháp và chấp nhận sự lãnh-đạo của Ðảng Lao-động.
Mục đích của bài này là thuyết phục mọi người về một điểm : Cộng-sản tức là yêu nước, và mọi người yêu nước phải gia-nhập Ðảng Cộng-sản, hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận sự lãnh-đạo của Cộng-sản.

3. TÌNH-HÌNH MỚI, NHIỆM VỤ MỚI
Bài học bắt đầu bằng một bản báo-cáo về tình-hình trong nước. Cả lớp đều hết sức phấn khởi khi nghe giảng-viện báo tin những thắng-lợi mới nhất về quân-sự và ngoại-giao (chiến thắng ở Lào, và Việt-nam Dân-chủ Cộng-Hòa được tất cả các nước xã-hội công nhận). Giảng-viên cũng trình bày tầm quan-trọng và tích-cách bất vụ lợi của việc Liên-xô và Trung-quốc viện trợ Việt-nam, so sánh nền kinh-tế tư-bản và nền kinh-tế cộng-sản nhấn mạnh về quân-lực của Liên-xô và tài lực của Trung Cộng. Ðưa ra một tỉ-dụ nhỏ, giảng-viên nói hiện không có một công ty tư bản nào có đủ tiền để mua số lông lợn do Mậu dịch Trung quốc thu-nhập trong một năm. Giảng-viên phân tích kỹ-lưỡng tình-hình thế-giới và tình-hình trong nước để kết-luận rằng chế-độ tư-bản đã đến ngày tàn và, mặc dầu được đế-quốc Mỹ viện-trợ quân-sự, thực-dân Pháp thế nào cũng thất-bại. Nhưng vì Mỹ can-thiệp giúp Pháp và Pháp đương gắng sức phá-hoại nền đoàn-kết dân-tộc nên hiện nay tình-hình rất khẩn-trương. Muốn đạt tới thắng lợi hoàn toàn, chính-phủ và nhân-dân phải thực hiện ngay một số nhiệm-vụ khẩn cấp như :
1. - Thành-lập chế-độ đân-chủ nhân-dân chuyên chính nghĩa là dân-chủ đối với nhân-dân và chuyên-chính đối với "kẻ thù của nhân-dân". Chính-thể phải vừa dân-chủ vừa chuyên-chính (độc-tài) vì "chúng ta có dân-chủ với nhân-dân mới có thể chuyên-chính với kẻ thù, và chúng ta phải chuyên-chính đối với kẻ thù mới có thể bảo-vệ được chế-độ dân-chủ nhân-dân".
2. - Cần phải tăng-cường đoàn-kết toàn dân bằng các loại trừ những phần-tử phản-động trong guồng máy hành chính và để cho giai-cấp vô-sản tham-dự chính-quyền.
3. - Cần phải liên-kết mật thiết với các nước trong khối xã-hội chủ-nghĩa vì Cách-mạng Việt-nam rất cần sự viện-trợ của họ.
Có một điểm rất đáng chú ý là nhiều học-viên tỏ thái-độ thắc-mắc về chính sách kết liên với các nước xã-hội chủ nghĩa. Họ viện lẽ rằng nhiều nước như Ấn-Ðộ và In-đô-nê-si chẳng cần liên kết với khối nào mà vẫn kiện toàn được nền độc-lập. Hơn thế nữa, vì họ đứng trung-lập giữa hai khối nên cả hai đều phải kính nể họ. Do đó họ chiếm được ưu-thế trên luận-đàn thế-giới. Nhiều học-viên rất thắc-mắc về điểm này, không giảng-viên nào "đả thông" nổi, khiến cuối cùng, ông Hồ phải thân chinh đến thuyết phục từng người. Ông đả phá chủ-trương "trung-lập", ông gọi các nước trung-lập là những nước "làm đĩ chính-trị", nay ngả với phe này, mai ngả với phe khác để kiếm ăn. Khi nói chuyện với cả lớp và nhân nhắc đến thái độ trung-lập, không dứt khoát lập-trường, ông Hồ nói : "Ðối với những chú không dứt khoát tư tưởng, còn đang lưng chừng, thì tôi khuyên nên dứt khoát ngay từ bây giờ : một bên là tổ-quốc, một bên là quân thù. Chú nào muốn ’dinh tê’ thì xin cứ việc. Công-an địa-phương sẽ cấp giấy ngay tức khắc". Nghĩ một lúc; ông nói : "Có hai ghế trước mặt. Các chú muốn ngồi cái ghế nào thì tùy ý trọn. Nhưng tôi khuyên chớ ngồi giữa hai chiếc ghế, vì ngồi như thế có cơ ngã xuống đất lúc nào không biết".

4. TÁC-PHONG CÁN-BỘ VÀ ÐẢNG-VIÊN
Bài này giảng về tác-phong đúng đắn của cán-bộ và đảng-viên, nhưng học-viên chia làm hai nhóm. Cán-bộ học riêng và đảng-viên học riêng. Ðối với cán-bộ ngoài đảng thì bài học cũng đại-khái như cuốn Sửa Ðổi Lề Lối Làm Việc1 do chính ông Hồ viết năm 1946. Trong cuốn sách nhỏ này ông Hồ đã kê khai những thói hư tật xấu của công chức dưới thời Pháp thuộc, như tham-ô, lười biếng, nịnh trên nạt dưới, hống hách với nhân dân. Một điều đảng chú ý là từ ngày ông Hồ lên án những tật xấu này guồng máy chính-quyền của chính-phủ kháng-chiến gần như đã trở nên trong sạch hẳn, nhưng nhiều tật xấu lạI tái phát từ ngày thành-lập chế-độ vô-sản chuyên chính, năm 1954. Cũng những thói xấu ấy lại nẩy nở thêm dưới chế-độ Bảo Ðại và phát-triển tới mức chưa từng thấy dưới chính-thể Diệm Nhu ở miền Nam.
Ngoài những thói xấu vốn có từ thời Pháp thuộc mà ông Hồ đã kê khai trong cuốn Sửa Ðổi Lề Lối Làm Việc, bài học trong khóa chỉnh-huấn còn nêu thêm "bệnh" mới như : tả-khuynh và hữu-khuynh, cơ hội, tiêu-cực, trùm chăn, lãng-mạn, chủ-quan, mất lập-trường, mất cảnh giác, tự do (thích tự-do cá nhân), bè phái, làm láo báo cáo hay, dân-chủ quá trớn, bất mãn và vô số những bệnh thuộc về tư-tưởng khác. Có một điểm đặc-biệt là đối với các học-viên không đảng thì tất cả các thói hư tật xấu này đều trút lên đầu giai-cấp địa-chủ và muốn diệt trừ những "chứng bệnh truyền nhiểm" này, Ðảng dạy mọi người phải dứt khoát với giai-cấp địa-chủ và lật đổ giai-cấp xấu xa ấy. Nhưng đối với các đảng-viên, Ðảng lại giảng rằng có một số bệnh phảt-xuất từ tư-tưởng tiểu-tư sản, và Ðảng dạy các đảng-viên phải tích-cực đấu-tranh chống tư-tưởng tiểu-tư-sản (Tác-giả không phải là đảng-viên nên chỉ biết qua loa như vậy, không biết được nhiều điều giảng dạy khác).
Sau khi học xong bài này, các đảng-viên bộc lộ riêng, những học-viên không đảng không được dự ; nhưng trái lại các đảng-viên vẫn dự những buổi bộc lộ công khai của những học-viên không đảng. Tất cả đều bộc lộ những "bệnh" có liên quan đến bài học, và có một bệnh được mọi người ưa nghe nhất là bệnh hủ-hóa . một danh-từ mới có nghĩa là dâm-ô. Nhiều học-viên theo tinh-thần của Jean-Jacques Rousseau và lối trình bày của Francoise Sagan vanh vách kể hết những chuyện dâm-ô với các bạn gái, nữ đồng-sự, chị em họ và ngay cả chị em ruột. Có một anh sau khi kể hết cho cả lớp nghe những "chiến-công oanh-liệt" của mình có thể so sánh với những thành-tích của Casanova, đột nhiên kết luận : "Bây giờ nhờ ơn Ðảng đã dạy dỗ, tôi hết sức hổ thẹn, không giám nhìn mặt một nạn-nhân cũ của tôi hiện đương có mặt tại đây". Tự-nhiên anh chàng tung ra "quả bom" này, khiến cả hội-trường xôn xao và giới phụ-nữ đỏ mặt tía tai. Về sau mọi người to nhỏ với nhau là anh chàng chủ tâm trả thù một nữ học-viên ngày trước có gian díu với anh nhưng đã bỏ anh để gắn bó với một người khác cũng có mặt trong lớp học. Câu chuyện trên đây chứng tỏ rằng bộc-lộ có thể có nhiều động-cơ khác, không hẳn chỉ có chủ-tâm cải-thiện linh-hồn bị xa ngã. Sự thực thì bệnh dâm-ô là một bệnh khá phổ-biến trong vùng cộng-sản kiểm-soát. Lúc đầu Ðảng có ý làm ngơ để phụ-nữ có cảm-tưởng được hoàn-toàn giải-phóng khỏi những "ách" của phong-kiến trong đó có "tam tòng, tứ đức" của Nho-giáo. Ly-dị được hết sức dễ dàng, nếu không phải là được khuyến-khích trong nhiều trường-hợp Khiêu-vũ là một thứ mà người Việt đẵ quên từ ngàn xưa thì nay được Ðảng đề cao trở lại, bằng cách truyền-bá một số vũ-điệu nhập cảng từ Trung-quốc như "xôn lá xôn", "yêu hòa-bình", v.v... Lúc đầu nam nữ chỉ cầm tay, lượn đi lượn lại như múa rồng múa rắn, nhưng dần dà tiến tới những điệu mà nam nữ cũng ôm nhau theo kiểu khiêu-vũ của tây-phương. Tại nhiều nơi, phụ-nữ đi chợ phải nhảy một vài bước để tỏ ra có học nhảy mới được cán-bộ cho vào chợ mua bán. Chữ "Cô" bị coi là "phong-kiến" và gạt hẳn ra ngoài tự-vựng Việt-nam. Mọi người, không kể là chưa chồng hay đã có chồng đều được gọi là chị, nếu là "quần chúng", và gọi là "đồng-chí" nếu là đảng-viên. Thanh-niên nam nữ được tự do hẹn hò để "tìm-hiểu" không cần phải xin phép cha mẹ. Có trường-hợp một nữ-sinh bị phê-bình là "phong-kiến" vì không chịu chụp ảnh chung với một nam-sinh.

----------------------------------------

1 Sửa Ðổi Lề Lối Làm Việc . Nhà xuất-bản Sự Thật. Cuốn sách mang tên XVZ, bút hiệu của ông Hồ.
---------------------------------------


Sự giao thiệp giữa trai gái rất lỏng lẻo, nhưng chúng ta cũng phải thành thực công nhận chính sách đả phá tinh thần "nam nữ thụ thụ bất thân" của cộng-sản đã làm cho phụ-nữ miền Bắc hết sức tự-nhiên, không còn e lệ như phụ-nữ thuở xưa và bạo dạn hơn phụ-nữ ở miền Nam, chưa nói đến phụ-nữ các nước Á-châu khác. Những chính sách cởi mở của cộng-sản như cho phép tự-do luyến-ái, dễ dàng cho ly-dị không nhằm mục-đích giải-phóng phụ-nữ thực-sự, mà cốt ngấm ngầm hủy bỏ quyền lực của các phụ-huynh, để thay thế bằng quyền lực của Ðảng. Tỉ-dụ : theo pháp-luật thì trai gái vị thành-niên phảI được bố mẹ cho phép mới được kết hôn, nhưng thực tế bố mẹ không có quyền vì trong bản giá-thú không có chỗ dành cho bố mẹ ký tên. Một mặt khác, năm 1951 Ðảng ra chỉ-thị buộc các đảng-viên cấp xã phải báo-cáo trước khi kết hôn, cán-bộ cấp tỉnh phải được sự đồng-ý của Ðảng, còn đảng-viên cao cấp trong chính-quyền hoặc trong quân-đội thì sự lấy vợ lấy chồng là do Ðảng xây-dựng. Kết quả là việc trăm năm chăn gối không còn mang nặng tính chất "môn đăng hộ đối" mà cũng không dựa trên nền tảng luyến ái. Tiêu chuẩn mới của hôn phối là lập trường và công tác chính-trị.
Nạn dâm-ô hủ-hóa tràn lan trong mấy năm đầu, một phần tại chính sách thả lỏng của Ðảng, nhưng một phần lớn cũng tại tình trạng sinh hoạt trong mấy năm kháng-chiến, gây nên nhiều trường hợp quá dễ dàng. Thanh-niên nam nữ năng hội họp và học-tập ban đêm, công-chức và học-sinh trú-ngụ thường xuyên trong gia-đình nông-dân mà thường khi chỉ có đàn bà con gái ở nhà, vì đàn ông thường phải đi "dân công" hàng tháng không về. Những người buôn bán cũng di chuyển về ban đêm và đến đâu cũng chỉ việc gõ cửa là có chỗ ngủ. Tình trạng thường xảy ra là trong khi chồng đi dân công vắng, người vợ ở nhà dễ dàng ngoại tình với người đàn ông khác đến ngủ nhờ trong khi đi dân công. Tình trạng nghiêm trọng đến nổi nhiều người thoái thác mọi lẽ để không đi dân công, nhưng thực sự là muốn ở nhà để "canh" vợ. Tới mức đó, Ðảng trông thấy mối nguy lớn nên tích cực đả phá nạn hủ-hóa. Một vấn-đề khác cũng được đặt ra là vấn-đề đa-thê. Trong thời gian kháng-chiến nhiều ngườI thất lạc vợ con và muốn cho cuộc đời ở hậu-phương đỡ "hiu quạnh", đã lấy "tạm" một người khác vì không biết ngày nào mới gặp lại gia-đình chính-thức. Có nhiều cán-bộ cho vợ về thành để chạy chọt tiền nong, nhưng các bà vợ tiểu-tư-sản cứ ở lì, không muốn trở lại chiến khu. Các ông chồng chờ mãi không thấy vợ ra phải lấy vợ khác, nên đến khi tiếp thu Hà-Nội, họ trở về với hai vợ, một vợ "tề" và một vợ "kháng-chiến". Nhiều cán-bộ cao-cấp đã cưới vợ mới để "xứng" với địa-vị mới. Ðấy là trường-hợp của ông Hoàng-minh-Giám, bộ trưởng bộ văn-hóa, ông Trần-huy-Liệu, nguyên bộ-trưởng bộ tuyên truyền và ông Ðặng-kim-Giang, bộ-trưởng bộ quân-nhu. Có người kể chuyện ông Hồ phải thân hành đến đả-thông trong suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Trần-huy-Liệu mới chịu công nhận có ba vợ là một khuyết-điềm, đặc biệt là bà Ba lại là vợ góa của Phạm-giao, con Phạm-Quỳnh. Cả hai bố con đều bị Việt Minh lên án "Việt-gian" và thủ tiêu năm 1945.
Có một điều cần phải xác-định là nạn hủ-hóa không hề có trong hàng ngũ quân-đội nhân-dân. Kỷ-luật hết sức khắt khe và hễ hiếp dâm là bị lên án tử hình. Vì vậy nên có trường-hợp một cô gái quê, sau khi bị hiếp-dâm, nhưng vì thương tình anh vệ-quốc-quân đã hiếp dâm mình, vội vã khai trước tòa rằng chị ta đã "xung phong ủng-hộ bộ-đội". Mục-đích của Ðảng, là bắt buộc bộ-đội phải cư-xử hết sức đứng đắn với nhân-dân những vùng mới giải-phóng để kéo họ về phe kháng-chiến, trái ngược với tư cách của quân-đội viễn-chinh của Pháp. Chính nhờ kỷ-luật sắt của quân-đội cộng-sản mà một phần lớn họ được nhân-đân quý mến, khiến họ chiến-thắng quân-đội Pháp tương đối dễ dàng.
Câu chuyện sau đây chứng tỏ kỷ-luật sắt trong hàng ngũ quân-đội cộng-sản. Trong cuộc Tây-tiến năm 1950, quân đội Việt-minh đóng ở Sơn La thường bị con gái Thái ở địa-phương trêu ghẹo. Con gái Thái không có tập tục "nam nữ thụ thụ bất thân" nên không e lệ như con gái miền xuôi và thường tròng ghẹo bất cứ thanh-niên nào đặt chân đến bản thôn của họ. Nhưng họ hết sức ngạc nhiên khi thấy "bộ độI Cụ Hồ" cứ trơ như đá, vững như đồng, và họ đồn đại là Cụ Hồ đã thiến lính trước khi đưa họ ra trận.
Một điểm khác cần được chú ý là bộ-đội, mặc dầu có vợ cũng rất khó khăn mới được phép về thăm gia-đình. Có người tin rằng cộng-sản nhằm mục-đích nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ-đội. Lời giải-thích này kể ra cũng hơi có lý vì thông thường những người nuôi gà chọi và ngựa đua vẫn áp dụng chính sách ấy: Tóm lại "thả lỏng" hay "kỷ-luật sắt đá" đều tùy thuộc nhu cầu của Cách-mạng. Việc Cộng-sản có thể tùy thời áp dụng hai chính-sách trái ngược chứng tỏ Cộng-sản nắm vững chiến-thuật xử dụng mọi biện pháp để thực-hiện một cứu-cánh tối hậu.

5. CẢI CÁCH RUỘNG-ÐẤT
Như đã trình bày ở trên, mục-đích chính của khóa chỉnh huấn 1953-54 là chuẩn bị tư-tưởng cho chiến-dịch Cải cách Ruộng-đất, nghĩa là thuyết-phục đảng-viên và cán-bộ bắt họ phải công nhận sự cần-thiết và chính-sách thực hiện Cải-cách Ruộng-đất. Tất cả vấn-đề là, mặc dầu Ðảng đã nắm quyền sinh quyền sát, Ðảng không muốn thực hiện Cải-cách Ruộng-đất bằng sắc lệnh và nghị-định từ trên ban xuống, mà Ðảng muốn "phóng tay phát-đòn quần-chúng đấu-tranh", nghĩa là dùng hình-thức quần-chúng bạo-động. Tất cả năm bài học trong khóa chỉnh-huấn này đều được xếp đặt trước sau theo một thứ-tự rất khôn ngoan, cốt để lái học-sinh, phát xuất từ lòng yêu nước tự-nhiên và bồng-bột đến chỗ chấp nhận việc thi-hành chính-sách Cải-cách Ruộng-đất theo đúng sách-lược Mao-Trạch-Ðông. Muốn tới kết quả như vậy, công-tác tư-tưởng phải chia thành nhiều giai-đoạn tuần tự. Bài học mở đầu bằng cách nhắc lại một vài điểm quan trọng đã giảng trong các bài trước. Chế-độ thực-dân rất ác-nghiệt, nên mọi người yêu nước phải tích cực kháng-chiến chống thực-dân. Các phongtrào quốc-gia đều thất bại, vì không lôi kéo được quảng-đại quần chúng. Bây giờ nhờ có sự chỉ dẫn của Bác Hồ và Bác Mao . những đệ-tử trung thành của Mác, Lê-nin và Sít-ta-lin . chúng ta đã huy-động được sự tham-gia đông đảo của các đồng-chí nông-dân. Nhờ có sự tham-gia cách mạng của nông-dân nên kháng-chiến đã thành-công rất lớn Hiện nay anh chị em nông-dân là lực-lượng bản-bộ của kháng-chiến.

Sau khi nhắc lại những điểm này, bài học mới thực sự đi vào việc thuyết-phục học-viên về chính-sách Cải-cách Ruộng-đất :
1. - Bản chất anh chị em nông-dân là rất "thực-tế" (tránh chữ hám lợi). Trong khi anh chị em tích cực tham-gia kháng-chiến chịu đựng hy-sinh, anh chị em cũng muốn được hưởng ngay tức khắc một vài quyền-lợi vật-chất và tinh-thần. Vì vậy nên, nếu chúng ta muốn anh chị em nông-dân tích-cực hơn nữa, chúng ta phải làm cho anh chị em phến khởi thêm bằng cách cấp-phát cho mọi người có đủ ruộng-đất để cày cấy, và để các anh chị em có toàn quyền tự làm chủ-nhân-ông lấy vận-mạng của mình.
2. - Ðường-lối của Ðảng, nói chung vẫn đúng, nhưng Ðảng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong việc chấp-nhận giai-cấp địa-chủ là một trong bốn thành-phần chính yếu của chế-độ dân-chủ nhân-dân. Thực-tế đã cho chúng ta biết là giai-cấp địa-chủ không phải là bạn của nhân dân, mà là kẻ thù số một của chế-độ dân-chủ nhân-dân.
3. - Nhưng chỉ có anh chị em nông-dân mới biết rõ ai là địa-chủ và mỗi tên địa-chủ phản-động tới mức nào và đã phạm những tội ác gì. Vì vậy chúng ta phải "phóng tay" phát-động các anh chị em nông dân "tố-khổ" và trị tội bọn chúng. Ðấy là công việc của anh chị em nông-dân, còn về phần Ðảng chỉ giữ nhiệm vụ "hướng-đẫn". Ðảng không trực-tiếp lãnh-đạo.

Có một điểm cần được nêu lên là chiến-thuật Cải-cách Ruộng-đất do ông Mao thiết-lập cho Trung-quốc, có nhiều chỗ không phù hợp với tình-hình Việt-nam vì giữa hai nước tình-trạng chiếm-hữu ruộng-đất có mấy điểm sai-biệt như sau :
(a) Chế-độ phong-kiến phát-triển rất mạnh ở Trung-Hoa và vẫn duy-trì được ưu-thế dưới chính-thể Quốc Dân-đảng. Các địa-chủ lớn ở Trung-Hoa đồng-thời cũng là quân-phiệt, có quân-đội riêng, tự đặt ra pháp-luật, mặc-sức bóc-lột và áp-chế nông-dân theo kiểu các tiểu-vương thuở xưa. Tình-trạng ở Việt-nam lại khác hẳn. Người Việt Nam thuộc chủng-tộc In-đô-nê-si (cùng một nguồn-gốc với ngườI Mường và người Mọi) mà đặc-tính là tinh thần "làng bản", một di-tích của chế-độ cộng-sản nguyên-thủy.
Làng nào cũng có công-điền, công-thổ, và có khi tất cả ruộng-đất trồng-trọt trong một làng, hoặc trong một huyện đều là công-điền. Trong toàn cõi Việt-nam, 20 phần trărn ruộng-đất là công-điền. Việc sở-hữu tư-điền tất-nhiên không đồng đều, người có ít, người có nhiều, nhưng sự chênh-lệch không đến nỗi trầm-trọng như ở Trung-quốc. Có thể nói tình-trạng sở-hữu ruộng-đất ở Việt-nam tương đối đồng-đều hơn ở nhiều nước khác. Trước Thế-chiến thứ 2, nhà kinh-tế học người Pháp, ông Yves Henri, đã kê-khai việcphân-chia ruộng-đất ở Việt-nam như sau :

BẮC-KỲ
TRUNG-KỲ
NAM-KỲ
Ruộng-đất
Ðịa-chủ %
Diện-tích %
Ðịa-chủ %
Diện-tích %
Ðịa-chủ %
Diện-tích %
Trên 50 Ha
0,10
20
0,13
10
2,46
45
Từ 5 - 50 Ha
8,35
20
6
15
25,77
37
Dưới 5 Ha
90,88
40
93,80
50
71,73
15
Công-điền

20

25

3
Y Henri - Economie Agricole de l’Indochine (Hanoi, 1932). Bản này được chính-quyền Bắc-việt công nhận là đúng và trích đăng trong cuốn Xã Thôn Việt-nam, do nhà xuất bản Văn Sử-Ðịa, cơ quan nghiên-cứu chính-thức của Ðảng Lao động ấn-hành, Hanoi, năm 1959, trang 62.

(b) Trung-hoa là một quốc-gia độc-lập. Ðịa-chủ Trung-Hoa được chính-quyền Quốc-dân-đảng bênh-vực và che-chở. Trái lại, Việt-nam là một thuộc-địa, do ngoại-bang cai-trị. Do đó, dù là "giai cấp bốc lột" các địa-chủ Việt-nam vẫn bị chính-quyền thực-dân áp-bức và bóc-lột. Vì bản thân là nạn-nhân của chế-độ thực-dân nên địa-chủ Việt-Nam luôn luôn chống đối với chính-quyền thực-dân. Không ai chối cãi được rằng họ đã ủng-hộ Cách-mạng Việt-nam rất nhiều, nhất là về phương-diện tài-chính. Ngay cả Ðông Dương Cộng-sản Ðảng, phong-trào Việt-minh và phong-trào kháng chiến cũng quyên được của địa-chủ rất nhiều (Tuần-lễ vàng, ủng-hộ Bộ-đội địa-phương, v.v...) Sự-thực thì họ đóng góp rất nhiều công của cho chính-phủ kháng-chiến từ đầu cho đến ngày đương ở địa-vị "một thành-phần của chính-quyền dân-chủ nhân-dân", họ bị giáng xuống là "kẻ thù của nhân-dân".
(c) Khổng-giáo phát-xuất từ Trung-quốc, nhưng cũng bắt đầu xuy tàn từ Trung quốc, trong khi còn đương thịnh hành ở Việt-Nam. Trong mấy thế-kỷ gần đây, Trung-quốc trải qua nhiều triều-đại đốn bại, và nhất là sau cuộc Cách-mạng Tân-hợi thì tình-hình trở nên gần như vô chính-phủ ban ngày thì quân-phiệt sách-nhiễu, ban đêm thì thổ-phỉ hoành-hành. Việt-nam cũng trải qua nhiều triều-dại, nhưng lúc nào chế-độ vua quan cũng đặt trên nền tảng nho-giáo. Từ triều đình cho đến thôn xã giới thống-trị được chọn lọc trong đám khoa bảng, không có tình-trạng quân-phiệt hoặc tài-phiệt chiếm-đoạt chính-quyền như ở Trung-quốc.
(d) Trong 80 năm gần đây, Việt-nam là thuộc-địa của Pháp. Nhân dân Việt-nam có dịp đụng chạm với văn-hóa tây-phương một cách trực-tiếp hơn nhân-dân Trung-quốc. Sự va chạm giữa hai nền văn-hóa khác nhau tất nhiên gây nên nhiều tai hại trong xã-hội Việt-nam, nhưng đồng thời cũng mang lạI một vài ảnh-hưởng tốt. Một trong những ảnh hưởng này là sự hấp-thụ được tính lý-luận chính-xác và khúc-triết. Do đó, người Việt-nam và nhất là giới trí-thức Việt-nam không ưa những lối lý-luận hàm-hồ, quanh-co và "đại khái chủ-nghĩa". Nếu tính theo phần trăm dân-số thì những người có thể gọi là trí-thức ở Việt-nam nhiều hơn ở Trung-quốc bội phần.
Tất cả những điểm sai-biệt kể trên, và nhiều điểm dị-đồng về nhiều phương-diện khác nữa, khiến xã-hội Việt-Nam và xã-hội Trung-quốc có rất nhiều điểm không giống nhau, và vì vậy nên chiến-thuật Cải-cách Ruộng-đất từ Trung-quốc mang sang, không hợp với hoàn cảnh Việt-nam bằng hoàn cảnh Trung-quốc. Nói vậy không có nghĩa là công nhận chiến-thuật của họ Mao hoàn-toàn thích-hợp với hoàn cảnh Trung-quốc và tinh-thần của nhân-dân Trung-quốc.
Vì vậy nên việc Ðảng Lao-động muốn bắt giới trí-thức Việt-nam phải chấp-nhận chính-sách Cải-cách Ruộng-đất của Trung-quốc quả là một công việc gay go. Chính vì muốn bắt giới trí-thức Việt-nam phải "chịu liều thuốc Bắc", nên Ðảng đã tổ-chức khóa chỉnh-huấn 1953-54. Chúng tôi sẽ cố gắng trình-bày cặn-kẽ, vì toàn bộ quả thật là một mưu mô kỳ-diệu.
Tài-liệu học-tập chính trong bài thứ 5 này là bản bá-cáo của ông Trường-Chinh, đọc tại đại-hộI lần Thứ Nhất của Ðảng Lao-động, họp tại Việt Bắc, từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 2, 1953. Ðảng đã dùng ngay những luận-điệu của ông Trường-Chinh để cố gắng giải-thích, chứng-minh và thuyết-phục các học-viên trong lớp. Sau đây chúng tôi xin trích những đoạn quan trọng trong bản bá-cáo của ông Trường-Chinh. Chúng tôi viết thêm những tiểu-đề để nói rõ lên những điều ông Trường-Chinh không muốn nói rõ.

Chế-độ cũ là một chế-độ bóc-lột.
Ðịa-chủ Việt-nam không đầy 5 phần trăm dân-số mà cùng với đế-quốc chiếm đoạt vào khoảng 70 phần trăm ruộng đất trong nước, trong khi nông-dân, gồm 90 phần trăm dân-số, chỉ sở hữu chừng 30 phần trăm ruộng-đất.

Nếu chia đều ruộng-đất thì mỗi gia-đình sẽ được bao nhiêu ?
Ðất trồng tỉa trong toàn quốc có đến 5 triệu héc-ta. Nếu đem chia đều cho 5 triệu gia-đình, thì mỗi gia-đình sẽ được một héc-ta.

Ðịa-chủ Việt-nam luôn luôn cấu-kết với đế-quốc Pháp.
Từ ngày bị Pháp cai-trị, giai-cấp địa-chủ Việt-nam luôn luôn cấu kết với đế-quốc Pháp để bóc-lột và áp-bức nông-dân mỗi ngày một ác-nghiệt hơn.

Ðịa-chủ và đế-quốc đều là kẻ-thù. Chúng ta cần phải tiêu-diệt cả hai.
Mục-tiêu của Cách-mạng là tiêu-diệt cả đế-quốc lẫn phong kiến vì cả hai đều là kẻ-thù chính của nhân-dân Việt-nam. Muốn lật đổ đế-quốc thì đồng-thời phải lật đổ cả phong-kiến. Ngược lại, muốn lật đổ phong-kiến thì đồng-thời cũng phải lật đổ cả đế-quốc.

Chống thực-dân chưa đủ. Phải là cộng-sản mới đủ.
Nhiệm vụ phản-đế và phản-phong không thể tách rời nhau được. Chúng ta cần đả-phá thái-độ muốn tách rời nhiệm vụ phản-phong và nhiệm-vụ phản-đế, coi đế-quốc là kẻ thù chính và phong-kiến là kẻ thù phụ. (Phản-đế nghĩa là chống thực-dân. Phản-phong nghĩa là tiêu-diệt giai-cấp địa-chủ.)

Chương-trình hai đợt.
Phong-trào Cải-cách ruộng-đất sẽ gồm có hai đợt :
1. - Giảm-tô1 để giảm ưu-thế kinh-tế của giai-cấp địa chủ . bước đầu để tiến tới tiêu-diệt ưu-thế chính-trị của chúng.
2. - Cải-cách Ruộng-đất, bãi bỏ quyền chiếm-hữu ruộng đất của địa-chủ, tiêu-diệt ưu-thế chính-trị của chúng.

Có thực giai-cấp địa-chủ là Việt-gian không ?
Chiến-tranh càng khốc-liệt thì giai-cấp địa-chủ phong kiến càng tỏ ra phản-động... Chứng cớ là trong phong trào giảm-tô, nhân dịp đấu-tố, chúng ta đã phát-hiện nhiều địa-chủ làm việt-gian do-thám cho địch. Chúng thành-lập những căn cứ ở hậu phương cho quân-đội địch, thành lập nhiều tổ-chức phản-động để hòng phá-hoại chính-sách của chính-phủ . chống thuế, chống dân-công... Nhiều địa-chủ đã ám-sát cán-bộ, đốt nhà nông-dân, bỏ thuốc độc xuống giếng, ra hiệu cho máy bay địch bắn phá thả bom.

Chúng ta đã phạm sai lầm.
Trong những nărn gần đây chúng ta đã đoàn-kết một chiều với giai-cấp địa-chủ... Chúng ta coi nhẹ nhiệm vụ phản-phong, và chúng ta không nhận định rõ ràng có đấu tranh phản-phong thì đấu-tranh phản-đế mới thành-công, chóng đạt tới kết-quả.

Tại sao chúng ta không bắt chước Bác Mao, chờ đánh Pháp xong rồi sẽ tiêu diệt địa-chủ ?
Chúng ta áp-dụng kinh-nghiệm của Trung-quốc trong tám năm kháng Nhật, nhưng hồi đó, Cách-mạng Trung-quốc chỉ thực-hiện giảm-tô, vì Ðảng Cộng-sản Trung-quồc còn phải liên minh vớI chính-phủ Tưởng-giới-Thạch để chống Nhật. Chính phủ Quốc-dân-đảng đại-diện cho giai-cấp địa-chủ và bọn quan liêu tư sản. Chúng ta không có vấn-đề liên-minh như vậy nên chúng ta không cần phải hạn-chế chính-sách ruộng-đất của chúng ta bằng cách chỉ thực-hiện giảm-tô mà thôi.

Chúng ta nhận là sai và sẽ chữa.
Ðảng ta là Ðảng Mác-xít Lê-nin-nít, có truyền-thống phê-bình và tự-phê-bình để tiến-bộ. Chúng ta thành thật nhận là sai và quyết-tâm sẽ sửa chữa.

--------------------------------------------------
1 Giảm-tô ở Trung-quốc (thực-hiện ở những vùng Trung Cộng chiếm đóng trước 1949) là chỉ giảm-tô không mà thôi, không phải là chiến-dịch giảm-tô theo kiểu Trường-chinh trìnt-bày, vì giảm-tô theo kiểu này là đợt một của Cải-cách Ruộng-đất, có đấu tố và xử bắn địa-chủ. Ý Trường-chinh muốn nói là : "địa-chủ Trung-hoa được chính-quyền Quốc-dân-đảng che chở nên Bác Mao không dám tiêu-diệt họ trong khi đương liên-minh với Tưởng-giới-thạch. Còn địa-chủ Việt-nam thì chẳng được chính-phủ nào che chở, nên chúng ta có thể tiêu diệt họ ngay bây giờ được".
---------------------------------------------------------

Phải cô-lập giai-cấp địa-chủ để tiêu-diệt chúng.
Phải dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn-kết chặt chẽ với trung-nông... Muốn được như vậy chúng ta phải tôn-trọng quyền-lợi của họ, giác-ngộ quyền-lợi giai-cấp cho họ và làm cho họ thấm-nhuần câu : "Bần cố nông và trung-nông là anh em một nhà".
Còn đối với phú-nông thì chúng ta liên-hiệp với họ (về phương-diện chính-trị (nghĩa là không đấu tố họ) ; về phương-diện kinh-tế thì chúng ta giữ nguyên lối làm ăn của họ (Cộng-sản chỉ giữ lời hứa trong đúng một năm).
Liên-hiệp với phú-nông để cô-lập giai-cấp địa-chủ, để lôi kéo phú-nông vào hàng ngũ khángchiến và để trung-nông được yên tâm. Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn-kết với trung nông để thanh-toán từng bước một chế-độ phong-kiến bóc lột, để tăng-cường sản-xuất và củng-cố kháng-chiến.

Tại sao lại thực-hiện bằng hai chiến-dịch ?
Giảm-tô là bước đầu, Cải-cách Ruộng-đất là bước thứ hai của một chiến-thuật chính-trị duy-nhất. Chúng ta thực-hiện giảm-tô để dọn đường cho Cải-cách Ruộng-đất.

Tại sao mỗi chiến-dịch lại gồm có nhiều đợt ?
Muốn thực-hiện chính-sách ruộng-đất chúng ta phải chiến-đấu chống lại những lực-lượng chống đối. Tình-hình quân-sự quyết định sự thành bại. (Cộng-sản chỉ thực-hiện Cải cách Ruộng-đất ở những nơi Cộng-sản kiểm soát chặc chẽ, không thực-hiện ở những nơi giáp giới vùng Pháp chiếm đóng).
Cần phải thực hiện Cải-cách Ruộng-đất làm nhiều đợt. Trước tiên ở những vùng thuận tiện, sau mới tới các vùng khác, không bao giờ thực-hiện một lúc khắp mọi nơi. (Có nghĩa là Cải-cách Ruộng-đất chưa thục-hiện ngay ở những vùng dân-tộc thiếu-số Ðảng chưa nắm vững).

Ðừng hoảng sợ. Ðảng có chính-sách phân-biệt.
Giai-cấp địa-chủ phong-kiến là phản-động. Tuy nhiên hiện nay trong nước có ba loại địa-chủ :
1. Ðịa-chủ cường-hào, gian-ác, việt-gian, phản-động.
2. Ðịa-chủ thường.
3. Ðịa-chủ kháng-chiến và nhân-sĩ tiến-bộ.
Nếu anh chấp nhận đường lối của Ðảng, anh sẽ thoát.
Chúng ta sẽ xử-trí tùy theo thái-độ chính-trị của mỗi loại địa-chủ.

Nếu anh "tốt", ruộng-đất của anh sẽ không bị tịch-thu. Trái lại sẽ được trưng-mua.
Sau khi phân chia địa-chủ thành từng loại và xét từng loại ruộng-đất, cần phải thi-hành những biện-pháp sau đây để tước quyền sở-hữu ruộng-đất của đế-quốc và địa-chủ.
1. Tịch-thu.
2. Trưng-thu không bồi thường.
3. Trưng mua (theo giá chính-phủ ấn-định)

Tiếp theo bài bá-cáo của ông Trường-Chinh, và đạo Sắc-lệnh về Ruộng-đất ấn-định thể-thức thi-hành. Cả bản bá-cáo lẫn bản Sắc-lệnh đều là điển-hình của lối hành văn cộng-sản.
Trở lại quang cảnh học-viên đương khổ tâm nghiên-cứu bản bá-cáo của ông Trường-Chinh. Họ thảo-luận suốt trong mười ngày, bàn cãi từng câu, từng chữ. Nhưng thực sự không mấy người hoàn-toàn chấp-nhận luận-điệu của ông Trường-Chinh, vì nhiều chỗ ông ngụy-biện một cách quá lộ liễu. Không ai chối cãi là từ trước ruộng-đất ở Việt-, cũng như ở mọi nước không cộng-sản, phân chia khôngđồng đều, và có những địa-chủ bóc-lột và đàn-áp nông-dân.
Không ai phủ nhận chủ-trương Cải-cách Ruộng-đất để phân chia lại cho đồng đều hơn. Nhưng không ai có thể công-nhận những con số quá đáng mà ông Trường-Chinh đã nêu ra để lấy cớ áp-dụng một chính-sách cực-kỳ bạo-tàn trong chiến-dịch CảI-cách Ruộng-đất. Ông nói ở Việt Nam, 5 phần trăm dân-số bóc-lột 90 phần trăm khác. Trong số "bị bóc-lột" ông bao gồm cả 2 triệu dân thành-thị không có ruộng-đất, và 2 triệu dân thiểu-số thường sống lưu-động, hoặc có ruộng nhưng không khai báo, vì không muốn đóng thuế. Trong số "bị bóc lột" ông Trường-Chinh cũng gộp luôn cả giới trung nông là đại-đa-số những người sở hữu ruộng-đất (90, 88 phần trăm ở Bắc-kỳ, 93, 80 phần trăm ở Trung-kỳ và 71, 73 phần trăm ở Nam-kỳ). Ông Trường-Chinh đổ diệt cho địa-chủ Việt-nam và đế-quốc chiếm hữu tới 70 phần trăm ruộng đất, nhưng trong số 70 phần trăm, ông kể cả công-điền, chừng 20 phần trăm, và theo tập tục bao giờ cũng chia đều cho dân làng thay phiên cày cấy. Tại sao ông Trường-Chinh lại bao gồm công-điền vào số ruộng-đất bị địa-chủ chiếm đoạt ? Khi bị chất-vấn trong một khóa chỉnh-huấn về vấn-đề kể trên, ông trả lời : "Công điền chỉ còn là ruộng công trên nguyên-tắc; thực-tế, những công-điền đã bị bọn cường-hào ác-bá dùng thủ-đoạn chiếm đoạt làm ruộng tư". Mặc dầu vậy, trong cuốn Xã Thôn Việt Nam xuất bản năm 1959, Ðảng Lao-Ðộng cũng phải công nhận như sau :
... Chế-độ ruộng công đã từng có rất lâu đời ở Việt Nam. Cho nên nguyên-tắc phân-phối bình-quân ruộng công cũng trở thành một tập-quán ăn sâu trong nhân-dân, nó có sức mạnh của truyền-thống, và nhân-dân luôn luôn đấu-tranh để bảo-tồn nguyên-tắc ấy. Cho nên chừng nào chế-độ ruộng công còn tồn tại, thì những nguyên tắc đó không thể xóa bỏ được. Nghĩa là bọn cường-hào địa-chủ cho dù có dựa vào chính-quyền thực-dân chăng nữa cũng không thể nào công nhiên đem tất cả ruộng công mà lần lượt chia tay nhau không đếm xỉa gì đến nhân dân. (Xã Thôn Việt-Nam Tr. 77)
Một mặt khác, ông Trường-Chinh cố tình dùng lối hành văn mập mờ "cùng với đế-quốc" để bao gồm trong số ruộng-đất mà ông coi là "chiếm-đoạt của nhân dân" những đồn-điền chè và cà-phê do Pháp-kiều khai khẩn ở những nơi trước kia vì sợ bệnh sốt rét nên không ai giám lui tới. Dĩ-nhiên là các đồn-điền Pháp đã bóc-lột cu-li Việt Nam một cách tàn nhẫn nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng đấy là những đất mới khai hoang, không phải như ông Trường-Chinh nói, là đế-quốc "chiếm đoạt của nông-dân".Việc ông Trường-Chinh hứa mỗi gia-đình Việt-nam sẽ có một héc-ta (mẫu tây) ruộng cũng rõ ràng là một thủ đoạn lừa bịp. Ðành rằng nếu đem số 5 triệu héc-ta ruộng-đất trong toàn nước Việt-nam chia cho 5 triệu gia-đình người Việt thì dĩ-nhiên mỗi gia-đình phải được một héc-ta, nhưng ông Trườngchinh cố ý quên rằng trong số 5 triệu héc-ta thì 2 triệu 3 héc-ta lại ở Nam-kỳ, không phải ở Bắc-kỳ, nơi mà Ðảng Lao-Ðộng thực-hiện Cải-cách Ruộng-đất. Nếu muốn mỗi gia-đình Việt-nam có 1 héc ta ruộng-đất thì phải di-cư vào khoảng một nửa dân-số Bắc kỳ vào Nam, nghĩa là di-cư 10 triệu người đi xa 2000 cây số vào miền đồng-bằng phì-nhiêu của sông Cửu-long. Dĩ nhiên là hồi năm 1954, khi ông Trường-chinh đọc bản bá-cáo của ông trước đại-hội lần thứ Nhất của Ðảng Lao-động, Ðảng không có phương-tiện thực-hiện một cuộc di-cư vĩ-đại như vậy ; nhưng phải chăng Ðảng đã định tâm, nếu thống-nhất được quốc-gia dưới chế-độ cộng-sản, sẽ đưa đến một nửa dân số Bắc-việt vào Nam làm bớt ruộng-đất của "đồng-bào ruột-thịt Nam-bộ" ?
Ông Trường-chinh cứ gọi địa-chủ Việt-nam là "phong kiến" với ngụ ý "mập mờ đánh lận con đen" làm như thế từ xưa tới nay họ vẫn là "con vua cháu chúa" có quyền coi của nhân-dân như tài-sản tư-hữu của mình. Khi bị chất vấn về danh từ "phong-kiến" dùng để chỉ "địa-chủ", ông Trường-chinh chỉ trả lời lờ mờ rằng "chế-độ địa-chủ xuất phát từ thời phong-kiến". Các học-sinh trong lớp chỉnh huấn hiểu rõ ý định của ông Trường-Chinh là "muốn giết chó thì kêu là chó dại", và họ cũng hiểu tại sao bao nhiêu tộI ác tày đình đều đổ lên đầu giai-cấp địa-chủ. Sau mười hôm thảo-luận và học-tập ai cũng hiểu rằng bản bá-cáo của ông Trường-chinh chỉ là một cái bình-phong dùng để che đậy thâm ý độc ác của Ðảng : tiêu-diệt giai-cấp địa-chủ đă từng tham-gia kháng-chiến đã giúp cộng-sản lên nắm chính-quyền và củng cố thế-lực.
Trong thời gian học-tập bản bá-cáo, cuộc thảo-luận vẫn sôi nổi như mấy bài trước, nhưng học xong bài thì mọi người đều tỏ ra chấp nhận luận điệu của Ðảng. Họ chấp nhận sự cần thiết của Cải-cách Ruộng-đất và cả phương-pháp tà bạo để thực-hiện Cải-cách Ruộng-đất một cách rất ngoan ngoãn vì một lẽ rất dễ hiểu : Ða số học-viên thuộc thành phần địa-chủ nên hy-vọng rằng một khi đã chấp nhận chủ-trương đường lối của Ðảng, may ra sẽ được xắp xếp là "địa-chủ kháng-chiến" hoặc "địa chủ thường" khi nào chiến-dịch Cải cách Ruộng-đất lan tới làng họ. Họ chẳng hề phạm tội đối với nông-dân, mà trái lại, là cán-bộ Ðảng hoặc cán-bộ chính-quyền, họ đã quả-thực tham-gia kháng-chiến trong nhiều năm. Vì vậy nên đối với họ, thái-độ khôn ngoan hơn cả là đứng về phe Ðảng, hoặc ít nhất cũng tỏ ra như vậy. Học xong bài học về Cải-cách Ruộng-đất, tất cả lớp đều đồng-ý về bản bá-cáo của ông Trường-chinh và đồng-thanh hô to : "Ðả đảo Giai-cấp địa-chủ!".
Nhưng sau khi mãn khóa ra về, nhiều người chợt nhớ tới câu ví của ông Hồ-chí-minh : "đế-quốc là con hổ mà địa-chủ là bụi rậm để cho hổ núp. Vì vậy nên muốn đuổi hổ, phải phá cho kỳ hết bụi rậm". Mặc dù họ đi chỉnh-huấn về, có cảm tưởng rằng bản thân mình sẽ được an-toàn, nhưng họ không quên rằng bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ bị Ðảng coi là lang sói, và gia-đình êm ấm của họ là sào-huyệt của hổ báo mà Ðảng sẽ đốt phá trong một tương-lai rất gần.

(Còn tiếp)







No comments: