Monday, March 9, 2009

TÌNH HÌNH TỊ NẠN VIỆT Ở THÁI LAN

Tị Nạn Việt Ở Thái Lan: Diễn Tiến Mới Nhất
Posted on Saturday, March 07 @ 17:52:30 EST
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1524
Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vừa đồng ý cho các người Khmer Krom lánh nạn ở Thái Lan ghi danh xin tị nạn.
Đây là một thay đổi đáng kể về chính sách vì cuối năm ngoái CUTN/LHQ ngưng việc ghi danh của các người Khmer Krom. Sự thay đổi này là kết quả của buổi họp ngày 17 tháng 2 giữa cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Cao Cấp về Các Dự Án Quốc Tế của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, và CUTN/LHQ. Đáp ứng lời kêu gọi của cựu Đại Sứ Rees, CUTN/LHQ đồng ý ngay tại buổi họp là sẽ cho các người tị nạn Khmer Krom được ghi danh trở lại.

Ba ngày sau, CUTN/LHQ gọi điện thoại mời một nhóm người Khmer Krom lên văn phòng ghi danh. Trong hai ngày 26 và 27 tháng 2, sáu gia đình Khmer Krom đã được gọi vào sơ vấn và được cấp thư xác nhận là hồ sơ đang được CUTN/LHQ bảo vệ. Như vậy, nguy cơ bị bắt và trục xuất bởi cảnh sát Thái giảm đi. Trước đây cũng chính những người Khmer Krom này đã nhiều lần đến văn phòng CUTN/LHQ để ghi danh nhưng đều bị khước từ.

Đồng thời, số đồng bào này được tổ chức Công Giáo Dòng Tên Jesuit Refugee Service (JRS) cấp mỗi người 500 Baht (15 Mỹ kim) một tháng để mua gạo. Số tiền này không đủ sống. Để sống ở Bangkok một tháng mỗi đồng bào lánh nạn cần khoảng 1,500 Baht với điều kiện sống chen chúc nhiều người trong một căn hộ. Chỉ những ai có ghi danh với CUTN/LHQ mới được nhận sự trợ cấp của tổ chức JRS.

Trong thời gian qua, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế ở Đức đã phối hợp tài trợ về đời sống cho một số đồng bào Khmer Krom trong khi họ chưa được ghi danh. Tính đến ngay số tiền trợ cấp lên đến 6 ngàn Mỹ kim.
“Chúng tôi phải trích quỹ dự phòng của tổ chức vì không hề có ngân khoản nào cho công việc này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành UBCNVB, giải thích.

Cuối năm 2008 Ts. Thắng đến Thái Lan để tiếp xúc với nhiều đồng bào đang lánh nạn ở Bangkok, với một số tổ chức xã hội và pháp lý địa phương, cũng với như văn phòng tị nạn của toà đại sứ Hoa Kỳ để tìm giải pháp cho khoảng trên 200 người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan. Họ là nạn nhân của chính sách đàn áp gia tăng từ đầu năm 2007 ở Việt Nam. Khi trở về Hoa Kỳ, Ts. Thắng chia sẻ thông tin với Bộ Ngoại Giao và đưa ra một số giải pháp đề nghị trước khi một phái đoàn của BNG Hoa Kỳ lên đường đi Thái Lan vào tháng 2 năm nay.

Dòng người Việt đi lánh nạn vẫn tiếp tục. Mới đây nhất, ngày 1 tháng 3, một tốp 6 đồng bào Khmer Krom, trong đó có một tu sĩ Phật Giáo, vượt thoát đến được Thái Lan.

Nối tiếp chuyến công tác của cựu Đại Sứ Rees, một luật sư tình nguyện của UBCNVB đang trên đường đến Bangkok để phối hợp với hai tổ chức pháp lý hoạt động ở Bangkok trong việc lập hồ sơ tị nạn cho số đồng bào lánh nạn ngày càng lên cao. Đi cùng với vị luật sư này là một thông dịch Khmer Krom từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, một luật sư thiện nguyện người Việt trực ở Hoa Kỳ để phụ giúp việc lập hồ sơ khi cần.

“Chúng tôi thiết tha kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại quan tâm đến những đồng bào đang ra đi lánh nạn, và tiếp trợ tài chánh để chúng tôi tiếp tục lo về đời sống, can thiệp pháp lý và vận động chính sách cho số đồng bào đang gặp nguy hiểm này”, Ts. Thắng phát biểu.

=============

Mọi đóng góp xin gửi về cho:
BPSOS/Refugees
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 USA

Bài phỏng vấn trên Đài Á Châu Tự Do:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Plights-of-vietnam-refugees-in-thailand-with-help-from-oversea-groups-03062009122927.html


No comments: