Wednesday, March 25, 2009

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG BÀNH TRƯỚNG

Tìm hiểu tư tưởng bành trướng

Bùi Tân Phong
Đăng ngày 25/03/2009 lúc 00:00:00 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3639

Tìm hiểu tư tưởng bành trướng Trung Hoa là nhu cầu thường trực và bức thiết của người Việt; tuy nhiên điều cần nói ngay là việc tìm hiểu này không nhất thiết dẫn đến chống đối Trung Quốc. Như cách nói thông thường: sống chung với lũ (lụt) – tìm hiểu tư tưởng bành trướng của người Tàu là để sống chung/còn với cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú. Do số lượng tài liệu về Trung Quốc khá lớn và việc trình bày cần nhiều thời gian, trong phần kế tiếp (coi như sự khởi đầu) chúng tôi đi vào một số nét đại cương về tư tưởng bành trướng và một trường hợp điển hình trong lịch sử ở một địa điểm và thời gian khác.

Với cách thức so sánh và quy chiếu, hy vọng có thể rút ra điều gì hữu ích.

1. Quốc gia và sự bành trướng (Expantion)

Khái niệm “bành trướng” được xác định như sau: Sự mở rộng phạm vi quyền lực quốc gia trực tiếp thông qua việc mở rộng lãnh thổ nhà nước hoặc gián tiếp qua việc thu nhận các vùng ảnh hưởng [1]Từ định nghĩa này, trước hết chúng ta buộc phải nhìn lại quá trình hình thành quốc gia nói chung trên các mặt lãnh thổ, văn hoá, v.v. để sau đó xem xét việc định hình và mở rộng nó. Xa hơn, để hiểu “cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú” [2], chúng tôi lược qua một số nét sinh hoạt của loài người.

Con người: bản năng và văn hoá

Con người thuộc giới động vật; lịch sử vài triệu năm của nó bắt đầu từ xứ Ethiopia châu Phi. Với não bộ khoảng một-ký-tư, nó phát triển tư duy để tồn tại. Kết quả quá trình phát triển đó, mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, là ngôn ngữ, chữ viết cùng với các nền văn hoá, văn minh đồ sộ và đa dạng. Nhưng những bước ban đầu thì rất thô sơ. Trước hết nó phải nhận ra rằng để hái được một quả trên cao, cần có hai người công kênh nhau lên. Hành động đó, sau này, được ông Tố Hữu mô tả: Núi cao bởi có đất bồi, / Núi chê đất thấp, núi ngồi vào đâu?! Tuy nhiên ngay tại thời điểm ta đang quan sát thì dù tài tình đến đâu, Karl Marx cũng không thể bàn về giá trị thặng dư và bóc lột; và cũng chưa phải thời Nghiêu, Thuấn cho Khổng Khâu mơ suốt một đời. Để tới được các vĩ nhân này cùng với các tư tưởng và học thuyết của họ, con người phải trải qua những gian nan vất vả (nhưng có thể ít bị bệnh đau đầu như ngày nay) của thời kỳ săn bắt và hái lượm (“săn bắn” còn phải lùi lại phía sau).

Hoạt động săn bắt và hái lượm để lại những bản năng tốt cho chúng ta như những hoạt động thể thao thi thố trong các kỳ thế vận hội và khả năng kiên trì tìm chọn mua sắm đồ của phụ nữ mà ông tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama đang mơ: khuyến mại, kích cầu kinh tế! Nhưng nó cũng có mặt không hay là xâm lược và bành trướng. Cái làm con người thoát ra và vượt trội khỏi đời sống muông thú là khả năng hợp đoàn và giao tiếp. Hợp đoàn đưa đến việc hình thành các cộng đồng dân tộc và cuối cùng là các quốc gia (mà người viết luôn quan niệm rằng đó là đơn vị cơ sở trong sinh hoạt của cộng đồng người); còn giao tiếp là mục tiêu và kết quả hoạt động của nó. Lịch sử loài người có thể thu trong hai hình thức giao tiếp: giao tranh và giao thương. Cùng với sự tiến triển của văn minh, giao thương tăng lên mà giao tranh giảm đi vì tốn kém và đau khổ. Nghĩa là chiến tranh và bành trướng gắn liền với dã man và thiếu văn hóa; nhưng hình như loài người còn chưa chán ngán trò chơi đổ máu! Chúng ta chỉ còn hy vọng vào thời gian chăng?

Bệnh bành trướng

Săn bắt và hái lượm dẫn đến kết quả là chăn nuôi và trồng trọt; tất cả đều dựa vào đất và nước. Với kiến thức thô sơ thời nguyên thuỷ, con người chưa thể thâm canh mà phải quảng canh: giữ và chiếm thêm đất! Có thể tưởng tượng công việc thâm canh của tiền nhân thời tiền sử gian nan và vô phương đến chừng nào, trong khi việc giết người và chiếm đất thì cũng giống như việc giết thú và tìm hang động vậy! Bao nhiêu đế chế trước khi tàn lụi đã để lại những công trình nguy nga mong chứng tỏ sức mạnh và chứng minh cho sự trường tồn. Tất cả đều là kết quả của hành động giết người và cướp của: chiến tranh. Victor Hugo từng cảm thán: Đi sau những đội quân chiến thắng là đội quân ăn cướp! [3] Cho nên ta không lạ những ý đồ cướp chiếm đất của những thế lực thấy và tự cho mình là hùng mạnh. Đánh được người mặt đỏ như vang, / Không đánh được người mặt vàng như nghệ. Cha ông chúng ta hiểu lắm, cái tâm lý của kẻ thua cũng nguy hại như sự hung hăng của kẻ thắng.

Vậy người Việt có biết đánh nhau không? Có, nhưng chắc chắn là không thích. Lịch sử cho thấy người Việt dám và biết đánh giặc để giữ gìn đất nước. Người Việt học hỏi, tiếp thu nhưng không đánh mất bản chất văn hoá của mình. Ai kia từng lấy chiến trường làm cõi hạnh, chỉ mong nằm xuống nơi chiến địa để “da ngựa bọc thây” [4]; còn người Việt rất ngại “chết đường, chết chợ” và chiến tranh chỉ là việc “giãi thây trăm họ, làm công một người” (Nguyễn Du, Văn chiêu hồn). Cho nên tôi nghĩ câu “Đời người được mấy giấc mơ, / chàng mơ chinh chiến, thiếp mơ bóng chàng” chỉ là một câu thơ dịch. Nhưng việc tìm hiểu bản chất văn hoá và quan niệm chiến tranh của người Việt (“tôn Văn, thượng Võ”) là một đề tài lớn cần được tìm hiểu sâu hơn. Sau đây chúng ta quan sát sự bành trướng và suy tàn của một đế chế ở một địa điểm khác, trong thời gian lịch sử khác.

2. Trường hợp nước Thổ nhĩ kỳ (Türkei, Türkiye) [5]

Sự hình thành vương triều Osman và sự trỗi dậy của một siêu cường (tới 1566)


Từ những điêu tàn đổ nát của triều đại Seldschuken (sắc Thổ) vùng Tiểu Á, vào thế kỷ 13 dưới triều Ốt-xman (Osman, danh hiệu Sultan đệ nhất, khoảng 1300-1326), tại trung tâm bán đảo (Tiểu Á) xuất hiện những động thái khởi nguồn cho một nhà nước Thổ. Những người kế thừa (các Ốt-xman) bành trướng nhanh chóng vương triều của mình; năm 1354 vượt qua Dardanellen, năm 1361 chiếm lĩnh Adrianopel, chiếm Serbien sau chiến thắng tại địa danh Amselfeld năm 1389, và năm 1393 thì chiếm Bulgaria. Thất bại của các Ốt-xman trước Timurs vào năm 1402 chỉ làm cho sự thăng trưởng ngắt quãng trong một khoảng thời gian ngắn. Với việc thu chiếm Konstantinopel vào năm 1453, Mohamet đệ nhị (1451-81) đã tàn huỷ đế chế Đông Rô-ma; và Konstantinopel trở thành thủ đô từ đó. Dưới triều đại của vị vua này và những người kế vị, Da-lim (Salim) đệ nhất và Duy-lai-man (Süleiman), Thổ nhĩ kỳ đạt tới đỉnh điểm thế lực của mình; lãnh thổ bao gồm Syrien, Mesopotamien, Arabien của châu Á, vùng Kaukasus của Tiểu Á, ở châu Phi là Ê-gúyp cùng các nhà nước nửa phụ thuộc vùng duyên hải bắc tới tận Maroko; tại châu Âu là toàn bộ bán đảo Balkan và phần lớn Hungaria. Như vậy, Thổ nhĩ kỳ cũng đã trở thành yếu tố quan trọng trong chính trị châu Âu dựa trên sự phồn thịnh thu được từ những cuộc chiếm lấn, dựa trên sức mạnh của các đội chiến binh Janitscharen và hạm đội của mình [6] thống lĩnh vùng địa trung hải mà năm 1571 đã thảm bại nặng nề tại Lepanto.

Sự tàn suy của Thổ nhĩ kỳ (1566-1920)

Cùng với sự suy tàn của triều đại sau cái chết của Duy-lai-man (Süleiman), sự tan rã của đế chế cũng bắt đầu. Bên cạnh các nhóm kiêu binh Janitscharen, các đại công thần (Wesire) cũng giành được quyền lực. Bước ngoặt quan trọng xuất hiện trong cuộc vây hãm thành Viên bất thành (1683) dẫn đến cuộc đại phản công của Áo dưới sự chỉ huy của ông hoàng (Hrerzog) Eugen von Savoyen. Chung cục, tại hoà nghị ở Kaelowitz (1699), Thổ nhĩ kỳ từ bỏ quyền chế tại Hungaria và xứ Siebenbürgen. Vào thế kỷ 18, cùng phía với đối thủ Áo còn có thêm Nga là nước nỗ lực vươn tới Dardanellen và hứa hẹn hỗ trợ những phần tử quy phục theo Christ giáo. Hoà nghị năm 1774 ở Kucuk Kaynaci làm cho Thổ mất nhiều lãnh địa và mở đường cho Nga tự do tiến tới Dardanellen. Ở châu Phi, Ê-gúyp gần như đã tiến tới độc lập dưới triều Memed Ali, còn ở châu Á là phần lớn vùng Arabien. Tại châu Âu, năm 1804 bắt đầu cuộc chiến giải phóng của các sắc dân Balkan Serbien và Hy-lạp theo Christ giáo với sự ủng hộ của các cường quốc. Diễn biến này của vấn đề Thổ dẫn đến sự đe doạ thường trực nền hoà bình châu Âu. Trong chiến cuộc Krim (1853-56), các thế lực quốc tế đứng về phía Thổ để ngăn cản cuộc bành trướng của Nga về phía Dardanellen. Kết thúc chiến cuộc Nga-Thổ (1872-88), tại hội nghị Berlin, các cường quốc châu Âu đã đưa ra những điều chỉnh mới cho vấn đề Thổ. Chính phủ phản động Abd ul-Hamids đệ nhị (1876-1909) đã thúc đẩy thêm tiến trình tan rã và trong lòng thời cuộc đã xuất hiện phong trào thanh niên Thổ (nước Thổ mới?) để đến năm 1909 thì lật nhào chế độ này. Những cuộc chiến Balkan (1912/13) đã làm cho phần châu Âu của Thổ thu hẹp thành vùng Thrakien Đông nằm giữa Adrianopel và Konstantinopel. Trong đệ nhất thế chiến, Thổ đứng về phía các thế lực trung gian. Sau sự sụp đổ của đế chế, trong hoà nghị Sèvres (tháng Tám 1920), Thổ bị thu lại trên vùng Anatolien; ngoài ra còn phải thừa nhận quyền thống trị của Hy-lạp ở Smyrna. Các nước Pháp và Anh thừa hưởng phần chiếm lãnh của Thổ tại Syrien, Palestina và Mesopotamien.

Vây hãm thành Viên [7]

Những hành động dũng cảm, những lầm lẫn tệ hại, những quyết định tài tình làm biến đổi đường hướng lịch sử trong chỉ một ngày duy nhất. Năm 1683, quân Thổ tiến đến trước thành Viên (Wien) đã làm cả châu Âu kinh hoàng. Sau 61 ngày bị vây hãm, dân trong thành đều thấy rõ tình thế là vô vọng. Chỉ có quân liên minh Ba-lan là còn khả năng cứu thoát Viên; nhưng liệu họ có kịp đến để phá vỡ vòng vây quân Thổ? Áo và đội liên quân này, hoàng đế Ba-lan Johan Sobieski phải tiến công, nếu không thì Viên coi như thất thủ. Nhưng quân Thổ cũng đã được cảnh báo tình hình.

Vào ngày 12 September 1683 Kara Mustafa [8] tập hợp tất cả các thợ mìn của mình; Chỉ còn một trái mìn nữa đặt xuống là thành Viên đổ sụp. Đối với hiệu lệnh tướng quân Michaelowitz chỉ còn lại ít giờ nữa để tìm cầu quân cứu viện. Tướng tư lệnh thành Viên Stachenberg tuyên thệ giữ thành đến giọt máu cuối cùng. Đối với người Ốt-xman, thành Viên chính là cửa ngõ tiến vào Hoàng hôn châu địa Christ giáo (châu Âu). Quân Thổ vây hãm thành Viên với 25 ngàn lều trại. Dân chúng thành Viên bị kẹp xiết không đường đào tẩu. Với một hệ thống hào chạy bao quanh sát tường thành, quân Thổ đã trói chặt thành phố. Từ các chiến hào này, quân Thổ đào hầm chui dưới thành bao để đặt mìn. Một khoảng thành đổ sụp là một cửa mở tuyệt vời để tràn vào thành. 140 thợ mìn như những con thỏ đất, ngày đêm đào dũi địa đạo và bất cứ lúc nào cũng có thể châm ngòi cho mìn nổ tung. Để theo dõi động tĩnh của quân Thổ, dân thành phố nảy ra sáng kiến tuyệt diệu là rải những hạt đậu trên mặt trống và quan sát động tĩnh của chúng.

Hình 1: Thành Viên là đột phá khẩu trên con đường bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Châu Âu

http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TurkishWave.jpg


Istambul nằm bên bờ biển; trước đây nó có tên là Konstantinopel; năm 1453 những người Muslem Ốt-xman đã chiếm và đặt làm thủ phủ; đó là khởi đầu cho sự bành trướng khủng khiếp mà châu Âu không thể hãm kìm. Mỗi Sultan ban thưởng cho tướng chiếm thêm được một phần đất một quả táo vàng. Đối với những người Muslem thì thế giới được chia thành hai phần: phần của người Muslem và phần của những kẻ vô tín giáo (Ungläubigen). Trách nhiệm của mỗi người Muslem là chinh phục phần thế giới kia. 1683 là thời điểm Viên biến thành quả táo vàng của Muslem. Quả táo vàng là huyền thoại trong lịch sử Thổ nhĩ kỳ, biểu tượng cho giá trị của thành quả chiếm lấn... Từ Konstantinopel, Thổ đã mở rộng lãnh thổ lớn tới mức có thể sánh với đế chế Rô-ma từng hiện hữu. Nước Hung đã là chiếm địa; nhưng mục tiêu là châu Âu Christ giáo. Nằm giữa hai dặng núi Alpen và Karpat, Viên là cửa ngõ duy nhất tiến vào châu Âu. Quan sát về mặt chiến lược thì thành phố này chính là mục tiêu công phá chủ chốt của những người Ốt-xman. Ngay từ 1529 Sultan Duy-lai-man (Süleiman) đã vây hãm Viên lần đầu, nhưng ông ta thất bại. Juli 1683 bắt đầu cuộc vây hãm thành Viên lần thứ hai; lần này do Kara Mustafa thách chiến Habsburgen Áo. Nhưng không chỉ có hoàng đế Leopold đệ nhất coi những người Ốt-xman là thù địch mà còn cả nước Pháp nữa. Theo những kinh nghiệm sau lần bị vây hãm thứ nhất của quân Thổ, thành Viên đã được xây dựng để trở thành pháo đài hiện đại nhất châu Âu. Một vòng đai với 12 đơn vị và thành cao 16 mét làm cho thành phố trở thành bất khả công phá. Thêm vào là những hào cản rộng hai mươi thước. Các điểm trọng pháo bắn phá được xây nhô hẳn ra để huỷ diệt các cuộc công thành. Hoả lực từ đây phủ kín đường vào không chừa khoảng trống nào. Vào tháng Chín năm 1683, trên tường thành có 312 trọng pháo. Nhưng chống lại đội quân đánh mìn tiến chui lòng đất thì số vũ khí này trở nên ít ỏi.

Hiện còn lưu giữ được nhiều thư từ cầu viện binh từ trong thành gửi ra trong thời gian bị công hãm. Nhưng quân Thổ cũng thám sát công phu thành phố để biết rõ pháo đài được bố phòng như thế nào, bao nhiêu đại bác và đặt ở những đâu, nhất là biết được tại nơi nào thì tấn công vào thành trì tốt nhất. Dưới lòng chiến hào, quân Thổ đã có 61 ngày chuẩn bị cho cuộc tiến công; không phải trụi trần trên đất trống mà là những chiến hào dũi dần đến sát vùng tử địa. Pháo binh Thổ bắn phá vào thành; một chiến binh phải chống chọi với 15 quân Thổ. Tới ngày 12 tháng Chín đã có tới 50 cuộc công phá. Chỉ còn có 4 ngàn người bảo vệ chống lại 10 ngàn quân tiến chiếm. Những đội quân tinh nhuệ của kiêu binh Janitscharen tiến công hàng ngày tới tận chân thành. Tình thế thành Viên có thể coi tồi tệ hơn là vô vọng; những tử thi phải được chôn cất trong thành mà đến nay còn di tích. Không chỉ có những người chết vì pháo đạn mà còn bị chết do những nguồn nước bị đầu độc...

Gần 20 ngàn binh lính bao vây thành Viên dưới ngọn cờ mang hình trăng khuyết. Chỉ huy là Kara Mustafa, kẻ hám quyền và tàn nhẫn. Dân thành Viên quyết không chịu để chôn vùi dưới tro tàn đổ nát; nhưng họ còn chống giữ được bao lâu? Viên dường như không còn sức chống giữ nữa. Nhưng Kara Mustafa đã mắc phải sai lầm định mệnh: ông ta không nhận ra vai trò chiến lược của những cao điểm bao quanh thành Viên; nó cho phép quân đồng minh tiến công quân Thổ từ phía sau lưng. Họ có 65 ngàn quân của 3 đạo để tiến công. Có điều trong đêm trước của ngày 12, cánh quân Ba-lan vẫn còn trên đường hành tiến băng qua những cánh rừng trước thành Viên. Sự chậm trễ của họ làm hư kế hoạch chiến lược của liên minh.

Khi tổng hành dinh liên minh hạ trại ở Kahlenberg, tình hình có chiều bớt căng thẳng: đã có thể vạch ra kế hoạch tấn công; bây giờ thì không thể để tốn phí thêm chút thời gian nào nữa. Thư khẩn cứu được đưa đến hoàng đế Ba-lan là tổng tư lệnh liên quân; tổng tư lệnh phát lệnh khởi chiến. Với tổng lực của mình, họ sẽ phá tung vòng vây bao quanh thành Viên. Tại dinh tướng lãnh trong thành Viên nhóm họp hội nghị liên minh: từ Đức có các thủ lãnh vùng Sachsen và Ba-va-ria. Hermann von Baden cũng trong liên minh chống Ốt-xman, nhưng hoàng đế Leopold đệ nhất thì đang ở xa thành Viên, ông phong Herzog Karl von Lothringen làm chỉ huy Habsburgen và vị này đưa ra ý kiến tài tình: tiến công quân Thổ từ những cao điểm quanh thành Viên; nhưng tổng tư lệnh không phải ông ta mà là Johan Sobiêski. Cả giáo hoàng cũng ủng hộ liên minh thần thánh, chỉ có Pháp đứng ngoài: Ludwig 14 mong sự yếu đi của Habsburgen...

Hiệu lửa trên đồi đem lại hy vọng cho thành Viên và cảnh báo quân Thổ: họ phải chiến đấu trên hai mặt trận là hào luỹ phía trườc và liên quân ở phía sau lưng. Ngày 12 tháng Chín là ngày quyết định số mệnh, cả với Kara Mustafa. Mustafa dồn phần lớn số quân tinh nhuệ Janitscharen để công thành. Đó là những người lính đã được rèn quân kỷ từ khi lọt lòng. Hai cánh quân liên minh đã sẵn sàng khởi chiến, nhưng quân Ba-lan vẫn chưa vào vị trí; dẫu vậy, Johan Sobieski vẫn nắm quyền tư lệnh. Tin quân Thổ bắt đầu động binh làm cho mọi việc gấp gáp hơn lên. Sáng ngày 12, khi hai cánh quân liên minh đối diện với quân Thổ trên đồi Kahlenberg thì Johan Sobieski hành lễ trước toàn quân: không phải vì hoàng quân lãnh chúa, chúng ta xung trận vì thánh cả (Gott) trên cao. Cuộc chiến của liên quân cũng là cuộc thánh chiến. Karl von Lothringen kiên quyết mở trận ngay cả khi chưa có quân Ba-lan. Cánh quân này xông thẳng vào tiền quân của Thổ và đẩy lùi chúng về điểm xuất phát. Nhưng đến đây thì đối diện với lực lượng quân Ốt-xman vượt trội. Không có quân Ba-lan thì không thể giải phóng thành Viên - điều đó cũng có thể nhận ra từ vị trí quân Thổ. Kara Mustafa phải chiếm cho được Viên trước khi đội quân này xung trận. Sức mạnh quân Ốt-xman: 168 ngàn quân vây thành Viên mà chỉ có đại bác hạng nhẹ. Do vậy kế hoạch của Mustafa không dựa trên hoả lực pháo binh bắn phá dọn đường tiến vào thành Viên mà là trên sức mạnh của đội quân đặt mìn công phá với số lượng 5 ngàn lính. Mỗi trái mìn phát nổ là một bước tiến của quân Thổ đến gần thành. Cả một hệ thống đường hầm đưa dẫn 5 ngàn bộc thủ tới các hầm nổ kiến lập dưới chân tường pháo đài.

Người ta phải tỏ lòng kính phục đối với các bộc thủ Ốt-xman trong trận chiến dưới lòng đất. Chưa có giải pháp để chống lại đội quân này: chúng tiến đến đâu? Phát nổ bao giờ? Một khối nổ dẫn theo sự phát nổ của những khối khác. Thực sự là việc nổ mìn công phá đã có thể là hành động quyết định trong cuộc vây chiếm thành Viên. Các công trình thành quách ở thế kỳ 18 với chiều cao 25 mét và bề rộng 4 mét, người ta cần 500 cân đến 1 tấn thuốc nổ đen để phá huỷ. Với kết quả khảo nghiệm, người ta biết rằng lượng thuốc nổ do quân Thổ dùng thực sự đã có thể làm nổ tung thành Viên. Ngày 12 tháng Chín, thành Viên thực sự đứng trước đại thảm hoạ. Bằng mọi phương tiện hiện có, những người giữ thành cố sức làm cản bước tiến của bộc thủ quân. Cuộc chiến trong lòng địa đạo đã có lần thành công; nhưng giờ đây, ngày 12 tháng Chín có còn được như thế không? Vấn đề là có kịp thời phát hiện hành tích của bộc thủ quân hay không.

Đến trưa thì đạo quân Ba-lan tiến tới chiến địa trong khi hai đạo hoàng quân (Heeren) khác đang quyết chiến. Có phải họ đến kịp thời, hay là đã quá trễ? Nhân chứng Thổ đã có thể miêu tả sự hùng dũng của đạo thiết quân Ba-lan tiến vào trận chiến. Nhưng ban đầu, pháo binh Thổ đã có thể làm lùi bước của kị binh Ba-lan. Lính Ba-lan phải củng cố lại đội hình; mọi khả năng vẫn còn đang phía trước... Những bộc thủ Thổ cố sức để nổ mìn trước khi trời tối. Họ xây bao hầm nổ để sức công phá dồn hất lên trên. Tất cả đã sẵn sàng. Vào ngày 12 tháng Chín, tình thế diễn ra như đang đi trên kiếm sắc. Nếu khối mìn phát nổ, trái táo vàng thành Viên nằm trong tay người Ốt-xman; đột phá khẩu tiến vào châu Âu rộng mở. Mustafa đặt tất cả lên một ván bài: đội quân đánh mìn và trận chiến trên đồi. Có điều chiến lược của ông ta đã không trụ vững. Người của thành Viên đã đột phá được vào hầm nổ và huỷ ngòi nổ. Thành Viên đã thoát! Nhưng cuộc chiến trên mặt thành vẫn đang diễn ra với tất cả sự khốc liệt của nó.

Ngọn cờ đỏ với vầng trăng khuyết là sự khích lệ đối với binh lính Thổ. Tư lệnh mặt trận liên quân muốn lui cuộc quyết chiến vào ngày hôm sau, nhưng chính là ngọn cờ kia đã như sự thách chiến đối với họ. Cuối cùng thì tất cả các đạo quân liên minh đã kiên quyết diện chiến quân Thổ. Toàn bộ sức mạnh của thế giới Christ giáo đứng chung lại trong cuộc tổng phản công. Ngay cả Sobieski cũng quyết giải phóng thành Viên trong ngày 12 ấy. Đạo thiết kỵ Ba-lan tràn tiến vào quân Thổ trên một diện rộng. Quân Ba-lan làm xoay chuyển thế trận trên cao điểm Kahlenberg. Chiến lược của Mustafa không thành tựu; quân Thổ thất bại trong thế trận lưỡng đầu thọ địch.

Với sự kiện này, trị quyền của người Ốt-xman ở châu Âu bắt đầu triều thoái. Tài liệu lịch sử ghi nhận sự kiện này và ý nghĩa của nó là hoà nghị Karlovics. Sau khi giải phóng thành Viên, người Habsburg thu hồi lại phần đất do Thổ chiếm. Ở Serbien, người Thổ công nhận status quo quyền độc lập. Sau đó Hungaria cũng được tự trị. Kara Mustafa bị xử tử hình; Lời nói cuối cùng của ông ta là: Hãy dùng gươm mà chém ta cho đúng cách (Legt mir die Klinge richtig an)!

3. Đôi điều tạm kết

Ngày trọng đại

Như phần trên đã trình bày: có những giờ khắc mà hành động đúng đắn và dũng cảm của những con người trách nhiệm làm cho tiến trình lịch sử mang ý nghĩa đặc biệt. Những quyết đoán đúng đắn và sự đồng lòng của chỉ huy liên quân đã làm thất bại âm mưu tiến chiếm thành Viên và như thế, con đường bành trướng của người Thổ theo hướng châu Âu bị chặn lại. Bên cạnh sự tích này, tài liệu còn trình bày một sự kiện khác: đó là ngày công phá ngục Basti mà lệnh phát ra là từ lời nói của một người phụ nữ.

Hình 1: Biển Đông trên con đường bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á và ra thế giới [9]

http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/HTP2.jpg


Ở Việt Nam, nơi bao đời nay đất nước và con người đã hứng chịu bao nhiêu cơn binh lửa nên không ít những giờ khắc tình thế như trứng để đầu gậy. Xin trích một đoạn rất ngắn sau đây trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (trang 127, tập 1):

Ngột-lương-hợp-thai từ Vân-nam đem quân sang địa phận An-nam, đi đường sông Thao-giang tỉnh Hưng-hoá, xuống đánh Thăng Long.
...
Bấy giờ thế nguy, Thái-tông ngự thuyền đến hỏi Thái-uý là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ “nhập Tống”. Thái-tông lại đi đến hỏi Thái-sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo!

Những truyện sử sách này, chúng ta đều thuộc, nên không nhất thiết trình bày dài mà chỉ muốn thêm rằng: Trong những giờ phút trọng đại, suy tư, lời nói và hành động của những người mang trách nhiệm chèo lái con thuyền quốc gia thật là vô cùng quan trọng; nó chứng tỏ người đó có đủ tâm dám xả thân vì nước, đủ trí thấu rõ tình thế, đủ dũng để gánh vác trọng trách hay không. Sự tồn tại của chúng ta ngày nay là công lao của liệt vị tiền nhân anh minh.

Con đường bành trướng


Cảm ơn sự phát triển của thông tin mạng nối toàn cầu. Nhờ phương tiện này mà những diễn biến an nguy tại quê hương đến với chúng ta không quá trễ và những suy tư tâm huyết của những con dân mang giòng máu Việt đang sống ở khắp mọi miền trên thế giới cũng nhanh chóng được chia sẻ. Người viết không dám trình bày nhiều về những kiến giải của mình; chỉ đưa ra ít dữ liệu lịch sử và hiện tại để cùng suy nghĩ.

Bùi Tân Phong

© Thông Luận 2009

[1] Bách khoa thư Brockhaus giản tập, II/V, trang 105 (tiếng Đức): Expantion: ... 4) Politik: die Ausweitung des nationalstaatl. Machtbereichs, entweder unmittelbar durch Vergrößerung des Staatsgebiets oder mittelbar durch Gewinnung von Einflußgebieten.
[2] Có lẽ cũng vì là „bệnh“, bản năng – có phần nào đó đối lập với văn hoá, nên người ta đã không dùng các từ như „học thuyết“, „chủ nghĩa“ đối với nó mà chỉ dùng „sự bành trướng“, „chính sách bá quyền nước lớn“, etc.
[3] Những người khốn khổ.
[4] Khẩu hiệu thời mới là kêu gọi phụ nữ “bất ái hồng trang, ái vũ trang“!
[5] Biên dịch từ Bách khoa toàn thư Enzyklopedia Brockhaus giản tập, V/V, tr.343.
[6] Người dịch nhấn mạnh.
[7] Như trình bày trong phần lịch sử Thổ nhĩ kỳ, chiến cuộc vây hãm và giải phóng thành Viên là bước ngoặt quan trọng không những đối với lịch sử Thổ nhĩ kỳ mà còn với cả châu Âu. Những ngày trọng đại (Tag X) là tài liệu truyền hình 3 tập trình bày 3 sự kiện quan. Đây là bộ tài liệu công phu với sự đóng góp của các chuyên gia lịch sử và quân sự. Chúng tôi thu thập và cố gắng „gỡ băng truyền hình“ để trình bày lại trong hình thức biên khảo; hy vọng được các bậc thức giả bổ khuyết, đính chính.
[8] Kara Mustafa (Mustafa “đen”) đại công thần Thổ (1676-1683); sinh năm 1634 ở Maryndscha gần Merzifon, bị giết ngày 25. 12. 1683 tại Belgrad. Năm 1683 bị đánh bại tại Viên; trong khi rút chạy bị Sultan sử tử chém.
[9] Lưu ý (không viết ra thì... ấm ách!): Vị trí con tàu Imppeccable là điểm rất nhạy cảm và... lý thú!

No comments: