Friday, March 20, 2009

THƯ NGỎ VỀ VIỆC KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Thư Ngỏ Về Việc Khai Thác Bauxite Tại Tây Nguyên
Việt Tân
Cập nhật ngày: 20/03/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8404

Kính thưa đồng bào,
Nhìn lại tiến trình phát triển trong những thập niên vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã và đang phải ân hận về những kế hoạch phát triển bất chấp các hậu quả lên môi trường sống. Nhiều loại bệnh hoạn, dị tật lên con người và mức độ diệt chủng các loại sinh vật, cây cỏ trong những vùng bị ảnh hưởng đã trầm trọng đến độ nhân loại phải đưa ra một định nghĩa mới về phát triển. Hầu hết các nước trên thế giới ngày nay càng lúc càng phải chấp nhận và tuân theo các định luật về phát triển bền vững — tức phát triển không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải duy trì được lực tái tạo nguồn sản xuất và không để lại tác hại quá lớn cho thế hệ tương lai.
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại đang đi ngược lại xu hướng này bất kể các hiểm họa rất hiển nhiên cho nhiều thế hệ Việt Nam hiện tại và tương lai.
Từ hơn 3 năm qua, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã âm thầm hợp tác với Trung Quốc khởi động việc khai thác các mỏ bauxite tại Tỉnh Đắk Nông và Tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam. Chỉ sau khi sự việc bị tiết lộ ra công luận, ông Nguyễn Tấn Dũng mới tuyên bố đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước trong cuộc họp báo vào chiều ngày 4 tháng 2 năm 2009, và cho biết một hội nghị khoa học sẽ được triệu tập để trình bày các mặt lợi hại của việc khai thác bauxite tại Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những bài bản đã được phổ biến trước đây trong nội bộ Trung Ương Đảng, bao gồm những dữ liệu có chủ đích riêng, dựa trên những kỹ thuật thô sơ, và do chính các công ty đấu thầu Trung Quốc cung cấp.

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Đắk Nông
http://www.viettan.org/IMG/jpg/Coquan1.jpg

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Bảo Lâm
http://www.viettan.org/IMG/jpg/Coquan2.jpg

Sự kiện này cho thấy những người lãnh đạo đảng CSVN đã lấy một quyết định có mức hiểm họa rất lớn đối với môi trường sống của hàng triệu người dân tại Tây Nguyên và dọc theo hệ thống sông Đồng Nai mà KHÔNG dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học khách quan và các kinh nghiệm đắt giá của thế giới.

Thật vậy, hầu hết các nhà khoa học Việt Nam vừa lên tiếng trong thời gian qua đều chứng minh các điều sau:
Mức thu thập kinh tế kém ở tầm vóc quốc gia. Tây Nguyên hiện đang rất thiếu điện, nước, và các phương tiện vận tải. Do đó giá thành chế biến quặng bauxite khó có thể cạnh tranh với Úc, Ấn Độ, mà chỉ khiến Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc làm nơi tiêu thụ.
Hiểm họa môi sinh rất cao. Số lượng bụi đỏ và bùn đỏ, một phó sản trong quá trình tinh luyện quặng bauxite rất độc hại, hủy diệt mọi sinh vật và cây cối trong vùng. Hơn thế nữa, khi mưa rơi xuống sẽ đưa số bùn đỏ này vào các sông, suối, và mạch nước ngầm làm nhiễm độc các nguồn nước không chỉ cho toàn vùng Tây Nguyên mà còn dẫn xuống cả các tỉnh miền Nam.
Chưa có cách nào tẩy độc. Hiện nay thế giới chưa có kỹ thuật tẩy độc hữu hiệu nào đối với các vùng đất bị nhiễm bùn đỏ. Chính vì lý do này mà nhiều nước đã không còn cho khai thác bauxite. Các mỏ khai thác tại Úc Châu phải chấp nhận chứa bùn đỏ tại các vùng sa mạc không mưa và không có dân cư. Ngay cả Trung Quốc nay cũng chấp nhận đóng cửa nhiều mỏ bauxite tại nước họ và chuyển sang đầu tư khai thác tại nước khác
Ảnh hưởng kinh tế trầm trọng. Vì các độc tố bùn đỏ lan tràn vào nguồn nước nên ngành khai thác rừng và các ngành trồng cao su, cà phê, trà, tiêu, hạt điều, v.v... sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài. Nếu tính cả các khoản thiệt hại này, rõ ràng việc khai thác bauxite không đem lại lợi ích cho cả dân tộc mà chỉ làm giàu một số nhỏ quan chức trực tiếp liên hệ.
Gieo rất nhiều đau khổ lên con người. Hàng triệu đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào sắc tộc, không chỉ mất nơi sinh sống, mất các nền văn hóa đặc thù, mà còn sẽ phải gánh chịu đủ loại bệnh hoạn, dị tật, quái thai khủng khiếp qua nhiều thế hệ tương lai. Hàng chục triệu người khác sống dọc theo nguồn nước của sông Đồng Nai, hồ Trị An, v.v... cũng không thoát khỏi tai họa nêu trên. Đó là chưa kể đến các loại rau trái từ vùng này cung cấp cho cả nước.

Kính thưa đồng bào.

Sức tàn phá của bùn đỏ bauxite là một hiểm họa không phân biệt Kinh - Thượng, giàu nghèo, tôn giáo, hay chính kiến. Hiểm họa này đe dọa lây lan ra cả nước và có thể truyền tới những thế hệ Việt Nam tương lai. Đây là hiểm họa cho cả dân tộc!
Trách nhiệm gây ra hiểm họa này chính là từng thành viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN.
Nếu thực sự tin rằng quyết định khai thác bauxite tại vùng Tây Nguyên là chính đáng, Bộ Chính Trị đảng CSVN hãy dám tạm ngưng toàn bộ dự án cho đến khi đồng bào toàn quốc được nghe, đọc đầy đủ các dữ kiện lợi, hại về việc khai thác này; đồng thời hãy dám mở cánh cửa thông tin để mọi người dân có thể tiếp cận với những kinh nghiệm khai thác bauxite của thế giới.

Trước tình trạng này, chúng tôi, mọi đảng viên Đảng Việt Tân, nguyện đóng góp hết sức mình trong nỗ lực:
Góp phần đem tối đa dữ kiện đến đồng bào khắp nơi, đặc biệt là hình ảnh, tin tức điều tra các dự án khai thác "âm thầm" quặng bauxite của nhà nước CSVN với Trung Quốc tại Tây Nguyên. Chúng tôi kêu gọi đồng bào và công nhân viên đang sinh sống tại Nhân Cơ, Bảo Lâm, và các vùng khai thác quặng bauxite khác hãy tiếp tay truyền ra các dữ kiện tàn phá môi sinh và tên tuổi các cán bộ trách nhiệm.
Hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam trong nỗ lực nghiên cứu và lên tiếng báo động dân tộc về mọi mặt nguy hiểm của bùn đỏ bauxite. Chúng tôi đặc biệt đề nghị và hỗ trợ quí vị thuộc giới y sĩ trong việc soạn thảo các tài liệu báo nguy về mặt sức khỏe và các biện pháp giảm thiểu tác hại.
Vận động các tổ chức bảo vệ môi sinh và nhân quyền quốc tế để tạo áp lực lên nhà cầm quyền CSVN phải ngưng các dự án khai thác bauxite. Chúng tôi đặc biệt đề nghị và hỗ trợ quí vị thuộc giới luật gia điều nghiên các luật lệ quốc tế để khi điều kiện cho phép có thể truy tố các nhân sự trách nhiệm về mức độ thiệt hại nhân mạng và hủy hoại môi sinh do bùn đỏ bauxite gây ra.

Ngày 20 tháng 3 năm 2009
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng
Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-1678


No comments: