Friday, March 20, 2009

SUY NGẪM VỀ BÀI VIẾT CỦA TRƯƠNG THÁI DU

Suy ngẫm về
bài viết của Trương Thái Du

TÁC GIẢ: OldMovie13

Mấy hôm vừa rồi, tôi bận đón cậu em họ từ Việt Nam qua chơi nên chẳng có nhiều thời gian đi uống (X-) cafe. Cậu em tôi là một trí thức thuộc loại đầu ngành ở Hà Nội, đảng viên, phó tiến sỹ, tiếng Anh, tiếng Pháp đều thạo, thường xuyên làm việc với các chương trình của UNDP, WHO, có nhà riêng 3-4 tầng v.v..., đúng mô hình trung lưu ở Việt Nam hiện nay. Nhân đám tang bác Hoàng Minh Chính tôi hỏi cậu có biết gì không? „Ông Chính thì em biết, nhưng đám tang thì em không hay biết gì.“
- Sao vậy, báo chí có đăng mà?
- Em có đọc báo bao giờ đâu, vả lại chúng em cũng ít quan tâm đên chính trị.
- Thế cậu biết ông Chính thì cậu nghĩ gì về ông ấy?
- Họ bảo ông ấy chống đảng, phản động đủ thứ cả...
- Cậu có tin không?
- Anh nghĩ em là trẻ con à, em cho là ông ta bị thất sủng từ lâu rồi vì có quan điểm khác với đám ông Chinh ông Duẩn ông Đồng và chắc ông ta cũng có lý của ổng. Nhưng ở Việt Nam bây giờ ít ai biết đên ông Chính và „hội“ của các bác ấy....

Đại loại là như vậy....Tôi thất vọng, nhưng ngẫm lại thì biết là cậu ấy nói lên tâm trạng của phần lớn nhân dân trong nuớc. Hôm này vào mạng lại vấp phải ngay
bài của Trương Thái Du đăng trên Talawas.

Tôi đã đọc vài bài của Trương Thái Du rồi và không lấy gì làm ngạc nhiên về thái độ của tác giả đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam. Tôi không dám khẳng định anh Thái Du là kẻ khiêu khích và nghĩ rằng, có thể anh đại diện cho một luồng quan điểm nào đó trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nếu vậy thì việc Talawas đăng bài viết của anh ta đâu có gì là đáng thất vọng, đáng chê trách như phản ứng trên các diễn đàn. Đã là diễn đàn thì phải sòng phẳng tranh luận với nhau tất cả các vấn đề. Tuy nhiên đã là chính luận thì việc dùng các từ ngữ có tính chất hạ thấp nhau như „các nhóm dân chủ đồng sàng dị mộng“, anh em dân chủ ”tự phát và đầy dẫy bất mãn“ v.v... sẽ làm hại giá trị bài viết. Tác giả chẳng đã cố tình viết bài này để đối thoại với những nhà dân chủ trong và ngoài nuớc hay sao. Đối thoại của giới trí thức cũng phải có style của nó.

Nhưng thôi xin bỏ qua tiểu tiết, văn phong để đi vào nội dung chính mà anh Thái Du muốn nói.

Phải cay đắng mà công nhận rằng Thái Du có lý trong một ý chính của bài viết, đó là vai trò của phong trào dân chủ ở Việt Nam còn rất thấp, mà bằng chứng là câu chuyện của cậu em tôi hôm qua. Tôi không thể chia sẻ sự lạc quan với bạn Nguyễn Phương Anh trong bài viết „Thế trận dân chủ VN 2008“, mà ngược lại tôi có phần suy nghĩ như Thái Du. Các nhà dân chủ Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm để có thể thu hút được sự chú ý của nhân dân đến với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Họ như một thiểu số đang bơi nguợc lại dòng chảy của sự trì trệ, của một số đông an phận, bị lừa dối và chấp nhận sự giả dối. Lý do của cuộc đấu không cân sức này thì đã được viết trên cả ngàn trang giấy, tôi khỏi phải nêu.
Nhưng nếu như trước kia những người dân chủ phải chịu số phận „trứng chọi đá“, đập đâu chết đó, thì này thế trận đã dần chuyển thành „châu chấu đá voi“. Các chú châu chấu chẳng thể nào đánh gục đuợc con voi thì rõ rồi, nhưng con voi to vậy nhưng chẳng phải dễ gì mà giết được bọn chấu nữa. Trong khi bọn chấu càng ngày càng hỗn thì voi lại gặp vấn đề là: voi chẳng còn ở rừng sâu nữa, mà đã vào rạp xiếc, phải biết làm đỏm, phải biết giữ trật tự, không còn lồng lộn vật vã gầm thét được nữa, khả năng tàn phá môi truờng của voi nay đã giảm nhiều.

Hình ảnh tôi vừa nêu cho thấy anh Thái Du tuy dùng ngòi bút rất sắc sảo, nhưng lại chỉ đề cập đến các hiện tượng mà quên đi cái bản chất, chỉ so sánh qua số lượng mà không biết đến chất lượng. Đó là chưa kể đến việc anh Thái Du cố tình phủ nhận thực tế. Anh viết “Cái gọi là phong trào dân chủ Việt Nam“ mà không biết là chính quyền Việt Nam nay đã phải tính đến chuyện để cho
những nguời dân chủ Việt Nam chính thức gặp gỡ nhau tại Hà Nội. Phong trào dân chủ ở Việt Nam tuy còn yếu, yếu lắm, nhưng đã thành một thực thể, chứ không còn là „Cái gọi là“ nữa. Điếu văn Bác Hoàng Minh Chính do luật sư Trần Lâm đọc ngày 16.2.08 truớc cả một đám đông 500 nguời, với sự có mặt của hàng trăm công an lẫn báo chí trong và ngoài nước chẳng đã là một lời tuyên bố buớc ra công khai của phong trào này sao?

Những hôm truớc đám tang của Bác Hoàng Minh Chính đã có mấy bloggers phê phán là „công an là ngăn cản những nguời đối kháng đi đưa tang vì sợ sẽ có một đám tang giống như của cụ Phan Chu Trinh thế kỷ truớc“. Tuy tôi có nhờ người bạn mang vòng hoa đến viếng Bác Chính, nhưng thâm tâm tôi vẫn phân vân, không biết đám tang có bị phá không, có đông không? Nếu không đông thì thế nào cũng có kẻ phản pháo.
Quả nhiên phản pháo đã đến và khá hiểm: „Vâng, đám tang ông Hoàng Minh Chính đã lặng lẽ một cách không thể lặng lẽ hơn...“. Nhưng anh Thái Du nên nhớ cho rằng, ngay dưới thời Pháp thuộc, quyền tự do hội họp, đi lại, biểu tình vẫn tồn tại. Báo chí hồi đó hoàn toàn nằm trong tay tư nhân và có đến hơn 50% chủ báo là nguời Việt. Tất cả các báo quốc ngữ ngày đó đều dồn dập đăng tin với Titre lớn trang nhất về cái chết của cụ Phan và về đám tang. Chỉ riêng chuyện đó đã cho thấy 90% người Việt hồi đó tuy mù chữ nhưng không bị mù tin. Ngày nay thì cậu em tôi tuy biết hai ngoại ngữ nhưng không biết tí gì về Cụ Chính và „hội“ của các bác ấy, vì họ không có lấy 1/4 tờ báo trong cái rừng gần 1000 tờ báo các loại.

Anh Thái Du trích ý kiến của các học giả trong và ngoài nước để phê phán Hoàng Minh Chính. Vâng nếu cho tôi thời gian để phê phán Bác Chính, có thể tôi cũng tìm ra những điểm mà tôi cho là không phù hợp trong đường lối của đảng Dân Chủ XXI hay khối 8406. Tôi đã nhiều lần khẳng định là nếu được tranh luận sòng phẳng trên công luận hay chính trường thì nhiều vấn đề của phong trào dân chủ đưa ra chắc sẽ đáng được tranh cãi lắm. Tôi quý trọng họ trước tiên vì lòng dũng cảm hy sinh của họ, vì tinh thần trách nhiệm trước giang sơn của họ. Kế đến tôi phải công nhận trình độ nhận thức của họ ở chỗ đã nhìn thấy được những sai lầm chết người của hệ thống mà nhiều kẻ kiến thức đầy đầu không nhận ra
(như đã so sánh nhà báo Nguyễn Vũ Bình với bà Tôn Nữ Thị Ninh).

Tuy nhiên chúng ta cũng phải công nhận rằng những nguời dân chủ Việt Nam trên con đường tập hợp thành phong trào vẫn đang gặp phải một vấn đề lớn, đó là ngọn cờ. Từ tướng Trần Độ, đến Bác Chính đều là những nguời yêu nuớc nồng nàn, có đức độ, nhưng chẳng ai là một nhà tư tuởng lớn hoặc một thiên tài tổ chức cả. Một phong trào muốn thành công cần một nhà lãnh đạo mang trong mình một trong hai yếu tố đó. Nghe thì thấy tương lai tối mò (bao giờ cho đến tháng Muời). Nhưng nếu đàn châu chấu dần biến thành đàn ong thì lúc đó sẽ có ong chúa. Bây giờ chưa phải là tháng Chín, nhưng đã là tháng Tư rồi.

Trương Thái Du đã quá nhiều lần phổ biến quan điểm: “Huyền thoại Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam bắt nguồn từ đặc thù văn hóa phong kiến tiểu nông“ hay „Thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam là con đẻ của thể chế văn hóa Việt Nam...“ để bảo vệ chế độ hiên nay và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Anh cho rằng: „Nhưng có ai tự hỏi vì sao ở các nước Tây Âu không bao giờ chấp nhận học thuyết ngoại lai này, nhưng khi áp dụng vào các dân tộc xa xôi ở Đông Á, lại tồn tại 3 dân tộc chấp nhận nó dai dẳng và mãnh liệt như thế: Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam? Đó là vì bản chất của dân tộc đã giúp chủ nghĩa ngoại lai này bám rễ và phát triển mạnh. Đó là bản chất của những nền văn minh nông nghiệp, trong đó họ cần một xã hội ổn định vì nghề nông đòi hỏi sự ổn định để hoạt động trồng trọt được trọn vẹn từ lúc gieo cấy đến khi thu hoạch. Họ cũng cần một chính quyền mạnh, chuyên chế để trị thủy”

Quả là một sự bao biện quá đáng. Cùng một nền văn hóa nhưng tai sao Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao lại có các chế độ chính trị khác nhau? Nam và Bắc Triều tiên là hai dân tộc khác nhau sao?

Tôi càng đọc càng thấy anh mâu thuẫn. Khi ở trên anh phê phán Hoàng Minh Chính “sai về phương pháp, cách thức, đường đi và là một người dựa vào ngoại bang” và ngay vài dòng sau đó anh lại dùng việc làm của cụ Phan để làm guơng cho Bác Chính: “Phan Châu Trinh từng biết rất rõ điều này, cho nên ông chọn con đường đả phá triều đình Nguyễn, vạch ra sự hủ lậu của xã hội và con người Việt Nam, đồng thời kêu gọi hợp tác với thể chế chính trị thực hữu đó là nhà nước bảo hộ Pháp” hay “Phan Châu Trinh đã từng muốn hợp tác với Pháp, kẻ xâm lăng đất nước Việt Nam, dẫn đến việc có ý kiến cho rằng ông hoang tưởng, thậm chí không ít người xuyên tạc sự nghiệp của ông”.
Anh viết tiếp: “Như vậy tại sao những người “dân chủ” luôn quảng cáo lòng yêu nước mơ hồ vô bờ bến của mình không thể đặt ra mục tiêu hợp tác và kiên trì đối thoại với Đảng Cộng sản Việt Nam, những người cùng văn hóa, cùng máu mủ với mình”. Khi đặt câu hỏi như vậy anh cố tình lờ đi rằng chính mục tiếu của đảng Dân chủ XXI là đuợc đối thoại với đảng CSVN, (xem phỏng vấn của Bác Chính trả lời BBC) nhưng đảng CSVN cho đến nay vẫn coi phong trào dân chủ VN là đám tội phạm và chỉ trả lời họ qua con đường... Bộ công an.

Khi đã đọc đến đó tôi bắt đầu nghi ngờ sự trung thực của anh và tôi cảm thấy những hô hào cuối bài của anh trở nên sáo rỗng: “Quan tâm lớn nhất của đại bộ phận dân chúng hiện nay là xã hội ổn định để làm ăn. Đó cũng là đặc tính cố hữu của cư dân một nền văn minh nông nghiệp" (lại điệp khúc). Bất cứ cá nhân hoặc hội nhóm “dân chủ” nào toan tính gây bất ổn xã hội để đầu cơ chính trị đều không tưởng... Nếu vì lý do nào đó, có sự nghi ngại và bất hợp tác của Đảng công sản Việt Nam thì chính nhu cầu của nhân dân sẽ thúc ép sự hợp tác ấy một cách tự nhiên trong bình đẳng. “

Vâng đúng là những biến đổi trong chính sách của đảng CSVN trong hai chục năm qua là kết quả của sự thúc ép đó. Tới đây, để chiến đấu với đàn ong có tổ chức, voi sẽ phải biến thành gấu, nhanh nhẹn hơn, biết đi bằng hai chân và biết leo cây. Chúng ta chào đón tất cả những thay đổi đó và sẽ phải thúc ép để sao cho những cải cách tới đây còn phải nhanh hơn nữa, toàn diện hơn nữa. Đó chính là mục tiêu của phong trào dân chủ VN. Đảng CSVN đã để lỡ nhiều vận hội của dân tộc rồi, không còn nhiều vận hội để lỡ nữa đâu. Điều này thì chắc anh Thái Du đông ý với tôi ?

Anh Thái Du cũng dựa vào chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx để khẳng định, lịch sử đã và sẽ đi con đuờng của nó, “Cái gì phải đến, nó sẽ đến”. Nhưng vai trò của nguời trí thức là ở chỗ nhìn ra quy luật này để biết cỗ xe lịch sử đang đi theo hướng nào. Nguời trí thức cấp tiến thì luôn tìm cách tăng tốc độ của cỗ xe. Kẻ an phận thủ lợi thì chủ trương “há miệng chờ sung”, ngồi lên chờ cho nó đến đích. Còn nếu kẻ nào đã nhìn thấy sự việc mà lại tìm cách ngăn cản cỗ xe hay tìm cách cô lập những nguời đẩy xe thì đuợc gọi là “phản động”, (reactionary) theo đúng khái niệm của nó.

Nguồn: tác giả gửi cho LỀ BÊN TRÁI từ CHLB ĐỨC
http://daohieu.com/website/?pg=cs&id=553



No comments: