Saturday, March 21, 2009

QUAN HỆ QUÂN SỰ MỸ-TRUNG

Quan hệ quân sự Mỹ - Trung: Hợp tác và kiềm chế
Thứ Bảy, 21/03/2009, 08:24 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=307200&ChannelID=119
TTCT - Tương quan lực lượng giữa các quốc gia khoảng 10 năm chuyển biến một lần. Ở châu Á, hệ thống quốc tế đã thay đổi đáng kể từ sự kiện 11-9, khi Mỹ chỉ chuyên vào chống khủng bố quốc tế và bị dính líu vào hai cuộc chiến tranh, một ở Trung Đông, một ở Trung Á. Trung Quốc bước vào giai đoạn cường thịnh chưa từng có. Còn các nước đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực mất ổn định triền miên.

>>
“Luật là của chung thiên hạ”

Lựa chọn ngày càng eo hẹp

Thách thức chiến lược lớn nhất đối với Tổng thống mới của Hoa Kỳ Barack Obama tại châu Á là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ với một nước Trung Quốc giàu mạnh, tham vọng và quyết đoán, trong khi những lựa chọn của Mỹ ngày càng eo hẹp. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Mỹ cần Trung Quốc cũng ngang với Trung Quốc cần Mỹ.
Năm 2000, ứng cử viên tổng thống George Bush gọi Trung Quốc là “bên cạnh tranh chiến lược” ở châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2005, chính quyền Mỹ đưa ra lý thuyết “can dự tích cực” và “chia sẻ trách nhiệm” với Trung Quốc.
Mới đây, vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia thời Jimmy Carter, Zig Brezinski và một số nhân vật tầm cỡ khác vẽ ra vô số kịch bản mới như Mỹ - Trung thiết lập cơ cấu “cộng đồng vận mệnh”, “G-2” không chính thức, nâng quan hệ hai nước lên mức tương tự quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Cách nói “Trung - Mỹ cùng nhau quản lý thế giới” có phần thái quá, nhưng phản ảnh sự lớn mạnh của Trung Quốc và những tính toán của Mỹ muốn tìm kiếm cơ chế vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc ngày nay là một cường quốc quân sự mạnh thứ ba thế giới, nhưng xét tiềm lực tổng thể chỉ đứng sau Mỹ, đạt tới trình độ cao trên hầu hết năm binh chủng của cuộc chiến tranh hiện đại: tàu nổi, tàu ngầm, tên lửa, vệ tinh thám báo và không quân, tuy không quân Trung Quốc còn kém không quân Nga, Mỹ và NATO.
Mấy năm qua, quân đội Trung Quốc đã điều chỉnh căn bản tư duy quân sự, chuyển từ một lực lượng lớn cho cuộc chiến tranh tiêu hao trên bộ sang xung đột ngắn, cường độ lớn, kỹ thuật cao, đặc biệt là chiến tranh tin học hóa. Sự phát triển vượt bậc đạt được trên lĩnh vực hải quân.
Cuối tháng 12-2008, Trung Quốc quyết định gửi một lực lượng hải quân đặc nhiệm tới vùng biển Somalia tham gia chống cướp biển và hộ tống thương thuyền, tín hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc tiến một bước nữa trong chiến lược đại dương. Động thái này cùng với việc Trung Quốc khẳng định chế tạo tàu sân bay xác nhận hải quân Trung Quốc vươn từ biển gần tới biển xa, từ chiến lược “màu vàng” (vùng biển gần bờ) tới chiến lược “màu lam” (vùng biển xa hơn).
Mới đây khi tiếp các tướng lĩnh hải quân Trung Quốc, chủ tịch quân ủy trung ương Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh theo nguyên tắc hiện đại hóa, chính quy hóa, thích ứng yêu cầu thực hiện sứ mệnh lịch sử của quân đội Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Trung Quốc: “Liên kết với Mỹ để kiềm chế Mỹ”


Phía Mỹ một mặt thừa nhận việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự là tiến trình tự nhiên tương ứng với sự trỗi dậy của một cường quốc. Tuy nhiên đô đốc Timothy Keating, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, cho rằng các cuộc tuần tra được tăng cường và việc triển khai xa hơn các tàu ngầm của Trung Quốc không lo ngại bằng việc Bắc Kinh không bộc lộ rõ ràng các ý định quân sự của họ. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định họ theo đuổi hiện đại hóa quốc phòng chỉ nhằm mục đích tăng cường chiều sâu phòng thủ, phù hợp với quan niệm “phát triển hòa bình” của lãnh đạo Bắc Kinh.
Các nhà vạch kế hoạch quân sự của Mỹ sẽ xử sự như thế nào còn tùy thuộc cuộc thảo luận hiện nay về những thách thức to lớn trên toàn cầu đối với an ninh quốc gia Mỹ trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ bị hạn chế, một số nhà phân tích Mỹ cho rằng việc “điều chỉnh lại cán cân” giữa các chiến trường Iraq và Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ là những ưu tiên chính trong kế hoạch quốc phòng của Mỹ những năm trước mắt.
Về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Mỹ, theo tạp chí Lý Luận Tiền Duyên thuộc trường Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc số tháng 10-2007, luận thuyết của ông Hồ Cẩm Đào là chuyển từ chiến lược phòng thủ của Đặng Tiểu Bình sang chiến lược tiến công, “liên kết với Mỹ để kiềm chế Mỹ”.
Cách tiếp cận gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc là kết hợp các biện pháp tổng hợp giữa can dự với ngăn chặn, can dự với bao vây, can dự với cân bằng. Ngày 27-1-2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố trước Quốc hội rằng Mỹ sẵn sàng đương đầu với bất kỳ “mối đe dọa quân sự nào của Trung Quốc trong thời gian sắp tới”. Lầu Năm Góc đang đạt được tiến triển tốt trong “một số chương trình” nhằm đối phó với những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc vốn có thể “gây rủi ro cho tàu sân bay Mỹ”.

Nhiều cơ chế đối thoại

Vũ khí chưa phải là tất cả trong mọi cuộc chiến tranh. Các chuyên gia Mỹ nhắc nhở chính quyền Obama tăng cường quan hệ an ninh song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và tiếp tục xây dựng đối tác chiến lược thực chất với Ấn Độ. Vào lúc ảnh hưởng Mỹ ở Đông Nam Á lục địa suy giảm, Mỹ cần mở rộng quan hệ với Indonesia.
Mỹ tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp tại biển Hoa Đông và biển Đông. Nhưng không loại trừ khả năng một cuộc xung đột mới trên biển Đông có thể tạo thời cơ cho Mỹ tái lập sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á. Hệ thống liên minh an ninh của Mỹ sẽ được kích hoạt một khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp đe dọa lợi ích sống còn của Mỹ và đồng minh.
Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc có nhiều loại cơ chế đối thoại. Tổng thống Bush và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gặp nhau 19 lần. Đối thoại kinh tế chiến lược bắt đầu năm 2006, đến nay tiến hành được năm lần. Về vấn đề Đài Loan, chính quyền Bush nhắc lại lập trường kiên trì chính sách “một nước Trung Quốc” và ba thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ. Đô đốc Timothy Keating mới đưa ra đề nghị làm chủ nhà cho các cuộc hội đàm trực tiếp giữa các quan chức quân sự Trung Quốc và Đài Loan tại trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Hillary Clinton giúp khởi động lại cuộc đối thoại không chính thức quân sự cao cấp Trung - Mỹ tại Bắc Kinh cuối tháng 2 vừa rồi. Mỹ và Trung Quốc có đủ phương cách lẫn ý chí để giảm thiểu hiểu lầm, tăng cường hợp tác trong một thế giới lợi ích tùy thuộc.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

----------------------------------------
2009 - năm quân sự của Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh hiện đại hóa quân sự. Ngày 4-3, Trung Quốc thông báo tăng ngân sách quốc phòng gần 15% trong năm 2009 lên 480,68 tỉ nhân dân tệ (hơn 70 tỉ USD), chiếm 6,3% tổng ngân sách nhà nước.
Tờ Minh Báo (Hong Kong) nhận xét 2009 sẽ là “năm quân sự” của Trung Quốc, hoạt động của quân giải phóng sẽ rất sôi nổi, thể hiện vai trò của mình ở Trung Quốc cũng như ở vũ đài quốc tế.

------------------

Theo nguồn tin Trung Quốc, tháng 1-2009 Mỹ đưa 12 máy bay F-22 tới cụm đảo tiền tiêu Zama ở Okinawa (Nhật Bản) và 12 máy bay F-22 tới căn cứ căn cứ Andersen ở Guam. Loại máy bay này ngoài khả năng vượt qua lưới theo dõi rađa của đối phương để triển khai tác chiến tập kích bất ngờ, còn trang bị hệ thống trinh sát và tình báo tín hiệu rất mạnh.
F-22 có thể mang sáu tên lửa không đối không tập kích trong mọi thời tiết các mục tiêu bay trong phạm vi 50km. Mỗi chiếc F-22 còn mang tám quả loại bom dẫn đường bằng vệ tinh, có thể xuyên qua hơn 1m ximăng cốt thép dưới đất.
Lý do Mỹ nêu ra về sự điều động không lực át chủ bài này tới tây Thái Bình Dương là để đối phó với khả năng Bình Nhưỡng thử tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn tới Mỹ. Nhưng giới phân tích Trung Quốc cho rằng việc triển khai các máy bay tiên tiến này còn nhằm khống chế Trung Quốc.



No comments: