Wednesday, March 18, 2009

PHILIPPINES và TRUNG QUỐC TRANH CÃI VỀ TRƯỜNG SA

Phi Luật Tân phản đối tàu tuần tra Trung Quốc
DCVOnline – Tin ngắn
18-03-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6123

Phi Luật Tân quan ngại về vụ tàu tuần tra Trung Quốc

Hôm Chủ Nhật, Cố vấn An Ninh Quốc gia Phi Luật Tân (Philippines), Norberto Gonzales, đã quyết định sẽ triệu tập một cuộc họp giữa các quan chức an ninh Phi Luật Tân trong tuần này để bàn về việc Trung Quốc điều tàu tuần tra ngư nghiệp đến vùng biển Đông Việt Nam.
Sau khi Hoa Kỳ điều một khu trục hạm đến vùng biển Đông để bảo vệ tàu khảo sát của Mỹ sau việc sách nhiễu từ các tàu Trung Quốc hồi tuần trước, thì Trung Quốc cũng quyết định điều một tàu tuần tra ngư nghiệp đến vùng này.
Ông Gonzales trả lời một tờ báo Phi Luật Tân rằng việc Trung Quốc "triển khai tàu tuần tra đến vùng này là một thông điệp chúng ta không thể bỏ qua. Chúng ta phải xem đây là một diễn biến nghiêm trọng. Điều này cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong thời đại đối thoại và hiểu biết trên toàn cầu, vẫn có nhiều quốc gia muốn biểu dương sức mạnh và đe dọa những nước bị xem là yếu như Phi Luật Tân."

Ông Gonzales cũng nói rằng Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ bàn về việc chính phủ Phi Luật Tân sẽ phản ứng như thế nào đối với sự kiện tàu Trung Quốc, trong khuôn khổ một bản thỏa thuận về cách hành xử của các quốc gia đang có tranh chấp trong vùng biển Đông. Theo bản thỏa thuận được ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông nam Á thì các quốc gia tranh chấp sẽ tự kiềm chế và tránh có những hoạt động làm cho việc tranh chấp trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn.
Ông Gonzales nói Phi Luật Tân sẽ có phản ứng ngoại giao về việc Trung Quốc điều tàu tuần tra đến vùng biển đang có nhiều tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực.

Vào tuần trước, Trung Quốc cũng phản đối việc tổng thống Phi Luật Tân, bà Gloria Macapagal-Arroyo, ký một đạo luật trong đó có công nhận chủ quyền của Phi Luật Tân tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tố cáo rằng Phi Luật Tân đã tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo Hòang Sa, Trường Sa và Trung Sa của Trung Quốc.
Những sự kiện được chú ý nhất là vào tuần trước, Mỹ tố cáo các tàu Trung Quốc đã sách nhiễu tàu khảo sát Impeccable trong hải phận quốc tế. Sau đó Mỹ điều một khu trục hạm đến vùng biển này để bảo vệ tàu Impeccable. Liền sau đó, Trung Quốc điều một tàu tuần tra ngư nghiệp đến vùng này.
Các nước trong khu vực đã từng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn phần trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei và Việt Nam.
Tuần trước, qua lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, Việt Nam có tái khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa để phản đối việc Phi Luật Tân ký kết đạo luật vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về việc Trung Quốc điều tàu tuần tra đến vùng biển Đông.

© DCVOnline
---------------------------------------------------------
Nguồn:
(1)
RP taking China ship in Spratlys seriously. Global Nation, 16 March 2009
(2)
Việt Nam tái xác nhận chủ quyền trên đảo Trường Sa. DCVOnline.net, 12 March 2009


Trung Quốc biện hộ quyền tuần tra đảo Trường Sa
DCVOnline – Tổng hợp
18-03-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6124

MANILA – Sau khi chính phủ Phi Luật Tân lên tiếng phản đối Trung Quốc đã đưa tàu tuần tra đến kiểm soát vùng biển Trường Sa, như DCVOnline đã đưa tin hôm nay, Trung Quốc đã lên tiếng biện hộ cho thái độ đưa tàu tuần tra của họ vào vùng biển quanh quần đảo Trường Sa vốn đang còn tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Bắc Kinh nói rằng điều này không vi phạm sự thỏa thuận duy trì hòa bình trong vùng biển Nam Hải.
Con tàu được gởi đến đó là một “tàu tuần tra ngư nghiệp, chứ không phải là một chiến hạm,” ông Hua Ye, phát ngôn viên của tòa Đại sứ Trung Quốc ở Manila nói trong bản thông cáo.
“Tôi không nghĩ rằng phía Trung Quốc đã làm điều gì vi phạm đến Tuyên ngôn Hành xử của những nước liên quan (DCP) trong vùng biển Nam Hải.”

Tuyên ngôn năm 2002 đã kêu gọi tất cả những nước cho mình có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa – bao gồm Phi Luật Tân và Trung Quốc - kềm chế bất cứ hành động nào có khả năng gây căng thẳng, bao gồm cả việc cũng cố quân sự và công trình xây dựng.
Bản thông cáo ra đời chỉ một ngày sau khi báo chí Trung Quốc tường thuật một chiếc tàu tuần tra ngư nghiệp vốn được cải tiến từ một chiến hạm của hải quân Trung Quốc đã đến vùng biển Hoàng Sa với nhiệm vụ tuần tra vùng biển hiện đang còn bị tranh chấp, mà Bắc Kinh cho rằng khu vực này nằm trong vùng đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
Bản thông báo của tòa Đại sứ Trung Quốc ở Manila nói rằng chiếc tàu tuần tra này sẽ giúp đỡ tàu đánh cá của Trung Quốc và tàu vận chuyển. Tuy nhiên, quyết định đưa tàu tuần duyên vào vùng biển đang còn tranh chấp này được Manila nhìn nhận như sự biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc đối với các nước nhỏ cũng đang đòi hỏi chủ quyền lên những quần đảo này.

Mới tuần rồi, Trung Quốc đã phản đối một đạo luật mới của Phi Luật Tân xác nhận chủ quyền của Phi Luật Tân lên một phần của quần đảo Trường Sa và Scarborough Shoal. Bắc Kinh nói rằng “họ có chủ quyền không thể tranh cãi được” lên vùng này và Phi Luật Tân cho rằng điều Bắc Kinh tuyên bố “là điều bất hợp pháp và vô căn cứ.”
Phát ngôn viên của tổng thống Phi Luật Tân Cerge Remonde nói Bộ Ngoại giao Phi đã “đang dùng những phương cách ngoại giao bình thường để giải quyết vấn đề này một cách ngoại giao. Trong lúc rõ ràng điều này là lý do cho sự quan tâm, hãy đừng có thái độ qúa đáng,” ông nói.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói rằng họ sẽ tuân thủ theo bản tuyên ngôn năm 2002 và kêu gọi các nước khác nên làm theo như vậy.
Cùng lúc, phát ngôn viên Hải quân Phi Luật Tân ông Edgardo Arevalo cho hay "hải quân Phi đang cố xác định và theo dõi vị trí chính xác của chiếc tàu tuần tra Trung Quốc này." Ông cũng nói thêm là như Trung Quốc, Phi Luật Tân cũng có quân đội đồn trú trên một vài hòn đảo để "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình."

Được biết trong tuần qua, báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam có lên tiếng phản đối Trung Quốc tổ chức dịch vụ đi du lịch Trường Sa, nhưng hiện vẫn giữ thái độ thụ động trong chuyện Trung Quốc gởi tàu tuần tra ngư nghiệp đến để bảo vệ tàu đánh cá của họ, cũng như "bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi được của Trung Quốc lên quần đảo này."
Và hôm qua thứ Tư ngày 17 tháng Ba, "một cuộc hội thảo mở bàn về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội. Hơn 70 nhà nghiên cứu của Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập tham dự hội thảo." Cuộc hội thảo này được ghi nhận như là lần đầu tiên Hà Nội cho phép các chuyên gia nghiên cứu thảo luận về vấn đề Biển Đông sau một thời gian dài làm lơ. Bài báo cho hay "giới nghiên cứu thừa nhận hiện nay, nghiên cứu về Biển Đông vừa yếu vừa thiếu. Thế nhưng, "hình như một lực lượng rất lớn và có giá trị là các học giả Việt Nam ở nước ngoài lại đang bị bỏ quên”, bà Trần Thị Ái Liên nêu, theo tường thuật của Vietnam.net.

© DCVOnline
-------------------------------------------------------------
Nguồn:
(1)
China defends sea patrol of Spratly Islands. AFP, AP, CHINA DAILY/ASIA NEWS NETWORK, 17 March 2009
(2)
"Không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính". Vietnamnet.vn, by Phương Loan, 18 March 2009



No comments: