Tuesday, March 3, 2009

PHÊ BÌNH SÁCH "HOÀNG SA - TRƯỜNG SA"

Thận trọng khi biên soạn sách về Hoàng Sa – Trường Sa
03/03/2009 13:44 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6270/index.aspx
(TuanVietNam) - “Hoàng Sa Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế” là một trong những đầu sách ít ỏi viết về Hoàng Sa - Trường Sa và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nó cũng là cuốn sách xuất bản gần đây nhất và đặc biệt là được phát hành rộng rãi thay vì chỉ “lưu hành nội bộ” như nhiều ấn phẩm cùng đề tài. Do vậy, sách rất dễ có ảnh hưởng tới công luận cả trong và ngoài nước.

***

Tên sách: Hoàng Sa Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế
Tác giả: Nguyễn Q.Thắng
Phát hành: NXB Tri thức, 2008


***
Trong khi giới học giả Trung Quốc đã có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, thì ở Việt Nam, sách chuyên sâu về chủ đề này rất hiếm. Dẫu sao đây cũng là một chủ đề hết sức phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn cả về nhân lực, thời gian và kinh phí.
Vì thế việc tác giả Nguyễn Q.Thắng cho ra đời cuốn Hoàng Sa Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế là một nỗ lực đáng trân trọng, vừa vì công sức biên soạn, vừa vì mục đích của cuốn sách: sưu tầm và khảo cứu các chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế nhằm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là một phần không thể tách rời của lãnh thổ nước nhà.
Tuy nhiên, chính vì khả năng ảnh hưởng sâu rộng của cuốn sách, mà yêu cầu về tính chính xác, khoa học và thuyết phục của nó càng được đặt lên cao hơn. Rõ ràng, sách khảo cứu chỉ có giá trị nếu nó tuân thủ các tiêu chí khoa học, bằng không nó có thể gây hại khôn lường.

Giá như không có quá nhiều sai và lỗi

Cuốn sách được chia thành 7 chương và vài phần phụ, cung cấp cho người đọc những kiến thức căn bản về Hoàng Sa – Trường Sa, như: vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên, tham chiếu về Hoàng Sa – Trường Sa trong các bản đồ cổ, trong sử liệu cổ, diễn biến vụ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với một số nước khác trong khu vực (chủ yếu là Trung Quốc).
Một cấu trúc nội dung như vậy thực sự là hệ thống, khoa học, hứa hẹn mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho độc giả. Tuy vậy, đi vào chi tiết, cuốn sách mắc sai lầm và thiếu sót đáng kể.

Đầu tiên là việc viết sai hoặc không thống nhất nhiều tên riêng phiên âm Hán Việt, ví dụ Khang Thái viết sai thành Khang Đài, hay Quách Tung Đảo chuyển thành Quý Tông Đào. Riêng cái tên Wan Zhen đã được phiên âm thành hai cách khác hẳn nhau Vạn Chấn và Ngoại Trân chỉ trong có vài dòng, để nói về cùng một nhân vật:
“Quyển Nam Châu Dị Vật Chí (Nam Zhou Yi Wu Zhi) tiếng Pháp dịch là (Choses exotiques des régions du sud) của Vạn Chấn (Wan Zhen) viết dưới thời vua Vũ Đế nhà Hán (năm 220-265) thuật lại một chuyến đi biển về phía Nam.
Trong sách Ngoại Trân (Wau Zhen) bảo là là đã đến một chỗ nước cạn có rất nhiều đá nam châm (Pháp dịch là pierre d’aimant)”.

Ngoài cách hành văn lủng củng và khó hiểu, đưa tiếng Pháp vào chẳng vì mục đích gì, thì hai câu này, do phiên âm không thống nhất tên riêng của cùng một chủ ngữ, nên thành ra chẳng ăn nhập gì với nhau: Câu trên nói về ông Vạn Chấn, câu dưới nói về ông Ngoại Trân, trong khi cả hai đều chỉ cùng một người(!).
Những cái sai như vậy khá phổ biến trong cuốn sách, khiến công trình có lúc trở nên nực cười.
Cũng là một sai lầm khác về lịch sử khi tác giả Nguyễn Q.Thắng viết rằng đô đốc Trịnh Hòa từng thực hiện bảy chuyến đi nhằm chinh phục các nước Đông Nam Á. Đó thực chất là một sự võ đoán mà ông Thắng nâng lên thành lời khẳng định, trong khi ngay cả phía học giả Trung Quốc cũng không gán mục đích như vậy cho các chuyến hải hành của Trịnh Hòa.

Một lỗi nghiêm trọng nữa trong hàng trăm lỗi của cuốn sách: “Xem đó, ta thấy rằng ngay đầu thế kỷ XVIII một người Trung Quốc đã dùng danh xưng Việt hải để chỉ Biển Đông hay biển Việt Nam” và “chính người Trung Quốc (Trần Luân Quýnh) viết vào đời nhà Thanh (năm 1744) đã chính thức sử dụng biệt danh Việt hải, Việt dương (biển Việt Nam) để chỉ Biển Đông”.

Trên thực tế, từ “Việt” ở đây không phải là Việt Nam, mà nó là biệt danh người Trung Quốc dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông. Và Việt dương, Việt hải – tức vùng biển thuộc tỉnh Quảng Đông – không hề mang nghĩa biển Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa, học giả Phạm Hoàng Quân, nhận định: “Loại sai lầm này đối với học giới Trung Quốc có thể chỉ là một biểu hiện của sự nông cạn thô kệch, tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ các kết luận “hùng hồn” ấy rất nhiều khả năng làm tiền đề cho các sai lầm kế tiếp cho chính người viết ra nó và học giới Việt Nam. Đó là chưa nói phía đối phương quá khích, họ căn cứ để lập luận và làm vấn đề thêm rối mù”.
Nhiều chi tiết khác trong cuốn sách cũng là những lập luận không hề mang tính khoa học, và vì thế rất không thuyết phục (cho dù ai trong chúng ta cũng mong một kết quả có tính thuyết phục cao):
“Còn các nước khác trong vùng như Malaysia, Philippines, v.v….? Họ có đòi hỏi gì không? Có thể trả lời một cách dứt khoát là hồi đó không một nước nào phản đối hoặc đòi hỏi gì cả”.
Không rõ tác giả Nguyễn Q.Thắng lấy căn cứ ở đâu để trả lời một cách dứt khoát và giản đơn như vậy.

Tác hại của sai lầm


Ông Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức (đơn vị phát hành cuốn sách), cho biết, NXB đã yêu cầu tác giả Nguyễn Q.Thắng sửa lại nội dung sách, tuy nhiên ông Thắng chưa làm, do vậy cuốn sách vẫn chưa được phép tái bản.
Trong bản in lần một của sách (năm 2008), NXB cũng đã nêu rõ: “Vì tính nhạy cảm của chủ đề nên chúng tôi cũng đã khuyến nghị tác giả cuốn sách này hết sức cẩn trọng trong khi khai thác các tư liệu lịch sử, mà trước hết là yêu cầu về tính chính xác; và một khi cuốn sách đã đến tay bạn đọc trong và ngoài nước thì trách nhiệm xã hội trước hết thuộc về tác giả”.
Những sai lầm của sách khoa học trước hết là có hại cho độc giả: Họ bị sai theo tác giả, và các niềm tin sai lầm thường rất khó tẩy rửa. Ngoài ra, riêng với loại sách về một đề tài nhạy cảm và phức tạp như tranh chấp chủ quyền lãnh hải, các sai lầm trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi chúng có thể bị đối phương tận dụng.
Chưa kể các lỗi về thuật ngữ, tên riêng như đã nói ở trên còn làm cho việc tra cứu của những người nghiên cứu đi sau vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Ngoài những sai lầm về kiến thức lịch sử, địa danh, tên người, tên sách… cuốn “Hoàng Sa Trường Sa” của tác giả Nguyễn Q.Thắng còn có vô số lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp (câu què, cụt), làm giảm đáng kể độ nghiêm túc và đáng tin cậy của tác phẩm.

Sách cũng thiếu những ghi chú rõ ràng về nguồn gốc tư liệu, ví dụ đưa ra một bức địa đồ mà không hề cho biết nó được in ở đâu, bao giờ, nhà xuất bản nào v.v. Đó là điều khó chấp nhận ở một công trình khoa học.
Dù vậy, việc liệt kê các sai lầm, thiếu sót đó cũng không ngoài mục đích nói lên rằng: Nghiên cứu về một chủ đề phức tạp như chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, nỗ lực làm việc công phu và công tác biên soạn, biên tập cực kỳ cẩn thận – không chỉ của một cá nhân mà là cả một tập thể.
Không phủ nhận rằng cuốn Hoàng Sa Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế đã thể hiện tinh thần yêu nước và thiện chí của tác giả trong việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Cũng như vậy, sự có mặt của một cuốn sách rất hiếm hoi về đề tài này là một nỗ lực đáng ghi nhận của cả tác giả và đơn vị xuất bản.
Mặc dù vậy, do thiếu tính khoa học, tính chính xác và những lập luận logic, cuốn sách khó có thể được coi là một công trình nghiên cứu. Độc giả chỉ nên coi nó như một tập tài liệu tham khảo về Hoàng Sa – Trường Sa.
Sự có mặt đơn độc của cuốn sách trong hàng nghìn đầu sách xuất bản hàng năm về đủ các lĩnh vực cũng đặt ra cho chúng ta thấy một vấn đề lớn: Việt Nam đang rất thiếu những tác phẩm nghiên cứu quy mô, cẩn trọng và công bằng về chủ quyền, lãnh hải, lãnh thổ. Đây là trách nhiệm của giới trí thức, giới sử học đối với đất nước.
Đoan Trang

---------------------------------------------

Giới thiệu sách mới:

"Vấn đề Hoàng Sa Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế"
Trân trọng giới thiệu quý vị sách mới phát hành của Luật sư Nguyễn Hữu Thống (Hoa Kỳ): "Vấn đề Hoàng Sa Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế". Sách trang nhã, gọn nhẹ dễ phổ biến, có phần tổng kết bằng Anh ngữ cho giới trẻ và chuyên gia ngoại quốc. Nội dung cô đọng phong phú, ngôn ngữ và tài liệu biên khảo dễ hiểu về Việt sử - địa lý hay pháp lý. Sách dầy 130 trang, giá bán $10 USD. Quý vị vui lòng liên lạc
nguyenhthong@earthlink.com

------------------------------------------------------

Hãy lưu giữ hai tập tài liệu quan trọng về vấn đề biên giới Việt – Trung


Sự thật về quan hệ VN & TQ trong 30 năm qua (Nhà xuất bản Sự Thật)
http://www.4shared.com/get/79560779/22f8924a/S_tht_quan_h_VN_TQ.html

Về vấn đề biên giới Việt - Trung (Nhà xuất bản Sự Thật)
http://www.4shared.com/file/79560509/6e3dd0e3/Ve_van_de_bg_VT.html

--------------------------------------------------------------


CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN
http://images.vietnamnet.vn/chuyenmuc/quangcao/tuanviet/culhq.pdf


No comments: