Tuesday, March 3, 2009

PARIS : HỘI THẢO VỀ BUÔN NGƯỜI

Paris: Hội thảo về một cuộc buôn người đại quy mô
Hải Dương
Monday, March 02, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91530&z=1
PARIS, Pháp - Hàng trăm ngàn công nhân VN bị xuất cảng, bị bóc lột, hành hạ dã man, đang sống dở chết dở trong một cuộc buôn người đại quy mô (Ðài TH Úc; human trafficking on a massive scale) với sự đồng lõa của nhà cầm quyền Hà Nội. Ðó là tiếng kêu cứu của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng VN (UBBVNLDVN) trong một cuộc hội thảo tại Paris (Pháp) ngày Thứ Bảy 28 Tháng Hai.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy Ban BVNLDVN, từ Ba Lan tới, cho hay công nhân VN hoàn toàn cô đơn vì trong nước không có một nghiệp đoàn độc lập, và ở nước ngoài, các tòa đại sứ VN cố tình làm ngơ.

Ông Rajasekaren, Tổng Thư ký của Tổng Công đoàn Mã Lai cho hay, trong một cuộc tiếp xúc với Ủy Ban, ông đã yêu cầu tòa đại sứ VN can thiệp nhưng một viên chức VN cho hay họ không dám nói gì, vì sợ Mã Lai Á sẽ không nhận lao động VN nữa. Một luật sư xin sứ quán cấp một giấy tờ cần thiết để can thiệp cho môt công nhân bị đuổi việc bất công cũng không có hồi âm.

Hàng trăm ngàn người bị đưa đi các nước láng giềng như Ðài loan, Ðại Hàn, Mã Lai Á và các nước Ả Rập. Ðiều kiện sinh sống của họ không khác gì những người nô lệ.

Muốn được xuất ngoại, phải đóng tiền mãi lộ cho các cơ quan môi giới (20, 25 triệu đồng VN), giấy thông hành, hộ chiếu bị bọn này tich thu. Nhiều người bị đuổi việc, hoặc ốm đau, nhưng khi còn thiếu tiền thì không có giấy tờ để về nước.

Lương bổng hứa hẹn thì cao, trên thực tế không quá 60 tới 80 dollars một tháng. Mỗi ngày làm việc 12, 15 giờ, sống chen chúc trong những căn nhà ổ chuột không một tiện nghi tối thiểu. Trên số tiền đó còn phải trả tiền nhà, tiền thuốc, nhiều người chỉ ăn mỗi ngày một bữa.

Mã Lai Á: 400 công nhân bỏ mạng
Tình trạng tệ hại ở Mã Lai Á cho thấy hoàn cảnh đau đớn của công nhân VN. Ở Mã Lai Á có 130.000 công nhân VN, trên 400 người chết vì cơ cực, đói ăn, bị hành hạ.
Tỷ lệ lao công VN chết cao gấp hai mươi lần người lao động bàn xứ. Ông Ðào Công Hải, phó cục Trưởng Cục Lao Ðộng Xuất Khẩu tuyên bố đó là lỗi của công nhân, 'công nhân yếu, không thích ứng với khí hậu, lao động, ăn uống không điều độ.'
Ông Trần Ngọc Thành cho hay khi biết ông là người VN, câu đầu tiên của các tài xế taxi Mã Lai Á là 'ở đây có rất nhiều gái mãi dâm người Việt'.
Ở Mã Lai Á hiện có 20.000 đàn bà VN làm nghề mại dâm, đa số tới đây với hy vọng kiếm được việc làm gởi tiền về nước nuôi gia đình.
Tình trạng của những lao công ở các xứ Ả Rập dầu lửa cũng bi thảm không kém. Tài liệu của U.B Bảo Vệ Lao Công nói về một trường hợp tiêu biểu: chị Nguyễn Thị Hằng cho biết chị và và những người đồng cảnh sang Arab Saudia giúp việc cho các gia đình giầu có đều bị quịt tiền lương, bị đánh đập tàn nhẫn, mỗi ngày làm việc tới 18, 20 giờ một ngày, bị cấm không được ra khỏi nhà, cấm không cho liên lạc với gia đình.
Chịu không nổi, chị được bọn môi giới đưa đến một trại tập trung. Hai chục người bị giam lỏng trong một căn phòng không tới 10 mét vuông, bị bỏ đói, đau yếu không thuốc thang. Nhiều khi phải lấy nước cầu tiêu để uống. Sau mấy tháng trời sống trong địa ngục Ả Rập, không được trả một đồng lương, chị được về nước nhờ vé máy bay của gia đình gởi sang. Những người cùng cảnh ngộ của chị không có cái may mắn ấy. Họ ở lại chờ chết.

Kinh nghiệm Ba Lan
Trong số các diễn giả tham dự buổi ra mắt của Uy Ban BVLCVN, ngoài ông Trần Ngọc Thành còn có các ông Miroslaw Chojecki, cựu chủ tịch UB Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan, đương kim chủ tịch Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan, ông Trần Phong Vũ, chủ nhiệm nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, ông Nguyễn Quốc Nam, Liên Minh Dân chủ VN và bà Ngô Thị Ngoan, đại diện Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng VN tại Pháp.
Ông Chojecki đã nói về những kinh nghiệm của ông trong Nghiệp đoàn Solidarnosh, nghiệp đoàn Ba Lan nổi tiếng khắp thế giới vì đã đánh gục chế độ CS tại Ba lan. Ông nói phong trào khởi đầu chỉ có năm người đầu não, nhưng đã tổ chức một cách khoa học, đã phát triển khắp Ba Lan và ở hải ngoại, trong mọi giới, nhất là giới trí thức cấp tiến và giới trẻ trong các trường đại học.
Ông Trần Phong Vũ lên án nhà cầm quyền CS hoàn toàn chịu trách nhiệm về số phận điêu đứng của công nhân VN. Chỉ ở VN mới có một tổ chức kỳ quái là công đoàn nhà nước mà nhiệm vụ là bịt miệng người lao động để bảo vệ quyền lợi của giới chủ nhân ngoại quốc. Ông nói họ sẽ gặt hái hậu quả trong những ngày sắp tới, vì công nhân VN ngày nay đã quá sức chịu đưng, đã mạnh bạo phản ứng, bất chấp sự đàn áp của nhà nước.
Hàng trăm ngàn công nhân đã tham dự đình công. Những vụ đình công, trước đây hiếm hoi vì bị đàn áp, đã lên tới 900 vụ tại khắp nơi ở VN trong năm 2008.
Bà Ngô Thị Ngoan và ông Nguyễn Quốc Nam đã kêu gọi những người tham dự buổi hội thảo hãy tích cực tiếp tay với Ủy Ban BTNLDVN để cứu giúp công nhân đồng hương bị mang xuất cảng. Nhiều người hiện diện đã sôi nổi góp ý kiến trong việc gây quỹ và yểm trợ lâu dài công nhân VN.
Nhiều người đã tình nguyện tham gia các hoạt động cụ thể trong tương lai để tinh thần tương trợ với đồng bào không phải chỉ là những phát biểu suông trong một buổi hội thảo một ngày cuối tuần.
Sau Pháp, Ủy Ban BTNLDVN sẽ tới Hoa Kỳ trong những tháng tới.
H.D ( Paris )

Baovelaodong@gmail.com
www.baovelaodong.com



No comments: