Wednesday, March 18, 2009

NHẤT THỂ HOÁ TĂNG HIỆU LỰC CẦM QUYỀN

Nhất thể hóa - tăng hiệu lực cầm quyền
Trần Trung Thực giới thiệu
Posted on March 17, 2009 by admin
http://mangykien.wordpress.com/2009/03/17/nh%e1%ba%a5t-th%e1%bb%83-hoa-tang-hi%e1%bb%87u-l%e1%bb%b1c-c%e1%ba%a7m-quy%e1%bb%81n/

Thưa các bạn sinh viên
Trên thế giới chỉ còn 4 nước cộng sản. Đúng là những ngọn nến chập chờn trước bão táp. Xu hướng độc tài hoá là đương nhiên để tồn tại lay lắt. Do vậy, ba nước đã “nhất thể hoá” đảng với nhà nước.
Nay sẽ đến Việt Nam.

Nói cho rành, nếu đảng CSVN ứng cử với các chính đảng khác mà trúng cử một cách minh bạch và lương thiện thì hoàn toàn có quyền đứng ra lập chính phủ. Nay họ nguỵ biện rằng phải “học tập” 200 nước khác: Khi có quyền lập chính phủ thì thủ lĩnh của đảng phải kiêm luôn tổng thống. Liệu có nên gọi đây là sự mập mờ theo kiểu lưu manh? Như vậy, trong một hội nghị đảng ở bất cứ cấp nào, nếu ai được bầu làm bí thư thì đương nhiên sẽ thành thủ trưởng chính quyền, bất chấp dân có bầu hay không.
Liệu sinh viên chúng ta có bị lừa ?

Đại hội đảng sắp tới nơi rồi. Hãy theo dõi mọi hành tung, thủ đoạn.
Trước mắt, xin các bạ đọc bài (nguyên văn) ở dưới đây và tự theo dõi phần “tiếp theo” của bài đó.
Trần Trung Thực (nhóm Trần Hiền Thảo)

*****
Nhất thể hóa - tăng hiệu lực cầm quyền
Tiền Phong, Thứ Hai, 16/03/2009, 08:57
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=155203&ChannelID=2
TP - Nguyên Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Văn An có cuộc trò chuyện với Tiền Phong quanh vấn đề thí điểm đề án nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh.

Phải phân biệt lãnh đạo khác với cầm quyền


Vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền được đặt ra từ khi nào, thưa ông ?
Nói đúng ra vấn đề này được bàn thảo từ lâu, tôi nhớ nhất là được tham gia từ cuối T.Ư khóa VI đầu khóa VII. Hồi đó việc này đã gần thành hiện thực.
- Khi ấy tôi còn là Ủy viên T.Ư, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng, ông Nguyễn Đức Tâm làm Trưởng ban. Tôi là một trong những người tích cực ủng hộ việc nhất thể hóa. Vấn đề này tôi cũng bàn bạc rất kỹ với ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Ngay từ đầu khóa VII, kỳ họp thứ nhất của T.Ư đã bỏ phiếu tán thành việc Tổng Bí thư sẽ ứng cử chức danh Chủ tịch nước. Nhưng khi đó lại có ý kiến không đồng ý cho nên vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền không thể thực hiện được.
Có ba lý do không đồng ý: Thứ nhất vì lo người đứng đầu nếu tuổi cao sức yếu không làm được; thứ hai lo năng lực không đảm đương được cả hai chức vụ; thứ ba, lo quyền lực tập trung vào một người thì liệu có thể dẫn đến mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán?
Theo quan điểm của tôi, khi chọn cán bộ phải chọn người có năng lực, sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ chứ không làm ngược lại. Từ thể chế mà chọn cán bộ chứ không phải từ cán bộ mà quyết định thể chế. Còn quyền lực đã được phân cho ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không phải tập trung vào một người.

Khi đó xuất phát từ cơ sở nào mà Ban Tổ chức T.Ư đề xuất vấn đề nhất thể hóa, một vấn đề không mới đối với thế giới nhưng có thể được coi là mới ở Việt Nam ?
- Đây là vấn đề liên quan đến thực tiễn và lý luận, về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền. Thể chế quyết định cơ chế, cơ chế thể hiện thể chế. Tôi nói cái đồng hồ này chẳng hạn, kim giờ, kim phút, kim giây, ba cái phải hoạt động riêng, mỗi cái có chức năng riêng chứ không thể lẫn lộn được.
Cần phân biệt rõ đảng cầm quyền với đảng lãnh đạo chính quyền. Tôi xin hỏi, trước năm 1945, Đảng có lãnh đạo không ? Ai bảo Đảng không lãnh đạo, không lãnh đạo làm sao có phong trào cách mạng, có cách mạng tháng tám ?
Lãnh đạo không có nghĩa là tôi ép buộc anh phải làm theo tôi. Lãnh đạo thì không thể bắt buộc, nhưng chính quyền lại có thể làm được việc đó. Lãnh đạo mà là bắt buộc thì không phải là lãnh đạo. Trước mỗi chủ trương, đường lối, nhân dân có người thông, người không, trong bộ máy nhà nước cũng thế.
Kể cả đường lối ấy có đúng đắn chăng nữa thì cũng có một số người không ủng hộ hoặc lưỡng lự, ít nhất là như vậy, cho nên anh phải thuyết phục họ. Nhưng đã là luật thì khác, mọi người phải chấp hành, chính quyền phải quản lý theo pháp luật.
Phải hiểu lãnh đạo là sự ảnh hưởng, lôi cuốn, là soi đường, vạch đường, chỉ lối, là vận động, thuyết phục, là nêu gương, là giới thiệu nhân sự…Cho nên phải hiểu và phân biệt cho đúng sự khác nhau giữa lãnh đạo và cầm quyền.
Cầm quyền là tôi trực tiếp nắm chính quyền thông qua việc bầu cử của nhân dân, thông qua Nhà nước chứ không có nghĩa là Đảng trực tiếp làm việc này. Đảng không trực tiếp quản lý đất nước mà Đảng chỉ lãnh đạo. Nhưng khi được nhân dân giao phó thì Đảng trực tiếp cầm quyền.
Cầm quyền tức là phải vào bộ máy quyền lực, tuân theo quyền lực của Nhà nước, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, toàn bộ phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Anh không thể quản lý đất nước trực tiếp bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chỉ thị, nghị quyết của Đảng là để lãnh đạo chứ không thay cho pháp luật được.

Nhất thể hóa chính là cầm quyền

Ý ông muốn nói Đảng phải lãnh đạo bằng đường lối, bằng cương lĩnh, bằng công tác tổ chức và cán bộ cần phân định rõ việc quản lý của Nhà nước với sự lãnh đạo của Đảng ?
- Đúng vậy. Lãnh đạo phải thông qua đường lối, cương lĩnh, thông qua tổ chức, cán bộ. Từ cương lĩnh, những ý tưởng chính trị phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật và quản lý đất nước bằng hiến pháp, pháp luật.
Còn chỉ thị, nghị quyết là để lãnh đạo, chỉ mang ý nghĩa bắt buộc trong nội bộ Đảng và có ý nghĩa vạch đường, chỉ lối cho toàn dân. Nếu dân ủng hộ và nội dung những chỉ thị, nghị quyết đó được chuyển hóa vào hiến pháp, pháp luật, lúc bấy giờ biến thành của dân và chỉ có luật pháp mới có giá trị bắt buộc. Cho nên nhất thể hóa chính là cầm quyền.
Các nước XHCN hiện nay như Trung Quốc, Lào, Cuba…, không tổng bí thư đảng nào không trực tiếp cầm quyền. Hầu hết các đảng cầm quyền ở châu Âu thì lãnh tụ đảng trực tiếp đứng đầu cơ quan hành pháp.
Các đảng ở phương Tây họ đi trước chúng ta rất nhiều, Bác Hồ học hỏi, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa từ nền dân chủ tư sản phương Tây, áp dụng vào Việt Nam ta gọi là làm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.
Nhằm tránh sự tha hóa của quyền lực, Montesquieus đề xuất tam quyền phân lập để không tập trung quyền lực vào một người, một chỗ nào, nhưng đây thực sự là cuộc đấu tranh rất quyết liệt. Mỗi nước vận dụng cụ thể công thức của Montesquieus.
Việt Nam cũng vậy, ta nói là phân công ba quyền, có sự hợp tác chặt chẽ song không phân lập. Về thực chất, nhất thể hóa chính là Đảng cầm quyền và chỉ khi nào thực hiện nhất thể hóa thì mới thực sự không điều hành đất nước bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Nếu không nhất thể hóa người đứng đầu thì sẽ không gắn được quyền lực và trách nhiệm. Quyền lực và trách nhiệm mà tách rời nhau là điều tối kỵ.

Cần lắng nghe ý kiến trái chiều

Tại sao lại là tối kỵ thưa ông ?
- Quyền lực thường có nguy cơ bị lạm dụng, tha hóa, bao giờ cũng phải có sự phê phán, ràng buộc, giám sát để phát triển bền vững. Khi không có ai dám phê phán thì làm sao có phát triển bền vững ?
Tôi muốn nói bất cứ một ưu điểm gì mà tối đa hóa cũng là một hiểm họa. Khi ở đỉnh cao người ta khó hoặc không thấy được mặt khuyết điểm, anh chỉ thích nghe ủng hộ mà không thích nghe ý kiến phê phán.
Một người chỉ thích nghe ủng hộ, chỉ thích nghe mình đúng mà không lắng nghe ý kiến trái chiều là hỏng rồi, nhưng không chết ngay mà chết từ từ.
Chính vì vậy, Montesquieus mới đề xướng thuyết tam quyền phân lập để tránh nguy cơ tha hóa, thoái trào của thể chế, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng thay thế kịp thời chứ không để “cùng tắc biến”.
Trở lại vấn đề nhất thể hóa, sau lần T.Ư bỏ phiếu tán thành nhưng không thực hiện được, vấn đề này có được nhắc lại ?
Thời kỳ sau đó không nhắc lại nữa vì nhiều lý do.

Ông nói hồi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ vấn đề nhất thể hóa ?
- Đúng thế. Lần cuối gặp nhau trước khi ông Sáu đi xa, ông ấy vẫn giữ quan điểm đó.

(Còn nữa)

Đặng Vương Hạnh Thực hiện

Filed under:
Con đường cho đất nước


Nhất thể hóa - tăng hiệu lực cầm quyền (2)
Thứ Ba, 17/03/2009, 07:52
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=155317&ChannelID=2
TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban tổ chức T.Ư Nguyễn Văn An đề cập những vấn đề phân biệt lãnh đạo với cầm quyền, nhất thể hóa chính là cầm quyền, gắn quyền lực với trách nhiệm. Mời bạn đọc theo dõi tiếp kỳ 2.

Trực tiếp nắm quyền mới quy được trách nhiệm

Ông thấy lợi ích gì từ vấn đề nhất thể hóa? Có phải để tránh hiện tượng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng bí thư và chủ tịch các cấp địa phương nhiều khi cứ kình nhau?
- Lúc đó, chúng tôi đề xuất thực hiện từ cấp cao nhất, nghĩa là từ Tổng Bí thư cho tới cấp cơ sở vì thực ra đầu xuôi thì đuôi lọt. Thực hiện nhất thể hóa có lợi nhiều mặt nhưng vấp phải ý kiến phản đối vì cho rằng quyền lực tập trung vào một người dễ tha hóa. Nhưng tôi bảo đâu phải một người. Lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân công rành mạch theo ba cơ quan chứ. Tôi đã phát biểu góp ý rồi và sẽ còn tiếp tục góp ý.
Văn bản của Đảng công bố chính thức có nói việc chồng chéo, làm thay, ỷ lại còn xảy ra ở một số cơ sở. Hôm họp, tôi đề nghị các đồng chí xem lại vì hiện tượng này có tính phổ biến chứ không phải chỉ xảy ra ở một số địa phương, cơ sở. Tôi thấy nhiều người còn lẫn lộn chức năng Đảng và Nhà nước, hội nghị gì cũng mời cả ban và bộ.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ như ba cái kim đồng hồ riêng, ba mảng riêng, tuy có quan hệ chặt chẽ song không thể lẫn lộn vì lẫn là hỏng. Trong hiến pháp, pháp luật có chỗ nào nói về trách nhiệm của Tổng Bí thư, của bí thư các cấp đâu.
Nhưng nếu là Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND các cấp thì luật quy định rất rõ. Làm không đúng chức năng, nhân dân, cử tri sẽ có ý kiến. Bí thư các cấp ủy quyền hành rất lớn nhưng chỉ là lãnh đạo chung chẳng chịu trách nhiệm pháp lý gì cả. Nếu anh sang nắm quyền trực tiếp thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
Trước đây chúng tôi đã làm thí điểm thực hiện nhất thể hóa tại cơ sở trên phạm vi toàn bộ một tỉnh. Nhưng mới làm được một thời gian thì xảy ra lộn xộn nên có người bảo do việc nhất thể hóa nên mới có chuyện như vậy.
Nhưng nếu nhất thể hóa thì sẽ tránh được tình trạng lấn cấn giữa bí thư và chủ tịch, ít nhất là như vậy. Tôi phát biểu hiện tượng này là phổ biến và đã là phổ biến thì thuộc về bản chất chứ không phải hiện tượng.

Ông là người tích cực thúc đẩy việc nhất thể hóa. Bây giờ vấn đề này đang được làm thí điểm, ông nghĩ sao?
- Tôi rất mừng, rất hoan nghênh. Có hai cách làm từ dưới lên hoặc từ trên xuống. Nhưng tôi cho rằng từ trên xuống sẽ thuận lợi hơn, vì cuối cùng quyết định phải ở trên T.Ư. Nhưng Việt Nam thường đổi mới từ dưới lên. Nếu làm từ trên sẽ thúc đẩy toàn bộ. Không nên để chậm quá.
Tuy nhiên có một vấn đề là con người. Tôi vẫn giữ quan điểm thể chế quyết định con người, và con người lại tiếp tục hoàn thiện thể chế. Ngại rằng không có người là không đúng. Phong trào nào, cán bộ ấy bởi Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không bao giờ thiếu.
E ngại nhất thể hóa vì lợi ích

Liệu ở nơi này nơi kia, cấp này cấp nọ có tâm lý e ngại nếu làm như vậy thì sẽ bớt chiếu để ngồi không, thưa ông?
- Không thể nói đơn giản như vậy. Có nhiều nguyên nhân, phổ biến là do nhận thức còn khác nhau, như phần trên đã nói, nhất là sợ giống cách cầm quyền của các đảng xã hội dân chủ phương Tây. Theo tôi đây là khoa học cầm quyền, vừa giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vừa thực hiện được vai trò làm chủ của nhân dân, không lẫn lộn.
Sự lấn cấn chủ yếu là do những nguyên nhân đã nói trên đây song chắc ở nơi này nơi kia cũng có băn khoăn tí chút về lợi ích cá nhân dưới nhiều dạng khác nhau.

Vậy ông vững tin đề án thí điểm lần này sẽ thành công?
- Tôi tin vì đó là khoa học, chỉ là vấn đề nhanh hay chậm. Thực ra xu thế nhất thể hóa đâu phải mới mà chỉ là học tập, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm các đảng cầm quyền trên thế giới. Tất cả đã có rồi, vấn đề là vận dụng ra sao thôi.

Với tư cách nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban tổ chức T.Ư, quan điểm của ông thế nào về đề xuất mới đây của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh về việc cho dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố?
- Làm được như vậy thì quá tốt nhưng lại đụng luật. Khi còn làm Chủ tịch Quốc hội tôi cũng đã trao đổi với anh Thanh về việc này. Với cơ chế như hiện nay thì một đề xuất như vậy chưa thể thực hiện được mà phải sửa luật.

Vậy còn đề án thí điểm để đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, các chức danh bí thư, phó bí thư thì sao? Dường như, lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng đề cập?
- Đúng vậy. Đây thực chất là vấn đề mở rộng dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, việc gì cũng phải có sự chuẩn bị thấu đáo. Nếu không có một nền dân chủ tốt, những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên, chưa chắc có sự lựa chọn tốt. Nếu ra đại hội mà không có thông tin mà lại chỉ qua lực lượng rỉ tai nhau thì rất nguy hiểm.
Cho nên để phát huy dân chủ phải có lãnh đạo tốt. Tôi ủng hộ việc bầu trực tiếp nhưng phải chuẩn bị tích cực các điều kiện và có sự lãnh đạo tốt.
Nên có cơ chế để dân bầu chọn người đứng đầu

Theo ông, lãnh đạo trong thời đại toàn cầu hóa khi thế giới đã trở nên phẳng có gì khác trước không?
- Luôn luôn có phát triển, cái ngày hôm qua đúng hôm nay đưa vào chưa chắc đã đúng, đúng với chỗ này chưa chắc đã đúng với chỗ kia.

Dường như ông rất ủng hộ và trăn trở về một phương thức nào đó để nhân dân có thể lựa chọn người đứng đầu?
- Theo tôi cần phải có cương lĩnh công khai. Cương lĩnh là mục tiêu, lý tưởng, là những giải pháp lớn để tập hợp lực lượng. Cương lĩnh cũng như con đường, để nhân dân tự lựa chọn, như thế mới là lãnh đạo. Lãnh đạo để cho dân lựa chọn. Nếu dân không có sự lựa chọn thì coi như không phải là lãnh đạo.

Ông nghĩ sao về việc Quốc hội đã thông qua chủ trương để nhân dân ở mấy trăm xã, phường được trực tiếp lựa chọn người đứng đầu cho mình?
- Đấy thực sự là một chủ trương rất tích cực. Dân sẽ được quyền chọn lãnh đạo của mình. Tuy nhiên dưới xã cũng có nhiều chuyện phức tạp như vấn đề dòng họ, vùng này vùng kia... Cho nên phải khắc phục những tư tưởng sai lệch đó và phải lãnh đạo tốt thì việc bầu chọn trực tiếp mới tốt.

Cảm ơn ông.


Đặng Vương Hạnh
Thực hiện


No comments: