Khác biệt về nhân quyền
Quốc Phương
BBCVietnamese.com
Cập nhật :13:17 GMT - Thứ Tư, 11 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090311_do_minh_khoi.shtml
Đại học Luật TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên thành lập một trung tâm nghiên cứu pháp luật về nhân quyền hôm 6/03/09.
Việc thành lập trung tâm này liên quan tới khuôn khổ một hợp tác mà qua đó Chính phủ Đan Mạch tài trợ chính thức nhiều triệu đô-la cho Việt Nam trong lĩnh vực cải cách quản lý công và hành chính.
Nhân dịp này, hôm 11/3, BBC Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi, chuyên gia về pháp luật nhân quyền công tác tại Trung tâm.
Trước hết ông Khôi cho biết sự khác biệt trong cách hiểu về nhân quyền của Việt Nam và cách hiểu quốc tế:
TS. Đỗ Minh Khôi: Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cũng có những cái khác và cái giống nhau. Nhân quyền chia sẻ những giá trị chung, nhưng điểm khác là con người lại không có con người chung, mà là những con người cụ thể, ở nước này, nước kia.
Khó có thể nói giống nhau hay khác nhau hoàn toàn. Việt Nam cũng là những con người, nhưng con người sống ở hoàn cảnh, điều kiện nào, thì có những giá trị, tiêu chí văn hoá phù hợp với hoàn cảnh đó. Do đó, tôi nghĩ, nhân quyền có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những đặc thù.
BBC: Việt Nam có theo một mô hình nào đó hay tự sáng tạo ra riêng một mô hình về nhân quyền?
TS. Đỗ Minh Khôi: Nhân quyền là một giá trị chung. Cả thế giới đều phấn đấu đạt đến nó. Tuy vậy sự phát triển làm cho các giá trị nhân quyền luôn thay đổi theo. Còn với Việt Nam, tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ chia sẻ cái chung nhưng phải xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình. Do vậy con đường đi, bước đi cũng sẽ có những cái khác nhất định. Từ những cái đích, Việt Nam cũng thể có những khác biệt một chút. Ví dụ như các đặc trưng văn hoá, địa lý, truyền thống hay điều kiện kinh tế cũng có thể khác.
'THƯỚC ĐO KHÁC NHAU'
BBC: Vừa qua hôm 25/2/09, Bộ ngoại giao Mỹ ra phúc trình thường niên về nhân quyền thế giới năm 2008. Trong đó, có đánh giá Việt Nam còn nhiều hạn chế, vẫn còn đàn áp bất đồng chính kiến, bắt người tham gia hoạt động chính trị, toà án không công bằng, lạm dụng giam giữ chính thức, ngoài ra còn những hạn chế về quyền tự do như ngăn chặn báo chí, hạn chế tụ tập, đi lại và hội họp, nhiều người hoạt động cho quyền lợi người lao động bị bắt giữ hoặc sách nhiễu. Ý kiến của ông?
TS. Đỗ Minh Khôi: Tôi chưa trực tiếp đọc báo cáo này cụ thể, nhưng tôi cho rằng mỗi một đánh giá có những lý thuyết đứng sau. Trên cơ sở đó, người ta có các tiêu chí đánh giá khác nhau. Cho nên khó có thể xem xét sự đánh giá đó trong điều kiện này. Bởi vì đó là theo lý thuyết này, tiêu chí này, nhưng ở góc độ khác lại có thể thấy khác. Mỗi một đánh giá dựa trên một 'thước đo', khó có thể nhìn một cách toàn diện để phán ra một đánh giá. Còn về mặt thông tin, có thông tin này thì có thông tin khác, có đánh giá này thì có đánh giá khác. Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này.
BBC: Gần đây luật sư Lê Trần Luật, người bảo vệ cho giáo dân bị bắt trong vụ án Thái Hà, cho hay ông bị chính quyền ngăn chặn không cho bay từ nơi ông đặt văn phòng luật sư, ra Hà Nội để gặp gỡ các thân chủ trong vụ giáo dân kiện truyền thông trong vụ việc. Liệu đây có phải là những động tác mang tính sách nhiễu, gây khó dễ cho giới luật sư bảo vệ nhân quyền hay không?
TS. Đỗ Minh Khôi: Như tôi đã nói, việc hạn chế đi lại đối với một người có thể có nhiều lý do. Có thể do chính anh ta không đi lại được vì lý do này, khác, mà không hẳn là nhân quyền. Nhưng cũng có thể anh ta làm hai việc gì đó cùng một lúc, và người ta gắn đó thành nhân - quả. Cho nên tôi không biết việc đó có thực hay không. Muốn trả lời câu hỏi, tôi cần phải biết có đúng anh ta thực hiện vụ án đó hay không. Thứ hai, anh ta có bị sách nhiễu, mà sự sách nhiễu là kết quả của việc thực hiện nhân quyền hay không. Nếu chỉ nghe nói mà đưa ra kết luận ngay, tôi e rằng hơi vội.
'KHÔNG CÓ HẠN CHẾ'
BBC: Theo ông thì có đúng là ở Việt Nam không có điều luật nào quy định hạn chế, hay ngăn cản các luật sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền?
TS. Đỗ Minh Khôi: Về mặt pháp lý, không có quy định nào của pháp luật nói rằng anh bị hạn chế cái này, hay hạn chế cái kia vì anh thực hiện nhân quyền. Vì chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước công khai hướng tới phát triển toàn diện con người, không chỉ là ở nhân quyền mà nhiều thứ khác nữa. Do đó, về mặt hình thức pháp lý, tôi nói rằng, chưa có, không có. Còn trên thực tế, tôi chưa rõ là chuyện hạn chế đó xuất phát từ nhân quyền, hay từ việc anh ta vi phạm một chuyện nào đó. Cũng có những chuyện luật sư vi phạm pháp luật như trốn thuế. Nhưng nhân cái đó, nếu kết nối lại thành nguyên nhân - kết quả thì cũng mệt lắm. Tôi không biết rõ, nên không dám trả lời.
BBC: Ở Việt Nam, như người ta thường nói, ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp (hay còn gọi là tam đầu chế) đều do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm, làm sao có khách quan của pháp luật?
TS. Đỗ Minh Khôi: Xin nói là vấn đề này không phải chỉ ở Việt Nam. Ở Anh cũng vậy, với chế độ đại nghị, tất cả đều nằm trong tay nghị viện và cũng một đảng nắm trong tay quyền lực mấy chục năm trời. Như thế liệu ở Anh có dân chủ hay không? Ở Nhật, đảng NPD cũng thực hiện sự quản lý liên tục trong liền 55 năm thì cũng vậy. Tôi không dám đánh giá là có dân chủ hay không vì giữa vấn đề anh nói và dân chủ không phải là kết luận tất yếu mà là hai chuyện khác nhau. Theo tôi, mô hình thể chế và vận hành quyền lực là bài toán mà mỗi quốc gia phải giải. Nhưng dân chủ là kết quả của bài toán đó. Và có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng nữa, chứ không chỉ phải là tam đầu chế hay tập quyền như ở Việt Nam, hay phân quyền như ở Mỹ.
Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Nhân quyền mới thành lập, thuộc Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Ông trả lời với tư cách cá nhân của một chuyên gia nghiên cứu về pháp luật nhân quyền. Quý vị có ý kiến, xin gửi cho chúng tôi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk, hoặc sử dụng hộp tiện ích dưới đây.
No comments:
Post a Comment