Friday, March 6, 2009

NGƯỜI TỊ NẠN VIỆT NAM TẠI THÁI LAN

Người tỵ nạn VN tại Thái Lan
Thanh Quang, phóng viên đài RFA

2009-03-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Plights-of-vietnam-refugees-in-thailand-with-help-from-oversea-groups-03062009122927.html
Trong thời gian gần đây, vấn đề người tỵ nạn VN tại Thái Lan ngày càng gây nhiều chú ý. Hoàn cảnh của họ hiện giờ ra sao ? Họ có được sự trợ giúp của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ hay những tổ chức bảo vệ người tỵ nạn không ?
Các chi tiết do chính người tỵ nạn cung cấp, và từ những tổ chức bảo vệ người tỵ nạn, cho thấy tình cảnh gian nguy của số người tỵ nạn VN đang ẩn náu trên xứ Chùa Vàng - với tương lai vô định.

Những gia đình VN tỵ nạn bên Campuchia và bên Thái sống tháng này qua năm nọ trong các khu vực ổ chuột. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Plights-of-vietnam-refugees-in-thailand-with-help-from-oversea-groups-03062009122927.html/VietnameseCambodianKids-305.jpg

Không nước nào nhận, tương lai vô định

Chúng tôi liên lạc được với nhiều người trong số nầy, và một số đồng ý mô tả tình cảnh của họ, nhưng với điều kiện ẩn danh và điều chỉnh ít nhiều giọng nói vì lý do an ninh, như một người cho biết như sau:

Một người tỵ nạn: “Cá nhân tôi rất là khó khăn tại vì đã vượt biên xin tỵ nạn tại Campuchia không có được kết quả. Số bà con tỵ nạn bên Thái Lan này thì tôi tiếp xúc chủ yếu là với những người đã có vô Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ rồi nhưng bị rớt – thậm chí rớt tới 2 lần. Vẫn còn rất nhiều người tỵ nạn VN ở đây nhưng tôi không dám quan hệ vì vấn đề an ninh cá nhân. Nói chung hoàn cảnh thì cơ cực lắm, làm từ sáng tới tối mà mới được chừng một trăm baht/một người. Có người còn chưa được vậy nữa. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, ăn uống sinh hoạt cực khổ lắm”.

Hoàn cảnh sống gian truân và phi pháp trên đất Thái cũng đang đeo đuổi nhiều người tỵ nạn khác mặc dù có được sự trợ giúp một ít từ các tổ chức nhân đạo bên ngoài, như một người tỵ nạn từ VN mô tả:

Người tỵ nạn thứ nhì: “Bây giờ tình cảnh của người tỵ nạn tại Thái Lan khó khăn. Điểm thứ nhất là anh em qua đây chưa được Cao Ủy Tỵ Nạn cấp giấy tờ. Thứ hai là chúng tôi đi lại sợ bị công an Thái bắt. Điểm thứ ba là bọn cộng sản đang lùng bố qua tận Thái Lan, số điện thọai của Đại sứ quán VN thường quấy nhiễu chúng tôi ban đêm. Còn đời sống của chúng tôi ở đây thì Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BP SOS và Hội Nhân quyền ở Đức trợ giúp cho một ít”.

Chúng tôi liên lạc một người từ Tây Nguyên lánh nạn sang Campuchia, và rồi Thái Lan hiện giờ. Anh đang sống trong tình trạng chờ đợi tin tức từ Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, nhưng nhiều tháng trôi qua, anh –cũng như nhiều người khác đồng cảnh ngộ - vẫn tiếp tục đợi chờ:

Người tỵ nạn từ Tây Nguyên: “Tôi gặp khó khăn ở VN rồi qua đây, có đăng ký với UN, nhưng họ bắt chờ. Hai, ba lần tôi đến UN, giải thích là không có giấy tờ sợ đi đường bị cảnh sát Thái bắt. Nhưng họ bắt chờ - và đã chờ hơn 6 tháng rồi nhưng vẫn chưa có kết quả. Hiện có nhiều người như tôi. Về đời sống thì tôi phải đi làm thuê, và Nhà Thờ giúp một ít, và sống tạm thời như vậy với cuộc sống cũng khó khăn lắm.”

Kêu gọi những hội nhân quyền trên thế giới lên tiếng

Trong khi đó, trong diễn tiến mới nhất, một số người may mắn được Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn ở Bangkok cấp giấy như sau đây:
“Hôm qua Cao Ủy Tỵ Nạn cấp giấy cho 12 người rồi, và còn tiếp tục kêu những người tỵ nạn khác vào làm việc. Cũng nhờ mấy hội nhân quyền bên ngoài, như tổ chức của TS Nguyễn Đình Thắng, giúp đỡ mới được như vậy”.

Diễn tiến đó được một người tỵ nạn ở Thái Lan nhận xét:
“Tôi nghĩ rằng điều này rất là tốt, quý báu. Vì tôi cũng được biết câu chuyện ở Philippines, số người tỵ nạn VN bị rớt lại ở đó, có người bị kẹt tới 20 năm. Nhờ một số tổ chức của người Việt ở ngoài gíup đỡ cho số đồng bào này được định cư ở nước thứ ba. Điều đó rất quý. Hiện tại thì một số nỗ lực của một số tổ chức nước ngoài do người Việt chúng ta lập nên để cứu giúp những người tỵ nạn còn đang kẹt lại ở Thái Lan này – và Campuchia nữa, thì điều này rất là quý”.

Thưa qúy vị, chúng tôi được biết một trong những tổ chức ở hải ngọai ra sức cứu giúp số người tỵ nạn VN trên đất Thái hiện giờ là Ủy ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ. Theo TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban, thì tổ chức này đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan quốc tế khác, kể cả Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, để tìm giải pháp, mà chính những người lánh nạn này nói là hiện đã lên tới khỏang 200 trăm người:

Những người tỵ nạn: “Con số đó là con số thật đấy – và còn có thể cao hơn nữa. Con số 200 người trở lên chắc chắn là đúng rồi. Bởi vì tôi có một số lần đi lại văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn tại Thái Lan này, qua tiếp xúc thì tôi biết được có rất nhiều người VN đã đến đó. Và hiện tại bây giờ vẫn tiếp tục có nguời đến nữa”
“Tôi nghĩ là hơn 200 người tỵ nạn. Con số này không có gì quá đáng cả”.

Để cứu giúp hàng trăm người tỵ nạn ấy, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS có kế họach can thiệp về pháp lý và về chính sách, như TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:

TS Nguyễn Đình Thắng: “Kế họach của chúng tôi gồm 2 mặt: Mặt thứ nhất là vận động về chính sách bởi vì hiện nay không những nước chủ nhà Thái Lan mà cả Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ cũng có mối quan tâm về dòng người tỵ nạn bắt đầu lại ra đi từ VN đến đất nước Thái Lan. Chính vì vậy mà họ có nhiều biện pháp – hoặc lờ đi hoặc rất khó khăn trong việc cứu xét hay gây chậm trễ.
Trong suốt thời gian chờ được cứu xét như vậy thì đồng bào lánh nạn của chúng ta không nhận được sự trợ giúp nào cả về mặt đời sống vốn hiện rất khó khăn. Và trong thời gian chờ đợi như vậy, chưa chắc họ được cứu xét để được đi định cư. Đó là chưa kể mối hiểm nguy nữa là họ không có giấy tờ gì cả trong khi sống bất hợp pháp ở Thái Lan, khiến có thể bị trục xuất về Cambodge và từ Cambodge họ có thể bị trục xuất về lại VN.
Nỗ lực thứ hai là những người tỵ nạn này phải được bảo vệ về mặt pháp lý. Bởi vì khi chúng ta vận động để Thái Lan và quốc tế - tức LHQ – bắt đầu quan tâm nhằm thực hiện đúng nhiệm vụ bảo vệ người tỵ nạn của họ, thì lúc đó chúng ta phải có luật sư để giúp đồng bào của chúng ta khai báo được đúng với kỳ vọng của luật pháp, đúng theo thể thức đòi hỏi của Cao ủy Tỵ nạn LHQ. Như vậy thì họ mới tăng triển vọng được xét cho tỵ nạn, và được bảo vệ, để sau cùng rồi được đi định cư.”


No comments: