Monday, March 9, 2009

NGỌC PHẬT HOÀ BÌNH ĐẾN VIỆT NAM

Ngọc Phật Hoà Bình đến Việt Nam
Đàn Chim Việt
Đăng ngày 9-3-2009
http://danchimviet.com/articles/925/1/Ngc-Pht-Hoa-Binh-n-Vit-Nam/Page1.html

Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới
The Jade Buddha For Universal Peace


Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới là một trong những tượng Phật bằng ngọc thạch vĩ đại và trang nghiêm nhất thế giới. Tượng Phật gồm cả pháp tòa và đài sen cao gần 3.5 m (11.4 feet), được tạc trong khối ngọc mang tên “Polar Pride”. Đây là một kỳ quan của thế giới.

Lama Zopa Rinpoche nói rằng “Phật Ngọc sẽ thắp sáng toàn cõi thế gian, sẽ mang niềm an lạc hạnh phúc không thể nghĩ bàn, góp phần ngăn chận những cuộc hủy hại tàn phá đang xảy ra khắp nơi, kể cả nạn chiến tranh.” Tượng Phật ở Bảo Tháp Đại Bồ Đề (Mahabodhi Stupa), Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ, được chọn làm mẫu cho Phật Ngọc. Mẫu hình này được chọn vì đây là hình ảnh quen thuộc của đức Phật trong lòng Phật tử ở khắp mọi nơi.

Ngọc Phật Hoà Bình
http://danchimviet.com/content_images/43/buddhametta-goldpaint-4-s.jpg

Chọn mẫu hình theo tượng Phật nổi tiếng nhất thế giới.

Tượng Phật trong Bảo Tháp Đại Bồ Đề (Mahabodhi Stupa) tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) được chọn làm mẫu hình cho Phật Ngọc, vì đây là hình ảnh quen thuộc của đức Phật trong lòng Phật tử khắp mọi nơi. Hội Đại Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng đặc biệt cho phép chụp hình nghiên cứu tỉ mỉ chi tiết tượng Phật. Các nhà điêu khắc và tạc tượng dựa vào ảnh chụp để thực hiện Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới.

Triển lãm quanh thế giới

Đầu năm 2009, Phật Ngọc bắt đầu cuộc du hành vòng quanh thế giới, tạo cơ hội cho hàng vạn người chiêm ngưỡng. Hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực hiện từ khối ngọc qúi kết tụ trong lòng đất từ ngàn xưa.
Sau cuộc du hành này, Phật Ngọc sẽ về an vị nơi Đại Tháp Từ Bi, Bendigo, Úc Đại Lợi. Đại Tháp Từ Bi là tòa bảo tháp lớn nhất của các nước Phương Tây (nằm ngoài Châu Á). Đây sẽ là biểu tượng hòa bình, tạo nguồn cảm hứng cho thế giới hàng ngàn năm về sau.

Kỹ thuật điêu khắc Phật Ngọc

Sau khi mô hình khắc tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới được chấp thuận, công trình xẻ ngọc bắt đầu. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều thời gian, phải kiên nhẫn chờ lưỡi cưa kim cương chậm xẻ tảng ngọc. Ngọc cắt xong lại phải trải qua nhiều quá trình chạm trổ điêu khắc tỉ mỉ, từ đó đài sen và đức Phật mới bắt đầu thành hình.
Quá trình điêu khắc tạc tượng được trưởng tổ điêu khắc kiểm soát. Ông Jonathon Partridge cũng thường đến Thái Lan vào những tháng cuối cùng để đích thân xem xét mọi chi tiết. Kể từ khi khởi công thiết kế mẫu hình, trải qua quá trình dài xẻ ngọc chạm khắc, ròng rã hơn 18 tháng mới hoàn tất công trình Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới.

Polar Pride

Sâu thẳm trong lòng miền Bắc Gia Nã Đại, dưới bóng rặng núi British Columbian là nền đá ngọc thạch. Ở đây, giữa những đồi cỏ xanh tươi đầy hoa dại, đá ngọc thạch nằm với trọn vẻ trang nghiêm. Được khám phá đầu tiên vào thập niên 60 và 70, nền đá ngọc thạch này được xem là nền ngọc lớn nhất trên thế giới

Cuối năm thập niên 90 xảy ra một điều bất ngờ. Người ta tìm thấy ở phía Nam biên giới Yokon một nền ngọc thạch với màu xanh rực rỡ sáng đẹp chưa từng thấy ở các tảng ngọc thạch được tìm thấy trước đây.
Lấy bối cảnh đặt tên, nền ngọc này được gọi là "Ngọc Bắc Cực" (Polar Jade). Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết loại ngọc này cứng chắc hơn bất cứ loại ngọc thạch Nephrite nào khác. Màu ngọc sáng bóng, chất lượng được đánh giá là loại ngọc quí dùng làm nữ trang. Trong thế giới tâm linh, người ta thường tin rằng ngọc thạch chứa đựng nguồn năng lực linh thiêng phi thường. Những tác phẩm điêu khắc bằng ngọc thạch thường được thế giới đánh giá cao. Thật sự Ngọc Bắc Cực đã thay đổi cách nhìn của cả thế giới về ngọc thạch Nephrite.

Vào năm 2000, người ta tìm thấy một khối ngọc khiến cho toàn thế giới kinh ngạc. Khối ngọc này vĩ đại chưa từng thấy, hoàn toàn không tì vết, phẩm lượng đá quí Ngọc Bắc Cực. Khối ngọc nặng 18 tấn được gọi tên là “Polar Pride”, nghĩa là "niềm Kiêu Hãnh của Bắc Cực". Khối ngọc này được một nhà nghiên cứu đá quí lừng danh thế giới, ông Fred Ward, đánh giá là "khám phá của thiên niên kỷ".

Đạo Hữu Ian Green, giám đốc công trình Phật Ngọc đã đến tận địa điểm mỏ Ngọc ở miền Bắc Canada để tìm kiếm Ngọc để khắc tượng Phật
http://danchimviet.com/content_images/43/polarpride2.jpg

Sau khi khối ngọc “Polar Pride” được tìm thấy, người ta hỏi ông Kirk Makepeace, giám đốc công ty khai thác ngọc rằng ông sẽ làm gì với khối ngọc này. “Tôi sẽ để thế giới quyết định”, ông ta trả lời, “Tôi gọi khối ngọc này là Polar Pride, và tôi sẽ không xẻ thêm chút nào vào khối ngọc này nữa. Tôi sẽ để nguyên như vậy mà đấu giá, vì đây là một kỳ quan của thiên nhiên. Tôi mong đợi khối đá này sẽ trở thành một món vật đặt trong viện bảo tàng, một công trình lớn, một biểu tượng; là khối ngọc thạch nephrite với màu xanh sáng đẹp chưa từng thấy trên toàn thế giới.”

Phật Ngọc sẽ được triển lãm ở những thành phố lớn tại Á Châu và Úc Châu trước khi rước về an vị tại Đại Tháp Từ Bi, Bendigo, Úc Đại Lợi.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới triển lãm Ngọc Phật Hoà Bình: Lần đầu tiên Việt Nam triển lãm một tượng Phật bằng đá quý vĩ đại này và cũng là nước đầu tiên trên thế giới có thắng duyên được triển lãm Ngọc Phật. Sau khi kết thúc chương trình triển lãm ở Việt Nam, Phật Ngọc này sẽ được thỉnh đến triển lãm ở các thành phố lớn của Úc Đại Lợi như Brisbane, Sydney, Perth, Adelaide và Melbourne, trước khi đến Đài Loan,Tân Tây Lan và Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, tượng Phật Ngọc sẽ được trưng bày tại năm ngôi chùa lớn trong vòng 10 tuần lễ. Dự kiến sẽ có hơn 100,000 người đến chiêm bái và đảnh lễ pho tượng tôn quý này.

Lịch trình triển lãm tượng Phật Ngọc ở Việt Nam
- Từ ngày 13/3 -15/3: Chùa Quán Thế Âm (Non Nước, Đà Nẵng)
- Từ ngày 21/3 - 26/3: Chùa Đại Tùng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu)
- Từ ngày 29/3 – 5/4: Chùa Phổ Quang (Quận Tân Bình, TP. HCM)
- Từ ngày 9/4 – 24/4: Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP. HCM)
- Từ ngày 1/5 – 10/5: Chùa Vạn An (Châu Thành, Đồng Tháp)

Vào link xem tiến trình khắc tượng Ngọc Phật:
http://www.youtube.com/watch?v=WoLrvafwKUE&eurl=http://www.jadebuddha.org.au/en/gallery.php

Nguồn: www.giacngo.vn


No comments: