Monday, March 2, 2009

NGHĨA TRANG THAI NHI

Nghĩa trang thai nhi
Ngày 02.03.2009 Giờ 16:55
http://www.sgtt.com.vn/Detail45.aspx?ColumnId=45&newsid=47638&fld=HTMG/2009/0301/47638
Rảo bước khắp đường làng ngõ xóm, tìm những bào thai bị người đời phá bỏ về chôn cất, cho chúng một cái tên, một nơi an nghỉ. “Đã là thai nhi, chúng nó đều có linh hồn. Chúng không có may mắn được sinh ra, mình cố gắng bù đắp cho chúng có một nơi an nghỉ chứ…” đấy là tâm niệm “hành nghề” của ông Bao.

Ông là Vũ Văn Bao ở thôn Quần Vinh (xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định), đã 60 tuổi, được bà con lối xóm gọi bằng cái tên trìu mến “người cứu rỗi những linh hồn bé nhỏ”.

Nghĩa tình một người cha!
Chúng tôi tìm đến nhà ông khi trời còn sương sớm, nhưng chỉ gặp được vợ ông – bà Vũ Thị Hiên. Rót chén trà mời chúng tôi, bà Hiên kể: “Tối qua làng bên có người sang báo, ông cụ bên ấy đang hấp hối, nên gọi ông ấy sang gấp”. Từ 38 năm nay, ông nhận về mình công việc chăm sóc những người sắp rời xa thế giới. Ông Bao luôn là người bên cạnh, lúc họ trút hơi thở cuối cùng, làm lễ thay cha xứ, kiêm cả việc khâm liệm…
Chúng tôi đợi đến quá trưa mới thấy ông về, vừa thấy ông bác gái hỏi “tình hình bên ấy thế nào, sao đã về sớm vậy?”. Vẻ mặt buồn rầu, kìm nén cảm xúc, ông than thở: “Cũng tạm ổn rồi, khổ thân ông cụ, con cái đi xa hết, cuối đời phải ra đi trong cô độc. Tôi về vì có người báo ở khúc sông chỗ cống Quần Vinh 2, có người phụ nữ vừa vứt một túi đen xuống đó. Tính ra xem thế nào, nếu là bào thai để trôi ra biển mất thì khổ cháu”.
Mất 10 phút chúng tôi đến cống Quần Vinh 2. Đấy là khúc sông chỉ rộng chừng 5m, nước đục ngầu, khuất sau rặng tre, tách biệt với làng. Ông xem lướt qua khúc sông, vội rảo bước men theo lối mòn nhỏ dọc bờ sông. Đi chừng 300m thì bắt gặp một túi nylon đen, đang trôi lững lờ trên mặt nước. Ông đưa cây sào “chuyên dụng” vẫn cặp kè bên mình, móc vào túi nylon kéo lên bờ.
Mở túi ra kiểm tra, ông nói: “Cháu này khoảng ba tháng rồi (những bào thai nhặt được ông Bao đều gọi là cháu – PV). Khổ thân cháu, đã không được sống còn bị người đời vứt bỏ. Thế này đã là gì, có cháu tôi xin được ở các phòng khám tư, thai nhi 6 – 7 tháng, mẹ nó vẫn nhẫn tâm phá bỏ. Những trường hợp như thế, đem về chúng vẫn khóc, làm lễ xong, mình chăm sóc nó bình thường như bao đứa trẻ sơ sinh khác, ba, bốn tiếng sau chúng cũng không thể sống nổi”. Nói đến đây, ông không thể cầm lòng được nữa, những giọt nước mắt thương xót kìm nén bấy lâu giờ đã lăn trên khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn thời gian. Ông bảo: “Chưa ngày nào tôi về tay trắng, ngày ít cũng một, hai cháu, ngày nhiều có đến cả chục cháu”.

Ước mong được… “thất nghiệp”
Hài nhi ông lượm về, được cho vào từng bát hương nhỏ – ông gọi là “tiểu”. Ông tỉ mỉ đánh thứ tự, ký hiệu riêng. Khoảng 10 cháu như vậy, ông xếp gọn vào một cái tiểu, đem chôn.
Dẫn chúng tôi ra nghĩa trang Quần Vinh, thắp nén nhang cho hương hồn các cháu, ông Bao nhẩm tính, trong ba năm làm nghề này, ông đã thu xếp “mồ yên, mả đẹp” cho gần 2.000 cháu. Ông bảo: “Không biết đến bao giờ mới hết được những điều bất hạnh này. Tôi chỉ ước sao… mình được thất nghiệp thôi”.
Mỗi lần nhặt được hài nhi nào đó, ông cẩn thận ghi chép lại vào cuốn sổ cũ, đặt cho một cái tên – mang họ của ông, như Vũ Tam Hải, Vũ Tứ Hải… “Ghi lại để sau này, có bà mẹ nào hối hận tìm đến thăm con, hoặc xin lại mình cũng dễ bề giúp đỡ”, tay lật những trang vở đã chi chít tên, số… ông Bao thổ lộ.
Ông còn nhớ như in cái ngày cách đây một năm, có một bà mẹ quyết phá cái thai dù đã bảy tháng. Kệ cho ông van xin đừng phá nó mà tội, khuyên bảo để lại cho nhà dòng nuôi, hoặc cho người khác nhận làm con nuôi… bà mẹ vẫn không chịu. Ông đau khổ đem cái thai đã thành hình người về cho vào một cái tiểu riêng chôn cất tử tế. Tháng trước, bà mẹ đến khóc lóc, kể lại ông mới biết. Vì nhà nghèo, chồng rượu chè, người bảo giữ, người không nên mới để quá già như vậy. Rồi xin ông được ra thăm nó.
Ông xin được một mảnh đất nhỏ ở nghĩa trang Quần Vinh, vừa là nơi tập kết, cũng là nơi những đứa con của riêng ông an nghỉ.
Thấy ông Bao làm việc nhân đức mà có một mình, lại là đàn ông nên không ít lần gặp các trường hợp khó xử với các bà bầu, do đó bà Phạm Thị Cường (71 tuổi, xóm 10, Quần Vinh, Nghĩa Thắng) tình nguyện hằng ngày đến các bệnh viện, phòng khám tư… trong huyện xin các bào thai bị phá về cho ông chôn cất. “Giờ già rồi hơi sức đâu nghĩ nhiều, thấy ông ấy vất vả một mình, nên tôi xin đi thu gom bào thai ở những điểm cố định hộ. Chẳng sống được bao nhiêu nữa, cố gắng làm được việc gì giúp đời là làm”, vị “đồng nghiệp” duy nhất của ông Bao tâm sự.

Lê Việt – Xuân Trung


No comments: