Sunday, March 8, 2009

MA CHIẾN HỮU : VÀI VẪN ĐỀ VỀ LỊCH SỬ, ĐẠO ĐỨC, CHÍNH TRỊ

Ma Chiến Hữu: vài vấn đề về lịch sử, đạo đức và chính trị
Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày 08/03/2009 lúc 06:19:56 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3591
Ma Chiến Hữu là tựa đề đặt cho một cuốn sách dịch từ cuốn Chiến Hữu Trùng Phùng, nguyên tác tiếng Hoa, tác giả là nhà văn Mạc Ngôn, người Trung Quốc. Sách này viết năm 1992, chỉ vài tháng sau khi bang giao Việt Nam và Trung Quốc được thiết lập. Bản tiếng Việt do ông Trần Trung Hỷ chuyển ngữ, tựa đề cũng do ông này đặt, được nhà xuất bản Văn Hoá Phương Nam in năm 2008. Sự xuất hiện cuốn Ma Chiến Hữu đã chỉ dấy lên làn sóng phản đối, từ hạ tuần tháng hai năm 2009, trước tiên trên mạng internet, sau đó lan rộng trong giới người Việt trong và ngoài nước. Việc dư luận quan tâm đến cuốn sách này đã đặt lại một số vấn đề về xã hội như: sự hạn chế của nền văn học VN do định hướng chính trị, lịch sử và sự hoà giải giữa hai nước Việt Trung và sau đó là quyền tự do ngôn luận tại VN.
Ở đây tác giả không có tham vọng nghiên cứu sâu xa các vấn đề đặt ra vì lý do thiếu dữ kiện, do đó chỉ trình bày sơ lược một số ý kiến của mình mà thôi.

1/ Về tác giả và dịch giả

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thiếu thời khổ cực như đại đa số dân TQ, học hành dang dở từ bậc tiểu học do hậu quả của Cách Mạng Văn Hoá, ông sớm lao động và thường xuyên bị đói khát trong một thời gian dài ở nông thôn. Năm 1976 nhập ngũ, năm 1984 trúng tuyển vào khoa văn thuộc Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1988, ông trúng tuyển lớp nghiên cứu sáng tác thuộc Học viện Văn học Lỗ Tấn, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tốt nghiệp thạc sĩ năm 1991. Hiện ông là sáng tác viên bậc Một của Cục Chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Mạc Ngôn có khoảng 200 tác phẩm, được thế giới biết đến qua tác phẩm Cao lương đỏ, được nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim, đoạt giải Palme d’Or tại Canne năm 1994 (nguồn tổng hợp từ Internet).
Các tác phẩm của Mạc Ngôn đã xuất bản ở VN hầu hết do Công ty Văn Hoá Phương Nam ấn hành. Công ty này mua bản quyền và xuất bản một loạt mười tác phẩm của Mạc Ngôn. Nhân trả lời phỏng vấn Việt Báo ngày 14-4-2006 do Nguyễn Lệ Chi thực hiện, nhà văn Mạc Ngôn nói như sau: Đây là lần đầu tiên tôi chính thức làm việc với giới xuất bản Việt Nam qua hợp đồng bán bản quyền cho công ty Văn Hoá Phương Nam (thời hạn 5 năm 2006-2010). Công ty Văn Hoá Phương Nam là đối tác xuất bản Việt Nam đầu tiên tìm đến tôi, đề nghị mua bản quyền một số tác phẩm và độc quyền phát hành ở Việt Nam. (Nguyễn Lệ Chi phỏng vấn Mạc Ngôn, Việt Báo, 14-4-2006)

Dịch giả Trần Trung Hỷ sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi. Tiến sĩ văn học về thơ Đường. Đã từng du học bảy năm ở Trung Quốc. Hiện ông đang làm việc tại Ban đào tạo hậu đại học của Đại học Huế. Đã dịch các tác phẩm của Mạc Ngôn: Sống đọa thác đày, Thập tam bộ, Tứ thập nhất pháo, Châu chấu đỏ, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Ma Chiến Hữu, Hoan lạc, Bạch miên hoa, Người tỉnh nói chuyện mộng du (theo Tuổi Trẻ, 18-4-2008). Nguyên nhân dịch giả Trần Trung Hỷ đã tìm đến các tác phẩm của Mạc Ngôn đã được chính dịch giả giải thích như sau: «Thật ra, tôi đến với Mạc Ngôn khá tình cờ. Khi Công ty Văn Hoá Phương Nam ngỏ ý mời tôi dịch Sống Đọa Thác Đày, tôi rất phân vân, vừa muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới nhưng vừa ngại ngùng vì nhiều lý do, trong đó thành công của Trần Đình Hiến là một trong những lý do quan trọng nhất. Nhưng rồi sau ba tháng, Sống đọa thác đày cũng hoàn thành và tôi bắt đầu say mê...»

2/ Về nội dung:

Có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung cuốn Ma Chiến Hữu. Một số ý kiến cho rằng cuốn Ma Chiến Hữu là một cuốn sách «phản chiến», nhưng thực tế không phải như vậy.
Phản chiến là chống chiến tranh. Nếu hiểu thế thì đây không thể là một cuốn sách phản chiến cũng như tác giả Mạc Ngôn cũng không phải là một nhà văn phản chiến. Theo tiểu sử, ông này là một cán bộ «bậc Một của Cục Chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc». Tác phẩm của ông vì thế ít nhiều thể hiện quan điểm chính trị của quân đội TQ.
Cuốn Ma Chiến Hữu không hề chống chiến tranh. Đây là một cuốn sách viết theo ý của Đặng Tiểu Bình, tố cáo cái nghèo đói, cùng mạt của đại đa số dân TQ, tố cáo một xã hội bất công, chậm tiến do nạn quan liêu, tham nhũng, thối nát của cán bộ, quan lại TQ… Cuốn sách cũng đề cao tinh thần hy sinh của quân lính TQ trong cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và cũng cho thấy các điểm yếu của quân đội TQ. Mục đích cuốn sách nhằm thúc đẩy tiến trình đổi mới, canh tân TQ (và quân đội) theo kế hoạch thực tiễn «mèo trắng mèo đen» của họ Đặng.

Cuốn Ma Chiến Hữu được tác giả Mạc Ngôn viết chỉ vài tháng sau khi bang giao hai nước VN và TQ được tái thiết lập vào tháng 11 năm 1991. Mạc Ngôn viết cuốn này năm 1992. Mặc dầu được nguỵ trang dưới hình thức đối thoại giữa các hồn ma TQ chết trận 1979 là để phản đối đảng CSTQ quyết định tái lập bang giao với VN. Nhưng đằng sau đó là để xoa dịu sự phẫn nộ của quân đội TQ khi việc bang giao với VN được thiết lập.
Bài của Lâm Lê phỏng vấn Trần Trung Hỷ trên Tuổi Trẻ 18-4-2008, có trích lời Mạc Ngôn như sau: «Tôi vẫn thường nghĩ rằng người viết tiểu thuyết lúc nào cũng cố ý giả trang, bôi phấn bôi kem loè loẹt khiến độc giả khó mà hình dung được gương mặt thật của tác giả; nhưng trong tạp văn, tác giả thường quên hoá trang khi viết, vì vậy bộ mặt thật của họ dễ dàng chường ra trước mắt độc giả». Ma Chiến Hữu là tiểu thuyết hay tạp văn?
Tác giả Mạc Ngôn thuộc lứa tuổi tham gia cuộc chiến. Theo các tài liệu đã phổ biến, hay theo trang 28 tác giả cũng có nói, quân TQ tham gia cuộc chiến 1979 gồm có quân từ Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên và Sơn Đông (gồm khoảng 200.000 quân và khoảng 212.00 dân công). Họ là những người lính được huấn luyện rất kỹ (tr 15, 16). Những nhân vật trong sách đều nhập ngũ năm 1976 (tr 15). Tinh thần của các chiến binh TQ phải nhìn nhận là cao, có lý tưởng: «Sau khi nghe tin không được phục viên vì đang có đánh nhau ở phía Nam, chúng tôi vui thầm trong bụng. Làm người lính thời bình chẳng có ý nghĩa gì cả. Cuối cùng chúng đã có cơ hội thể hiện mình» (tr 17).
Tác giả Mạc Ngôn người Sơn Đông. Ông nhập ngũ năm 1976, cũng là năm các hồn ma vào lính. Do đó nhiều sác xuất tác giả Mạc Ngôn cũng có mặt trong cuộc chiến. Vì thế có thể đây là một hình thức của tự truyện, tác giả tự kể về mình.

Nhưng dầu cuốn sách viết theo thể loại nào, cuốn sách này cũng cho ta biết «gương mặt thật của tác giả». Trang 56 tác giả diễn tả tình cảm của các hồn ma sau khi đọc báo thấy tin VN và TQ tái lập bang giao. Các hồn ma khóc và than rằng: «tôi càng nghĩ càng thấy mình chết trận oan uổng». Đây chắc chắn cũng là ý kiến của tác giả và của cả quân đội TQ.
Nhưng nó không có nghĩa là tác giả Mạc Ngôn lên án cuộc chiến 1979 là phi nghĩa như nhiều người hiểu lầm. Nếu thực sự Mạc Ngôn nói như thế thì tác giả này đã bị «thủ tiêu» từ lâu chứ đừng nói đến việc được trọng dụng trong cục Chính Trị của quân đội. Cho rằng cuộc chiến phi nghĩa là phỉ nhổ vào sự hy sinh xương máu và của cải của toàn dân.
Thực ra tác giả Mạc Ngôn đã rất khéo léo nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến 1979 qua việc đề cao sự hy sinh của những người lính TQ. Trang 36 khẳng định anh hùng tính và ý nghĩa cao cả của các cách chết (cho dầu lãng xẹt) của lính TQ: chết rét, chết đói, chết nước, chết vì chó cắn, chết vì ốm đau… tất cả các cách chết đó, theo tác giả, là «vô cùng vinh dự», là «vì nhân dân» mà chết. Chết như thế «còn nặng hơn cả Thái Sơn».
Thông điệp của tác giả hết sức rõ rệt: tất cả những người lính đều hi sinh cho đất nước và vì đất nước. Những người lính TQ phải hãnh diện về điều đó. Cuộc chiến 1979 là một cuộc chiến «vì nhân dân» TQ.
Nhưng ở trang 57 tác giả khéo léo biện hộ cho chính trị của họ Đặng: «Trên thế giới này không hề có một tình bạn vĩnh viễn, cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người là như vậy, quan hệ giữa nước này với nước khác cũng vậy. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hoà bình hôm nay».
«Không đánh nhau ắt không có ngày hoà bình hôm nay», tức là gián tiếp đề cao chính nghĩa cuộc chiến 1979: không có cuộc chiến, không có sự hy sinh xương máu của các người lính TQ thì TQ không có hoà bình (và sự tiến bộ, sung túc nơi mọi người dân TQ như đã thấy) hôm nay.

Tác giả Mạc Ngôn còn diễn tả thật cảm động trường hợp người cha già cụt mất một chân lặn lội đi tìm hài cốt con mình về chôn ở quê hương. Đây một thông điệp quan trọng khác. Qua các trang diễn tả về nơi chôn cất người chết của dân tộc Hán, tác giả đã cho thấy một thực tế mà rất ít người Việt để ý.
Không một người TQ nào quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi chết, bất kỳ nơi nào, họ đều mong muốn xác họ được đưa về cố quốc. Thời kỳ quốc-cộng có rất nhiều người Hoa bỏ lục địa để lưu vong. Những người này khi chết thì con cháu họ xin nhà nước TQ đưa xác về quê hương chôn cất, vì đó là nguyện vọng của họ. Việc này được kéo dài một thời gian, chỉ sau khi Mao Trạch Đông cấm, vì cho rằng những người lưu vong không xứng đáng làm người Hoa (sic !), việc này mới chấm dứt.
Nhắc đến việc này để thấy nơi nào trên vùng biên giới có nghĩa trang của người Hoa thì đất ấy phải thuộc về TQ. Những nghĩa trang đó được họ xây cất, trang hoàng rất đẹp, thường xuyên tổ chức thăm viếng và ngang khói. Việc này cho thấy bề ngoài nhà nước TQ lo đến cả cái chết của liệt sĩ nhưng mục tiêu là không cho người nhà đem cốt thân nhân về quê hương.
Đó cũng là một trong nhiều âm mưu của người Hán dựng ra để chiếm đất của VN. Trong lịch sử họ đã làm như vậy để chiếm đất Kiến Duyên và Bát Tràng (thuộc châu Tiên Yên, Hải Ninh) cuối thế kỷ 19 nhân dịp phân định biên giới. Họ vừa chiếm đất VN cách đây không lâu cũng bằng cách như thế.

3/ Quyền tự do ngôn luận

Dường như có một số đông người trong nước chủ trương cấm cuốn sách này. Tôi thấy có cái gì không ổn.
Cái nào cũng có luật lệ của nó. Cuốn sách này được giấy phép xuất bản tại VN và nội dung của nó không hề vi phạm luật VN. Không phạm luật thì không thể cấm.
Trong bất kỳ trường hợp nào việc cấm cũng thể hiện một hành vi bất lực. Nếu nhà nước CSVN nhân danh một lý do gì đó để cấm, như lo ngại sự phẫn nộ dâng lên cao trong xã hội, thì việc cấm ở đây thể hiện sự bất lực của nhà nước trước sự việc bất mãn của xã hội chứ không do sự sai trái của cuốn sách. Hô hào cấm cuốn sách này cũng là một hình thức biểu lộ sự mất tự tin của mình.
Việc cấm cuốn sách, cho dầu nguỵ trang dưới bất kỳ hình thức nào, cũng cho thấy phía VN bất lực. Bất lực không phải vì không có lý lẽ phản biện lại, (thực ra đây là một quyển sách có nội dung rất xoàng, không có gì đáng lo ngại, ảnh hưởng văn hoá của nó kém xa các sản phẩm văn hoá khác của TQ như các loại phim ảnh tuyên truyền hiện nay tại VN). Nguyên nhân bất lực không do trí thức VN, nhưng do nhà nước VN cấm trí thức VN làm việc phản biện. Cuộc chiến 1979 phía TQ phạm tội ác diệt chủng là một sự thật, các sử gia VN không viết ra được, không phải vì phạm luật VN, mà vì nhà nước sợ làm phật lòng TQ nên không cho viết.

Nhưng điều hay là cuốn sách này tạo cơ hội cho trí thức VN lên tiếng giành lại quyền tự do ngôn luận của mình, dĩ nhiên nếu thành phần này cảm thấy quyền đó là cần thiết. Tuy nhiên thái độ của sĩ phu VN xưa nay phần lớn «sĩ khí rụt rè gà phải cáo», trí thức là gà, nhà nước CSVN là cáo, trí thức quanh quẩn gáy trong chuồng, gáy theo chỉ đạo của đảng, nên không hy vọng gì việc thành phần này sẽ ủng hộ vài tiếng «gáy can đảm» lẻ loi trong buổi bình minh rất chậm đến trong vùng trời VN.
Ta thấy việc giao lưu văn hoá Việt-Trung chỉ xảy ra một chiều. VN không có tác phẩm tương tự nào để có thể phổ biến ngược lại bên TQ. Nguyên nhân có lẽ không đến từ phía TQ mà do nhà nước VN. Hiện nay sản phẩm văn hoá TQ, nối chân các sản phẩm khác, tràn ngập, làm ô nhiễm đầu óc người VN. Chỉ trong thế hệ tới dân VN thuộc lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt. TQ đang xâm lăng VN bằng văn hoá. Thời của súng đạn xưa rồi. Một lãnh tụ của TQ là Tưởng Giới Thạch có nói: nơi nào có dấu ấn văn hoá Hán thì nơi ấy là lãnh thổ của người Hoa. Rõ ràng họ đang chiếm nước Việt không tốn một viên đạn. Dân VN sẽ bị đồng hoá, đất nước này sẽ xoá tên trên bản đồ thế giới, nếu đạo quân văn hoá của VN, những người lính trí thức, không được thực sự trọng dụng trong xã hội hôm nay.
Ta nhận thấy một cách đau lòng là các tác phẩm tương tự nói về chiến tranh của các nhà văn VN thì hầu hết bị cấm. Mặt khác, các sử gia VN chỉ viết theo chỉ đạo, theo định hướng chính trị, do đó nhiều sự thật lịch sử đã bị chôn vùi. Lịch sử do đó rất méo mó, một chiều. Vì thế sự xuất hiện cuốn Ma Chiến Hữu là một dịp tốt cho các văn gia, sử gia VN viết lại cuộc chiến theo cái nhìn của VN, trên tất cả mọi sử liệu của VN. Văn hoá VN cần được vực dậy mới có thể chống lại sự xâm lăng của nền văn hoá Hán mà việc này có làm được hay không là ở quyền tự do ngôn luận có được mở ra hay không.

4/ Về đạo đức và chính trị:

Qua cuốn sách này ta cũng thấy có sự khủng hoảng trầm trọng về đạo đức và chính trị tại VN.
Về đạo đức (và chính trị) vì sách này đặt lại quan niệm về chính nghĩa của cuộc chiến 1979. Nếu phe TQ đúng thì VN sai và ngược lại.
Thông thường trước khi bắt đầu chiến tranh nước gây chiến luôn đi tìm một lý do biện hộ cho hành động của mình. Lịch sử cận đại và hiện đại có rất nhiều thí dụ cho việc này. Ông Georges W. Bush trước khi đánh Irak của Saddam Hussein cũng đã gán cho nước này có tồn trữ vũ khí giết người hàng loạt đe dọa HK nên ông Bush phải «tiên hạ thủ vi cường». Phía TQ đã tìm nhiều lý do để đánh VN năm 1979 nhưng không có lý do nào thuyết phục. Rốt cục họ dùng một mẹo xưa nay đã dùng nhiều lần: hô hoán VN lấn đất TQ và xua quân đánh phạt. Cuộc chiến 1979 theo quan điểm lịch sử của TQ là một cuộc chiến «tự vệ». Tự vệ vì đất TQ bị VN lấn chiếm.
Quan điểm này rõ ràng không ổn, nhưng rất tiếc những dữ kiện liên quan đến cuộc chiến biên giới 1979 vẫn chưa được hai bên công bố. Nhiều điểm mờ vẫn chưa được soi sáng, như các dữ kiện liên quan lý do tự vệ của phía TQ. Nhưng điều quan ngại là những sự thật lịch sử có thể sẽ không bao giờ được thiết lập vì hai bên đảng CSVN và CSTQ dường như muốn xoá bỏ quá khứ, xem cuộc chiến 1979 không hiện hữu.
Những câu hỏi người ta đặt cho phía TQ là tự vệ kiểu gì, chính nghĩa nào mà đem quân qua nước người ta cướp sạch, phá sạch, giết sạch… như thế? Chính nghĩa nào mà mục tiêu là đốt nhà, phá làng xóm, giết dân vô tội?
Đứng trên quan điểm pháp lý thì đây là một tội ác diệt chủng của Đặng Tiểu Bình. Nhưng lãnh đạo CSVN cũng có trách nhiệm khi để việc này xảy ra, và trách nhiệm lớn hơn nữa, nếu tiếp tục im lặng.
Phía VN, nhà nước chủ trương im lặng, cố gắng xoá bỏ một trang sử của dân Việt, xem sự chiến đấu, sự hy sinh của 30.000 quân lính VN chống kẻ thù xâm lăng để bảo vệ đất nước là không có. Việc này thấy rõ qua ngày tưởng niệm 30 năm cuộc chiến: không hề có một vòng hoa, một nén nhang cho những người đã chết. Đây là một thái độ vô đạo đức, vô ơn bạc nghĩa của nhà nước CSVN đối với những người đã đổ máu cho đất nước, nhưng cũng đóng góp làm vững chế độ. Tệ hơn nếu làm một so sánh: tại sao phía TQ trí thức được quyền có quan điểm về cuộc chiến mà trí thức VN thì không ?
Ta thấy lãnh đạo CSVN sẵn sàng trả giá rất đắt để được hoà giải với kẻ thù cũ. Cho TQ vào khai thác bau-xít trên Tây Nguyên, bất chấp những ý kiến đứng đắn của nhiều người uy tín trong xã hội.
Do chênh lệch cán cân ngoại thuơng hai bên Việt-Trung quá lớn, hàng TQ nhập siêu vào VN hàng chục tỉ đô-la, bất tài trong việc đề ra phương pháp điều tiết, đảng và nhà nước CSVN lựa chọn phương pháp nguy hiểm bán nước để đền bù. Ta thấy văn hoá phẩm TQ đã tràn ngập VN mà không có bất kỳ biện pháp be bờ từ phía VN. Văn hoá VN trên đường tự hủy, trong khi trí thức VN phần lớn mũ ni che tai, sống chết mặc bây. Môi trường sống của VN đe dọa hủy diệt do việc khai thác bô-xít. Trong khi trên quan điểm địa lý chiến lược thì sự có mặt của TQ tại Tây Nguyên là một đe dọa vô cùng to lớn cho sự an nguy và sinh tồn nòi giống Việt.
Cái giá rõ ràng quá đắt mà dân tộc và đất nước VN phải trả để đảng CSVN thực thi hoà giải với TQ. Nhưng đối với đại bộ phận dân tộc thì họ vẫn ngạo ngễ trên chính những sai lầm và tội lỗi mà họ đã gây ra. Hoà giải là một vấn đề đạo đức. Đảng CSVN có thể hoà giải với những tên diệt chủng của dân tộc mình, có thể hoà giải với những tên tàn phá đất nước mình, có thể hoà giải với những người đã cướp đất của cha ông tại HS và TS. Nhưng họ không hề có ý nghĩ hoà giải với chính mình, với chính dân tộc và đất nước mình. Đây là điều phẫn nộ, khó có thể chấp nhận.

Về chính trị thì việc giao lưu chỉ chảy một chiều: từ TQ sang VN. Như trên đã nói, nhà nước CSVN đã mở đường cho TQ xâm lăng VN bằng văn hoá, mở đường cho họ vào Tây Nguyên. Đây là một tội ác đối với tổ tiên, với những người đã mở nước và dựng nước. Bốn ngàn năm không Hán hoá được dân Việt mà hôm nay dưới triều đại cộng sản lại dễ dàng như thế. Do đó đây là một khủng hoảng lớn ở nội tại đảng CSVN.

5/ Ích lợi nào cho VN nơi cuốn Ma Chiến Hữu ?

Điều quan trọng hơn hết là thái độ của trí thức VN có biết khéo léo nắm bắt có hội qua sự xuất hiện cuốn Ma Chiến Hữu hay không. Cuốn sách này đã là tro tàn bên TQ, nó đã viết và xuất bản từ năm 1992. Phê bình nó hôm nay chỉ là nguyền rủa vào thinh lặng. Nếu trí thức VN can đảm hơn, biết nhân dịp này để giành lại quyền tự do ngôn luận đã quy định trong hiến pháp, thì trí thức VN đã đi một bước dài trong việc chấn hưng văn hoá và đạo đức VN. Đó là hành động thiết thực và hữu hiệu nhất để bảo vệ đất nước trong tình thế hiện nay.

Trương Nhân Tuấn


DOWLOAD
Sách Ma Chiến Hữu
Machienhuu.pdf (10.15 MB)
http://www.mediafire.com/download.php?yyymltwwnnd


No comments: