Friday, March 6, 2009

KHI NÀO BÁO VIỆT NAM ĐĂNG CHUYỆN BIỂU TÌNH ?

Cảm nghĩ từ hai cuộc biểu tình
Lê Hải
BBCVietnamese.com
Cập nhật :14:48 GMT - Thứ Năm, 5 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090305_viet_protest.shtml
Đi Ba Lan giải quyết một số việc riêng, gặp ai cũng thấy nhắc đến chuyện những người Việt kinh doanh ở trung tâm GD biểu tình, phản đối giới chủ thu tiền thuê quầy quá cao.
Một tờ báo của cộng đồng, tờ Quê Việt, đăng ảnh chụp nhiều người bịt khẩu trang trương biểu ngữ phản đối, có bài viết mang hơi hướng sắc tộc
Cùng thời điểm, mâu thuẫn về lệ phí đỗ xe ở khu nhà The Manor ở Hà Nội cũng bùng nổ thành cuộc biểu tình và dùng xe chặn đường.
Một tờ báo mạng ở Việt Nam chụp ảnh nhiều phụ nữ đứng trong mưa, cùng nhau căng khẩu hiệu in vi tính rõ ràng, sắc nét.

Vượt qua nỗi sợ

Nói đến Việt Nam thì chuyện biểu tình là hiếm, và chuyện báo đăng tin biểu tình, chụp ảnh biểu ngữ lại càng hiếm hơn, cho nên hai câu chuyện này trở thành mối quan tâm hàng đầu của tôi trong suốt một tuần qua.
Một doanh nhân ở Ba Lan chia sẻ suy nghĩ của những người biểu tình khi bắt đầu nổ ra, rằng cũng có hơi sợ, nhưng khi đấu tranh thắng lợi, được thông báo sẽ được giảm tiền một phần ba thì gương mặt sáng ngời sung sướng.
Và nghe nói ở một trung tâm khác, khi tranh chấp quyền lợi với giới chủ thì các tiểu thương cũng tập trung nhau lại để thể hiện quan điểm.
Nhìn dòng khẩu hiệu được kẻ theo dáng logo của phong trào Công đoàn đoàn kết khi xưa, có người sẽ nói sau 20 năm sống ở Ba Lan, cuối cùng người Việt Nam cũng bắt đầu vận dụng tinh thần tranh đấu đòi quyền lợi, bắt đầu chiến thắng nỗi sợ.
Nếu bỏ qua các góc nhìn chính trị, có thể thấy biểu tình là một hình thức văn minh hóa cách giải quyết tranh chấp, thay vì chửi bới hay thanh toán nhau bằng vũ lực, người ta có thể thể hiện quan điểm một cách có tổ chức, bằng những phương pháp lịch sự, và có con đường cụ thể để tìm giải pháp cho vấn đề.

Tranh chấp nơi đô thị

Mà xét cho cùng thì chữ chính trị hay dân chủ cũng liên quan ít nhiều đến đô thị - polis và cư dân trong đó - demos trong mối quan hệ trao đổi, đối thoại - dialogos, những khái niệm được xây dựng từ thời Hi Lạp cổ đại.
Đô thị theo cách hiểu ngày xưa chính là những khu chợ và cư dân là chủ của các quầy hàng và dịch vụ trong đó, mà nay một khu phố cổ như vậy chỉ là một phần của những thành phố lớn theo cấu trúc đô thị hiện đại - metropolis.
Nhìn theo phép so sánh thì với một số góc nhìn nhất định, khu đô thị The Manor ở Hà Nội hay khu thương mại mới ở Wólka Kosowska cũng hội đủ các điều kiện cơ bản nhất của một khu đô thị dân chủ như từng được triết gia Hi Lạp cổ đại Socrates nghiên cứu và mô tả.
Khi đó có thể thấy biểu tình không nhất thiết phải là tư tưởng chính trị gì đó du nhập từ bên ngoài, mà đơn giản là phương pháp do chính những thành viên đang sinh hoạt bên trong đó xây dựng và phát triển dần lên, và là giải pháp tối ưu và phù hợp nhất.

Giàu và nghèo


Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy sụp, kinh tế Ba Lan lẫn Việt Nam đều đang phải vật lộn với khó khăn và sắp tới chưa nhìn thấy tình hình chung có gì sáng sủa, chắc chắn những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế trong lúc này là cao điểm nhất, không chỉ là thiệt hại mà có thể liên quan đến vận mệnh kinh doanh của mỗi cá nhân.
Vì vậy nếu người ta giải quyết mâu thuẫn bằng cách biểu tình và dàn xếp đi đến thỏa thuận, không sử dụng bạo lực hay các phương pháp nào phản đạo đức, có lẽ là điều đáng mừng và khuyến khích.
Có thể đó cũng là lý do tại sao tờ báo của người Việt ở Ba Lan, vốn hay bị xem là có quan điểm chính thống còn hơn ở Việt Nam, không ngại ủng hộ cuộc biểu tình, và VnExpress cũng không sợ gặp rắc rối về tư tưởng khi đăng ảnh người biểu tình và nội dung khẩu hiệu của họ.
Như vậy cũng là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng lại còn một câu hỏi khác.
Trong cả hai trường hợp đều là những cuộc biểu tình của người có tiền, nếu không phải là doanh nhân giàu có thì cũng là những người thuộc hàng trung lưu, thì mới có tiền mua xe hơi và thuê quầy kinh doanh.

Vậy thì đến khi nào báo Việt Nam mới đăng chuyện biểu tình của người nghèo?


No comments: