Friday, March 13, 2009

HOA KỲ ĐƯA TÀU CHIẾN TỚI BIỂN ĐÔNG

Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông
Cập nhật :08:09 GMT - Thứ Sáu, 13 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090313_us_southchina_sea.shtml
Các nguồn tin cho hay Hoa Kỳ quyết định điều tàu chiến có trang bị vũ khí tới hộ tống tàu thăm dò của nước này tại khu vực biển Đông (Nam Hải), sau khi có sự cố với tàu Trung Quốc hồi cuối tuần.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên được hãng AFP trích lời nói tàu chiến sẽ hộ tống tàu thăm dò trong "thời gian trước mắt". Hoạt động hộ tống này chỉ áp dụng cho vùng Biển Đông.

Báo Times của Anh nói chính Tổng thống Barack Obama đã đưa ra quyết định này, mà có thể sẽ dẫn tới khả năng tăng cao bất đồng Trung-Mỹ.

Hoa Kỳ cáo buộc tàu Trung Quốc đã áp sát và gây hấn với tàu thăm dò đại dương Impeccable hôm Chủ nhật 8/3, khiến chút nữa xảy ra va chạm.
Một ngày sau khi sự việc xảy ra, tàu chiến USS Chung-Hoon đã được trao nhiệm vụ tháp tùng tàu Impeccable, vốn có mục đích dò tìm tàu ngầm và chướng ngại vật dưới nước tại khu vực.
Phóng viên của tờ Times có mặt tại Washington nói trong ngày ông Obama gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, tức thứ Năm 12/3, Bắc Kinh không tỏ vẻ nhún nhường.
Sự việc đã làm phức tạp thêm quan hệ vốn nhiều sóng gió về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, mới chỉ cải thiện chút đỉnh sau cuộc hội đàm quốc phòng song phương tại Bắc Kinh hồi tháng trước.
Nó cũng thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực biển Đông. Chính phủ Việt Nam phản ứng bằng tuyên bố: "Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển Đông cần được tiến hành trên cơ sở tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển".

Thêm đối thoại

Tổng thống Obama trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Dương đã kêu gọi tăng cường đối thoại quốc phòng với Trung Quốc. Nhà Trắng ra thông cáo cho hay: "Ông tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng tầm và tần số đối thoại giữa hai quân đội".
Tháng Tư năm ngoái, bộ quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng, tuy xem ra chưa hoạt động nhiều.
Khác biệt giữa hai bên về nhận thức là điều cơ bản trong ứng xử tại biển Đông. Hoa Kỳ nói tàu của Mỹ có quyền hoạt động trong hải phận quốc tế nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích khu vực này.

Bắc Kinh luôn tuyên bố đây là "lãnh thổ lịch sử và chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc.
Nước này vừa lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Philippines thông qua đạo luật về đường cơ sở tại biển Đông, đồng thời loan báo kế hoạch tổ chức tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phản ứng về việc này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói: "Việt Nam hết sức quan ngại và phản đối việc Trung Quốc cho phép Công ty du lịch quốc tế Châu Giang mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
"Việc này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."



Xây nội lực để chống thách thức
Cập nhật :08:59 GMT - Thứ Sáu, 13 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090313_vietchina_sea_conflict.shtml
Cuộc đối đầu trên biển Nam Hải giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu Mỹ cho thấy siêu cường duy nhất trên thế giới và siêu cường đang nổi lên tìm mọi cách thiết lập sự thống lĩnh trên biển.
Địa điểm xảy ra tranh chấp, khoảng 200 cây số phía Nam đảo Hải Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam vài trăm cây số. Vậy chiến lược tồn tại của Việt Nam trong cuộc tranh chấp của hai nước lớn ra sao?

Đài BBC : đã hỏi tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người có nhiều năm nghiên cứu về quá trình xác lập chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thưa ông làm thế nào để tăng sức mạnh cho Việt Nam?
TS Nguyễn Nhã : Bất cứ một giai đọan nào mà phải đối đầu với thế lực nước ngoài, cái thế nước mình phải hùng cường. Cái nội lực của mình phải hùng cường. Tôi nghĩ trong thời gian qua, sau chiến tranh lạnh rồi chiến tranh nóng, mỗi người Việt Nam, kể cả lãnh đạo, đều là nạn nhân của thời cuộc. Chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình là khi mình là nạn nhân của thời cuộc thì mọi điều trong quá khứ mình phải bỏ qua. Theo tôi những các nước thù nghịch với nhau trong chiến tranh lạnh, hay là trước nữa như người Mỹ với người Nhật, họ đã trở thành đồng minh của nhau, tôi nghĩ người Việt Nam cũng có thể.

BBC: Có cách nào để làm được chuyện đó thưa ông?
TS Nguyễn Nhã : Làm thế nào để giải quyết được điều đó, theo tôi những người có trách nhiệm, những người có nhiệt tâm đối với đất nước phải đi trước để giải quyết những cái vướng mắc mà chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng vừa rồi để lại hậu quả. Theo tôi đó là cái chiến lược để mình đoàn kết xây dựng cái nội lực, là trách nhiệm của rất nhiều phía chứ không của riêng ai.

BBC : Vâng thưa ông làm sao để quốc gia hùng cường
TS Nguyễn Nhã : Khi mà giải quyết các vấn đề đó rồi, cái vướng mắc thuộc về tâm lý, kể cả hận thù của mỗi người sẽ được giải tỏa. Khi ấy mỗi người phải có một cái kế hoạch nhỏ, góp sức để đất nước hùng cường. Giống như người Nhật sau chiến tranh, theo tôi một trong cái hay của họ là đặt cái phát triển của đất nước lên hàng đầu, gạt sang một bên mọi việc cá nhân. Và tôi nghĩ cuối cùng người Việt Nam mình cũng có thể làm như thế.

BBC : Qua vụ đối đầu gần đây tại biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu Hoa Kỳ, liệu chúng ta có cần lo ngại không khi bờ biển Việt Nam quá dài nhưng khả năng phòng thủ hay bảo vệ của chúng ta quá yếu?
TS Nguyễn Nhã : Nước nhỏ thì có cách của nước nhỏ. Nước lớn có cách của nước lớn. Sự kiện vừa rồi là cái điều ta không nên lo, mà có khi cái đó là điều ta lấy làm mừng. Tại vì cái vấn đề hải phận quốc tế này không thể để cho bất cứ một nước nào hoành hành được. Khi mà các thế lực họ đụng chạm đến nhau, đó là điều mình không muốn nhưng nghĩ theo cách khác, đối với nước nhỏ, thì như thế là một điều cũng tốt. Vấn đề tranh chấp trở thành đa phương có dính đến nước lớn từ phương xa để người ta không cậy cái nước lớn ở ngay sát mình, thì tôi thấy cái hướng đó là cái hướng rất thuận lợi cho Việt Nam. Và dĩ nhiên nếu như người Việt Nam nhận thức được điều này, tôi cho rằng đó là cái hướng tốt cho mình.

BBC : Cuộc chạm trán trên biển đã đặt ra một số câu hỏi, và có thể những người thực dụng cho rằng tại sao Việt Nam không dựa vào một cái lá chắn phòng thủ của một quốc gia hàng đầu về quân sự nào đó, để nhận được sự bảo vệ trong tương lai? Theo ông ý nghĩ như vậy có nên bàn ra trong lúc này không và liệu nó có cái giá trị gì ở Việt Nam?
TS Nguyễn Nhã : Ý kiến thì cứ việc ý kiến thôi nhưng theo tôi bất cứ thời đại nào nhà nước có trách nhiệm, và họ làm tròn cái trách nhiệm này. Tôi thấy từ trước đến nay ông cha mình rất là khôn ngoan trong ngoại giao đối với nước bên cạnh của mình. Đối với cái nước mà lớn như vậy, ông cha của mình đối xử theo kiểu "thần phục giả vờ mà độc lập thật sự", từ xưa đến nay đều làm như thế.
Đó là ngày xưa. Còn bây giờ hoàn cảnh nó khác. Ngoại giao hiện nay nó khác. Sự việc xảy ra nó khác. Tôi cho rằng dựa vào sức mạnh của riêng một nước nào đó có cái hay nhưng cũng có cái dở. Theo tôi nhà lãnh đạo cũng nên cân nhắc để làm cho nó đúng lúc, đúng thời điểm. Cũng như là làm sao cho nó lợi nhất.



No comments: