Wednesday, March 18, 2009

DÂN TRÍ VÀ DÂN CHỦ

Dân trí và dân chủ
Nguyễn Thanh Bình

Trang thông tin điện tử của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp – Văn phòng Quốc hội
http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/dan-tri-va-dan-chu

Chúng ta thường nói: “dân trí đến đâu, dân chủ đến đấy”. Nói như vậy, thì đối với nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ dân trí thấp sẽ không biết bao giờ mới có dân chủ. Thực ra, đối với vấn đề này, cũng có thể nói rằng, dân chủ đến đâu dân trí đến đấy. Hơn nữa, chẳng những dân trí mà cả dân khí, dân sinh, dân quyền - tất cả đều phụ thuộc rất nhiều vào dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ”Thực hành dân chủ là chiếc chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”. “Làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. ánh sáng dân chủ soi rọi đầu óc con người và dân chủ trên thực tế nâng cao tầm vóc của con người.

Dân trí và dân chủ, tuy có mối liên hệ với nhau, nhưng lại là những vấn đề khác nhau. Dân trí chỉ trình độ hiểu biết của nhân dân. Còn dân chủ là một thể chế do nhân dân làm chủ trong đó quyền tối cao thuộc về nhân dân hay được hành xử trực tiếp bởi nhân dân hay bởi các người đại diện do dân bầu ra trong một chế độ tuyển cử tự do. Trong cách nói của chúng ta, dân chủ là một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Như vậy, dân chủ trước hết là chế độ chính trị, là quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân uỷ nhiệm cho. Trong các chế độ dân chủ, mọi người sinh ra đều hiển nhiên được hưởng các quyền dân chủ, bất kể trình độ dân trí của họ ở mức nào.

Ở nước ta, để nâng cao dân trí, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, thực hiện một “nền giáo dục khai phóng” cho tất cả mọi người, mọi công dân. Đó thực sự phải là một nền giáo dục không có sự áp đặt, đưa ra những câu trả lời dứt khoát hay những giải pháp tối hậu, mà chỉ giúp người học xem xét và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, tự rút ra bài học cho mình và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây cũng chính là cốt tuỷ của một “nền giáo dục khai phóng” - một nền giáo dục đã hình thành từ thời cổ đại ở Hy Lạp, La Mã và phát triển mạnh mẽ ở các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới hiện nay. Nền giáo dục này sẽ đào tạo ra những con người tự do, có nhân cách công dân - những con người biết tư duy rốt ráo về từng vấn đề, biết tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Mẫu người tự do này khác hẳn mẫu người nô lệ - những người chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, và dĩ nhiên, họ không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng đã hành động theo những quyết định đó.

Để thực hiện dân chủ, cần cụ thể hoá công thức: “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ” bằng cách tạo ra các định chế của nền dân chủ và thực hành chúng trên thực tế.

Đó là:
1, Đối với kinh tế: là quyền sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân, quyền bình đẳng của tất cả các chủ thể trong hoạt động kinh tế...;
2, Đối với nhân dân: là trưng cầu dân ý, chế độ tự quản, tự do báo chí, tư tưởng, ngôn luận (là những quyền đặc biệt quan trọng để nâng cao dân trí), tự do hội họp, lập hội…;
3, Đối với bộ máy nhà nước: là Toà án Hiến pháp, Quốc hội chuyên nghiệp, Viện công tố, Toà án độc lập và xét xử chỉ theo pháp luật, chính quyền dân sự, luật về đảng cầm quyền... Nói cách khác, các định chế này là sự triển khai của nền kinh tế thị trường, của xã hội công dân và của nhà nước pháp quyền. Đó cũng là những định chế dân chủ cụ thể biểu hiện của một quốc gia, một nhà nước, một chính quyền của dân, do dân, vì dân thực sự và là nền dân chủ đích thực.

Hơn thế nữa, nói đến dân trí là nói đến con người. Dân trí và dân chủ có thể quy thành con người và định chế. Vấn đề là ở chỗ, không chỉ là hoàn thiện bản chất con người (như khát vọng của nhân loại và của mỗi chúng ta), nâng cao dân trí, mà chủ yếu là, tất cả những tiến bộ (trong đó có vấn đề dân chủ) mà con người có thể đạt được đều xuất phát từ việc cải thiện những định chế như thực tiễn lịch sử thế giới đã chứng minh. Chính xã hội, chứ không phải con người, mới có thể hoàn thiện trong những giới hạn nào đó. Chẳng hạn, về vấn đề ý thức về các quyền của người dân không phải chỉ do giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà có, mà chủ yếu là trao cho họ các quyền trên thực tế, ví dụ, trao quyền sở hữu cho người dân thì lập tức họ sẽ có ý thức về các quyền sở hữu (như quyền được chiếm hữu, quyền được sử dụng, quyền được định đoạt, quyền được thu lợi pháp từ sự sở hữu đó...). Không có quyền sở hữu thì khó mà có thể nói về ý thức sở hữu được. Ph. Ăngghen đã từng nói đại ý rằng, chỉ có trong sở hữu con người mới thực sự trở thành một thực thể có trí tuệ. Hay là khi nói rằng, về bản chất con người mang tính xã hội có nghĩa là con người sẽ luôn luôn cần sống trong xã hội. Hơn nữa, như Alexander Hamilton nói, con người không phải là thiên thần là muốn nói rằng xã hội loài người luôn cần chính quyền. Mặt khác, con người về bản chất không thích hợp với tình trạng vô chính phủ, và điều này sẽ luôn luôn như thế, chừng nào con người còn sống trên trái đất. Anh ta (và chị ta) không thể không cần đến chính phủ, cũng y như anh ta (và cả chị ta nữa) không thể tồn tại mà không cần thức ăn hoặc bay mà không cần phương tiện máy móc để chở anh ta (và cùng chị ta)! Vậy định chế là cái quyết định và định chế dân chủ quyết định dân chủ.

Trở lại vấn đề dân trí và dân chủ, dân chủ không chỉ phụ thuộc vào dân trí. Vì thế, gần đây chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện dân chủ đối với giới trí thức - là giới có “mặt bằng dân trí” cao của xã hội ta - mà nếu theo cách nghĩ của chúng ta là “dân trí đến đâu, dân chủ đến đấy” thì phải có dân chủ trong giới trí thức, trong nghiên cứu khoa học từ lâu rồi!

Cuối cùng, công bằng mà nói, dân chủ không phải là “phương thuốc vạn năng” để chữa chạy tất cả các căn bệnh xã hội, nhưng không có dân chủ thì không một phương thuốc nào có hiệu lực. Nói như Abraham Lincoln, dân chủ là “niềm hy vọng lớn lao cuối cùng” để việc đem lại phúc lợi cho con người không hy sinh mất tự do cá nhân và phẩm giá con người. Ngày nay, dân chủ là cái quyết định nhất. “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”, “Dân chủ là của quí báu nhất của nhân dân” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định như vậy. /.

(Bài viết đăng trên TCNCLP số 49, tháng 2/2005)
Nguyễn Thanh Bình


No comments: