MẸ VIỆT NAM ƠI!
DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ?
(VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS?)
Tác giả: Pierre Darcourt --- Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia ấn hành, 2007
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia.html
CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY
"30 NĂM CHIẾN TRANH:
KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC GÌ CẢ! "
Lúc tôi rời khỏi Miền Nam Việt Nam (lần cuối cùng) vài giờ trước khi mất Sài Gòn , tôi đã tưởng rằng mọi việc đều đã được chấm dứt.
Miền Nam đã thất trận. Khi đã thua rồi thì Miền Nam chỉ còn có phục tùng theo luật lệ của kẻ chiến thắng mà thôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa là Sài Gòn sẽ sống dài dài, sống mãi thật là lâu dài với giờ Hà Nội . Một trang sử đẫm máu hình như đã được vĩnh viễn lật qua. Sợ hãi và chết chóc đã được gạt bỏ ra khỏi quốc gia nầy rồi, một đất nước quá đói nghèo và quá đau khổ.
Nhiều tháng đã trôi qua và tất cả hình như không quá đơn giản như tôi đã tưởng như vậy . Những tiếng vang cuối cùng đến tai chúng tôi từ Miền Nam Việt Nam đã cho thấy là mọi việc đã không được tốt lắm.
Sài Gòn và Đồng Bằng sông Cửu Long đầy rẫy các trung đoàn quân chánh quy Bắc Việt quá bực bội vì dân chúng có vẻ như không phục tùng.
Các cựu chiến binh Miền Nam còn chưa chịu buông súng xuống hết. Có những chiến khu đang được hình thành , một số sinh viên đã vào đó. Dân chúng yểm trợ họ. Tình trạng mất an ninh đang lan rộng. Cuộc trấn áp được coi là quá khắt khe. Tình trạng thiết quân luật chưa bao giờ được bãi bỏ. Các cuộc bắt bớ càng ngày càng tăng. Tiếng đại bác vẫn còn nổ rền trên đồng ruộng và đêm đêm người ta vẫn còn nghe nhiều tràng súng liên thanh tự động.
Đã có nhiều người ngoại quốc ra đi. Các giáo sĩ thì bị trục xuất. Cái được gọi là CPLTCHMN thì không có thực quyền. Ngày 2 tháng 9 vừa qua trong một cuộc diễn binh vĩ đại được tổ chức để kỷ niệm này lễ độc lập lần thứ 30, tất cả các "xe chỉ huy" đi trước các đơn vị chỉ mang có một lá cờ duy nhất - lá cờ đỏ sao vàng - , lá quốc kỳ của Miền Bắc Việt Nam .
Luật sư Nguyễn hữu Thọ, người Miền Nam , đã từng là một nhân vật thuộc giai cấp tư sản của thành phố Sài Gòn trước khi gia nhập vào lực lượng cách mạng và trở thành Chủ Tịch của "Mặt Trận quốc gia Giải Phóng", đã lên khán đài để đọc một bài diễn văn dài để nói lên "sự vui mừng vì nước Việt Nam đã không còn bị chia cắt và đã hoàn toàn tự do, độc lập và thống nhất từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau"
Không còn một ám chỉ nào đến những chủ đề trong quá khứ về "hai chữ Miền Nam " hay về sự tôn trọng "dư luận của số đông quần chúng"
Báo chí chánh thức ở Sài Gòn trình bày ngày nầy qua ngày khác những chiến thắng của quân đội giải phòng Bắc Việt , của Khờ Me Đỏ, của Pa Thet Lào như là một chiến thắng chung của một Mặt Trận Cách Mạng duy nhất bao gồm cả Đông Dương, xem như một Liên Bang mà Hà Nội sẽ là người lãnh đạo.
Các đồng hồ của Sài Gòn được kéo lùi lại 60 phút, để theo đúng với giờ Hà Nội, mà theo lời xác nhận của người nữ xướng ngôn viên của Đài Phát Thanh Giải Phóng đọc trước mỗi bản tin tức, kể từ nay sẽ là "giờ chánh thức của Đông Dương"
Ca tụng một chiến thắng đã từng được mong đợi từ lâu, đã đưa những người lãnh đạo Miền Bắc Việt Nam đến chỗ hết lời tán dương sự hình thành của một khối đấu tranh chống đế quốc gồm có những chế độ tiên tiến hiện hữu và tương lai , bành trướng xuống hết miền Đông Nam Á Châu.
Nhưng trong khi Hoa Kỳ rút lui, họ đã để lại trên đất nước Việt Nam hai cường quốc xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc chia rẽ nhau vì một sự tranh giành ảnh hưởng ý thức hệ và vì một sự đối đầu truyền kiếp.. Đã thấy có nhiều sự rạn nứt giữa hai nhóm thân Nga và thânTầu.
- Bên Lào, nhóm Thân Nga đã thắng thế vì có Hà Nội đỡ đầu. Nhưng Trung Quốc thì nắm chặt Bắc Lào và hai con đường chiến lược được 3 sư đoàn và một lực lượng phòng không hùng hậu bảo vệ. Quân đội hoàng gia Lào, hùng hậu với 60.000 người đã bị giải tán. 3000 sĩ quan của lực lượng nầy bị lưu đày lên Sầm Nứa ( vùng Cao Nguyên Bắc Việt) để "học tập cải tạo", và tất cả binh sĩ của họ đều bị nhốt trong các trại lao động khổ sai. 1.500 chuyên viên Liên Xô và 400 chiếc phi cơ của hãng Aéroflot đã đến thay thế các chuyên viên Mỹ và các phi cơ của hãng Air América (hãng hàng không riêng của Trung ương Tình Báo CIA ). Họ đảm trách công tác tiếp vận và tất cả mọi liên lạc của Pathet Lào (quân đội cộng sản Lào). Hoàng thân Souvanna Phouma, vị Chủ Tịch được chỉ định của Chánh Phủ Liên Hiệp Lào chỉ giữ một vai trò tượng trưng, và sẽ rút lui vĩnh viễn sau những cuộc bầu cử vào tháng 4 năm 1976.
- Tại Cam Bốt, các nhà ngoại giao Liên Xô đều bị trục xuất và cộng sản Tầu đang ở trong thế mạnh. Nhưng các phi cơ nào muốn đáp xuống phi trường Phnom Penh đều phải đánh một vòng chừng 1500 cây số để tránh không bay ngang qua lãnh thổ Việt Nam , ở đó sự có mặt của Liên Xô càng ngày càng mạnh. Những chiếc tàu đầu tiên cập bến vào các cảng Sài Gòn và Đà Nẳng là những chiếc tàu chở dầu và chở hàng của Liên Xô. Mạc tư Khoa đã bí mật và cứng rắn cho Bắc Việt biết là họ đặt quyền lợi của họ vào việc xử dụng căn cứ Không quân và Hải quân ở Cam Ranh , một vị trí chiến lược hàng đầu ở nửa đường giữa Hong Kong và Tân gia Ba, một căn cứ mà Hoa Kỳ đã bỏ ra mấy trăm triệu mỹ kim để thiết lập và xử dụng. Bộ chỉ huy tối cao của Liên Xô coi việc nhượng cho họ được quyền xử dụng căn cứ Cam Ranh chỉ là một sự bồi hoàn hợp lý đối với một số lượng phương tiện khổng lồ mà Liên Xô đã từng giúp và viện trợ cho Bắc Việt trong suốt thời gian cuộc chiến tranh giành độc lập.
Với sự tái mở lại sự lưu thông trên kinh đào Suez, việc xử dụng được căn cứ Cam Ranh sẽ là một trạm chủ yếu giữa các căn cứ của Liên Xô từ Ấn độ Dương ở phía Nam (đảo Socotra, Berbara ở Somalie) đến mũi Vladivostock ở mạn Bắc. Các hạm đội của Liên Xô do đó sẽ có thể mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc hết sức an toàn. Tuy vậy nhưng muốn đi đến một Hiệp định cũng sẽ không dễ dàng lắm đâu. Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy sự bố trí của một kẻ địch lảng vảng ở ngoài khơi cách bờ lục địa của mình không xa, để có thể đe dọa mình, sau sự lui binh của Hoa Kỳ . Chánh Trị Bộ của Hà Nội tuy phần lớn đều "thân Liên Xô", nhưng cũng có một số "thân Tầu" mà vị thế chánh trị cũng nặng ký lắm như Nguyễn lương Bằng Phó Chủ Tịch nước, Trường Chinh, Chủ tịch Quốc Hội, và Hoàng văn Hoan, Tổng trưởng Nội Vụ.
Một vấn đề khác làm cho Bắc Kinh nổi giận: đó là số phận của trên một triệu rưởi người dân Trung Hoa đang ở Miền Nam Việt Nam . Khi bộ đội chánh quy Bắc Việt vào Sài Gòn , tất cả thương gia người Tầu ở Chợ Lớn đều đã treo trước cửa tiệm của họ lá cờ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nhưng họ được lệnh phải tháo xuống ngay.
Những người Tầu nầy quá đông và sống rất có tổ chức, đã kiểm soát tất cả nền kinh tế và hệ thống phân phối ở Miền Nam , và như thế là họ siết chặt quá nặng nề hành động của Hà Nội . Nếu họ được Bắc Kinh bảo vệ, họ sẽ thoát khỏi gọng kềm của Hà Nội ngay. Qua nghị định của Tổng Thống Diệm từ năm 1956, họ được nhập quốc tịch Việt Nam , và giờ nầy họ vẫn tiếp tục còn mang quốc tịch Việt Nam và vẫn được coi là "dân Việt Nam "
Một chiến dịch hung bạo đang được tiến hành để đánh vào những người đầu não của những người Tầu nầy mà họ gán cho một danh từ xấu xa là "tư sản mại bản", được người ngoại quốc trả lương. Đài phát thanh cộng sản đổ hết trách nhiệm cho họ về chuyện giá cả thị trường đang tăng vọt, do họ đầu cơ tích trữ làm cho hàng hóa khan hiếm . Ngoài ra chánh quyền cộng sản còn buộc tội họ là đã phá hoại cuộc cải cách tiền tệ vừa rồi. Đài phát thanh còn loan báo tên tuổi của họ, loan báo đã bắt được nào là ông "vua gạo", ông "vua thuốc lá", "vua cà phê", "vua vận tải", "vua ngư trường", "vua thuốc tây" v.v..Một nhân vật cộng sản vừa thay thế Trần văn Trà trong chức vụ Trưởng Ban Quân Quản Sài Gòn Chợ Lớn là Mai chí Thọ, một người lai Tầu, là người đang có trọng trách điều hành chiến dịch đánh "tư sản mại bản" đã nói :
- "Chúng tôi phải ngăn chận bọn tôi tớ của đế quốc, không cho họ tiếp tục làm đội quân thứ năm nhằm làm hại nền kinh tế của đất nước".
Người Tầu phản ứng lại với mối đe dọa nầy bằng cách làm nhiều bản kiến nghị ủng hộ đường lối chánh trị của Chủ Tịch Mao trạch Đông.
Thống nhất đất nước bằng võ lực không giải quyết được gì cả. Nước Việt Nam vẫn là miếng mồi ngon để cho các thế lực ngoại bang tranh nhau giành giựt.
Cũng như việc ký kết Hiệp Định Ba Lê không thể đi tới chấm dứt được chiến tranh, chuyện áp dụng biện pháp quân sự để chiếm thủ đô Sài Gòn và xâm chiếm cả Miền Nam Việt Nam ... đã không chấm dứt được những nỗi đau khổ của một dân tốc vốn đã rách nát.
Cách mạng Miền Bắc quá hung hăng và háo chiến đã dựa trên nguyên tắc "chánh quyền ở đầu lưỡi lê họng súng" để thiết lập đường lối hành động của mình. Hà Nội đã lựa chọn con đường khư khư quá cứng rắn. Miền Bắc chẳng những muốn thống trị Miền Nam , mà còn muốn hài tội họ, ép buộc và thuyết phục họ phải đi theo ý thức hệ của họ, một sự thật mà Hà Nội nghĩ rằng chỉ có Hà Nội mới là người duy nhất được nắm giữ.
Con đường quá dài đó có đầy chướng ngại, đầy áp bức, đầy chết chóc, nhục nhã... không thể dẫn tới hòa bình được, một nền hòa bình mà cả dân tộc đang mong đợi từ 30 năm qua, trong tình trạng chia rẽ vì bị đổ quá nhiều máu, có quá nhiều tang tóc, và quá nhiều đau khổ.
Có một cách duy nhất dể cho những người chiến thắng hàn gắn lại tất cả các vết thương còn đang rướm máu và quá nhức nhối nầy, đó là họ phải cố gắng đè nén lòng kiêu căng qua chiến thắng của họ xuống, để công bố ngừng tranh luận về ý thức hệ, để chứng minh cho người ta thấy tấm lòng độ lượng của mình. Sự thống nhất thật sự phải đi qua con đường "hòa bình của con tim", trở lại những truyền thống cũ của đạo lý và sự khoan dung. Đó là con đường xoa dịu nhân tâm. Chỉ có như vậy thì cả hai Miền Nam Bắc mới họp nhau lại thành "Một Đất Nước Duy Nhất" của một "Dân Tộc Duy Nhứt" trên 50 triệu người dân tự do trong tình anh em được . Một đất nước giàu có và phồn thịnh, có nhiều tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận với những cánh rừng nguyên thủy, với nhiều con sông lớn đầy phù sa, với ruộng đồng bao la bát ngát, với những mỏ than lộ thiên, với những mỏ dầu, với những bãi cát trắng và những hải cảng kín gió mùa.... Một dân tộc có tay nghề khéo léo, đảm đang và siêng năng cần cù rất hãnh diện để được nhận lấy một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới......
Đây có phải là một giấc mơ không hiện thực? để cuối cùng hé mở được bức màn đầy máu đỏ, đang đè nặng trên mảnh đất đang bị dày vò nầy, để nhìn thấy được một đất nước không còn hận thù và không còn chiến tranh, ở đó những người cùng một giống nòi đang cố tìm lại con đường hạnh phúc của họ?
Pierre Darcourt
Bìa sau
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/biasau.jpg
Bìa bản chính
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/biasau2.jpg
No comments:
Post a Comment