Wednesday, March 11, 2009

DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ ? (Chương XX)

MẸ VIỆT NAM ƠI!
DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ?

(VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS?)
Tác giả: Pierre Darcourt --- Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia ấn hành, 2007
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia.html

CHƯƠNG HAI MƯƠI


NHỮNG TRÒ CHƠI VÔ VỊ CUỐI CÙNG

Thứ Sáu, ngày 25 tháng Tư

Hôm nay Tổng Thống Hương lại tiếp ông M. Mérillon trong vòng 80 phút và sau đó lại họp với ông M. Martin, Đại sứ Hoa Kỳ . Cả hai nhà ngoại giao nầy người nào cũng cố thuyết phục Tổng Thống Hương là nên cấp tốc đưa ra một phương thức khả dĩ có thể mở đường cho một cuộc thương thảo với những người "cách mạng" (nguyên văn: révolutionnaires") Cả hai đều nói "phương thức nầy nên gạt ra ngoài Hiến Pháp năm 1967,.... cần có sự từ chức của Ngài, và giao lại cho một toán nào đó mà "phía bên kia" có thể chấp nhận được "
Vị Tổng Thống già đồng ý chấp thuận mục đích của các đề nghị, nhưng khăng khăng muốn tìm một giải pháp theo đúng với Hiến Pháp .. Ông Mérillon càu nhàu:
- "Ông ta cứng đầu lắm! như một con lừa vậy ! Lúc nào cũng "Tôn trọng hình thức hợp Hiến"., ông ta chỉ nói hoài có bấy nhiêu đó . Như một người nghèo sắp sửa bị cháy nhà mà cứ từ chối không chịu kêu lính chữa lửa, vì nghĩ rằng mình đang có trong túi một hợp đồng bảo hiểm đúng cách."
Trong cuộc tiếp xúc nầy, Ông Hương đọc lại một bài thơ trào phúng của văn hào Pháp Sully Prud'homme tuyên dương hành động anh hùng của một người chỉ huy Ba Lan, khi ông nầy muốn chận đứng đoàn quân Nga trước một con rạch cạn , bằng cách làm cho họ tin tưởng rằng con rạch nầy khó có thể lội qua được . Để chứng minh điều nầy người Ba Lan lội xuống nước và gập hai chân lại đi bằng đầu gối, rồi sau đó nằm sấp xuống, trước khi giả bộ chìm hẳn và bị chết đuối. Jean M. Mérillon trợn tròn đôi mắt lên nhìn thẳng Tổng Thống Hương và vừa nhún vai vừa sốt ruột nói:
- "Chúng ta không còn ở thế kỷ 19 nữa, thưa Ngài Tổng Thống , và những tên cộng sản bây giờ đã có những chiến xa lội nước và đã có cầu nổi được kéo theo để qua sông dễ dàng "
Những ngày vừa qua, đã có nhiều nhân sĩ Việt Nam đến gặp Đại Sứ Pháp. Đó là : Đức Tổng Giám Mục Bình , Thượng Tọa Thích Trí Quang, thuộc chùa Ấn Quang, và Chủ Tịch Luật sư đoàn. Tất cả đều có một đề nghị: " Ông hãy có một hành động nào đó để tránh những trận đánh nhau trên dường phố trước khi đã quá muộn. "
Nhưng Tổng Thống Hương cứ ôm cứng Hiến Pháp không lay chuyển nổi !.
Cuối cùng, sau khi làm việc rất lâu với những người thân cận của mình, ông mới quyết định triệu tập phiên họp đặc biệt của Lưỡng Viện Quốc Hội vào sáng ngày mai thứ bảy 26/4.
***

Một tiểu đoàn chánh quy cộng sản Bắc Việt từ Đồng Tháp Mười định tiến đánh bất ngờ tỉnh lỵ Tân An , một thành phố nằm cách Sài Gòn khoảng 30 cây số về hướng Tây Nam . Cuộc tiến công nầy được diễn ra trên một cánh đồng lúa quá trống trải nên đã bị Không quân đập tan. Tiểu đoàn cộng sản đã bị diệt gọn. Nhưng cuộc tấn công nầy được xem như một cuộc hành quân của một đơn vị tiền phương, đã cho thấy là các đại đơn vị Bắc Việt từ Cam Bốt đang chuẩn bị tràn sang Việt Nam để siết chặt vòng vây Thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Việt Nam .
Từ hôm thứ hai vừa rồi, thiên hạ đua nhau xin hộ chiếu. Đi ra khỏi Việt Nam từ đầu tháng đã là một chuyện rất khó rồi, còn bây giờ thì gần như không còn thế nào được nữa. Trừ một vài trường hợp được ân huệ riêng là thân nhân hay bạn rất thân của giới lãnh đạo Miền Nam Việt Nam Từ hai tuần nay, có người đã phải trả thật đắt (đến 15 triệu đồng bạc) cho một chiếu khán. Bây giờ thì chiếu khán đó không còn dùng vào đâu được nữa rồi. Có một số người Việt Nam đến phi trường Tân sơn Nhứt với một hộ chiếu (giấy thông hành) và một chiếu khán "đã mua", mới được biết là có một cú điện thoại từ Bộ Nội Vụ (Bô Trưởng đã được thay rồi) báo cho họ biết là những giấy tờ đó đã không còn giá trị nữa. Đồng đô la trong ba ngày đã vọt từ 1200 lên đến 2500 đồng. Và cái giá phải trả cho những "biện pháp ân huệ" cũng tăng theo nhịp độ đó. Do vậy số người được xuất ngoại "hợp pháp" càng ngày càng ít đi.
Hầu hết những người Việt Nam có cơ may rời khỏi nước đều nhờ vào cầu không vận cùa Hoa Kỳ . Cầu không vận nầy hoạt động suốt ngày đêm và khả năng bốc người đi được tăng lên gấp 3 lần. Mục đích đầu tiên của Hoa Kỳ là nhằm đưa về nước khoản 800 công dân Mỹ còn đang kẹt lại ở Việt Nam ..Công tác nầy chỉ đến cuối tuần nầy là hoàn tất. Cùng đi với người Mỹ mỗi ngày, có từ ba đến bốn ngàn người Việt Nam được tháp tùng, những ai được ghi danh trong "danh sách ưu tiên", gồm có những người làm việc cho các công ty Mỹ , những công chức hay công nhân làm việc cho văn phòng thuộc sứ quán hay các sở Mỹ, các nhân viên tình báo, các cấp thuộc chương trình bình định và gia đình của họ.
Sự việc được phép mang cả gia đình theo đã mở toang cửa cho tất cả mọi sự móc nối làm tiền. Có những người khi đã được ghi tên vào danh sách được đi rồi thì cho ghi thêm thân nhân của chính mình càng ngày càng nhiều ra và đã cho họ cùng đi với mình với một số tiền thù lao rất là hậu hĩ.
Nhịp độ ra đi càng ngày càng nhanh hơn. Những người di cư được các xe buýt to có lưới thép bọc bên ngoài cửa kiến chở đến Tân sơn Nhứt. Ngay ở cổng phi trường đã có nhiều thảm cảnh rất đau lòng giữa kẻ đi người ở. Sau đó họ được đưa vào các gian nhà lớn ở trong khuôn viên của Phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ, nằm trong khu vực sân bay Tân sơn Nhứt. Ở đây không thiếu chỗ và có đầy đủ tiện nghi: có gần 1000 chiếc giường bố xếp cho họ nghỉ ngơi chờ đợi chuyến bay, có phần ăn nóng sốt 3 bữa mỗi ngày. Khi được kiểm điểm lý lịch xong, họ lại được xe buýt đưa thẳng ra phi đạo lên các phi cơ vận tải quân sự để đi đến Phi luật Tân, Đài Loan hay tới đảo Guam, và Honolulu (Hạ uy Di). Thỉnh thoảng cũng có một vài cô chiêu đải viên hàng không mảnh khảnh và duyên dáng trong chiếc áo dài xanh lơ đã tìm cách được kín đáo đưa lên các chuyến bay nầy.
Những người không có một mối liên hệ nào với người Mỹ hay với những người được Mỹ "bảo trợ" đã cố gắng tìm hết mọi cách và mọi phương tiện để được đi ra khỏi Miền Nam Việt Nam :
- Những nhà buôn khá giả bỏ tiền ra mua hay mướn các chiếc tàu, thuyền máy đánh cá của dân chài ngoài biển hay những chiếc thuyền đi biển để đưa họ đến Malaysia hay Thái Lan, nếu dọc đường họ không bị cướp hay giết chết để đoạt sạch tài sản vòng vàng tiền bạc mà họ dấu đút mang theo trong người .
- Có những người lanh lợi hơn liên lạc thẳng với các phi công của "câu lạc bô hàng không" và đề nghị mười ngàn đô la (10.000) cho mỗi hành khách nếu họ chịu chở những người nầy ra ngoại quốc.
- Có nhiều người bạn Pháp của tôi được mấy người Việt Nam lớn tuổi , đạo mạo khả kính, đến gạ với họ ngay ngoài đường phố, với đề nghị cưới giùm các cô con gái của họ với một số tiền hồi môn kếch sù lên đến hai chục triệu đồng cho mỗi người (khoản 80.000 quan Pháp), để mang các cô nầy về Pháp, với cam kết là khi đến nơi rồi họ sẽ làm thủ tục "ly dị ngay"
- Có một người Mỹ vừa mới bị bắt và bị trục xuất, vì anh ta đòi bảy ngàn đô la (7000) mỗi người để nhận họ là "thân nhân trong gia đình". Anh Mỹ nầy đã thành công trong việc đưa đi 18 người Việt Nam đến đảo Guam qua trung gian của người vợ Việt Nam của anh ta.
- Ở quán rượu Impérial của ông già Bonelli, một bà giám đốc cơ sở bào chế thuốc Tây (Bà Anh) đang tìm cách bán nhà của bà. Bà nói với tôi :
- "Đây là một biệt thự tuyệt đẹp, ở một địa điểm rất tốt, nằm trên đầu đường Paul Blanchy. Tám phòng, với hai nhà xe và 800 thước vuông vườn. Ba tháng trước tôi đã không bán với giá 30 triệu đồng. Bây gìờ thì tôi sẵn sàng nhượng lại với giá 3 triệu thôi (chưa đến 12.000 quan Pháp với hối đoái chánh thức). , và tôi sẽ để lại tất cả đồ đạc trong nhà gồm có bàn tủ ghế, quần áo, chén bát, máy lạnh và hai tủ lạnh...."
Ba ta móc bóp lấy một xấp giấy tờ ra và nói thêm :
- " Đây là giấy bán nhà, tôi đã ký sẵn rồi, chỉ còn ghi tên người mua vào là xong hết."
Ông già Bonelli trầm ngâm suy nghĩ và mỉm cười, ngẫng đầu lên mệt mỏi nhún vai và nói:
- "Ít nhất bà là người thứ hai đã đến đây gặp tôi từ hai hôm nay. Làm gì còn có người muốn mua nhà trong lúc nầy ?
Bà Anh lại quay sang tôi :
- " Tôi cũng có một chiếc xe Mercédès chạy dầu gần như mới toanh, 5000 cây số thôi, có đủ cả ra diô và cát sét. Tôi muốn bán nó với giá rẽ 500 đô la
- Chừng nào bà sẽ đi ?
- Trưa nay
- Bà làm sao có được chiếu khán xuất cảnh hay vậy ?
- Ông nghĩ xem. bà vừa trả lời cho tôi vừa cười rộ lên , các chiếu khán bây giờ vô giá. Tôi tự xoay sở với người Mỹ. Tôi đã giao dịch với họ từ 15 năm nay rồi và con gái tôi là một nhà sinh vật học ở Cựu Kim Sơn. Nếu ông muốn dùng chiếc xe tôi, ông hãy điện thoại cho tôi trước 15 giờ, Đây là số điện thoại của tôi .
Tôi không có ý định mua xe Mercédès của bà Anh, nhưng vì tò mò tôi đã điện thoại đến nhà bà vài phút sau 15 giờ. Một người làm cho bà đã trả lời cho tôi là bà ta đã đi ngoại quốc rồi và bà ta cũng không thèm ghé lại nhà để lấy chiếc va ly của bà nữa !
***

Vào chiều tối, hành khách của chiếc phi cơ "ca ra ven" thuộc hãng Hàng Không Việt Nam đi Băng Cốc (Thái Lan) đã được chứng kiến một cảnh rất não lòng. Trong chiếc phi cơ, ông tướng Trần văn Đôn, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng của nội các vừa từ nhiệm, nhưng vẫn còn là Xử Lý Thường Vụ, đang mơn trớn vuốt ve một người đàn bà đẹp rất duyên dáng trong bộ đồ mỏng mùa hè, có đeo một nhẫn hột xoàn lớn bên tay trái. Vừa mới ngày hôm qua đây, tướng Đôn đã cổ võ quân đội Quốc Gia phải bảo vệ đất nước đến hơi thở cuối cùng, thì hôm nay ở đây ông ta đang vừa rót vào tai của người bạn gái của ông ta những lời êm ái vừa vuốt ve hai bàn tay của cô ta. Sau đó ông trao cho cô ta một tấm ngân phiếu mà ông ta ký ngay tại ghế ngồi, và từ giã cô nàng với vẻ mặt vồn vã và đau khổ của những cặp tình nhân ở lứa tuổi sinh viên. Ngay trong lúc đó hẳn nhiên là vị tướng lãnh nầy chỉ dán cặp mắt và tâm tư của mình vào người đẹp sắp đi đến một nơi yên ổn. Các quân nhân đang chết trong các hầm chiến đấu của họ, chỉ cách nơi nầy có vài cây số, chắc hẳn không bao giờ ngờ được rằng họ đang hy sinh để giữ an ninh cho những sự trao đổi tình cảm yêu đương vụn vặt của một vị tham mưu lớn tuổi như vầy, một vị mà tên tuổi của ông ta đã từng được nêu lên như là một Thủ Tướng tương lai của một Chánh Phủ Liên Hiệp !

Thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư

Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã bay đi Đài Loan tối nay rồi. Có những lời đồn đãi từ "đài phát thanh Catinat" quả quyết là ông ta đã "mang theo 16 tấn hàng gồm có cả một bộ sưu tầm đá quý và đồ cổ đánh cắp ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia và 4 tỷ vàng nén."
Một đại úy Dù đã tức giận nói với tôi :
- "Ông Thiệu ra đi không có một lời nói. Ông ta đã tuyên bố trên truyền hình là ông ta sẽ ở lại với chúng tôi và sẽ chiến đấu bên cạnh chúng tôi cho đến cùng. Tất cả dân chúng trong nước đều có thấy và có nghe. Và giờ đây ông ta trốn đi như một tên hèn, lợi dụng ban đêm để mọi người không trông thấy ông ta Bọn Tàu ở Đài Loan đã trải thảm đỏ để đón ông ta. Chỉ có một cách để chào đón ông ta, đó là để vào đầu ông ta một viên đạn !"

Tờ báo Pháp Le Courrier d'Extrême - Orient và báo chí Việt Nam đã cho hành động của TổngThống Giscard d'Estaing có một "tầm quan trọng rất lớn", khi ông đã nói chuyện rất lâu qua điện thoại với ông Đại sứ Pháp tại Sài Gòn . Làm như là Ba Lê đã thay thế Hoa Thạnh Đốn trong vấn đề tìm kiếm một giải pháp bằng thương thuyết cho Miền Nam Việt Nam rồi vậy .
Ông nghị sĩ Paul d'Ornano, đại diện cho người Pháp ở Việt Nam , đã đến Sài Gòn tối hôm qua bằng phi cơ. Ông đã có tuyên bố như sau :
- "Tôi rất sung sướng được trở lại với những người Pháp ở Sài Gòn , những người mà tôi thấy là đã rất trầm tĩnh và rất là xứng đáng như lúc tôi còn ở đây 3 tuần lễ trước . Tôi cũng rất lấy làm sung sướng để được nói với họ rằng Tổng Thống của nước Cộng Hòa Pháp đã có tiếp tôi ngay trước khi tôi rời khỏi Ba Lê, để bày tỏ tất cả sự ân cần của Ngài đối với cộng đồng người Pháp ở Sài Gòn mà Ngài đã biết và đánh giá cao lòng can đảm và phẩm chất...."
Nghị Sĩ Paul d'Ornano là một kỹ sư hầm mỏ, thuộc một gia đình quý phái lâu đời ở đảo Corse, đã từng phục vụ ở Đông Dương 22 năm. Là một cựu giám đốc đồn điền, ông là một người rất cứng cỏi và nhã nhặn, môt người biết rất rõ đất nước nầy.. Sự có mặt của ông ta làm yên lòng cộng đồng người Pháp ở đây, mà nếu có chuyện gì xảy ra thì họ sẽ trông cậy vào ông ta hơn là vị Đại Sứ, một người quá bận rộn với những sự theo dõi và suy nghĩ tới các giai đoạn biến chuyển chánh trị của Việt Nam
Và cũng ngay trong lúc đó, phần đông các nhà báo ngoại quốc đang dự buổi họp báo hàng tuần của sĩ quan Việt Cộng và của Bắc Việt, thành viên của Ủy Ban Kiểm Soát và Thi Hành Lệnh Ngừng Bắn đã được Hiệp Định Ba Lê ấn định. Lại thêm một chuyện rời rạc nữa, và không phải chuyện nhỏ đâu, vì cái chuyện "chấm dứt chiến tranh" nầy đã trở thành rất khó hiểu, và trên bình diện chánh trị nó là một vở kịch quá nực cười.

Kể từ tháng 3 năm 1973, 200 Việt Cộng và 500 cộng sản Bắc Việt đã đóng quân ở ngay giữa sân bay Tân sơn Nhứt, chiếm mấy dãy nhà có rào kẽm gai chung quanh, bên trong thì cộng sản tự canh gác với súng A.K.47 còn bên ngoài thì được quân cảnh Miền Nam bảo vệ. Cách doanh trại nầy chừng vài trăm thước, các phóng pháo oanh tạc cơ của Miền Nam cất cánh ầm ĩ mang bom đến đánh các đơn vị Bắc Việt trên đường tiến về thủ đô Sài Gòn
Đại tá Võ đông Giang, phát ngôn viên của Việt Cộng ngồi dưới bức ảnh cụ Hồ với chòm râu dưới cằm. Cũng giống như các cuộc họp báo trước, anh ta tố cáo những "hành động tội ác" của Tổng Thống Hoa Kỳ và của "Ngụy quyền" Sài Gòn - lời của ông ta thường xuyên bị ngắt quãng do tiếng gầm thét của các phản lực - nhưng lần nầy thì anh ta nhấn mạnh rằng chiến tranh giải phóng ngày càng tốt hơn cho "lực lượng cách mạng" .
Để kết thúc ông ta nhắc lại dai dẳng những điều kiện do "lực lượng cách mạng" đặt ra cho Chánh Phủ Sài Gòn để bắt đầu những cuộc thương lượng nghiêm chỉnh :
" - chấm dứt sự hiện diện của Hoa Kỳ
- Thành lập một tân Chánh Phủ, với tuyên ngôn "cho hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa giải quốc gia"
- Thi hành Hiệp Định Ba Lê
- Loại bỏ tất cả những người đã từng nằm trong guồng máy của Thiệu
- Từ bỏ đường lối hiếu chiến, phát xít, áp bức và đàn áp đối với nhân dân
- Hủy bỏ tất cả các luật lệ phản dân chủ. Bảo đảm tôn trọng tự do dân chủ. Trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì đã tranh đấu cho hòa bình và độc lập quốc gia."
Một phần lớn các điều kiện đó đang trên con đường được thực hiện.
Nhưng đại tá Võ đông Giang muốn nói gì khi ông ta đặt điều kiện "phải thi hành Hiệp Định Ba Lê" ? trong lúc 23 sư đoàn Bắc Việt tràn vào chiếm hai phần ba lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam ?
Và trong lúc ông vừa nói vừa đang đập bàn rầm rầm ở đây thì hàng trăm người Mỹ đang xếp hàng chạy lên chiếc phi cơ vận tải khổng lồ "Galaxie" đang chuẩn bị cất cánh.. Chuyến ra đi hấp tấp của người Mỳ nầy đang diễn ra không xa vị trí đồn trú của cộng sản bao nhiêu, nơi mà người Mỹ gọi là "Trại Davis" để kỷ niệm cho một người binh sĩ Hoa Kỳ tên Davis bị tử trận đầu tiên ở Miền Nam Việt Nam
***

Về phía Sài Gòn , tiến trình giải thể Chánh Phủ đang được xúc tiến. Chỉ còn một vài hình thức bề ngoài cần phải xem xét lại mà thôi.
Hồi 10 giờ sáng nay, chiếc xe Mercédès dài của Phủ Tổng Thống đến đậu trước cửa Thượng Viện. Tổng Thống Hương, một ông lão đáng kính, bước xuống xe, chống gậy, chậm rãi đi duyệt qua hàng binh mặc lễ phục trắng đang dàn chào Ông. Các dân biểu và nghị sĩ thuộc lưỡng viện Quốc Hội tập họp đầy đủ đang đứng chờ ông trong sảnh đường lớn của tòa nhà. Họ đến như vậy là khá đông đấy: 183 trên 219 người dân cử thuộc lưỡng viện Quốc Hội . Vì còn phải tính đến mọi sự khó khăn trong vấn đề di chuyển, nào là đường sá bị cắt đứt, nào là các tỉnh và thành phố đang bị cô lập hay đã bị cộng sản chiếm. Như vậy cho thấy là Quốc Hội rất quan tâm đến phiên họp đặc biệt quan trọng nầy. Tổng Thống Hương mở đầu phiên họp với một bản tường trình về những biến cố đã xảy ra từ khi ông lên nắm quyền.. Sau khi nói về những "khó khăn gặp phải trong các cuộc tiếp xúc" và những "áp lực liên tục mà ông phải chịu với những nhà ngoại giao ngoại quốc và với một số chánh trị gia của Miền Nam ", ông tuyên bố:
- " Tôi không muốn dấu quý vị lâu hơn nữa rằng cần phải và bắt buộc phải thương thuyết với phía bên kia. Nhưng vẫn còn có dân tộc và đất nước.Tôi không mong muốn Sài Gòn trở thành một Nam Vang thứ hai. Tôi không muốn thủ đô của chúng ta bị xóa tên trên bản đồ và cũng không muốn dân chúng của chúng ta bị bom đạn tàn sát.. Nhưng tôi muốn chứng tỏ sự kính trọng của tôi đối với đất nước cho đến cùng. Những trọng trách mà tôi đang gánh vác đây được gắn liền vơi tính cách hợp pháp của Việt Nam Cộng Hòa, của Lưỡng Viện Quốc Hội và của quý vị dân cử. Tôi thấy tôi không có quyền đơn phương từ bỏ trọng trách đó. Tôi phải trông chờ vào quyền lực của Quốc Hội vì chỉ có Quốc Hội mới có đủ tư cách để quyết định phải xúc tiến việc thương thuyết và chỉ có Quốc Hội mới có quyền chỉ định cá nhân nào mà Quốc Hội xét thấy có đủ khả năng nhất để thi hành nhiệm vụ thương thuyết nầy.. "

Và sau đó ông Hương không có nêu thẳng ra tên tuổi của ai cả, nhưng ông giải thích chi tiết rõ ràng về những sự điều đình của ông với tướng Dương văn Minh:
- "Trước hết tôi đã đề nghị trên giấy trắng mực đen với "người đó" về chức vụ Thủ Tướng Chánh Phủ với đầy đủ quyền hành. Ông ta đã từ chối. Tôi đã phải mời ông ta đến gặp tôi tại Dinh Độc Lập. Ông ta cũng lại từ chối. Với một thiện ý muốn giải quyết vấn đề, tôi bất chấp hết mọi thủ tục và mặc dầu tuổi già sức yếu, tôi đã phải chấp nhận di đến nhà một người bạn để gặp "người đó". Tôi đã đề nghị với "ông ta" chiếc ghế Phó Tổng Thống nhưng một lần nữa "người đó" chẳng những đã khước từ đề nghị của tôi mà còn nói với tôi rằng: "Phải có tất cả hay không có gì hết ", có nghĩa là "phải là Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa". Tôi có lưu ý như vậy là ông ta đòi hỏi tôi phải vi phạm Hiến Pháp, và ông ta đã trả lời rằng "Đó không phải là việc của ông ta ". Sau đó tôi đã đặt cho ông ta một câu hỏi: " Có gì bảo đảm rằng phía bên kia sẽ chấp nhận thương thuyết với ông ?". Người đó đã trả lời rất gọn : " Tôi đã nhận được từ phía bên kia đầy đủ những bảo đảm để tôi làm tròn vai trò của tôi ". Mặc dầu tôi đã có nhấn mạnh nhưng tôi không thể có thêm một giải thích nào khác về những lời nói úp mở của ông ta và tôi thú thật là tôi không tin vào những lời nói đó.Tôi sẽ không bao giờ gánh lấy trách nhiệm về việc trao quyền hành một cách bất hợp hiến , vì lẽ đó nên ngày hôm nay tôi xin quý vị hãy trao quyền hành pháp lại cho người đó bằng lá phiếu hợp pháp của lưỡng viện Quốc Hội . Đó là phương thức duy nhât vừa để cứu Sài Gòn khỏi một thảm họa vừa không làm mất thể diện của quốc gia và chế độ."

Nói xong những lời đó, ông Hương rời phòng họp và trở về Dinh. có 2 xe hộ tống mở dường qua các phố đang đông nghẹt dân chúng.
Ông Trần văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện đề nghị ngay sau đó là các trưởng nhóm thảo luận ở các tiểu ban trước khi trở lại hội nghị khoáng đai . Sự bàn thảo của các trưởng nhóm đã được nhanh chóng tổ chức.
Trưởng nhóm "Dân Tộc Xã Hội" thuận cho tướng Minh nên muốn "Tổng Thống Hương phải từ chức một cách đơn giản".
Trưởng nhóm Cộng Hòa lớn tiếng : " Chúng tôi không có một tín nhiệm nào đối với tướng Minh. Ông ta đã thường thay đổi màu áo của ông ta, và không có gì để chứng minh rằng ông ta đã có xúc tiến bàn thảo với phía bên kia. Ông ta có thể đưa ra được một chứng từ nào không ? Ai là người đã liên lạc với ông ta và người đó ở vào đẳng cấp nào ?
Trưởng nhóm "Độc Lập" vỗ bàn : "Chúng ta không thể đặt tương lai của đất nước trên những giả thuyêt suông !"
Chủ tịch Thương Viện nhắc lại một liên lạc điện thoại của ông M.Graham Martin, đại sứ Hoa Kỳ. Ông nói : "Người Mỹ đã mạnh dạn khuyên chúng ta đừng nghĩ đến Hiến Pháp. Thời giờ đã quá cấp bách rồi . Không còn phải lúc để cho chúng ta tự trói buộc vào những lý sự cùn nữa "
Tướng Trần văn Đôn đang làm việc ngoài hành lang, tâm tình nhỏ to với các nghị sĩ : "Người Pháp là những người duy nhất có thể nói chuyện với Bắc Kinh , Mạc tư Khoa, Hoa thạnh Đốn, Hà Nội và CPLTCHMN, họ ủng hộ triệt để tướng Minh. Họ đoan chắc là cộng sản chỉ muốn bàn thảo với ông ta mà thôi."
Cuộc thảo luận công khai đã diễn ra lúc 14 giờ.Và nó kéo dài cho đến 22 giờ. Các diễn giả thay phiên nhau lên diễn đàn. Các cuộc thảo luận vô vị cứ kéo dài. Họ cãi vã, xô đẩy nhau, trao đổi nhau những lời đe dọa, nhưng cuối cùng rồi họ cũng đi đến thỏa thuận cho một bản văn quyết nghị vô thưởng vô phạt không giải quyết được gì cả :
- " Quốc Hội nhìn nhận Tổng Thống Hương có đầy đủ tư cách và thẩm quyền để chọn người thay thế ông. Người nầy sẽ được ủy thác để tiến hành các cuộc thương thuyết."
Tên của tướng Minh Dương không thấy nêu lên trong bản văn của quyết nghị.

Chủ Nhật, ngày 27 tháng Tư

Vào lúc 4 giờ sáng có nhiều tràng rốc kết được nã vào Sài Gòn . Những tiếng nổ làm rung chuyễn các cửa sổ. Sau đó chừng vài phút tôi nghe thấy tiếng còi hụ của các xe cứu hỏa và xe cứu thương. Từ trên sân thượng của mình tôi nhìn thấy ánh lửa và những cột khói đen quyện vào lửa đỏ trên nền trời.Có cháy ở về hướng nhà ga Sài Gòn , một khu vực có nhiều nhà gạch và nhà cây nhỏ. Nhưng phải đợi đến hết giờ giới nghiêm mới biết được chính xác là các quả rốc kết rơi ở khu vực nào, và gây thiệt hại ra sao cho dân chúng.
Đến 7 giờ sáng tôi mới đi săn tin được. Một quả đánh trúng khách sạn Majestic, nằm ở cạnh bờ sông Sài Gòn . Quả thứ hai nổ trên lề đường gần chợ Sài Gòn. Sáu quả khác đã nổ trong khu đông dân cư nằm bên kia đường đối diện với Bộ Tư Lệnh Cành Sát. Hàng trăm lều trại, xưởng nhỏ đang bốc cháy với những tiếng nổ như pháo. Mặt đất có cả một lớp tro đen phủ lên trên nhầy nhụa vì nước của các anh cứu hỏa. Những tấm tôn cong vẹo nằm vắt vưởng lên các bức tường đổ nát, và các bàn tủ ghế chỉ còn là những que củi cháy dở dang. . Các bà đang ngồi xổm , im lặng bới đám tro tàn. Các trẻ em bất động đứng nhìn chần chầm vào mấy bà mẹ.Các anh khiêng cáng đang chuyển lên xe cứu thương ba thây người co rúm, chỉ còn khoảng nửa thân mình, ba con người mà giống như những hình nộm bị cháy đen.
Tổng kết của cuộc pháo kích và của đám cháy : chín chết và 36 bị thương, Hai ngàn người không nơi cư trú. . . .
Trong những khu khác trong thành phố, cuộc sống vẫn tiêp tục rất bình thường. Bạn hàng trong chợ vẫn bày hàng trên sạp của mình. Các tiệm buôn vẫn kéo màn mở cửa . Lưu thông vẫn tấp nập nhưng đôi khi bị nghẽn vì có đoàn xe tang năm sáu chiếc của quân đội có trang hoàng vòng hoa đang chở các binh sĩ bị tử thương từ mặt trận về.
Trong một vài quán rượu còn sót lại hay những phòng "đấm bóp" trên đường Catinat, các cô gái xinh đẹp chuyên buôn hương bán phấn đã thay đổi hoàn toàn . Họ đã búi tóc lên và không còn sơn móng tay đỏ nữa và không còn mặc cũn lẳng lơ hay quần bó sát thân mình nữa mà đã mặc lại chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam . Có tin nói là các cô đang tìm cách trữ thuốc ngừa thai dự kiến là cộng sản vào họ sẽ tịch thu hết.
Giá dồng đô la lên xuống giữa 3500 đến 4000 đồng. Các tay buôn bán ngoại tệ người Ấn đang trúng mối to với sự đầu cơ giấy 100 đô la (người cầm đầu là Ali Ismael nhìn nhận rằng đã kiếm lời trong mười năm qua được trên hai triệu đô la) 6000 người Mỹ đã rời khỏi Việt Nam , bỏ lại trên 8000 chiếc xe bừa bãi khắp nơi, tạm thời được coi như vô chủ.
***

Cũng vào ngay chúa nhật đó, lúc 12 giờ trưa, ông Chủ Tịch Thượng Viện nhận được một văn thư của Tổng Thống VNCH do mô tô mang đến trao tận tay. Đại ý:
" Theo các điều khoản của Hiến Pháp thì Quốc Hội phải ra quyết định thay thế tôi và phải chỉ định người kế vị tôi với tên họ đầy đủ. Do đó tôi đòi hỏi Quốc Hội phải nhanh chóng bày tỏ ý kiến của mình."
Vào lúc 14 giờ đài phát thanh đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ và dân biểu phải có mặt ở Quốc Hội đúng 17 giờ để dự một "phiên họp khoáng đại vì quyền lợi quốc gia"
Vào giờ ấn định, các nghị sĩ và dân biểu đến Thượng Viện cũng đông đủ như ngày hôm qua. Chủ tịch Thượng Viện thông báo với họ là trước khi mở khoáng đại hôi nghị, tướng Trần văn Đôn, xử lý thường vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng, sẽ thuyết trình về tình hình quân sự .
Tướng Đôn mặc thường phục có 3 vị tướng lãnh và một đề đốc tháp tùng: Tổng Tham mưu Trưởng, Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô,Tư Lệnh Không Quân và Tư Lệnh Hải Quân. Ông yêu cầu sự có mặt của các vị nầy để chứng thật tin tức trong bài thuyết trình của ông ta. Tướng Đôn đưa ra một hình ảnh quá đen tối:
" Mười bốn sư đoàn Bắc Việt được trang bị pháo binh thật hùng hậu đang bao vây thủ đô Sài Gòn . Biệt kích và đặc công cộng sản đang xâm nhập vòng đai. Trận chiến ờ Xuân Lộc vẫn còn đang tiếp diễn chung quanh thị xã, ờ đó các đơn vị của Chánh Phủ đang hăng say chiến đấu, nhưng họ bị phân tán và pháo binh của họ bị pháo binh cộng sản vượt trội về tầm xa. Họ pháo ta từ xa nên không bị thiệt hại gì. Không quân của ta được xử dụng liên tục ngày đêm không ngơi nghỉ trong nhiều tuần lễ nay, nên cả anh em phi công và phi cơ đều đã quá sức chịu đựng. Ngoài ra còn bị thiệt hại khá nặng do phòng không địch và hỏa tiễn địa không của họ. Căn cứ Không quân Biên Hòa dưới hỏa lực của địch đã gần như bị tê liệt. Trong vài ngày nữa, mà cũng có thể là trong vài giờ nữa không chừng, có thể sẽ đến lượt Sài Gòn phải bị tàn phá vì đạn pháo 130 ly tầm xa của Bắc Việt . Nhất định cần phải thương thuyết với họ để ngừng bắn càng sớm càng tốt..."
Một số dân biểu trẻ hung hăn chen vào la lối om sòm một cách giận dữ và mỉa mai :
"Bị bán đứng rồi ! Đồ hèn nhát, chủ bại, tướng phòng ngũ !"
Tiến sĩ Vũ quốc Thúc trưởng nhóm "Độc Lập" vừa tiến tới tướng Đôn vừa hét to lên nhiều lần :
" phản bội, đồ phản bội, anh chỉ là một tên phản bội, đáng được đem ra xử bắn ". Khi nghe chửi như thế, Tướng Đôn mặt tái mét im thin thít không nói được một tiếng nào . Các tướng lãnh đi theo ông sửng sốt về những phản ứng dữ dội của cử tọa nên cũng cúi đầu im thin thít.Chủ tịch Trần văn Lắm cố gắng trấn tĩnh mọi người nên khuyên can :
" Các anh em nên đặt câu hỏi là phải hơn, các vị tướng lãnh sẽ trả lời cho mình." Các câu hỏi được đưa lên loạn xà ngầu :
" Ông chỉ nói về hành động và sáng kiến của địch mà về phần ông ông đã có biện pháp nào chưa? Ông đã có đi lên mặt trận mấy lần rồi?"
Nghị sĩ Vũ văn Mẫu đứng lên và chẩm rải nói gằn từng tiếng :
"Ông là Tổng Trưởng Quốc Phòng phải không ? Vậy tôi lập lại câu hỏi của tôi : Ông đã có những sáng kiến và những biện pháp nào để lo phòng thủ Sài Gòn chưa ? Và để chận đứng sức tiến của địch ?
Tướng Đôn lắc đầu và trả lời lạc giọng :
"Các sự chuyển quân và các biện pháp chiến thuật đều thuộc về bí mật quân sự"

Cuộc điều trần coi như được chấm dứt. Tổng trưởng Quốc Phòng và những quân nhân tháp tùng đi ra khỏi phòng họp dưới những tiếng la ó. Cuộc tranh luận của Quốc Hội kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Còn sôi động và dữ dội hơn ngày hôm qua nữa, bị ngắt khoảng bởi các sự chửi mắng và những cuộc ấu đả ngắn . Tay chân đôi khi thay cho lời nói. Nhưng rồi lần lần sự mệt mỏi đã có tác dụng. Cuối cùng rồi những đề kháng quyết liệt nào cũng phải bị chìm xuống vì cảm giác bất lực và uể oải, vì ai cũng thấy rõ là những lời nói dù có nóng bỏng đến đâu cũng không có một chút cân lượng nào đối với những biến cố quân sự .
Lúc bấy giờ Chủ tịch Trần văn Lắm mới can thiệp vào :
"Chúng ta phải kết thúc thôi ! và phải nhìn thẳng vào sự việc. Than van cũng vô ích thôi. Chúng ta đã thua rồi. Mình phải chấp nhận sự nhục nhã nầy bằng một lời an ủi là dầu sao họ cũng cùng một dân tộc với chúng ta, vẫn còn đỡ hơn là đối với những người ngoại quốc."
Rồi sau dó ông lại nói thêm, hình như để tìm cách xóa tan những ý nghĩ ngại ngùng của chính ông vừa nói ra:
Tôi chỉ mong sao những kẻ chiến thắng hiểu rằng người Miền Nam Việt Nam cũng là những người anh em của họ... Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là giao hết quyền hành cho tướng Minh Dương. Đây là văn bản mà tôi đề nghị với quý vị :
" Quốc Hội với đầy đủ quyền tự do của chế độ, thấy rằng phải mở ngay các cuộc thương thuyết không thể tránh được . Tướng Dương văn Minh được chỉ định thay thế Tổng Thống Trần văn Hương để lãnh đạo Quốc gia, là người có nhiệm vụ phải tiến hành công tác thương thuyết nầy."

Lưỡng viện Quốc Hội đã đưa tay bỏ phiếu, chấp thuận bản quyết nghị với đa số 120 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 20 phiếu trắng. Lúc đó là 9 giờ đêm.
Vào lúc chủ tịch Thượng Viện rời phòng họp, ông Nguyễn hữu Thống, một dân biểu trẻ thuộc nhóm Cộng Hòa đã buông ra một câu đầy khinh bỉ :
" Ông Trần văn Lắm có thể rất là bằng lòng. Ông ta đáng được người Mỹ vàViệt Cộng khen thưởng!".
Cách ông ta vài bước nghị sĩ Trần trung Dung bàn cãi với cựu Tổng Trưởng Trần chánh Thành :
"Thật là khó hiểu được thái độ của người Mỹ. Họ đã áp lực ông Thiệu để ông nầy phải ra đi, viện cớ đó là biện pháp duy nhất để Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận ngân khoản viện trợ. Cuối cùng ông Thiệu phải từ chức. Tổng Thống Hương, người kế vị cho ông Thiệu lại được nghe một câu nói của đại sứ Martin ngay sau đó: "Đã quá trể rồi, Quốc Hội Hoa Kỳ không còn bỏ phiếu cho ngân khoản viện trợ nữa.Ông phải nhường ghế Tổng Thống lại cho một người khác đi, người đó phải "được phía bên kia chấp nhận". Ông già Hương đã bảo vệ Hiến Pháp đến cùng, Hiến Pháp mà chính những người làm luật của Hoa Kỳ đã tham gia tạo dựng nên.. Nhưng tới giai đoạn nầy người Mỹ thông thường là những người rất tôn trọng luật pháp, lại thấy rằng như vậy sẽ làm mất quá nhiều thì giờ. Cuối cùng, trước khi chúng ta bỏ phiếu chấp thuận trao toàn quyền cho tướng Minh , đại sứ Martin đã mời ông Hương chuẩn bị để cùng ra đi với những người Mỹ cuối cùng. Ông Hương đã thẳng thắng trả lời :
- " Tôi không đi đâu hết, Chỗ của tôi phải là ở trong nước của tôi . " Người Mỹ thật sự đã tưởng chúng mình là những người không biết đến hai chữ danh dự là gì chắc !!!!. "
Trần chánh Thành nhúng vai và nói :
"Anh sẽ thấy là họ sẽ đòi hỏi tướng Minh phải ra lệnh cho họ rời khỏi nước Việt Nam ... và họ sẽ ra đi không kèn không trống cho mà xem !. "
Một vị trưởng tòa đưa tay tắt ngọn đèn xanh đang chiếu sáng chiếc bàn hình móng ngựa ở Dinh Độc Lập. Nơi đây sẽ tổ chức buỗi lễ bàn giao quyền hành ngày mai. Tướng Minh sau đó sẽ nói chuyện với quốc dân đồng bào qua hệ thống truyền thanh và truyền hình.



No comments: