Wednesday, March 11, 2009

DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ ? (Chương XVI)

MẸ VIỆT NAM ƠI!
DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ?

(VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS?)
Tác giả: Pierre Darcourt --- Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia ấn hành, 2007
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia.html

CHƯƠNG MƯỜI SÁU


TỔNG THỐNG THIỆU TỪ CHỨC

Thứ Hai, ngày 21 tháng Tư

Sài Gòn đã bắt đầu nhúc nhích và có hành động. Tổng Thống Ford với lý do cấp bách của tình hình, đã đòi hỏi Quốc Hội phải công bố những đề nghị viện trợ quân sự cho Miền Nam Việt Nam "trước ngày 19 tháng 4". Nhưng, bất chấp hạn định do Hành Pháp yêu cầu, các nhà Lập Pháp Hoa Kỳ một lần nữa lại tiếp tục triển hoãn việc trả lời . Báo chí ở Sài Gòn đã công khai nói đến chuyện người Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam . Trong lúc mà quân đội Miền Nam Việt Nam dựa lưng vào tường để chiến đấu, và đang cần có một số lớn phương tiện để nuôi dưỡng và yểm trợ cho cuộc chiến, thì sự triển hạn bỏ phiếu của Quốc Hội được coi như một sự "phản bội" đồng minh thật sự. Người dân Việt Nam nói là "người Mỹ đang tái diễn hành động của họ ở Phnom Penh (Campuchia). trước hết là cắt viện trợ, và sau đó là sẽ rút đi "
Thành phố Sài Gòn đầy rẫy tin đồn : Hoa Thạnh Đốn đã quyết định tiến hành nhanh chóng cuộc hành quân di tản công dân của họ. Một công điện của Bộ Ngoại Giao sẽ được gởi đến cho đại sứ Graham Martin để ra lệnh cho ông ta phải thi hành sớm cuộc hành quân nầy.
Nhưng những chuyến di tản đầu tiên đã được bắt đầu vào ngày 10 tháng 4, khi hầu hết những xí nghiệp lớn của Hoa Kỳ (các hảng Hàng Không , các công ty xăng dầu, và công ty đang có những công tác lớn) đã có quyết định cho hồi hương các cán bộ và nhân viên của họ. 2000 người Mỹ và 6000 người Việt (các chuyên viên kỹ thuật và gia đình của họ) đã được đi sang Hoa Kỳ .
Trong tuần lễ từ 14 đến 20 tháng 4, các phi cơ vận tải khổng lồ thuộc cầu không vận quân sự của Ngũ Giác Đài, chuyển quân dụng thay thế cho quân đội Miền Nam (2 liên đội pháo binh, một số cao xạ phòng không và 2 tiểu đoán chiến xa ) lượt về sẽ được xử dụng để chở những người dân tỵ nạn. Các phi cơ có khả năng chuyên chở nhiều người, loại Galaxie, Starfighter và Hercules. sẽ bốc đi trong 6 ngày khoảng 20.000 người Việt Nam tỵ nạn, và 2000 người Mỹ. Nhưng cũng còn hơn 5000 người Mỹ ở Sài Gòn và Bộ Ngoại Giao ước tính có khoảng 130.000 người Việt Nam mà "tánh mạng bị cộng sản đe dọa" cần phải được di tản . Như vậy con số người phải được bốc đi củng không phải nhỏ .
Vào hồi 1 giờ trưa, tôi biết được là có một điện tín của hảng thông tấn UPI loan báo là Xuân Lộc đã bị thất thủ. Tin nầy ở đâu ra ? Tôi vẫn còn ở Xuân Lộc chỉ cách đây vài giờ, lúc đó binh sĩ còn giữ chặt vị trí của họ kia mà. . . Tin tức nầy dù sao cũng đã được tung ra khắp thành phố như một giây thuốc pháo và tinh thần của dân chúng do đó đang bị một cú sốc.
Nếu cộng sản Bắc Việt thật sự đã chiếm được Xuân Lộc thì tình thế trở nên thật là nghiêm trọng. Chiếm được một giao điểm quan trọng trên quốc lộ, và tập trung lực lượng ở một nơi chỉ cách thủ đô Sài Gòn có 50 cây số, cộng sản Bắc Việt sẽ có khả năng tiến nhanh về hướng Vũng Tàu ở phía Nam , và về hướng Biên Hòa ở phía Tây. Nếu họ chiếm được Vũng Tàu (nguyên tác :Cap Saint Jacques) thì họ sẽ cắt đứt con đường rút lui duy nhất còn lại của Sài Gòn để đi ra biển, Nếu họ chiếm được Biên Hòa , họ sẽ vô hiệu hóa được một trong hai căn cứ không quân sau cùng của Miền Nam Việt Nam và coi như thủ đô Sài Gòn bị nằm trong tầm pháo binh nặng 130 ly của họ.
Tôi cố gắng liên lạc được bằng điện thoại với đại tá Xuân ở phòng nhì. Ông ta xác nhận là - "Xuân Lộc chưa bị mất, nhưng từ 10 giờ sáng nay cộng sản Bắc Việt đã nã vào thành phố điêu tàn nầy bằng pháo binh nặng 130 ly với nhịp độ 2000 quả trong một giờ. Để tránh bị thiệt hại quá nặng về nhân mạng, binh sĩ của tướng Đảo và anh em biệt động quân đã di tản khỏi đống gạch vụn nầy để ra nằm bố trí chung quanh thành phố. Nhưng mặt trận Xuân Lộc chưa bị chọc thủng, chiến trận vẫn còn đang tiếp diễn, liên lạc vô tuyến vẫn chưa bị gián đoạn. Tất cả phi cơ đều sẵn sàng bay lên để thay phiên nhau nện các đoàn quân cộng sản đang di chuyển."
Hai ngàn quả đạn đại bác 130 ly trong một giờ ! Tôi hiểu tại sao binh sĩ phải bỏ cả hầm trú ẩn.. Cả một biển lửa ập xuống thành phố điêu tàn, đó là câu trả lời của cộng sản Bắc Việt đối với mấy trái CBU được thả xuống đêm qua. ! Và để nói rằng : Xuân Lộc còn có nghĩa là mùa xuân có lộc (hạnh phúc) hay không ?
Bắt đầu buổi trưa, tôi đi thăm bà Ngô bá Thành, một người đàn bà nhỏ con đang ở trong một biệt thự khiêm nhường ở trung tâm thủ đô, bên cạnh dãy nhà của những người Pháp và được nằm trong khu vực do tòa đại sứ Pháp bảo vệ như những tấm bảng yết thị mới được thấy dán ở ngoài. Là một mưu sĩ của "lực lượng thứ ba", bà tiếp khách thường xuyên ở ngoài vườn, nhất là những nhà báo ngoại quốc..Bà đỗ ba bằng tiến sĩ luật học (Pháp, Hoa Kỳ và Bồ đào Nha), nói được nhiều ngoại ngữ, bà là Chủ tịch "Phong Trào Phụ Nữ đòi Quyền Sống", một trong nhiều tổ chức đào tạo về công dân, về tôn giáo và về nghiệp vụ trong "Tổ hợp 36 chợ của Sài Gòn" thuộc phong trào chống tham nhũng, dự định sẽ ngồi giữa CPLTCHMN và chánh quyền Sài Gòn trong Hội Đồng Hòa Giải Quốc Gia được dự trù trong Hiệp Định Ba Lê.. Là môt địch thủ hăng say của Tổng Thống Thiệu, điều làm cho bà phải 4 lần vào khám, bà Thành hiện bị quản thúc tại gia. Báo chí Mỹ trong những tháng gần đây đã từng lên tiếng ồn ào về vấn đề "giải phóng phụ nữ" của bà, đã cho biết là bà hiện đang bị canh phòng cẩn mật.. Thế nhưng con trai của bà, một người trẻ tuổi, cao lớn, tóc để dài, là lính đào ngũ mà vẫn sống kín đáo trong nhà nhiều tháng nay mà không sợ gì cảnh sát hết. . . . Là con gái của một nhân sĩ Miền Bắc , chồng là một bác sĩ thú y dễ dãi và sống âm thầm, bà Thành là một người tranh đấu tiến bộ, quả quyết nhưng ương ngạnh. Bà nói với tôi :
- "Thiệu đã ở thế cùng rồi, Số phận của ông ta được tính từng giờ. Ông ta dựa vào người Mỹ và quân đội . Người Mỹ đã bỏ rơi ông ta, và quân đội thì đã tan rã rồi. Sĩ quan và binh sĩ đã chán ghét ông ta rồi. Có lẽ ông không biết là các binh sĩ ưu tú - biệt động quân và thủy quân lục chiến - có nhiệm vụ bảo vệ nơi chôn nhao cắt rrún của ông ta gần Phan Rang, đã nổi dậy và đã dùng chất nổ để phá tan mồ mả của gia đình ông ta rồi. Việc phá nát mộ phần của cha mẹ ông bà của ông ta là một sự chối bỏ nghiêm khắc đối với Thiệu và tất cả những gì ông hiện đang nắm giữ. Ở Việt Nam , nơi mà sự thờ cúng ông bà là nền tảng của Tôn Giáo của chúng tôi , không có một sỉ nhục to lớn và nghiêm trọng nào như sự xúc phạm như thế. Đó vừa là một sự chửi rủa, vừa là một sự khinh bỉ hoàn toàn và là một lời nguyền rủa nữa.. Còn về ông Kissinger, thì mới chiều hôm qua đây, ông đã tuyên bố một câu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa :" Hoa Kỳ chúng tôi ủng hộ một Chánh Phủ Miền Nam Việt Nam , nhưng không ủng hộ đặc biệt một cá nhân nào cả " Quá rõ rồi phải không ? Hơm nữa, những ngày sau cùng nầy, đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin và đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon đã tấn công ông Thiệu để bảo ông ta hãy rút lui đi, và nhường chỗ lại cho một toán khác có khả năng chận đứng được chiến cuộc lại "
Ông Ngô bá Thành mời khách dùng trà trong những cốc đẹp màu xanh với cử chỉ chậm chạp giống như các bà, mà không hề nói một tiếng nào. Vợ ông mặt rạng rỡ, cặp mắt sáng ngời, lại tiếp tục đánh tiếp với những luận điệu của bà:
- " Ông Thiệu bao giờ cũng chỉ biết nghĩ đến tương lai qua một cuộc chống trả cực đoan và một chiến thắng quân sự . Sự tan rã của quân đội ngay tại chiến trường đã lên án ông không chống đỡ nổi. Ông cứ khư khư tin rằng Hoa Kỳ không bao giờ bỏ rơi ông.. Ông không để ý tớí những chuyện thay đổi đã xảy ra ở bên Hoa Kỳ. Từ hai năm nay, dân chúng Hoa Kỳ đã gạch bỏ hai chữ Việt Nam rồi. Quốc Hội đã từ chối không bỏ phiếu cho mọi viện trợ quân sự và họ đã gạt hẳn ra ngoài việc cho phép tái can thiệp bằng võ lực. Ông Ford là một Tổng Thống được chỉ định chớ không phải do dân bầu, nên không có đủ phương tiện để có thể giữ lời hứa của ông Nixon được . Còn Kissinger hả ? ông ta là một con người quá thực tế nên đâu có dại gì đi khư khư bênh vực khi đã nắm chắc phần thua? "Quân đội nhân dân giải phóng" chỉ còn không đầy một tiếng đồng hồ nữa trên đường đến Sài Gòn rồi. Và Hoa Thạnh Đốn cũng dư biết là vài trăm triệu mỹ kim, vài trăm chiến xa hay đại bác thêm nữa củng đâu có cứu được nước Việt Nam của ông Thiệu ? Nhiều lắm là nó chỉ có thể kéo dài giây phút hấp hối của một kẻ sấp chết mà thôi.. . . "
Bà đưa ngón tay trỏ chỉ ngay tôi và nói với một giọng đổ lỗi :
- " Các nhà báo nước Pháp của anh - ngoại trừ các phóng viên của tờ Le Monde - đều không biết làm công việc của họ. Phải đập ông Thiệu. Phải tố cáo những tội sát nhân của ông ta, tố cáo chế độ cảnh sát trị của ông ta. Các anh phải giúp chúng tôi mở cửa các nhà tù đang nhốt 200.000 tù nhân chánh trị . Và hơn thế nữa các anh không đặt nặng tầm quan trọng và một chỗ đứng cho "lực lượng thứ ba" của chúng tôi. Lực lượng nầy có thực, các anh phải thấy rõ là nó cò một vai trò chánh trị quan trọng trong đất nước chúng tôi , trong một tương lai rất gần đây thôi. Ngay như những người cộng sản ,họ củng nhìn nhận là họ phải nghĩ đến chúng tôi .!."
- Thưa bà, các nhà báo Pháp, chưa bao giờ tỏ ra quá mềm dịu đối với Tổng ThốngThiệu đâu. Nhưng chúng tôi không có phận sự phải đề cao một phong trào chánh trị và cho phong trào nầy một tầm vóc hay một sự kết hợp mà nó vốn không có. Về vấn đề tù chánh trị , thì con số 200.000 là con số thật sự được Hà Nội, và phe đối lập của ông Thiệu thổi phồng lên. Con số 200.000 nầy đã nhiều lần được báo chí Tây Phương nhắc đi nhại lại nhưng không bao giờ được Hội Hồng Thập Tự Quốc tế củng như hầu hết các Hội Nhân Quyền quốc tế thuộc các tổ chừc Tôn Giáo hay không Tôn giáo xác nhận, dù là tất cả đều rất quan tâm đặc biệt đến vấn đề nầy trong 2 năm gần đây. Theo thống kê thì nhân số trong tất cả các nhà tù của Miền Nam Việt Nam (kể cả các người bị nhốt tạm ở các xã ấp đến những tù nhân đang bị giam giữ ở các nhà lao lớn ở Côn Sơn) đều không quá con số 36.000 người . . . "
Bà Ngô bá Thành nhảy dựng lên, giận dữ, tuông ra một tràng :
-" Thật là đê tiện, quá buồn cười, Sai ! và hoàn toàn sai bét !" Gương mặt bà thay đổi thình lình, mặt mày nhăn nhó. . .bà ho lên một tràng dài, ho và nấc lên từng cơn, rung động cả người.
Bằng một giọng đau khổ lẫn trách móc, chồng bà nói với tôi :
- " Lẽ ra ông không nên nói những điều nghịch ý với vợ tôi. Bà vợ tôi đang rất hào hứng khi nói về vấn đề chánh trị . Bà không thể chịu nổi những điều trái ngược với ý của bà ta. Bà ta giận ngay, nhanh lắm, khó chịu lắm và cơn suyễn lại kéo đến và bà ta sẽ ngộp thở. Mỗi lần như vậy là tôi phải cho bà một liều thuốc kháng sinh (nguyên tác : hydrocortisone). Bà vẫn biết đó là thuốc độc, nhưng đó là phương thuốc duy nhất. . . "
Tôi ra về mà không hỏi được bà Ngô bá Thành một câu hỏi có ích lợi nào cả. Bà ta đã nằm co ro trong cái ghế bành lớn bằng mây rồi. Trông bà có vẻ rất là yếu đuối để bảo đảm sự thay thế các tướng lãnh đang đối diện trận chiến khốc liệt với cộng sản Bắc Việt, những bộ đội đã từng sống cam khổ qua những trường huấn luyện rừng núi, nay đang sấp sửa tiến vào Sài Gòn . Và sau đó tôi bỗng thình lình sực nhớ lại cách đây 2 năm, được gọi phải ra gặp vị Chánh Án ở Toà Án tỉnh Gia Định, người đàn bà yếu đuối và bệnh hoạn nầy đã rình trước cửa Tòa Án và dùng một viên đá lớn liệng vỡ kính trước xe của ông Chánh án nầy . Sau đó bà chạy lại lôi tuột ông nầy ra khỏi xe, kéo vào lề đường và dùng cán dù đánh ông nầy một trận nhừ tử, sau đó lại còn đá ông mấy đá vào cạnh sườn làm ông nầy đo ván luôn.
***

Vào khoảng 4 giờ chiều, một tin đồn nữa được tung ra khắp thành phố Sài Gòn. Tổng Thống Thiệu đang sửa soạn từ chức. Phải chăng đây là những tiếng đồn bậy bạ, báo động một lần nữa? hay chỉ là lời đồn giỡn chơi như thường ngày để làm cho thủ đô lên cơn sốt ? Có nhiều chỉ dấu ít nhất cũng rất nghiêm trọng hơn là bình thường. Ngay như buổi sáng nay, vị nguyên thủ Quốc Gia không dự buổi lễ Thanh Minh truyền thống. Bí thư của ông đã dùng điện thoại báo cho tất cả những nhân sĩ là các buổi hẹn trong vòng 48 tiếng đồng hồ sấp tới đều được hủy bỏ. Rõ ràng là sẽ có một chuyện gì đó, quan trọng lắm sấp xảy ra.
Vào lúc 5 giờ chiều , Hội đồng Chánh Phủ họp bất thường tại Dinh Độc Lập. Nhiều người nói đây là một buỗi họp mặt để từ giã nhau.
Vào 6 giờ chiều, đài phát thanh báo cho biết là Tổng ThốngThiệu đã mời hết tất tất cả các Tổng Bộ trưởng, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, các nhân viên Tòa Thượng Thẩm và các vị dân cử thuộc lưỡng viện Quốc Hội , có mặt lúc 7 giờ tối để Tổng Thống đọc một bài diễn văn của ông, được trực tiếp truyền thanh. .
Trong ba tuần nay, chiến lược gia của các tiệm cá phê ở đường Catinat đã tiên đoán là sự từ chức của Tổng Thống Thiệu là chuyện đương nhiên rồi.
Trong những ngày đầu tháng tư, một nguồn tin đã được loan đi và báo chí cũng đã có nói lại rõ ràng là một "hội đồng tướng lãnh" của Miền Nam đã trao cho Tổng Thống Thiệu một tối hậu thơ, khuyên ông nên từ chức trong vòng 3 ngày. . . nhưng rồi có thấy chuyện gì xảy ra đâu ?
Khi nào nhịp độ tấn công của cộng sản Bắc Việt càng mạnh thì phía đối lập lại cứng rắn thêm. Cảnh sát đã phá vỡ hai mưu toan ám sát và dinh Độc Lập đã bị dội bom. Nhưng cho tới giờ nầy Tổng Thống Thiệu không thấy có một dấu hiệu gì nhượng bộ.. Càng ngày càng có nhiều nhân sĩ chánh trị hay tôn giáo đã công khai yêu cầu ông hảy ra đi, để người ta có thể đàm phán với "phía bên kia". Phần đông các đối thủ của ông dường như tin chắc rằng ông Thiệu muốn ngồi mãi ở cái ghế Tổng Thống nầy cho đến cùng. Ngày hôm kia, ông ta còn dọa giết ông Ngô khắc Tỉnh, người anh em bà con bạn dì với ông, đương kiêm Tổng trưởng Giáo dục, khi ông nầy muốn nói với ông ta về sự nghiêm trọng của tình hình trong hiện tại, làm ông ta giận dữ hét lên :
-"Anh chỉ là một thằng chủ bại bẩn thỉu. Nếu anh còn tiếp tục nói nữa, thì tôi sẽ cho anh ăn đủ 12 viên đạn của tiểu đội hành quyết ngay bây giờ "
***

Ông Dominique, người chủ tiệm ăn Valinco, chuồi cho tôi một tuy dô "hết ý"
Theo ông ta thì Tổng trưởng ngoại giao Sauvagnargues của chúng tôi đã có điện thoại cho ông Mérillon (đại sứ Pháp ở Sài Gòn) để bảo ông nầy :"Anh hãy đi gặp ông Thiệu đi, và bảo cho ông Thiệu là ông ta phải đi đi . . . "
(xin đính kèm nguyên văn lời chú thích của tác giả: Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Nouvel Observateur, ông Sauvagnargues xác nhận tin tức lạ lùng nầy :" Theo đúng chỉ thị của tôi, đại sứ Pháp đã có đến gặp ông Thiệu và nói với ông nầy rằng :"Ông phải ra đi thôi. . . ", một cách thi hành Hiệp Định Paris hết sức quái lạ. . . . . )

Trước cổng vào dinh Tổng Thống, người ta phải mất độ 30 phút để cẩn thận hướng dẫn các xe chánh thức . Vào một buổi hoàng hôn ấm áp, với bãi cỏ và các vòi nước phun lên được đèn rọi chiếu sáng, với các anh tài xế toàn đội kết trắng tinh, tất cả đều làm cho người ta liên tưởng đến một dạ hôi nào đó. Nhưng những chiếc áo dài lụa xinh xắn của Sài Gòn hoa lệ thường hay làm đẹp mắt cho các buổi tiếp tân lại không thấy góp mặt ở đây, mà chỉ thấy toàn là quân cảnh khắp nơi trong khu vực..
Vào hồi 7 giờ rưỡi, nửa giờ trước giờ giới nghiêm (thình lình được tăng lên 1 giờ), đường phố đã gần như vắng vẻ. Đằng sau các tấm rèm che phía trước tiệm buôn, các gia đình tựu họp lại quanh chiếc máy truyền thanh. Các cảnh sát cũng lẩn quẩn ở trước cửa tiệm để cùng nghe diễn văn của Tổng Thống Thiệu.
7 giờ 43 phút: Trong căn phòng lớn ở tầng dưới của Dinh Độc Lập, đứng trước bức họa tượng trưng của 18 vua Hùng, theo truyền thuyết là những vị vua dựng nước Việt Nam , Tổng ThốngThiệu bắt đầu nói. Với một giọng rắn rõi, bình tĩnh, nhưng không dấu được một sự bực tức , ông đi vào một trong những sự trình bày dài mà đó là sở trường của ông. Ông nhắc lại từng giai đoạn lớn của cuộc chiến ở Việt Nam và những giai đoạn của những cuộc thương thuyết dẫn đến sự ký kết Hiệp Định Ba Lê. Ông hết sức nhấn mạnh các lần từ chối liên tục mà ông đã phải đối đầu chống lại với Kissinger trong cuộc hòa đàm:
- từ chối không chấp nhận một "Chánh Phủ ba thành phần" mà ở các tỉnh và xã ấp củng phải có một nền hành chánh với ba thành phần.
- từ chối không chấp nhận "Đông Dương chỉ có 3 nước là Việt Nam , Campuchia và Lào", và nhấn mạnh đòi hỏi của chúng ta là phải trở lại Hiệp Định Genève 1954 với 2 nước Việt Nam, Bắc Việt và Nam Việt..
Ở điểm thứ ba, Tổng ThốngThiệu đã xác nhận rõ là:
- "Tôi nhìn nhận là tôi đã thất bại, vì tôi chỉ đạt được thỏa thuận là "sự rút quân của người Mỹ phải được đổi lấy sự rút quân của tất cả các đơn vị cộng sản Bắc Việt ra khỏi lãnh thổ Miền Nam mà họ đã lấn chiếm." Tôi đã tranh đấu suốt 4 tháng để diều khoảng nầy phải được đưa vào bản văn của Hiệp Định , một điều khoản cực kỳ quan trọng.
Cuối cùng tôi phải chịu thua dưới áp lực của người Mỹ. Họ nói :"Nếu ông không chịu ký thì Quốc Hội sẽ "chấm dứt ngay mọi viện trợ kinh tế và quân sự " . Để thuyết phục tôi phải chấp nhận bản dự thảo Hiệp Định của họ, tôi đã nhận được một sự cam kết chánh thức của Tổng Thống Nixon - một cam kết trong danh dự của một đại cường quốc, một lãnh tụ của thế giới tự do - bao gồm có 2 sự bảo đảm:
* Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng võ lực và ngay tức khắc nếu cộng sản Bắc Việt tiếp tục cuộc chiến.
* Hoa Kỳ chỉ nhìn nhận có một Chánh Phủ của nước Việt Nam : đó là Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, mà Hoa Kỳ sẽ viện trợ ồ ạt và đúng lúc, viện trợ cần thiết về kinh tế và quân sự .
Tuy nhiên, việc gì đã xảy ra ?
Khi cộng sản Bắc Việt đã chiếm căn cứ quân sự Tống lê Chân vào tháng 5 / 1973, người Mỹ không có một phản ứng nào. Dựa vào thái độ tiêu cực nầy của người Mỹ, cộng sản Bắc Việt từ đó đã không ngừng tiếp tục các cuộc tấn công của họ. Sau khi đã lấn chiếm xong các căn cứ xa xôi hẻo lánh, họ tiến chiếm đến các quận lỵ, rồi tỉnh lỵ. Nhưng rồi với thảm kịch Watergate và những ảnh hưởng chánh trị tiếp theo cuộc khủng khoảng về năng lượng trên thế giới, Hoa Kỳ tằn tiện từ từ cắt bớt viện trợ ngày nầy qua ngày khác. Trong lúc Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh thì lợi dụng được các biến cố nầy và gởi cho đồng minh Bắc Việt của họ một số lượng vũ khí chiến cụ to lớn , càng ngày càng tăng lên rất quan trọng, giúp cho các đơn vị chánh quy Bắc Việt xâm nhập không ngừng vào Miền Nam với nhiều chiến xa và chiến cụ, quân dụng tối tân.
Vì thế mà trong khoảng thời gian không đầy 2 năm mà cán cân quân sự hoàn toàn bị đảo ngược với phần thất lợi về phía chúng ta .Chỗ nào chúng ta có một sư đoàn thì cộng sản Bắc Việt có hai. Chỗ nào chúng ta có 10 chiến xa thì họ có hai chục. Quân đội chúng ta mất đi 60% khả năng tác chiến và khả năng di động.Chúng ta không có được sự yểm trợ ồ ạt của không lực nữa và hỏa lực của chúng ta ở trận địa kém hơn hỏa lực của cộng sản quá nhiều .
Hoa Kỳ vốn cam kết phải thay thế với tiêu chuẩn một đổi một các quân dụng và chiến cụ hư hỏng, nhưng kể như không có thay thế chi hết.
Tổng ThốngThiệu cố nói to lên :"Trong chiến tranh, không thể có phép lạ. Phải có bom, có đại bác, phải có đạn dược, và những phương tiện tiếp vận.
Chính vì tình trạng thua sút nầy mà tôi đến phải có quyết định chánh trị và chiến thuật lui quân, không thể làm khác hơn được như đã chứng minh."
Vừa trình bày cho thấy một số lỗi lầm và một số trường hợp "yếu hèn" của một số cấp chỉ huy liên quan đến thảm trạng quân sự trong sáu tuần lễ vừa qua, vừa nhìn nhận là ông rất tiếc là tình hình các biến cố ở Cao Nguyên diễn tiến quá nhanh, ông Thiệu chỉ rõ: chính Hoa Kỳ là kẻ phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề nầy:
- Tôi đã nói với người Mỹ là : các ông muốn tôi làm những gì mà quân đội của các ông với 300 tỷ mỹ kim, đã không làm được trong sáu năm.
- "Tôi đã nói với họ là : Các ông muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong danh dự và bây giờ các ông đòi hỏi chúng tôi phải làm những chuyện vô lý và không thể làm được. Điều hành một cuộc chiến với viện trợ quân sự bị cắt xén thì có khác nào mấy ông trao cho tôi 3 mỹ kim mỗi ngày mà bảo chúng tôi phải sống như một du khách hạng sang."
Sau đó tường trình về những cuộc nói chuyện vào cuối tháng 2 với những thành viên của Quốc Hội lúc họ sang Việt Nam nghiên cứu tình hình, Tổng Thống Thiệu tuyên bố :
- "Tôi đã nói với họ rằng câu hỏi duy nhất được đặt ra là liệu Hoa Kỳ có quyết định giữ những cam kết của mình hay không ? và lời nói của Tổng Thống Mỹ có còn chút giá trị nào hay không ? Tôi nói với họ rằng so với 300 tỷ mỹ kim mà người Mỹ đã xài ở đây thì 300 triệu mỹ kim mà họ đang tranh luận chỉ là số tiền đủ chi tiêu trong 3 ngày tác chiến mà thôi, vậy mà họ vừa trả giá với tôi trong lúc họ đòi hỏi tôi phải chận đứng được làn sóng tấn công xâm lược của cộng sản , một điều mà ngay chính họ, với sức mạnh vô địch của một đại cường quốc, Hoa Kỳ đã không có khả năng chận đứng được trong sáu năm dài chiến đấu.
Thái độ vô nhân đạo của Hoa Kỳ là thái độ của một cường quốc lớn đang trốn tránh trách nhiệm của mình."
Với một giọng giận dỗi và khích động, ông Thiệu gào to lên:
-"Không bao giờ tưởng tượng nổi là tôi có thể chứng kiến trong một thời gian nào đó tấn bi kịch của những sự trả giá bẩn thỉu đang diễn ra bên trong toà nhà Lập Pháp của Quốc Hội Hoa Kỳ . Không bao giờ tôi tưởng tượng nổi một người như Kissinger lại có thể đưa dân tộc Việt Nam mình vào một định mệnh hết sức thảm khốc như ngày hôm nay ".
Đúng 8 giờ 36 phút, sau 53 phút đọc diễn văn, Ông Thiệu loan báo là ông từ chức . Ông nói thêm :
- "Tôi nghĩ rằng sự hy sinh của tôi sẽ giúp thay đổi được tiến trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa, và giúp thay đổi được diễn tiến trên chiến trường. Nếu nó có thể mang lại hòa bình cho toàn dân, và đem lại cho quân đội và cho đất nước sự giúp đở cần thiết cho sự sống còn của họ thì đó chỉ là một sự hy sinh tối thiểu mà thôi. Đối với những người luôn luôn chỉ trích tôi cho tôi là một chướng ngại cho nền hòa bình, tôi xin họ vì tình yêu của Tổ Quốc họ hãy giúp đỡ người kế vị tôi, là Tổng Thống Trần văn Hương, để ông mang lại hòa bình cho đất nước , một việc mà tôi đã không thể làm được. Tôi hy vọng rằng hành động của Ông, căn cứ trên sự thi hành Hiệp Định Ba Lê và căn cứ trên quyền tự quyết của dân tộc, sẽ đi đến một giải pháp chánh trị trong hòa bình và ngăn chận được cộng sản Bắc Việt không tiến chiếm Sài Gòn .Kể từ giờ phút nầy, tôi xin tự đặt mình hoàn toàn dưới sự xử dụng của vị Tân Tổng Thống, của dân tộc và của quân đội . Tôi tiếp tục làm việc bên cạnh đồng bào và các chiến sĩ để bảo vệ đất nước chúng ta ."

Bây giờ là 9 giờ đêm. Đèn ở Dinh Độc Lập đã lần lượt tắt hết. Các bãi cỏ và các vòi nước cũng đã chìm trong bóng tối. Ông Thiiệu không còn là Tổng Thống nữa. Trong thời gian 8 năm, đối với Hoa Kỳ cũng như đối với tất cả những người thân của ông, Nguyễn văn Thiệu đã là một người mạnh, một đồng minh trung thực và chắc chắn, là thành lũy cuối cùng chống chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, và ngay đối với Tổng Thống Nixon, ông Thiệu là một trong những chánh trị gia khôn khéo nhất của thời đại.. Đối với kẻ thù cộng sản và những những đối thủ chống đối ông thì ông là một kẻ độc tài và một người tham nhũng tay sai của đế quốc Mỹ . Chiều nay, ông chỉ còn là một người cô đơn, chua chát và thất vọng, một người đang bất thần đứng ra đo lường sự khoa trương hão huyền về danh dự con người , đo lường những sự cam kết và sức mạnh của chánh trị . Có nhiều người sợ rằng nếu ông ta cứ giữ một thái độ hiếu chiến muốn tử thủ, thì ông có thể sẽ đưa thủ đô Sài Gòn vào một trận chiến đẫm máu và phá hoại điêu linh.




No comments: