Saturday, March 7, 2009

DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ ? (Chương I)

MẸ VIỆT NAM ƠI!
DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ?
(VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS?)
Tác giả: Pierre Darcourt --- Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia ấn hành, 2007
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia.html

Bìa bản dịch
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia_viet.jpg

Bìa bản chính
http://nhd18.esmartweb.com/mevietnam/bia_origin.jpg

LỜI GIỚI THIỆU
CỦA NHÀ XUẤT BẢN ALBATROS


Sau 30 năm đấu tranh và chinh chiến, cuộc chiến Việt Nam vừa chấm dứt: Cộng Sản Miền Bắc đã chiếm được Miền Nam Việt Nam.
Sau Pháp, Hoa Kỳ cũng đã rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam. Những người sắt máu thuộc Bộ Chánh trị của Hà Nội đã là kẻ chiến thắng.

Pierre Darcourt mở lại hồ sơ về chuyện mất Sài Gòn và Miền Nam Việt Nam. Với quyển sách nầy Anh thuật lại trận đánh cuối cùng mà anh đã sống ngày này sang ngày khác trên trận địa, và tường thuật lại rất trung thực bầu không khí của những mưu mô, những áp lực, những trò chánh trị muôn hình vạn trạng đã được gây ra để gia tăng tốc độ sụp đổ của Miền Nam .
Anh mô tả những nổi đau khổ và những sự thiếu thốn của những người tỵ nạn tìm đường chạy ra biển; sự kháng cự cuối cùng của đội quân thiện chiến của Miền Nam Việt Nam trước làn sóng xăm lăng của quân Bắc Việt ở Xuân Lộc... Trảng Bôm... Biên Hòa; sự ra đi của người Mỹ; sự xuất hiện của tướng Dương văn Minh với vai trò phù du của ông; cảnh các "bộ đội" của Miền Bắc tiến vào thủ đô Sài Gòn mà họ đổi tên lại là tthành phố Hồ chí Minh; hoàn cảnh đau thương khổ sở của dân chúng; sự xét lại vấn đề tự do của các tôn giáo; và tấn thảm kịch xót xa của những người công giáo luôn gắn bó với niềm tin của họ; và những phản ứng sau cùng của những người lính chiến không bao giờ muốn hạ súng xuống...
Qua tựa đề của quyển sách "Mẹ Việt Nam ơi, dân ta có tội tình gì?",Anh chỉ nêu lên một câu hỏi duy nhất nhưng rất là chính xác.
Ba triệu người đã chết cho một chiến thắng quân sự, một chiến thắng không giải quyết được gì cả mà nó lại còn đưa đến một thất bại về chánh trị lẫn nhân tâm. Khởi xướng và lãnh đạo một cuộc chiến 30 năm dài nói là để thống nhất đất nước, mà cuối cùng chỉ thấy một đất nước rách nát và tan thương hơn bao giờ hết !
Pierre Darcourt là một nhà báo, một phóng viên có tầm vóc, là thông tín viên liên tiếp cho nhiều tờ báo Pháp và ngoại quốc như l'Express, l'Aurore, Sud Ouest, Jiji Press v.v..
Năm nay Anh 49 tuổi (1975), chào đời tại Sài Gòn, tốt nghiệp cao đẳng Luật Khoa và Lịch Sử ở trường Đại Học Hà Nội. Với những tác phẩm nghiên cứu và phóng sự của mình, anh được xếp vào một trong những chuyên viên giỏi nhất hiện nay về những vấn đề Á Châu. Anh là Tổng thơ ký của Viện Nga- Hoa.
Là một người từng chịu trách nhiệm một toán vũ trang kháng chiến, hoạt động phía sau chiến tuyến của Nhật, anh trở thành một Biệt Kích Dù từ năm 1945 đến 1954, trốn khỏi một trại cải tạo Việt Minh, hai lần bị thương, Pierre Darcourt là một trong những nhà báo rất hiếm đã được sống từ lúc khởi đầu cho đến hồi kết cuộc của một cuộc chiến dài nhất thế kỷ', qua tất cả các giai đoạn lịch sử của nó.
Nhà xuất bản Albatros
14, đường l'Armorique - Paris 15 ème
Điện thoại : 306. 20.27

***

THAY LỜI TỰA

Vào năm 1994, nhơn dịp sang South Adelaide (Úc Châu), tôi mới có cơ hội lên tận thủ đô Canberra, để gặp lại anh Lê văn Thành, người đã từng là Tùy Viên Quân Sự của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc Châu trước 1975. Anh Thành là người bạn đồng khóa, cùng một Trung Đội, và cùng nằm chung một phòng với tôi ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (tên cũ), khóa 5 Hoàng Diệu 1950-1951. Anh đã trao cho tôi quyển "VietNam, Qu'as tu fait de tes fils" và bảo tôi phải dịch cuốn sách nầy vì theo nhận xét của anh thì "nó hay quá, Sáu Nhỏ ơi"!
Chỉ đơn giản có mấy lời tâm tình của người bạn như thế thôi, mà tôi đã say mê đọc cuốn sách này trong suốt hai tuần lễ và khi trở về đến Hoa Kỳ, tôi quyết định phải dịch ngay nó sang tiếng Việt đúng như anh bạn Thành của tôi đã mong muốn vì quả thật cuốn sách nầy đã chẳng những "quá hay" mà nó còn "quá quý" nữa.

Quá hay, vì tuy đã từng là sĩ quan tác chiến trong binh chủng Nhảy Dù của quân Đội Liên Hiệp Pháp thời 1945-1954 ở Việt Nam, nhờ đó tác giả có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm trong nhiệm vụ phóng viên chiến trường, nhưng không vì thế mà mất đi tánh cách hoàn toàn khách quan trong vai một nhân chứng lịch sử, rất sáng suốt và vô tư đối với tất cả mọi diễn biến ngoại giao, chánh trị, và quân sự của cộng sản Bắc Việt trong suốt chiều dài của cuộc chiến ở Việt Nam từ trước biến cố 1945 cho đến ngày bộ đội cộng sản Miền Bắc tràn vào thủ đô Sài Gòn trong chiến dịch Hồ chí Minh, hoàn tất kế hoạch xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ lực ngày 30/4/1975, theo lệnh của các quan thầy Liên Xô và Trung Cộng.
Quá hay, vì trong từng chương, từng trang, từng mục, từng đoạn, từng hàng của quyển sách, tác giả đã mô tả và tường thuật thật chính xác thật sống động và thật đầy đủ tất cả những gì đã xảy ra trên từng giai đoạn vận động ngoại giao, cũng như trên từng giai đoạn xâm nhập vào Miền Nam và từng bước đường hành quân xâm lược của bộ đội cộng sản Bắc Việt , theo đúng ý đồ và sách lược của Cộng Sản Quốc Tế mà cộng sản Việt Nam chỉ là một đội quân tiền phong tay sai của họ không hơn không kém..Quá hay vì tác giả đã phân tích và đánh giá rất đứng đắn và thật vô tư giá trị và tinh thần của Quân Cán Chính Miền Nam Việt Nam, trong nhiệm vụ chống cộng, tự vệ để cứu nước và giữ nước, nhất là đã theo dõi sát sao từng ngày, từng giờ mọi diễn biến trên chiến trường cũng như trên chính trường trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của tháng Tư năm 1975.
Quá hay, vì tác giả đã tận mắt thấy được, sờ được, thông cảm được, và nói lên được cho cả thế giới biết hoàn cảnh bi đát và tâm trạng thống khổ của hàng triệu người dân lành vô tội đang trốn chạy quân xâm lược, vô tình làm bia cho bộ đội chánh quy cộng sản đang cố ý tàn sát họ không nương tay bằng đủ mọi loại vũ khí tối tân của Liên Xô, Trung Cộng và khối cộng sản, bất chấp tình "đồng bào ruột thịt" mà họ thường lớn tiếng rêu rao, thẳng tay tàn sát người dân Miền Nam Việt Nam trên khắp mọi nẽo đường của đất nước, từ Đại lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị Thừa Thiên cho đến Tỉnh Lộ 7 của tử thần từ Kontum, Pleiku (Cao nguyên) đến Qui Nhơn, Nha Trang,...

Rất quý, vì đây là một tài liệu lịch sử rất chính xác và khách quan từ một ký giả ngoại quốc, mà sau nầy cộng sản Việt Nam không thể bẻ cong lịch sử được để hòng chạy khỏi tội với dân tộc Việt Nam , vì tài liệu nầy đã nói lên rõ ràng về sự kiện Cộng sản Bắc Việt đã ngang nhiên xé bỏ "Hiệp Định Ba Lê 1973 Về Ngừng Bắn Và Lập Lại Hòa Bình Ở Việt Nam" mà họ vừa ký kết chưa ráo mực, để bình tĩnh xua quân đội chánh quy của họ công khai xâm chiếm Miền Nam Việt Nam theo lệnh của Quốc Tế Đệ Tam Cộng Sản, để tàn sát dã man , không gớm tay đồng bào "ruột thịt" của mình.
Rất Quý , vì quyển sách nầy là một chứng tích lịch sử đã hùng hồn minh xác thật rõ ràng với thế giới (và nhất là đối với 13 quốc gia đã long trọng đặt bút ký vào Hiệp Định Ba Lê 1973) rằng "Chính Cộng sản Bắc Việt mới thật sự là kẻ xăm lăng. Và Miền Nam Việt Nam chỉ là một nạn nhân phải ở trong thế phải chiến đấu để tự vệ mà thôi "

Do vậy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với đồng bào Việt Nam đang tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại : quyển "Mẹ Việt Nam Ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? được chúng tôi chuyển ngữ từ quyển sách tiếng Pháp:"Việt Nam, Qu'as tu fait de tes fils" của tác giả Pierre Darcourt, để chúng ta cùng nhìn rõ được bộ mặt thật gian manh, tàn ác, và trơ trẻn của bọn cộng sản xâm lược Miền Bắc khi các mặt nạ của họ mang sáo ngữ "giải phóng đất nước", "giải phóng dân tộc" hay "chống Mỹ cứu nước" hoặc "giải phóng đồng bào "ruột thịt" của chúng ta ở Miền Nam đang sống đói khổ dưới sự bốc lột tàn tệ của Mỹ Ngụy" đều bị rơi xuống hết sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975!

Dương hiếu Nghĩa

***

CHƯƠNG MỘT

MỘT NĂM SỬU THUẬN LỢI

Một không khí yên lặng hết sức lạ lùng và kinh ngạc đang đè nặng trên cánh đồng rừng nầy của Miền Nam Việt Nam.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày thứ bảy 27 tháng giêng năm 1973, cuộc chiến dài nhất thế kỷ (từ hai mươi tám năm nay) trên nguyên tắc coi như được chấm dứt.
Tôi đã chứng kiến cuộc chiến nầy một buổi chiều tháng chạp năm 1946 trên những con đường âm u của Hà Nội, những con đường đầy âm thanh vang dội của những tiếng nổ, của những loạt súng đại liên và những tiếng reo hò của những Tự Vệ Quân (dân quân của Võ nguyên Giáp) đang tấn công vào các khu vực của người Pháp.
Cũng có thể tôi đã nghe thấy được cuộc chiến nầy chấm dứt ở một nơi nào đó cách Sài Gòn khoảng 2 giờ lái xe, lúc tôi đang ẩn náu trong một lô cốt ở Đèo Chuối, trên đường đi Dà Lạt. Tôi đã cùng uống chung một lon bia với một hạ sĩ quan thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn rất trẻ, có thể anh nầy chưa chào đời khi cuộc chiến bùng nổ.
Cái tiền đồn nơi tôi đang có mặt bị bắn phá suốt đêm bằng hỏa tiễn và súng cối. Khẩu đại liên nặng ngay trên lô cốt đã bắn suốt mấy giờ liền.. Mùi thuốc súng nồng nặc đưa lên tận cổ họng đến tôi phải bị ho. Những tiếng nổ đã làm cho tôi điếc cả tai. Đạn pháo binh yểm trợ rơi xuống chung quanh đồn với những tiếng nổ ngắn và kinh hồn làm cho mặt đất phải rung rinh. Đến sáng thì tất cả tiếng súng mới im bặt Ngoài trờI ánh nắng ửng hồng đang lên chậm chạp trong làn sương mù. Sương ướt còn đọng trên các tàng cây to và bãi cỏ. NgườI chết cuối cùng của trận chiến cuối cùng nầy đang nằm oằn oại không còn nguyên vẹn trong một hố bom, đó là thây của một đặc công Việt Cộng . Những người Thượng mang gùi trên lưng, thân đen đúa gần như trần truồng trong mãnh vải thô sơ, đang đi xuống chợ,
Cuộc chiến ở Đông Dương đã thực sự chấm dứt hay chưa ? Dù muốn đù không, trên trận tuyến mà hai bên đang đối diện nhau thì cuộc chiến dai dẳng coi như được chấm dứt mà không giải quyết được gì cả, chỉ để lại cho các chiến binh đang nằm giữ chiến tuyến của mình một hương vị chua chát của một trận chiến mà không có một chút lợi ích nào hết .
Đây là một cuộc chiến duy nhất trong lịch sử mà chưa từng thấy có một chiến thắng quyết định nào, dù rằng cả hai bên của chiến tuyến bên nào cũng không ngớt lớn tiếng rêu rao là mình đã thắng trận.
Trọng lượng số bom đạn được dùng trong cuộc tranh chấp nầy đã vượt hẳn trọng lượng số bom đạn của tất cả các cuộc chiến tranh trước đây cộng gộp lại. Cuộc chiến nầy cũng được hai bên áp dụng tất cả các hình thức kỹ thuật tác chiến từ tân tiến đến cổ điển. Và cuộc chiến nầy cũng là bãi chiến trường điện tử đầu tiên . Các hỏa tiển đầu tiên có đầu đạn được hướng dẫn đã được xử dụng trong những điều kiện thật trong tác chiến. Cho tới bây giờ người ta chưa từng thấy có một sự tập trung nào quá nhiều chìến cụ có khả năng hủy diệt trong một thế đất nhỏ hẹp như thế, và ở đó đôi khi những vũ khí thô sơ nhất lại làm cho những trang thiết bị tinh vi hơn phải thất bại.
Một bên thì có những quả bom tinh khôn (laser) tự động điều chỉnh, những hỏa tiễn với đầu đạn biết tìm kiếm mục tiêu và những phi cơ vận tải khổng lồ.... Còn bên kia thì có từ những "bẫy cọp" bằng tre vót nhọn và những dòng người khuân vác đẩy xe thồ, những thùng quân vật dụng thả trôi theo dòng nước từ thượng nguồn và được vớt lên ở các lưới thép căng ở hạ lưu cách đó cả 50 cây số ngàn .... đến những đoàn xe vận tải nặng Molotova, những xe tăng lội nước, và những trạm "tên lửa" dấu kín rãi rác trong rừng bụi. Những cuộc tàn sát được bình tĩnh chọn lựa trước và được lạnh lùng lên chương trình trong máy điện toán... và những vụ giết người bằng mã tấu kèm theo hành động cắt xẻo tay chân hết sức ghê rợn ... nói chung.
Cuộc chiến nầy cũng có đủ mọi hình thức kỹ thuật về mặt hạn chế tầm sát hại của vũ khí, và những hạn chế nầy có thể còn gây ra nhiều mất mát về chiến cụ và nhân mạng hơn nữa không chừng. Cuộc tranh chấp nầy được phát triển ra vừa như một cuộc nội chiến vừa là một cuộc đối đầu quốc tế, ở đó các siêu cường có chỗ để thí nghiệm các loại vũ khí và chiến cụ tối tân nhất cũng như những chiến thuật chiến lược tân tiến nhất của mình.
Tuyên Truyền và Thông Tin đã giữ một vai trò quyết định. Qua truyền hình, chiến sự đã đến được khắp nơi trên thế giới; những hình ảnh đẫm máu và rất bi thảm của cuộc chiến được chiếu đến tận những nơi yên tĩnh nhất và được bảo vệ chặt chẽ nhất, đã làm rung động cả nước Mỹ, chia rẽ dư luận Mỹ, gây sự chống đối trong giới báo chí, đã gây ra nhiều cuộc biểu tình phản chiến, chống đối đến man rợ, và gây ra một ý niệm xấu cho tất cả các nước văn minh nhất trên thế giới.
Hoa Kỳ đã nhảy vào cuộc chiến mà không có một lời tuyên chiến trước và đã tung ra một lực lượng quân sự khá quan trọng . Đùng một cái, trong lúc các phi hành gia của họ đang tản bộ trên cung trăng, họ mới khám phá ra là đã từ lâu họ bị rơi vào một cái bẫy mã tấu và đang bị sa lầy, nên họ quyết định bằng mọi giá phải cố gắng thoát ra khỏi vũng sình mà không bị mất uy tín.
Vào năm 1969, trong đợt rút quân đầu tiên, môt anh lính còn trẻ thuộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã mỉa mai cao giọng đề nghị một cách vô liêm sỉ :
" Tại sao chúng ta không tuyên bố một cách giản dị là chúng ta đã thắng trận rồi, và nước Việt Nam đã hoàn toàn được bình định xong, nên chúng ta đi về nhà !"
Việc đã xảy ra sau đó đã cho thấy chú lính thủy nầy đã nói một câu gần như tiên tri, bởi vì phần chánh yếu đã được làm y như thế.
Cuộc chiến ở Đông Dương là cuộc chiến đầu tiên mà các trực thăng đã có một vai trò quyết định trong tác chiến. Vào một lúc nào đó người ta đã tung ra đến 5000 chiếc trực thăng trên không phận Miền Nam Việt Nam, đưa lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ lên hàng thứ ba của Không Lực thế giới, sau Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Liên Xô.

Trong thời gian tám năm rưỡi tham chiến của Hoa Kỳ, cộng sản Việt Nam đã tung ra hai cuộc tấn công lớn mà họ tin tưởng đây là những trận chiến có tính cách quyết định. Đó là cuộc "tổng công kích Tết Mậu Thân (1968) và cuộc xăm lăng chớp nhoáng mùa xuân 1972.
Lực lượng Hoa Kỳ và QLVNCH đã khởi xướng hai cuộc phản công: tấn công qua biên giới Cam Bốt và hành quân qua lãnh thổ Lào.
Từng được coi là người đã chiến thắng trong trận chiến Điện biên Phủ, tướng Võ nguyên Giáp cũng chỉ gặt được sự thất bại hoàn toàn trong cả 3 lãnh vực mà ông ta cố gắng muốn thực hiện. Đó là : sự nổi dậy ở dân chúng của các đô thị ở Miền Nam, chiến tranh du kích, và chiến tranh quy ước.
Nhưng vớI hành động vừa dấu kín số tử thương, vừa rút nhanh đám tàn quân về để kín đào bổ sung cho các đơn vị trong các khu rừng rậm trên đất Lào và trên dãy Trường Sơn, ông ta đã khôn khéo làm cho địch quân tưởng rằng quân cộng sàn đã thắng trận.
Cả Hoa Kỳ và VNCH chỉ thu lượm có 50% chiến thắng: vì bị giới hạn trong không gian và thời gian nên các cuộc hành quân không được phép thọc sâu hay mở rộng đúng mức để khai thác tối đa các thành quả chiến thắng được .
Về phía Hoa Kỳ, trong suốt chiều dài của cuộc chiến người binh sĩ của họ chưa bao giờ được thông báo đúng mức mọi sự kiện dù là nhỏ nhất, nhưng lại thường được thông báo hết sức sai lạc về những lý do thật sự của cuộc chiến.
Trái lại, về phía cộng sản, chưa bao giờ cán binh của họ lại không được giải thích cặn kẻ lý do của cuộc chiến hay được thông báo sai lạc về mọi diễn tiến đã xảy ra.
Khi rút quân, người Mỹ vẫn đinh ninh rằng họ đã làm tròn lời cam kết "trong danh dự". Họ đã phải chi ra hơn hai trăm tỷ mỹ kim cho cuộc chiến và mất đi 58.000 người tử trận (gồm cả khoảng 10.000 chết vì tai nạn linh tinh, từ tai nạn lưu thông đến bất cẩn trong việc xử dụng súng đạn)
Cộng sản Bắc Việt đã tàn phá hết đất nước Việt Nam của họ, đâu đâu cũng thấy nhà tan cửa nát, và họ đã mất đi trên 1 triệu người chết, mà không đạt được mục tiêu mà họ đã đề ra. Những cán binh (Việt Cộng) mà họ gài vào Miền Nam chỉ sống lẩn lút trong rừng thiêng nước độc hay trong bưng biền sình lầy, sống xa quần chúng.
Quân dân Miền Nam chiến đấu để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của họ. Họ nhìn thấy đất nước của họ bị phân chia, và Chánh Phủ của họ được thành lập qua các cuộc bầu cử có sự kiểm soát từ bên ngoài. Họ giữ vững những thành phố hùng mạnh và thịnh vượng, kiểm soát 85% dân chúng, nhưng họ có một tổng kết cũng nặng lắm: 600.000 quân và dân chết trận, và 1 triệu ngườI tỵ nạn chánh trị . Và thật sự không thấy giải quyết được gì hết.
Những ai trong chúng ta người nào đã từng bị "dính líu" vào cuộc chiến nầy ngay từ đầu cho đến khi tàn cuộc thì sẽ giữ mãi những ấn tượng sâu sắc về những hình ảnh đau thưong khủng khiếp mà họ không bao giờ quên :
- Hình ảnh lúc khui những mồ chôn tập thể ở Hué, sau những cuộc tàn sát ghê rợn hồi Tết Mậu Thân (1968);
- Quang cảnh những đường sá hoang vắng dưới lằn lửa đạn;
- Những tù binh cộng sản nhớn nhác và đang bị đánh bom mặt mủi và đầu óc như nổ tung ra..;
- Những phi công Mỹ ngơ ngác tay đưa lên trời bị đưa đi diễu hành quanh thành phố Hà Nội dưới ánh đèn chớp của các phóng viên báo chí, mắt cụp xuống dưới những tiếng hò reo và những nắm tay giận dữ của quần chúng ;
- Những xác chết của Việt Cộng sình lên to tướng vì bị liên thanh điện bắn hạ như những con mồi của thợ săn, nhưng là con người;
- Những cơn địa chấn tàn phá có tánh cách hủy diệt của các pháo đài bay B.52, những cái nhìn sợ hãi, ngạc nhiên và không thể chịu nổi của những trẻ mồ côi....

Những thị trấn xa xôi hẻo lánh như Pleime, Dak To, Khe Sanh, AnLộc... từng bị bỏ quên trong những cánh rừng đèo heo hút gió nhất, ở giữa những rừng tre hay vườn cao su bạt ngàn, nằm chơi vơi giữa các ngọn đồi đất đỏ hoang vu... đột nhiên đã trở thành nổi tiếng trong một đêm nào đó, và rồi giờ đây lại bị chìm trong quên lãng trong thời điểm mà tất cả hình như đang đến hồi kết thúc.
Đã có rất nhiều kỷ niệm và luận cứ hiện ra trong trí tôi. Tôi thực sự đã sống với quá nhiều biến cố, với khá nhiều trận chiến hay bị vây hãm, từng đi theo quá nhiều võng cáng trên mảnh đất đầy tang chế và đầy rẫy thây ma nầy. Có lẻ tôi phải viết khoảng 20 quyển sách để giải thích những gì tôi đã chứng kiến và đã tìm hiểu. Tôi có thể nói về người Nhật (tôi đã chiến đấu chống Nhật), về các trận chiến ở Hà Nội, Lạng Sơn, hay ở Huế, về những phụ nữ người Pháp bị hãm hiếp, bị nhục hình hay bị chế dầu và thiêu sống trên vỉa hè của cư xá Jauréguiberry ..... Để làm gì ? Tât cả đều đã thuộc về dĩ vãng xa xôi quá rồi. Trong lúc đang có nhiều người chết và nhiều tấn thảm kịch rất gần đây...
Tôi nghĩ đến 3 người bạn của tôi, ba người chuyên viên quay phim:
- Larry Burrows, một người Anh trầm tĩnh đến lạnh lùng, thẳng tánh và gan lì, thích chạy như bay đến trước các trái bom rồi nằm ngửa ra để được nhìn thấy nó rơi xuống và chụp ảnh khi bom nổ.
- Huer, một người Pháp không bao giờ biết mệt mỏi là gì, bình tĩnh và bướng bỉnh, từng được giải thưởng Capa.
- Shimamoto, một người Nhật, mềm dẻo nhưng gân guốc, đa nghi và tự hào như một võ sĩ đạo.
Chiếc trực thăng chở họ bị đâm vào núi, cháy ở vài trăm thước cách cánh quân mà tôi đang đi theo, trên đất Lào. Không có một ai đến tìm được họ và xác họ được chôn vùi trong chiếc quan tài bằng sắt bẹp dúm dưới cành lá sum sê của cánh rừng bát ngát thích ăn thịt ngườI !.
Tôi nghĩ tới cuộc bắn giết ở Mỹ Lai với những bức ảnh ghê rợn của nó : 40 phụ nữ và trẻ em bị hành quyết, thân xác đầy vết đạn nằm ngổn ngang chết chung với nhau. Hoa Kỳ đã cho thụ lý hồ sơ và truy tố ra tòa án binh trung úy Calley, một sĩ quan xấu xí tráng vồ và ngoan cố.
Nhưng có ai bị khởi tố về một vụ tàn sát tập thể cả một làng người Thượng ở Dakson đâu ? Tôi đã đi xuyên qua làng nầy, một tiểu đoàn Việt Cộng đã tàn sát và tàn phá cả một ngôi làng bởi vì dân chúng trong làng nầy không ai chịu theo cộng sản, chân tôi bước đi qua những đống tro tàn còn ấm , ngập đến tận mắt cá , tro của các nhà tranh mà cộng sản đã đốt sạch bằng súng phun lửa của họ. 250 thi hài của đồng bào Thượng nằm rải rác khắp mọi nơi trên mặt đất, còn âm ỉ cháy nóng, trong đó có 103 trẻ em.
Thật là một cảnh tượng ghê rợn, tàn ác, không thể chịu nổi, cảnh các tử thi sình lên rồi bị nướng phồng lên dưới ánh nắng mặt trời, tương tự như những con heo quay có đầu người .
Có những ai trong chúng ta lúc có mặt ở quanh vĩ tuyến 17 vào mùa xuân năm 1972, mà có thể loại bỏ được khỏi trí nhớ những hình ảnh của cơn ác mộng trên con lộ Quảng Trị ? Pháo binh của Cộng sản Bắc Việt đã tập trung hỏa lực vào hàng hàng lớp lớp người dân tỵ nạn đang chạy loạn về Hué : những trái đạn đã cày lên đám đông dân chúng kinh hoàng rất có phương pháp, đánh nát và lật qua lật lại các sọ người và các thi thể đàn bà và trẻ con, như các cục đất vậy. Đã có đến 20.000 người chết trên một khoảng đường tráng nhựa chỉ dài có 40 cây số ngàn : Mặt đuờng không còn màu đen của nhựa nữa mà được trét lên một lớp máu đỏ đã đen sạm vì máu đã khô lại.... (chú thích của người dịch: đó là đoạn Quốc Lộ 1 được mang tên là :Đại lộ kinh hoàng)
Từ Đèo Chuối, tôi đi lần xuống một làng lớn ở Gia Kiệm. Ở đây dân tỵ nạn người Bắc đang rong chơi ngoài đường. Trong một quán cà phê nhỏ, ngồi bên tô phở nóng, những người thợ rừng đang vừa ăn vừa nghe xướng ngôn viên của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ca tụng sự "ngừng bắn" với một niềm vui lây của một bình luận gia trận đấu bóng chày.
Tại Tân sơn Nhứt, các phi công trực thăng và phi cơ săn giặc Phantoms trong bộ đồ bay kỵ lửa, vứt cao các mũ lên trời, vui vẻ vỗ lưng nhau, chuyền tay nhau một chai cognac và cứ thế uống cạn hết chai vừa cười vừa hét vang : "hết rồi, anh em ơi ! chúng ta sẽ được về nhà rồi "
Ngay tại Sài Gòn khi đồng hồ vừa gõ 8 tiếng, tất cả moi hoạt động đều ngừng lại, lưu thông dừng hẳn lại, mọi người đứng yên lặng trong khi các binh sĩ đứng nghiêm, Miền Nam Việt Nam dành một phút mặc niệm cho một số lớn chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến cuộc. Sau phút mặc niệm, các chuông nhà thờ đổ liên hồi trên khắp thủ đô Miền Nam Việt Nam . Cùng một lúc đó có tiếng vọng xa xăm của sự biểu lộ ồn ào nầy, các thành phố lớn của Hoa Kỳ cũng đã sống trong những phát súng mừng ròn rã, và theo một bản tin của thông tấn xã Tass thì Hà Nội mừng rở treo cờ trong một bầu không khí hoan lạc. Và Tổng Thống Nixon trong một thông điệp gởi cho quốc dân đã mở đầu bằng những chữ nói lên dư luận chung của tất cả mọi người có thiện chí : Một kỷ nguyên hòa bình mới đang bắt đầu cho nhân loại "
Một người thợ rừng bước đến gần chiếc máy truyền thanh, đặt trên một cái kệ, vừa đưa tay vặn tắt chiếc máy vừa lầm bầm khó chịu :
" Ông Nixon cứ đến đây rồi hẳn nói !, Con đường từ Sài Gòn lên đây đã bị cắt đứt gần ba chục cây số, và có trên mười xe vận tải đã bị giật mìn. "
Tôi phải chờ 48 tiếng đồng hồ mới về đến được thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Việt Nam . Quốc lộ đã được mở lại sau nhiều trận đánh nhau ác liệt, dọc theo đường còn rải rác tử thi và xác xe cháy mà xe ủi đang dọn dẹp.
Ở Sài Gòn hàng trăm phụ nữ trầm lặng và nghiêm trang tay bưng lễ vật như một đám rước đi vào chùa Vĩnh Nghiêm đầy hoa và cờ xí ở ngay trung tâm thành phố. Trong nhà thờ Chánh Tòa tường gạch đỏ thẳm, hàng ngàn tín đồ công giáo chen chúc nhau quỳ dự thánh lễ lớn.
Các Phật tử và tín đồ Công giáo theo lời kêu gọi của các Sư và các Cha sở của mình, đã tổ chức một ngày cầu nguyện cho hòa bình, mà theo bản văn của lời kêu gọi là một "nền hòa bình không phải của Nga Sô Viết, cũng không phải của Trung Cộng hay của Hoa Kỳ mà là một nền hòa bình của Việt Nam. một nền hòa bình cho những người tự do, công bằng và trong tình anh em, hòa giải giữa dân tộc với nhau, vừa tìm lại được trên đất nước của minh "

Trước thềm năm mới (âm lịch), một năm Sửu thuận lợi, đó là một lời chúc tốt đẹp nhất.... Nhưng than ôi, những lời chúc tụng luôn luôn không bao giờ được thỏa mãn. Các trận đánh xảy ra gần như khắp mọI nơi. Tại Tây Ninh, thánh địa của đạo Cao Đài, sau 30 giờ tấn kích,một trung đoàn quân Bắc Việt đã rút lui để lại 300 xác chết ở vùng ngoại ô của thị xã. Tại Sa Huỳnh, một hải cảng đánh cá nhỏ dưới chân dãy Trường Sơn, có sự đụng độ ác liệt của hai sư đoàn Miền Nam Việt Nam; tại Đồng bằng sông Cửu Long, ở ven Đồng Tháp Mười và ở rừng U minh; trên Cao Nguyên Trung Phần, chung quanh đồn Ben Het của Biệt động quân ;
Ba trăm ba mươi bốn (334) trận tấn công của cộng sản vào lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam được ghi nhận ngay trong 2 ngày sau khi Hiệp Định Ngừng Bắn Paris ngày 27/1/ 1973 được chính thức công bố....
Nền hòa bình ở Việt Nam vẫn chỉ còn là một ảo vọng!



No comments: