Wednesday, March 4, 2009

CUNG ĐÌNH CỘNG SẢN HÀ NỘI (3)

Cung đình Cộng sản Hà Nội từ 1991 đến 2008 [3]
Bùi Tín
Đăng ngày 09/05/2008 lúc 11:01:50 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2794

V. Cuộc đấu tranh vạch mặt hoạt động tệ hại của Phủ Chúa


Cần nói thật rằng cuộc đấu tranh vạch mặt phản dân hại nước của Phủ Chúa, tay sai bành trướng Bắc Kinh chưa được mạnh. Cuộc đấu tranh ấy còn quá yếu.
Trước hết vì chúng hoạt động lén lút, không hợp pháp. Chúng có mà không, không mà có. Nên có khi chúng bị người dân gọi là MA, ghép 2 chữ M (Mười) và A (Anh). Nhân dân lại quen bị bưng bít lâu ngày; nỗi sợ cường quyền tuy có giảm vẫn còn dai dẳng. Thế nhưng sự chống đối vẫn tồn tại. Thà có còn hơn không có.

1- Bức thư của ông đại tướng bị chơi xấu


Bức thư dài 7 trang của tướng Võ Nguyên Giáp đầu năm 2004 đã được nhiều người biết. Đây là phản ứng có phần chậm với cú chơi xấu trước đó của tướng Lê Đức Anh. Từ hồi Đại hội VII (1991), tướng Anh đã dùng nhân vật Sáu Sứ cùng nhân vật Năm Châu từ trong Nam ra Hà Nội tiếp xúc với tướng Giáp và một số nhân vật thân cận, mật ghi trong 16 băng ghi âm nhằm kết tội tướng Giáp về hoạt động chia rẽ và lật đổ. Sau đó, như trên đã nói, tướng Anh dùng Đặng Đình Loan đi các địa phương kể lể về 7 tội của tướng Giáp. Tướng Giáp cố nén tức giận, chờ đến ngày 3-1-2004 mới lên tiếng qua bức thư gửi Bộ chính trị, công khai gửi rộng rãi cho báo chí trong nước. Mục đích chính của tướng Giáp chỉ là thanh minh cho cá nhân mình, nhằm bảo vệ danh dự và uy tín cá nhân, nhưng qua đó nhiều vấn đề cực kỳ nghiêm trọng được phơi bày, như việc thành lập sai nguyên tắc và sự lộng hành của Tổng cục 2, vụ án Sáu Sứ và Năm Châu. Tướng Giáp chọn thời điểm này vì hơn 100 ngày nữa sẽ kỷ niệm trọng thể 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2004), tiếng tăm cá nhân tướng Giáp sẽ được đánh bóng và đề cao, trong khi tướng Anh đã mất chức ''cố vấn trung ương'' từ tháng 12- 1998, không còn vai vế nào trong cơ chế.
Một loạt tướng tá lên tiếng ủng hộ tướng Giáp, lên án tướng Anh, trước hết là thượng tướng Nam Khánh, từng là phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, phụ trách công tác giáo dục chính trị cho Quân đội. Rồi đại tướng Chu Huy Mân, đại tướng Nguyễn Quyết, các thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Lê Ngọc Hiền, Phùng Thế Tài, các trung tướng Lê Tự Đồng, Phạm Hồng Sơn, Đặng Vũ Hiệp, cho đến tướng anh hùng ngành công an Nguyễn Tài đều cất tiếng hoà theo đòi hỏi của tướng Giáp, vạch mặt sự lừa dối phạm pháp của Lê Đức Anh, còn yêu cầu đưa ra xét xử theo pháp luật. Sau Đại hội X, cuộc họp Trung ương ra quyết định lập một Ban kiểm tra liên ngành gồm có đại diện bộ chính trị, ban kiểm tra trung ương, ban bảo vệ đảng trung ương, bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao. [8]

2- Ai cứu nguy cho Phủ Chúa ?

Ban kiểm tra liên ngành do bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh cầm đầu trình ra bộ chính trị dự thảo báo cáo điều tra về những tố cáo của tướng Giáp và một số tướng trên đây. Bức thư của cụ Phạm Văn Xô gần trăm tuổi, - sáng lập viên đảng CS Đông dương duy nhất còn sống, am hiểu rõ về Lê Đức Anh, từ Sài Gòn gửi ra là thêm một bằng chứng hiển nhiên về tội lỗi của Lê Đức Anh. Nếu bản báo cáo điều tra này được đưa ra trước ban chấp hành trung ương khoá X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết thì sẽ cực kỳ tai hại cho đương sự, còn tai hại về nhiều mặt cho đảng.
Theo tiết lộ từ Văn phòng trung ương đảng, chính tổng bí thư Nông Đức Mạnh là người đầu tiên có ý kiến đề xuất là ''khoanh vấn đề này trong phạm vi bộ chính trị'', ém nhẹm Bản báo cáo của Ban kiểm tra liên ngành, chỉ báo cáo tóm tắt cho các vị trung ương là:
- đương sự, đồng chí Lê Đức Anh, quả là có một số khuyết điểm khi khai lý lịch của mình, nay đã bổ cứu cho chính xác;
- những vấn đề ấy thuộc về lịch sử, từ 1945 đến nay đồng chí Anh đã hoàn thành xuất sắc mọi chức vụ cao trong quân đội và nhà nước và nay đã về hưu;
- việc chấn chỉnh Tổng cục 2 và cả bộ máy tình báo-an ninh-phản gián-bảo vệ nội bộ đang được thực hiện và sẽ báo cáo với trung ương.
Trong đảng CS, nhiều người biết rằng ông Mạnh trở thành nhân vật số 1 không phải do khả năng lãnh đạo, sự hiểu biết, tài nói viết và suy nghĩ. Ông lên cao hoàn toàn dựa vào cái may của hoàn cảnh. Chính ông Mười và ông Anh trong Đại hội IX (2001) đã đưa ông Mạnh lên tổng bí thư sau khi cân nhắc với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Phú Trọng, Phan Diễn, Nguyễn Mạnh Cầm. Lúc ấy nhiều người nghĩ rằng ông Mạnh chỉ là nhân vật đệm, một nửa nhiệm kỳ hay cùng lắm là một nhiệm kỳ. Đến Đại hội X (tháng 4-2006) ông Mạnh đã mê say cái ghế của mình, vừa lúc Phủ Chúa lâm nguy cần một người thân tín bên Cung Vua. Ông Mười và ông Anh qua các nhân vật thân tín trong bộ chính trị và trung ương liền vận động để giữ ông Mạnh thêm một thời gian, mặc dù lúc ấy ông Mạnh đã 64 tuổi, nghĩa là quá mức tuổi qui định là dưới 60 tuổi để vào bộ chính trị. Qua Đại hội X, ông Mạnh không thể quên cái ơn tác thành của Phủ Chúa đối với mình. Thế là ông Mười và ông Anh khỏi lo khi cả 4 nhân vật trong bộ chính trị gần gũi nhất với hai ông là các ông Trần Đức Lương, Phạm Văn Trà, Trần Đình Lương và Nguyễn Khoa Điềm đều phải về hưu cùng một lúc. Việc tranh thủ được ông Mạnh đứng hẳn về phía mình là rất có lợi cho Phủ Chúa, vì có gì hơn là được nhân vật số 1 thông báo thường xuyên kịp thời mọi tình hình nội bộ cơ mật nhất.

3- Bão nổi từ Hoàng Sa và Trường Sa

Từ cuối năm 2007, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trở thành đề tài nóng trong quan hệ Việt Trung, trong khu vực Đông Nam Á. Theo mưu đồ được chuẩn bị có bài bản, Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền trên vùng biển và các quần đảo ở phía Nam, nơi có tiềm lực dầu mỏ và khí đốt ngày càng được xác định là dồi dào, nơi có hành lang vận chuyển trên biển nhộn nhịp vào loại nhất thế giới, nơi Trung Quốc có thể bành trướng rộng xuống vùng xích đạo nhằm khống chế toàn vùng Đông Nam Á.
Từ việc xây dựng sân bay, lô cốt, pháo đài, dàn khoan, doanh trại, trạm đo thời tiết trên các đảo họ cưỡng chiếm từ năm 1974 và 1988 trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tháng 11-2007 hải quân Trung Quốc mở cuộc tâp trận khá lớn có bắn đạn thật. Tháng 1-2008, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra quyết định thành lập thị trấn Tam Sa để cai quản vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một kiểu khẳng định ngang ngược rằng toàn bộ vùng ''Nam Hải'' là thuộc trọn chủ quyền của họ, mặc dầu Bắc Kinh hứa hẹn giữ nguyên trạng để các nước có tranh chấp sẽ cùng nhau giải quyết bằng con đường thương lượng. Tin rước đuốc 0lympic 2008 sẽ đi qua Trường Sa và Hoàng Sa là thêm một khiêu khích trắng trợn của thế lực bành trướng ngang ngược.
Nhóm lãnh đạo Việt Nam chí cốt với Bắc Kinh, nhất là hai nhân vật trong Phủ Chúa và ông tổng bí thư giật mình. Họ hiểu rằng vấn đề chủ quyền quốc gia và danh dự dân tộc là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm với nhân dân ta, nhất là quân đội, cựu chiến binh, tuổi trẻ, trí thức, văn nghệ sĩ. Trước đó, những cuộc đụng độ của tàu chiến, tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc bắn vào thuyền đánh cá Việt Nam thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh... đã gây phẫn nộ trong nhân dân ta.
Từ nay, vấn đề chú quyền quốc gia trên lãnh thổ và vùng biển, hải đảo luôn là vấn đề mang tính bùng nổ giữa hai nước vừa anh em, vừa thù địch trong quá khứ, cũng đồng thời mang tính chất căng thẳng và bùng nổ giữa nhân dân và lãnh đạo, trong khi thái độ kiêu ngạo nước lớn của Bắc Kinh sẽ có thể châm ngòi bất cứ lúc nào. Bắc Kinh luôn chủ quan vì đã tạo nên một nhóm tự nguyện phục vụ đắc lực bản chất bành trướng của chúng, Bắc Kinh cũng chủ quan cho rằng chúng đã giúp cho chế độ độc đảng ở Hà Nội một bộ máy an ninh - gián điệp - cảnh sát, đàn áp rất hung hãn và thâm độc, chúng không tính đến tình trạng tức nước vỡ bờ khi quần chúng đói nghèo bị chà đạp nặng nề.

Bão táp phẫn nộ dân tộc về chủ quyền quốc gia đã có những tín hiệu báo động. Tháng 12 - 2007 và tháng 01 - 2008 đã có những cuộc biểu tình tự phát của tuổi trẻ, nhà báo, cựu chiến binh, văn nghệ sĩ trước sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc. Nhà báo lão thành Tương Lai viết bài trên báo Đại đoàn kết chất vấn nhà nước về hành động ngăn chặn biểu tình ôn hoà của công dân; lần đầu tiên, trong cuộc họp của trung ương Mặt trận Tổ quốc, nhiều tiếng nói cất lên chất vấn về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa một cách khá gay gắt dù cho vấn đề này không có trong chương trình. Rồi nhà báo điện tử VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn bị mất chức Tổng biên tập chỉ vì dám đưa lên mạng một bài bình luận tâm huyết về chủ quyền quốc gia, có tít:
''Sức mạnh đồng thuận Việt Nam, nhìn từ Hoàng Sa và Trường Sa''.
Một chủ đề gai góc đang hình thành trong nhận thức của xã hội Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, đổi mới và hội nhập, đó là: một chính quyền ngăn cấm việc tự do thông tin về vấn đề hệ trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, một chính quyền coi những hành động yêu nước là phạm pháp và đàn áp người yêu nước là chính quyền gì, thuộc loại gì?

4- Những kiêu binh hiện đại

Trong chế độ độc đảng phản dân chủ ngự trị bằng đe doạ và lừa dối, bộ máy cảnh sát là thế lực thống trị. Cảnh sát giao thông, công an phường, xã, công an hộ khẩu thời trước, công an văn hoá ngày nay, tha hồ vùng vẫy o ép, quấy rầy, úc hiếp người dân. Bộ máy đàn áp đặc biệt mẫn cán trong đàn áp các chiến sĩ dân chủ, dùng cả những thủ đoạn bẩn thỉu hèn hạ nhất như vu cáo, bỏ thuốc phiện, ma tuý, lựu đạn, súng vào vườn, vào hành lý, còn bắt luật sư tỉnh táo vào bệnh viện tâm thần. Chính chúng chế diễu khẩu hiệu ''công an là bạn dân'', ''yêu dân'',''quý dân'', xử sự như bọn mafia hiện đại, như lũ kiêu binh thời trước, bất chấp luật pháp và đạo đức. Chúng coi dân như cỏ rác, có khi như chó mèo, để cho ăn được ăn, cho uống được uống, lôi quẳng lên xe rồi tống xuống nửa đêm giữa đường vắng.[9]
Bọn kiêu binh hiện đại dựa vào cái uy của Phủ Chúa để lộng hành đến mức họ dám vuốt râu cả những công thần cao nhất đuơng chức của chế độ. Có thể nói trên hành tinh này, không một ai to gan hơn họ. Cuối năm 1994 họ dám cả gan gửi một bản báo cáo tuyệt mật cho Bộ trưởng quốc phòng bịa đặt rằng Tổng cục 2 đã đặt được một ''đặc tình'' - nhân viên tình báo đặc biệt - vào một bộ phận đầu não của cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA ở Langley, gần thủ đô Washington DC, mang bí danh là ''T4''. T4 đã báo cáo về rằng ''CIA đã tranh thủ, lôi kéo, mua chuộc được các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, cho đến cả thủ tướng Võ Văn Kiệt, chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An để lấy được nhiều thông tin quan trọng. Tướng Giáp còn lợi dụng khi gặp một số nhà báo và học giả Mỹ biết tiếng Pháp để thông tin trực tiếp, không qua người phiên dịch chỉ biết tiếng Anh''. Báo cáo còn nói rõ là các ủy viên bộ chính trị Phan Diễn, Trương Tấn Sang và phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đã có lần cộng tác với CIA (!). T4 báo cáo rằng hai bộ trưởng nội vụ kế tiếp là Mai Chí Thọ và Bùi Thiện Ngộ cùng tướng Lê Văn Dũng (chủ nhiệm tổng cục chính trị) và bà Võ Thị Thắng (tổng cục trưởng du lịch) cũng đã từng làm việc cho CIA (!).
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nhận xét rằng cái báo cáo táo tợn này được thảo ra khi 2 nhân vật M + A cảm thấy sắp bị về hưu hoàn toàn nên, - ngay trước thềm Đại hội IX, họ đã âm mưu dựa vào Tổng cục 2 và quân đội làm một cuộc đảo chính quân sự, bắt giữ và kết tội tất cả các nhân vật trên đây, xây dựng một chính quyền mới được Bắc Kinh công khai yểm trợ mạnh mẽ. Cuối cùng mưu đồ này bị từ bỏ vì không ăn chắc, do vấp phải sự lạnh nhạt của phần lớn tư lệnh quân đội đang tại chức. Sau Đại hội IX, khi hai ông Phan Diễn và Trần Đình Hoan đến gặp riêng hai ông cựu cố vấn Mười và Anh thông báo tình hình và nói đến việc tướng Giáp và tướng Nam Khánh vẫn yêu cầu giải quyết công khai vụ Tổng cục 2, ông Anh liền nổi gần như một cơn điên để nói rằng: sao các đồng chí không ra quyết định khai trừ Giáp và Nam Khánh về tội phá hoại sự đoàn kết của đảng? Phan Diễn lúc ấy là ủy viên thường trực bộ chính trị, đã rất e ngại, can ngăn rằng: khai trừ thì có khó khăn vì phải đưa ra bàn và lấy quyết định ở chi bộ cơ sở, mà chi bộ cơ sở lại ủng hộ họ. Sau đó để trả lời cho sự thách thức của Phủ Chúa, chi bộ đảng CS Cửa Nam đã họp và nhất trí bầu tướng Nam Khánh là ''đảng viên xuất sắc'' của năm 2004. [10]
Sau thất bại này, Phủ Chúa không chịu nằm yên. Tổng cục 2 vẫn ngang nhiên mạnh tay đàn áp các chiến sĩ dân chủ, những nông dân oan ức mất đất mất nhà, kéo dài nhùng nhằng các vụ án tham nhũng lớn, đưa một trung tướng của họ vào chức Chánh án toà án Nhân dân tối cao. Họ cũng vấp phải thất bại nặng; tuy được tổng bí thư Nông Đức Mạnh tiếp sức, cuộc họp trung ương trước Đại hội X đã từ chối không chấp nhận cho Nguyễn Chí Vịnh nhận chức Thứ trưởng quốc phòng, cũng đồng thời bác bỏ việc cho con trai Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn vào ban chấp hành trung ương. Họ không còn muốn gì được nấy.Hơn một năm nay, để giữ uy thế, vớt vát thể diện, 2 cụ già trên dưới 90 vẫn cố sống dai và tìm cách xuất hiện trong các buổi lễ long trọng để ngồi ở hàng đầu trong hội trường, trong buổi khai mạc Đại hội X cũng như khai mạc Quốc hội khoá XII, kỷ niệm Quốc khánh 2 tháng 9, cũng như kỷ niệm 90 năm cách mạng tháng mười 1917. Xem ra sức sống dai dẳng của Phủ Chúa chỉ còn gửi gắm ở một tâm lý xã hội nước ta được cắm rễ khá sâu là tâm lý nhược tiểu, sùng bái và e sợ nước lớn, mặc dầu ông cha ta đã bao lần quật khởi đánh đuổi quân bành trướng phương Bắc, giữ vững nền độc lập.

VI. Cuộc đọ sức giữa dân chủ và 2 thế lực đặc quyền đảng trị

Trên đây đã trình bày hoàn cảnh lịch sử quốc tế và trong nước, sự hình thành của một thế lực ma quái được nước lớn phương Bắc nuôi dưỡng, công cụ và mưu đồ của thế lực ấy, cũng như những kết quả, trở ngại và thất bại của chúng trong gần 20 năm qua.
Vì cái thế lực ấy hoạt động lén lút, ẩn hiện, như có như không, nên không dễ gì nhận ra cho thật rõ ràng, do đó cần phơi bày nó ra ánh sáng để cả xã hội nhận diện nó cho thật minh bạch, hiểu rõ sự tệ hại nó gây ra cho đất nước để có thái độ cần thiết.

1- Phủ Chúa và Cung Vua không đối kháng nhau

Có một ngộ nhận cần xoá bỏ, là coi Cung Vua đối lập với Phủ Chúa, cho rằng hai thế lực này đối kháng nhau, loại bỏ nhau, sống mái quyết liệt với nhau.
Hai thế lực này cùng chung một đường lối, một bản chất, một chiến lược, một ý thức hệ. Đó là ý thức hệ mác xít với độc quyền đảng trị, thực hiện XHCN kiểu mác xít lấy chuyên chính chà đạp nhân quyền làm đường lối, đổi mới về kinh tế mà không đổi mới dứt khoát về chính trị và văn hoá, thực hiện chiến lược hoà nhập 2 mặt - vừa là bạn vưà là thù - trong đối ngoại, lấy sự sống sót của chế độ đặc quyền đặc lợi làm mục tiêu.
Cái khác nhau của hai thế lực là sự khác nhau về chiến thuật, trong đậm nhạt về màu sắc trong thi hành chính sách, trong tốc độ nhanh chậm về tốc độ đổi mới, trong tính toán về bước đi trong cáỉ cách, chống tham nhũng cũng như trong hội nhập quốc tế.
Trong thái độ gắn bó với bá quyền Bắc Kinh, một bên là thái độ gắn bó thày trò, tin cậy, chí cốt, tự nguyện làm tay trong mẫn cán, một bên là ''láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt''. Trong kinh tế, một bên là giữ vững các doanh nghiệp nhà nước, các cơ sở quốc doanh, coi là nòng cốt lâu dài, một bên là từ từ giải thể một bộ phận cơ sở quốc doanh đồng thời phát triển các cơ sở hợp tác xã (mới) và tư nhân. Trong đàn áp các chiến sĩ dân chủ, dân oan, người đòi tự do tôn giáo, một bên chủ trương dùng bạo lực chuyên chính mạnh bất chấp công luận, một bên chủ trương đàn áp mạnh nhưng phải tính đến công luận. Trong quan hệ quốc tế, một bên chủ trương gắn bó chặt chẽ chí cốt với Trung Quốc, từ từ chậm chậm trong quan hệ với phương tây, một bên chủ trương mở rộng quan hệ toàn diện với phương Tây với nhịp độ cao hơn đôi chút.
Do cũng chung một bản chất, chỉ có đậm nhạt khác nhau, khó có một ranh giới thật rõ rệt, đồng thời có sự chuyển hoá giữa người của hai thế lực ấy, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, và có những người vừa làm việc cho bên này cũng đồng thời là người của phía bên kia, như ở phần trên đã thấy.

2- Kẻ thù chung của cả Cung Vua và Phủ Chúa

Kẻ thù chung của cả Cung Vua và Phủ Chúa là những ai chủ trương chuyển từ chế độ độc đoán độc đảng sang chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng, sang chế độ mà công dân có những quyền tự do ghi trong hiến pháp, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội. Họ là những người mong muốn xây dựng một xã hội công dân, trên nền tảng luật pháp bình đằng cho mọi người, không ai có đặc quyền đặc lợi, hội nhập nhanh chóng với thế giới tiến bộ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau.
Lực lượng đấu tranh cho độc lập đầy đủ, dân chủ và tự do về mọi mặt cho dân tộc đang ngày càng phát triển từ khi có chính sách đổi mới và mở cửa (từ 1986) đến nay, bao gồm nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, tuổi trẻ, giới kinh doanh, trong đó nổi lên nhiều chuyên gia các ngành am hiểu dân tộc và thế giới, các chuyên viên các ngành khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, các luật gia luật sư am hiểu luật pháp, các nhà giáo dục, sử học, văn hoá tâm huyết với dân tộc.
Họ nằm rải rác ở khắp các địa phương, xuất hiện công khai dần từ các đô thị lớn, 15 năm trước nếu kể tên có thể có danh sách vài trăm, khi thế kỷ 20 kết thúc con số ấy đã lên vài ngàn, và đến nay đã là hàng vạn, hàng chục vạn tấm lòng dấn thân ở những mức độ khác nhau cho quyền sống tự do của nhân dân, cho sự phát triển hài hoà bền vững của đất nước. Rồi đến lúc thuận lợi, gần như toàn dân sẽ ủng hộ họ. Họ là tinh hoa dân tộc, họ chứng minh rằng Tổ quốc ta, hiền tài thuở nào cũng có, khi đất nước cần là luôn có lớp lớp kẻ sĩ vẫy gọi nhau dấn thân cho đất nước, không quản hiểm nguy, không ngại gian khổ khó khăn.
Một bộ phận tiên tiến của các chiến sĩ dân chủ bị truy tố, kết án bởi những phiên toà ''bịt miệng'' kiểu phát xít, đã và đang nêu gương sáng đẹp cho toàn xã hội, tạo niềm tin ngày càng vững vào tương lai dân chủ tất yếu ở phía trước.
Chỉ hơn một năm sau khi nước ta gia nhập WTO - tổ chức thương mại thế giới, nhân dân ta hiểu ngày càng rõ giá trị của thông tin chuẩn xác, nhanh nhậy, trên tinh thần công khai minh bạch, giới học sinh sinh viên sớm nhận ra sự lợi hại vô cùng của '' thế giới phẳng'', với công cụ tuyệt diệu đến thần kỳ của mạng lưới internet toàn cầu, với vô vàn mạng báo - thông tin điện tử , vô vàn bloggers đối thoại giao lưu trong không trung để cùng nhau tìm ra sự thật, lẽ sống và đường đi tối ưu cho mình và cho nước mình.

3- Đối tượng trên thực tế của cả Cung Vua và Phủ Chúa

Nhóm lãnh đạo hiện nay không phải chỉ coi những chiến sĩ dân chủ, những người đòi tự do công giáo, đòi nhà nước trả lại các cơ sở tôn giáo bị trưng thu trưng dụng trong thời chiến, bị nhà nước tạm mượn rối ''quên trả'', những người mong muốn xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng ... là những phần tử thù địch, chống đối chế độ nguy hiểm cần theo dõi, cô lập và nghiêm trị.
Tất nhiên cũng như trong mọi chế độ chính trị khác, đối tượng của mọi chế độ cần theo dõi, phát hiện và trừng phạt theo luật còn có những kẻ phạm pháp, vi phạm trật tự an ninh xã hội, những phần tử cướp của giết người, bọn tham nhũng, nhằm bảo vệ cuộc sống yên lành và quyền lợi hợp pháp của xã hội.
Trong một chế độ toàn trị của một đảng, khi nhân dân không được quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do bầu cử, những quyền tự do cơ bản tự nhiên của con người, thì trên thực tế bộ máy thống trị đã đặt toàn dân thành đối tượng kiểm soát, và coi bất kỳ một người dân bình thường nào cũng là một ''kẻ đối lập tiềm năng ''. Chỗ yếu cơ bản của nó là ở đó.
Do đó các chế độ độc đảng chỉ tạo nên tâm lý sợ hãi, chứ không tạo nên niềm tin cậy hay tin yêu, nếu có chăng chỉ là niềm tin hời hợt, cưỡng ép, giả tạo. Trong thời điểm hiện nay, đang có chuyển biến hai chiều trong tâm lý xã hội. Nhân dân trong thời đổi mới, trong lúc CNXH mác-xít không còn đất sống, phe XHCN tan vỡ, lý tưởng cộng sản mờ nhạt, đảng viên từng được dạy ''đi trước thiên hạ trong chiến đấu hy sinh, đi sau thiên hạ trong hưởng thụ'' thì nay lại bỏ xa nhân dân trong nghèo khổ để lao tới hưởng thụ vật chất còn quá tư sản thời xưa; niềm khinh ghét cường quyền nảy nở, bọn kiêu binh lộng hành bất chấp đạo lý càng làm cho dân phẫn nộ. Một bộ phận tiên tiến trong trí thức và tuổi trẻ thức tỉnh rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, họ dám công khai chất vấn nhà cầm quyền về những hiệp ước bất bình đẳng Việt- Trung, về sao lại cấm dân biểu lộ lòng yêu nước khi biểu tình trước các cơ quan của bọn bành trướng, sao lại đàn áp dân oan là những người lẽ ra chế độ phải bênh vực. Nhà cầm quyền không nhận ra sự thức tỉnh cao đẹp ấy của công dân, lại coi sự thức tỉnh ấy là nguy hiểm và đàn áp; chính họ đang đổ dầu vào ngọn lửa uất hận chính đáng của đông đảo quần chúng. Chính họ đang là nguyên nhân tạo nên sự chống đối chế độ toàn trị ngày càng tăng.

4- Đối sách khác nhau đối với Cung Vua và Phủ Chúa

Các chiến sĩ dân chủ tự nguyện dấn thấn giành lại cuộc sống tự do cho nhân dân đã chọn con đường không bạo lực, cho nên vũ khí duy nhất của dân chủ là lý lẽ, là đối thoại, là những bài báo cuốn sách, buổi phát thanh, trang điện tử, là tranh luận làm rõ sự thật, phải trái, đúng sai để công luận xã hội xem xét, đánh giá, tiếp nhận có lựa chọn, làm trọng tài.
Trong khi nêu lên cái sai, sự tệ hại của chế độ độc đảng phản dân chủ, các chiến sĩ dân chủ chúng ta công nhận những điều tiến bộ, đúng đắn có kết quả của chính quyền hiện tại, đồng thời vạch rõ những hạn chế, bất cập, sự trì trệ lạc hâu của đường lối, chính sách đang được thi hành và chỉ ra con đường đúng đắn mà đất nước cần thực hiện để có phát triển bền vững và phồn vinh trong công bằng xã hội, trong hạnh phúc của toàn dân.
Tuy đảng CS vì nhận ra sự đuối lý của họ nên không dám chấp nhận đối thoại bình đẳng công khai với các tổ chức và cá nhân dân chủ, chỉ dùng vu cáo, xuyên tạc và đàn áp, nhưng dần dần những lý lẽ đúng đắn và thái độ vô tư vì nhân dân và đại nghĩa đang chinh phục xã hội, bắt đầu từ những trí thức có tâm và có thiện ý, có trí tuệ và lòng yêu nước thương dân. Xu thế tiến bộ trong tư duy của nhân loại thời đại mới cùng công nghiệp thông tin hiện đại đang đẩy nhanh sự thức tỉnh đẹp đẽ này.
Chúng ta đặc biệt vạch trần những hoạt động phá hoại, phạm pháp của Phủ Chúa, những tội ác chúng gây ra, những ngáng trở nguy hiểm làm chậm đà phát triển, làm chúng ta luôn chậm chân, lẹt đẹt lẽo đẽo phía xa sau lưng nước lớn, bỏ qua nhiều cơ hội quý hiếm, lại còn bị thiệt đơn thiệt kép, bị lấn đất lấn biển, mất đảo và vô vàn tài nguyên quý hiếm của quốc gia.
Đồng thời, với nước láng giềng lớn, chúng ta chủ trương thực hiện một quan hệ bình đẳng, tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giữ quan hệ láng giềng tốt, được sự đồng thuận của các nước Đông Nam Á và Liên Hợp Quốc.
Chúng ta cần mạnh dạn và khôn khéo đòi hỏi tách dần mối quan hệ khuất tất không minh bạch giữa chính quyền đương nhiệm với Phủ Chúa, khi hai kẻ cầm đầu M+A của Phủ Chúa không còn có cương vị và quyền hạn nào nữa trong đảng công sản cũng như trong bộ máy nhà nước.
Cần khắc phục một nhận thức không phù hợp với sự thật là hai '' bố già '' cao tuổi hiện ốm đau sắp đến ngày ''ra đi '' rồi, không cần đếm xỉa đến làm gì, họ đã thuộc về quá khứ rồi, bận tâm làm gì cho phí sức. Thật ra họ vẫn sống, vẫn có mưu đồ cực thâm độc, vẫn có kẻ trong bộ chính trị đến báo cáo và xin chỉ thị, họ vẫn sử dụng công cụ - lại là loại công cụ nhọn sắc kiểu mafia, không thể coi thường. Thông qua họ, nước lớn mới thực hiện được những mưu ma chước quỷ, gây vô vàn mất mát, lại kìm hãm tốc độ phát triển của ta để mãi mãi buộc ta phải phụ thuộc.
Chính vì cái Phủ Chúa tệ hại đang tự phơi bày những tội lỗi cực kỳ nham hiểm cùng với thế cô đơn, cô lập trước công luận của nó mà tất cả sức đấu tranh lành mạnh của xã hội cần giáng một đòn quyết định để kết thúc nó. Các thế lực lương thiện trong xã hội hãy đòi công khai hoá
bản kết luận của Ban kiểm tra liên ngành về Tổng cục 2 và nhân vật Lê Đức Anh (đã bị khoanh lại và ỉm đi), đòi chính quyền cao nhất là chính phủ và quốc hội công khai hủy bỏ các Quyết định về chức năng và quyền hạn của Tổng cục 2, đưa Tổng cục 2 trở về vị trí Cục 2 thuộc bộ Tổng tham mưu như đã được quyết định.

5- Phủ Chúa đổ sập thì Cung Vua cũng rung rinh theo

Cái sai, cái dại dột chết người của chính quyền hiện tại là không tách khỏi nhóm nhân vật tận tụy gắn mình với bành trướng Bắc Kinh. Họ nghĩ rằng liên minh với thế lực M+A là khôn ngoan, là tăng thêm chỗ dựa, nhưng rõ ràng đó là con đường xa rời nhân dân, con đường đi ngược với quyền lợi dân tộc. Đó là điểm yếu, là huyệt yếu - ''tử huyệt'', là '' gót chân Achille '' của chính quyền hiện tại. Nhân dân ta, xã hội ta, một bộ phận trong đảng cộng sản đã nhận ra điều ấy. Tiến công vào thế lực nguy hiểm nhất cho dân tộc, cũng là tiến công vào chỗ sơ hở yếu kém nhất của chính quyền độc đảng, đang là một mục tiêu trước mắt của tất cả các lực lượng dân chủ và tiến bộ của xã hội ta.[11]

6- Những đồng minh tạm thời và những đồng minh lâu bền

Những bức thư của tướng Giáp, tướng Nam Khánh, tướng Nguyễn Hoà hay thư của cụ Phạm Văn Xô tố cáo sự dối trá của Lê Đức Anh hay hồi kí của nguyên phó thủ tướng Đoàn Duy Thành vạch mặt thâm hiểm của Đỗ Mười, các chiến sĩ dân chủ đưa ra công khai và phổ biến rộng rãi không phải vì các nhân vật ấy là thân thiết chí cốt với chúng ta, là thuộc cùng chung đội ngũ đấu tranh với chúng ta, mà chỉ vì những chính kiến, đòi hỏi hay tố cáo của họ chĩa đúng vào những đối tượng có hại cho nhân dân nhất mà chúng ta cần vạch mặt và loại bỏ. Những nhân vật trên đây chỉ là những đồng minh tạm thời thôi, vì họ vẫn trung thành với nền chuyên chính độc đảng, những điều họ tố cáo cường quyền còn mang nặng động cơ cá nhân, họ còn đối lập với xu thế dân chủ hoá. Không tận dụng thái độ cụ thể ''thức thời '' nào đó của họ là dại, là sai nhưng không thể lầm lẫn. Chúng ta chỉ coi là bạn thân, là ''đồng chí '' chí cốt của các chiến sĩ dân chủ chúng ta những ai chủ trương thay thế chế độ độc quyền đảng trị bằng chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng, với nền luật pháp bình đẳng công bằng cho mọi công dân.
Do đó, cần làm rõ vị trí của ông Võ Nguyên Giáp và ông Võ văn Kiệt trong thời cuộc hiện nay. Theo ý kiến chung của anh chị em dân chủ trong nước, tướng Giáp hiện 97 tuổi qua 3 bức thư năm 2004, 2006 và 2008 vẫn chỉ lo thanh minh cho uy tín cá nhân riêng (rất hão huyền) của mình; chúng tôi nhiều lần kêu gọi ông cuối đời hãy nghĩ kỹ câu ''nhất tướng công thành vạn cốt khô'' để lên tiếng trả lại tự do thật sự cho xã hội mà vì nó hàng triệu chiến sĩ đã bỏ mình, mà đảng của ông và chính ông đã ''quỵt'' họ. Ông rất đáng trách khi gần đây không gửi một vòng hoa hay một lời viếng đến gia đình ông Hoàng Minh Chính, một người từng có chiến công lớn chống thực dân Pháp và dấn thân cho dân chủ. Nhiều tướng lĩnh và cựu chiến binh chỉ mong, trước khi từ biệt cõi trần, ông có một lời công bằng giải oan cho thượng tướng Chu Văn Tấn, trung tướng Đặng Kim Giang, Lê Liêm, các đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Minh Nghĩa, Phạm Quế Dương.. và ngỏ một lời hối hận chân thành vì đã tham gia chủ trương đày đoạ hàng chục vạn sĩ quan và viên chức, nhân sĩ miền Nam, tạo nên bi kịch thuyền nhân... Ông còn chút thời gian để nghĩ lại và hãy tỏ ra là một vị tướng có học thức, có chất nhân dân, có lòng Nhân.
Ông Võ Văn Kiệt vừa có bài đòi quan tâm đến người nghèo, nhưng ai đã nhân danh thủ tướng để ký Nghị định dựng lên cái Tổng cục 2, để cho nó lộng hành, đánh đập dân oan, tra tấn các chiến sĩ dân chủ, còn viện an ninh Trung Quốc ra doạ dân Việt Nam, và nay ông thản nhiên để nó mặc sức gây tội ác? Lời kêu gọi hoà hợp dân tộc của ông vẫn gượng gạo, trịch thượng khi ông không hề tỏ ra hối hận về chủ trương''trả thù, chiếm đóng và tự thực dân hoá miền Nam'' hồi 1975 như nhà báo Pháp Jean Lacouture nhận định rất sâu sắc (politique de revanche, d'occupation et d ' auto-colonisation).
Có một lực lượng xã hội tuy có vẻ rời rạc, thiếu tổ chức nhưng lại là lực lượng đấu tranh cho dân chủ có tiềm năng cực lớn, đó là lực lượng nông dân bị tước quyền tư hữu ruộng đất đang có ý thức giành lại quyền sở hữu chính đáng ấy. Họ là bạn đồng minh lâu bền của chúng ta. Các Luật đất đai 1987, 1993, 2003 đều quy định '' đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ đều thuộc quyền sở hũu toàn dân '', một hình thức sở hũu kỳ quặc, không hề có trong pháp luật quốc tế. Cả hơn 80 triệu dân đều sở hưũ chung mỗi một tấc đất của đất nước, do đó trên thực tế không có ai có một tấc đất nào cả. Vì đảng cộng sản ngang nhiên tịch thu quyền sở hũu ruộng đất của nông dân, chỉ cho họ ''quyền sử dụng'', từ đó đẻ ra chuyện ''thu hồi'' tùy tiện, rồi chuyện ''đền bù'' và ''cưỡng chế'', rồi ''giải toả'' vô cùng phức tạp và rối loạn mà không nước nào có cả.
Nhiều luật gia trẻ và sinh viên ngành luật nghiên cứu những luật đất đai thời phong kiến và thời Pháp thuộc cho rằng nếu so sánh thì luật đất đai thời XHCN là phi lý, không thực tế và không tưởng, đã đến lúc cần có dũng cảm để sửa chữa sai lầm khổng lồ này và trả lại cho nông dân quyền tư hữu ruộng đất, sau khi đã trả lại quyền tư hữu cho giới buôn bán, kinh doanh, thủ công, công nghiệp và dịch vụ.
Những người làm luật cổ Hy lạp đã tả rất đúng rằng thiên nhiên xa xưa chỉ có núi rừng rậm rịt đầy thuồng luồng rắn rết, người nông dân cổ đại dũng cảm bền bỉ khai phá từng tấc đất, tạo nền đồng ruộng phì nhiêu và mùa màng phong phú, xứng đáng là người chủ chân chính của mỗi thửa đất được khai phá, mang biết bao mồ hôi xương máu của họ, của lớp lớp con cháu họ sau này.
Vấn đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp đang là vấn đề chiến lược nóng bỏng; tình hình cần đến những trí thức nông dân mới, những luật gia có lòng với nông thôn lâp gấp những tổ chức, những tờ báo, mạng điện tử như ''tiếng nói nông dân'', ''nông dân đòi lại quyền tư hữu '', nêu lên cho toàn xã hội về các vấn đề : ''luật đất đai đúng, sai ở chỗ nào?'', ''sao nhà buôn, nhà kinh doanh, người làm dịch vụ có quyền sở hữu tư nhân mà người nông dân lại không?'', và chứng minh rằng từ bỏ khái niệm ''sở hữu toàn dân'' kỳ dị quái đản sẽ giải quyết xong xuôi các sự kiện ''thu hồi đất'', sinh ra việc ''cưỡng chế'' và ''đền bù'', dẫn đến hiện tượng ''dân oan'' đông đảo, phức tạp, nan giải, làm chấn động xã hội.
Mỗi chiến sĩ dân chủ cần quan tâm thật sự đến vấn đề nông dân vẫn còn chiếm gần 70% số dân, vì nông dân bị hy sinh tính mạng nhiều nhất trong chiến tranh, bị bỏ rơi và bạc đãi trong ''xây dựng''và ''đổi mới'', với lớp lớp cường hào cộng sản mới, hiện nay đất bị thu hẹp, nước sạch không có, hứng chịu ô nhiễm tràn về từ thành thị, khu công nghiệp. Hội nông dân trong Mặt trận Tổ quốc chỉ là bù nhìn mờ nhạt, một cái bóng ô nhục của đảng cầm quyền. Lời than từ nông thôn: đảng Cộng sản phản bội nông dân không phải là quá đáng.

VII. Kết luận

1- Một đặc điểm của tình hình gần 20 năm nay

Suốt gần 22 năm nay kể từ sau Đại hội VII (1991), đảng CS Trung Quốc đã rắp tâm cấy vào trong lòng chế độ hiện hành ở Việt Nam một nhóm lãnh đạo bản xứ trung thành với họ, nhằm kìm hãm nước ta trong vòng kiềm tỏa của họ nhằm phục vụ cho mục tiêu bành trướng vô hạn.
Nhóm này đã leo lên đến những chức vụ cao nhất của chế độ, đảng CS và Nhà nước, và ban phát nhiều chức vụ hệ trọng nhằm tác động lâu dài trên quan điểm ''tác thành'', nhằm duy trì những tay chân thân tín làm lợi cho Thiên triều.
Nhóm này cũng rèn dũa được một công cụ tình báo sắc bén với phương tiện và quyền năng vô hạn, có cơ sở pháp lý hẳn hoi, nhằm duy trì chế độ độc đảng lạc hậu, kềm hãm tốc độ đổi mới và hội nhập, chĩa mũi nhọn chuyên chính vào các chiến sĩ dân chủ, bất chấp dư luận xã hội và công luận quốc tế.
Thế lực ''ngoại xâm'' trong nội bộ chế độ hiện hành đã ngăn chặn mọi cuộc đối thoại ngay thẳng, lành mạnh trong nội bộ dân tộc để tìm ra con đường đúng đắn cho đất nước, thực hiện đoàn kết dân tộc, dân chủ, tự do, phát triển hài hoà và bền vững trong công bằng và bình đẳng xã hội.
Chính thế lực này đã dùng quyền uy để ''khoanh'' các vấn đề, định ra các ''giới hạn'', cấm cản trí thức tranh luận vấn đề ''độc đảng hay đa đảng'', ''giữ lại hay từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin'','' chủ nghĩa xã hội kiểu mác-xít hay kiểu xã hội dân chủ'', cũng như đề ra chủ trương cưỡng bách ''không đưa ra Ban chấp hành trung ương
Bản báo cáo tuyệt mật của Ban kiểm tra liên ngành về những vấn đề liên quan đến đảng viên Lê Đức Anh'', mặc dầu việc thành lập Ban kiểm tra liên ngành là do Ban chấp hành trung ương quyết định và mặc dầu theo đúng Điều lệ đảng, Ban chấp hành trung ương là cấp cao hơn bộ chính trị !
Chính nhờ nhóm tay trong thúc đẩy mà Bắc Kinh đã trôi chảy ngoạm được những mảng đất lớn (có thể là hơn 850 km vuông), những vùng biển lớn (hơn 10 ngàn km vuông) cùng vô vàn tài nguyên hải sản trong hợp tác đánh cá chung (!) và ngang nhiên chiếm đoạt nhiều đảo trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động phục vụ bọn bành trướng phương Bắc đã diễn ra chỉ sau hơn 20 năm quân lính của chúng tràn vào 6 tỉnh phía Bắc nước ta để tàn sát và tàn phá hàng chục vạn thường dân, đồng thời chúng huấn luyện, trang bị và chỉ huy bọn lính Khơme Đỏ chống trả ''quân tình nguyện Việt Nam'' ở Kampuchia, gây nên hơn 50 ngàn lính trẻ chết và 300 ngàn thương binh.

2- Nhận diện những nhân vật hiến mình cho ngoại bang

Như trên đây đã nói, trong bộ chính trị hiện nay, tất cả đều ít nhiều thân Trung Quốc hơn là thân với các nước dân chủ phương Tây. Thật ra gốc gác của ''tinh thần Bắc thuộc'' ấy bắt nguồn từ ngay khi thành lập đảng CS Đông dương năm 1930 ở Hoa Nam, từ tinh thần sùng bái Mao Trạch Đông của ông Hồ Chí Minh khi khẳng định '' bác Mao không bao giờ phạm sai lầm'' (1952), từ khi ông Phạm Văn Đồng (1958) nhanh nhẩu công nhận việc mở rộng lãnh hải Trung Quốc xuống phía Nam. Hiện nay, những người lãnh đạo còn sống vẫn theo cái đà mù quáng ấy. Tuy nhiên trong tình hình mới, tinh thần Bắc thuộc, thân Trung Quốc trong họ cũng có những mức độ, màu sắc đậm nhạt khác nhau.
Trái lại, trong tâm lý xã hội, trong quần chúng nhân dân, trong trí thức ưa phóng khoáng, tự do sáng tạo thì khuynh hướng có cảm tình với phương Tây rõ ràng là đậm đà. Với việc mở rộng thông tin, giao dịch, du học nước ngoài và du lịch, khuynh hướng ưa thích văn hoá học thuật giáo dục phương Tây đang ngéy càng phát triển. Hai luồng tâm lý trái ngược trên đây có thể chuyển hoá và tác động lẫn nhau tùy theo điều kiện, nhưng sự chuyển hoá theo chiều hướng thân phương Tây, thân các nước dân chủ vẫn là hướng áp đảo.
Trên đây đã điểm mặt các nhận vật chính trị hiện tại ở nước ta thân thiết với bành trướng Bắc Kinh nhất, từ 2 ông M+A, đến tổng bí thư đương nhiệm Nông Đức Mạnh, phó thủ tướng thường trực đặc trách về tài chính Nguyễn Sinh Hùng, đến những nhân vật đã nhanh nhẩu thúc đẩy việc đàm phán và ký kết 2 Hiệp ước Việt-Trung cùng Nghị định thư về hợp tác đánh cá chung trong Vịnh Bắc bộ. Cũng cần kể đến nhân vật hiện có thế lực nhất ở Bộ công an là thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn thứ trưởng thường trực bộ công an, phó bí thư đảng ủy ngành công an, bị nhiều sĩ quan cấp cao trong ngành tố cáo về tệ tham nhũng, độc đoán, gia đình trị (vợ và 2 con trai đều trong ngành và sống xa hoa, ngạo mạn), tiếp đến là ủy viên bộ chính trị trưởng ban Tổ chức trung ương đảng Hồ Đức Việt và ủy viên trung ương đảng trưởng ban Tuyên giáo trung ương đảng Tô Huy Rứa là những người thường xuyên công khai đi Bắc Kinh để chăm chỉ học theo kinh nghiệm của Trung Quốc và trao đổi cởi mở với lãnh đạo Trung Quốc về nội tình Việt Nam.
Cũng cần nói đến 2 ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng khi mới vào bộ chính trị được một số cán bộ coi là có tư tưởng tương đối cởi mở, có xu hướng đổi mới, nhưng với thời gian hai ông đều lòi đuôi giáo điều bảo thủ nặng khi ông Triết tuyên bố duy trì đến cùng chế độ độc đảng vì '' nếu đảng CS thực hiện đa đảng thì sẽ là tự sát '' (!), còn ông Dũng thì ngang nhiên khẳng định trong cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng '' chính tôi đã ký chỉ thị cấm tư nhân làm báo '', tự mình thú nhận chống lại điều khoản về tự do báo chí ghi trong Hiến pháp.

3- Những chủ đề cần khơi dậy để đấu tranh

Theo tinh thần tự do dân chủ chống độc đoán, mọi vấn đề của cuộc sống đều có thể là nội dung đấu tranh, không có vấn đề nào là cấm kỵ, là tránh né, là ''khoanh'' lại, nhằm nói lên sự thật và chân lý, vì một nền truyền thông phóng khoáng lành mạnh.
Chủ đề lớn nhất là ''đổi mới'' và ''hội nhập'' thực sự ắt phải đi đến thực hiện dân chủ đa đảng, như hiến pháp hiện hành công nhận các ''quyền tự do lập hội'' và ''quyền tự do bầu cử ''; đó là mục tiêu hệ trọng nhất nhằm giải quyết mọi nan đề hiện nay của đất nước.
Chủ đề chống tham nhũng và lãng phí với sức ép mọi cấp chính quyền phải làm đúng lời hứa, chống kiểu khẩu hiệu suông, lời hứa hão, không thể để vụ PMU 18 hơn 2 năm chưa giải quyết xong, chỉ vì vướng con gái và con rể tổng bí thư; không đụng đến lời hứa dỡ bỏ hệ thống tổ chức song trùng đảng và chính quyền, chủ tịch và bí thư, ủy ban và đảng ủy, ban và bộ, dẫm dạp và trùng lắp, ngốn vô vàn ngân sách mà hiệu quả lại thấp, xây ít phá nhiều, không giống một nước nào. Chỉ riêng việc này đã có thể tiết kiệm đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Hiện nay, khi lạm phát tăng nhanh, khủng hoảng kinh tế cùng với khủng hoảng xã hội xuất hiện, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, nông dân, công nhân, lao động, viên chức sống lao đao, cần chỉ rõ nguyên nhân bất công xã hội nằm ở chế độ độc quyền đảng trị nuôi dưỡng tệ tham nhũng và nạn hành chính quan liêu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế có nguy cơ kéo dài và trầm trọng vì những người cầm quyền, quan chức cao cấp nhất luôn mắc bệnh thành tích và bệnh chủ quan, chỉ thích thổi phồng thành tích để tuyên truyền huênh hoang, không muốn nói đến yếu kém, khuyết điểm và sai lầm, không muốn nhìn thẳng vào sự thật nên luôn bị bất ngờ, bị động, hốt hoảng.
Gần đây khi cả thế giới lên án sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tây Tạng thì cả 600 báo chí và đài phát thanh ở Việt Nam đều im lặng một cách trơ trẽn, tự phơi bày sự cô lập và thú nhận tự do báo chí chỉ là lừa dối.
Những gì chính quyền phản dân chủ muốn ''khoanh'' lại, muốn ỉm đi, sợ dư luận xã hội biết rõ, tất cả các phương tiện truyền thông dân chủ càng cần đưa ra một cách rõ ràng, bền bỉ, phổ cập rộng rãi trong xã hội, nhằm ''nhân bản'', ''tăng âm'' những tài liệu nhạy cảm ấy. Nhiều tài liệu liên quan đến Tổng cục 2 và nhân vật T4, đến các Hiệp ước Việt - Trung, đến Hoàng Sa và Trường Sa ... được ở ngoài nước in thành tập, gửi về nước, được tìm đọc như những văn kiện quý hiếm.

4 - Thời cơ đấu tranh ngày càng nhiều và thuận lợi

Cuộc đấu tranh cho dân chủ phơi bày bộ mặt thật phục vụ bọn bành trướng nước ngoài và dựa vào chúng, quay lưng lại dân tộc mình, nhân dân mình ngày càng thuận lợi. Nhân dân ta ngày càng bớt sợ hãi chính quyền hung hãn và bộ máy đàn áp. Trong bộ máy đàn áp (cảnh sát, công an) phần lớn chỉ vì miếng cơm manh áo cuộc sống của gia đình mà làm việc được giao, nhiều người có lương tâm, e ngại làm việc thất đức, không ít nhân viên ở cơ sở đồng tình với nạn nhân bị đàn áp. Sự đồng tình và ủng hộ quốc tế đối với các chiến sĩ dân chủ nước ta cũng là một cổ vũ quý báu cho những tấm lòng yêu nước thương dân muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh cao đẹp này.
Bất công xã hội mở rộng, hố cách biệt giàu nghèo ngày thêm sâu thẳm, chứng minh bọn gian thần hiện đại làm giàu trên mồ hôi và nước mắt người lao động, mặc sức '' múc '', '' xúc '', chia chác tài sản chung trong một chế độ không có công bằng và luật pháp nghiêm, một nền quản trị đất nước hỏng từ gốc vì mang bản chất độc đoán, không thể kén chọn, tuyển lựa nhân tài.
Một Nhà nước thân bành trướng Bắc Kinh, dựa theo mô hình độc đảng Bắc Kinh đang dẫn dân tộc ta đến thảm hoạ. Công nhân và lao động làm thuê cho tư bản nước ngoài và cho các cơ sở quốc doanh bị bóc lột tàn nhẫn; công đoàn được đảng cộng sản tổ chức chỉ phục vụ cho bọn chủ xí nghiệp. Lao động xuất khẩu cũng bị các công ty của đảng đem bán cho tư bản nước ngoài theo kiểu đem con bỏ chợ. Ở Malaixia hơn 300 người chết chỉ trong hơn 2 năm. Chính các tổ chức bênh vực người lao động Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã dựa vào luật lao động quốc tế để bênh vực có hiệu quả quyền lợi chính đáng của anh chị em; bộ lao động và Tổng công đoàn ở Hà Nội không cảm thấy hổ thẹn sao? Hội liên hiệp phụ nữ của đảng hoàn toàn dửng dưng và vô cảm trước thảm trạng phụ nữ và trẻ em ta bị đem bán sang Kampuchia, Malaixia, Đại Hàn, Đài loan ... hàng ngàn, vạn người, thành nô lệ mới, gái điếm bần cùng.
Gần dây, chính quyền yếu hẳn do khả năng quản trị đất nước kém cỏi, sa sút, thiếu công tâm. Chống tham nhũng bùng nhùng. Đất đai rối loạn. Chỉ tiêu cơ bản về phát triển đã buộc phải lùi. Việc cấm tiểu thương hàng rong, cấm xe ba gác giáng bừa vào dân nghèo. Chứng khoán xì hơi. Việc phá hội trường Ba đình không tránh khỏi làm hư hại nặng Di tích Hoàng thành. Tiến lui đều khó. Nhưng cái thế buộc phải lui, không thì khốn.
Năm 2008 đang mở ra nhiều triển vọng cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta cho dân chủ tự do và nhân quyền.
Bài biên khảo này nghiên cứu sự hình thành của một thế lực tận tụy bán mình cho bành trướng nước ngoài trong những điều kiện nào, trong hoàn cảnh nào; điểm mặt chỉ tên những kẻ cầm đầu cùng với lai lịch, chân dung, trình độ, tư cách và mưu đồ của chúng; chỉ ra công cụ lợi hại chúng đã dựng lên và xử dụng như thế nào; tuy chúng không còn thực quyền hợp pháp nhưng chúng vẫn lũng đoạn và khống chế bộ máy đương quyền ra sao; những kẻ đương quyền nào đang ra tay tiếp sức cho chúng; chúng đã từng bị điều tra và kết luận ra sao, suýt ở vào ghế bị cáo, suýt đứng trước vành móng ngựa nhưng đã tạm thời thoát nạn như thế nào, bằng chủ trương ''khoanh'' lại, ỉm đi, bóp chết vụ án như thế nào. Bài biên khảo chỉ ra sự nảy sinh và khuynh loát của thế lực mafia hiện đại này đã kìm hãm tốc độ ''đổi mới'' và ''hội nhập quốc tế'' của nước ta ra sao, gây nên sự lạc hậu về mọi mặt của nước ta như thế nào, từ chậm ký Hiệp định buôn bán tay đôi với Hoa kỳ (BTA) đến chậm gia nhập Tổ chức buôn bàn quốc tế (WTO). Chính thế lực nguy hiểm này đã kìm hãm chặt chẽ nước ta không cho chuyển sang chế độ dân chủ thật sự là chế độ đa nguyên đa đảng, để có thể hội nhập hoàn toàn vào thế giới dân chủ hiện đại.
Bài biên khảo còn chỉ ra sự liên minh nguy hiểm giữa 2 thế lực Cung Vua với Phủ Chúa, dựa dẫm vào nhau, bắt tay với nhau tuy có những chủ trương và bước đi khác nhau, cũng có khi chống đối nhau, thù hận nhau quyết liệt theo kiểu những ''đồng chí cộng sản thù địch'', để loại bỏ nhau, ''gạt '' nhau không thương tiếc, đến độ vu cáo nhau là cộng tác viên, nhân viên của cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA trong một báo cáo chính thức, nhằm lật đổ và trừng phạt nhau.
Bài biên khảo này là lời kêu gọi khẩn thiết, chỉ ra phương hướng đấu tranh của các chiến sĩ dân chủ cùng toàn dân ta, những thời cơ thuận lợi mới trong thời mở cửa, đổi mới và hội nhập, nhằm giành lại mọi quyền tự do chân chính vốn có của nhân dân ta, giành lại nền độc lập thật sự và chủ quyền trên lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc Việt Nam ta.
Trong bài nghiên cứu có nói đến nhiều cá nhân, nhân vật nhưng tác giả không có một định kiến hay hiềm khích cá nhân nào với bất cứ ai, chỉ nung nấu một niềm đau chung của dân tộc và nhân dân, trước một vụ án được coi là siêu nghiêm trọng kéo dài mấy chục năm, gây vô vàn thảm hoạ, hàng triệu người đã biết, vậy mà những kẻ gây ra vẫn không hề hấn gì, còn ngạo nghễ '' khoanh lạĩ '', ỉm đi, vậy có một thách thức nào láo xược hơn, khủng khiếp hơn, cay đắng làm cho toàn dân Việt Nam ta, - với tất cả danh dự dân tộc, bất bình hơn?
Đã đến lúc mỗi người Việt Nam chất vấn lương tâm mình. Không thể dửng dưng và bỏ qua. Hãy tìm hiểu rõ và có thái độ.
Tác giả rất mong bài nghiên cứu này được phổ biến rộng rãi trong, ngoài nước, được các vị thức giả trao đổi bổ sung, các giáo sư sinh viên đặc biệt là ở ngành sử học, luât học, quan hệ quốc tế... cùng các nhà báo bình luận và nhận xét.
Xin đa ta và biết ơn.

Bùi Tín
Paris, tháng 2 - tháng 4-2008

------------------------------------------
[8] Xem thư đề ngày 3-1-2004 của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Ban chấp hành trung ương, Ban kiểm tra trung ương, góp ý kiến về xây dựng đảng.
[9] Tài liệu Về Tổng Cục II , '' những tin tức đáng lưu ý về Tổng cục II- Bộ quốc phòng ''
[10]
Thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân.
[11] Thư lên án việc xuât bản sách Đại tướng Lê Đức Anh do Đỗ Mười viết Lời giới thiệu.



No comments: