Sunday, March 15, 2009

CHIẾN LƯỢC GIÁO DỤC - 3 SÔI 2 LẠNH

Chiến lược giáo dục - 3 sôi 2 lạnh
tuan's blog
Friday, March 13, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/03/chien-luoc-giao-duc-3-soi-2-lanh.html
Bản dự thảo chiến lược giáo dục này đã đến phiên bản thứ 14. Thoạt đầu mới nghe qua thì chúng ta tưởng là đã bàn thảo nhiều lần rồi, nhưng trong thực tế thì bản được trình làng là bản thứ 12.

Cách làm ở Việt Nam ta thật khác với cách làm ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, các dự thảo chiến lược hay những đề cương tương tự đều do các “chuyên gia” của các bộ làm, họ thảo luận kín, rồi đùng một cái trình làng để bà con phản biện. Thật ra, phản biện chỉ có hình thức thôi, chứ mọi chuyện họ đã quyết định hết rồi và chẳng có phản biện nào làm thay đổi quyết định của họ. Do đó, thoạt đầu mới nghe qua thì dân chủ đấy, nhưng thật ra là dân chủ cho có hình thức thôi. Điển hình là qui chế về đào tạo tiến sĩ mà Bộ GDĐT mới soạn thảo gần đây, họ hoàn toàn lờ đi những nhận xét và góp ý của công chúng trong thời gian qua. Có thể các chuyên gia này chẳng bao giờ đọc báo nên chẳng biết công chúng nghĩ gì. Có thể họ đọc báo, nhưng họ không hiểu; hay hiểu mà bất cần, vì họ nghĩ họ là chuyên gia, chẳng cần nghe ý kiến ai cả. Cũng có thể họ lười suy nghĩ, chỉ lấy bản cũ soạn lại cho chắc ăn. Và, cũng có thể họ biết hết, nhưng chỉ soạn theo ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ nào đó. Nhưng nói gì thì nói, tôi nghĩ cách làm của họ thiếu tính dân chủ.

Còn ở các nước tiên tiến thì họ làm ngược lại. Để thay đổi chính sách hay đề ra chiến lược mới, bộ giáo dục sẽ giao cho một chuyên gia từ một trường đại học hay viện nghiên cứu chủ trì. Chuyên gia này có nhiệm vụ tập hợp các đồng nghiệp trong ngành thành lập ủy ban. Ủy ban lên kế hoạch làm việc, và khi có kết quả, ủy ban có nhiệm vụ báo cáo cho bộ trưởng biết. Cách làm việc của ủy ban rất đơn giản: họ ra thông cáo kêu gọi tất cả (nhấn mạnh: tất cả) những ai quan tâm đến giáo dục đệ trình quan điểm của mình, góp ý về đường lối, chủ trương, và các ý kiến này phải được trình bày trong một văn bản nghiêm chỉnh, và gửi cho ủy ban. Trong kì chấn chỉnh giáo dục vừa qua ở Úc, ủy ban cải cách nhận được góp ý của nhiều đại học, công ti, doanh nghiệp nhỏ, cơ quan chính phủ, cá nhân, v.v… mà tổng số trang giấy lên đến 51.000 trang! Công việc khó của ủy ban là tổng kết ý kiến, kèm theo những kiến nghị cụ thể để trình bày cho bộ trưởng. Thời gian trung bình làm việc là 1-2 năm. Cách thức làm việc này rõ ràng là dân chủ hơn cách làm ở nước ta.

Quay trở lại bản dự thảo chiến lược giáo dục. Tôi có đọc qua phiên bản thứ 12, nhưng vì thấy quá chung chung nên chẳng có gì để nói. Việt Nam đổi mới nhiều chỗ khác thì tôi có thấy, nhưng chỗ này (Bộ GDĐT) thì chẳng có gì đổi mới cả. Ngay cả văn phong trong bản dự thảo cũng y chang như thời bao cấp: hô hào khẩu hiệu, chung chung (ghét nhất là cái này vì nó như đánh đố và làm mất thì giờ người khác), đánh giá quá khứ toàn màu hồng, và mục tiêu thì toàn màu xanh quá đẹp. Nói chung là thiếu tính thực tế.

Thiếu thực tế rõ rệt nhất là mục tiêu có trường đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm. Có lẽ quí vị trong ban soạn thảo chiến lược này nằm mơ ban ngày, hay là họ cố tình bán niềm tin cho công chúng, chứ với tình trạng hiện nay (năng suất khoa học không bằng 1/10 Singapore và 1/5 Thái Lan) thì làm sao có một đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm! Những chuyện nhỏ nhất như giáo sư không có phòng làm việc, thậm chí có trường máy fax còn cà rịch cà tang, website chết, thư viện còn thua tư viện một trường trung học, v.v… mà nói chuyện "đẳng cấp quốc tế" thì quả là khôi hài. Quá khôi hài. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Do đó, nếu có góp ý gì, có lẽ tôi sẽ nói: hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất và cụ thể nhất trong việc tổ chức lại đại học sao cho các trường này thoát khỏi cái chức năng dạy nghề như hiện nay.

Xin trích ý kiến của Gs Chu Hảo: “Xin Bộ GD và ĐT đừng làm đến bản dự thảo chiến lược lần thứ 15. Vì chúng tôi không biết còn đủ thời gian, tâm huyết, và có còn…gan để góp ý nữa hay không. Mà nếu có làm đến như thế, cũng là một sự hạ thấp uy tín của bộ. Xin đừng tiếp tục làm những đề án chắp vá như thế này. Chúng ta phải bình tĩnh ngồi lại với nhau, từ việc đánh giá lại thực trạng GD nghiêm túc, chứ không phải là kiểu “3 sôi 2 lạnh” như hiện nay".

Đồng ý 100% với giáo sư Hảo! Cần thêm một ý: bỏ cách làm phi dân chủ hiện nay, nên học cách làm dân chủ hơn của nước ngoài. Không nên để cho Bộ GDĐT vừa đá bóng vừa thổi còi!

NVT

No comments: