Wednesday, March 4, 2009

BÁO HÀ NỘI MỚI KHÔNG CHỊU CẢI CHÍNH

Báo Hà Nội Mới không cải chính tin đã đăng về vụ giáo dân
Trà Mi, phóng viên đài RFA

2009-03-04
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Thai-ha-parishioners-appeal-to-state-media-rejected-attorney-obstructed-With-SBS-03042009113102.html
Sau các cuộc dằng co, dời hẹn tới lui, báo Hà Nội Mới đã chính thức từ chối đề nghị cải chính của các giáo dân.
Trong khi chờ đợi thêm hồi đáp của phía đài truyền hình Việt Nam để xúc tiến vụ kiện ra toà theo đúng thủ tục toà án yêu cầu, luật sư đại diện cho các đương đơn liên tiếp bị chính quyền sách nhiễu, câu lưu, cản trở không cho ông ra Hà Nội tiếp xúc với thân chủ của mình.
Trà Mi cập nhật những diễn tiến mới nhất liên quan đến vụ kiện truyền thông trong nước do các giáo dân Thái Hà khởi xướng:

Báo Hà Nội Mới xác nhận đưa tin đúng theo diễn biến của phiên toà

Sau năm lần bảy lượt bị dời hẹn tới lui và viện lý do chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành uỷ, chiều ngày 19/2/2009, báo Hà Nội Mới mời riêng bà Nguyễn Thị Việt, một trong hai người đứng đơn kiện, lên trụ sở toà báo làm việc.
Theo lời thư ký luật sư của các đương đơn, phái đoàn đến toà báo hôm đó gồm 5 người. Ngoài bà Việt còn có bà Ngô Thị Dung, người đồng đứng đơn kiện, một giáo dân, một người thân của bà Việt, và thư ký luật sư. Đón tiếp đoàn người tại toà soạn ngoài nhân viên của báo còn có một nhóm người mà họ nghi là an ninh mặc thường phục đến dò xét, quan sát và rải rác có nhiều máy camera được đặt để ghi hình. Ngoài ra, còn có hẳn một cameraman công khai quay phim.
Thế nhưng Trưởng Ban bạn đọc là ông Đào Duy Mười chỉ đồng ý tiếp chuyện với một mình bà Việt mà thôi. Kết quả buổi làm việc này là câu hồi đáp bằng miệng của đại diện toà báo rằng Hà Nội Mới đã thông tin đúng sự thật, vì vậy sẽ không có việc cải chính. Toà báo cũng từ chối đề nghị của bà Việt về một văn bản trả lời bằng giấy trắng mực đen, chỉ hẹn khi nào có sẽ gửi sau.

Bà Việt có yêu cầu giấy hẹn nhưng cũng không được đáp ứng. Nguyên văn một đoạn đối thoại giữa bà Việt với ông Trưởng Ban Bạn đọc như sau: “Thay mặt ban biên tập báo Hà Nội Mới thì xin phép chính thức trả lời với bác là: Căn cứ vào cái diễn biến tại phiên tòa hôm 8/12/2008, phiên xử sơ thẩm do tòa án nhân dân quận Đống Đa xét xử, và cái nội dung các bài báo cũng như là cái báo cáo của phóng viên theo dõi phiên tòa, thì báo Hà Nội Mới nhận thấy là thông tin đúng thực tế, không có cái gì là không đúng với thực tế, cho nên chúng tôi không đính chính và cũng không đáp ứng cái yêu cầu của các bác là đăng cái cải chính của các bác trình bày trong đơn được! Xin báo cáo là nội dung của Trưởng Ban Bạn Đọc trả lời bác chỉ có vắn tắt như vậy thôi.
- Anh cứ cho tôi một cái giấy đúng như anh vừa nói! Thế là tôi cầm về luôn!
- Cái giấy như bác bảo là đúng cái nội dung như tôi nói thì chúng tôi cũng chưa có trả lời gì hơn cả, chưa có làm cái văn bản để trả lời.
- Chúng tôi muốn anh phải trả lời chúng tôi bằng văn bản.
- Tất nhiên là sẽ trả lời bác bằng văn bản và nội dung cũng như tôi vừa nói rồi. Thế nhưng mà hôm nay thì chưa thể có cái giấy ngay được. Chúng tôi sẽ...
- Bây giờ anh cho tôi một cái giấy hẹn là khi nào tôi lên đây tôi lấy cái giấy đấy!
- Ối giời! Bác nói... Việc của nhà thì mình làm thế được! Nhưng mà việc cơ quan nó phải có...
- Không, phải có giấy hẹn chứ! Đã là cơ quan thì phải có giấy hẹn chứ!”

Sau nhiều lần lập lại yêu cầu không được toà báo đáp ứng, bà Việt bỏ ra về.
Vài ngày sau, đến lượt bà Ngô Thị Dung, người đồng ký tên trong thư yêu cầu báo Hà Nội Mới cải chính thông tin không đúng sự thật, được toà báo mời lên làm việc vào lúc 2 giờ chiều ngày 24/2/2009. Cả hai cuộc mời tuy riêng lẻ nhưng hình thức và nội dung làm việc giống y hệt như nhau.
Bà Dung thuật lại:
“ Hôm đó tôi lên có luật sư Lê Trần Luật, thư ký luật sư, tôi và bà Việt. 4 giáo dân khác cũng đi cùng, nhưng họ chỉ tiếp 4 người chúng tôi thôi. Họ có mời công an đến toà báo nữa, 2 người mặc sắc phục và một số rất đông không mặc sắc phục.
Ông Đào Duy Mười ra tiếp chúng tôi chỉ trả lời bằng miệng chứ không có văn bản, bảo rằng không thể làm văn bản được. Tôi chả hiểu tại sao cơ quan ngôn luận đào tạo một Trưởng Ban Bạn đọc lại không biết viết! Chúng tôi yêu cầu phải trả lời bằng văn bản. Họ không giải quyết. Thế nên chúng tôi buộc phải ở lại chờ. Họ doạ kêu công an đến, nhưng chúng tôi vẫn cứ kiên trì chờ gần đến 19 giờ. Lúc đó, ông Mười lại xin ý kiến ban bệ rồi cho tờ giấy hẹn rằng văn bản trả lời chính thức sẽ gửi về nhà chúng tôi sau. Đến hôm 27/2 thì có văn bản gửi đến nhà tôi, trả lời rằng họ đưa tin đúng theo diễn biến của phiên toà nên không đình chính.”

Bà Dung cũng cho biết thêm về phản hồi của kênh VTV1 đài truyền hình Việt Nam đối với yêu cầu cải chính của các giáo dân tới nay như sau:
“Hôm thứ năm vừa rồi chúng tôi lên, an ninh tập trung rất đông chỗ đài truyền hình. Một xe cảnh sát rồi bao nhiêu cảnh sát mặc sắc phục và thường phục đứng đầy. Đài truyền hình tiếp tục trả lời là sẽ xin ý kiến lãnh đạo nhưng chưa biết đến bao giờ trả lời. Họ chỉ nhận đơn thôi, chứ chưa có văn bản trả lời. Thế nhưng hôm nay bà Việt bảo tôi là họ điện thoại đến, mời miệng cả hai chúng tôi vào 2h chiều thứ năm 5/3/09 đến làm việc. Tôi nghe bà Việt nói lại chứ bản thân chưa trực tiếp đựơc mời.”

Luật sư Lê Trần Luật đã bị an ninh ngăn cản ngay tại phi trường

Giữa lúc đó thì sáng ngày 3/3/2009, khi đến phi trường Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay ra Hà Nội gặp gỡ thân chủ của mình để tiến hành vụ kiện thì luật sư Lê Trần Luật đã bị an ninh ngăn cản không cho đi. Ông bị đưa ông về đồn công an quận Gò Vấp giam giữ cả ngày. Phía công lực chỉ cho biết là có lệnh cấp trên câu lưu ông Luật mà không nêu lý do vì sao. Tiếp xúc với chúng tôi tối ngày 3/3, luật sư Luật nói rằng:
“Sáng mai họ sẽ kêu tôi lên làm việc tiếp. Họ cũng nói thẳng thắn là họ không muốn tôi đi Hà Nội. Họ không nêu lý do, chỉ nói là lệnh cấp trên.”

Theo ông Luật thì nguyên do chuyện ông bị câu lưu không dính dáng gì đến chuyện văn phòng luật sư Pháp quyền của ông đang gặp rắc rối với chính quyền vì mọi chuyện coi như đã đựơc giải quyết khi bên thi hành án yêu cầu ông lên nộp tiền để nhận tài sản bị tịch thu về. Cho nên ông Luật quả quyết chuyện ông bị giam giữ vô cớ liên quan trực tiếp đến việc ông đang giúp các giáo dân trong vụ kiện báo đài nhà nước truyền thông sai sự thật và kháng cáo các bản án treo do toà sơ thẩm tuyên hôm 8/12.

Liên quan đến yêu cầu mở phiên phúc thẩm của các giáo dân, luật sư Trần Luật cũng cho biết dù đã nhiều lần tiếp xúc xin được đọc hồ sơ để chuẩn bị cho phiên toà nhưng tới nay ông vẫn bị cơ quan hữu trách từ chối:
“Hôm thứ 5 tuần trước tôi có ra toà án gặp một thư ký. Sau khi người này xin ý kiến lãnh đạo, họ trả lời với tôi là luật sư không đựơc đọc hồ sơ trong lúc này và cũng không cho tôi biết kế hoạch phiên phúc thẩm ra sao. Họ bảo thắc mắc thì khiếu nại ông Chánh án, tôi đã làm điều này trước rồi mà tới nay vẫn chưa được trả lời. Tất cả rơi vào sự im lặng khó hiểu.”

Mặc dù vậy, ông Luật cùng các giáo dân kiên quyết khẳng định sẽ không bỏ cuộc vì niềm tin vào công bằng và lẽ phải:
“Tôi nghĩ cuộc đấu tranh nào cũng gian khó và chúng tôi đang bước trên con đường cam go nhưng tôi tin sự kiên trì và dũng cảm sẽ vượt qua đựơc. Tôi đang nghĩ nhiều phương án để tiếp tục đi cùng các giáo dân đến cùng trên con đường đòi hỏi công lý và sự thật.”
“Chúng tôi vẫn tiếp tục khiếu kiện vì không đúng như sự thật, như trong cáo trạng. Chúng tôi có cúi đầu nhận tội đâu mà bảo thế, như bản thân tôi có ra đầu thú đâu mà họ lại đăng tin vậy.”




No comments: