Saturday, March 14, 2009

BA GÓC NHÌN TỪ CUỘC XUNG ĐỘT MỸ-TRUNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Ba góc nhìn về xung đột Mỹ - Trung
Gs. Brantly Womack
14/03/2009 09:48 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6381/index.aspx
(TuanVietNam) - VN có thể ghi nhớ và sử dụng những luận điểm tranh luận của TQ khi tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và sau này, nếu có xung đột tương tự giữa VN và TQ, VN có thể dùng ngôn ngữ của TQ cho chính họ. - Gs. Brantly Womack.

Cuộc đụng độ hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan tới sự xuất hiện của tàu do thám quân sự của Mỹ, Impeccable trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và mối lo ngại của nước này đối với hoạt động nói trên, dẫn tới việc điều 5 tàu ra khiêu khích, có thể xem xét ở ba góc độ khác nhau.

Một là, đó là biểu hiện công khai nhất kể từ năm 2001 về mối căng thẳng giữa hai bên, giữa mong muốn của Mỹ trong việc thu thập thông tin về Trung Quốc và nỗ lực của Trung Quốc để bảo vệ bí mật của mình.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Các tàu ngầm của Trung Quốc đã từng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là một ví dụ.
Điều thú vị là, những nước như Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Uruguay đều đưa ra tuyên bố khẳng định rằng Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc không cho phép các quốc gia khác tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế mà chưa được sự cho phép của quốc gia ven biển. Trong khi đó, những nước Đức, Italy, Netherland và Vương quốc Anh đều cho rằng quyền của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế không bao gồm quyền ngăn chặn các cuộc diễn tập quân sự.
Đương nhiên, không có bất kì tuyên bố đơn phương nào trong số này của một bên có thể bó buộc quốc gia khác. Cả hai bên Trung - Mỹ trong cuộc đụng độ lần này có thể phiên dịch ý nghĩa của luật quốc tế khác nhau để phù hợp trong hành động của họ.
Trong trường hợp này, luật quốc tế giống như một phiên tòa không có thẩm phán để ra phán quyết cuối cùng.

Hai là, trong cuộc đụng độ Mỹ - Trung lần này, điểm lạ là mức độ thể hiện mối quan ngại của Trung Quốc mạnh hơn trước, điều 5 tàu ra gây hấn, cũng như việc Lầu Năm Góc quyết định đưa vấn đề ra công luận với những chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Trung Quốc lo ngại hơn có thể bởi họ có một căn cứ tàu ngầm mới trên đảo Hải Nam. Nhưng có thể đó chỉ là hành động đáp trả việc triển khai tàu được xem là hiếu chiến của Mỹ. Người ngoài cuộc khó có thể biết nguyên nhân thực sự của hành động này.
Mặt khác, tại sao Lầu Năm Góc lại đưa vấn đề ra công luận thay vì nỗ lực giải quyết bằng một hiệp định thư song phương với Trung Quốc? Có lẽ họ đánh giá hành động của Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm không thể coi thường đối với tài sản có giá trị của Mỹ: tàu Impeccable.
Tàu Impeccable có vỏ ngoài đặc biệt và cách âm cho phép kiểm soát hệ thống định vị dưới nước bằng âm và siêu âm chính xác hơn những tàu bình thường. Liệu va chạm có ảnh hưởng đến lớp vỏ tàu?
Có vẻ như bản thân sự lo ngại này đã đủ nghiêm trọng tới mức Mỹ lựa chọn chỉ trích công khai Trung Quốc, mặc dù việc này sẽ gây bất lợi cho tiến trình xây dựng quan hệ quân sự tốt hơn giữa hai nước.

Ba là, trong khi được xem là quan trọng trong lĩnh vực tình báo và quân sự, vụ việc không có vẻ sẽ trở thành một vấn đề lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thực tế, vấn đề này đã không được đề cập trong cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp mới đây. Điều đó cho thấy đụng độ trên biển chỉ là vấn đề bên lề, ít quan trọng hơn nhiều so với những vấn đề khác, như hợp tác kinh tế chẳng hạn.

Việt Nam thấy gì từ xung đột?
Với Việt Nam, có thể cuộc đụng độ Mỹ - Trung sẽ mang lại lợi ích gián tiếp, bởi trong trường hợp này, Trung Quốc đã phải đứng ở thế của người tự vệ khi xem xét vùng đặc quyền kinh tế trong vụ việc có liên quan tới cường quốc có quan hệ nhạy cảm.
Việt Nam có thể ghi nhớ và sử dụng những luận điểm tranh luận của Trung Quốc khi tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế. Nếu một cuộc đụng độ tương tự xảy ra trong tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam, Việt Nam có thể trích dẫn những lời của Trung Quốc cho chính Trung Quốc.

Trong tình huống như vậy, thái độ "hùng biện" của Việt Nam có thể (nên) mạnh mẽ, tuy nhiên, nếu không có sự phán quyết mang tính quốc tế thì lời nói cũng chỉ là lời nói mà thôi.

Gs. Brantly Womack (
Phương Loan dịch)

-------------------------------------
Giáo sư Brantly Womack là giảng viên môn Quan hệ quốc tế, ĐH Virginia, chuyên gia về Trung Quốc và Việt Nam.



No comments: