Monday, March 9, 2009

NHÂN QUYỀN VIỆT NAM GIẰNG CO GIỮA TIẾN BỘ VÀ SA LẦY

Nhân quyền VN: sự giằng co giữa Tiến bộ và Sa lầy
Trần Thanh Hiệp & Nguyễn An, RFA
2009-03-09
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/HumanRights-in-Vietnam-Advancing-or-getting-stuck-in-mud-TTHiep-03092009111544.html
Trong bản phúc trình thường niên về nhân quyền trên thế giới vừa công bố, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng tại Việt Nam, “thành tích nhân quyền vẫn chưa được cải thiện thỏa đáng”.
Trong khi đó những người bênh vực cho thành tích nhân quyền của Việt Nam cho rằng, việc hai ông Huỳnh Nguyên Đạo đảng viên một chính đảng bất hợp pháp và ông Nguyễn Thanh Phong một nhà tranh đấu dân oan vừa được ra khỏi tù nhân dịp đặc xá Tết Kỷ Sửu, có thể coi là sự tiến bộ về lĩnh vực này.
Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, trong cuộc trao đổi với biên tập viên Nguyễn An đã nhận định rằng tình trạng nhân quyền hiện nay ở Việt Nam là một sự giằng co gay gắt giữa tiến bộ và sa lầy.

Thành tích Nhân quyền?

Nguyễn An: Xin kính chào Luật sư Trần Thanh Hiệp. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được đặt ra trong cuộc thảo luận hôm nay là: Có hay không có cải thiện thỏa đáng, nói cách khác, có hay không có tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam?
Trần Thanh Hiệp: Cải tiến, thành tựu và tiến bộ là những từ ngữ người ta thường thấy nhà cầm quyền Hà Nội dùng mỗi khi phải đối diện với những vấn đề về nhân quyền. Nhưng cố ý hay vô tình mấy từ ngữ này đã bị lạm dụng, có khi đến mức đi ngược lại nội dung của chúng.
Thí dụ nếu hiểu cải thiện là sửa đổi để tiến bộ thì trong cách nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp đối lập đã có những sửa đổi như phạt nhẹ hơn, xét xử mau lẹ hơn và đã bắt đầu để cho các luật sư làm chức năng bào chữa.
Nhưng các sửa đổi này không đưa tới mục đích thực hiện tiến bộ là chấm dứt đàn áp phi pháp và bất công. Thí dụ muốn nói trong địa hạt nhân quyền ở Việt Nam đã có được những thành tựu thì phải dẫn chứng rằng các nhân quyền mà luật quốc tế về nhân quyền dự liệu đã được thực thi ở Việt Nam một cách phổ biến cho mọi người.
Không như vậy thì sao gọi là đã có thành tựu được? Thí dụ nếu nói Viêt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về nhân quyền thì không thể nào lại còn tồn tại trên mảnh đất này tình trạng nhà nước muốn bắt ai thì bắt, muốn trừng trị ai thì trừng trị muốn tha ai thì tha.
Nghĩa là không thể nói tiến bộ về nhân quyền nhất là sửa đổi chỉ để tiếp tục đàn áp duới hình thức khác dù là bớt thô bạo. Nhà ngoại giao thì gọi đó là chưa được cải thiện một cách thỏa đáng. Nhà cầm quyền thì phô trương rằng đã có những thành tựu.
Nhưng để phản ánh quan điểm của luật quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội phải áp dụng, tôi thấy cần phải khẳng định rằng ở Việt Nam dưới chế độ đảng trị hiện nay chưa thể nói là đã có tiến bộ về nhân quyền.

Sa lầy và Tiến bộ

Nguyễn An: Xin đựơc nói với luật sư là ông có vẻ hơi khe khắt. Vâng, nếu không cho là đã có tiến bộ rồi nay chỉ cần cải thiện để phát triển thêm thôi, thì luật sư có cách nhìn nào khác để đánh giá đúng tình hình nhân quyền hiện tại ở Việt Nam?
Trần Thanh Hiệp: Dù muốn hay không muốn cũng phải nhìn nhận rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống như hồi hai thập niên về trước.
Nhưng nói như vậy không phải là nhìn nhận thiện chí đổi mới của nhà cầm quyền mà ý đồ trước sau như một vẫn chỉ là duy trì dưới mọi hình thức trật tự đảng trị phi nhân quyền của họ. Mà là để gián tiếp chứng minh rằng cuộc tranh đấu gian khổ vì nhân quyền của mọi nhân sĩ, mọi tầng lớp dân chúng trong và ngoài nước, của các tổ chức phi chính phủ quốc tế bảo vệ nhân quyền đã và đang đẩy lùi thế lực độc tài.
Sự đối đầu của hai chủ trương này đã tạo nên tình trạng mà tôi gọi là sự giằng co với khả thế dẫn tới hoặc sa lầy hoặc tiến bộ. Thực tế đã thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi để phản ánh cho trung thực tình hình khách quan.

Nguyễn An: Tại sao lại gọi là giằng co?
Trần Thanh Hiệp: Tại vì một đằng thì nhà cầm quyền ra sức duy trì quyền lực độc đoán của họ, nếu cần bằng bất cứ biện pháp nào kể cả những hành vi bất hợp pháp, vô đạo bất cần phải trái, đúng sai.
Nhìn bề ngoài thì tưởng đó là thế mạnh của nhà cầm quyền. Kỳ thực đó là những ứng xử chẳng đặng đừng để tự vệ trước mối đe dọa sụp đổ. Đằng khác tuy bị đàn áp nhưng lực lượng dân chủ đang lên quyết tranh thủ ưu thế chiến lược mặc dù phải trả giá rất đắt bằng tiền bạc, danh dự, hạnh phúc cho quyết tâm này.
Nhìn hiện tại trong viễn vọng chiếu vào tương lai thì cuộc tranh thắng chưa ngã ngũ. Tức là hai bên đang giằng co trên chiến trường nhân quyền.

Nguyễn An: Tình trạng giằng co này theo luật sư sẽ đưa tới đâu?
Trần Thanh Hiệp: Đưa tới sa lầy cho xu hướng tranh đấu vì nhân quyền dân chủ nếu xu hướng này hoặc chỉ biết dẫm chân tại chỗ hoặc bị tiêu diệt.
Nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra được những tiến bộ thực sự mở đường cho nhân quyền đích thực dưới hình thức vô hiệu hóa từng phần cụ thể quyền lực của độc tài.
Kinh nghiệm lịch sử và xu thế của thời đại cho phép tôi đặt hy vọng vào sự thành công của giả thuyết thứ hai này.

Nguyễn An: Để đi tới được kết quả đáng trông đợi như vậy Luật sư có đề nghị cụ thể và khả thi nào không?
Trần Thanh Hiệp: Tất nhiên là cách nào thì cũng phải tìm ra giải pháp, nhưng trong mọi trường hợp, chẳng thế có giải pháp nào không gặp khó khăn phải khắc phục để tránh thất bại.
Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin hẹn đến buổi phát thanh tiếp theo sẽ bàn them về giải pháp thực hiện tiến bộ cho nhân quyền ở Việt Nam.

----------------

Trên đây là quan điểm của Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris. Xin đựơc nhắc lại rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.


No comments: