Tuesday, February 3, 2009

LƯỢNG CẢ BAO DUNG

Lượng cả bao dung
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 3-2-2009
http://danchimviet.com/articles/825/1/Lng-c-bao-dung/TrangPage1.html

Vào năm 1945-46, hồi tôi vào tuổi 11-12 còn ở cấp tiểu học, thì được đọc cuốn sách “Tâm hồn cao thượng”. Cuốn này do nhà giáo Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp có nhan đề là “Grands coeurs” của một tác giả người Ý tên là Edmond d’Amicis thì phải. Phải nói là lớp thiếu niên chúng tôi thời đó đã say mê đọc cuốn sách thật là hấp dẫn với những tâm tình, nhân cách và hành động thật là cao đẹp của các nhân vật cũng trạc tuổi ngang với bọn tôi thôi. Trước đó, thì chúng tôi được học sách “Luân lý giáo khoa thư” gồm những bài văn vừa giản dị, trong sáng, mà có tác dụng sâu sắc, bền vững cho việc rèn luyện nhân cách và tâm hồn cho thế hệ học sinh thời tiền chiến ấy.

Sau này, khi lên bậc trung học, thì chúng tôi được đọc cuốn “Cổ học tinh hoa” và các sách trong tủ sách “Học làm người”, rất thịnh hành trong các thập niên 1950-60 ở miền nam Việt nam. Phải nói là hồi chúng tôi còn nhỏ bé, thì nền nếp giáo dục trong các gia đình vẫn còn chịu ảnh hưởng cuả Nho giáo ngày xưa. Chúng tôi được nhắc nhở thường ngày bởi những lời khuyên răn như những câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề. Đói cho sạch, rách cho thơm. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Gần mực thì đen; gần đèn thì sáng v.v…”

Riêng trong gia đình tôi, thì ông nội là một cụ đồ nho mà trong làng nước ai cũng gọi là Cụ Đồ Nhuận. Ông tôi mất khi tôi mới có 6-7 tuổi, nên tôi chẳng được học lấy một chữ nho nào cuả cụ. Tuy vậy, anh chị em chúng tôi vẫn được cha mẹ rèn cặp, uốn nắn cho theo đúng đường lối cuả các bậc thánh hiền thuở trước. Chúng tôi thường được nhắc nhở là phải cố gắng gìn giữ được “nền nếp gia phong, gia đạo cuả dòng họ nhà mình”. Phải biết tránh không bao giờ mà “làm điều gì xằng bậy, khiến gây tiếng xấu cho gia đình” v.v…

Còn ở trường học, thì chúng tôi vẫn được các thầy cô nhắc nhở là: “Tiên học lễ, hậu học văn. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài yên v.v…” Rõ ràng là vào thời đó, nền giáo dục học đường đã bổ túc cho giáo dục gia đình rất nhiều. Các nhà giáo vẫn được sự quý trọng, mến phục cuả cha mẹ phụ huynh học sinh; bởi lẽ họ không phải chỉ truyền thụ kiến thức cho môn sinh, mà còn cả dạy giỗ về lễ nghĩa, rèn luyện nhân cách cho học trò cuả mình nữa. Vì thế mà dân gian mới thường nói: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Trong hệ cấp xã hội ngày trước, hồi chế độ quân chủ còn thịnh hành, thì cha ông chúng ta xếp đặt vị trí cho ông Thầy rất cao, chị đứng sau nhà Vua, mà lại đứng trước cả người Cha cuả mình. Đó là “Quân, Sư, Phụ”. Và cái lề lối giáo dục, đào tạo con người từ trong mỗi gia đình đến ngoài học đường, thì không phải chỉ dùng lời nói, mà điều cốt yếu chính là sự truyền thụ cái tấm gương tốt đẹp, cái nhân cách trong sáng cuả chính bậc làm cha mẹ, làm thầy dạy cuả môn sinh, đệ tử. Như đã được ghi lại trong khẩu hiệu sau đây: “Dĩ thân nhi giáo”. Tức là sự giáo dục chủ yếu phải bắt đầu khởi sự từ chính cuộc sống đạo hạnh, lương thiện gương mẫu cuả cha mẹ, cuả thầy cô giáo mà cảm hoá, thuyết phục được con cháu, môn sinh noi theo. Ở bên Âu Mỹ, người ta cũng nói tương tự như thế với câu “Transmission from heart to heart = Dĩ tâm truyền tâm”, hay là: “Chuyển giao Ngọn lưả = Transfer of the Flame”.

Có thể nói: Nhờ được đào tạo uốn nắn vững chắc ngay từ thời thơ ấu trong ngưỡng cửa gia đình và nơi trường học trong tinh thần đề cao giá trị luân lý, đạo đức nhân nghĩa như vậy, mà khi được tiếp cận với văn minh Âu Mỹ vốn thiên về tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhiều hơn, thì thế hệ chúng tôi không đến nỗi mất phương hướng đến độ bị mê hoặc, choáng váng trước những thành tưụ cuả người, mà khinh chê loại bỏ cái vốn liếng tinh thần rất phong phú cuả truyền thống dân tộc, cũng như cuả gia tộc dòng họ nhà mình. Một trong những lời giáo huấn mà chúng tôi thường được nhắc nhở, dạy bảo kỹ lưỡng nhất, đó là câu nói thật đơn giản, gọn gàng như sau: “Con phải sống cho ra một con người tử tế, một bậc chính nhân quân tử“. Và cái tiêu chuẩn đức độ cao quý cuả người quân tử biết ”trọng nghĩa khinh tài” như thế, thì luôn được đặt ở vị thế đối nghịch với “tư cách thấp hèn, đê tiện cuả kẻ tiểu nhân“, với lòng dạ hẹp hòi, tham lam vô độ, mà ngôn ngữ, cử chỉ, hành động thì đều rất là thô lỗ, vũ phu bỉ ổi.

Như đã ghi trên tiêu đề cuả bài này, người viết muốn trình bày về cái tinh thần đại lượng bao dung mà hiện đang được đề cao cổ võ tại khắp nơi trên thế giới ngày nay, trong mọi lãnh vực cuả đời sống xã hội, từ văn học, tư tưởng đến chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Cụ thể là cả Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn năm 1995 làm “Năm Quốc Tế Khoan Dung = The International Year of the Tolerance”. Và tôi xin được dùng cả hai chữ “Bao Dung” và “Khoan Dung” như là đồng nghiã để diễn tả ý nghĩa danh từ “Tolérance” đang rất thịnh hành hiện nay. Tôi vẫn ghi nhớ hồi còn học năm Đệ Nhất ở trường Chu văn An Hà nội vào năm 1953-54, thì thầy Nguyễn ngọc Cư dạy môn Triết học có nhắc chúng tôi là “Quân tử hòa nhi bất đồng”, tức là có ý nói: Người trượng phu quân tử thì lúc nào cũng giữ được tinh thần hòa nhã, nhân ái, mặc dầu vẫn có sự khác biệt ý kiến, khác nhau về quan điểm lập trường thế này thế nọ. Thầy Cư còn nói là bên tiếng Pháp, thì có câu tương đương: “ L’unité dans la diversité = Thống nhất trong sự dị biệt“. Anh Earl Martin đã từng làm việc xã hội nhân đạo ở Quảng ngãi hồi trước năm 1975, thì anh dịch câu này ra tiếng Anh là: “Civility even in disagreement”. Và cách nay mấy tháng, tôi cũng đã viết một bài nhan đề là
“Quân tử hòa nhi bất đồng” rồi.

Vì thế, trong bài này, tôi sẽ không lặp lại những điều đã được trình bày trước đây nữa. Tôi chỉ muốn ghi vắn tắt trong một vài điểm như sau:

Thứ nhất: Truyền thống văn hoá tốt đẹp cuả dân tộc ta là luôn đề cao tinh thần đạo đức nhân nghĩa, đòi hỏi những con người ưu tú mà càng có được nhiều may mắn ưu đãi cuả xã hội, thì càng phải thực hiện nghiã vụ “Phải trả món nợ đó lại cho đất nước, cho xã hội một cách sòng phẳng”. Điều này thật đơn giản, phù hợp với lương tri và lẽ phải. Dân gian ta vẫn nói: “Ơn đền, Nghiã trả“ là cũng phù hợp với lẽ công bằng, phải chăng như thế. Cũng y hệt như người Mỹ thường nói: “Give and Take”. Người càng được xã hội chăm lo về học hành nhiều, như ở bậc đại học hay được gửi đi du học tại nước ngoài, thì càng phải biết lo mà “trả cái món nợ đèn sách lớn lao” đó. Bạn được hưởng thụ nhiều ân huệ, nhiều lợi lộc cuả dân tộc cung ứng cho, thì bạn phải tỏ ra “biết điều” để luôn tìm mọi cách trả lại cái ân nghiã đó. Đó là điều thật đương nhiên, sơ đẳng nhất, đơn giản nhất trong cách xử thế thường nhật cuả con người trong xã hội vậy.

Thứ hai: Và còn cao hơn thế nữa, người trượng phu quân tử còn phải có tấm lòng thanh cao, đại lượng, luôn luôn thông cảm với những hạn chế, khuyết điểm và cả những sai lầm yếu đuối, sa ngã cuả người khác. Vì thế mà có sự khoan dung đối với mọi người, đặc biệt là trước những người kém may mắn hơn mình. Tiếng Anh có chữ “Gentleman”, thì cũng hàm chứa cái tính cách thanh lịch, nho nhã tương tự như chữ “Người sĩ phu quân tử” trong xã hội ta vậy. Câu nói “Lượng cả bao dung” có hàm nghiã luân lý đạo đức rất sâu sắc, mà ta có thể khai triển ra như sau: ” Người có lòng rộng rãi, cao cả, thì phải có sự bao dung, thông cảm đối với ngưới khác”. Và ngược lại, thì: “ Người nào có sự bao dung, rộng lượng đối với người khác, đặc biệt là đối với người đã làm điều sai trái với bản thân mình, thì mới xứng đáng được coi là bậc trượng phu quân tử, là người có “tấm lòng lớn lao, đại lượng”.

Cái tinh thần cao thượng, cái đức độ nhân bản nhân ái này đã được cha ông chúng ta vun đắp, xây dựng trong từng dòng họ, từng gia thế. Nhờ vậy mà đã sản sinh ra được những nhân vật kiệt hiệt xuất chúng, vừa có tài năng, vừa có đức độ để mà ra tay giúp dân, giúp nước, để còn giữ vững được sơn hà xã tắc trong tinh thần “trên thuận, dưới hoà”, bá tánh luôn được “an cư lạc nghiệp”.

Thứ ba: Hội nhập với thế giới văn minh tiến bộ trong thế kỷ XXI hiện nay, chúng ta cần phải vừa có lòng tự tin nơi chính nghiã đạo đức truyền thống cuả dân tộc mình, mà cũng vừa có tinh thần phục thiện, hướng thượng để học tập, tiếp thu được những tinh hoa, tiến bộ trong các nền văn hoá nhân bản và nhân ái cuả những quốc gia khác, dân tộc khác. Có như vậy, thì ta mới vượt thoát ra được cái não trạng hủ lậu, ngoan cố kiểu “ếch ngồi đáy giếng coi trời chỉ bằng cái vung đậy nồi”, khiến cho đất nước cứ lạc hậu, thua kém quá xa so ngay với mấy nước láng giềng cận kề ngay bên cạnh với mình. Nói vắn tắt lại, thì ta phải cùng làm hai việc bổ túc cho nhau, để mà góp phần đưa đất nước tới sự thịnh vượng, phú cường với nhân tâm thuận thảo yêu mến lẫn nhau. Hai việc đó chính là:

1/ Phục hồi lại truyền thống nhân bản và nhân ái cuả dân tộc. Cái gia tài này đã do cha ông ta đã dầy công xây đắp từ bao nhiêu thế hệ để truyền lại cho thế hệ chúng ta ngày nay. Nhưng mà, tiếc thay nó đã bị chối bỏ, chôn vùi đi bởi những người từng bị huyễn hoặc vì cái chủ thuyết “bạo lực cách mạng, hận thù giai cấp…” cuả ngoại lai.

2/ Tiếp thu một cách có chọn lọc khôn khéo tất cả học thuật, tư tưởng tiến bộ của thế giới nhằm làm cho phong phú hơn mãi nền văn hoá đạo đức lễ giáo đã có từ ngàn xưa cuả dân tộc Việt nam chúng ta. Cụ thể ta có thể bắt đầu với sự xây dựng và củng cố “Xã hội Dân sự” bằng cả hai nguồn vốn tinh thần có sẵn trong truyền thống dân tộc, cộng vào với nguồn vốn văn hoá đạo đức cuả các dân tộc khác trên thế giới.

Đó là điều khả dĩ chúng ta có thể làm trong tầm tay với cuả mình vào thời điểm những năm đầu cuả thế kỷ XXI này vậy.

Để kết thúc bài viết đã khá dài này, tôi xin được ghi lại mấy câu thơ làm ở trại tù Z30 D ở Hàm Tân, Phan Thiết năm 1995 như sau:

Hưởng Ứng Năm Quốc Tế Khoan Dung (1995)
Lượng cả bao dung đấng trượng phu
Quân tử hiếu hoà chẳng oán thù
Bốn bể một nhà ta vun đắp
Người người vui sống thoả niềm mơ.


--------------------------------------------------

Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt Online

No comments: