Friday, February 27, 2009

THỬ THÁCH CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

Thử thách của Tổng thống Obama
Ngô Nhân Dụng
Thursday, February 26, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91367&z=7
Ngân sách mới của Tổng Thống Barack Obama cho thấy ông thực hiện khẩu hiệu tranh cử: Thay đổi nước Mỹ. Người ủng hộ ông hài lòng. Người đối lập lo ngại. Trong đảng Dân Chủ cũng có những người chống, trong đảng Cộng Hòa cũng có những người chấp nhận. Cuộc bàn cãi, tranh luận sẽ kéo dài trong nhiều tháng sắp tới. Nhưng ai cũng đồng ý, ông Obama muốn thay đổi thật. Câu hỏi là ông sẽ thay đổi như thế nào, và có ích lợi lâu dài cho nước Mỹ hay không.

Ngân sách thường chỉ nêu ra những mục chi tiêu và những con số. Nhưng bản ngân sách dài 134 trang của Tòa Bạch Ốc còn đưa ra những chương trình lớn sẽ thay đổi nhiều khía cạnh trong đời sống dân Mỹ đến mức nền tảng: Cải tổ y tế, khuyến khích nghiên cứu năng lượng thay dầu lửa, giảm bớt trợ cấp cho các đại nông gia, giảm bớt những khoản bớt thuế cho 2% những người giầu nhất nước, vân vân.

Tất cả mọi thay đổi nền tảng trong một nước đều có thể làm cho một số người được lợi và gây thiệt hại cho một số người khác. Họ sẽ tranh đấu với nhau, mỗi nhóm quyền lợi sẽ vận động các đại biểu của họ trong quốc hội. Hai đảng chính trị sẽ tranh luận với nhau. Trong mỗi đảng sẽ có những ý kiến bất đồng, người đảng Dân Chủ vẫn có quyền bỏ phiếu theo đảng Cộng Hòa và ngược lại. Và các đại biểu quốc hội sẽ tranh đấu với Tòa Bạch Ốc. Tranh cãi, lôi kéo thêm người khác ủng hộ mình, tranh cãi tiếp, rồi trao đổi, mặc cả với nhau, làm sao tiến tới một quyết định chung. Sau đó những người được lợi sẽ vui, những người bị thiệt sẽ làu bàu gắt gỏng, đợi cho tới kỳ bầu cử sau sẽ vận động các cử tri theo mình.

Ðó là diễn trình dân chủ luôn luôn diễn ra ở nước Mỹ không lúc nào ngừng. Nhưng chẳng mấy khi nó diễn ra trong khung cảnh sôi nổi như chúng ta sắp chứng kiến trong những tuần lễ, những tháng, và năm sắp tới đây. Chúng ta theo dõi cuộc tranh luận này sẽ thấy và sẽ hiểu rõ hơn diễn trình chính trị ở một nước tự do dân chủ. Chúng ta càng giữ được thái độ khách quan, công bằng, và tìm hiểu mọi vấn đề một cách cặn kẽ, thì càng rút ra được nhiều bài học cho nước Việt Nam.

Câu hỏi chính là: Làm sao 300 triệu người quyết định về những vấn đề sống còn của họ, trong khi mỗi nhóm người, mỗi đảng chính trị có những quyền lợi và ý kiến khác nhau, nhiều khi xung khắc, đối nghịch lẫn nhau? Ðể tiến tới những quyết định trọng đại đó, người ta dùng những thể thức dân chủ tự do, được bản hiến pháp ra đời trước đây hơn 200 năm quy định những nét căn bản.

Một vấn đề lớn đằng sau những cuộc tranh luận về thuế khóa, về bảo hiểm y tế, nghiên cứu năng lượng, vân vân, là quan điểm của người Mỹ về vai trò của chính phủ. Chính phủ nên lớn hay nên nhỏ, nên can thiệp tới mức nào vào đời sống của người dân, như trong hoạt động kinh tế, trong việc giáo dục thanh thiếu niên, trong việc chọn một hợp đồng bảo hiểm y tế, vân vân.

Trong bài diễn văn nhậm chức Tổng Thống Barack Obama đã nói rằng bây giờ vấn đề không còn là chính phủ lớn hay chính phủ nhỏ nữa, mà là câu hỏi chính phủ làm việc có hiệu năng hay không. Nhưng tối Thứ Ba vừa qua ông Obama đã phải xác nhận trước quốc hội rằng ông không chủ trương bành trướng vai trò của chính phủ. Nói như vậy, vì ông biết những ý kiến công kích ông sẽ nhắm vào điểm đó.

Tuy nhiên trong thực tế hầu hết những cuộc tranh luận mà chúng ta sắp nghe ở quốc hội cũng như trên báo chí nước Mỹ sẽ cho thấy đều đặt trên câu hỏi căn bản đó: Chính phủ nên lớn, nên can thiệp vào xã hội đến mức nào?

Vì trong thực tế, hiện nay chính phủ Mỹ đang bành trướng ra rất lớn. Ðây không phải là vấn đề tăng ngân sách hay tăng số người làm việc trong guồng máy nhà nước, vì ngay trong lúc Tổng Thống George W. Bush cầm quyền ông đã bành trướng cả hai lãnh vực đó rồi. Hiện nay, hiện tượng phải chú ý là chính phủ Mỹ đã phải can thiệp vào rất nhiều hoạt động, bao trùm từ lãnh vực tài chánh, ngân hàng, thị trường gia cư, cho tới những công ty bảo hiểm như AIG, những công ty sản xuất xe hơi đang kêu cứu, và chính phủ đang muốn đóng một vai trò lớn hơn trong lãnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Tình trạng bành trướng vai trò của chính phủ là do nhu cầu, vì cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tín dụng đòi hỏi. Thí dụ, giá cổ phần trên thị trường chứng khoán New York tụt xuống mạnh trong một ngày đầu tuần vì tin chính phủ có thể phải quốc hữu hóa nhiều ngân hàng lớn, để cứu các ngân hàng chứ không phải cứu các vị quản đốc và chủ nhân ngân hàng. Chính phủ Obama đã phủ nhận những tin đồn đó. Nhưng ai cũng biết chính phủ Mỹ đang điều khiển những ngân hàng đã phá sản như IndyMac, quản trị hai cơ sở cho vay hầu hết các món nợ mua nhà là Fannie và Freddie, và có ngày sẽ phải làm chủ 40% các cổ phiếu của ngân hàng Citigroup. Với các chương trình giải cứu hệ thống tài chánh (700 tỷ và sẽ còn lên nữa), kích thích kinh tế (787 tỷ), hiện nay chính phủ Mỹ chi tiêu gần một phần tư số tiền cả nước làm ra trong một năm, gọi là Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, GDP.

Với nhu cầu thực tế bắt buộc phải hành động cấp bách, các khái niệm chính trị như phe tả, phe hữu, cấp tiến hoặc bảo thủ, không còn ý nghĩa như trước nữa. Mọi chính trị gia sẽ quyết định theo nhu cầu của cử tri của họ, dù họ thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, vốn là cấp tiến hay bảo thủ.

Trong số các vị thống đốc Cộng Hòa họp nhau tuần rồi, nhiều vị phản đối kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ Obama như tất cả các đại biểu quốc hội Cộng Hòa đã chống (trừ ba nghị sĩ). Họ từ chối một số khoản trợ cấp mà kế hoạch đó đưa cho tiểu bang mình - nhưng cũng nhiều vị đòi thêm cho các khoản khác. Nhưng thống đốc các tiểu bang như California, Florida, dù thuộc đảng Cộng Hòa vẫn hoan nghênh việc chính phủ liên bang đưa tiền cho mình giúp qua cơn nguy khốn tài chánh. Thái độ của họ là do nhu cầu thực tế của các tiểu bang đòi hỏi, họ hy sinh bỏ qua những bất đồng ý kiến quan trọng khác.

Bên ngoài giới làm chính trị chuyên nghiệp, các nhóm áp lực cũng chọn thái độ tùy theo nhu cầu thực tế hơn là dựa trên những triết lý kinh tế. Hai hội từ xưa nay vẫn ủng hộ chủ trương “chính phủ nhỏ” của đảng Cộng Hòa là Phòng Thương Mại toàn quốc US Chamber of Commerce, và Hội Các Nhà Sản Xuất, Association of Manufacturers lại đứng ra ủng hộ kế hoạch 787 tỷ để kích thích kinh tế. Chủ Tịch Phòng Thương Mại Mỹ Thomas Donohue nói thẳng: Bây giờ chỉ còn có chính phủ có sức để làm cho guồng máy kinh tế chạy lại! Không ai trong đảng Cộng Hòa phản đối ý kiến đó.

Nhưng trong đảng Dân Chủ cũng có nhiều người chống lại kế hoạch 787 tỷ của Tổng Thống Obama. Ðó là những dân biểu thuộc nhóm gọi là “Blue Dog” bảo vệ quy tắc ngân sách cân bằng, và họ không thể chấp nhận được những món chi tiêu mà các dân biểu, nghị sĩ đảng Dân Chủ ghép thêm vào trong kế hoạch để làm vui lòng cử tri trong tiểu bang và đơn vị của mình, nhiều món có thể coi là vô bổ trong việc kích thích kinh tế. Cả một dự luật dày 1,100 trang gọi là kế hoạch kinh tế, khó lòng một đại biểu quốc hội nào có đủ thời giờ đọc hết để mà suy nghĩ, so sánh hơn thiệt. Tổng Thống Obama gần như giao khoán cho các lãnh tụ quốc hội thuộc đảng Dân Chủ soạn thảo, và ông ký ngay không phản đối.

Ông Obama có thể viện lý do là tình hình kinh tế xuống đòi hỏi hành động nhanh chóng. Nhưng những vấn đề quan trọng ông mới nêu ra trong bản ngân sách chuyển qua quốc hội gồm nhiều vấn đề có tính cách lâu dài. Ngưng không giảm thuế cho 2% những người giầu nhất nước, để lấy tiền trang trải cho việc cải tổ y tế, là một vấn đề vừa lớn vừa lâu dài. Nghị sĩ trưởng khối đa số ở Thượng Viện, ông Harry Reid đã nói sẽ bàn về vấn đề này trong tháng Tám, để có thể đưa ra ý kiến trước cuối năm. Như vậy thì không còn tính chất khẩn cấp như kế hoạch kích thích kinh tế nữa.

Một vấn đề trọng yếu trong chương trình của chính phủ Obama là cải tổ hệ thống tài chánh và ngân hàng. Ai cũng đồng ý là hệ thống mà nước Mỹ đã theo từ hai chục năm nay có quá nhiều lỗ hổng giúp cho lòng tham của một số người làm hại chính họ và lây lan tác hại cho cả nước. Phải tìm ra các lỗ hổng đó và tìm cách bịt lại bằng những quy tắc mới ràng buộc những người điều khiển các xí nghiệp, ngân hàng, các công ty môi giới, các hãng bảo hiểm, vân vân. Nhưng làm sao để cho những ràng buộc mới đó không làm ngăn trở sáng kiến tư nhân, không đốt cháy “máu làm ăn,” khích lệ thái độ chấp nhận rủi ro, là động cơ giúp cho kinh tế Mỹ phát triển cao trong vài chục năm qua? Các đại biểu quốc hội Mỹ và các chuyên viên Tòa Bạch Ốc không đủ sức trả lời cho những câu hỏi lớn như vậy, nhưng họ sẽ là những người quyết định. Họ sẽ phải tham khảo rất nhiều người, từ các ngân hàng, các xí nghiệp cho đến giới nghiên cứu ở đại học.

Ðể tiến tới những quyết định chung của các đại biểu quốc hội, tức là của cả nước Mỹ, về những vấn đề quan trọng như thế, bây giờ là lúc ông Obama phải làm đúng những lời kêu gọi của ông trong mùa tranh cử, là vận dụng sự thỏa hiệp lưỡng đảng. Có như vậy thì các quyết định này mới ích lợi cho đa số dân Mỹ và có giá trị lâu dài.

Tổng Thống Obama có thể làm được việc này, nếu ông giữ đúng lời hứa của ông là nhìn xa về tương lai nước Mỹ, chứ không phải chạy theo cách nhìn thiển cận dựa trên quyền lợi đảng phái. Trong vụ biểu quyết kế hoạch kích thích kinh tế, ông Obama đã thất bại trong việc lôi kéo sự hợp tác lưỡng đảng. Mọi người đang chờ đợi ông sẽ làm gì để chữa lại tình trạng đó khi bước vào những cuộc thảo luận lớn như cải tổ y tế, cải tổ ngân hàng.

Nếu ông Obama thành công, ông sẽ thực hiện được một điều tương đương với việc mà cố Tổng Thống Reagan đã làm được. Ông Ronald Reagan đã chuyển trọng tâm chính trị của nước Mỹ sang phía hữu, và ảnh hưởng tới các vị tổng thống kế nhiệm từ Clinton tới Bush 43. Hiện giờ ông Obama có cơ hội để chuyển ngược lại, đưa trọng tâm chính trị sang phía tả. Những kế hoạch ông vạch ra đều mang tính chất đó. Ông đang có cơ hội, vì hai cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế đang đe dọa lôi nước Mỹ xuống rất sâu, và tác động lẫn nhau để xuống sâu hơn. Nước Mỹ đang trông chờ một trung tâm quyền lực mạnh để trước hết thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này.

Người dân mất tin tưởng vào hệ thống kinh tế tài chánh cũ, người dân khát khao công bằng xã hội, và trên hết ai cũng muốn kinh tế được tự do phát triển trở lại. Phát triển và công bằng, hai mục tiêu đó cần phải đạt được cả hai, cho nên phải thảo luận để tìm được vị trí trung dung. Muốn đóng vai lãnh đạo thật sự chứ không phải chỉ lợi dụng cơ hội để thực hiện các chủ trương chính trị của riêng đảng mình, ông Obama sẽ phải làm sao thỏa mãn được những khát vọng căn bản trong triết lý chính trị của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, tức là phải tìm cách cho hai đảng có cơ hội và khả năng hợp tác. Nước Mỹ sẽ không thể nào quá tả hay cực hữu. Hai khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến đều có những ưu điểm không thể nào bỏ qua. Các chính trị gia thường chỉ nhìn vào các ưu điểm của phe cánh mình mà cố ý lấp liếm những ưu điểm của đối phương. Nhưng người lãnh đạo không thể làm như vậy.

------------------------------------------------------------------------------------

Obama công bố ngân sách chính phủ
27 Tháng 2 2009 - Cập nhật 02h38 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2009/02/090227_obama_budget.shtml
Tổng thống Barack Obama vừa công bố ngân sách chính phủ 3,6 nghìn tỷ đôla trong năm 2010, có mục tiêu dựng dậy nền kinh tế Mỹ.
Ông cảnh báo thâm hụt ngân sách năm nay có thể lên tới 1,75 nghìn tỷ, tương đương 12.3% sản phẩm quốc nội và vào mức cao nhất kể từ Thế chiến II.


No comments: