Wednesday, February 25, 2009

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ và QUAN HỆ MỸ-TRUNG

Khủng hoảng kinh tế và quan hệ Mỹ-Trung
Đoàn Hưng Quốc
Đăng ngày 25/02/2009 lúc 02:50:29 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3560

Các truyện dân gian là một kho tàng vô tận hiểu biết về tâm lý con người. Có một truyện ngày xưa tôi nghe về ông nhà giàu cho một kẻ vay mượn ăn xài phung phí. Đến ngày không còn trả nợ nổi, người đàn ông đến gặp phú ông và nói: “Kiếp này con không thể nào trả nợ ông, thôi con chịu chết cho rồi kiếp sau đầu thai làm trâu ngựa trả công”. Ông phú hộ nghĩ thầm: “Nếu nó chết mình bị lôi thôi với pháp luật; mà nó thành trâu ngựa thì mình cũng phải tốn tiền mua và cho nó ăn cỏ để đi làm. Thôi để khuyên nhủ nó bỏ ý định tự vận, lo thay đổi làm ăn, rồi mình cho nó… vay mượn thêm chút đỉnh, sau này gỡ gạc được đồng nào hay đồng nấy!”


Câu truyện này tóm gọn ý nghĩa của chuyến Tân Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton công du Bắc Kinh vào tháng 02-2009: Hoa Kỳ hiện đang thiếu Trung Quốc 700 tỉ, nhưng cần vay mượn thêm để chi tiêu vào 787 tỉ kích cầu. Ngoại Trưởng Mỹ bảo đảm với Bắc Kinh rằng công khố phiếu Mỹ là nơi gởi tiền an toàn nhất trong hoàn cảnh kinh tế thế giới suy sụp hàng ngày. Trung Quốc cũng chẳng thương tiếc gì khi Mỹ gặp khó khăn, nhưng nếu không giúp đỡ thì khủng hoảng lan tràn không biết đến đâu mà lường, hàng hoá không bán được ra nước ngoài thì dân chúng thất nghiệp oán than và đôi khi còn sinh ra nội loạn.

Trước đó Bắc Kinh đã bắn tin muốn dùng chữ G2, là một cách ngỏ ý Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn là hai nền kinh tế hạng 1 và 3 toàn cầu hợp tác chia đôi thiên hạ (!) - bỏ qua Nhật Bản dù ở hạng 2 nhưng kinh tế trì trệ 20 năm nay, và bỏ cả khối G8 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Ý, Canada). Tiếp đó một viên chức cao cấp trong ngành tài chánh nói rằng Trung Quốc không có cách gì khác là phải tiếp tục gởi tiền vào Hoa Kỳ, trái với những tin trước đây là Bắc Kinh đang tìm những thị trường mới bên ngoài nước Mỹ. Nền kinh tế hai nước Mỹ-Trung bị ràng buộc vào nhau: Mỹ cần tiền Trung Quốc để phục hồi kinh tế, Trung Quốc cần nền kinh tế Mỹ mạnh để xuất cảng hàng hoá.

Chuyến đi của bà Clinton nhằm trấn an giới tài chánh, rằng Bắc Kinh một mặt sẽ không rút tiền mà còn cho vay mượn thêm thì đôi bên cùng có lợi. Chẳng những thế mà Trung Quốc còn sẽ hợp tác với Hoa Kỳ trong hai vấn đề gai góc khác: về môi trường giảm thiểu khí thải làm nung nóng bầu khí quyển, và về an ninh đối với Bắc Triều Tiên và Iran. Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ đòi nhượng bộ ở những điểm nào?

Trước khi sang Trung Quốc, Ngoại Trưởng Clinton đã nhấn mạnh rằng nhân quyền, tuy quan trọng, sẽ không làm thay đổi quan hệ giữa hai nước. Rồi đây lập trường này cũng sẽ áp dụng cho các vấn đề khác nhạy cảm đối với Bắc Kinh như Tây Tạng, Miến Điện, Đài Loan. Mỗi người có thể có cách nhìn khác nhau, nhưng theo người viết thì đây không phải là những trao đổi song phương mà dựa trên thực tế khách quan: Hoa Kỳ trong hoàn cảnh phải tự cứu mình trước hết, kêu gọi nhân quyền hay độc lập dân tộc mà không có thế lực kinh tế chính trị đi kèm thì không có hiệu lực.

Trung Quốc yêu cầu hai điều, là: Hoa Kỳ không bảo hộ mậu dịch và duy trì tự do đầu tư. Trước hết về quyền đầu tư, Bắc Kinh nhắm mua một phần các công ty Mỹ mà giá trị cổ phiếu xuống thấp nhất từ nhiều chục năm nay; mặt khác các cơ sở này cũng cần được tiếp hơi để có tiền tiếp tục hoạt động. Nhưng Trung Quốc có lẽ sẽ nhớ bài học năm 2005, bị Quốc Hội Hoa Kỳ ngăn cản khi định mua hãng dầu Unocal, nên lần này Bắc Kinh sẽ không nhắm vào các công ty thiết yếu cho kinh tế và an ninh xứ Mỹ.

Bảo hộ mậu dịch là một thử thách lớn nhất và phần nào nằm ngoài tầm tay của cả Bắc Kinh lẫn Hoa Thịnh Đốn. Cuộc khủng hoảng toàn cầu tạo ra nạn thất nghiệp tại nhiều nước; các quốc gia Đông Nam Á, Đông Âu, Trung Nam Mỹ sẽ phải phá giá đồng bạc để hỗ trợ cho xuất cảng. Bắc Kinh, và ngay cả Tây Âu bị vào thế phải hạ giá tiền tệ để cạnh tranh. Như vậy chỉ còn đồng đô-la lên giá dẫn đến tình trạng dân Mỹ chi xài nhiều mà sản xuất ít, thâm thủng mậu dịch và mất công ăn việc làm như suốt 15 năm qua. Giá chứng khoán và địa ốc xuống, việc làm khó tìm, nếu dân Mỹ bất mãn và Quốc Hội Mỹ có những biện pháp giới hạn mậu dịch, thì cho dù Bắc Kinh và toà Bạch Ốc có phối hợp cũng khó cản làn sóng bảo hộ lên cao.

Trở lại Trung Quốc, họ có 2 ngàn tỉ Mỹ-kim thì sẽ chi dùng như thế nào trong giai đoạn khủng hoảng? Số người thất nghiệp lên đến 20 triệu, Bắc Kinh sẽ chi $586 tỉ kích cầu trong nội địa (nhưng rất nhiều nhà quan sát nghi ngờ về món tiền này có thật để sử dụng hay không). Có lẽ họ sẽ mua thêm 300-500 tỉ công khố phiếu Hoa Kỳ, tuỳ theo giá trị đồng đô-la lên xuống và mức độ hợp tác giữa hai chính quyền. Đầu năm 2007 Trung Quốc đã cho biết sẽ lập một quỹ đầu tư ra nước ngoài trị giá 1 ngàn tỉ đô-la, thì giờ đây là cơ hội họ tiến vào các thị trường chưa bị Âu-Mỹ thống lĩnh nhằm bảo đảm nguồn tài nguyên cho sự phát triễn lâu dài: 41 tỉ chỉ riêng trong tháng 2-2009 vào các công ty dầu hỏa tại Nga, Venezuala và Brazil; 21 tỉ vào 2 công ty khoáng sản của Úc. Bắc Kinh cũng còn rất rộng rãi cho các nước Phi Châu vay mượn tiền để đổi lấy các ưu tiên khai thác quặng mỏ. Có lẽ mỏ bô-xít tại Tây Nguyên Việt Nam cũng nằm trong chương trình đầu tư gấp rút này.

Tóm lại, hiện cả hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đều cùng gặp nhiều khó khăn. Nhưng Trung Quốc ở vị trí thuận lợi hơn để cung cố vị thế chiến lược một khi cơn khủng hoảng qua đi.


Đoàn Hưng Quốc
© Thông Luận 2009



No comments: